Hôm nay,  

Cô Giáo - Mẹ Hiền Thứ Hai

10/09/200100:00:00(Xem: 212281)
Bài tham dự số: 02-345-vb30908

(Bài đăng 2 kỳ)

Nhìn hai con cu Việt, cu Nam chuẩn bị cặp táp, sách vở cho ngày tựu trường sắp đến, tôi chợt nhớ đến những đứa học trò tôi ngày nào. Nhớ từ bụi phấn, bảng đen, đến cái nghiệp gõ đầu trẻ hơn hai mươi năm của tôi.
Nhớ những ngày dạy học ở Việt Nam. Ngôi trường cũ với lớp rêu phong phủ dưới chân tường, màu sơn đã ngả vàng. Nhất là những cơn gió lốc thổi bay bụi cát mù mịt., thầy trò phải lấy tay che mặt, che mũi. Những tia nắng chiếu rọi qua các lỗ thũng mái tole lớp học. Mưa, nắng hai mùa, thầy trò chúng tôi nếm đủ hương vị, nào là vị ngọt của những giọt mưa tí tách rơi xuống, gõ nhịp trên bàn, trên ghế, hay là cái nóng gay gắt dưới mái nhà tole. Đôi lúc chúng là những tia nắng lung linh, nhảy múa trên trang giấy học trò. Trông cũng lãng mạn, tức cảnh sinh thơ lắm chứ! Thầy trò tôi thường đùa gọi đó là hương vị hai mùa nắng, mưa.
Sau ngày mất nước 30-4-75, đất nước nghèo nàn thêm. Dân chúng còn không đủ cơm gạo mà ăn, lấy đấu ra tiền tu bổ nhà trường. Lớp học dột nát, dụng cụ học thiếu thốn. Bàn ghế long chân, không đủ chỗ ngồi cho số học trò trên dưới 50 mỗi lớp.
Thiếu thốn trăm bề. Thế mà tình thầy trò chúng tôi vẫn ngọt ngào, ấm áp. Củ khoai, cái bắp, thầy trò chia xẻ ngọt bùi với nhau. Tan giờ học, chúng tôi dùng nan tre, giấy màu làm những dụng cụ học tập. Không tiền mua viết bic, cô giáo pha lọ mực lớn thật to, thầy trò san sẻ khó nhọc, thiếu thốn với nhau.
Ngày qua ngày, hết niên học này đến niên học khác. Lớp học trò mới vào lớp, lớp học trò cũ chào tạm biệt thầy cô, từng đôi cánh bay ra ngoài trường đời.
Mỗi dịp tết đến hay dịp lễ Nhà giáo, lũ học trò cũ trở về thăm thầy cô. Ơi, tôi thương biết bao tình thầy trò bên quê nhà. Đời sống nghèo, nhưng tình thầy trò chẳng bao giờ nghèo cả.
Sang đến Mỹ, tôi tiếp tục nghề gõ đầu trẻ. Khi so sánh đời sống học đường hai nơi, theo nhận xét của tôi và có lẽ cũng là ý kiến của hầu hết các bậc mô phạm Việt Nam, đó là hai khía cạnh có nhiều tương phản. Một bên, nghèo nàn nhưng tình thầy trò bất diệt, một bên giàu sang đầy đủ tiện nghi vật chất, phải nói là dư thừa, nhưng tình thầy trò chỉ như gió thoảng. Có lẽ vì đời sống hối hả, con người chạy đua theo máy móc, theo tiếng tích tắc thời gian, theo đồng tiền vật chất quá, nên tình người cũng trở nên khô cằn....
Thỉnh thoảng ngồi sau vườn, lắng đọng tâm hồn, tôi chợt nhớ đến những lá thư của lũ học trò cũ, mới. Những hình ảnh học trò chợt hiện về ký ức tôi. Trong xấp thư đó, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần hai lá thư của hai đứa học trò cũ, học tôi ở hai phương trời đông và tây.
Lá thư từ phương đông là của Thịnh, người học trò nghèo ở Saigon ngày nào. Thịnh gởi kèm theo bài báo đăng trên báo xuân Houston, bài báo nói về tôi cô giáo cũ năm nào. “Tôi chợt nhớ đến cô giáo Hương của tôi ngày nào. Vị ân nhân tôi ghi nhớ suốt đời tôi. Nếu không có cô ngày đó, chắc không bao giờ tôi có được kiến thức, học vị lúc này. Tôi đã kể với vợ con tôi không biết bao nhiêu lần về cô giáo cũng là người mẹ thứ hai của anh em tôi.
Không biết sao cứ mỗi lần ai nhắc về những thầy cô cũ. Lòng tôi lại xúc động vô tả, tôi không biết dùng ngôn từ nào để diễn tả hết tâm ý trong lòng tôi với vị cô giáo khả kính muôn đời của tôi.
Hơn mười lăm năm trôi qua, nhưng câu chuyện về cô giáo và tôi chẳng bao giờ phai mờ. Tôi còn nhỏ, thuở ấu thơ gia đình tôi sống ở Cần Đước. Ba tôi làm phó quận, mẹ tôi ở nhà lo việc nội trợ và chăm sóc bốn anh em tôi.
Tôi là anh hai, sau tôi còn 2 đứa em trai và một em gái. Anh em tôi sống ngụp lặn trong hạnh phúc, tình thương yêu của cha mẹ tôi.
Nhưng dòng đời chẳng có bao giờ chảy êm xuôi.
Ngày 30/4/75, cọâng quân tràn vào miền Trung, miền Nam Việt nam. Họ vào càn quét, vơ vét của cải, bắt bớ cha tôi và nhiều người khác đi tù đày. Gia đình tôi tan tác. Khắp nơi dân chúng đói nghèo, xóm làng xơ xác.
Tưởng rằng thống nhất đất nước, người dân sẽ được hưởng không khí hòa bình, ấm no. nhưng tất cả là số không. Chỉ có tầng lớp cán bộ đỏ là no cơm ấm áo, còn dân cả nước xếp hàng từ sáng đến tối mua vài ký gạo đỏ, bo bo, khoai mì nấu độn. Cái gì cũng thuộc nhà nước quản lý. Họ dùng chính sách xiết bao tử để trị người dân.
Lúc đó theo lệnh của chính phủ cách mạng cộng sản, ba tôi phải đi trình diện học tập cải tạo hai tháng. Nhưng rồi ba tôi đi biền biệt không tin tức gì nữa. Mấy ông cán bộ công an đến nhà đuổi 5 mẹ con tôi đi kinh tế mới, họ tịch thu nhà cửa mà cha mẹ tôi xây dựng bằng mồ hôi nước mắt.
Đi kinh tế mới, đồng không mông quạnh, chẳng có điện nước, đất khô cằn cỗi. Biết bao nhiêu người chết gục xuống vùng đất khô cằn vì đói khát, muỗi rét rừng. Mẹ tôi quá hãi, thu xếp đưa anh em tôi chạy về Saigon tìm đường sinh sống.
Ơû Saigon gia đình tôi chẳng có ai thân thích cả. Họ hàng phần lớn cũng đang sống nghèo đói ngoài miền Trung.
Chợt mẹ tôi nhớ đến Cha Xứ Đồng Tiến, quận 10. Thế là mấy mẹ con tôi tìm đến cha xin cha giúp đỡ. Cha nhìn mẹ con tôi mà xót xa và nói mẹ con tôi tạm thời dựng nhà tranh trên miếng đất phía sau nhà thờ, sống được ngày nào hay ngày đó, vì cha cũng chẳng biết tương lai nhà thờ sẽ đi về đâu. Cộng sản họ vô thần, chẳng cho phép tôn giáo nào hoạt động cả. Mẹ tôi cũng biết là gia đình tôi tới tá túc nơi khuôn viên nhà thờ lúc này là không nên, sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cha xứ. Cộng sản đang muốn cướp trắng nhà thờ, họ sẽ vu khống mẹ con tôi tạm dung nơi nhà thờ để liên lạc với CIA, như họ đã vu khống cho gia đình tôi đi còn ở Cần Đước. Nhưng chẳng biết trông cậy vào ai lúc này.
Cha xứ giúp gia đình tôi ít tiền dựng mái nhà tranh. Mẹ tôi hỏi thăm giáo dân quanh đấy, tìm mối lấy bánh tiêu đường cho anh em tôi bán thêm mỗi sáng. Phần mẹ tôi, bà soạn đôi gánh đi bán rau ngoài chợ.
Thế cũng tạm rau cháo qua ngày!
Tôi còn nhớ, sau khi khai trương hàng bán bánh tiêu được 1 tuần, có một cô dựng xe lại mua bánh. Cô thấy bốn anh em tôi ngồi quanh mâm bánh. Cô hỏi thăm gia cảnh tôi và cô nhìn thằng cu Út em tôi lúc ấy được hơi hai tuổi, cô chép miệng xót xa cho chúng tôi. Rồi ngày qua ngày, sáng nào cô cũng dừng lại mua 5, 7 cái bánh giúp đỡ anh em tôi.
Gánh hàng rau nặng trĩu trên đôi vai mẹ tôi. Sức lực mẹ tôi mỗi ngày yếu dần, không gánh hàng đi xa được nữa. Mẹ tôi quyết định chạy vay mượn ít vốn thêm để bán hàng bún riêu đầu ngõ phía sau nhà thờ. Mâm bánh tiêu đường của anh em tôi cũng được bày kế gánh bún của mẹ tôi. Người khách quý của anh em tôi cũng tìm đến nơi đến chốn của tụi tôi mua giúp. Mẹ tôi và cô khách quý hỏi thăm gia cảnh của nhau. Được biết hoàn cảnh cô và gia đình tôi cũng gần như nhau. Ba cô cũng đi tập trung tù cải tạo như ba tôi. Mỗi sáng cô dậy sớm đi chợ Cầu Ông Lãnh giao mối củ đậu, rau cho một nhà hàng quốc doanh. Cô kiếm thêm ít tiền chợ giúp gia đình. Nghề chính của cô là cô giáo dạy toán, lý, hóa học sinh trung học. Nhưng tiền lương trường công chỉ đủ mua gạo, bo bo, khoai mì. Tan trường công ra, cô phải dạy học thêm từ trưa đến tối mới đủ tạm sống.
Anh em tôi chẳng có hộ khẩu, chẳng có tiền bạc để mua sách vở đến trường. Mẹ tôi nhìn tôi quần áo vá tùm lum, tóc đứa nào cũng cháy nắng vàng hoe. Bà xót xa khi nhìn các con gầy đét, chỉ có da bọc lấy xương, nhưng bà chẳng biết làm gì hơn. Gạo, khoai mì, bo bo ăn độn đong từng bữa. Bữa đói, bữa no.
Chỉ trong một thoáng chốc, cuộc đời trắng thành đen. Lớp lo sự sống còn của gia đình, lớp lo chồng tù, sức lực mẹ tôi suy tàn thật nhanh chóng.
Khi cô giáo biết anh em tôi thất học. Cô bàn với mẹ là đưa anh em tôi vào nhà cô giáo ở cư xá Bắc Hải, cô dạy học thêm và không lấy tiền học phí. Cô giáo khuyên bảo mẹ con tôi, cộng sản có lục lọi, càn quét lấy hết mọi thứ, nhưng không thể lấy cái chữ trong đầu con người được. Chỉ có kiến thức, học vấn mới xóa được đói nghèo, tăm tối. Mẹ tôi xụt xùi nước mắt, cảm động tấm chân tình của cô giáo đối với gia đình tôi.
Thế là mỗi trưa, bốn anh em tôi đi bộ vào nhà cô giáo, chúng tôi ngồi chung lớp với những học trò khác. Cô kèm cho anh em tôi tập viết, tập đọc, làm toán đủ cả.
Khi học trò về hết, cô nói anh em tôi cứ ngồi lại học. Hoàn cảnh cô cũng chẳng khá hơn gia đình tôi là bao, thế mà cô mua sắm cho chúng tôi vở, bút viết đủ cả.
Tôi về kể cho mẹ tôi nghe tấm lòng vàng của cô. Mẹ tôi ôm chúng tôi khóc và khuyên bảo chúng tôi phải cố gắng ngoan, chăm chỉ học hành đừng phụ lòng cô giáo. Thỉnh thoảng cô gọi chúng tôi ở lại ăn cơm với gia đình cô. Gia đình cô ai cũng thương và xót xa hoàn cảnh gia đình tôi.
Tôi vẫn nhớ mãi lời cô dặn dò tôi, là con lớn nhất nhà cần phải làm gương cho ba em. Khó khăn nào cũng phải vượt qua, không đến trường học, thì phải học ngày, học đêm ở nhà. Ban đêm nhà không có điện, đèn dầu thì phải thức dậy sớm, tranh thủ học bù. Cô la tôi đã bỏ phí thời gian suốt ba năm. Giờ tôi phải học gấp ba lần người khác đền bù lại.
Mỗi lần tôi nhụt chí làm việc gì, tôi lại nhớ đến lời cô dạy bảo, con trai mà lười biếng, thụt lùi lại phía sau, không biết xông pha trong việc làm, trong việc học thì không phải là anh hai trong gia đình nữa. Nhất là lúc này không có cha ở nhà, tôi phải thay cha dạy dỗ các em, giúp đỡ mẹ tôi nhiều hơn nữa....


Cô Hương ơi, tấm lòng nhân hậu thương người của cô không bao giờ con quên cả. Cô là người mẹ thứ hai của bốn anh em tụi con, cô chăm sóc giáo dục anh em chúng con từng lời ăn, tiếng nói. Cô dạy chúng con từng mọi mặt đức, trí, thể.
Anh em chúng con được cô dạy dỗ hơn sáu năm trời. Rồi cô chạy đôn đáo xin nhập hộ khẩu cho mẹ và bốn anh em con. Cô xin cho tụi con tiếp tục học trường công. Nhờ có căn bản các môn học, nên chúng con không gặp khó khăn trong học hành.
Tới năm 1986 ba con trở về với gia đình. Ba con thật mừng khi thấy các con ngoan giỏi trong học hành cũng như giúp đỡ mẹ. Và trời Phật đã ngoái lại thương cho gia đính những “sĩ quan cải tạo”, gia đình con được sang Mỹ năm 1991.
Nay bốn anh em con đã tốt nghiệp đại học ở Mỹ và có công việc làm tốt. Nghe lời cô ngoài giờ đi làm, chúng con tiếp tục học nâng cao tay nghề và bằng cấp. Nếu ngày ấy chúng con không được cô dạy dỗ suốt mấy năm trường, có lẽ chúng con đã sống bụi đời, sống vỉa hè.
Ba mẹ con vẫn nhắc nhở chúng con “không thầy đố mày làm nên” nhất là câu chuyện về tấm lòng vàng của cô giáo Hương được kể mãi bao thế hệ gia đình con.
Dù đã trưởng thành, khôn lớn, nhưng chúng con lúc nào cũng muốn vòng tay trước cô giáo để được nghe những lời khuyên bảo của cô. Ngàn đời tri ân cô giáo của chúng con....
Tôi gấp lá thư của Thịnh lại, chợt cảm thấy một hơi ấm tràn vào lòng tôi.
*
Tôi xem lại lá thư của học trò phương Tây ngày nào. Lá thư của Linda viết cho tôi cách đây hai tháng.
“Mỗi lần rỗi rãnh, con thường mở cuốn nhật ký bìa xanh đã phai màu ngày nào để nhớ đến cô”.
Ngày bắt đầu viết là tháng sáu, năm 1988. Cái năm nhiều ấn tượng đau khổ, những mất mát lớn nhất trong đời tôi đã xảy ra. Hơn mười hai năm đã trôi qua, nhưng có lẽ chẳng bao giờ tôi quên được.
Tháng 3 năm đó tôi tròn 16 tuổi, chưa có năm nào sinh nhật tôi buồn bã như thế. Bên chiếc bánh sinh nhật 16 ngọn nến, chỉ có mẹ tôi và mấy người bạn cùng lớp. Cha tôi và em tôi không về dự sinh nhật, họ chỉ gởi quà qua bưu điện cho tôi. Tôi không tin chuyện cha mẹ tôi ly dị, chia đôi con là sự thật. Lúc ấy tôi hận cha mẹ tôi vô cùng. Người lớn họ đã ích kỷ không nghĩ đến hạnh phúc của con. Họ chỉ biết đi làm, cung cấp tiền cho con cái ăn học, quần áo, vật chất thế là đủ trách nhiệm của họ.
Để kèm tutor thêm môn Toán, mẹ tôi nhờ một cô giáo đến dạy kèm tôi vài tiếng một tuần.
Mẹ tôi chỉ gặp mặt tôi lúc sáng sớm, rồi hai mẹ con mạnh ai nấy đi.
Để quên cuộc tình đổ vỡ, mẹ tôi say mê đi làm 2 jobs. Phải xếp mẹ tôi vào lớp người workalcoholic people. Tôi đi xe đạp đến trường học Bolsa gần nhà. Tan học lúc 3 giờ chiều, lúc đầu tôi còn đạp xe về nhà. Nhưng về nhà, chỉ có mình tôi và chiếc tivi, tôi hết chịu đựng nổi sự cô đơn, thiếu vắng cha mẹ, em tôi bên cạnh. Những ngày không có cô giáo đến, tôi cảm thấy trống trải, buồn bả dễ sợ. Tôi dùng phone chat chat với bạn bè mấy tiếng đồng hồ cho khây khỏa....thời gian ấy tôi gia nhập vào nhóm bạn “modern” trong lớp. Tan trường chúng tôi rủ nhau đi shopping, đi park, đi cinema, lang thang tới khuya về nhà trước lúc mẹ tôi về nhà. Học hành bê trễ tôi không còn get điểm A, B nữa, thay vào đó những con điểm C, D. cô giáo tutor đòi xem điểm học bạ của tôi, tôi dấu biếng và nói dã có mẹ xem. Cô giáo thấy tôi thay đổi trong lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc quần áo hở hang. Cô khuyên bảo tôi, nhưng tôi trả lời sẳng tiếng: “I don’t care. Leave me alone, please” (Em không chú ý đến lời nói của cô, hãy để cho em yên một mình) hoặc cô khuyên bảo tôi hãy lựa bạn chơi, gần bạn xấu sẽ ảnh hưởng. Tôi trả lời lại ngay: “You shuoldn’t criticize anything about my friends. I’m intersed with them. They’re fun...”. Sau những lời trả lời cộc lốc, tôi thấy ánh mắt cô buồn và thở dài, cô không nói gì thêm nữa. Lúc ấy tôi cảm thấy vui, thắng được cô giáo tutor....
Sau vài tháng, nhóm bạn “modern” rủ tôi bỏ học, đi tới nhà bạn bè chơi. Tôi còn nhớ cái ngày thứ hai hôm đó, Tim- Julia, Eugene- Emeline, Jose mang rượu bia, đồ ăn đến nhà tôi gọi là chung vui. Không biết Jose lấy đâu vài viên Ecstasy, hắn bảo tụi tôi nhai nuốt từ từ viên thuốc đó để cảm thấy đời phấn chấn, yêu đời yêu người hơn, sẽ quên đi tất cả buồn chán của cuộc đời. Nghe theo lời khích động của bạn bè, tôi nuốt hết viên thuốc. Hơn nữa giờ sau tim tôi đập loạn xạ, đầu óc tôi quay cuồng theo tiếng nhạc dancing. Tôi thiếp đi lúc nào không hay, khi tỉnh dậy thấy con người tôi đang lõa lồ (naked) nằm bên cạnh Jose. Cái trinh tiết của tôi không còn nữa. Các bạn tôi mỗi đứa một cặp cũng nằm như tôi.
Tôi sợ hãi, nhưng đầu óc vẫn còn nặng nề, miệng lưỡi khô ran. Tôi lay Jose dậy và hòi cớ sự. Nhưng Jose vẫn còn trong cơn mê mê tỉnh tỉnh, không trả lời câu hỏi của tôi. Tôi giữ kín sự việc trên, không kể cho ai nghe cả mẹ tôi và cô giáo.
Sau ba tháng lao đầu vào công việc, mẹ tôi chợt thức tỉnh và quay lại với gia đình, với tôi. Mẹ tôi trở lại 1 job. Bà check việc học hành của tôi với nhà trường và được biết tôi biếng nhát trong học hành, bị điểm xấu thời gian gần đây.
Sau cú shock với Jose, lúc nào tôi cũng buồn ngủ, người tôi như không còn sức lực, chú tâm vào việc học.
Đang ngồi học tôi ngủ gục trên bàn lúc nào không hay. Cô giáo lay gọi tôi mấy lần như thế. Cô hỏi thăm tôi có bệnh hoạn gì không, trông tôi rất xanh xao. Lúc ấy tôi mới thú thật với cô về chuyện xảy ra ngày hôm ấy.
Cô trấn an tinh thần tôi, và nói ái cũng có một lần lầm lỡ, nhưng nếu biết sửa đổi sai trái làm điều tốt trở lại, thì gia đình xã hội trường học không ai quở trách và ai cũng sẵn sàng dang rộng đôi tay đón tôi trở về.
Sau đó cô liên lạc với mẹ tôi và đưa tôi đi bác sĩ, kết quả thử nghiệm máu cho tôi biết tôi đã có bầu hơn 4 tháng. Tôi có bầu ở tuổi 16, như tiếng sét đánh ngang tai với mẹ và tôi. Mẹ con tôi ôm nhau khóc nức nở. Mẹ tôi ân hận là đã không chăm sóc, để ý đến tôi. Tôi cảm thấy xấu hổ với mẹ, cô giáo và tất cả bạn bè. Tôi không muốn sống nữa. Tôi có ý nghĩ tự tử. Jose cũng còn quá trẻ, không có trách nhiệm gì, hắn đã rời trường đi tiểu bang khác khi nghe tin tôi có bầu. Nhóm bạn “modern” cũng bỏ rơi tôi. Chỉ còn có mẹ tôi và cô giáo bên cạnh. Cái thai trong bụng tôi đã thành hình. Nếu tôi phá thai (abortion) sẽ gây nguy hiểm ít nhiều đến sinh mạng tôi. Tôi phải nghỉ học ngang năm lớp 10 để sinh em bé.
Nhìn ánh mắt thiên thần, nụ cười trên môi đỏ của con tôi. Tôi cảm thấy thật có lỗi khi nghĩ đến chuyện hủy hoại thân mình và con mình trước đây.
Từ lúc tôi mang thai đến khi sanh nở, chỉ có cô giáo và mẹ tôi giúp đở vật chất cũng như an ủi tinh thần tôi thật nhiều.
Sau hai tháng nằm nhà, tôi quay trở lại học đường. Không những chỉ dạy, tutor các môn học cho tôi, cô giáo còn giúp tôi mang bé Angela về nhà cô trông nom, giúp tôi an tâm học hành trong những ngày thi final test.
Hơn ba năm trời, cô giáo và mẹ tôi đã tận tình dạy dỗ và chăm sóc cho hai mẹ con tôi. Tôi tốt nghiệp trung học với điểm GPA gần 4. Tôi vô cùng biết ơn mẹ và cô giáo, hai người mẹ hiền đã khích lệ tinh thần tôi vượt qua mọi trở ngại, mặc cảm tội lỗi mà tôi đã làm.
Sau đó tiếp tục bốn năm đại học ngành Computer ở University Pomona.
Và cũng tại chốn học chốn này, tôi đã gặp ý trung nhân của tôi. Hai chúng tôi cùng dìu nhau trong học tập và cùng ra trường đại học.
Nếu ngày ấy mẹ tôi không giúp tôi và nếu ngày ấy tôi không gặp được cô giáo, chắc hẳn cuộc đời tôi đã sa ngã xuống bùn lầy.
Con xin đa tạ ngàn lời tri ân đến mẹ và cô giáo- hai mẹ hiền đã cưu mang và giúp đỡ con và bé Angela vượt qua mọi thử thách, khó khăn. Con xin vòng tay tạ lỗi với cô. Con xin cô tha thứ cho đứa học trò ngu dốt này, đã dùng những lời nói cộc cằn, thô lỗ, bất nhã với cô lúc trước.
Con thật dại dột, không biết trân quý những lời khuyên bảo vàng ngọc của cô lúc bấy giờ. Khi con thức tỉnh thì đã muộn. Lời nói cô khuyên bảo con “later is better than never” (thà muộn còn hơn chẳng bao giờ) vẫn vang mãi bên tai con. Đúng thế cô ạ, cô đã vực con lên khỏi vũng lầy. Con ghi nhớ mãi tấm lòng vàng của cô.
Tôi mong mỏi câu chuyện trên đây sẽ được tất cả các bạn tuổi teenager đọc và hãy tránh xa những cạm bẫy ma túy, rượu, thuốc lá và lối sống trụy lạc, thác loạn của băng đảng. Mỗi khi các bạn có ưu tư, lo lắng gì hãy gặp các thầy, cô giáo, counselor, cha mẹ tâm sự. Họ sẽ giúp đỡ bạn thật lòng, các bạn ạ.
Hai lá thư của hai đứa học trò nhỏ ở hai chốn học đường đông và tây đã gây cho tôi nhiều trăn trở, suy nghĩ. Nhiều lúc tôi muốn đầu hàng nghiệp gõ đầu trẻ bên xứ người. Nơi chốn nhiều luật lệ. Học đường chẳng có môn công dân giáo dục, đức dục. Những môn học này nhà trường giao cho cha mẹ dạy chúng ở nhà. “tiên học lễ, hậu học văn” chẳng còn ý nghĩa gì nơi chốn học đường. Học trò có quyền tự do làm đủ mọi thứ, chúng có quyền sue (kiện) cha mẹ, thầy cô bất cứ chuyện gì.
Nhưng có lẽ cái nghiệp bảng đen, phấn trắng của tôi chưa dứt. Tôi vẫn ngày qua ngày vất vả với lũ học trò teenagers Mỹ hóa bướng bỉnh.
Dù gì đi nữa, tôi vẫn hứa với lòng mình là cố gắng làm tròn trách nhiệm vài trò người thầy mở mang kiến thức và dạy dỗ đức dục cho chúng. Nhất là những đứa trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ này nhớ về cội nguồn dân tộc Việt Nam anh hùng, nhớ về đạo đức, dân Việt muôn đời thắm nhuần câu “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”!

LÊ HOÀI HƯƠNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,313,967
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo