Hôm nay,  

Nước Mỹ Và Tôi

26/11/200200:00:00(Xem: 294256)
Người viết: Nguyễn Khánh Vũ

Bài tham dự số 69\VBST

Năm 1975, tác giả chỉ mới 7 tuổi. Năm 1995, Vũ cùng bố mẹ, chị em định cư tại Nam California, hiện cư trú tại Westminster.

Thấm thoát vậy mà đã hơn 5 năm từ ngày tôi theo gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ. Hôm nay, khi tôi ngồi viết nhừng dòng này, mọi việc dường như chỉ xảy ra ngày hôm qua.

Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày mà Saigon tràn ngập bởi nón cối, dù khi đó tôi chỉ mới 7 tuổi. Rồi ngày chị em tôi cùng mẹ tiễn ba đi "học tập". 10 ngày đồng nghĩa với 10 năm lao tù. Rồi ba về. Ba về trong thương tật và dù phải khốn đốn kiếm từng miếng ăn từng ngày cho gia đình, ông kiên quyết chị em tôi không được bỏ học. "Một người ngồi vá xe đạp mà có học vẫn sống đàng hoàng hơn", Ba tôi thường lặp đi lặp lại như vậy. Chị em tôi đã phải đua tranh vào đại học bằng con đường hẹp nhất.

Với lý lịch mang đủ ba điều cấm, đạo Công giáo-dân Bắc di cư-con Ngụy quân Ngụy quyền, chị em tôi vẫn đàng hoàng vượt qua ngưỡng cửa trường thi với bao nhiêu là bất công. Ngày mà chị em tôi nhận tin đậu đại học có lẽ là ngày mà Ba tôi vui sướng nhất kể từ khi về nhà.

Sau khi ra trường, do học giỏi chị em tôi đã được mời tham gia giảng dạy. Ngoài ra tiền kiếm được từ việc đi dạy thêm tại các trung tâm ở Saigon, hai môn đang thịnh hành nhất, English và computer, cũng giúp chị em tôi sống đàng hoàng, không khó khăn. Mẹ tôi, trong niềm tin của một người Công giáo, thường nói đất nào cũng là đất của Chúa, mình tin vào Ngài thì không lo gì cả.

Rồi tôi theo gia đình rời khỏi Việt Nam, để lại sau lưng một Bà Ngoại tuổi đã cao, tất cả người thân, bạn bè và biết bao kỷ niệm thời thơ ấu.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về nước Mỹ, nghĩ lại thật buồn cười, là hệ thống xa lộ chằng chịt ở đất nước này. Nhìn dòng xe trên freeway 405 trên đường từ phi trường LAX về nhà ông bảo trợ, tôi đã tự hỏi làm sao tôi có thể điều khiển xe trong một dòng xe nhiều và nhanh vậy, và tôi hoang mang, lo âu cho những ngày tháng sắp tới.

Ôïng bảo trợ cho gia đình tôi thật tốt. Tôi chưa hề gặp ông trước đây. Ông chỉ là một người bạn, có lẽ cũng sơ giao, với Ba Mẹ tôi khi còn ở Việt Nam. Vậy mà khi nghe tin gia đình tôi sẽ sang Mỹ không ai bảo trợ, ông đã vội vàng liên lạc và đề nghị để ông lo việc giấy tờ.

Ông sắp xếp lại các phòng ngủ trong nhà và giành cho gia đình tôi một chỗ đàng hoàng. Các con ông đã mau chóng trở thành những người anh, người chị, những người bạn của chị em tôi. Và rồi gia đình ông đã trở thành những người thân của chúng tôi từ ngày ấy.

Rồi cả nhà cùng đi học, học ESL. Tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng có một ngày tôi sẽ ngồi học cùng lớp với Ba Mẹ. Trình độ lớp học tương đối thấp, và có lẽ là hơi nhàm chán với một số người.

Tôi ngồi học mà lòng không yên, chỉ mong sao nhà trường giúp tìm được việc làm mau. Làm gì cũng được, tôi đã tự hứa với mình là làm lại tất cả từ đầu. Khó mấy cũng được, cực mấy cũng được. Thực tế học Anh văn thì ít mà khải đạo tìm việc làm thì nhiều hơn. Mà cũng đúng, mục đích của các lớp học như thế này là nhằm giúp những người tị nạn như chúng tôi sớm hòa nhập vào cuộc sống mới ở đây.

Tôi bắt đầu được nghe đến những từ như làm assembler, làm may, làm điện tử, làm nail, . . .

Không giống như những người trẻ, những người lớn tuổi như Ba Mẹ tôi thì ngay cả tìm một việc làm với đồng lương thấp nhất theo quy định của chính phủ cũng không phải là dễ dàng gì. Mẹ tôi chiều chiều đến nhà một người quen bắt đầu tập may. Dù Ba Mẹ không nói ra nhưng tôi hiểu rằng thời gian trợ giúp ngắn ngủi từ chính phủ sẽ qua rất mau. Ba tôi với chứng bịnh cao huyết áp cũng không ngại bất kỳ công việc gì, chỗ nào nhà trường đưa đi phỏng vấn tìm việc là ông đều sẵn sàng.

Công việc đầu tiên của tôi là làm electronic assembler cho một công ty tận mãi trên Riverside. Tôi phải đi nhờ xe của một người quen cùng "đậu" interview một lượt với tôi. Nói là đậu cho oai chứ thực ra tôi được nhận vào làm ở vị trí entry level với mức lương $4.25 một giờ và được thử việc trong vòng một tháng.

Những ngày đầu thật khó khăn vì tôi hồi nào đến giờ đâu có cầm tới các dụng cụ hàn chìï. Cũng may với kiến thức về computer ở nhà trường cộng thêm một chút khiếu, tôi học việc rất mau. Chẳng mấy chốc tôi đã bắt kịp, thậm chí vượt, tốc độ làm việc của cả dây chuyền. Mà vượt thì cũng đúng vì cùng làm chung với tôi phần lớn là phụ nữ và các bác tương đối lớn tuổi. Tôi nhận được nhiều lời khen từ bà supervisor. Và cũng vì thế, tôi được chuyển ra ngồi đầu dây chuyền. Nói là bị thì đúng hơn vì khó khăn bắt đầu đến với tôi từ hôm đó. Do tôi làm mau nên các board chuyền xuống phía dưới thường bị đùn lại.

Trong một buổi nghỉ ăn trưa, một bác đã lớn tuổi đến bên tôi thì thào đề nghị tôi làm chậm lại. Bác lo làm theo không kịp sẽ bị mất việc.

Tôi bắt đầu làm chậm lại. Bà supervisor rất ngạc nhiên vì số lượng board hoàn tất trong ngày giảm hẳn xuống, và bà bắt đầu để ý tới tôi. Bà đã kêu tôi vào văn phòng để nói chuyện riêng và răn đe tôi sẽ mất việc nếu tiếp tục làm với tốc độ như vậy.

Nhìn những mái đầu tóc đã ngã màu cặm cụi bên tôi trong cùng một dây chuyền, tôi thấy chạnh lòng và quyết định phớt lờ những gì bà đã nói. Kể từ hôm đó câu duy nhất mà bà còn nói với tôi mỗi khi đi ngang qua là "hurry up".

Bà tỏ ra rất hằn học với tôi mỗi khi giao việc. Tôi đã thật buồn chán với đồng lương ít ỏi nay tinh thần lại không yên. Do cần tiền phụ giúp phần nào cho gia đình cộng với một chút ý niệm bảo vệ người cùng một màu da đã giúp tôi đứng vững.

Một buổi chiều cuối tuần bà supervisor bắt tôi đem rác đi đổ, một việc mà không một nhân viên nào trước đây phải làm. Tôi đem thùng rác đi đổ mà nước mắt chực tràn, trước sự ái ngại của những người làm chung.

Những lúc khó khăn và buồn như vậy tôi thường so sánh với những ngày tháng lao tù mà Ba tôi phải chịu đựng, tôi thấy lòng mình bình thản trở lại. Có lẽ cũng vì vậy mà cho tới bây giờ, các bác làm chung thỉnh thoảng vẫn gọi điện thoại hỏi thăm tôi dù tôi đã rời khỏi hãng này hơn 3 năm.

Và tôi bắt đầu lại những ngày tháng cắp sách đến trường. Khả năng anh ngữ của tôi lúc đó có lẽ chỉ đủ để đọc sách, còn giao tiếp thì ôi thôi khỏi phải nói.

Mùa đầu tiên tại Golden West College, môn đầu tiên tôi và nhỏ em lấy là môn Communication 100. Môn này nhằm giúp cho những ai đã nói rành Anh ngữ, nay muốn nói hay hơn, sử dụng Anh ngữ hiệu quả hơn trong giao tiếp.

Không biết nhỏ em tôi thì sao, chứ tôi vào lớp thực là một cực hình. Nghe thì cứ như vịt nghe sấm, vào lớp thì cứ muốn thu nhỏ lại và luôn lẩm bẩm cầu xin Thầy đừng bao giờ chỉ đến mình. Tôi đã nỗ lực hết mình để học. Vị giáo sư già sau khi hiểu hoàn cảnh của tôi đãø luôn động viên và giành thời gian chỉ dẫn thêm ngoài giờ. Nhìn thiên hạ học sao mà nhàn nhã, tôi thì cứ như phải đi cầy vậy. Tôi tranh thủ lúc nào có thể tập nói là nói. Nói đại, nói bừa, nói mà không biết sợ người khác có hiểu mình không. Nhớ lại lần đầu tiên hai anh em tôi vào tiệm KFC tập order. Không hiểu lúc đó tôi nói năng ra sao mà thay vì họ đem ra món khoai tây chiên thì họ lại đưa món khoai tây nghiền nát ăn ngán không chịu được, hai anh em chỉ còn biết nhìn nhau cười.

Xứ Mỹ này cho mọi người cơ hội tiến thân và học hỏi. Ban ngày đi làm, buổi tối cắp sách đến trường, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc. Tôi sẽ có tội với gia đình, với quê hương, nếu tôi cho phép mình bỏ qua cơ hội này. Một ngày của tôi bắt đầu từ 3 giờ sáng. Tôi dậy sớm để học bài và làm howework. Nói là dậy sớm nhưng người dậy sớm nhất trong nhà lại là Ba tôi. Ông dậy từ 2 giờ để chuẩn bị đi làm.

Ở tuổi ngoài 60, ông vẫn tập thể dục đều đặn hàng ngày để giữ cho mình một sức khỏe tốt. Ông làm baker cho công ty của Mỹ ở trên Irvine. Từ một quân nhân, ra tù ông làm mọi việc để lo cho gia đình, từ một công nhân, một người buôn bán nhỏ, một thợ cắt chỉ, rồi nay là một baker. Bánh của ông làm rất ngon, tôi thường tự hào khoe với bạn bè khi họ thấy tôi cầm một cái sandwich hay một cái bagel trong giờ ăn trưa.

Nhỏ em tôi thì khỏi nói trưa nào cũng cụ bị mang theo đi học khi thì một cái sandwich, khi thì một cái bagel dog hay một cái pizza. Mẹ tôi cũng thường mang bánh của ông cho những người bạn làm chung trong công ty. Trong ông là một tinh thần thép, không một hoàn cảnh khó khăn nào khuất phục được ông. Ông chiến thắng bệnh tật, chiến thắng hoàn cảnh. Vậy mà cũng có lúc tưởng chừng ông đã ngã quỵ vì sự đau khổ do người thân gây ra. Ông luôn là một tấm gương cho tôi. Tôi luôn tự hào vì tôi có một người cha như ông. Trong tôi ông luôn là một sĩ quan kiêu hùng của ngày nào cho dù cuộc đời có thay đổi bao nhiêu đi nữa.

Ở Mỹ này, một trong những điều mà tôi thấy thú vị nhất là khả năng được đổi job. Mới nghe qua tưởng chừng quái đản hay nhiều người sẽ cho rằng tôi khùng. Tôi vừa đi làm, vừa đi học, luôn luôn cố gắng làm thêm và học thêm, cố tiếp thu càng nhiều kiến thức, càng nhiều kinh nghiệm càng tốt để có thể ... đổi job, hầu tìm cho mình một vị trí tốt hơn, thu nhập cao hơn.

Trong một lần xin việc, sau khi vượt qua kỳ sát hạch về lý thuyết, kiến thức tổng quát và khả năng lập trình, tôi đã rất ngạc nhiên khi được biết một trong số những người sẽ phỏng vấn tôi là người Việt Nam.

Khỏi phải nói, ngày tôi được nhận vào làm, cả nhà ai cũng vui mừng. Tuy nhiên do chưa có văn bằng tại Mỹ, tôi đã chỉ được nhận mức lương của một kỹ thuật viên cho dù tôi làm công việc của một lập trình viên. Dù vậy đi nữa, tôi đã rất hạnh phúc và cám ơn Chúa thật nhiều.

Tôi như cá được thả về nước, tôi lại được làm công việc mà tôi yêu thích, làm việc trên computer. Tôi làm việc như điên cho công ty, không từ một cơ hội nào cho phép để có thể nâng cao kiến thức. Tôi không muốn trong resume của mình, chỗ ghi kinh nghiệm làm việc tại Mỹ, là một khoảng trống.

Suốt thời gian tôi làm việc tại công ty, người manager Việt Nam này đã là một người Thầy, một người anh, một người bạn của tôi. Anh hết lòng chỉ dạy tôi trong công việc cũng hướng dẫn tôi những vấn đề về xã hội mới. Ngày tôi nhận được đề nghị từ một công ty khác, thì cũng chính anh đã khuyến khích tôi ra đi.

Tôi cũng đã có may mắn được tiếp xúc và được biết nhiều người Việt Nam rất tài giỏi. Nơi trường học, nơi sở làm, trong khi tham gia các hoạt động xã hội, tôi luôn gặp được những người Việt, nhất là những thanh niên trẻ tuổi, tài năng, hăng say, và luôn có tấm lòng đối với đồng loại. Họ chính là những tấm gương mà tôi muốn noi theo, muốn cố gắng bắt chước.

Tôi kết thúc bài viết này bằng một lời chúc của Ba tôi nhân ngày vui tôi lập gia đình: "Với lòng can đảm và tình yêu thương, đùm bọc của gia đình, Ba tin rằng không có học vị nào ở xứ người này mà con không đạt được".

Giờ đây ngoài sự nâng đỡ của gia đình, của bạn bè, tôi còn có tình yêu và sự cảm thông của một người vợ hiền và một cô con gái dễ thương, xinh xắn.

Tôi sẽ mãi bước đi về phía trước mà không có một trở lực nào có thể ngăn cản vì sau lưng tôi là hy vọng, là sự thương yêu của biết bao người.

Westminster, ngày 06/20/2000

Nguyễn Khánh Vũ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,314,866
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.