Hôm nay,  

Mùa Vu Lan Nhớ Ơn Bố Mẹ

13/09/200100:00:00(Xem: 153665)
Bài tham dự số: 02-347-vb30911


Tháng bảy là mùa Lễ Vu Lan, mùa báo hiếu. Có lẽ do tích người con hiếu thảo là Mục Kiều Liên đi tìm mẹ, giải thoát mẹ ra khỏi địa ngục, nên mùa báo hiếu này hầu như được dành hướng về Mẹ nhiều hơn về Cha.
Chúng ta đều hiểu, trong gia đình, người Cha là cột trụ, góp phần quyết định cuộc sống. Người cha ít được nói đến có lẽ vì người Cha thường làm việc bên ngoài nhiều hơn, khi về nhà đôi khi phải thông qua vợ mà biết tình hình con cái. Cha thường ít nói hơn mẹ nên hầu như ít chuyện để kể vể công lao Cha. Với ý nghĩ ấy, tôi viết bài này để hồi tưởng lại quãng đời đã qua của gia đình mình kính tặng Bố Mẹ nhân mùa Lễ Vu lan.
Cha tôi không phải đi học tập như những bạn khác năm 1975 vì ông đã về hưu non trước đó vài năm. Nhưng trong ký ức thơ dại của mình, tôi nhớ lúc xưa cha ôi "oai ơi là oai". Nhờ ông, cuộc sống của tuổi thơ chúng tôi thật sung sướng.
Tôi nhớ ngày đa số cư dân thành phố còn đi xe đạp hay velo Solex thì nhà tôi đã có chiếc Vespa to đùng mà lúc bé tôi hay gọi xe bình bịch. Cha tôi thường chở cả nhà lúc đó mới có anh tôi và tôi đi chơi , anh tôi khi đi học mẫu giáo thì được cho vào học trường tư Cửu Long nổi tiếng thời đó.
Tôi nhớ mang máng khoảng sau vụ đảo chánh năm 1963 thì Cha tôi bị đổi về Minh Hải làm việc, mỗi tuần ông đều về thăm nhà và lần nào cũng mang cả bao tải củ ấu luộc ăn ngọt và bùi vô cùng, lúc nào tụi tôi cũng được ăn mặc đẹp nhất xóm, quần áo thì mua ở các hiệu nổi tiếng đường gia Long.
Thời bấy giờ có loại đồ chơi nào mới ra ông đều mua cho anh em chúng tôi, toàn đồ chơi chạy bằng pin, và trong nhà thì có tiện nghi nào mới ông đều sắm cho mẹ tôi đầy đủ , máy giặt , bếp gaz, tủ lạnh TV tôi nhớ lúc đó còn khan hiếm ít nhà có , nhà tôi có 1 cái TV đen trắng hiệu Shaps 19 inch. Với bản tính trẻ con tôi và anh tôi lấy giấy xé ra làm vé phát cho đứa nào mình thích, rồi mỗi tối tụi nó tụ họp lại trước cửa chờ vào xem, đứa nào vào tôi cũng xét xem chân nó có rửa sạch chưa mới được vào, đứa nào không sạch bắt về rửa, những đứa không được vào thì đứng ngoài cửa sổ thèm thuồng ngó xem, và hy vọng mai có thể tới phiên mình!
Đến năm 1966 thì cha tôi mua xe hơi, lúc đó trong xóm nhà tôi là nhà có xe hơi đầu tiên, mặc dù không phải giàu có gì so với các nhà doanh thương khác, nhưng với công chức như vậy là giỏi rồi. Cha tôi vừa làm công chức vừa buôn bán thêm. Tính ông hiền lành ít nói, có lần em tôi làm lỗi ông lấy cây roi ra, nó sợ quá trèo lên cây táo trước nhà trốn, làm ông phì cười và làm như không tìm thấy nó.
Cứ cách 5 năm thì Cha mẹ tôi cho ra đời thêm 1 đứa con. Ông bà có tất cả 4 người con trai và 1 gái. thường cuối tuần Cha tôi chở vợ con đi ăn tiệm hoặc đi Vũng Tàu tắm biển, thỉnh thoảng dùng ngày phép thường niên đi chơi xa hơn như đi Đà lạt rồi ghé các tỉnh lân cận, trên đườøng đi thật thú vị. Mẹ tôi ở nhà nội trợ như bao người đàn bà khác, vun quén cho gia đình.
Trong cuộc sống làm ăn không phải lúc nào cũng suông sẻ, có những cạm bẫy tưởng như tiêu tán sự nghiệp nhưng nhờ tính đồng chung cộng khổ Mẹ đã cùng Cha qua được giai đoạn sóng gió đó.
Năm 75, khi chiến cuộc lan rộng, gia đình tôi đã phải đón rước gia đình bác tôi di tản từ Qui nhơn vào, sau đó đến gia đình người Bác từ Vũng tàu vào thì biết là tình hình căng lắm rồi. Trước đó Cha tôi đã nhờ người quen lo sẵn giấy tờ để di tản bằng máy bay, (Cha tôi biết không thể nào sống được dưới chế độ Cộng sản nên đã lo trước) nhưng khi nghe nói phi trường bị pháo kích, ông không thể mang chúng tôi vào kịp. Vậy là cả nhà phải ở lại chịu trận.
Khu nhà tôi ở thuộc ngoại thành nên Cha tôi khuyên Mẹ tôi cho tụi tôi lánh vào thành phố còn ông ở lại giữ nhà, lúc đó Cha tôi lại bị cơn đau bao tử hành hạ nên không có suy nghĩ được gì.
Tình trạng đàn ông đi làm trước 75 là chuyện thường tình, nhưng sau 75 cuộc sống bắt đầu khó khăn. Tiền bạc , đồ đạc bán đi ăn dần, cha tôi lại mang chứng bệnh đau bao tử kinh niên, không ăn uống gì, đau thì ngồi ôm bụng rên hừ hừ, cũng may có một giai đoạn gia đình Ông Bà ngoại tôi còn ở lại ngoài Bắc năm 1954 và gia đình tôi vẫn liên lạc qua Bác họ tôi ở Pháp. Ông bà ngoại biết tin tức gia đình tôi còn kẹt lại, thay vì vào Nam vơ vét như mọi người khác thì cả nhà Ông Bà và các Cậu, Dì tôi ở ngoài đó gom góp những gì có thể được mang vào tiếp tế cho chúng tôi: thuốc, đường, sữa, bột ngọt. Bà ngoại tôi còn làm cả ruốc chà bông nữa. Hàng hoá được phân phối hàng tháng ở chế độ XHCN ngoài Bắc thời ấy chẳng có bao nhiêu, ông bà Ngoại phải bán cả chiếc xe đạp mà ngày xưa gia đình tôi gửi qua Pháp biếu, mang tiền vào cho gia đình tôi, trong khi chính gia đình ngoài đó thì đâu có khá giả gì. Một miếng khi đói bằng gói khi no. Chúng tôi mang ơn ông bà ngoại rất nhiều.
Bà ngoại tôi nói khi cả nhà biết tin các con còn ở lại thì thương quá, và tức mình sao tụi nó không đi" Tụi nó đang ăn sung mặc sướng bị thế này sao không khổ cho được. Mẹ tôi nói ngày xưa năm 1954 Bà ngoại tôi đã dọn vào hết trong Nam này rồi, nhưng Ông ngoại không chịu vào nên Bà lại đi chuyến tàu chót trở ra, còn Ông nội tôi cũng thế, nghe Cha Mẹ tôi đi Nam Ông bị CS tuyên truyền nên nói "Chúng mày vào đó chúng cho xuống tàu há mồm thả hết xuống biển cho chết, thầy không đi đâu", sau này Cha tôi gặp 1 người cùng quê vượt tuyến được nói Ông nội tôi bị đấu tố nhưng nhờ các tá điền cũ nhớ ơn nghĩa nên còn được sống sót. Chúng tịch thu nhà cửa ruộng vườn rồi cho ở một căn chòi lá bên cạnh nhà của mình, Ông rất ân hận là đã tin lời chúng. Ông bịnh và mất sau đó mấy năm.
Tôi nhớ khi tiền đã cạn từ từ thì Mẹ tôi và anh tôi phải theo bà Bác đi buôn bằng tàu hoả SG- Qui Nhơn. Mỗi chuyến đi vài ngày, đêm hai Mẹ con phải ra sân ga nằm ngủ giữ chỗ, lạnh lẽo, nặng nhọc, chen chúc trên tàu, đôi khi còn bị mất cắp hàng hoá nữa. Tình đời, khi mình khá giả thì họ coi trọng, còn khi sa cơ thì đối xử tàn tệ, gia đình tôi cũng không thoát khỏi cái cảnh mấy bà Cô hắt hủi coi thường khi mình đến chỉ để ngủ nhờ qua đêm thôi.
Mẹ tôi cũng như bao người đàn bà khác thời đó, đang từ người nội trợ trong nhà nay tự dưng biến thành người chủ tháo vát nuôi gia đình. Mẹ và anh tôi đi buôn hàng chuyến một thời gian thì mệt quá nghỉ, quay qua mua gạo, tôm khô về bán. Mỗi sáng tôi và Mẹ chở từng bao gạo một bày ra ngoài đường bán, đến chiều thì mẹ con lại đi xe buýt ra xa cảng miền tây mua hàng, rồi thuê xe xích lô máy về.


Tôi nhớ có lần một bà coi nhà quê lắm, ôm cái giỏ lát đến nói:
-Cho tôi mua 20 ký gạo.
Gạo đong xong, bà ta chỉ qua bên kia đường nói:
-Ông già tôi ngồi bển giữ tiền. Tôi gởi cái giỏ đồ ở đây chạy qua bển lấy tiền qua trả.
Bên kia đường quả có ông già đang ngồi đợi. Bà ta để giỏ đồ lại, ôm gạo băng qua đường. Thêm vài người khách lu bu vây quanh hỏi han, chừng nhớ lại, nhìn qua đường thì không thấy bà ta cũng như ông già đâu. Mở cái giỏ bà ta bỏ lại ra coi thì trời ơi toàn mùng rách không à. Vậy là mất cả vốn lẫn lời, hai mẹ con đều khóc vì tức và tủi thân mình đã nghèo đi bán cực khổ mà còn bị lừa!
Cha mẹ tôi ngày xưa lúc có tiền Ông Bà giúp vốn, hay hùn hạp làm ăn với người ta, đến khi mất nước ai cũng đói khổ tiền đâu họ trả nợ cho mình, biết vậy nên thay vì chờ người ta đến khất nợ thì Cha mẹ tôi đến từng nhà họ nói sẽ xoá nợ cho họ, vì sợ họ mang nợ mình mà không trả được thì họ sẽ mang tội. Ai cũng mừng cám ơn Cha mẹ tôi và nói không bao giờ quên ơn đó.
Khi Cha tôi đau nặng quá rồi thì mới đưa vào cấp cứu ở bệnh viện Bình dân, cũng may lúc đó còn mấy Ông Bác sĩ cũ, họ nói Cha tôi phải mổ sau đó bị cắt đi bao tử. Lạ thay sau khi mổ thì Cha tôi lại ăn khoẻ hơn ngày xưa, chắc bù lại những lúc đau ăn không được.
Thực phẩm khan hiếm, hàng ngày mọi người thay phiên đi chầu chực lĩnh bánh mì hay khoai lang về ăn, ăn không hết mang phơi khô, rồi nấu độn với cơm. Cha tôi nghiện thuốc lá Salem, ngày xưa lúc nào trên xe Ông cũng để sẵn 1 cây thuốc và trong nhà 1 cây thuốc lá, tiện đâu cũng có thể lấy được. Bấy giờ ăn còn không có lấy đâu thuốc lá, Ông mới đi mua thuốc rê về hút, mua nhằm thuốc giả làm toàn bằng lá đu đủ, làm ông đau thêm trận nữa, bác sĩ nói tại ông hút thuốc đó nên bị, ông sợ quá nhịn hút được một thời gian.
Sau này có người chỉ Cha tôi làm (nước) đá cây bán, tuy có tiền nhưng thật vất vả, phải canh giờ lấy đá dù khuya khoắt, nặng nhọc. Lấy xong phải mang từng cây nước đá ủ vào thùng, sắp sẵn lên xe cho các anh, em tôi chở đi giao cho người ta.
Chở 1 thùng đá nặng cả mấy chục ký bằng xe đạp đi bỏ mối, nhà tôi ở ngay chân cầu Saigon nên phải đi qua cái cầu xa lộ cao và dài cả cây số để bỏ cho khách ở Tân cảng và đi ngược lên Thủ đức cả 5 cây số, các anh em tôi đều tham gia, đứa lớn thì đi xa đứa nhỏ thì đi gần. Cha tôi thức khuya dậy sớm làm cực khổ, nhưng đâu phải yên vì là làm lén lút nên tụi xã nó đến xét và làm khó dễ hoài, phải đút lót cho tụi nó khi có kiểm tra thì báo, nhưng có khi tuị khác đi bất ngờ thì bị tịch thu cả đồ nghề làm đá nữa. Mất hết lại kiên trì làm lại, đến khi tích luỹ được 1 số tiền thì Ông tìm đường cho cả gia đình vượt biên. Sau mấy lần bị lừa, cuối cùng tiền cũng cạn dần chỉ đủ cho 2 người, thế là Cha tôi cùng người em kế lên đường. Cũng may lần này trót lọt và Ông được định cư tại Mỹ.
Qua đây tuổi đã lớn, gánh nặng gia đình nuôi vợ và 3 con , và các cháu ở VN, cộng với nuôi 1 đứa ăn học bên này, và 1 đứa em trai tôi đi vượt biên bằng đường bộ qua ngả Campuchia, nhưng đi nhằm lúc Liên hiệp quốc tuyên bố đóng cửa trại tỵ nạn. Số thằng bé này cũng lận đận, lần trước đi bị bắt tù cả tháng, ở nhà không biết tin tức gì bỗng thấy nó lù lù về. Tới được trại tỵ nạn, nó phải ở đây mấy năm chờ thanh lọc vì đi sau khi đóng cửa trại tỵ nạn.
Cha tôi làm nghề ủi đồ cả hơn 15 năm. Vì nếu đi làm hãng thì làm sao đủ tiền nuôi cả từng ấy người. Ngưòi ta qua cả gia đình chia nhau đi làm và học thêm còn Cha tôi vì muốn cho con học nên hy sinh nuôi tụi nó cho đến khi Ông đã đón tất cả vợ con và các cháu nội ngoại qua đầy đủ ông mơí vui và hài lòng. Hiện nay, Ông bà có tất cả 5 con + 5 dâu rể + 10 đứa cháu nội ngoại, đứa nào cũng thành tài, mà chưa hề nghe Ông than thở kể lể công lao của mình, vẫn tiếp tục làm đến hơn 71 tuổi mới nghỉ, vì ông nói ngồi không ông không chịu được.
Bây giờ cha tôi không còn đi làm nữa. Mấy năm nay, ông lĩnh nhiệm vụ đưa đón các cháu đi học, Ông vẫn khoẻ mạnh, cuối tuần chở Mẹ tôi đi Little Saigon chơi, hoặc lại nhà các con, nếu chúng không tụ họp lại được, cắt cỏ làm vườn, suốt ngày ngoài vừơn trồng cây, đó là thú vui của Ông.
Nhìn Ông Bà mỗi năm một già đi tôi thấy thương quá, quả thật cho đến bây giờ con cháu thành tài, gia đình trọn vẹn, vui vẻ, và Ông thì chỉ có ngồi cười khi con cháu bàn tán, và quay qua hỏi ý kiến cụ.
Khi nhà có tiệc vui Cha tôi chỉ đi quanh quẩn xem thiếu cái gì hay ai cần gì thì giúp, hỏi sao Bố không ăn gì cả thì ông cườøi và nói:
-Nhìn các con đầy đủ vui vẻ là Ông no rồi !.
Mẹ tôi bây giờ đã gần 70, mà vẫn còn trông được 2 cháu nhỏ con thằng em út, mà ở xứ này có bà trông con không lấy tiền công là nhất rồi. Mấy đứa cháu hầu như đứa nào cũng đều qua tay Bà chăm sóc. Tuy tuổi 70 nhưng nay mẹ tôi đã có thể "ăn diện". Tuần nào bà cũng ra tiệm cho ngưòi ta chải đầu như hồi còn trẻ.
Nhà Cha mẹ tôi bây giờ gọi là nhà giữ trẻ thì đúng hơn vì đứa nào bận cũng đều thẩy con qua Ông bà trông rồi yên chí đi, có bận việc không đón con được cũng kêu Ông đón dùm. Mấy đứa nhỏ cũng mê nhà ông bà, nhiều khi bố mẹ kêu về tụi nó còn nhùng nhằng không chịu về, nói con còn làm cái này cho bà, hay con còn trông em bé phụ Bà. Cuối tuần con cháu hay tụ họp lại nhà Ông bà vì vừa tán dóc vừa có ăn ngon, mẹ tôi nấu ăn ngon lắm và lúc nào cũng có thể chế biến món ăn ngay cho mọi người khi được yêu cầu.
Ông bà cũng còn hay đi Lễ chùa ngày rằm, mùng một hoặc gọi điện thoại nói chuyện với các bạn già ngày xưa.
Đối với con cháu, công lao Cha Mẹ thật to lớn kể làm sao hết được,Cha Mẹ tôi hướng dẫn giáo dục, giúp ý kiến những việc chúng tôi tưởng chừng bế tắc, hoà giải những xung đột , hiểu lầm nếu xảy ra, trong gia đình riêng của anh em chúng tôi, bao giờ Ông bà cũng vun quén xây dựng cho con cháu, và còn giúp vốn cho chúng tôi mua nhà trả dần tuần tự từ đứa này đến đứa. Có lẽ do bản tính hiền lành và nhân hậu như vậy nên Ông bà mới hưởng phước ngày hôm nay.
Thưa Bố thưa Mẹ, nhân mùa Vu Lan, chúng con cầu mong Trời Phật phù hộ cho Bố mẹ nhiều sức khoẻ, để sống đời an vui với con cháu.

Vu Lan 2001
Anh Nga

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,304,207
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo