Xuất thân là một nhà giáo rất yêu nghề từ Việt Nam… nên khi sang Mỹ tôi chỉ có một ước nguyện "được tiếp tục hành nghề giáo dục". Dịp may đưa đẩy và đã khiến tôi có được cơ hội theo học lớp "phụ giáo" và sau thời gian ngắn lấy "License" để trở thành một phụ giáo chánh thức!
Từ giấc mơ, nay trở nên sự thật. Sau kỳ hè năm 93 tôi được nhận vào làm việc tại một trường cấp 2 (intermediate school) tại Charlotte (N. California).
Đa số học sinh tại đây là gốc dân da màu gồm: Mỹ đen, Mễ và một số ít học sinh gốc Á Châu, mà trong đó chỉ có 14 em học sinh Việt cả nam lẫn nữ!
Tôi được chỉ định làm phụ giáo cho cô giáo Dothory, người Mỹ gốc Anh. Dothory là một giáo viên trẻ, năng động, yêu nghề, thương yêu học sinh và rất chân tình, lịch thiệp với tất cả mọi người. Cô đón nhận tôi làm phụ tá cho cô một cách ân cần vui vẻ và hiểu biết. Cô luôn luôn chỉ dẫn, giúp đỡ tôi trong mọi lãnh vực trên bước "vạn sự khởi đầu nan". Lòng ưu ái và hướng dẫn của cô đã giúp tôi sớm hội nhập vào cuộc sống trong xã hội hoàn toàn xa lạ của quê hương hợp chủng này.
Nói về lương bổng của ngành giáo dục của tiểu bang này thì gọi là trung bình, mà trách nhiệm một thầy hoặc cô giáo quá nhiều. Học sinh lười biếng hay siêng năng, tốt hay xấu tại trường học cũng như ở nhà, lúc nào cũng đổ trách nhiệm cho thầy, cô giáo cả. Có điều nghịch lý là không quy trách nhiệm cho gia đình. Cha mẹ của các em.
Trái lại, luật tại tiểu bang Arkansas thì cha mẹ học sinh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về phần con em của mình trong việc học hành. Nếu cha mẹ để con cái lười biếng, không làm "home work" hai lần thì cha mẹ sẽ bị nhà trường gởi giấy "warning" hoặc để con mình nghỉ học 2 lần trong tháng (dù có lý do, có giấy chứng nhận của bác sĩ) cha mẹ vẫn bị ra hầu tòa và bị phạt vạ về tội "vô trách nhiệm với con cái" nếu nặng hơn (nghỉ trên 3 lần trong 3 tháng hoặc bỏ thi học kỳ: 2 môn học) thì sẽ bị... đi tù.
Là một phụ giáo nên tôi không chịu trách nhiệm đối với học sinh mà chỉ phụ giúp cô Dothory thêo dõi tình hình các em học sinh Việt trong trường.
Tại lớp 8 của cô Dothory có 3 em học sinh Việt gồm: 2 nữ và 1 nam ở lứa tuổi 13, 14. Các lớp 7 và 8 nằm dãy 1, các lớp 6 và 9 nằm dãy 2. Số học sinh Việt tại lớp 9 có: 5 nữ và 6 nam thuộc lứa tuổi 14 và 15…
Tuy các em phải mặc đồng phục đi học, nhưng đa số các em nam sinh thì quần áo rất lượm thượm, đầu tóc nhuộm đủ màu cắt tóc đủ kiểu. Các nữ sinh thì cũng có một số em ăn mặc theo thời trang (váy màu xanh đậm, áo thì đủ kiểu, đủ màu). Các em chia ra nhiều nhóm, riêng nhóm các em học sinh Việt rất ít nên có thêm mấy em Mỹ đen - Mỹ- Mễ- Miên- Lào... trong giờ nghỉ thường quy tụ một góc sân để nói chuyện, đùa giởn đôi khi còn lén hút thuốc lá và nói với nhau bằng liếng lóng (slang).
Việc làm ở tại trường cũng khá nhàn nhã, nên thời gian qua nhanh, thắm thoát cũng vừa tròn một niên học.
Trong kỳ nghỉ hè 94, có thêm một gia đình tỵ nạn diện HO từ Việt Nam mới sang định cư. Đó là gia đình của Hữu, một chiến hữu cùng đơn vị tôi trước năm 1975, gia đình có 5 con gồm 3 trai và hai gái, nhưng chỉ còn hai cháu gái và cậu út còn đi học.
Hồi còn ở Việt Nam, thời kỳ 1973, mấy con lớn của Hữu đi thi tú tài, đã nhờ tôi gởi gấm các bạn bè ngành giáo dục nâng đỡ trong các kỳ thi, do đó… nay sang My, Hữu cũng nhờ tôi xin cho con út anh vào học tại trường, nơi tôi đang làm việc! Tôi đã giải thích cho Hữu biết: Việc xin nhập học bất cứ ở trường nào trên đất Mỹ, chỉ cần mang đầy đủ giấy tờ hợp pháp là xin được ngay… chẳng cần phải nhờ cậy như Việt Nam. Nhưng có điều tôi khuyên Hữu: hãy xin trường khác tốt hơn, vì trường này tuy gần nhà, nhưng tình trạng kỷ luật ở đây không tốt, nên đa số học sinh ở đây kết bè lập đảng, kình chống nhau, gây sự và kỳ thị nhau (đối với học sinh gốc á Châu) lại còn thêm tệ nạn hút thuốc lá- lẫn ma túy!
Vợ chồng Hữu tỏ vẻ không vui, vì nghĩ rằng tôi "bịa chuyện" để có lý do từ chối…Hữu quay sang vị Mục sư sở tại để nhờ giúp, nhưng vị này cũng có lời khuyên như tôi đã nói với Hữu!
Ngày khai trường niên học 94- 95, con trai út Hữu cũng được nhận vào lớp 8 (vì căn cứ vào bài thi khảo sát, trường đã xếp cháu Hưng vào lớp 8, chớ không được lớp 9 như gia đình đã xin) Hữu lại tìm đến tôi nhờ can thiệp. Tôi đưa Hữu đến gặp cô Debby, trong ban giáo vụ của trường. Cô xem hồ sơ và trả lời với Hữu là: Con anh chưa đủ điều kiện học lớp 9!
Dù mới sang Mỹ 6 tháng và vào trường học 4 tháng, nhưng Hưng đã lẹ làng nhập cuộc với các nhóm lớp 9 một cách ăn ý. Từ cách ăn mặc, nói năng sinh hoạt đều rất hợp ý nhau…Có đôi lúc, tuy cũng "như là đi học' nhưng thật sự các em không đến lớp mà rủ nhau đến các chỗ giải trí để chơi "game điện tử".
Hằng năm, vào những ngày lễ Memorial Day, nhà trường tổ chức đi camping hoặc đi thăm mộ các chiến sĩ tại các nghĩa trang thành phố, thì nhóm học sinh Việt thường lẻn ra một nơi xa các thầy cô giáo, để hút thuốc hoặc ma túy. Nhiều lần tôi bắt gặp, thì các em thường tản ra và bỏ đi…Biết được như thế, nhưng tôi chẳng dám hé miệng với ai về việc làm sai trái của các em…Điều mà tôi lo sợ nhiều, là các em còn có súng trong "túi đựng sách vở" của các em.
Cuối niên học 95, tôi quyết định xin nghỉ việc và moved sang tiểu bang khác tìm việc làm! Vì sợ sau này, nếu lỡ bị nhà trường phát hiện, hoặc cảnh sát biết việc làm không tốt của các em, chắc chắn tôi sẽ là đối tượng mà các em nghi ngờ và bản thân tôi cũng chẳng được bình an, nên tôi xin nghỉ trước tốt hơn.
Nghe tin tôi xin nghỉ việc, cô giáo Dothory rất ngạc nhiên, vội đến nhà vặn hỏi tôi cho biết lý do, trong đó cô có hỏi rằng: "Có điều gì mà cô đã làm phiền tôi không"".
Tôi xin lỗi cô, chỉ trả lời: "Tôi rất kính mến cô, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt tôi phải "move" và tôi hứa sẽ gọi phone trả lời câu hỏi của cô, khi tôi đến nơi cư trú mới.
Sau khi có việc làm và chỗ ở ổn định, tôi bèn gọi cô giáo Dothory. Nghe tin tôi cô mừng lắm, sau khi nghe tôi cho biết lý do tôi bỏ đi. Cô cám ơn tôi, vì tôi đã không có điều gì phiền giận cô, và ngược lại, cô báo cho tôi một tin buồn:
Chỉ còn 5 ngày nữa là khai trường niên học 95- 96, cảnh sát đã đưa ra tòa 11 học sinh ở trường Richmond như sau:
- 2 em Mỹ đen - 2 Mexican- 1 em Lào
- 1 em nữ (Kampuchia) và 5 em Việt nam (gồm 2 nữ + 3 nam). Trong đó có Hưng (con của Hữu bạn của tôi).
Tòa đã xử: Từ 11 tháng đến tối đa 3 năm tù giam.
Tội danh: Trộm cắp, xử dụng vũ khí bất hợp pháp và hút ma túy.
Nghe cô Dothory kể xong câu chuyện, tôi thật sự đã toát mồ hôi, như một người vừa thoát được tai nạn.
Tôi cám ơn lời mời gọi trở lại trường của cô, vì tôi đã ở xa ngàn dặm rồi.
*
Cuối năm 1999, tôi quay về lại Nam Cali và quyết định định cư luôn tại miền nắng ấm này, tôi gặp lại Hữu, giờ đây Hữu đã thật sự hiểu và xin lỗi tôi, chúng tôi đã thông cảm và vui vẻ với nhau.
Gia đình Hữu cũng bỏ Charlotte, nơi mà con út anh thọ nạn, moved về Nam Cali với hy vọng: nơi thủ đô tỵ nạn này còn có nhiều thân hữu, đồng hương, có thể dễ sống hơn…
Qua cơn ác mộng, nay đứa con hoạn nạn của Hữu cũng đã học được một bài học quý và hiện Hữu cũng đã là một technician điện tử có License đang làm việc cho một hãng điện tử.
Đầu năm 2000, con trai Hữu là Hưng bị mất việc…và xin apply vào làm cùng hãng với tôi, hai chú cháu tình cờ gặp lại nhau trong cùng một xưởng sản xuất linh kiện điện tử, vừa mừng vừa ngượng. Hưng đã chào hỏi tôi..Tôi cũng rất cảm động với chân tình của Hưng… Sau đó, trong một buổi ăn Lunch, Hưng vừa ăn vừa kể cho tôi nghe về cuộc đời của cháu trong những bước đầu đến Mỹ:
Đặt chân lên đất Mỹ, gia đình cháu cứ tưởng như mình được rơi vào một hành tinh xa lạ. Mọi người trong gia đình ai cũng bở ngỡ- lo lắng- sợ sệt, nhưng rồi cũng nhờ có hội USCC cử người đón rước, lo mọi thủ tục giấy tờ đến nơi ăn chốn ở, nên gia đình cũng an tâm phần nào. Mọi sự việc đều ổn định, bố cháu bèn hỏi thăm bạn bè và tìm gặp chú để lo cho cháu được vào trường cho kịp niên học mới! Từ nhà chú trở về bố cháu có vẻ thất vọng và buồn lắm, chỉ thở dài và than thở: sang đây bạn bè cũng chẳng ai muốn giúp đỡ, rồi tuần lễ sau, có vị mục sư đến thăm và hướng dẫn bố cháu. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ, ông ta bảo bố cháu gọi cháu cùng với bố sửa soạn, để ông đưa đến trường Richmond xin cho cháu ghi tên nhập học.
NAM HUỲNH