Hôm nay,  

Thư Em Gái: Anh Ơi, Hãy Trở Về!

26/11/200200:00:00(Xem: 284662)
Người viết: Thụy Nhã

Bài tham dự số 86\VBST

Người viết mới 20 tuổi, nữ sinh viên tại University of Utah; Major: Nursing, psychology. Bài viết là lá thư đầy yêu thương của cô em gái gửi người anh trai đang bỏ nhà ra đi vì mê đắm bài bạc. Tên người anh thương yêu không được nêu lên, nhưng là sự thật với nhiều chi tiết dễ nhận ra. Ước mong bạn đọc nào biết người anh trong lá thư này, nhắn dùm người viết. Vì tính cách khẩn cấp của lá thư, bài viết được ưu tiên đăng trước.


Anh thương yêu,

Thời gian trôi qua thật nhanh. Mới đó mà đã một năm rồi, kể từ ngày anh bỏ nhà ra đi. Ở phương trời xa lạ nào đó, anh có còn nhớ tới em" Riêng em, em nhớ anh nhiều lắm!

Anh biết không, hôm nay em có thật nhiều chuyện buồn. Người em yêu không còn yêu em nữa! Giá gì có anh ở đây để em có thể trút hết những nỗi đau, anh nhỉ!

Ký ức chợt tràn về trong em, và những kỷ niệm của anh em mình hiện rõ hơn bao giờ hết...

Trong gia đình, anh lúc nào cũng chịu hết những thiệt thòi. Từ nhỏ đã bị viêm xương tai, năm mười hai mười ba tuổi, má dẫn anh lên Đà Lạt để mổ. Ca phẫu thuật thành công nhưng khuôn mặt anh bị lép đi một bên, không còn lành lặn nữa. Sau đó anh vẫn bị bệnh hành, lỗ tai nhiều lúc cương mủ, không có bông gòn mà phải lấy giấy vụn để chùi vết thương.

Là một người khác biệt nhất trong bốn anh chị em, tánh anh hiếu động và ham làm hơn ham học. Em còn nhớ, anh đã từng bỏ nhà để đi đào vàng ở suối Cát Tiên. Đi được nửa năm thì quay về, vàng đâu không thấy chỉ thấy anh vàng cả người, cơ thể chỉ còn da bọc xương, tiều tụy hẳn. Quay về được ít lâu, anh lại bỏ qua Campuchia. Ở Campuchia, ngày ngày phải đi chùi tường, rửa nhà, ngôn ngữ bất đồng, không sống nổi, anh... lại quay về!

Năm anh hai mươi, gia đình mình được qua Mỹ. Ngày ra sân bay, anh cười hớn hở. Giấc mơ mười năm của nhà mình bây giờ mới thành sự thật. Với tâm trạng của một người vừa bước ra từ nơi tối tăm, anh nghĩ tới nước Mỹ xa hoa như một "thiên đàng".

Qua tới Mỹ, khoảng một tháng sau, anh có việc làm ở "Jack In The Box", một tiệm bán Hamburger cách nhà khá xa. Tiếng Mỹ anh không rành nhưng nhờ vào nụ cười có duyên, nhanh nhẹn và rất chăm việc nên được những người làm chung thương mến. Anh đi xe đạp, buổi chiều làm thêm việc rửa chén để gửi tiền về cho anh chị còn kẹt ở Việt Nam.

Thưở ban đầu, ba má thì đã lớn tuổi, em chỉ mới mười lăm, anh đã là trụ cột cho cả gia đình. Sự hòa nhập của anh vào xã hội mới, sự trưởng thành và những chăm sóc ân cần của anh đã cho em sức mạnh và một niềm tin mãnh liệt vào tương lai và chính bản thân mình. Anh nhớ, em biết ơn anh thật nhiều, và mỗi khi nhớ lại những ngày tháng tươi đẹp của chúng ta, lòng em thấy ấm áp lạ!

Những chuỗi ngày mà mình sống ở Arizona với chú thím Thạch Nhã là những chuỗi ngày khó quên nhất phải không anh" Cuộc đời anh đã bước vào khúc quanh mới khi gia đình mình qua Utah lập nghiệp. Em được chính phủ cho đi học không mất tiền, được vui chơi, được sống hồn nhiên thoải mái, còn anh sao cứ mãi lận đận lao đao.

Sắm được một chiếc xe cà tàng với giá tám trăm đô la, anh rong ruỗi từ hãng xưởng này đến hãng xưởng khác trong suốt hai năm trời. Lần thì bị lay off, lần thì hãng bị phá sản, lúc thì bị kỳ thị nên mất việc...Xui đến nỗi cả cái xe cũng bị đánh cắp, anh nhìn em, nụ cười trên môi méo xệch.

Em đang hình dung ra anh với những lần hò hẹn. Ánh mắt vui tươi, khuôn mặt rạng rỡ và anh yêu đời hơn bất cứ lúc nào. Vậy mà không có một mối tình nào của anh kéo dài hơn một tháng. Lý do tại sao, em cũng không biết, nhưng em biết sau mỗi lần tan vỡ anh mụ người đi và tâm hồn như chai cứng!

Anh đi học ESL, lớp nào cũng đậu nhưng chỉ tới lớp bốn là ngưng. Chuyển từ trường này qua trường kia, với hy vọng sẽ tiến cao hơn, xa hơn trong vấn đề học vấn, nhưng sức người có hạn, anh rơi vào "ngõ cụt"...

Tự lúc nào, anh đã lấy sòng bài làm nơi "giải trí". Mới đầu là hai ba chục, một trăm. Sau rồi tiền để dành trong ngân hàng không cánh mà bay, làm được cái check nào anh đem nướng hết vào những ván bài thời vận.

Những lá bài đen đỏ, những tiếng kêu loảng xoảng của những đồng xu nhử mồi, ánh đèn rực rỡ đã kéo anh của em đi quá xa. Anh muốn làm giàu, càng thua càng gỡ... Mắt anh mờ đi vì đêm không ngủ, vì một niềm tin điên dại.

Anh bỏ nhà qua California sau khi đã lấy đi một số tiền của má và vay mượn khắp nơi. Ở Mỹ, đâu đâu cũng có sòng bài, được một tuần, anh hết tiền. Mượn được chiếc xe đạp, anh đi làm, kiếm tiền đánh bài. Tin tức về anh nóng hổi, nhức nhối:

"Thằng đó tuần trước nó đi đánh bài, thua hết tiền phải vô công viên ngủ."

"Tui chưa thấy thằng nào xạo như nó, mượn tui hai trăm để xửa xe, ai ngờ đâu quay qua quay lại đã thấy nó vào tổ bài rồi."

"Nó đi làm mà còn đánh bài trong chỗ làm mà..."

Em qua Cali thăm, gương mặt hốc hác, gầy sọm, anh già thấy rõ.

Anh dẫn em đi chơi, hứa hẹn đủ điều. Hôm anh dẫn em đi Huntington Beach, vui thật là vui (đó cũng là lần đầu tiên em được nhìn thấy biển). Anh dặn dò em phải học hành cho nên người, nhắn với má dùm anh là anh thương má lắm:

"Em về lại Utah đừng quên học hành, anh không sao đâu, khi nào anh có dịp, anh sẽ về thăm. Nói với má là anh nhớ má lắm."

Tấm hình hai anh em mình khoác vai nhau đứng trên bờ biển, làm em nhớ anh mãi không thôi.

Anh thương yêu,

Em đã không phụ lòng kỳ vọng của anh. Năm nay em đã học xong năm thứ hai đại học. Còn hai năm nữa em sẽ ra trường. Lúc nào em cũng cố gắng làm người em ngoan của anh và là một người con hiếu thảo với ba má. Anh biết không, mới có một năm thôi mà ba má già đi nhiều. Lưng má cong oằn và tóc ba bạc trắng. Ngày nào má cũng nhắc tới anh. Hôm nhận được tin anh trở lại Arizona, không làm gì hết, chỉ xin tiền đi đánh bài, má khóc nức nở. Má dọn vô phòng của anh ngủ :"má vô đây ngủ cho có hơi người, chờ ngày nó về..." Tấm thẻ uống cà phê của anh vẫn ở trên bàn, chiếc ba lô đi học của anh được má để ở một nơi trang trọng. Trong nhà không ai là không nhớ đến anh.

Sòng bài không phải là nơi để mình làm giàu đâu anh ạ! Muốn làm giàu mình phải nhờ vào bàn tay, vào ý chí và phải biết vươn lên đúng hướng. Anh em mình may mắn được tới Mỹ. Khó khăn cũng có, gian truân cũng nhiều, nhưng mình đừng nên đầu hàng với số phận và đừng nên bước vào con đường lầm lỡ phải không anh.

Anh thương yêu, khi nào anh mệt mỏi với xã hội, với cuộc đời. Khi nào anh cần một chỗ mát để nghĩ ngơi, để dừng chân, xin anh hãy nhớ tới mái ấm gia đình của chúng ta và quay trở về. Trở về với vòng tay thương yêu của má, trở về với mái ấm gia đình và về với em nha anh. Anh em mình sẽ đùm bọc lẫn nhau để vươn lên và lo cho ba má đã già.

Anh ơi, hãy trở về để làm lại từ đầu!

Trên đây là câu chuyện có thật, Nhã viết ra với mong ước một ngày nào đó anh Nhã sẽ đọc được những dòng chữ này và quay trở về. Nhã cũng muốn gửi gắm những lời nói tận đáy lòng mình đến các bạn trẻ, xin các bạn trước khi làm gì hãy nghĩ đến người thân và gia đình. Đừng làm điều gì không đáng làm phụ lòng đấng sinh thành.

Thụy Nhã
Utah, tháng tám ngày ba năm 2000

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,994,411
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến