Hôm nay,  

Đổi Thay Kiếp Người

13/09/200100:00:00(Xem: 190083)
Bài tham dự số: 02-348-vb40912


Không biết ông có thói quen dậy sớm từ bao giờ. Hớp một ngụm trà bông sen nóng hổi thơm phức bay lên mũi khiến sảng khoái cả con người.
Nhìn bao quát khu vườn bách thảo thu gọn, với đủ loại hoa và cây ăn trái mà ông thích nhất. Căn nhà này khá lớn tọa lạc trong một khu gia cư giàu có, người con gái và người con trai đã mua tặng ông để an dưỡng tuổi già, nghĩ về chúng ông thường rưng rưng nước mắt. Có người cha nào mà không hãnh diện về những người con hiếu thảo như thế, ấy vậy mà ông vẫn thường thở dài hình như ông có một tâm sự nào đó. Đặt ly trà xuống cái bàn nhỏ kê ở giữa cái patio ông bắt đầu rảo bước đi chung quanh con đường tráng xi măng, thỉnh thoảng ông dừng lại bên cây hoa hoặc cây chanh ngắt bỏ đi những cái lá đã úa vàng, dừng bên hòn non bộ hay hồ cá vàng thảy xuống thức ăn cho những con cá đang đói ăn, những con cá tranh ăn vẫy đuôi làm văng nước lên cả người ông. Cái thói quen trưởng giả này ông không hề nghĩ rằng gần đến cuối cuộc đời ông lại còn có thể được tận hưởng. Hơn 72 tuổi rồi còn gì. Dĩ vãng quay trở về cho một khúc phim cũ, ông là một đứa con nuôi sinh trưởng trong một làng quê miền bắc thuộc tỉnh Nam Định, cha mẹ ông là ai ông cũng không biết, chỉ biết rằng khi ông đủ trí khôn thì ông đã đươc nhận sống trong một gia đình khá giả. Vì nhà là toàn con gái nên ông được giao trông coi việc nhà và làm ruộng, và cũng đã được cho đi học hết bậc tiểu học, vào thời của ông không bị mù chữ là may mắn rồi. Lần di cư thứ nhất từ bắc vào nam từ giã cha mẹ nuôi vào miền nam với những năm làm việc quần quật cuộc sống khổ nghèo của ông cũng chẳng khá hơn gì, cái số ông là nghèo khó suốt kiếp sẽ không ngóc đầu lên nổi, thôi thì đành chấp nhận số phận vậy, ông thường lẩm cẩm một mình, ông đã lập gia đình và có được mấy người con, nhưng cái nghèo lại càng bám riết ông hơn.
Cuộc di tản năm 1975 ông theo đoàn người rời khỏi nước và được chấp nhận tạm trú tại một thị xã nhỏ miền tây nước Mỹ, để lại sau lưng cả gia đình sau cơn hốt hoảng ông chỉ thoát đi có mình ông. Sau những năm được hưởng trợ cấp ông bắt đầu nai lưng ra làm việc, thật là vất vả cho ông khi phải đi kiếm việc làm. Tự nhiên ông thành người câm điếc và mù chữ, một chữ tiếng Mỹ cũng không biết. May mắn cho ông những nhà hàng bắt đầu mọc ra ở nơi thị trấn vỏn vẹn có hơn 15 ngàn người Việt, ông xin được việc rửa chén và nhặt rau như vậy là quá tốt cho ông rồi, sau này ông chuyển qua làm cho một super market, dĩ nhiên là chợ Việt rồi. Nhờ bản tính cần cù siêng năng, hiền lành và thật thà ông đã được người chủ tin tưởng giao cho ông đủ thứ công việc từ nhặt rau, cắt thịt, dọn dẹp tiệm, ôi thôi đủ thứ công việc hằm bà lằng không tên. Nhờ vậy sau vài năm ông đã để dành được mấy chục lạng vàng, đó là chưa kể tiền gởi về hàng tháng cho vợ con bên nhà. Nhờ sớ tiền gởi về, những bức hình sau này gởi qua ông thấy vợ con ông béo trắng lột xác không giống gì con nhà nghèo cả.
Cuộc sống độc thân cứ như vậy trôi qua cho đến một ngày ông dọn về ở chung với người bạn trẻ làm chung chợ, bản tính ông nhút nhát không dám lăng nhăng, mà cũng chẳng có người phụ nữ nào thèm đến ông vì ông nghèo, mặc kệ cho những lời đùa cợt của đám người làm công trẻ đòi rủ ông đi Mễ thăm các nàng kiều ông chỉ biết cười trừ, cuộc sống an nhàn dư thừa đã đánh động đến cõi lòng ham muốn, đôi khi nằm trăn trở một mình ông cảm thấy rất là bức rức khó chịu, nổi nhớ vợ lại tràn dâng trong lòng, thôi thì ráng chịu vài năm nữa trong khi bảo lãnh vợ con ông qua. Ngày qua ngày, cuộc sống bình thản đến chán, cho đến một ngày ông bất chợt gặp một người đàn bà đi lên cầu thang trong khi ông sửa soạn đi ra đón xe bus để đi nhà thờ, bởi vì ông là dân Bắc đạo gốc chính gốc và rất ngoan đạo, khẽ gật đầu chào người đàn bà và thấy bà ta đi vào căn phòng cạnh sát bên căn phòng ông. Giời ơi, sao ông thấy người đàn bà này toát ra một vẻ quyến rủ lạ thường. Suốt buổi lễ chiều hôm đó ông bị chia trí không tập trung tư tưởng được, hình ảnh người đàn bà cứ lãng vãng trong đầu óc ông, càng đọc kinh cầu nguyện ông càng bị tấn công dữ dội, lửa lòng ông đang bùng cháy. Từ sau buổi chiều ấy ông thường xuyên gặp lại người đàn bà, cũng vẫn những câu chào hỏi thông thường, thỉnh thoảng ông mang từ chợ về những món thức ăn đem biếu người đàn bà, không dụng ý gì cả ông rất klà thật thà nhất quyết trung thành với vợ. Người đàn bà thấy ông lơ là lại càng bám riết lấy ông, thỉnh thoảng cũng làm một số đồ ăn mang sang cho ông, tình bạn già xa quê hương trải qua thật êm đềm, đôi khi người đàn bà nói bóng gió và đưa đẩy không biết ông có hiểu cho chăng, ông hiểu chứ ông cũng là con người có những thèm muốn thể xác như bao nhiêu người bình thường khác, nhưng ông quá hiền lành sợ có lỗi với người vợ yeu quý. Có những đêm ông bật dậy ngồi cầu nguyện để cố xua đuổi nổi ám ảnh bức rức. Cơn mưa đầu mùa hè đã làm ông cảm nặng không đi làm được, đầu nhức như búa bổ nếu có vợ ở đây thì hay biết mấy, chợt có tiếng gõ cửa và tiếng dép đi vào phòng, ông ngẩng đầu lên người đàn bà đã đến bên giường ông từ lúc nào, sờ tay lên trán ông nóng hổi người đàn bà vội lấy dầu gió xanh để cạo gió cho ông, rất tự nhiên người đàn bà vạch lưng ông ra và bắt đầu xoa bóp, những ngón tay mềm mại xoa lên xoa xuống khiến ông cảm thấy thật thoải mái, cho đến một lúc nào đó người đàn bà đã ở vị trí khác, ông đã quên tất cả chỉ thấy người đàn bà thật là quyến rũ, những mơn trớn tham lam để rồi cuối cùng ông gục mặt xuống vùng tối đen sâu thẳm, người đàn bà khẽ nấc lên. Sau ngày đó ông cố lánh mặt người đàn bà, tội lỗi ông đã phạm một trong những điều răn của chúa, trong cơn yếu ớt vì bệnh ông đã không cưỡng lại được.


Rồi vợ con ông cũng qua được đó là năm 1990. Nổi vui mừng sao kể xiết, gia đình ông dọn sang nhà khác và người đàn bà đó cũng trôi vào quên lãng. Ông đúng là người cha tốt trong gia đình chỉ biết đi làm kiếm tiền về lo cho vợ con. Người con trai trưởng đi học làm thợ máy xe, người con trai kế và người con gái lớn đi học nghề nail, còn lại người con gái út năm nay cũng đã 22 tuổi theo học đại học cộng đồng 2 năm. 2 năm trôi qua nhanh chóng cho đến một ngày người con gái dẫn về nhà một thanh niên trẻ giới thiệu là kỹ sư đã ra trường mấy năm, sau những tháng qua lại người thanh niên một hôm xin thưa với ông để cưới cô con gái, ông bàng hoàng cả người suốt cả đêm ông không ngủ, thật là nằm mơ cũng không thể ngờ được, nói thật cứ như bên Việt Nam có bao giờ ông dám đèo bồng mong con gái được một người kỹ sư để ý, mặc cảm nghèo khó đã ăn sâu vào trong óc ông từ hồi còn cơ hàn. Oâng không ngờ lớn lên ở Mỹ lại có tính tình cởi mở và phóng khoáng không câu nệ, có những bữa cơm đạm bạc chỉ có cà pháo chấm mắm tôm và canh rau đay, người thanh niên ăn uống trông ra có vẻ ngon lành. Càng đến ngày gần cưới ông càng nôn nóng hơn người con gái, thế là ông mãn nguyện sắp sửa có người con rể là kỹ sư thì đùng một cái tin chẳng lành như xét đánh. Người cảnh sát gõ cửa báo tin con gái ông bị một chiếc xe tông ngang tại ngã tư, xác hiện tại nhà quàn thành phố, ông lặng người nghe như có một cái gì đâm suốt vào trái tim của ông, không thể như thế được buổi sáng nó mới chào đi học mà, nó sắp sửa lên xe hoa về nhà chồng, cuộc vui chưa tròn mà nó đã từ giã người chồng sắp cưới mà đi về một thế giới nào đó, người chồng sắp cưới khóc ngất lên khi đươc ông báo tin. Người con rể đã ở vậy 3 năm sống một cuộc sống độc thân, anh vẫn thường lui tới hỏi sức khỏe ông. Nhờ anh lo lắng luật sư ông đã được bồi thường thiệt hại nhân mạng một số tiền khá lớn đủ để mua trả đứt gần hết nợ căn nhà. Người con gái chết đi để lại cho ông một gia tài khá lớn, quả là một điều đau đớn.
Đau đớn nào rồi cũng lắng xuống. Hàng tuần ông đều đi dự lễ nhà thờ ngày chủ nhật, nói chuyện với con gái qua lời cầu nguyện. Chiều hôm ấy vừa ra khỏi khuôn viên nhà thờ ông đụng phải một người, vội vàng xin lỗi họ, nghe giọng nói bắc đặc sệt người bên kia vội quay mặt lại vồn vã hỏi ông sinh trưởng ở miền nào. Lời qua tiếng lại, hai ông già ngoài 65 tuổi mới nhận ra là người cùng làng, thôi thì chuyện nổ như bắp rang về những ngày xa xưa đó.
- Trên bốn mươi “nhăm” rồi còn gì (45 năm) giờ mới được gặp nại (lại) người cùng nàng (làng) quí hóa quá.
- Mời bác ghé nại (lại) nhà tôi chơi để chúng ta ôn cố tri tân.
Về đến nhà ông liền gọi người con gái lớn sửa soạn món ăn thuần túy Việt Nam, nào là dồi lòng, tiết canh, canh rau đay, bê thui, rượu đế ngâm thuốc. Chào bác đi con, cô con gái bẽn lẽn khe gật đầu chào ông khách, cô gái dong dõng cao và khá xinh xắn.
- Mời bác dùng chút rượu thuốc, thuốc này được ngâm với 7 con tắc kè, có công dụng làm cường tráng thân thể, mỗi lần tôi uống là bà xã cằn nhằn “cái ông quỉ này không nên nết’ rượu thuốc này còn công hiệu hơn “Minh Mạng hoàng đế toa”. Vừa nói ông vừa bật cười khà.
Rượu đến chén thứ năm thì hai ông già đã ngà say, lời nói có vẻ thoải mái hơn trước không còn câu nệ.
- Chẳng may con gái bác đã có đám nào ngấm nghé chưa"
- Thưa bác cháu vẫn còn ở vậy chưa có ai ngó ngàng đến nó hết cả, tôi cũng đang sợ nó ế chồng.
- Giời ơi quý hóa quá, chẳng dấu gì bác tôi có thằng con trai mới ra trường kỹ sư được 2 năm, tôi muốn hỏi con gái bác cho cháu.
- Còn gì bằng, chỉ sợ cậu kỹ sư chê cháu là nhà quê và nghèo.
- Nói thật với bác tôi muốn cháu lấy vợ cùng làng. Tôi hồi xưa cũng nghèo như bác vậy đi làm tá điền cho người ta. Qua xứ Mỹ văn minh này, ôi giàu nghèo gì ai cũng giống như ai hết cả. Tôi sợ những ai qua đây rồi có chút tiền rủng rỉnh là đã vội vã quên hết gốc gác nghèo khổ của mình, quên cái giọng quê đặc sệt của mình. Bác rất là thành thật tôi rất mến bác ở cái điểm này. Mà bác có nghèo gì cho cam cũng có nhà cửa to lớn để ở như ai vậy.
Những lần sang chơi kế tiếp ông bạn cùng làng thường mang người con trai theo. Hai đứa có vẻ hợp nhãn nhau, và tình yêu đã đến cho đôi trai gái. Đám cưới được tỗ chức linh đình với một số tục lệ cưới căn bản được thực hiện. Người con trai thứ hai đi làm nail ở New York cũng bay về tham dự đám cưới, anh mang về rất nhiều quà cho ông, nghe nói đâu một tháng mang về cũng hơn 6 ngàn đồng tiền mặt. Anh dự định sẽ trở lại vùng này để mở tiệm nail. Sau khi về gần ông, anh con trai xúc tiến vào việc mở tiệm nail và mua căn nhà hơn 400 ngàn đồng sau khi đã bán căn nhà cũ được hơn 150 ngàn tiền mặt để đặt cọc căn nhà mới, vợ chồng ông dọn về ở chung với con trai đã hơn 36 tuổi vẫn còn độc thân này, cẩn thận hơn anh đã mua bảo hiểm nhân thọ 300 ngàn mà tên người thừa hưởng là ông. Người con trai rất có hiếu thường chở ông đi ăn tiệm, đi chơi đây đó, thường hay mua cua rang muối và tôm hùm về nhà để cha con nhậu với nhau. Ông cũng hơi sợ cho người con trai nếu cứ ăn cái đà này nếu không kiêng cử rất có thể bị cao mỡ, điều ông lo lắng đã xảy đến. Một hôm người con trai về nhà tham mệt mỏi và nhức đầu, ông liền gọi người con gái chở anh vào bệnh viện, qua đã lâu rồi mà không hề biết lái xe đi đâu cũng phải nhờ người chở hoặc đi bằng xe bus vừa vào bệnh viện là anh bất tỉnh nhân sự và hôn mê liên tiếp 2 ngày, đến ngày thứ ba bác sĩ bó tay vì não bộ đã chết sau khi bị nghẽn mạch máu. Cả một vùng trời sụp đổ, trời đã cất người con gái út sao lại nỡ lòng nào mang luôn người con trai đi theo. Ông ăn ở hiền lành chân thật, trời muốn đày đọa ông sao đây, giời ơi là giời sao ông bất hạnh đến thế này. Hai người con chết đi để lại cho ông một gia sản khá lớn trên 500 ngàn đồng. Đó là tiền bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm đụng xe. Gia sản ông có được không bằng sức của ông mà đươc tạo ra trên hai cái chết của con ông, sao mà trớ trêu đến thế này. Thà ông nghèo trở lại để có được hai người con còn hơn có tiền như bây giờ, có tiền làm gì khi ông cũng đã đến cái tuổi ngấp nghé miệng lỗ. Ông chỉ có biết cầu nguyện để vơi đi nổi đau đớn, chúa đang thử thách ông, hay có thể nói định mệnh đã an bài kiếp sống ông như thế không thể tránh thoát được, định mệnh như chiếc đũa thần mang ông từ một miền quê nghèo nhà tranh vách đất đến một nơi đô thị giàu có nhà cao cửa rộng trong chớp mắt. 70 chục năm không là cái gì cả chỉ là một chớp mắt so với một triệu năm của đời sống trái đất.
Giờ chỉ còn hai ông bà già trong một căn nhà quá rộng lớn, người con trai trưởng đã đi lấy vợ, người con gái lớn đã đi lấy chồng, cả hai đều ra ở riêng. Ngước nhìn bài vị của hai người con đặt trên bàn thờ, ông chỉ còn thốt lên được hai tiếng:
- Con ơi.
Hình như có cái gì tắc nghẽn nơi cổ của ông.

LÊ HIỀN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,573,282
Nhạc sĩ Cung Tiến