Hôm nay,  

Đồng Đô La

11/01/200100:00:00(Xem: 366671)
Buổi họp giữa các kỹ sư trưởng ngành và customer diễn ra tại phòng ăn nhân viên. Người ta đang giới thiệu sản phẩm, đang trình bày đồ án vừa design trong tháng qua.

Phòng ăn nằm kề phòng assembly, chỉ cách nhau bằng một khung kính trong suốt. Ở đây, tôi vừa lắp ráp sản phẩm, vừa nhìn mồn một buổi họp đang tiến triển linh động.

Một phụ nữ Việt Nam trung niên được ông Giám Đốc giới thiệu, bà đứng lên trịnh trọng, thao thao nói về điều gì đó, ở phía tương lai. Mái tóc xõa dài chấm sát lưng ong của bà... đã thu hút tôi ngay từ lúc đầu. Và cái bảng tên màu xanh đính trước ngực: Vicki TIET. Cùng với chiếc nút ruồi ngồ ngộ ở nhân trung. Tất cả những chi tiết đó, ào ạt đập vào trí tôi, khiến tôi dềnh lên, choáng váng, mơ hồ trôi về cõi quá khứ xa xôi.

"...Khoảng đầu tháng 4 năm 1975, khi đoàn T.54 của VC từ Bắc lũ lượt tiến vào Nam như nước vỡ bờ. Thì ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi...rồi Nha Trang, Bình Tuy...binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa và dân địa phương ào ạt rút lui. Họ rút lui trên bộ, trên không, trên biển.

Trong lúc toán Mig-21 của Bắc Việt vần vũ trên bầu trời, như dương oai diệu võ giữa chốn không người. Chiến hạm chúng tôi đang hộ tống các Hải Vận Hạm chở dân và lính xuôi Nam. Lúc này, biển Đông nổi sóng liên hồi. Những cơn sóng hung hăng, cao ngất ngưởng, trút thẳng vào thân tàu, sẵn sàng xóa tan mọi dấu tích trên biển.

Buổi sáng, trời còn tối đen như mực, tầm nhìn xa chưa được 10m - giữa tọa độ vùng II duyên hải - chiếc ghe vận tải nhóc nhách người đã đâm sầm vào tàu Wec của hải quân. Chiếc ghe tan thành mảnh vụn. Người ta tuôn ra, rơi đầy mặt biển, tiếng la hét thất thanh vang rợn cả vùng trời. Chúng tôi nhào đến, ném phao xuống cấp cứu, các toán rescue được nhanh chóng hình thành, trục vớt nạn nhân lên tàu.

Trong số nạn nhân do tôi trách nhiệm, có một cô gái trần truồng đang trong cơn ngất. Tôi vội vã làm hô hấp nhân tạo, vội vã chạy xuống phòng sĩ quan tìm một bộ đồ hải quân ấm áp cho nàng...

Sau cuộc hành trình nguy hiểm và vất vả, chiến hạm chúng tôi cũng về đến Vũng Tàu an toàn. Tôi đưa cô gái lên bờ, rồi chia tay nhau nơi quán cóc đầu đường. Lúc đó, chiến tranh đang khốc liệt. Nó bùng nổ khắp nơi và bám riết theo số phận mỗi người. Tôi không có thời gian để tìm hiểu về cô gái, chỉ kịp ghi vào ký ức mông lung: cái tên Tiết Kim Uyên dễ thương. Cùng với mái tóc dài chấm sát lưng ong. Và chiếc nút ruồi ngồ ngộ ở nhân trung cô gái..."

Bây giờ, bà kỹ sư người Việt đang đứng đó -cách tôi một tấm kính- thao thao nói tiếng Mỹ như gió.

23 năm lao đao trôi qua, kể từ ngày chia tay nơi quán cóc ở Vũng Tàu. Nhân dáng cô gái đã thay đổi nhiều. Nhưng, những dấu tích riêng tư vẫn chưa thể nào thay đổi được. Chắc chắn, bà kỹ sư mang bảng tên "vicki TIET" là Tiết Kim Uyên ngày xưa. Tôi quyết định gặp nàng, như một phần nào tìm lại kỷ niệm -của thời hào hùng xa xưa.


Vicki TIET nhận ra ngay, khi tôi nhắc lại con tàu định mệnh cũ:

"Trời ơi ! Anh Ân... Em tìm anh khắp nơi..."

" Cô qua Mỹ lúc nào" Bao giờ mới có địa vị vững vàng như thế""

"Em vượt biên năm 1976 anh ạ! Địa vị chi" Ồ! coi vậy chớ không phải vậy. Em đang vất vả. Em đang khổ tâm vì gia đình..."

Tôi trợn mắt ngạc nhiên. Vicki TIET sang Mỹ năm 76, hôm nay đã là kỹ sư. Thế mà, nàng vẫn còn vất vả, còn khổ tâm... Nghĩ lại mình, mới qua đây diện HO, đi làm với đồng lương thấp nhất... chắc sẽ còn lận đận dài dài...

Vicki TIET rủ tôi ăn tối. Nàng chọn chiếc bàn trong góc mù mờ, yên tịnh nhất của quán ăn... để dễ dàng phơi bày tâm sự. Nàng nói một mạch về gia đình; về người mẹ đang bán thân bất toại; về người cha đang lâm bệnh nan y; về các đứa em đang đạp xích lô, đang làm ăn thất bại, nợ nần...v...v...

Hai mươi mấy năm ở Mỹ, nhiều khi, nàng phải làm đến ba job để lấy tiền gửi về gia đình. Nhưng, hết chuyện này... rồi đến chuyện khác, gia đình nàng vẫn túng thiếu triền miên.

Nhìn tấm thân gầy gò của Vicki TIET, qua hơn 20 năm ở Mỹ, tôi thấy tội nghiệp thật sự. Nàng nặng gánh gia đình. Nàng luôn hy sinh cho người khác, quên nghĩ đến mình, đến hạnh phúc riêng tư.

"Còn cô" Chuyện tình duyên ra sao" Người yêu đâu""

Vicki TIET rũ rượi cười. Đôi mắt nàng đã có những dấu chân chim. Vài nếp nhăn bắt đầu xuất hiện lác đác trên khuôn mặt hom hem. Nhìn gần, nốt ruồi nơi nhân trung cũng to ra, không còn ngồ ngộ như xưa.

"Người yêu nào" Chỉ có ma quỷ mới chịu em! Lớn tuổi rồi!"

Tôi loáng thoáng buồn. Buổi ăn bỗng trở nên nhạt nhẽo. Tôi nghĩ về quê hương như một nỗi đau rã rời. Việt Nam nghèo đói. Việt Nam lầm than. Việt Nam là một hố sâu to lớn, không bao giờ lấp đầy.

Tôi nhớ, cách đây vài năm, khi gia đình tôi vừa qua Mỹ được ít tháng, chợt nhận được fax từ Việt Nam của một người anh bên vợ. Những dòng fax khiến tôi sửng sờ, mất hết tinh thần :

..." Cô dượng Sáu, gửi gấp về cho anh mượn tạm 20 ngàn đô. Anh đang hùn hạp buôn bán lớn. Anh chờ tin Cô Dượng từng phút từng giờ..."

Coi xong, thằng con tôi tức tối, vò nát tấm fax, vụt xuống xó nhà :

"Hừm, người ta cứ nghĩ ở Mỹ, đô la rớt đầy đường... Qua đây, thiên hạ cứ việc...chổng mông...lượm..."

Chẳng bao lâu, một tấm fax khác lại đến. Lần này, đến lượt thằng em của tôi ""tả oán":

..."Nghe dư luận nói, anh chị vừa lãnh trọn số tiền lương lính tính từ 1975 đến nay. Em xin chúc mừng. Rất mong anh chị biếu em chút ít, để mua lại chiếc Honda đã cũ và xây lại căn nhà đã hư hỏng bấy lâu..."

Đến phiên bà vợ tôi giận dữ, dằn mạnh tấm fax xuống bàn, léo nhéo:

"Hừm, người ta cứ nghĩ ông làm lính đánh thuê cho Mỹ, nên nó trả lương mấy chục năm nay đấy!"

Tôi đau khổ kể điều này cho Vicki TIET nghe. Suốt buổi ăn, nàng ngồi im lặng nhìn ra cửa sổ. Mưa đang nhỏ giọt ngoài kia. Đang thánh thót rơi, ràn rụa trái tim người lữ thứ. Có lẽ, nàng thầm oán trách tôi, oán trách vì lỡ trút tâm sự với một kẻ quá đỗi vô tâm.

Sau buổi tối đó, tôi không có dịp gặp lại người đàn bà thành đạt mà tội nghiệp này nữa. Hãng tôi vẫn duy trì những buổi họp cho customer. Mỗi lần họp, tôi đều dán mắt vào tấm kính để tìm nàng, nhưng lần nào cũng như lần nấy - nàng đã như bóng chim tăm cá.


Một hôm nọ, bỗng có cú điện thoại gọi đến tôi, từ một bệnh viện ở ngoại vi thành phố.

"Hello, có phải ông là An Phạm không ạ" Có một bệnh nhân tên Vicky TIET cần gặp ông gấp! Xin vui lòng đến phòng 406. Chào ông."

Tôi lật đật đến bệnh viện. Đường đến đó không xa, nhưng tôi đã lúng túng, chạy vòng vèo, lạc đường mấy chập. Mưa lại giăng giăng bay. Hình như, trời đang báo trước điều không may nào đó, đã xảy đến với nàng. Phòng 406 hiện ra. Và nàng nằm đấy, còm cõi, xanh xao như một tàu lá rũ.

"Cô ơi! Cô khỏe không" Cô có nhận ra tôi không""

Nàng lờ đờ, cố giương đôi mắt nặng trĩu nhìn tôi, rồi thều thào nói trong hơi thở :

"Em bệnh nan y, sắp chết..Mong anh, một lần cuối, giúp em...Có về VN, nhớ ghé thăm gia đình dùm em...Đừng nói với họ...về cái chết của em...tội nghiệp...Địa chỉ em để trong ví...trên bàn..Cám ơn..."

Vài ngày sau, tôi ngậm ngùi tiễn đưa Vicki TIET ra phần mộ. Đám tang giản dị, họ chuyển quan tài nàng đến nơi an nghỉ, trong cảnh mưa bay lất phất lạnh lùng. Giữa nhóm kỹ sư người Mỹ dềnh dàng, chỉ có tôi lúi húi theo sau, lặng lẽ rơi những dòng nước mắt xót thương.

Mãi đến hôm nay, tôi vẫn chưa có dịp trở về Việt Nam thực hiện lời gửi gấm của nàng. Tuy vậy, tôi có kể chuyện này cho thằng bạn thân ở Victoria (Australia) biết. Và nhờ nó, khi về Việt Nam, bằng mọi giá, nhớ ghé thăm dùm gia đình của Vicki TIET.

Ít lâu sau, tôi nhận được lá thư từ Việt Nam. Những dòng chữ "thực tế" của thằng bạn, khiến tôi hết sức ngạc nhiên và trăn trở khôn cùng :

"...Thằng quỷ, tau có tìm đến gia đình Tiết Kim Uyên. Theo mày nói, tau đã dự định một số quà tặng để trao cho họ - hầu an ủi họ phần nào, trong cảnh khốn cùng. Nhưng, thằng quỷ.. .đó là một biệt thự sang trọng nhất trong vùng. Có xe hơi bóng loáng đậu trên sân. Có cả bầy chó bẹc-giê lao nhao bên trong. Sợ lầm địa chỉ, tau mới ghé vào nhà bên cạnh hỏi thăm. Thằng quỷ, người ta cho biết gia đình Tiết Kim Uyên đang ở ngôi biệt thự giàu sang đó. Ngôi biệt thự được xây cất từ lâu, do tiền đô la của chính Tiết Kim Uyên từ bên Mỹ ào ạt gửi về. Ba má họ đã mất cách đây gần 20 năm, bởi một tai nạn xe hơi. Không có câu chuyện thương tâm, như mày đã nói...thằng quỷ..."

Tôi nghẹn ngào như có ai đấm một cú đấm vào ngực. Ngày mai, có lẽ tôi sẽ mang bức thư này ra mộ Vicki TIET. Rồi... đốt nó thành tro, hy vọng dưới chốn tuyền đài, nàng sẽ nhận được nó, và an tâm về gia đình bên Việt Nam của nàng.

PHẠM HỒNG ÂN (San Diego, 21/10/2000)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,256,595
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 17-6-2018. Mời đọc bài của Phan, nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và University of California, Riverside xuấn bản lần đầu trong năm 2008.
2018-1968, đánh dấu 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân, tiếp tục viết về cuộc tàn sát tại Huế. Susan Nguyễn là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada, lần đầu viết bài gửi Việt Báo. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 11 trong năm.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm niều bài viết đặc biệt. Nhân mùa Father’s Day đang tới, ông góp thêm bài viết về các cô nhi của tử sĩ VNCH hiện sống trên đất Mỹ.
Từ ngày Một tháng Bẩy 2018, giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ sang năm thứ hai mươi. Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18.
Vài hàng vềû tác giả: Trước 1975, là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1985. Công việc: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu tại Westminster, từ 2002. Năm 2005, tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Sau đây là hồi ký của ông dành cho loạt bài “Tưởng nhớ 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân 1968 - 2018.”.
Cam Li là cây bút quen thuộc của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Bài viết là một truyện ngắn mới, tác giả gửi tặng cho bạn đọc Việt Báo.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Hồi Ức về Trận Chiến Tết Mậu Thân sau đây là chuyện khi tác giả còn là một sinh viên.
Nhạc sĩ Cung Tiến