Hôm nay,  

Chưa Tròn Giấc Mơ

11/01/200100:00:00(Xem: 152918)
Tôi sinh ra 4 tháng 7 năm 1954 đúng vào ngày Độc Lập thứ 178 của Hoa Kỳ và đúng vào tháng đất nước VN bị chia đôi bởi hiệp định Geneve.

Rời bỏ quê hương miền Bắc, cha tôi đưa vợ cùng ba con nhỏ vào Nam tìm tự do. Được bổ nhiệm về một quận lỵ 29 km phía đông bắc của Huế, Cới ngành chuyên môn là kỹ thuật bảo trì cơ khí ô tô, cha tôi là tài xế cho Chi khu trưởng kiêm quận trưởng quận Quảng Điền.

Tại vùng này, một căn nhà nhỏ được xây dựng bởi chính mồ hôi nước mắt của cha mẹ tôi. Tôi lớn lên tại đây với vườn cây trái tốt tươi bốn mùa, giếng nước trong veo, làng xóm như một thiên đường nhỏ.

Rồi chiến tranh Nam Bắc bùng nổ. Cuộc chiến ngày càng leo thang. Quân đội Hoa Kỳ bắt đầu vào miền Trung. Khu xómờ Quảng Điền được chọn làm Bộ Chỉ Huy của một đơn vị thuộc Sư Đoàn 101 st AIRBORNE và căn nhà của gia đình tôi lọt vào vành đai an ninh nới rộng của đơn vị.

Cả gia đình tôi phải dọn về Huế để sinh sống, riêng hai anh em tôi phải ở lại để trông coi nhà. Vậy là từ đây, khi còn là một chú bé 12 tuổi, tôi đã có dịp sống kề cận với các chiến binh Mỹ trong dđơn vị và được họ đùm bọc, giúp đỡ.

Chúng tôi sống hồn nhiên dù cuộc chiến ngày càng nóng bỏng, tôi được phép đi lại tự do trong căn cứ và nhiều lần tháp tùng đơn vị trưởng đi thăm các tiền đồn của đơn vị bằng trực thăng và các loại cơ giới khác. Dù chỉ là một thiếu niên, tôi được phép mang quân phục và cũng được xem như một niềm vui nhỏ của đơn vị.

Người bạn thân nhất với tôi là Frank Doezema, một quân nhân trẻ đẹp trai. Ngay ngày đầu gặp nhau, Frank hứa sẽ cho tôi bộ quần áo đẹp để đi học và đôi giày da để hợp với bộ quân phục. Cứ tưởng đây chỉ là lời hứa suông, nào ngờ một buổi chiều đẹp trời, Frank kiếm tôi kéo tới nơi chờ nhận quà từ máy bay thả xuống. Trước sự chứng kiến của cả đơn vị, cả trăm quân nhân reo hò khi một thùng quà được chiếc L19 ném ra nhẹ nhàng chạm đấtø. Frank là tên người nhận và món quà được trao lại cho tôi.

Thùng quà được bóc vội. Trên cùng là tấm ảnh cả gia đình Frank cùng lá thư đầy xúc động, kế đến là chiếc áo sơ mi màu vàng nhạt, chiếc quần jean đen, một áo jacket và đôi giày cao cổ màu da bò, tất cả hảy còn mới toanh. Tôi vui mừng ôm chầm lấy món quà. Frank âu yếm bồng tôi lên tay, tôi úp mặt vào vai Frank, vị như cùng chung một niềm vui.

Đêm đêm tôi được Frank chỉ dạy tiếng Anh rồi được gối đầu trên tay và ngủ chung giường. Hai chúng tôi như hình với bóng suốt hai năm trời.

Một tuần trước tết Mậu Thân, Frank nhận công tác ở một đơn vị khác và ra đi đột ngột, chỉ kịp chạy ào tới ôm hôn tôi, nhét vào tay tôi địa chỉ của gia đình Frank ở Mỹ, rồi chia tay.

Frank đi rồi, tôi thẩn thờ, quay quắt. Sau đó, cha tôi buộc tôi phải về Huế ăn Tết cùng gia đình.

Giao thừa Tết Mậu Thân, Cộng quân bất chấp lệnh hưu chiến tết, xua quân tiến chiếm Huế. Đây là lúc gia đình tôi lãnh phần bất hạnh của cảnh bom rơi đạn lạc. Căn nhà số 34 trong chung cư công chức tọa lạc trên đường Nguyễn Biểu Huế đã bị đánh sập bởi bom lúc 11 giờ 30 đêm mồng ba tết. Đây là nơi cả gia đình tôi cùng sum họp để đón xuân. Đây cũøng là nơi chú bé 14 tuổi là tôi phải lo chôn xác Mẹ, chị và hai em.

Bốn thi thể nằm sóng sượt, giữa căn nhà đổ nát. Khi cảnh tang tóc xẩy ra, các chị em còn lại của tôi đã chạy toán loạn. Cha tôi thì gào thét, lăn lộn, rồi tê liệt như người mất hồn. Tôi không thể nhớ hết đã làm những gì khi một thân một mình di chuyển những thi thể từ phòng này qua phòng khác. Khó khăn lắm tôi mới đưa được thi thể mẹ và ba chị em của tôi lên một chiếc giường và gom góp hết những áo mưa rách, túi nylon để bọc kín những thi thể này.

Suốt 4 ngày đêm, tôi sống bên xác những người thân. Cha tôi đã hoàn toàn kiệt lực. Chỉ mấy ngày đêm mà trông ông tiều tụy hóc hác như ngoài 70, dù rằng lúc đó ông mởi ở tuổi tứ tuần. Ông hết khóc rồi lại cười, hết cười rồi đến kể lể, luôn cầu khẩn trời Phật cho một ân huệ cuối cùng là thêm một quả bom nữa nổ để tất cả chúng tôi được gặp nhau ở một thế giới khác.

Hai giờ sáng ngày mồng 8 tết, một quả đạn to gần bằng thùng gánh nước không biết từ đâu đến, cắm phập xuống ngay bên cạnh chiếc giường nơi đang tẩm liệm, nhưng nó đã không nổ.

Tôi tự nhủ dù giá nào cũng phải chôn cất trước khi bỏ chạy vì nơi đây là tọa độ của phi pháo oanh kích, bom lửa và đại pháo từ hạm đội liên tục bắn vào.

Trong đêm khuya giá lạnh như cắt của cái Tết Mậu Thân, không áo mưa, không đèn đóm, tôi mò mẫm đào huyệt bằng cái cuốc đã cùn, kéo xác, lấp đất.

Công việc chôn cất kết thúc khoảng 2 giờ chiều. Tôi thắp vội nén hương, van vái lần cuối xong kéo giật tay tay cha tôi và đứng dậy, chạy khom người lao vụt về phía trước. Tôi biết chắc đó là con đường Mai Thúc Loan. Chỉ cách 50 mét tức khoảng cách của hai trụ đèn, nơi đây đang là phòng tuyến của Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Mấy người lính mặc đồ rằn ry chặn hai cha con tôi lại và hỏi: "Có thấy Việt Cộng bên kia không""Tôi trả lời: "Nhiều lắm", và chỉ tay vềø phía đường Nguyễn Biểu: "Nhà tôi ở phía này, VC như kiến cỏ bên ấy".

Nhiều binh sĩ vây quanh tôi chất vấn hồi lâu, tôi nói với họ: "Cháu đói quá, mấy chú cho cái gì ăn được không"" Rồi tôi lại kể câu chuyện thê lương xảy ra từ hôm mùng ba tết cho cả toán lính cùng nghe. Thấy tôi run run vì lạnh, một ông lính già mở ba lô lấy cho tôi cái áo trận, tôi mặc ngay vào, nói với họ: "Cháu ở lại đây với mấy chú được không"" Một ông mang mang súng ngắn đáp ngay: -"Không được, ăn xong đi về phía Mang Cá kẻo ở đây nguy hiểm lắm". Tôi muốn ở lại để lẻn về thắp hương cho mẹ, nhưng phải nghe theo họ.

Trời xứ Huế lúc này thật lạ lùng, sáng thì chậm, tối thì nhanh, mây mù giăng thấp sát đất, lạnh buốt xương kéo dài cả tháng, hai cha con tôi lê bước dọc lề đường, cho đến ngày thứ 12 mới tìm gặp mấy chị em của tôi đã sống nhờ vỉa hè của một gia đình nọ. Cứ thế kéo dài cho đến ngày thứ 25 mới được chính phủ thông báo là Quân Đội đã hoàn toàn quét sạch CS xâm lược ra khỏi Huế.

Mấy bố con tôi trở về nhà cũ. Cãnh gà trống nuôi con quá khó nhọc, chính quyền cho phép cha tôi được nghỉ 3 tháng để ổn định cuộc sống. Dần dà mọi việc đều vào khuôn khổ, mấy nấm mồ được vun đắp cao hơn, chung quanh được bao bọc bởi một la thành bằng gạch do chính hai cha con tôi xây dựng.

Thấm thoát tôi đã hoàn tất bậc trung học để chuẩn bị cho một học trình mới, tháng 9-73 lệnh tổng động viên và tôi lại hành trang giã từ để bước vào quân ngũ. Tôi tốt nghiệp khóa 9-73 Sĩ Quan Trừ Bị Thường Xuyên Thủ Đức, đến ngày mất Huế 26-3-75, tôi bị bắt ngay ngày đầu tiên mất Huế và cùng hơn 3000 tù binh khác bị đưa ra miền Bắc vào tháng 4-75.

Đi lính chưa lâu, cấp bậc thì đầu binh cuối cán, chức vụ chỉ là khóa sinh của Trường Quân Y và được đi thực tập Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương Huế, nhưng tôi đã phải trả một giá khá đắt.

Tôi được trả về từ Thanh Hóa sau 6 năm đày ải ở địa ngục trần ai khoai củ.

Trở về mái nhà năm xưa mới hay rằng cha tôi đã bị đày đi kinh tế mới tại Daklak từ ngày đầu của kế hoạch, vì chúng cho rằng lý lịch của gia đình tôi "cực kỳ nguy hiểm" cha thì lính Pháp, con thì lính Mỹ.

Tôi ngậm ngùi sống quãng đời còn lại không chút ánh sáng, tôi đánh bạo tham gia vào đám bạn bè vượt Trường Sơn thâm u băng qua biên giới Việt Lào để tìm kiếm Trầm Hương hoặc xe đá tìm vàng trong các hang hóc của vùng núi rừng Thượng Lào.

Nơi đây tôi tình cờ tìm được vài dữ kiện về một chiếc phi cơ bị bắn rớt không xa nơi chúng tôi tạm dừng chân trên đất Lào trong hành trình "ngậm ngải tìm trầm".

Nằm bên sườn núi cheo leo, hình như chiếc phi cơ nầy đã bị nổ tung trên không trước khi rơi xuống đất, rãi rác còn những mãng kim khí, qua xem xét tôi đoán chừng phi hành đoàn đã chết sạch ngay trên máy bay. Một chiếc giày lính bị cháy phần trên, tôi lật ra xem thấy số 9W, loại giày mà quân nhân Mỹ vẫn thường dùng, tôi tự nhũ rằng mình phải làm một cái gì để hầu xoa dịu đau thương này.

Đường "ngậm ngải tìm trầm" không khá, lương thực cạn, chúng tôi phải rời Thượng Lào về lại Khe Sanh. Trở về lại cố hương trong một đêm tối, cả nhà tôi khóc òa lên vì thấy tôi như một bóng mà trong đêm, người tiều tụy hóc hác, ghẻ lở vì sên rừng cắn, râu ria tóc tai như một con ma cà rồng.

Tôi hoàn hồn sau mấy ngày trở về và bắt đầu xin làm thuê cho các chủ thầu xây dựng, dịp này tôi quen với một cô gái làm vườn mà sau nầy là vợ tôi.

Chúng tôi làm đám cưới nghèo nhưng đầy đủ nghi lễ, cuộc sống càng khó khăn hơn sau khi sinh hạ được 3 nhóc.

Không biết từ đâu đưa đẩy, một hôm Công An Thành phố Huế báo cho biết là hồ sơ của tôi đã được chấp thuận bởi Bộ Nội Vụ Hà Nội cho phép xuất cảnh đi Hoa Kỳ định cư, họ bắt tôi đóng lệ phí là 120,000 đồng tiền VN để họ cấp hộ chiếu và lên danh sách chuyển cho phía Mỹ.

Qua một cuộc phỏng vấn gay go với trưỡng phái đoàn Hoa Kỳ, họ không tin rằng chỉ một năm lính mà phải ở tù đến 6 năm, cũng may tất cả những giấy tờ xuất ngủ lính Pháp và huân chương của cha tôi còn lại làm cho họ hạ bút ký đồng ý cho gia đình tôi đến Mỹ định cư dưới sự bảo trợ của USCC.

Gia đình tôi được đưa đến Memphis, TN, vào lúc 9:30 tối ngày 13 tháng 9 năm 1991.

Một cuộc sống mới bắt đầu, không người thân, không tiền bạc, không một kỷ năng nào để hòa nhập vào cuộc sống mới.

Sau 3 tuần ở TN, chúng tôi di chuyển đến Lynwood vì ở đây có người bà con bên vợ, vợ tôi đã lâm bệnh cột sống từ khi còn ở VN, mặc dù đã được thay thế 3 đốt sống mới nhưng sức khỏe vẫn rất hạn chế.

Tôi quyết định phải học càng nhiều càng tốt, ngày ngày tới trường học vài lớp ESL để trau dồi sinh ngữ, chăm sóc 1 vợ và 3 con nhỏ.

Đất lành chim đậu. ở đây tôi gặp được một ân nhân là Bà Mary Smith và cũng là người dạy Anh ngữ tại Everet Community College. Cũng chính bà là người đã tận tình giúp tôi tìm được tin tức của Frank Doezema, người bạn lớn tại căn cứ Mỹ ở Quảng Điền năm xưa.

Một tập hồ sơ được gởi tới Ngũ Giác Đài gồm những tấm hình mà chúng tôi đã chụp chung, bút tích vụng về của tôi trên những trang nhật ký thời niên thiếu bên cạnh Frank.

Nhiều ngày tháng, tôi hồi hộp chờ tin người bạn lính Mỹ. Kết quả, Ngũ Giác Đài thông báo cho tôi biết rằng Frank đã anh dũng hy sinh tại Huế ngay đêm giao thừa tết Mậu Thân.

Vậy là bao nhiêu hy vọng hàn huyên với Frank mà tôi tự thêu dệt bấy lâu không còn nữa. Biến cố Tết Mậu Thân tại Huế không chỉ làm tôi mất mẹ, mất chị, mất em mà còn mất cả người bạn Mỹ mà tôi hằng thương nhớ.

Thời gian lặng lẽ trôi, tay chèo tay chống, tôi đã không ngừng cố gắng. Phải mất 5 năm vừa học vừa làm, tháng 6-98 tôi tốt nghiệp cao đẳng kỷ thuật ngành Công Kỹ Nghệ và Cơ Khí Ô Tô, kiếm được một công việc trái tay nhưng rất ổn định.

Tầm nhìn xã hội bây giờ rõ rệt hơn, tôi không còn ray rứt lo toan cho cảnh ăn buổi mai mất buổi hôm. Các con cái chúng chúng tôi đang được cắp sách đến trường, lĩnh hội sự hiểu biết, văn minh bậc nhất trên hành tinh.

Bao năm qua, từ những ngày tang tóc Tết Mậu Thân, những năm tù tội, cho tới khi đặt chân lên đất Mỹ, tôi vẫn luôn ước mơ ngày gặp lại Frank Doezema, người bạn thương mến thủa thiếu thời.

Frank không còn nữa.

Quê hương Việt Nam vẫn chìm trong biển khổ. Tôi thấy mình vẫn chưa tròn giấc mơ...

Nguyễn Quý

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,080,809
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo