Hôm nay,  

Nước Mỹ, Hội Nhập Và Cơ Hội Thăng Tiến

27/02/200100:00:00(Xem: 189308)
Bài tham dự số: 02-175-VB0227

Làm giàu ở đất Mỹ đã khó, chết đói còn khó hơn, nhưng cố gắng hội nhập để có cơ hội thăng tiến là điều có thể thực hiện được. Thăng tiến xin hiểu bao gồm cả về kiến thức, học vấn và nghề nghiệp.
Gia đình tôi gồm hai vợ chồng và bốn cháu nhỏ, đến Mỹ năm 1992. Việt Nam, trong thời đoạn ảm đạm của lịch sử ngày ấy, nhân sinh đôi khi khóc hay cười cùng một nghĩa như nhau. Người được ra đi, ngoài nỗi hạnh phúc được đến một xứ sở tự do, còn có thêm niềm hân hoan khi được từ giã cõi thiên-đường-không-có-thật. Điểm tích cực, người ta có thêm phấn khích để tạo dựng cuộc sống trên đất mới. Điều không may, đôi người có cảm giác như đang bay bổng trên mây và sau đó... dù không chịu mở.
Loài cá sinh trưởng ở vùng nước ngọt tìm cách hòa nhập vào dòng sống mãnh liệt, đa dạng của đại dương bao la, do vậy, tiến trình hội nhập không ít gian nan. Hơn nữa, lộc cộc đôi guốc Xã Hội Chủ Nghĩa gần 20 năm, chỉ một chuyến bay vượt đại dương đến một xứ sở văn minh nhất hành tinh, chắc chắn ai cũng cảm thấy choáng ngợp, bỡ ngỡ, xa lạ.
Trở ngại về ngôn ngữ, khác biệt về hệ thống xã hội, phong tục, tập quán, những mâu thuẫn, va chạm văn hóa... Do dự khi cần phải thải loại; trăn trở, cân phân để tiếp nhận cái khác nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc, mọi việc không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ngay cả nếu muốn sống hòa nhập với hết mọi người Việt đồng chủng tại Little Sàigòn, quận Cam là nơi tôi đang cư ngụ, người ta cũng cần phải có một cái bụng từ tâm của một vị Phật, một nụ cười miên viễn bất kể buồn vui trên khuôn mặt của một ông Địa để có thể dung chứa hết những ý kiến, quan điểm đôi khi trái ngược nhau đến độ tưởng chỉ có thể có được ở những con người sống trên những thiên hà khác nhau.
Sau thời gian vật lộn với đủ thứ nghề: làm may, chợ trời, assembly... thường là minimum wage, năm 1996, tôi suy nghĩ và tự hỏi "Ở đây học hành dễ dàng, tại sao mình không đi học, may chăng đời sống khá hơn"".
45 tuổi, nói đến đi học là đã thấy ngán ngẩm. Vốn liếng học hành năm xưa, dọc đường chiến tranh và tù ngục, chữ thầy trả cho thầy dẫu chưa hết thì cũng đã gần hết. Ngày mới tới đây, tiếng Anh của tôi chỉ đủ để nói chuyện bằng tay; tôi thank you tưới sượi những ai nói tiếng Anh với tôi mà cũng không biết rằng trong câu nói, người ta có . . ."fuck" mình hay không. Một số người còn cho rằng, mình đã lớn tuổi, học xong thì đã già, ai thèm mướn mình. Tôi lập luận, nếu có học hành, dẫu cơ hội có ít nhưng cóù còn hơn không.
Thế là bắt đầu những tháng ngày miệt mài, ban ngày assembly, tối đến trường. Trí óc con người thật kỳ diệu, những điều học cách nay gần 30 năm, tưởng đã tan biến, nhưng khi đi học trở lại, những ngăn ký ức bật mở, nhớ lại. Anh văn, toán, lý, hóa, sinh... từng mùa học với những cam go qua dần. Lớp Bio, ông thầy nói lẹ như gió, ngay cả học sinh Mỹ cũng phải thẩy recorder lên bàn ào ào, tôi vào ca assembly, cắm earphone vào tai, nghe đi nghe lại. Lớp Social Science, gặp ông thầy là một bình luận gia chuyên đề về xã hội cho một đài phát thanh, ông ta bắt học sinh nghe bài và chương trình hội thoại của ông ta trên đài, rồi viết bài tóm lược. Cuối mùa, tôi đến cám ơn ông ta vì nhờ vậy mà tôi đã nghe và hiểu những talk show trên radio và T.V.
Mùa Fall 1998, vẫn làm assembly full time, tôi gồng mình ghi danh 15 units, cho đủ lớp để lấy bằng Associate, trong đó có một lớp khó gặm trần ai, lớp văn chương Anh văn, kịch, thơ.
Rất nhiều lần máu lính nổi lên, tôi lầm bầm chửi thề:"Ông Shakespeare ơi, ông làm khó tôi, viết kịch thơ Othello, sao ông xài toàn cổ ngữ, khó hiểu thấy mẹ". Những buổi đi xem kịch và nghe ngâm thơ đến lùng bùng lỗ tai. Những đêm gục ngủ vùi trên bàn phòng lab, người instructor phải đánh thức dậy cho về. Không biết thần lực nào đã giúp tôi vượt qua những giai đoạn mệt mỏi đến tận cùng thể xác và trí não như thế. Cuối năm đó tôi lấy được A.S.
Có được mảnh bằng nho nhỏ, tôi tạm ngừng học để tìm job. Tôi sục sạo mọi nguồn job: Trường học, thư viện, báo chí, job fair... Cứ nghe chỗ nào có job mở là tôi nhào tới. Tôi lục tung thư viện mượn sách học về cách săn job, cách viết résumé, cách sửa soạn quần áo và trả lời khi vào phỏng vấn. Té ra, học lấy bằng đã khó, tìm được job cũng không dễ dàng. Có hai yếu tố khắc nghiệt nhất khi đi xin việc, tôi lại "được" cả hai.
Thứ nhất là tuổi tác, người ta mướn một em đôi mươi, nõn nà để còn vừa làm việc vừa ngắm chứ mướn chi thằng cha già dai nhách.
Thứ hai là kinh nghiệm, muốn làm volunteer mà không có kinh nghiệm, người ta còn không muốn nhận, sợ mình làm hư việc.
Chồng hồ sơ lưu trữ đơn xin job mỗi ngày một dầy thêm mà vận may vẫn chưa đến. Résumé mỗi ngày một ngắn gọn súc tích hơn. Những lần đầu phỏng vấn còn e dè, ngượng ngập, sau đó quen dần; về technique, mỗi công ty hỏi có hơi khác, nhưng về personal, thường thì câu hỏi giông giống nhau, những câu trả lời ngày càng sắc nét hơn.
Có hôm vào phỏng vấn tôi còn dám dọa già dọa non: "Tôi phải cáng đáng một gia đình 06 người với đồng lương minimum, do vậy, một phần tôi phải sống dựa vào trợ cấp xã hội. Tôi đã phải cố gắng học hành để có công việc tốt hơn. Tôi đến xứ sở này không phải để sống nhờ vào trợ cấp xã hội, tôi muốn là một taxpayer, tôi không muốn là một gánh năïng cho xã hội. (Ý hăm rằng nếu quý ông mà không nhận tôi, tôi sẽ tiếp tục bắt vạ ông Clinton phát check xã hội cho tôi hàng tháng, cho quý ông mặc sức mà đóng thuế). Vẫn không có kết quả, các em job thơm phức vẫn lừng lững đi qua đời tôi rồi. . . đi luôn.
Tôi bắt đầu nản lòng thì may sao gặp được một sư phụ. Ông này tâm sự: "Tôi vượt biên sang đây năm 80, lấy xong Bachelor thì đã ngoài 40. Trong vòng sáu tháng, tôi gởi đi khoảng hai trăm tờ đơn xin job. Cuối cùng, tôi có được một cái đáp số. Tôi giữ được job ấy đã 12 năm nay; bây giờ, trong công ty tôi thuộc loại thâm niên". Và ông ta khuyên tôi:
-Thứ nhất, chú em phải kiên trì.
-Thứ hai, đừng dính cứng vào chuyên ngành computer programming của chú, bung rộng lãnh vực tìm job ra, xin luôn những job nào có liên hệ xa gần với nó, thí dụ như việc văn phòng. Office nào bây giờ người ta cũng cần người biết sử dụng computer, cứ xin vào làm lấy kinh nghiệm rồi sau sẽ tính.”
Được cố vấn và khuyến khích, tôi lấy lại tinh thần, tiếp tục lên đường. Trong thời gian này, tôi xin được vào làm trong Disneyland, custodian. Công việc nhàn hạ, môi trường vui nhộn, 08$/giờ. Tôi có chút thuận lợi, như sách vở có nói, người ta sẽ tự tin hơn khi vào phỏng vấn nếu trong tay người ta đang giữ một job tàm tạm. Chỗ nào gọi đi phỏng vấn tôi cũng đi; chỉ việc lên đồ cho người ta ngắm rồi... quay mình như dế. Mỗi lần thất bại, tôi lại tự an ủi "Thất bại chẳng những là mẹ mà còn là bà cố nội của thành công. Cứ cố gắng, thể nào cũng có ngày mèo mù vớ cá rán".
Có hôm thấy cảnh sát hình sự tuyển nhân viên hành chánh, tôi cũng điền đơn luôn. Sau khi qua được kỳ thi viết, họ cho hẹn ngày giờ phỏng vấn và đây là cuộc phỏng vấn đáng ghi nhớ. Trước khi vào phỏng vấn -đúng hơn phải gọi là thẩm vấn- tôi phải viết trả lời một trăm câu hỏi được in sẵn trong vòng một tiếng, phần lớn là hỏi về quá khứ và án tích của mình nếu có. Sau đó là cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng hai tiếng.
Phỏng vấn viên là một ông cảnh sát, khoảng trên năm mươi tuổi. Ôâng ta hẳn phải là một chuyên gia về hình sự, và chắc phải cả về tâm lý nữa. Nhiệm vụ của ông ta là tìm cho ra những gì mình còn giấu giếm trong bản trả lời và tìm hiểu thêm về cá tính cũng như khả năng của mình. Sau khi quay tôi một hồi, đột nhiên ông ta ngừng lại, chăm chú nhìn tôi vài giây, rồi hỏi:
- Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, bạn có ở trong quân đội không"
- Có. Tôi trả lời.
- Thế tại sao bạn không viết vào mục quá trình phục vụ trong quân ngũ"
- Tôi chỉ là cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tôi biết tôi có viết vào các ông cũng không tính, cho nên tôi không viết.
Tôi đã có kinh nghiệm về vấn đề này khi được phỏng vấn ở quận Los Angeles. Người cựu quân nhân Mỹ phỏng vấn cùng đợt với tôi, anh ta được 85 điểm cộng thêm 10 điểm credit của cựu quân nhân thành ra 95 điểm. Còn tôi chết cứng với số điểm nguyên thủy 90, gặm nhấm nỗi buồn cựu quân nhân của xứ nhược tiểu. Trên waiting list, mình thua người ta 5 điểm, tên mình xếp sau cỡ một cây số.
Người cảnh sát mở ngăn kéo, lấy ra một xấp giấy trắng và một cây viết đặt lên bàn rồi nói:
- Về phương diện chuyên môn nghề nghiệp, chúng tôi lại cần biết những điều ấy. Vậy nếu có thể được, xin bạn viết xuống những điều bạn đã làm trong thời gian bạn ở trong quân ngũ. Thời gian, đơn vị, nơi chốn bạn đã từng phục vụ, càng chi tiết càng tốt. Bạn có năm phút.


Tôi kéo xấp giấy về phía mình, cầm lấy viết, ký ức thời tuổi trẻ chiến tranh, đã từ rất lâu chìm khuất trong mịt mờ của vận nước, trong tất bật của cuộc sống, bỗng nhiên chồm dậy. Số quân, đơn vị, địa danh... Tôi sống lại những tháng ngày ám mù khói súng. Cổ Thành, Cửa Việt, Mỹ Chánh, Triệu Phong, Hải Lăng, Thạch Hãn, căn cứ Bacbara, Động Ông Đô, Hòa Mỹ... Những trận thư hùng nẩy lửa với trung đoàn “Diệt Trâu”, một đơn vị đặc nhiệm của phía bên kia, được thành lập chỉ riêng để chọi nhau với tiểu đoàn “Trâu Điên” chúng tôi. Đôi uyên ương này lúc nào cũng "Bâng khuâng dao súng nhìn nhau", và hễ cứ có dịp là đinh nhau đến nơi đến chốn. Tình nghĩa huynh đệ của tuổi trẻ Miền Nam những thế hệ chúng tôi, tụ hội để cùng bước với nhau những đoạn đường sinh tử, bi tráng của chiến tranh, cùng chia xẻ với nhau những giây phút mà bờ vực giữa sự sống và cái chết, ngăn cách chỉ một sợi tóc, trước sau chỉ một sát na. Trận đánh cuối cùng, đầu tháng 3/75, khi lữ đoàn chúng tôi vào thay cho lực lượng Dù ở vùng núi Thường Đức, Đà Nẵng. Chập chùng lửa đạn gầm réo trên đỉnh Đồi Máu 1062, rực cháy... Hằng trăm họng pháo của cả hai bên cùng trút cơn cuồng nộ xuống lòng sông Vu Gia, loạn sóng... Cuộc tự triệt thoái phi lý, uất nghẹn cuối tháng 3/75, bờ biển Non Nước, tan tác... Sáu năm tù chợt thoáng như giấc ngủ trưa...
Năm Phút. Tôi ngừng viết lặng lẽ đẩy xấp giấy về phía người cảnh sát, cố tự trấn tĩnh đây là trận chiến vồ job, không phải là chiến trường súng đạn. Người cảnh sát chăm chú đọc, vài phút sau, ông ta ngẩng lên nhìn tôi, nói chậm rãi:
- Tôi cũng là một cựu quân nhân, trong một thời gian ngắn, bạn nhớ lại được khá nhiều điều về đời sống quân ngũ, bạn có được một trí nhớ thật tốt. Và chắc rằng thời gian trong quân đội đã gây ấn tượng hết sức sâu đậm và làm phong phú thêm cho đời sống của bạn.
Tôi nói với ông ta một điều mà bất cứ người lính nào cũng đều thấm nghiệm được:
- Một người, đã từng là một người lính, anh ta sẽ mãi mãi là một người lính.
Người cảnh sát chớp mắt, tư lự. Tôi nghĩ thầm, cha nội này dám chừng cũng đã từng sang tham chiến ở Việt Nam, những mảnh tình rơi rớt đâu đó, mắt mũi mơ màng thế kia... Tôi kéo ông ta trở về trận chiến trước mặt bằng bài ca con cá:
- Nhưng trên thực tế, như ông cũng biết, người ta sống bằng miếng bánh của hiện tại, không ai sống được với miếng bánh của quá khứ.
Aùnh mắt của những người lính gặp nhau, cảm thông. Sau cùng, ông ta nói với tôi:
- Bây giờ, bạn sang phòng bên cạnh chụp hình và lấy dấu tay. Chúng tôi cần hình và dấu tay của bạn để gửi về trung ương điều tra thêm. Khi nào có kết quả, chúng tôi sẽ báo cho bạn biết.
Bốn tháng sau ngày mở chiến dịch vồ job, một nửa trong số khoảng sáu chục tờ đơn tôi gởi đi mất tăm vào hư không. Một phần ba số còn lại tôi bị loại ngay ở vòng Screen Test. Còn thì, cái nằm chờ ở waiting list vòng ngoài, cái vào phỏng vấn đến vòng thứ hai; cái nằm ở gần đầu danh sách, cái nằm tận đáy. Cuối cùng, ơn trời, rải rác trong vòng hai tuần lễ, tôi nhận được đến ba cái đáp số.
Trong ba job được đề nghị, tôi lựa ra được hai job đặt lên hàng ưu tiên theo tiêu chuẩn: Thứ nhất, công việc có tính cách lâu dài, bền vững. Thứ hai, tiền lương tàm tạm. Và thứ ba, benefits đầy đủ nhất là bảo hiểm y tế cho gia đình.
Job thứ nhất là một việc làm cho chính phủ tiểu bang Cali, một công việc ở back office, khiêm nhường nhưng hiền lành, không dính dáng gì đến súng đạn.
Job thứ hai là của cảnh sát tôi đã được phỏng vấn dạo trước. Tiếng là nhân viên hành chánh nhưng người ta vẫn đòi hỏi mình phải xơi tái người khác trong trường hợp cần thiết.
Không mất nhiều thì giờ cân nhắc, job thứ nhất đã được chọn. Tôi, như phần đông người Việt Nam, nhân chi sơ tính bổn hiền hòa, có ai mà muốn đụng chạm đến súng đạn trừ phi vạn bất đắc dĩ.
Tôi báo cho công ty Disney trước 10 ngày tôi sẽ ngưng làm việc cho họ. Tôi cũng viết thư cám ơn những chỗ khác đã tử tế cho tôi job, but I'm sorry. . .
Tôi học được cách cư xử này từ cả hai nền văn hóa Đông, Tây. Phương ngôn Việt Nam có dạy, dẫu có qua được sông, cũng xin chớ coi thường sóng dữ. Còn trong sách vở kinh điển Mỹ "Don't burn the bridge behind you".
Tôi trở thành công chức từ đó. Càng ngày tôi càng hiểu thêm về đời sống Mỹ nhất là trong môi trường làm việc. Cũng yêu thương và ganh ghét; cũng nịnh nọt và đố kỵ; cũng khen nhau trước mặt, nói xấu nhau sau lưng; cũng đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố của cõi nhân gian. Tôi nhận ra, nếu muốn sống hài hòa trong một xã hội đa văn hóa, người ta không chỉ chia xẻ với nhau những điểm tương đồng, nhưng quan trọng hơn, cần phải biết cảm thông với những điều dị biệt của những nền văn hóa khác.
Tôi cũng khám phá ra nhiều điều lý thú. Ví như, đàn ông xứ nào cũng thế, điểm yếu của phái mạnh là con mắt, cái miệng và lũ “tứ ngũ chi” quờ quạng, thủ phạm chính gây nên vô số những rắc rối cho sở hữu chủ của chúng. Chính vì vậy trong công việc, đàn bà thường dễ có cơ hội thăng chức hơn đàn ông. Tên tôi là Cương, những người Mỹ cùng sở có cố gắng đến trẹo họng cũng chỉ phát âm được thành chữ "Cưng". Tôi nói với các bà, các cô:
- Bạn gọi tên tôi như thế tôi vẫn hiểu, nhưng về ngữ nghĩa, chữ "Cưng" trong tiếng Việt khi dịch sang tiếng Anh, nó có nghĩa là. . . "Honey" đấy.
- Really"
Thừơng thì sau đó họ vẫn gọi tôi là "Cưng" như cũ, nhưng tôi cảm thấy nhẹ lòng vì tôi không có ăn gian ai hết cho dù mỗi khi gặp nhau, được các kiều nữ tóc vàng mắt xanh chào hỏi "Hi, Cưng" cậu Mít nào mà không cảm thấy... ngọt đời tị nạn.
Tôi làm được hơn một năm, một hôm, vào bữa ăn trưa, tình cờ tôi ngồi cùng bàn với người manager của cơ quan. Vừa ăn ông ta vừa hỏi tôi:
- Bạn không uống rượu"
- Cũng có chút đỉnh, nhưng chỉ ngày nghỉ cuối tuần. Tôi trả lời. Nói là chút đỉnh nhưng gặp lúc vui anh em, tôi cũng chơi tới bến.
- Bạn không hút thuốc" Ông ta hỏi tiếp.
- Tôi bỏ thuốc ngay từ khi tới đất Mỹ. Tôi đáp. Ở Việt Nam, tôi hút thuốc 20 năm. Trong tù, nhiều lúc thiếu thuốc, tụi tôi lấy lá cà, lá ổi xắt ra, phơi cho heo héo rồi hút cho đỡ ghiền, không sao bỏ được. Khi vừa đặt chân xuống Mỹ, có người đã nói với tôi, nếu muốn sống sót được ở đất Mỹ thì phải bỏ thuốc, còn không thì chỉ có chết. Tôi là thằng chết nhát, nghe nói đến chết là sợ ghê lắm, sợ gần bằng với sợ bị bà xã cằn nhằn làm ô nhiễm không khí trong nhà, tôi gắng bỏ hút. Những ngày đầu vật vả. Những lúc đang lái xe phải tấp vô lề, lịm đi. Những đêm mơ thấy mình hút thuốc, giật mình tỉnh dậy, hốt hoảng tưởng như giữa đường hành quân bị phục kích bất thần. Buổi sáng uống cà phê, những ngón tay kẹp thuốc bao nhiêu năm cứ rung lên, nhớ thuốc gần bằng với nhớ... dzợ. Có lúc tôi tưởng đã phải đầu hàng. Bà xã tôi cũng khuyến khích, nếu tôi bỏ được thuốc, sẽ có thưởng. Thành thử, phần vì sợ chết, phần ham được thưởng, tôi bỏ được thuốc, nay đã tám năm.
Không thấy ông ta hỏi tới mục thứ ba. Chứ nếu ông ta hỏi tới, và nếu ông ta biết tiếng Việt nữa, tôi sẽ đọc cho ông ta nghe một vần thơ thẩn thẫn thờ tôi viết theo đuôi hai câu thơ của cụ Trần tế Xương:
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được hai cái trên,
Còn cái thứ ba,
Người ta hở ngực, hở đùi, hở. . . đủ thứ,
Làm sao chừa được"
Cuối bữa, trước khi đứng lên, người manager nói với tôi:
- Bạn làm việc tốt lắm, và tôi cũng biết bạn đang học để lấy Bachelor Degree. Với phong cách làm việc của bạn, tôi tin bạn sẽ thành công.
Tôi cám ơn lời khích lệ của ông ta và tự nhủ dù có khó khăn, tôi vẫn phải cố gắng step up.
Những di dân khi đến xứ sở đầy cơ hội này, ai cũng muốn có được một cuộc sống thăng tiến. Muốn vậy, người ta phải thực sự hội nhập. Người ta sẽ không hưởng được thú tắm sông nếu chỉ đứng trên bờ và nói khơi khơi: "Tắm sông thì mát". Người ta phải nhẩy xuống dòng sông đời sống, bơi lặn, quẫy đạp trong đó. Có thể người ta sẽ gặp những thử thách tưởng như không thể vượt qua, những sóng ngầm sóng nổi, cả những rác rưởi vẩn đục, nhưng có như thế, người ta mới dễ dàng hòa nhập vào dòng sống mới.
Về phương diện cá nhân, một người mà hết một thời tuổi trẻ đã phải đi vào chiến tranh và tù ngục như đi vào những tuyệt lộ, và ở tuổi muộn màng vẫn đang gắng lần thoát ra khỏi mê cung đời sống Mỹ; một người với cả cái tốt và xấu, những cố gắng tự chế để vượt thắng, những lỗi lầm thất bại te tua, tôi vẫn thích nhất lời khuyên của Leo, xin tạm dịch: "Nếu đời quật bạn xuống, hãy cố gắng ngã tựa lên lưng bạn. Bởi vì, chừng nào mà bạn còn có thể ngước nhìn lên được thì bạn còn có cơ đứng dậy-- If life knocks you down, try to land on your back. Because if you can look up, you can get up.

Đông Phong

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,246,390
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Bước qua thêm một lần 30 tháng Tư, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư năm nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vô cùng thương tiếc cố Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO,
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể,
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 4 bài đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ năm.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến