Hôm nay,  

Đổi Đời

25/03/200100:00:00(Xem: 160374)
Bài tham dự số: ò-198-vb0325

Ai đã từng đến Phan Thiết hoặc tìm hiểu về địa phương này, đều biết rằng Phan Thiết là một vùng biển trù phú có nhiều loại ngư hải sản, rong tảo...mà nước mắm, mắm là những đặc sản nổi tiếng nhất.

Tại vùng này, trước năm 75, ông bà cha mẹ chúng tôi đã sống với nghề biển và đến đời tôi cũng theo cha bám biển từ lúc tuổi đời chưa đến 13.
Làng Đức Thắng Phan Thiết là nơi đa số bà con sống với nghề biển hay chế biến hải sản hoặc buôn bán hải sản... Đây là một làng nổi tiếng giàu có của thị xã với những dãy lều làm nước mắm rộng thênh thang, những nhà làm hộ nhiều của, nhiều tiền và nhiều thế lực. Ngược lại, với xóm “Cồn Bãi” bên rìa, sát biển, nằm về hướng đông nam của làng Đức Thắng, trên phần đất bồi lại là một xóm nghèo, tập họp khoảng chừng 50 nóc gia. Đó là nơi chúng tôi ra đời, lớn lên rồi theo cha bám biển.

Từ tờ mờ sáng tinh sương cho đến chiều sẳm tối, ngày này qua tháng nọ, bà con xóm tôi phải bon chen lao động để tìm cái ăn cái mặc là chính, còn cái chữ, cái nghĩa là phụ, không có cũng chẳng sao, cho nên bà con xóm Cồn Bãi quê tôi hầu như là không ai biết chữ.

Sau những năm 76,77, vượt biên đã trở thành phong trào, bất chấp mọi bắt bớ, tù đày, chết chóc...

Một đêm 30 Âm lịch của tháng đầu năm 79, một chiếc thuyền đánh cá máy 1 lốc đầu bạc vội vả ra khơi, sau hai ngày “ém quân, dọn bãi, chọn giờ xuất hành. Chuyến tàu chở hơn 40 con người vượt sóng gió giữa biển cả mênh mông. Một giờ đồng hồ trôi qua, rồi 2 giờ, 3 giờ, 4 giờ qua đi, chúng tôi không còn thấy gì là quê hương nữa, chỉ thấy một biển trời bao la vô tận.

Năm ngày lênh đênh trên biển nước, nắng, gió, sóng biển...đã làm cho nhiều người bỏ ăn, ói mửa, hóc hác, bơ phờ... nhưng ở họ đều có những nụ cười nhẹ nhõm. Sang ngày thứ sáu, một chấm đen hiện ra ở phía chân trời, rõdần... và may mắn, một chiếc tàu Úc Đại Lợi đến cho chúng tôi thức ăn, nước uống và đưa chúng tôi đến HongKong để vào trại tạm cư.

Chín tháng tại trại tạm cư quả là một khó khăn cho tôi, vì chữ Việt tôi không thông, chữ Tàu không biết, còn tiếng Anh, tiếng Mỹ thì mù tịt, tôi không biết phải làm sao hơn, mọi thứ đều phải năn nỉ chú Quang, một người Hoa (chợ lớn) tốt bụng lại giàu chữ nghĩa làm giúp các thứ giấy tờ cần thiết....

Ngày được vào đất Mỹ, mọi thứ, mọi việc đều xa lạ với tôi, xe cộ qua lại như mắc cưỡi, đường xá rộng thênh thang, sạch sẽ... Tôi ngạc nhiên, thấy có những con đường xe chạy phía dưới, lạ thật!

Một bà Mỹ trắng (hội thiện nguyện) đưa chúng tôi đến một căn nhà khá sang trọng. Nhìn giường nệm, tủ lạnh, bếp gaz... tôi ngỡ là chiêm bao. Những vật dụng đó đã bao đời cha ông tôi và cả đến đời tôi cũng chưa bao giờ có được trên mảnh đất quê nghèo quanh năm suốt tháng chỉ thắp đèn dầu.

Những tháng ngày sau đó, vợ chồng chúng tôi về cư trú tại Pomona. Được sự giúp đở tận tình của bà con đồng hương qua trước, từ việc làm (ủi, cắt chỉ ở Shop may) giấy tờ đi học cho con, cái ăn, cái mặc... chúng tôi thấy một phần tạm ổn.

Sống ở Mỹ mình phải biết tiếng Mỹ dù ít, dù nhiều nên vợ chồng tôi phải đi học ban đêm nơi các lớp ESL ở Indian Hill mall Pomona.

Vợ chồng tôi được một đồng hương “thương tình” giúp đở, làm giúp giấy tờ để theo học ESL. Chúng tôi được xếp vào một lớp ESL, sau khi lấy test. Lớp chúng tôi đa số người lớn tuổi và đa số người gốc Nam Mỹ Châu (Mễ). Một bà giáo dạy chúng tôi tên là Coleman, đã cho chúng tôi những chữ Mỹ đầu tiên trong đời, dạy chúng tôi cách phát âm, dấu nhấn (đa âm) văn phạm (chủ từ, động từ, túc từ...) thành lập câu, thành ngữ... Với chúng tôi, quả là khó khăn nhưng bù lại cũng dần dà biết được phần nào sắc thái đa chủng của Hiệp chủng quốc Hoa Ky.

Ngày lại qua ngày, chúng tôi miệt mài, tìm cách học may vá, đóng nút, ...một nghề mà đối với vợ chồng tôi quá xa lạ, chúng tôi phải làm cật lực, dè sẻn, tiết kiệm hết mức mới vừa đủ trả tiền share phòng, chi tiêu trong gia đình.

Nhiều người bạn ở Shop may nói với tôi rằng: “Anh chị phải cho con đi học, ở Mỹ mà không cho con đi học thì Police nó bắt cả Cha lẫn Mẹ.” Thật tình thì tôi cũng sợ cảnh sát bắt thật, nhưng quyết tâm của vợ chồng tôi phải cho con đi học. Dù bất cứ giá nào, dù khổ cũng được miễn là chúng phải đi học, nếu không cả nhà tôi như câm, như điếc vậy.

Vậy là 2 con tôi vào được trường Emerson, Pomona. Chúng chưa hề biết tiếng Mỹ, chữ Mỹ là gì, thậm chí tiếng mẹ đẻ chữ Việt nó còn không biết. Vợ chồng chúng tôi rất lo cho hai con, không biết chúng có học được hay không" Nếu chúng nó nản mà bỏ học thì chúng tôi phải làm sao" Bao nhiêu câu hỏi không tìm được câu trả lời...

Rồi những ngày đi học đầu tiên của chúng, tôi dậy thật sớm van vái ơn trên gia hộ cho 2 con tôi học được, rồi dắt bộ 2 đứa đến trường với đầu óc, tâm trí, ngổn ngang, vừa lo âu, vừa sợ... Một cô giáo Mỹ trắng chào chúng tôi “Good morning, How Are you"” tôi gật đầu chào cô nhưng thật tình không hiểu cô giáo nói gì. Cô giáo dắt 2 cháu vào lớp học. Lúc đó đã có nhiều học sinh, người Mỹ trắng, đen, Mễ.... chúng nói cười vui vẻ. Đến 2h30 Pm tôi đến đón con về, chúng ăn trưa tại trường, tất cả đều miễn phí.

Sau ngày đi học, trong buổi cơm chiều, tôi hỏi thằng con trai lớn: “Bảo, con biết cô giáo nói gì không"” Bảo trả lời: ”Ba, con không biết, khó quá ba hà!” rồi đến thằng nhỏ: “Nhân, con biết cô giáo nói gì không"” Nhân trả lời: “Con cũng không biết cô nói gì"” Tôi quay người lại nhìn Mẹ nó mà rợn cả người: “Bà ơi, chắc thua rồi, không xong.”

Vậy mà dần dà tất cả đều xong. Cuộc sống như thế bình thản trôi qua. Làm được đồng nào xào đồng nấy, biết đủ là đủ, không thiếu nợ cũng chẳng dư được đồng nào, lúc nào chúng tôi cũng bằng lòng với số phận. Tôi nghĩ “nếu so với bà con đồng hương ở đây thì chúng tôi chỉ là con số 0 to tướng, không bằng họ, nhưng nghĩ lại lúc ở quê nhà, xóm “Cồn Bãi” thì chúng tôi đã quá giàu sang, vì trong nhà đã có TV, tủ lạnh, máy hát... có cả xe hơi Hoa Kỳ nữa.

Thời gian thấm thoát trôi đi, 6 năm định cư ở quê người, 2 con tôi trông đã khác hẳn, lớn hơn và chững chạc. Ngoài giờ học ở trường, chúng còn được các thầy cô kềm cặp thêm, chứ vợ chồng tôi không giúp gì được cho con về việc học, vì chúng tôi bản thân không biết, chỉ biết nuôi con lo cơm nước, áo quần, giặt giũ... Tuy nhiên 2 đứa đều biết lo, chịu khó học hành, nghe lời cha mẹ, do đó chúng tôi thấy an tâm phần nào.

Để tìm thêm thu nhập cho gia đình, tôi phải giữ chân làm cá tại một chợ Tàu, ngoài giờ làm tại hãng. Vài năm sau vì công ăn chuyện làm nên chúng tôi phải dọn về Pasadena. Lúc đó, Bảo đã vào đầu niên học lớp 11 và Nhân cũng lên được lớp 10, trường trung học Blair ở Pasadena.

Tại trường Blair, 2 đứa đều theo phụ giúp cho thày Migawe (người Nhật) phụ trách lớp Computer. Ngoài việc học, chúng còn tham gia ban báo chí, văn nghệ nhà trường, tham gia hội Hiking của lớp, sinh hoạt thể dục, thể thao... và sau khi tan học, 2 đứa còn làm thêm partime (nghành điện toán) ở công ty Kinemetric, 1 công ty Mỹ, Nhật chuyên thiết kế và sản xuất các thiết bị đo động đất tại Pasadena. Chúng nó tự lo liệu việc học hành, không hút thuốc uống rượu... và không xin tiền cha mẹ nữa, chúng đã tự lập.

Tôi đã nhìn thấy sự vươn lên mãnh liệt của 2 con bằng mọi nổ lực để thoát khỏi cái cảnh mù chữ, đói nghèo của cha ông từ nhiều thế hệ trước.
Tiền điện thoại, tiền thuê nhà, tiền rác, tiền điện, tiền nước, đến đều mỗi tháng. Vợ chồng tôi phải lo cật lực với mức lương tối thiểu, chỉ vừa đủ trang trải cho một cuộc sống khiêm nhường.

Mặc dù bận bịu với công ăn việc làm cho cuộc sống nhưng vợ chồng tôi cũng không quên tìm thêm chữ nghĩa. Thế rồi vài năm sau, chúng tôi lần mò tìm đến ngôi trường PCC (Pasadena City College) cách nhà không xa lắm.

Lần này tôi không cảm thấy lo âu, sợ sệt như lần trước vì tôi đã điều nghiên kỹ lưỡng trước khi ghi danh học. Ngôi trường PCC to, rộng, đẹp, hình hộp 3 tầng với 1 thư viện lớn khoảng 200 chỗ ngồi với nhiều loại sách giá trị. Trường có nhiều phòng lớn, nhiều loại sân thể thao, bóng rổ, quần vợt, bóng bầu tục, sân đá banh... Nhà trường dạy nhiều ngữ văn: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung quốc, Quan thoại, Nhật, có lớp Toán Lý Hóa Sinh Điện Toán, nhiều lớp nghệ thuật: đàn, hát, quay phim, đóng phim, chiếu bóng, chụp hình....n goài ra còn có các lớp dạy nghề như làm tóc, móng tay, y tá, thợ hàn, thợ điện, thợ máy, thợ in...

Ở đây hằng năm đều có nhiều tổ chức hoặc tư nhân đến ủng hộ tài chánh hay hiện vật, cũng như các trường đại học của California và ngoài tiểu bang đến giới thiệu hướng dẫn sinh viên váo các trường đại học sau khi họ tốt nghiệp.

Sinh viên trường PCC rất đông (sáng, chiều, tối) khoảng 20,000 sinh viên, thuộc nhiều giống dân, nhưng đa số vẫn là sinh viên Châu Á: Tàu, Việt, Đại Hàn, Thái, Nhật....rất đa dạng và tạo cho sắc thái văn hóa tính phong phú đa chủng. Cũng như các sắc dân khác, sinh viên Việt Nam tại đây làm việc rất nhiệt tình, giúp đở, tạo điều kiện tốt cho việc học tập của những sinh viên mới cũng như phát huy văn hóa Việt Nam trong những dịp lễ hội ở trường

Ba năm theo học tại PCC, tôi không tốn tiền, miễn phí, lại được chính phủ trợ cấp một ít tiền, mua sách vở, học cụ từ nguồn trợ cấp của tiểu bang Cal Grant và Pell Grant của Liên Bang ( Low income). Điều này nói lên được rằng: nước Mỹ cho mọi người nhiều cơ hội, giúp đở cho những ai siêng năng, chịu khó học hỏi để thăng tiến, ngay cả những người khuyết tật: mù, câm, điếc, ngồi xe lăn...

Ngày tháng qua, sau khi tốt nghiệp trung học, Bảo được trường Cal State LA nhận theo học nghành tài chánh kinh doanh (Business finance) rồi một năm sau đó Nhân cũng tốt nghiệp trung học với hạng giỏi (thứ 2 của trường Blair) và được trường đại học Berkely và UCLA nhận để theo học nghành khoa học điện toán (Computer Science).

Thêm 4 năm trôi qua, mỗi đứa đều vừa học, vừa làm tự lo liệu lấy bản thân. Đôi tháng từ trường, chúng về thăm Ba mẹ và thỉnh thoảng còn lì xì cho ba mẹ một ít tiền để dành ăn sáng.

Cuộc sống vợ chồng tôi bình thản trôi qua buồn, vui lẫn lộn nhưng lúc nào tôi cũng nhớ về nơi chôn nhau cắt rún, “Làng Cồn Bãi ” quê tôi với một trời kỷ niệm thân thương.

Hơn 20 năm, như bóng câu qua cửa, kể từ ngày rời khỏi quê hương, giờ đây 2 con tôi đã tốt nghiệp đại học và đi làm cho công ty Mỹ, cuộc sống phần nào đã ổn định. Ước mơ của chúng bây giờ là thu xếp học tiếp để sẽ lấy bằng PhD.

Vậy là giấc mộng “Đổi đời” của vợ chồng chúng tôi đã thành hiện thực trên đất nước Hoa Kỳ. Chúng tôi thành thật cám ơn đất nước Hiệp chủng quốc ào phóng đã cho mọi người nhiều cơ hội.

Nhiều thế hệ cha ông chúng tôi, trên mảnh đất quê hương không làm sao thoát cảnh nghèo đói, thất học, đầu tắt mặt tối bán cá, gánh cá mướn. Quần quật suốt năm làm “bạn ghe” vẫn phải đi mượn nợ, trọn đời cũng khó có nổi một mái nhà trên đất bờ để tránh cơn thịnh nộ của biển cả,
Mơ ước của dân xóm “Cồn Bãi” quê tôi là mong sao cho các con các cháu biết được cái chữ, cái nghĩa hầu thoát cảnh mù chữ. Giấc mơ bao đời ấy cho tới bây giờ, chắc vẫn là... giấc mơ. Tôi xin cầu nguyện cho quê cũ.

THÁI QUỐC

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,601,534
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến