Hôm nay,  

Những Mảnh Đời Lưu Lạc

19/02/200100:00:00(Xem: 212606)
Bài tham dự số: 02-170-VB 0219

Tôi vẫn sống, nhưng làm như cuộc đời không thể trôi thêm nữa. Tôi đã trôi xa lắm từ quê hương bên kia Thái Bình Dương tới đây. Tôi đã vùng vẫy bằng mọi cách để trôi xa thật xa quê hương, để tìm vợ con tôi mà ai cũng bảo rằng chắc chắn tất cả đã chết trong một cơn bão biển.
Tôi vẫn sống, nhưng tôi chỉ nhìn thấy dĩ vãng, thấy vợ tôi, người vợ lấy tôi năm mười tám tuổi, có với tôi ba trẻ thơ và đã cùng các con lìa xa tôi năm hai mươi tám tuổi. Nàng với tôi quen và yêu nhau trong hai năm, là vợ chồng hơn mười năm. Thế nhưng trong tuổi yêu đương thư từ cho nhau nhiều hơn những lần hò hẹn, vì tôi là khóa sinh của một quân trường. Qua bao nhiêu những thủ tục sưu tra của nhà binh chúng tôi đã thành hôn, nhưng… cưới nhau xong lại xa.
Năm năm đầu, chúng tôi có tất cả với nhau hơn mười hai tuần lễ cho những lần nghỉ phép và một lần… trốn về vì nhớ vợ con. Thời chiến tranh, mỗi lần chia tay là một lần lo xa vĩnh biệt. Nàng hai lần mang thai, tôi chưa bao giờ được ẵm con lúc chúng mới chào đời. Các con tôi chưa đứa nào được ba mua cho đồ chơi, áo mới, vì lương của tôi chỉ đủ nuôi tôi. Vợ tôi tá túc nhà cha mẹ, vừa đi làm vừa vất vả nuôi con, đôi khi còn dành dụm để cho chồng có thêm tiền cà phê, thuốc lá. Quà của tôi, chỉ là những cánh thư lưu chuyển qua nhiều khu bưu chính.
Hơn năm năm sau ngày Cộng sản thôn tính hết Việt Nam, tôi bị đi tù và nàng đang chờ ngày sanh con, đứa thứ ba.
Trong năm năm tù tội, chúng tôi có với nhau sáu tiếng đồng hồ cho hai lần gặp gỡ ngoài trời, một lần mưa và một lần hơi hơi nắng. Cũng may tôi… ở tù gần nên mỗi lần được thăm, nàng chỉ vất vả có… bốn giờ ngồi xe và ba giờ đi bộ mang tiếp tế cho chồng.
Sau năm năm tôi đước thả về, với nhiều thứ bệnh làm quà cho tình yêu của vợ, với nhiều khó khăn dồn dập mỗi ngày của địa phương để nàng và gia đình phải lo chống đỡ. Một đêm vui, đầm ấm nhất trong đời tôi là sau ngày tôi ở tù về, nàng bảo tôi làm… ngựa cho các con chơi, hai đứa con trai vui sướng lắm. Chỉ tội đứa con gái cưng bé nhỏ của tôi chưa biết ba bao giờ, không có cái hình nào chụp chung với tôi như các anh của nó, cháu tránh mặt tôi hoài không dám lại gần. Vợ tôi đặt nó lên lòng tôi làm nó khóc và bỏ ra ngoài buồng với ông bà ngoại. Hôm đó lời chân tình tôi nói nhỏ với vợ tôi là: Em có muốn ngồi lên lòng anh không"
Thế rồi trời thương, qua những mối làm ăn vất vả, lương thiện nhưng lén lút trong thời buổi nhiễu nhương, chúng tôi có đủ tiền lo cho vợ chồng và ba con theo một chuyến vượt biên, vượt chỗ chết để tìm ra lẽ sống. Lúc đó vợ chồng tôi không biết thế giới bên ngoài có gì ngoài tự do để ước mơ. Tôi chỉ mơ các con tôi được thảnh thơi đi học mỗi ngày, không phải bưng những chén cơm trộn bo bo, không phải lo những công tác thủy lợi ngu xuẩn hay những nghĩa vụ quốc tế hoang đường.
Vào một đêm giông bão thật khó ra khơi nhưng để vượt qua sự bủa vây, con thuyền vượt biên đã thoát đi, đã đem theo vợ con tôi, còn tôi thì kẹt lại. Ôi sự hên xui không thể nào mà lường trước được, kể ra chỉ thêm buồn. Từ đó tôi trốn chui trốn nhủi, sống bám và làm khổ bao người thân. Tôi tìm hiểu tin đồn về những con tầu vượt biên bị đánh chìm, tôi đi dò kiếm khắp những nông trường, những trại giam phụ nữ, nhưng không có tin tức vợ con.
Hai năm sau các người thân lại giúp tôi đi. Tôi đã đến Mỹ, nhưng chỉ còn trơ trụi một thân. Tôi chỉ thấy lại vợ con trong ác mộng với giông bão tưởng tượng, tôi thấy sấm nổ, chớp lóe, soi rõ nét kinh hoàng của vợ và các con tôi, ướt sũng, ôm lấy nhau trong chiếc thuyền gỗ nhỏ ngập nước, ngả nghiêng, chao đảo theo từng cơn sóng lớn. Lẫn trong tiếng gào khóc của chung quanh, có tiếng nàng kêu tôi, có tiếng các con cầu cứu bố. Đêm đêm, tôi nghe mãi những tiếng kêu đó.
Trên đất Mỹ, tôi đã học lấy một nghề, được trợ giúp của xã hội nơi đây để có một mảnh bằng đi kiếm việc, sống cho tôi thôi. Rồi một hôm, tôi lìa xa những người thân đã giúp tôi lúc bơ vơ. Họ đều tốt, nhưng gia đình ấm cúng của họ chỉ làm tôi thổn thức.

Mùa đông năm ấy sau hơn hai năm trên đất Mỹ, tôi đến một thành phố lạ với số tiền dành dụm không nhiều, với số vốn ngoại ngữ phải cần đến tay để phụ cho cái miệng đã từ lâu cũng không còn khả năng để lưu loát ngôn ngữ chính của mình.
Tôi đã không làm sao kiếm ra việc làm, tôi chưa có điều kiện để xin tiền thất nghiệp, tôi ngại ngùng đi tìm khai trợ cấp, tôi xấu hổ phải quay về với cuộc sống mà tôi không muốn phải so sánh.
Tôi đã vác ba lô đi khỏi nhà trọ trước khi người ta đuổi tôi ra vì tôi không còn tiền trả. Tôi muốn đêm Giáng Sinh năm đó lang thang trên khắp các đường phố phủ tuyết, uống cho thật say với một chai Whisky bọc dấu trong túi giấy như những chàng homeless ghiền rượu, tôi muốn uống cho đến khi gục xuống nơi nào đó, rồi… vợ con tôi sẽ dìu tôi đến một nơi… xa.
Thế rồi tôi đã gục xuống, đã nằm thiếp đi dưới một mái hiên, cho đến khi mấy người cảnh sát lay tôi dậy, kéo tôi vào trong mái che của một tiệm bán lẻ, và phủ lên tôi mấy tấm mền. Sau này tôi được biết mấy đêm đó trời lạnh lắm, những căn nhà của thành phố dành cho dân homeless trú thân không đủ chỗ, vài homeless đã chết vì cóng lạnh. Bởi khẩn cấp nên cảnh sát và những người làm việc thiện phải đem mền đi phủ đắp cho những người homeless đang ngủ trên hè phố… Có lẽ vì tôi đắp mền nên linh hồn của vợ tôi đã không tìm ra tôi để rủ tôi đi theo!
Sáng sớm hôm đó, người chủ tiệm đá tôi dậy trước khi mở cửa, tôi vội vàng xin lỗi, lôi đống mền ra ngồi ở mái hiên ngoài. Đấu óc tôi trống rỗng, tuyệt vọng quá vì cái chết không đến, biết làm gì cho những giờ kế tiếp đây, ruột gan tôi cồn cào đói, mùi rượu tanh hôi bốc lên từ bao tử thật khó chịu, nước mắt tôi trào ra và thầm kêu… Điệp ơi, tên vợ tôi.
Sau đêm Giáng Sinh đường phố vắng lắm, các cửa tiệm trên phố không ai mở cửa, bão tuyết lại đang rơi nên xe qua lại hầu như chưa có. Phải rồi, tôi sẽ bất ngờ lao ra một chiếc xe vô phước nào đó chạy ngang chỗ tôi ngồi. Nếu tôi chết và những sự linh thiêng là có, tôi sẽ phò hộ cho người không may đã cán chết tôi. Trước khi tính chuyện chết, tôi phải vứt hết giấy tờ của tôi vào thùng rác trước mặt. Tôi không muốn ai biết cái chết thê thảm này là một người Việt Nam chán đời, một người Việt homeless. Dù tôi có chết chăng nữa tôi cũng không muốn những người thân ở quê nhà, ở bên này biết kẻ chết là tôi để họ phải thương xót, để họ phải tủi nhục.
Tôi đã bỏ chiếc bóp vào thùng rác, sẵn sàng. Thế nhưng chết cũng khó. Tên chủ tiệm mà ban nãy đã đá tôi chạy ra, hắn hất tung nắp thùng rác, hắn nhặt chiếc bóp lên, hắn đến bên tôi và nắm cổ áo lôi tôi dậy, tay kia hắn mở chiếc bóp. Vẻ mặt bớt hung hăng khi thấy hình trên bằng lái xe trong chiếc bóp là của tôi, hắn hỏi:
- Vietnamese"
- …Yes!
- Homeless"
- No!!
Hắn chau mày tỏ ra không hiểu, hắn hỏi tại sao tôi lại dục bỏ hết giấy tờ của tôi vào thùng rác. Tôi không giải thích. Hắn hỏi tiếp tại sao lại ngủ ngoài đường tôi cũng lặng im. Lưỡng lự một chút, hắn nhặt mấy tấm mền lên vào bảo tôi:
- Come in!
Tôi không còn chủ động, xách ba lô lê chân vào tiệm theo hắn.
- Seat down!
Tôi ngồi xuống, hắn rót cho tôi một ly cà phê nóng không đường, tôi uống. Hắn đem đến cho tôi mấy chiếc bánh donut, và châm thêm cà phê. Cái đói đang làm chủ nơi tôi nên … nó bắt tôi ăn thật nhanh, dù biết cách ăn của mình ti tiện. Ăn xong tôi lí nhí lời cám ơn dù chính hắn là người đã khiến tôi chưa thể chết.
Hắn vừa làm công việc của hắn vừa nói không có chi, hắn bảo tôi trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, hắn đã qua tham chiến một lần. Hắn đoán là với tuổi của tôi, có thể tôi cũng đã ở trong quân đội miền Nam. Tôi trả lời phải, rồi tôi kể cho hắn nghe một cách đơn giản, thiếu hứng thú về tôi, về vợ con tôi, về nghề nghiệp mà tôi có thể làm. Tôi không nói tại sao tôi đến thành phố này và tại sao tôi lại nằm lăn lóc nơi cửa tiệm của hắn đêm qua. Hắn cũng không muốn hỏi tôi những điều đó. Hắn vẫn còn giữ bằng lái xe của tôi, và sau khi trả lại hắn bảo:
- Anh cần phải đổi lấy bằng lái xe của tiểu bang này. Tôi có thể giúp nếu anh muốn việc làm, tôi cũng cần một người giúp việc. Anh có muốn làm cho tôi không"
Tôi nói cách ngờ ngẩn:
- Tôi không có chỗ ở để có thể đi làm.
Hắn cười:
- À há, vậy anh là homeless rồi. Không trở ngại, làm cho tôi ban ngày, sau chín giờ tiệm đóng cửa anh có thể ngủ ở ngoài hiên, OK"
Tôi cười gượng. Tôi không quen ai ở thành phố này. Mấy tuần trước vì có tiền nên tôi ở Motel, trả tiền trước nên rất dễ, còn bây giờ với mức lương thấp nhất, muốn mướn một căn buồng nơi chung cư cũ kỹ cũng cần phải có người bảo trợ và trả tiền ứng trước cho nhiều thứ linh tinh. Làm như biết tôi nghĩ gì, hắn cười:
- Đùa đó thôi. Anh đã là một người trong quân đội, anh đã gặp nhiều khó khăn, tôi nghĩ là anh sẽ làm việc chăm chỉ. Việc này không có lương cao như công việc anh đã học, nhưng việc tạm mà. Ngoài cửa hàng bán thực phẩm nhỏ này tôi còn có một cư xá ở cách đây không xa, tôi cho anh ở trước, trả tiền thuê cho tôi khi anh có lương. Một phòng, ba trăm đô la một tháng. Tôi sẽ dẫn anh tới coi. Tôi sẽ trả lương anh với giá căn bản sau mỗi tuần làm việc, và anh làm cho tôi tám tiếng mỗi ngày. Khi nào tôi cần anh phụ thêm thì mình sẽ nói sau. Tôi sẽ giúp anh để xin trợ cấp y tế. Nếu anh bằng lòng thì tôi có đơn xin việc đây, điền vô và ký tên.
Hắn đưa tôi một mẫu đơn in sẵn và giải thích thêm:
- Đừng có lo, công việc bán hàng, nhận hàng thì dễ thôi, tôi sẽ chỉ cho anh, máy tính tiền thì học mau lắm. Ăn thêm cái gì đi, rồi phụ tôi lau chùi mấy tủ chứa đồ đông lạnh, tôi trả công cho anh, mình chỉ cần làm chừng hai tiếng thôi, ngày mai tiệm mới mở cửa.
Vậy là hắn đã cho tôi sự an ủi và tin cậy, hắn lôi cuốn tôi trở lại cuộc sống thật bất ngờ.
Hắn nói, hắn lấy làm lạ khi thấy một người Á Đông là homeless, hắn ghét mấy tên homeless thường khi ngủ trước tiệm và xả bẩy nếu hắn không cho chúng đồ ăn. Hắn đã ngạc nhiên, tôi bị đá mà không chửi, còn nói lời xin lỗi. Sở dĩ hắn thấy và chạy ra vì ngỡ là tôi đã giựt bóp của ai, lấy hết tiền rồi quăng vô thùng rác.
Sau đó tôi đã phụ với hắn lau chùi cửa tiệm, dù người đã mệt lả.
Hắn, Brandy Smith là quý nhân mà có thể vợ con tôi đã linh thiêng đưa tôi đến với hắn, gửi gấm tôi cho hắn.
Khi chúng tôi lau chùi cửa tiệm xong thì ngoài đường tuyết đã phủ dầy. Trên TV thông báo có nhiều nơi tuyết phủ cao hơn một feet và nhiều tai nạn xẩy ra. Hắn gọi phone về nhà nói chưa thể về vì bão tuyết, rồi quay qua tôi:
- Phải chờ người ta ủi sạch tuyết trên đường thì tôi mới có thể đưa anh về cư xá. Anh không phải là người Việt Nam đầu tiên tôi biết đâu. Ở cư xá của tôi có nhiều gia đình Việt Nam, không biết là tôi đã giúp họ hay họ giúp tôi vì cư xá của tôi đã cũ lắm, nhiều người Mỹ đã dọn ra từ lâu, chỉ còn người Việt Nam và Cam Bốt hoặc Lào mướn vì giá thấp.
Hắn giải thích là cho gia đình Á Đông mướn ít có sự sự phiền nhiễu và tiền nhà luôn trả đúng hạn kỳ. Họ ở đông hơn số người mà mỗi căn có thể cho phép, song hắn cũng thông cảm vì biết họ đang sống nhờ trợ cấp xã hội để đi học, tìm việc làm, hoặc cho qua tuổi già.
Hắn nói, cứ mỗi khi có một căn người thuê là Mỹ hay Mễ đi ra thì vài ngày sau lại có một gia đình Việt Nam tới mướn do những người đã ở trước giới thiệu đến. Đôi khi nếu hắn nhận một cái check trả tiền nhà đứng tên một người khác thì y như là gia đình cũ đã ra hồi nào mà hắn không hay. Họ không muốn bị tính tiền cho những sự hư hại, mà quên rằng sẽ bị phiền phức vì còn đứng tên thuê nhà nếu có sự gì bất thường về sau. Hắn không thích việc này vì không đúng với giao kèo, nhưng rất khó kiểm soát. Hắn chưa phân biệt và nhớ được người Á Đông ai là Việt, ai là Miên, Lào trong cư xá. Tuy nhiên chưa có vấn đề gì trở ngại nên hắn cũng lơ là. Hắn nói dân Việt Nam thích ở đây cũng có thể vì hắn dễ dãi hoặc đời hắn có cái gì đó liên hệ nhiều với Việt Nam.
Hắn mời bia nhưng tôi không uống, tôi vẫn còn cảm giác choáng váng bởi rượu và miệng lưỡi lạt lẽo. Hắn nói có thể hắn biết tâm trạng của tôi. Trong những mùa Giáng Sinh, có nhiều người vui thì cũng lắm kẻ buồn.
Hắn chật lưỡi, sau hai mươi năm chính phủ Mỹ vẫn tìm cách nói chuyện với kẻ thù để tìm xác các chiến binh của họ, nhưng vợ hắn thì đã bỏ hắn, trước khi hắn trở về từ Việt Nam. Tuy là khác nhưng hắn cũng đau khổ như tôi. Nếu thời thanh niên hắn không từng đạp xe với vài tín hữu đi gõ cửa mỗi nhà để truyền đạo và khuyên người ta hãy sống yêu đời thì hắn cũng đã muốn tìm cái chết. Bây giờ hắn sống với một bà girl friend đã trên 17 năm, chưa có gì trục trặc, thật là một điều khó hiểu. Coi nhau là bạn bè nên tôn trọng nhau hoặc ít kềm chế nhau chăng"
Hắn kể tiếp, tôi sẽ không phải là người đau khổ duy nhất sống trong cái ”cư xá buồn hiu” của hắn. Hắn cười và bảo tôi, cái tên đó không sai đâu, hắn sẽ dẫn tôi tới với mấy gia đình Việt Nam cho tôi làm quen. Những người già làm như mùa nào họ cũng lạnh, nếu không có con cháu ở nhà thì hắn không thể nào nói với họ điều gì, dù họ cười và gật đầu chào hắn rất vui vẻ, đôi khi họ còn bưng đến cho girl friend của hắn những món ăn lạ miệng. Vì hắn cũng ở một căn trong cư xá, và thường xuyên sửa chữa những hư hỏng khi có yêu cầu nên hắn biết hoàn cảnh của một số người, và mỗi lần gặp lại biết thêm một chút buồn.
Hắn kể một cách chậm rãi trong kinh nghiệm của một người Mỹ đã từng tiếp xúc nhiều với người ngoại quốc, nên tôi suy diễn thêm và hiểu ý hắntương đối dễ. Hắn nói là tôi sẽ gặp… Ba Ba Gia. Sau này tôi mới biết là bà Ba già.
Bà Ba Già đã ở đây trên bốn năm, trừ mùa đông lạnh, sáng nào bà cũng dậy sớm và bình thản quét sạch từ đầu này bãi đậu xe cho đến đầu kia bãi đậu xe của cư xá, để làm chi vậy ai mà biết, hắn cũng đâu có mướn bà ta làm việc đó. Bà còn có tật hay xúc rửa những bình sữa mà mấy đứa cháu của bà đã uống hết và xếp đầy ở hiên sau, lâu lâu hắn lại phải yêu cầu con trai bà đem đi bỏ, mặc cho bà nhìn hắn vừa cười vừa càm ràm gì đó. Nhưng hắn thấy bà không phải là người mất trí, bà hay trò truyện với chung quanh và thường luôn tay đan những chiếc áo len không biết để cho ai.


Vào mùa hè con trai và con dâu bà đi làm thêm ở những nông trại xa, chở về nhà nhiều thứ trái cây và rau, hắn thấy bà bưng đi chia đều cho mỗi nhà quen, nhà ai đi vắng bà cũng phần trước của. Ông chồng bà thì ít nói truyện với ai, ông thường đọc những sách báo Việt Nam mà con ông mượn về từ thư viện, hoặc đứng bên lan can uống trà, nhìn về những rặng núi xa xa, hết đi ra lại đi vào. Nghe đâu họ đã bị Cộng sản tịch thu nhiều tài sản tại Việt Nam, khi vượt biên thì lại chết mất hai người con gái.
Bên nhà bà Ba già, có hai vợ chồng cũng không trẻ hơn ông bà Ba già bao nhiêu, ông ta trước kia là bác sĩ, còn bà ta là một trữ dược viên. Bây giờ họ hy vọng nơi người con trai đang học lớp 12, và cũng hy vọng nơi người con gái lớn sống như kẻ mất hồn sẽ bình thường trở lại. Lúc vượt biên, đứa con hai tuổi của cô bị chết khát và chồng cô bị hải tặc đập bể đầu rồi quăng xuống biển vì đã lao vào cản những dâm tặc uy hiếp vợ. Họ đều có trợ cấp nhưng dường như không đủ, vì họ còn ba người con nữa đang kẹt bên một trại cấm ở Hồng Kông chờ cứu xét. Ông ta là bác sĩ già, nói tiếng Mỹ với âm điệu Pháp nên luôn phụ họa bằng tay, đến đây khi chương trình trợ giúp cho những bác sĩ tỵ nạn học lại nghề đã không còn tài trợ. Tuy thế ông ta phấn đấu làm thêm rất nhiều việc vặt, từ cắt cỏ thuê, cho đến hái trái cây, hái bắp tại các nông trại xa theo từng mùa. Nghe nói đã có lần, con gái ông ta bị hôn mê bất thường, xe cứu thương chưa tới kịp, sẵn có đồ nghề cũ ông chích cho cô con tỉnh lại, thế là ông bị truy tố ra tòa. Kể từ đó tóc trên đầu ông bạc trắng.
Cách nhà vợ chồng ông bác sĩ ba căn, là hai bà quả phụ, họ ở đây cũng đã trên sáu năm, các con họ đều đã lên đại học. Hai bà này nói tiếng Anh khá, họ có công việc tạm ổn định, nhưng chưa đủ để các con có chỗ ở rộng rãi hơn.
Bà thứ nhất, hắn kể, có chồng là trung tá, ông ta chỉ huy một trung đoàn bộ binh ở miền Trung, còn bà ta là giáo sư dạy Anh văn ở một trung học cách rất xa nơi chồng bà đồn trú. Cuộc triệt thoái vào cuối tháng ba 1975, người ta nói chồng bà đã tự vận vì phẫn uất sau khi dẫn quân về một bờ biển không còn ai tiếp ứng, còn bà ta đã sanh đứa con thứ năm trên đoạn đường di tản về phía nam. Mỗi lần nhắc lại cảnh một sản phụ với năm con thơ giữa những cuộc giao tranh, bà thường cố gắng cười để ngăn nước mắt. Chồng bà mất đi khi quốc kỳ không có quan tài để phủ, công trạng không còn thượng cấp để vinh danh, đơn trợ cấp không còn nơi để nạp. Thế mà bằng mọi cách, cùng với sự giúp đỡ của những người thân, trong hơn một năm bà đã trao cho đại dương lần lượt từng đứa con yêu để chúng kiếm tự do. May thay tất cả bốn trẻ thơ đều vượt thoát và chúng đã được đùm bọc nhờ bốn gia đình người Mỹ, ở ba tiểu bang cách xa nhau. Rồi mười hai năm sau, bà và con trai út đã qua đây sau nhờ những chương trình nhân đạo. Bây giờ gia đình bà đã đoàn tụ, một năm nữa sẽ có hai người con tốt nghiệp kỹ sư. Nhưng có một điều, sau hai mươi năm bà vẫn không tin chồng bà đã tuẫn tiết, ông còn bị cầm tù, bị mất tích với lý do nào đó, bà nói tín đồ Thiên Chúa giáo không bao giờ tự vận.
Bà thứ hai, sở dĩ ở sát bên vì sau khi quen nhau họ đã yêu cầu hắn thu xếp như vậy khi có thể, họ muốn thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau. Hắn nói, tôi có thể nhận ra bà này ngay vì bà để tóc dài, rất dài với tuổi đã trên năm mươi của bà. Chồng bà ta xưa kia rất yêu mái tóc dài, bà thứ nhất tiết lộ với hắn vậy. Chồng bà này là đại úy không quân khi bị Cộng sản bắt đi cải tạo. Cộng sản nói sĩ quan cấp tá trở xuống chỉ cần học tập có một tháng thôi, nhưng mấy năm sau cũng không ai được thả về. Bà ta là một trong số những người đem xác chồng về sớm nhất. Ông ta tìm cách nhảy từ tầu xuống sông trốn khi bị đem ra miền Bắc, bị bắn chết, xác được vớt trả về cho vợ con. Bây giờ kể lại, bà ta nói không biết tại sao hồi đó họ lại kêu cho bà đem xác chồng về, chứ sau này chẳng ai biết ai chết, ai còn và bị cầm giữ nơi nào.
Cũng như bà thứ nhất, vì cùng quẫn quá, vì bị uy hiếp quá, bà không biết tại sao lúc đó người ta cứ mù quáng, liều lĩnh khi biết có người thân vượt biển là năn nỉ, cầu xin cho gửi con theo dù chúng mới năm, bảy tuổi.
Trong một bữa tiệc sinh nhật, bà ôm đứa con gái lớn vừa mới lên đại học và kể lại với mọi người trong nước mắt của cả sáu mẹ con. Bà nói cô gái lớn nhất lúc đó hơn bảy tuổi, bà gửi đi ba lần mới thoát, hai lần đầu ghe đều bị chìm, được vớt vô, được đi lãnh về, thế mà không sợ, nó vẫn đòi đi. Bà đã gửi thêm ba chuyến cho ba đứa kế tiếp đi theo chị, nhưng những con thuyền vượt biên đã đưa chúng đến những quốc gia khác nhau. Đứa qua Thái Lan, đứa tới Mã Lai, đứa được dàn khoan dầu của Pháp vớt. Và rồi có hai đứa đến với hai gia đình Mỹ, một đứa đến Canada, một đứa nữa tới Pháp. Tất nhiên là chúng đến với những tấm lòng vàng không huyết thống và không cùng chủng tộc. Chúng đã được bốc đi rất mau vì là trẻ nít và người đi cũng lại là những thanh niên, thiếu nữ độc thân không liên hệ.
Hắn có hỏi tiêàn ở đâu mà bà có thể lo cho các con đi như vậy, thì bà kể là thứ nhất phải có người quen thân đi vượt biên, thứ hai là phải có tiền và liều. Nhưng bà không hẳn ở trường hợp thứ hai, bà chỉ có ơn huệ, có hoàn cảnh thê thảm để được tội nghiệp, có gan lì và bất chấp Cộng sản kềm chế. Thế nhưng các con bà đi khi còn quá nhỏ, ngay cả những người đi cùng cũng không ai có tin tức gì về, có thể là hồi đó Cộng sản kiểm soát thư từ gắt lắm. Chính vì thế, khi bốn đứa con đã đi thì bà cũng nôn nóng đi tìm, bà không biết nói sao với cha mẹ đôi bên lên án sự liều lĩnh “đem con bỏ biển.” Nhưng cũng chính họ lo tiền để bà và đứa con sanh sau khi chồng bà chết ít tháng ra đi.
Kể đến đây hắn cười, nói là người Việt Nam cũng khôi hài vì con của bà ta kể với hắn là chuyến của bà ta đi không đến Mỹ mà lại đến một tỉnh của Việt Nam có cái tên là.. Mỹ Tho, tầu bà ta đi bị bắt và kéo về đó. Thế là, đứa con thì được cha mẹ bà lãnh về nuôi, còn bà ta cùng những phụ nữ khác bị đưa về một nông trường ở cuối địa đầu của miền Nam để làm ruộng rẫy.
Bà đã đầu tắt mặt tối, cô đơn lao động trong một biển người xa lạ, mà phần đông là gái giang hồ và trộm cướp. Bây giờ nếu phải kể lại cho ai nghe bà thường rùng mình về những tháng mưa dầm dề, những cơn sốt rét hành hạ, thiếu ăn, thiếu thuốc. Những con đỉa bơi loăng quăng theo những bắp chân lún dưới nước bùn, bà vừa cắm mạ vừa lo chạy đỉa. Ôi những con đỉa có băm chúng ra trăm mảnh, chúng lại thành ra chín mươi chín con đỉa khác. Nếu không có mối hờn vì chồng, mối biệt tích của đàn con, mối xót xa về cha mẹ, thì bà đã tìm cái chết theo chồng cho bớt tủi thân.
Ở tù gần hai năm, không có tòa nào xử, chỉ có... tiền của cha mẹ bà đã giúp cho bà được tha. Lần đó khi trở về, những thân nhân trong nhà đã lo cho bà một chuyến đi và thành công. Bà đến Mã Lai với đứa con thơ sau hai năm mới được ngủ chung với mẹ. Cũng nhờ đứa con bốn tuổi đó bị bịnh chết đi sống lại nhiều lần mà hồi ấy mẹ con bà đã không bị Mã Lai đẩy xuống tầu, kéo trả ra biển như bao nhiêu người khác. Rồi đến khi nhập trại tỵ nạn bà mới tìm biết được các con đã được bảo lãnh nhưng mỗi đứa một nơi. Bà ấy kể với girl friend của hắn, là bà đã cạo nhẵn tóc, ăn chay để tạ ơn những đấng thiêng liêng đã cứu độ mẹ con bà. Hơn năm trời ở trại bà đã phải hoàn tất những thủ tục khó khăn để xin lại những đứa con đã có người nuôi, cho nên khi tới Mỹ chỉ ít tuần bà đã được gặp những ân nhân và nhận lại ba đứa con nói tiếng Mỹ giỏi hơn tiếng Việt.
Hắn uống cạn lon bia rồi nhún vai kể tiếp, hắn không biết bên Pháp họ làm ăn kiểu gì mà bà ta đợi cho đến khi đứa con được dàn khoan dầu cứu, đã học xong lớp 12 mà chưa được trả về cho mẹ nó.
Kỳ hè năm 1989, nó qua đây chơi, thương mẹ quá, nó không chịu trở về, nó bỏ học. Bà ta dấu nó ở trong nhà hơn bốn năm mới lo được cho nó có thường trú ở bên này. Hắn thêm, hai thằng con của hắn đã trên ba chục tuổi đầu mà chẳng đứa nào học được một năm trên đại học, trong khi con bà ta, cái thằng kẹt bên Pháp đó bây giờ không những nói tiếng Anh giỏi hơn cả hai đùứa em, và cũng đã xong hai năm đại học.
Ngoài đường lúc đó, nếu những chiếc xe ủi chưa dồn xong tuyết lên lề đường, và người ta chưa dùng xe trải lên mặt đường một lớp cát trộn muối cho bớt trơn trượt thì có lẽ hắn còn kể tiếp nhiều truyện nữa. Hắn nhìn đồng hồ và từ tốn khuyên nhủ tôi:
- Anh thấy đó, không phải chỉ có anh là kém may mắn đâu. Trong cái cư xá nhỏ của tôi mà đã biết bao cái khổ khác nhau. Đời còn nhiều thay đổi, tôi tin là anh không quên được vợ con, nhưng anh sẽ vui để sống, và nhận sự tri ân từ những người đau khổ khác. OK, anh theo tôi về.
...
Thấm thoát tôi đã làm cho Brandy hơn 6 năm. Nửa năm đầu tôi phụ hắn bán hàng ngoài tiệm. Làm việc này chỉ đủ trang trải những nhu cầu cần thiết, nhưng tôi không còn so đo về vật chất. Tôi mang ơn và mến hắn nên không nghĩ đi tìm việc khác, trừ khi hắn không cần tôi nữa.
Đây là một tiệm thực phẩm nhỏ, món gì cũng có một ít, từ bia, nước ngọt, thuốc lá, cà phê, đường sữa, kẹo, bánh, thuốc men và một vài tạp chí. Hắn khen tôi làm việc có trách nhiệm, tôn trọng khách hàng. Về phần tôi luôn giữ thái độ kính trọng dù hắn là người vui tánh. Thấy tôi ở cư xá đã giúp hắn sửa chữa nhiều việc vặt và nhiều người ở chung quanh mến, nhất là những đồng hương Việt Nam, nên một hôm hắn nói với tôi:
- Cái cư xá của ba tôi để lại sau khi ông ấy mất, nó đã cũ lắm, hệ thống nước trong nhiều nhà tắm, nhà bếp cần tu sửa và thay thế. Hệ thống gas sưởi cũng vậy, hư hỏng luôn luôn, tôi cần một người làm thường xuyên để phục vụ người thuê nhà. Anh là một technician, tôi nghĩ là anh có thể làm những công việc mà cư xá của tôi cần đến. Việc nào anh không làm được thì tôi sẽ mướn thợ chuyên môn. Căn buồng anh đang ở sẽ là nơi người thuê liên lạc để yêu cầu sửa chữa, anh lo việc cho thuê và nhận tiền trả hàng tháng cho tôi. Tiền điện thoại, tiền thuê nhà tôi sẽ không tính kể từ tháng tới, và tôi tăng lương cho anh 12% mỗi năm. Có điều gì yêu cầu cứ nói cho tôi biết. Tôi sẽ làm giấy giao ước với anh ngày mai.
Đây không hẳn là tánh kỹ lưỡng của hắn, mà làm như với người Mỹ, luật pháp hầu như đã trở thành một tập quán, việc gì cũng rõ ràng và có giấy tờ hẳn hoi chứ không nói xuông, dù thân hay sơ.
Brandy coi tôi như một đồng đội kể từ khi hắn biết tôi cũng đã từng có mặt nơi những địa danh ở Việt Nam mà hắn đã đồn trú. Khi rảnh rỗi hắn thường kể với tôi về chiến tranh Việt Nam, về thời gian dài nhất, gian nan nhất trong đời hắn là hai năm ở đó. Hắn vừa bất mãn, vừa tự mãn đã thoát ra từ cõi hiểm nguy này. Hắn thích thú nhắc lại những địa danh ở VN mà tôi và hắn đã đi qua dù không cùng thời điểm. Có lẽ những chuyện này bạn bè hắn chẳng ai hứng thú nghe nếu họ không cùng trải qua như hắn với tôi. Tuy nhiên hắn nhìn cuộc chiến VN với nhiều mơ hồ và ngộ nhận. Hắn không dứt khoát tin những điều tôi dẫn chứng để phủ nhận những điều mà giới truyền thông Mỹ đã một thời ngộ nhận, để rồi vẫn tiếp tục đầu độc dư luận Mỹ là họ không lầm lẫn.
Hắn kể, có lần sau một trận giao tranh, hắn đã nhìn thấy những thiếu niên, những phụ nữ bị thương vong mà cho đến bây giờ hắn vẫn còn ân hận, dù bọn hắn phản kích nhưng không thể rõ địch trong những xóm làng. Hắn cho rằng hậu quả của cuộc chiến VN là cuộc chiến mà hai phe không tương xứng về ... vũ khí. Vũ khí của Mỹ là súng đạn, Mỹ cải tiến để súng đạn có hiệu quả và muốn sử dụng bao nhiêu cũng có. Vũ khí của Cộng sản đôi khi còn cố ý làm thô sơ để chứng tỏ là nhân dân nổi dậy.
Ngoài súng đạn ra là con người, người Việt Nam, dù phải chết bao nhiêu cũng không tiếc, có chết nhiều mới làm mủi lòng những người phản chiến trên đất Mỹ, mới sôi sục căm hờn nơi hậu phương Cộng sản. Người lính Mỹ đến VN chỉ mong bình an trở về sau khi làm xong một nghĩa vụ mà họ không ý thức, họ không thấy được VN là tiền đồn của khối tự do đang bị Cộng sản xâm lấn dưới hình thức tranh đấu nhân quyền và độc lập. Họ cầm vũ khí mạnh trong một tinh thần yếu. Còn về phần chúng tôi, quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đồng minh với Mỹ có ý thức và căm hờn Cộng sản thì lại không được trợ giúp tương xứng để đối địch. Lúc Mỹ muốn đem quân vào thì nêu đủ lý do để chê là chúng tôi yếu, cần bảo vệ. Khi muốn hòa đàm thì tìm đủ thủ đoạn để vùi dập cho chúng tôi kiệt quệ, phải nhượng bộ. Khi muốn phủi trách nhiệm thì nêu đủ lý do để ca ngợi là chúng tôi mạnh, là thiên thần của chiến trường, dù chúng tôi không có khả năng để làm ra một viên đạn, đúc một khẩu súng.
Trong khi trò truyện về Việt Nam, có lúc hắn đồng ý, có lúc mặt hắn đỏ gay vì tôi dốt tiếng Mỹ mà còn nói hăng say, tay chân múa loạn. Và để câu truyện không trở nên gay cấn, lần nào tôi cũng đi đến kết luận là đất nước tôi mất về tay Cộng sản, thật ra không hẳn là vì Mỹ thay đổi chiến lược mà chính tôi, bạn bè tôi đã chiến đấu không tận sức để bảo vệ đất nước của mình. Hắn cũng hiểu tánh tôi nên thường vỗ vai cười giả lả:
- Hê! Sống độc thân lâu rồi, phải kiếm một bà làm bạn chứ"
- Thôi, không còn ai đẹp, không còn ai trẻ như vợ tôi!
Tôi đã ở cư xá này như một chứng nhân của những mảnh đời tỵ nạn. Tham dự những tiệc vui đưa tiễn những gia đình đã tạo được điều kiện sống vững vàng hơn ra đi. Rồi tiếp tục chờ đón những người mới tới, ngỡ ngàng chấp nhận nơi này làm chỗ tạm dung.
Đời còn nhiều thay đổi, biết đâu sẽ có một ngày nào đó chính phủ bắt hắn phá bỏ cái cư xá cũ kỹ, thiếu an toàn này xuống, rồi một công ty nào đó sẽ dựng lên một tòa nhà cao ngất như những khu nhà chọc trời nơi trung tâm thành phố kia.
Ngày đó đương nhiên tôi sẽ phải trôi đi nơi khác, nhưng trong đời sống tôi chỉ nhìn thấy dĩ vãng, thấy vợ tôi, người vợ lấy tôi năm mười tám tuổi, có với tôi ba trẻ thơ và đã phải cùng các con cách biệt tôi năm gần ba mươi tuổi.

Quang Danh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,287,065
Captovan là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Tác giả Trần Đức Lợi, nguyên là Giảng viên Giải phẫu và Phân loại Động vật học tại Đại Học Khoa Học/Tổng Hợp Huế, Việt Nam; hiên là Thạc sĩ Tâm Lý Trị Liệu,
Từ 2 tháng Bẩy 2017, Giải thưởng Việt Báo bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Christina N. Cao lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, bằng một tự sự kể về "Ngày Việt Nam" và cuộc diễn hành quốc tế
Bác sĩ Võ Văn Tùng, chủ tịch Hội Thân Hữu Huế-Thừa Thiên tại hải ngoại vừ mãn phần ngày 20-6-2017 và tang lễ được cử hành ngày 03 tháng 7, 2017.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Bài viết đầu tiên của tác giả phổ biến vào tháng Bẩy 2016, thời điểm bắt đầu năm thứ 18 Viết Về Nước Mỹ. Tên họ tiếng Việt của bà là Trịnh Thị Đông, sanh năm 1951, nguyên là giáo viên cấp hai,
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến