Hôm nay,  

Giòng Sông Yêu Thương

27/05/200100:00:00(Xem: 193115)
Bài tham dự số: 02-253-vb0525

Khi Quốc Tế quyết định đóng cửa các trại tỵ nạn vào khoảng thời gian đầu năm 1989 ngoài trừ Hồng Kông là đã đóng năm 1988 theo một Chương Trình Hành Động Chung được biết như là CPA (The Comprehensive Plan Of Action) thì làn sóng người vượt biển lại tăng cao. Có hai lý do chính để giải thích cho cuộc đột biến này, thứ nhất là vì sợ sẽ kẹt lại ở Việt Nam và phải sống với Cộng Sản nên những người yêu Tự Do đã tìm nổ lực vượt thoát sau cùng, mặt khác về phía Chính Quyền Cộng Sản thì họ cũng chẳng buồn bắt lại làm gì những kẻ muốn ra đi nên đã bỏ ngõ, làm ngơ, cho chính quyền địa phương bán bãi làm giàu!
Trại PFAC (The Philippine First Asylum Camp) dành cho thuyền nhân nằm về phía Tây của đảo Palawan thuộc quốc gia Phi Luật Tân tràn ngập dân tỵ nạn vào các ngày tháng ấy. Chưa bao giờ dân số trong trại lên đến con số mười ngàn người như lúc đó. Người ta lũ lượt kéo tới chật ních cả các barracks. Kẻ chưa kịp ra khỏi khu vực dành cho người mới đến thì số khác lại đổ vào. Trại trở nên đông đúc, dày đặc như nêm, ồn ào với những người là người. Không còn nhà ở cho dân tỵ nạn, mà giờ đây chỉ được xem là người lánh cư (Asylum Seekers) Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (The United Nations High Commissioner For Refugees) đã tỏ ra bất lực nhìn dân chúng sống chen chúc trong các dãy nhà lụp xụp, mục nát vì lâu đời mà ngao ngán. Người ta ăn cơm ngoài sân, ngủ ngoài hè và lo lắng cho số phận trước chương trình Thanh Lọc để xác định tư cách tỵ nạn mà Quốc Tế sắp sửa áp đặt lên họ. Đại đa số dân chúng thời bấy giờ chẳng ai biết Thanh Lọc để chứng minh tư cách tỵ nạn là gì cả!
Hòa lẫn trong giòng nước đục trong ấy, tôi cũng đến đây sau cái "cut-off date" đầy nghiệt ngã để rồi bị loại mất tư cách tỵ nạn bởi tiến trình Thanh Lọc có lắm bất công như tống tình, tống tiền mà các viên chức Di Trú Sở Tại đã thực hiện. Có nhiều đêm tôi nằm buồn trên căn gác tỵ nạn tồi tàn mà không khỏi ngỡ ngàng như con thuyền chưa đổ bến. Cứ mỗi khi nghĩ đến chương trình Thanh Lọc ấy thì tim tôi lại đau nhói như có hàng vạn mũi kim xoáy vào. Trong nỗi chua chát của kẻ một lần nữa bị hất hủi bỡi lưỡi dao oan nghiệt nọ tôi đã vùi đầu vào việc học Anh ngữ để cố quên đi nỗi niềm cay đắng của riêng mình. Thời gian trôi như bóng câu qua cửa sổ, tôi đã sống đời của kẻ bị rơi vào quên lãng ở chốn ấy hơn mười năm dài! Một "long stayer" vô hạn định. Chuyện cứ tưởng như đùa ấy thế mà lại có thật đấy bạn ạ. Suốt thời gian sống với đám người cùng khổ này tôi đã lăn lộn qua những cuộc biểu tình chống Thanh Lọc bất công, rồi chống Cưỡng Bức Hồi Hương và trước số phận tuyệt vọng của thân phận kẻ tìm Tự Do cuối mùa trong các năm sầu tháng muộn đó tôi đã chứng kiến biết bao thảm cảnh đau lòng của thế thái buồn vui nhân tình ấm lạnh. Nơi mà giá trị đạo đức và tinh thần được đo bằng vật chất và tiền đô (dollar) xanh ngát, khi mà tình thương là các xa xí phẩm thì lương tâm nhân loại chân chính trở thành những cục xương khó nuốt!
Trong hoàn cảnh mà quốc tế ngày càng bóp nghẹt đời sống của thuyền nhân để thực hiện cho bằng được chính sách Hồi Hương Tự Nguyện, Cao Ủy Tỵ Nạn lần lượt dẹp các trường học Anh ngữ cũng như Việt ngữ, giải tán các tụ điểm giải trí cho đồng bào, dồn khu, cắt bỏ một số cơ sở từng giúp đỡ cho đồng bào từ xưa tới nay rồi sau cùng là đóng cửa trại, làm cho việc ra vào trại trở thành khó khăn hơn. Điều này đã khiến cho một số tổ chức Thiện Nguyện và Thiện Nguyện Viên ngoại quốc cũng như Việt Nam chán nản trở về nước. Chỉ còn duy nhất có tổ chức BPSOS (Boat People SOS) là còn liên lạc với một số thuyền nhân trong trại để tìm cách giúp đỡ lúc đó mà thôi.
Tối thứ sáu, mười ba tháng mười năm 1994, trại PFAC đã chìm ngập trong biển lửa ngập trời. Trận hỏa hoạn này đã thiêu rụi hơn nửa trại, tiêu hủy những tiềm năng sau cùng của thuyền nhân. Bây giờ bộ mặt của trại thật sự đã trở nên xanh xao và bệnh hoạn hơn. Lợi dụng tình cảnh ấy Cao Ủy Tỵ Nạn đánh thêm một đòn cân não nữa là dọn luôn Bệnh Xá, cắt lương thực, giao quyền quản trị trại lại cho Bộ Tư Lệnh Miền Tây rồi rút đi làm mọi người hoang mang lo sợ. Thời gian này số "missing person" được xem là khá nhiều. Người ta trốn trại sống chui nhủi ở các đảo khác hoặc bỏ ra phố thuê nhà chứ chẳng dám ở trong trại nữa. Nhà cửa bắt đầu trống vắng không người ở, tình trạng vệ sinh trở nên dơ dáy một cách nghiêm trọng vì chẳng ai buồn chăm sóc! Chuột bọ, chó, mèo và người sống lẫn lộn với nhau.
Người không đi thì lo đào hầm hoặc làm vách đôi ngay trong nhà để ẩn nấp khi có biến. Lúc này thuyền nhân thường sống trong nỗi lo âu sợ hãi mỗi khi về đêm. Họ sợ quân đội sẽ đột kích vô trại bắt người vào ban đêm. Sự chán nản và tuyệt vọng làm cho số bệnh nhân mắc bệnh tâm thần mỗi ngày một thêm nhiều, họ đi lang thang trong trại như những sinh vật sống vô thức! Tháng chín năm 1995 Cao Ủy Tỵ Nạn mở ra chương trình ROVR (Resettlement Opportunity For Vietnamese Returnees) thì lượng người hồi hương tự nguyện tăng cao. Kẻ về thì kể như an phận, nhưng người còn lại thì chẳng biết ngày mai sẽ đi về đâu" Người ta sống lặng lẽ trong trại tỵ nạn tiêu sơ hoang vắng ấy như những bóng mờ, âm thầm đi bên cạnh cuộc đời mà chẳng ai hay. Kẻ đi người ở ai buồn hơn ai"
Trong nỗi buồn chẳng những chỉ cô đơn mà còn cô độc ấy, may mắn thay cho họ còn có một chỗ dựa tinh thần vững chắc qua sự hiện diện của Cha Crawford. Là một Linh mục người Mỹ từng sống nhiều năm ở Việt Nam trước 1975 nên Cha đã thương người Việt như thương chính bản thân mình. Cha đã tình nguyện sang trại PFAC trong các năm đầu trong trại mới hình thành. Ở đây Cha đã hướng dẫn cho những con chiên theo đường tâm linh trong ý Chúa. Dù đã ngoài bảy mươi nhưng Cha vẫn còn khỏe mạnh và nguyện đi cùng theo thuyền nhân vào giai đoạn khó khăn nhất. Ngoài nhiệm vụ chăn chiên, lo Mục Vụ cho nhà thờ, Ngài còn là Cha Tuyên Úy của Bộ Tư Lệnh Miền Tây nên Cha không bị giới hạn bởi lệnh đóng cửa trại, Ngài có quyền ra vào trại bất cứ lúc nào. Để cho người ta bớt căng thẳng về mặt tinh thần Cha đã âm thầm mở lớp dạy phát âm tiếng Anh cho đồng bào nào muốn học ngay trong nhà thờ. Có những chiều đứng dưới tháp chuông trong chiếc áo dài trắng Cha lặng lẽ nhìn đàn trẻ thơ vô tội đang nô đùa trong trại cấm mà không giấu được nỗi xót xa qua ánh mắt. Trước nỗi đau khổ của đồng bào tỵ nạn, Cha đã như một nhân chứng, một giòng sông yêu thương và nhân ái của thuyền nhân ở PFAC theo một cách nghĩ nào đó.
Thời gian này tôi được Sư Cô Thích Nữ Diệu Thảo mời làm phụ tá để giúp Sư Cô trong công cuộc chống Cưỡng Bức Hồi Hương. Tôi được cấp một căn phòng trong chùa Vạn Đức. Sống và làm việc ở đây tôi đã có nhiều cơ hội để gặp cha Crawford, vì nhà Chùa cách nhà Thờ không bao xa. Tôi có nhiệm vụ thu lượm tất cả các tin tức hay văn bản có liên quan đến vấn đề Cưỡng Bức của Cao Ủy Tỵ Nạn tại Manila gởi cho Bộ Tư Lệnh Miền Tây hoặc ngược lại để chuyển cho BPSOS. Tôi đã dùng tiền mà BPSOS gởi sang để mua chuộc một số sĩ quan của Bộ Tư Lệnh Miền Tây Phi Luật Tân để được họ cung cấp cho số văn bản trên. Nhận được những tài liệu, giấy tờ nọ tôi thường sang nhờ Cha Crawford copy hộ, vì nhà thờ của Cha còn có máy copy! Thỉnh thoảng tôi nhờ cha ra phố gởi thơ hộ sang Mỹ cho BPSOS hay cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, cho cộng đồng người Việt Tỵ Nạn để cầu cứu khi tình thế nguy ngập. Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc BPSOS thường liên lạc với Cha qua hộp thư riêng của Ngài hay nói chuyện với nhau qua điện thoại nên giữa hai người có một mối thâm tình rất lớn. Tuy nhiên, lắm lúc có dịp được hầu chuyện với Cha, qua ánh mắt của Ngài tôi biết chắc Cha không tin vào sự thành công của chúng tôi trong công cuộc chống lại Cao Ủy, nhưng có lẽ vì thương và tội nghiệp các kẻ kém may mắn nên Cha sẵn lòng giúp chúng tôi mọi thứ cần thiết.


Mấy năm trước vào các dịp lễ lớn như Phật Đản hay Vu lan, người ta thường thấy Cha có mặt bên chùa Vạn Đức hoặc Giáng Sinh hằng năm các em đoàn sinh trong Gia Đình Phật Tử Quảng Đức của Chùa cũng đã góp mặt cho các tiết mục văn nghệ với Ca Đoàn của nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình. Sự kết hợp hài hòa và đẹp đẽ giữa hai Tôn giáo ấy đã khiến Linh Mục Nguyễn Trọng Tước (tức nhà văn Nguyễn Tầm Thường) người làm việc với Cha thời đó đã bậc thốt "Chưa bao giờ và chưa nơi nào Cha thấy Công giáo và Phật giáo thương và đoàn kết với nhau như tại PFAC này!"
Ngày tháng cứ rong rêu qua phận người. Rồi như không còn chịu nổi với số người quyết tâm ở lại nên rạng sáng ngày sáu tháng hai năm 1996, Bộ Tư Lệnh Miền Tây dưới sự chỉ huy của Tư Lệnh Phó Captain Robles, đã mang cả một lực lượng cảnh sát hùng hậu của thành phố Perto Princesa bất thần tiến vô trại với đầy đủ khiên và dùi cui cùng súng ống. Họ án binh bất động trước cổng trại chờ đến sáng. Khi mọi người thức dậy thì đã thấy Lính Thủy Quân Lục Chiến và Cảnh sát khắp nơi. Captain Robles ra lệnh giới nghiêm toàn trại. Lệnh vừa được ban hành là lúc quân đội bắt đầu bắt một số đồng bào chờ lãnh lương thực hay đang tập thể thao trên sân khấu trung tâm, rồi họ xông vào nhà của một số đồng bào ở khu 3 là khu sát đó bắt đi một số người làm một số gia đình ly tán. Nhiều người mất cha kẻ mất chồng! Việc vi phạm Nhân Quyền này khiến Ban Quản Trị Chùa Vạn Đức đã tìm cách tập hợp một số anh em có nhiệt huyết cùng đồng bào vô Chùa để phản đối. Đúng hai giờ chiều nhiều biểu ngữ được đồng loạt căng ra trong sân Chùa lên án hành vi bắt người thô bạo của quân đội Lính thủy đã lấy giày Saut đạp sập cổng Chùa Vạn Đức, xông vô tháo gỡ toàn bộ biểu ngữ nhưng dưới sự phản ứng mạnh mẽ của các đồng bào đang có mặt trong Chùa họ phải rút ra bên ngoài và bao vây lấy ngôi chùa. Tới năm giờ chiều thì họ được lệnh rút lui.
Cha Crawford đã sang Chùa gặp Sư Cô sau đó và đề nghị Cô không nên ở Chùa vào ban đêm mà nên sang nhà thờ ngủ để tránh trường hợp bị bắt có thể xảy ra. Đêm đó tôi đã cùng một người anh em Công Giáo bí mật hộ tống Sư Cô sang nhà thờ bằng cổng sau. Tại đây để bảo đảm an toàn Cha đã đưa Sư Cô vào trú ngụ trong phòng Cha, Ngài đã chuẩn bị chu đáo cho Sư Cô một chỗ ngủ trên nền nhà sát góc phòng. Hôm sau đang ngồi trên băng ghế đá dưới bóng cây bông sứ của Chùa tôi thấy Cha từ phố trở về, trên chiếc Honda đàn ông đỏ thẳm Ngài chở theo một chiếc ghế bố mới toanh phía sau mà tối khi vừa thấy Sư Cô, Ngài hớn hở chỉ chiếc ghế được dựng sát góc phòng:
- Cha mua cho con đấy!
Cha nói bằng giọng tiếng Việt giọng lơ lớ của người ngoại quốc, Sư Cô thì lí nhí cám ơn Cha nhưng không kềm được nỗi xúc động. Như chúng ta cũng biết, đúng 12 giờ trưa ngày 10 tháng 2 năm 1996 thì Bộ Tư Lệnh đã đem quân đội bao vây Chùa Vạn Đức. Đồng bào nghe tin vội vã qui tụ về Chùa nhưng ít phút sau đó thì tất cả mọi người đã bị lính dùng võ lực dồn hết vào Chánh Điện, những người kháng cự bị đàn áp dã man. Họ dùng súng M16 phá hủy nhiều nơi thờ phượng, đập các tượng Phật và hất đổ cả bàn Linh khiến cho bao nhiêu hình ảnh của những người quá cố rơi vớ tung tóe. Một vài người lính còn nhảy cả lên bàn thờ Phật phía sau hậu diện đùa cợt, lấy trái cây đang cúng lên ăn trước nỗi đau khổ của thuyền nhân. Tiếng khóc la gào thét của trẻ thơ và phụ nữ dường như không làm động lòng được những trái tim man rợ của quân lính lúc ấy. Đến bốn giờ chiều sau khi Sư Cô cùng một số đồng bào và thành viên Ban Quản Trị Chùa bị đánh một cách thô bạo rồi bị bắt đưa về nhốt bên Bộ Tư Lệnh Miền Tây, xong thì quân đội lại tiến xuống khu tám là một khu biệt lập sau hỏa hoạn. Tại đây họ tiếp tục bắt thêm một số người đã có tên trong danh sách Hồi Hương. Tiếng gào thét, khóc lóc vang xin của các nạn nhân vang dội cả một góc trời.
Sự kiện này đã dẫn đến việc thuyền nhân Việt Nam ở PFAC bất chấp mọi hiểm nguy, xông lên phi đạo chặn đứng máy bay không cho cưỡng bức hồi hương những người đang bị giam giữ vào ngày 14 tháng 2 năm 1996. Bị bất ngờ trước phản ứng của người dân tỵ nạn Tướng Tanega, Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Miền Tây, đã tức giận đều xe cứu hỏa với vòi rồng, hàng chục xe GMC và xe Jeep lên đường băng để cản bước tiến của những người liều mạng và hạ lệnh cho quân đội:
- Stop them with any price! (Phải chận đứng họ lại với bất cứ giá nào!)
Trong lúc cuộc xô xát dữ dội giữa quân đội Phi Luật Tân và đồng bào đang diễn ra người ta thấy Cha Crawford cũng có mặt. Cha đã ở bên cạnh đồng bào vào những lúc nguy nan nhất! Nơi đây Cha đã bị một người lính trẻ dí súng M16 vào ngực và hét:
- Go home, Father! I'll shoot you if you don't. Why do you support them"
(Hãy trở về nhà đi, Cha! Tôi sẽ bắn nếu ông không đi. Tại sao ông lại ủng hộ họ")
Cha thụt lùi mấy bước nhưng không trở về và cũng không nói gì cả, buồn bã phủ mờ gương mặt Ngài trước sự hung hăng của người lính. Đứng cạnh Cha tôi thầm lo ngại người lính kia sẽ hành động thật sự nên đã hô hào đồng bào vây người lính trẻ lại. Thấy thế anh ta hoảng sợ và chạy trở lại với đồng đội. Công cuộc giải cứu tuy không thành sau đó, nhưng việc này đã khiến chính phủ Phi Luật Tân ngưng cưỡng bức trước sự phản đối dữ dội của Cộng Đồng Việt Nam ở Hải Ngoại cũng như sự vận động mạnh mẽ của Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân để cho phép thuyền nhân được ở lại. Đó là cuộc cưỡng bức đầu tiên và duy nhất mà chính phủ Phi Luật Tân thực hiện theo đúng chính sách mà họ đã cam kết với Quốc Tế. Phải nói rằng dù sao chính phủ Phi Luật Tân cũng đã nhân đạo trong vấn đề thuyền nhân vì chỉ có Phi Luật Tân là quốc gia duy nhất đã cho thuyền nhân ở lại mà thôi. Valentine's Day ấy đã được báo chí tại Phi thời bấy giờ được coi là Victory's Day của thuyền nhân.
Hai năm sau, chúng tôi đến thăm Cha tại một nhà thờ ở Manila khi hay tin Cha đau nặng. Cha có vẻ xanh và ốm yếu hơn lúc còn ở trại. Thấy chúng tôi đến Cha mừng lắm, Ngài dẫn chúng tôi vào phòng khách cười nói huyên thuyên. Cha hỏi thăm từng người một và tỏ vẻ vui mừng khi thấy chúng tôi đã tạm yên ổn với đời sống mới. chúng tôi ngồi vây quanh Cha và yên lặng nghe Ngài nói chuyện, sau cùng Ngài đã chụp với chúng tôi vài tấm hình để làm kỷ niệm. Cha đứng quyến luyến nơi ngạch cửa lúc chúng tôi từ giã ra về, ai ai cũng mừng vì trông thấy Cha vẫn còn khỏe nhưng không nghĩ rằng Cha đã mất sau khi nhà dòng đưa Cha về Mỹ ít tháng sau đó. Không ai ngờ rằng lần gặp gỡ đó là lần sau cùng.
Sau này nhờ sự vận động âm thầm và khéo léo của những người trẻ còn có lòng với đồng bào đang cơ cực tại Phi như Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, anh Trần Quang Nhân, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân cùng một số thành viên trong tổ chức BPSOS, sự làm việc không mệt mỏi của các Luật Sư đại diện cho văn phòng Luật Sư do BPSOS thành lập tại Manila mà trong đó phải kể công lớn của Luật Sư Trịnh Hội, Hoa Kỳ và Chính Phủ Phi Luật Tân đã mở cửa cho một số thuyền nhân được ra đi đoàn tụ và di dân vào Hoa Kỳ cũng như Úc, Canada, Nhật... Riêng tôi, nhờ ơn Trời Phật gia hộ qua mấy năm sống và làm việc ở chùa Vạn Đức mà tôi đã được Hòa Thượng Thích Giác Lượng, Viện Trưởng Viện Hành Đạo thuộc Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới, thương tình bảo lãnh vào Mỹ qua diện Di Dân Tôn Giáo.
Giờ đây dù đã sống ở nơi tự do thanh bình được gần tròn hai năm nhưng trong cái không khí lành mạnh mỗi độ sớm mai của cơn gió nhè nhẹ vẫn làm tôi bùi ngùi nhớ trại tỵ nạn thuở nào. Có những chiều tôi đứng lặng yên trong màu nắng nhạt lòng cứ hướng về cõi xa xăm như cây đa cũ nhớ bến đò xưa! Tôi nhớ da diết mảnh đất khô cằn của xứ đảo mà ngày xưa lắm lúc tôi đã nguyền rủa vì bị giam hãm. Ôi! PFAC, nơi tôi đã sống và đã để lại một phần đời với những buồn vui lẫn lộn buồn phiền. Những mái nhà lụp xụp những con đường gồ ghề sỏi đá ở trại ngày nào vẫn còn in rõ trong trí tôi. Hình ảnh của các đồng bào đang còn lênh đênh tại Phi cũng như sự hy sinh cao cả của Cha Robert Crawford vẫn mãi vang vọng trong tôi. Ngày nay dù Cha đã về nước Chúa nhưng tôi tin chắc rằng Cha luôn luôn sống trong lòng những người tỵ nạn chúng tôi.
Xa xa trong bụi hoa giấy, con chim xanh đang cất tiếng hót lanh lảnh nhưng thật buồn như đang nhớ tới đồng loại.

Souththern California Ngày 26 tháng 4 năm 2001.
Triều Phong

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,301,153
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.