Hôm nay,  

Cố Vấn Mỹ và “Trâu Điên”

12/11/201400:00:00(Xem: 20683)

Tác giả: Philato
Bài số 4384-14-29784vb3111114

Với bài viết "Sàigòn lớn nhỏ đều nhớ anh", hướng về các thương binh VNCH trong cuộc chiến, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, là một cựu sĩ quan VNCH, - 13 năm lính chiến, từ 1962 tới 75-, với 5 chiến thương bội tinh. Bài viết mới của tác giả là chuyện về quan hệ giữa những cố vấn Mỹ của binh chủng Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH trước và sau 1975, nối dài cho tới nay.

* * *

Lời nói đầu: Nếu các binh chủng bạn có những tiểu đoàn nổi tiếng như Sấu Thần, Cọp Ba Đầu Rằn, Song Kiếm Trấn Ải v.v.. thì Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến( TQLC) chúng tôi cũng có những tiểu đoàn nổi tiếng, một trong những đơn vị đó là Trâu Điên, tức Tiểu Đoàn 2/TQLC. Trong bài viết này tôi xin dùng danh xưng “Trâu Điên”, và các Tiểu Đoàn Trưởng là “Trâu Điên Trưởng”.

Tôi xin chân thành cám ơn Trâu Điên Trưởng Đồ Sơn và cố vấn trưởng Trâu Điên John Sheehan đã cung cấp cho tôi tài liệu để tôi viết bài này.

*Dù muộn vẫn phải nói

Tháng 8/2012 tôi được đi du lịch 7 ngày đến miền Đông-Bắc Mỹ như Philadelphia, New York, Washington D.C và Canada. Trong chuyến đi, tôi thấy mình vui khi được chạm tay vào quả chuông Độc Lập, thăm tượng Nữ Thần Tự Do, đài tưởng niệm các Tổng Thống Hoa Kỳ, thấy xúc động khi thăm Ground Zero... Nhưng khi đứng trước bức tường đá đen tưởng niệm các tử sĩ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nhìn hình mình phản chiếu trên bức tường, “nằm” chung với tên của 58,772 quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh và mất tích (MIA) trên chiến trường Việt Nam, tôi bỗng thấy day dứt trong lòng và tự hỏi tại sao mình còn sống và đứng đây, nhận Hoa Kỳ là quê hương thứ hai trong khi 1,200 MIA còn ở lại VN, thân xác họ bị chôn vùi ở những nơi xưa kia là chiến trường khốc liệt như Cồn Tiên, Ia Drang, Cầu Khởi, Bời Lời hay trong ngục tù Cộng sản.

Nhìn lên bức tường đá đen, bất ngờ thấy tên White, tôi tự hỏi đây có phải là cố vấn White đi với tôi trong trận Bời Lời (Tây Ninh) ngày 16/9/1968 hay không? Trận đó tôi chỉ biết là khi vừa đụng địch, White ngã xuống, bất tỉnh và được trực thăng tản thương ngay.

Tôi thấy tên Joe, có phải đây là cố vấn Joe bị thả lầm vào tuyến VC, bị bắn vào nách xuyên qua vai trong trận Bời Lời 16/9 mà đã được đại đội tôi cứu về và tải thương hay không?

Tôi đọc được tên Jack, có thể là viên cố vấn mà Trâu Điên Trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho đi với tôi trong trận kinh Cán Gáo tỉnh Chương Thiện ngày 19/6/69. Ngày đó, Jack và tôi cùng bị thương nặng, tôi gẫy chân tay “trào máu họng”, còn Jack bị bay mất một cánh tay.

Những cố vấn đi với tôi chỉ trong một thời gian rất ngắn, có khi vài giờ rồi bị thương, được tải thương nên tôi không nhớ chính xác tên và cũng không rõ tình trạng của họ sau đó. Dù Mr White, Mr Joe, Mr Jack có là cố vấn hay không thì những tên ấy trên bức tường đá đen này vẫn là những người bạn đồng minh anh hùng đã chiến đấu để bảo vệ Việt Nam Tự Do, họ đã “nằm” xuống, còn tôi, người Việt Nam tỵ nạn thì lại được đứng đây, ngay Thủ Đô Hoa Kỳ. Nghĩ đến White, đến Joe, Jack, tôi đưa tay quẹt ngang mắt, đứng nghiêm đưa tay chào các ông và các anh hùng trên bức tường đá đen.

Hướng dẫn viên du lịch đưa chúng tôi đến đây để thăm một di tích lịch sử Hoa Kỳ gắn liền với chiến tranh VN, với người Mỹ gốc Việt Nam, không phải viếng một nghĩa trang nên tôi không có nhang để thắp, không có bông để tặng các ông.

Trong các buổi lễ quan trọng của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, sau nghi thức chào Quốc Kỳ VN và Hoa Kỳ là “Một Phút Mặc Niệm” để tưởng nhớ đến quân dân cán chính VNCH đã hy sinh... để tưởng nhớ đến hơn 58 ngàn quân nhân Hoa Kỳ đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ miền Nam VN Tự Do v.v...,

Khi chào từ giã những White, Joe, Jack và bức tường đá đen, tôi nghì mình sẽ phải viết về những vị cố vấn đã đi hành quân với “Trâu Điên”, nhất là những Cố vấn đã đi với Đại đội1 / Tiểu đoàn 2, đã bị thương, đã hy sinh cách nay mấy chục năm. Phải viết như nói lời cám ơn, dù muộn vẫn phải nói.

*

Sau khi thăm bức tường đá đen, vì trình độ computer và tiếng Mỹ của tôi ở dạng ABC nên tôi đã nhờ Quốc Việt, chuyên viên điện toán, vào các Web của USMC, Web đài tưởng niệm ở Washington DC, Web nghĩa trang Arlington và Web của các cựu QN/TQLC Mỹ đã tham chiến tại VN để tìm tên các bạn cố vấn cũ, và tình trạng “sức khỏe” của họ. Kết quả, chỉ tìm được tên 5 cố vấn Mỹ bị tử thương khi đi hành quân với TQLC/VN. Không thấy tên các cố vấn mà tôi muốn biết, như vậy có lẽ họ đều bình an nên tôi ngưng tìm.

Năm 2014, Tổng Hội Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam (TQLC/VN) thực hiện cuốn Quân Sử (QS), cần tài liệu chính xác cho các bài viết nên tôi đã liên lạc được với cấp chỉ huy cũ của tôi là Trâu Điên Trưởng Trung Tá Ngô Văn Định (Đồ Sơn), và Cố Vấn, Đại Úy John Sheehan, là hai người biết rõ những gì đã xảy ra với đại đội của tôi trong các cuộc hành quân.

Trước khi nói về những việc mà Đồ Sơn và John Sheehan giúp tôi tìm được tin tức các cựu cố vấn đã cùng tôi chiến đấu bên nhau, tôi xin nói qua về nhiệm vụ của Cố vấn Mỹ và mối thân tình của các CV với Trâu Điên nói chung, của Sheehan với Đồ Sơn nói riêng.

Tôi không rõ hệ thống cố vấn và nhiệm vụ của họ ở các đơn vị bạn, nhưng với Binh Chủng TQLC/VN thì mỗi khi một tiểu đoàn đi hành quân thì sẽ được tăng phái 2 cố vấn Mỹ, một Cố vấn đi với tiểu đoàn trưởng (cánh A), một Cố vấn đi với tiểu đoàn phó (cánh B). Cấp đại đội thì không có CV đi theo, trừ khi đại đội đó đi riêng với nhiệm vụ đặc biệt.

Nhiệm vụ của CV Mỹ khi đi hành quân với tiểu đoàn TQLC/VN là liên lạc với các trực thăng Mỹ để xin tản thương, tiếp tế, quan trọng nhất là khi tiểu đoàn đụng trận thì liên lạc và phối hợp với hệ thống CV Mỹ để xin yểm hỏa lực Pháo Binh, Không Quân Mỹ. CV chỉ có nhiệm vụ theo dõi diễn tiến hành quân, báo cáo và xin yểm trợ hỏa lực, đôi khi góp ý, nhưng không đi vào chi tiết kế hoạch hành quân của đơn vị trưởng. Các CV luôn có sổ tay ghi chép mọi diễn biến trong ngày, như một cuốn nhật ký hành quân để xác định trách nhiệm rõ ràng và đó chính là những tài liệu quý giá chính xác về sau này

Cũng xin nói thêm là khi đi hành quân, CV tự túc mang theo lương thực và vật dụng cá nhân, tiểu đoàn chỉ cung cấp người mang máy truyền tin cho họ mà thôi. Khi chấm dứt hành quân thì nhiệm vụ của CV cũng hết và họ trở về nơi cư trú riêng. Nhưng vì TQLCVN là đơn vị tổng trừ bị, đi hành quân liên tục, dài ngày khắp 4 vùng chiến thuật nên các CV Mỹ gần như là quân số cơ hữu của tiểu đoàn, Việt-Mỹ thân thiện và sống chết bên nhau. Mặc dầu được luân phiên thay đổi về nghỉ nhưng có nhiều CV vẫn muốn đi với TQLC. Có CV đã trở về Mỹ sau khi hết nhiệm kỳ, nhưng rồi “nhớ rừng” họ lại xin quay trở lại với TQLC/VN. Đại Úy cố vấn Campbell là một trong những người đó.

Thomas Campbell là CV cho Trâu Điên Trưởng Lê Hằng Minh, trong trận Phong Điền, Huế, ngày 29/6/1966, Trung Tá Lê Hằng Minh tử trận thì CV Campbell cũng bị thương, người mang máy cho ông tử trận nhưng ông ta không xin tải thương mà ở lại tiếp tục chiến đấu.

Sau khi Tr/Tá Lê Hằng Minh tử trận, Thomas Campbell xin tiếp tục ở lại và làm cố vấn cho Trâu Điên Trưởng Ngô Văn Định (Đồ Sơn) thêm 3 nhiệm kỳ nữa cho tới Mậu Thân 1968 thì Campbell về Mỹ, dạy môn lãnh đạo và chỉ huy tại Đại Học Austin Texas và viết sách. Trong tựa đề một cuốn sách Thomas Campbell đã viết như sau:

Preface

Long ago, I was young and full of passion for adventure, glory, excitement and faraway places. I satisfied those powerful yearnings tenfold over in the U.S Marines.

The greatest of all those adventures began in November 1965 when I was assigned as an advisor to the Vietnamese Marines. I thought that I would make them better Marines, but in the final analysis they made me a better Marine. I learned things from them that are not taught in American military schools. My best teachers were Major Le Hang Minh, Major Nguyen The Luong, Major Dinh Van Ngo, Captain Nguyen Xuan Phuc and Minhs ever faithful bodyguard.

This is the story and th lessons.

Co van My

Tom Campbell

Austin, Texas.

Năm 1968, sau khi Thomas Campbell rời Trâu Điên về Mỹ thì Đại Úy John Sheehan đến thay thế Thomas làm cố vấn trưởng, và cố vấn phó là Trung Úy Carl White. CV John Sheehan làm việc với Trâu Điên Trưởng Ngô Văn Định suốt thời gian Têt Mậu Thân tới trận Cầu Khởi và Bời Lời cho tới ngày 6 tháng 1/1969 thì Trung Tá Ngô Văn Định và Đại Úy Sheehan cùng bị thương trong trận U Minh. Sau đó thì cả hai ông cùng rời Trâu Điên, Trung Tá Định lên làm Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng TQLC, còn Đại Úy Sheehan thì về Mỹ, tiếp tục trong quân đội. Chức vụ sau cùng của John Sheehan là Đại Tướng 4 sao, Tư Lệnh NATO, rồi hồi hưu năm 1997.

blank
Đại Tá Ngô Văn Định, biệt danh Đồ Sơn, từng là Trâu Điên Trưởng.
blank
Đại Úy cố vấn John Sheehan sau thành Đại Tướng 4 sao, Tư Lệnh NATO, hồi hưu năm 1997.

(“General Sheehan retired from the Marine Corps on September 24, 1997 and, a year later, joined Bechtel International, the 5th-largest privately owned company in the U.S., as a Senior Vice President.”).

Ngày 6/1/1969, Đồ Sơn bị thương khá nặng vì đạn B40 nên Sheehan cấp tốc tải thương Trâu Điên ra tàu bệnh viện Hải Quân Mỹ, ở đó Đồ Sơn được cứu sống, nếu như...! Còn CV Sheehan bị nhẹ nên ông ta không tản thương. Khi về Mỹ, Sheehan đã mang cái đuôi đạn B40 (RPG) về để làm kỷ niệm.

Sau 30/4/75, khi liên lạc được với Trâu Điên Ngô Văn Định thì Gen Sheehan đã gửi trả lại cái đuôi đạn B40 ấy cho Đồ Sơn để làm kỷ niệm. Ông Sheehan viết:

Col Dinh,

This RPG belong to you. You fought well and were good leader.

I could not have a better friend to fight alongside.

The RPG is a little dirty but it looks better than it did at 01:30 on January 6th, 1969.

God Bless and Semper Fi!

Jack Sheehan

Gen USMC

blank
RPG. Đuôi đạn B40, kỷ vật của Gen USMC Sheehan.

Đi Tìm Cố Vấn Cố Nhân

Như tôi đã viết ở trên, cấp đại đội không có CV đi theo, trừ khi đi riêng một mình với nhiệm vụ đặc biệt, tôi là đại đội trưởng thường được Đồ Sơn cho cố vấn đi theo, rồi các CV này ra đi hoặc bị thương, thời gian chưa đủ để “tôi nhớ tên anh, tôi viết tên anh trên đá trên hoa..”. Nay, sau khi thấy những tên tương tự trên Bức Tường Đá Đen, tôi nhờ Đồ Sơn và Sheehan tìm họ và chuyển dùm tới họ lời hỏi thăm cám ơn của chúng tôi.

1/ Thomas Campbell

là Người đầu tiên tôi muốn hỏi thăm.

Tom (Thomas) là Cố vấn trưởng của Trâu Điên Lê Hằng Minh (1966). Thời ấy, tôi chỉ là trung đội trưởng nên không có gì liên quan đến công việc, còn giao tiếp thì lại càng không, dù họ rất lịch sự, vì vốn liếng tiếng Anh của tôi không đủ để tâm tình mà chỉ có danh từ Việt-Mỹ pha lẫn nhau trong lúc cần thiết khi đụng trận, thí dụ như nói CV gọi “phở bắc”, “gà cồ”, tức là xin pháo binh cố vấn hiểu liền, báo có “ký-lô” (killed: chết), whiskey (wounded: bị thương) để CV gọi trực thăng tải thương. CV xin trực thăng Mỹ tải thương và yểm trợ thì lúc nào được đáp ứng nhanh chóng. Chiến trường, mỗi khắc bằnng giá của sinh mạng.

Tôi nhờ Đồ Sơn và Sheehan hỏi thăm Thomas là vì trong trận Trâu Điên bị phục kích tại cây số 17 QL1 (Phong Điền), Trâu Điên Lê Hằng Minh tử trận, Thomas bị thương, anh Phúc, Hợp và tôi bị thương, nhưng Thomas, Hợp và tôi không xin tải thương mà tiếp tục ở lại chiến đấu, nhìn nhau với vết thương thấm máu, mỉm cười rồi mời nhau điếu thuốc. Chuyện chỉ thế thôi mà nhớ mãi.

Sau vài ngày hỏi thăm về Thomas Campbel, tôi nhận được email của Đồ Sơn báo cho biết đã có thư của Gen Sheehan, ông tướng này viết như sau:

Col. Dinh; as you know Tom Campbell was one of my closest friends. I was in Houston when he was undergoing cancer treatment at MD Anderson Hospital. He always spoke with tremendous pride about his time with you and the Trau Dien Bn. I think he was responsible for convincing me to request an assignment with the VNMC when I returned to Vietnam.

I will always treasure our relationship and as well as my relationship with Carl. Difficult times make friendship stronger and special.

As a matter of historical correctness, I appreciate the promotion to Major; but I was a Captain my entire tour with the VNMC. The USMC was slow on promotions--probably about the same as the VNMC.

Thank you for your kind words and dedication to those Marines both US and Vietnamese you are remembering.

Trau Dien.

LN 2

Ông Gen Sheehan đã ký tên là... Trau Đien LN2 mà không là Gen USMC như trước nữa, LN2 tức là Leatherneck 2, ám danh truyền tin của Cố Vấn Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên.

Thật xúc động với kỷ niệm “đơn vị cũ, chiến trường xưa”, ý của một Gen USMC muốn nhận ông là Trau Dien, muốn trở lại với Trâu Điên để cùng chiến đấu bên nhau, bảo vệ VN Tự Do, nên tôi sẽ tôn trọng nguyện vọng của Gen John Sheehan, từ đây, mỗi khi nhắc tới Gen Sheehan thì tôi sẽ chỉ viết ngắn gọn là LN2.

blank
Năm 2008, Gen. Hoar đã đến thăm Tiểu Đoàn Trưởng và các Đại Đội Trưởng Trâu Điên tại Little Saigon. Hình: Trâu Điên Cương, Phán, Cấp, Hoar, Đồ Sơn, Dzoan, Cự (Gen Joseph Hoar).

Cố vấn Joseph Hoart thành Tướng 4 Sao

Không chỉ Gen Sheehan, mà còn một Gen USMC khác nữa, cũng là cố vấn Trâu Điên, năm 2008 ông đã đến thăm Tiểu Đoàn Trưởng và các Đại Đội Trưởng Trâu Điên tại Little Saigon, đó là Gen Hoar.

blank
Năm 1966, Trung úy Joseph Hoar là Cố vấn Trâu Điên ở Cồn Tiên. Sau này, khi đã thành vị tướng 4 sao, Gen Hoar vẫn tự gọi mình là “Trâu Điên”.

Năm 1966, Trung úy Joseph Hoar là Cố vấn Trâu Điên ở Cồn Tiên và sau đó là các tiểu đoàn TQLC khác nữa.

Chẳng phải vì “thấy sang bắt quàng làm họ” mà tôi đưa hình hai vị tướng 4 sao vào bài viết này, mà chính quý vị ấy đã nhận mình là “Trau Dien” và đến với chúng tôi như những “đồng đội” gần nửa thế kỷ về trước, dù ngày nay chúng tôi là những quân nhân bị “gẫy súng”. Quý vị ấy cũng vẫn đến với chúng tôi như nước Mỹ đã mở rộng vòng tay đón chúng tôi.

Đã có tới 5 vị Cố Vấn hy sinh bên cạnh các tử sĩ TQLC/VN và hầu như Cố vấn nào cũng bị thương. Bây giờ tôi xin tiếp tục hỏi thăm tin tức về các Cố vấn khác:

2. Các cố vấn tử thương và bị thương trong trận Cầu Khởi là ai?

Sau gần 9 tháng hành quân Mậu Thân ở Saigòn, khi tình hình ở Thủ Đô đã trở lại thanh bình thì tháng 9/68, Chiến Đoàn B/TQLC, trong đó có Trâu Điên, được tăng phái cho Nhẩy Dù, dưới quyền chỉ huy tổng quát của Tướng Dư Quốc Đống, để lùng và diệt địch vùng Khiêm Hanh và Bời Lời, Tây Ninh, nơi Tiểu Đoàn 14D Chủ Lực và Trung Đoàn 33 VC đang lẩn trốn.

Sáng 14/9/68, từ quận Khiêm Hanh, Đồ Sơn cho lệnh đại đội tôi nhẩy trực thăng “diều hâu” vào mục tiêu Cầu Khởi, để tìm TĐ14D, nếu đụng địch thì Tiểu Đoàn sẽ vào tiếp viện và tiêu diệt địch. Vì đại đội tôi đi riêng nên có một cố vấn đi theo.

Khi đại đội tôi vừa nhẩy trực thăng xuống mục tiêu Cầu Khởi thì bị địch bao vây và tấn công ngay, nhờ kế hoạch hành quân đúng và có CV đi theo nên đã kịp thời liên lạc với hệ thống CV Mỹ xin yểm trợ Pháo Binh, máy bay B57 và trực thăng võ trang Cobras can thiệp kịp thời. Chúng tôi đứng vững để tiểu đoàn nhẩy vào diệt và mọi diễn biến đã đúng như tiên liệu, Trâu Điên hoàn thành nhiệm vụ.

Điều không may là đang lúc sôi động thì CV bị trúng đạn, ông ta được tải thương và 1 đại úy cố vấn khác xuống thay thế, nhưng đến 11 giờ đêm, khi đang điều động trực thăng tải thương các thương binh TQLC thì đại úy CV này lại bị thương nữa nên đã được phi hành đoàn trực thăng mang đi luôn. Cả 2 CV đến với tôi quá nhanh và đi cũng nhanh nên tôi không nhớ rõ tên, hơn 40 năm sau, nay tôi nhờ Đồ Sơn và LN2 tìm tung tích của họ để gửi lời cám ơn.

Vài ngày sau tôi nhận được email của Đồ Sơn với nội dung đại ý như sau:

“Hi Cấp. Theo tài liệu của Gen Sheehan tìm được thì cố vấn đi với ĐĐ1 của Cấp nhẩy vào Cầu Khởi ngày 14/9/68 là SFC Charles James Moore thuộc Airborne Ranger, Ông Moore tình nguyện nên Đại Úy John Sheehan cố vấn trưởng TĐ2 đồng ý cho đi. Sau đó thì Moore bị pháo kích rồi tải thương, nhưng Moore đã chết trên đường tải thương lúc 4 giờ chiều. Còn Đại Uý thuộc Airborne Ranger đến thay Moore rồi cũng bị thương lúc 11 giờ đêm, được phi hành đoàn trực thăng tải thương luôn với thương binh TQLC thì chưa tìm ra danh tánh, sẽ trả lời sau”.

Như vậy là tôi đã rõ số phận của 2 vị cố vấn đánh trận Cầu Khởi ngày 14/9 với chúng tôi. Đại đội tôi chỉ chọn có 90 người cho nhiệm vụ này và đã bị TĐ14D VC bao vây, trận chiến kéo dài một ngày một đêm, nhưng chúng tôi vẫn đứng vững, vì nhờ có các cố vấn đã hết lòng kêu gọi hỏa lực pháo binh và không quân yểm trợ. Dù Trâu Điên đã diệt được TĐ14D, nhưng chúng tôi rất buồn khi một CV tử thương, một bị thương chưa tìm ra danh tánh. Chúng tôi xin chân thành chia buồn cùng gia đình các vị cố vấn này.

3/ Cố Vấn Trận Bời Lời

Ngày 14/9/68 tôi đụng trận Cầu Khởi thì ngày 16/9/68, Đại Đội 1 của tôi và ĐĐ3 của Đ/Úy Trần Văn Thương lại nhẩy trực thăng vào mục tiêu mật khu Bời Lời, để chụp 50 VC mà máy bay quan sát L19 phát giác ra chúng đang dừng quân tại đây.

Vì 2 đại đội đi riêng, coi như cánh B, Tiểu Đoàn Phó là Đại Úy Nguyễn Kim Đễ đi học, nên cố vấn phó là Đại Úy Carl White đi với tôi. Khi 2 đại đội vừa nhẩy khỏi trực thăng xuống mục tiêu là đụng liền (máy bay quan sát L19 cho tin rất đúng, nhưng chưa chính xác, vì không phải chỉ có 50 VC, mà là 3 tiểu đoàn VC thuộc Trung Đoàn 33 đang ém quân tại đây, vì có nhiều súng phòng không, tài liệu và vũ khí tịch thu được, cùng lời khai của tù binh).

Sau khi xung phong vào mục tiêu thì cố vấn Carl White ngã xuống, nhắm mắt, mặt trắng bệch, tôi không rõ ông bị thương ở đâu, nhưng thấy tình trạng nguy hiểm nên xin tải thương cho ông ta ngay và một cố vấn khác được thả xuống thay thế.

Trước khi nói tiếp diễn tiến cuộc đụng độ thì tôi xin mở ngoặc ở đây để nói về cố vấn phó TĐ2/TQLC là Carl White.

Trong trận Mậu Thân ở Saigòn trước đó, khi đại đội tôi tiến quân trên đường Hậu Giang, để đến giải tỏa khu vực cư xá Phú Lâm thì Carl White bị “sniper” VC cho một viên vào trán, viên đạn xuyên qua nón sắt, vì đã chui qua cuộn băng cứu thương cá nhân gài trên nón sắt nên yếu đà và bị nón nhựa giữ lại, chỉ đủ sức chạm vào và để lại cục u tụ máu trên trán White. Sau trận này thì Carl White được thăng đại úy.

LN2 trả lời cho Đồ Sơn về Carl White, theo tài liệu mật vừa được giải mã thì nguyên văn như sau:

- “at 1555H Capt White was Medivac for Heat Prostration by the 2nd Bn C and C heliopter.”

Như vậy Capt White đã được trực thăng C&C của Đồ Sơn và Sheehan bốc đi bình an, không phải là White mà tôi đọc được trên bức tường đá đen, xin chúc mừng ông.

blank
Hình chụp Carl White ngay tại Chợ Lớn, trên trán còn dấu đạn làm thành cục u, cạnh đó là “nhà bán”.

Tôi còn được biết thêm, với kỷ niệm hòn bi ở trán, sau này Carl White đã viết cuốn hồi ký về Trâu Điên và Mậu Thân, xin trích:

TRÂU ĐIÊN!

Crazy Buffaloes In Cholon Gap.
(by Major Carl White, United States Marine Corps (Retired).

After massive Viet Cong and North Vietnamese Army forces launched their Tet Offensive against South Vietnam in the last hours of January 1968, the South Vietnamese Marine Brigades 2nd Rifle Battalion was among the units distinguising themselves in the successful defense of Saigon.

One of six battalions in the brigade, the 2nd Battalion was commanded by a battle-hardened veteran of near¬ly 13 years of combat, Major Ngô Văn Định. A national hero, he had been decorated for gallantry many times, wounded seriously four times, and regarded among the military leadership of South Vietnam and the U.S. Ma¬rine advisors who had served with him as a courageous and exceptionally skilled battlefield commander.

His battalion was one of the most highly acclaimed military units in the country–from any nation–well known throughout South Vietnam. In 1966, U.S. Presi¬dent Lyndon B. Johnson had awarded it the Presidential Unit Citation for heroism in the Battle of Phung Du. The battalion was the first in the Vietnamese Marine Brigade to receive that highest of U.S. unit awards.

*

Cố vấn phó Carl White được bốc đi thì có cố vấn khác đến thay thế. Sau khi nhận lệnh Đồ Sơn, tôi thả trái khói màu vàng đánh dấu bãi đáp cho trực thăng thả cố vấn xuống, nhưng đến khi nghe Đồ Sơn nói CV đã xuống rồi, Cần Thơ (danh hiệu của tôi) đã gặp cố vấn chưa?

Chưa thấy! Lạ quá!

Tôi cho lùng sục xung quanh thì phát giác cách chỗ tôi chừng 100m, khu vực tuyến VC, cũng có khói màu vàng đang bốc lên. Tôi “tá hỏa tam tinh” vội báo cho Đồ Sơn biết và xin ông xác nhận điểm thả CV. Ngay lúc đó, đang bay C&C, Đồ Sơn cũng nhận ra dưới đất có 2 vị trí khói vàng và ông cho biết cố vấn đã bị thả xuống vị trí trước tuyến VC rồi!

Khi phát giác sự nhầm lẫn tai hại này thì Đồ Sơn rồi Chiến Đoàn Trưởng Tôn Thất Soạn và cả hệ thống cố vấn yêu cầu tôi cho người đi cứu cố vấn ngay!

Thật là rắc rối, chúng tôi đang đụng, VC đang bao vây, giằng co nhau chiếm từng gốc cây, bụi tre gai, súng phòng không rất mạnh khiến trực thăng khó khăn vào vùng yểm trợ, làm cách nào tiến gần 100m đến trái khói vàng kia? Hơn nữa, chưa biết cố vấn ở vị trí nào, sống chết ra sao, một nhiệm vụ “vô kế khả thi”.

Tôi đã nhận lệnh của cấp trên đi tìm và cứu CV ngay, nhưng tôi cũng nhận ra hàm ý của lời căn dặn thêm là phải hết sức cẩn thận kẻo...“Bắc-Bình, Gay-Go”.

“Bắc-Bình Gay-Go” có nghĩa là “B.G”, là Bình Giả, những gì xẩy ra tại trận Bình Giả, Phước Tuy, ngày 31/12/1964 chúng tôi hiểu cả rồi, chỉ vì thượng cấp QĐ “ở trên trời” ra lệnh “bằng mọi giá” cho TĐ4/TQLC đi tìm xác phi cơ, phi công! Rồi cái giá phải trả là TĐ4 hy sinh thêm hằng trăm sinh mạng khác. Nay tôi phục cấp chỉ huy của tôi đã sáng suốt, dày dặn kinh nghiệm chiến trường, ông hiểu khả năng của thuộc cấp nên ra lệnh cho tôi cẩn thận, tùy cơ ứng biến, nhưng tôi chưa biết “biến” bằng cách nào, trong khi mỗi giây phút chậm trễ là rất nguy hiểm cho cố vấn và chính chúng tôi. Thiếu cố vấn trong tình trạng sinh tử này thì chúng tôi sẽ khó mà có yểm trợ hỏa lực từ phía Hoa Kỳ.

Tôi nhớ mãi trong cuộc hành quân giải tỏa đồn Đức Cơ năm 1965, các phi cơ đang quần thảo trút bom đạn xuống mục tiêu thì một “thần sấm” trúng phòng không, phi cơ chúi xuống rồi nổ còn phi công bay ra, cánh dù lơ lửng bay theo chiều gió đưa phi công về phía địch, biên giới Việt Miên, lập tức các phi cơ bỏ mục tiêu mà bay vòng tròn quanh cánh dù, các trực thăng cũng bay theo và bắn xuống đất nơi mà dù lơ lửng bay ở trên cao... tôi không rõ số phận phi công đó.

Một điều đáng quan tâm nữa liên quan tới vụ trực thăng thả lầm CV vào tuyến VC là Đại Úy Thương ĐĐ3 đã báo cho tôi biết anh đã trông thấy một trực thăng bị “xịt khói” rồi bay đi cùng thời điểm cố vấn được thả xuống. Tôi không có thì giờ nghĩ về trực thăng bị bắn ra sao mà tìm cách cứu CV. Chợt Hạ Sĩ 1 Nguyễn Văn Thà, người mang máy cho tôi, hốt hoảng la:

- Ông thầy coi kìa.

Theo hứơng tay chỉ của Thà, qua ống nhòm, tôi đã nhận ra một cánh tay từ bụi rậm đưa lên rồi mất hút. Quả quyết đây là cố vấn bị thả nhầm vị trí, đã sẵn kế hoạch trong đầu, tôi ra lệnh ngay cho trung đội trưởng là Thiếu Úy Huỳnh Vinh Quang, tập trung tất cả đại liên M60 và M79 của đại đội tác xạ tối đa và liên tục vào tuyến VC mà phía ngoài bãi đáp là nơi cố vấn núp. Có lẽ VC chưa phát giác ra vị trí CV núp, mà nếu có thấy thì chúng quyết bắt sống chứ không bắn chết, giá trị sống chết khác nhau.

Trong khi các súng M60 và M79 bắn tối đa vào tuyến VC thì Trung Sĩ 1 Trần Tráng dẫn tiểu đội bò dưới hỏa lực của mình để yềm trợ cho HS1 Bùi Ngọc Đường và HS Nguyễn Văn Hợi chạy thật nhanh đến nơi có cố vấn núp. Đường và Hợi là hai cận vệ đã cứu tôi thoát chết nhiều lần nên tôi tin tưởng và hy vọng Đường và Hợi sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Khi viết lại việc này, tôi xin phép không đi vào chi tiết diễn tiến, nhưng thật căng thẳng và lo âu, hồi hộp từng giây, tay tôi liên tục đốt thuốc, vừa kéo xong một hơi thì vất đi, đốt điếu khác, tôi đã phải làm một việc lần đầu tiên quá khả năng của tôi.

Tôi thở phào khoan khoái khi thấy Đường cõng một người trên lưng, lom khom lúp súp chạy về, Hợi thì vừa phụ đẩy vừa canh chừng phía sau, tiểu đội của Trần Tráng cũng đang rút lui theo. Cái hình ảnh không bao giờ tôi có thể quên được là khi vừa chạy về tới chổ tôi đứng thì Đường ngã vật ra, cố vấn Mỹ ngã theo, cả hai thân hình nhuộm máu.

Cố vấn đã được cứu, vui hơn nữa là tất cả toán cấp cứu đi và về đầy đủ, trừ 4 người trong tiểu đội của Trần Tráng bị thương nhẹ. Tr/Úy cố vấn bị bắn vào nách, trực thăng đã xuống bốc người bị thương đi ngay và thả một thiếu tá cố vấn khác xuống thay thế, tôi không kịp nhìn bảng tên của họ. Sau đó tôi không biết tin tức của trung úy cố vấn này sống chết ra sao.

Sau cuộc hành quân, CV Mỹ ở trên Sư Đoàn đã gửi xuống cho đại đội tôi một số huy chương, trong đó có 1 Bronze Star là cao hơn cả, tôi biết phần thưởng danh dự này sẽ thuộc về ai. Nếu CV hỏi ý kiến tôi thì tôi sẽ đề nghị cho Đường, Hợi và tiểu đội Trần Tráng mỗi người 1 Silver Star hay cao hơn.

Hạ Sĩ 1 Bùi Ngọc Đường, ngừơi cận vệ, người bạn thân tín của tôi mang Bronze Star, anh còn được Thiếu Tá Lê Đình Bảo, Trưởng Phòng Chính Huấn Sư Đoàn TQLC thưởng cho 1 xe Honda 50. Đường không nghĩ đến những gì sẽ được hoặc sẽ mất khi lao vào lửa đạn, anh xứng đáng được nhận các phần thưởng này, nhưng rất tiếc “TQLC sống hùng sống mạnh nhưng không sống lâu”, Đường chưa kịp chở người yêu dạo phố Sài Gòn bằng Honda thì anh tử trận sau đó trong một cuộc hành quân sang Miên.

Người cõng cố vấn về là Bùi Ngọc Đường đã tử trận, thế còn các cố vấn thì sao? Tôi đã nhờ Đồ Sơn hỏi LN2 thì nhận được 2 email nguyên văn như sau:

On Tue, Aug 26, 2014 at 7:57 PM, John Sheehan wrote:

Col, Dinh; we think the Marine in question is I/Lt Joe Bargerstock. He was shot in the chest and upper body, more serious than originally thought --spent a long time in the hospital. He ultimately retired after 20 years in the Marine Corps. Carl White talks to him and Carl will give you the detail info.

Hope this helps.
Your friend and fellow Marine

Jack

-------------------

Col. Dinh. As I was going through my records in search of the information you requested I came across a picture of the team of VN Marines who rescued Lt Bargerstock. The squad leader was awarded a Bronze Star and the others were awarded achievement medals. The picture was taken a month or so after the fight.

I will send you a copy of the picture in the morning. (I need to go buy a new memory card)

S/F

Jack.

Theo email thứ nhất của LN2 trên đây thì Tr/Úy CV được cứu về từ tay Việt Cộng là I/Lt Joe Bargerstock chỉ bị thương nặng và đã giải ngũ, giả sử ngày đó vì xuống giúp tôi mà ông có mệnh hệ nào thì tôi buồn lắm. Tin ông bình an và giải ngũ, ông và tôi cùng mừng và xin chúc ông khỏe mãi.

Tuy nhiên, niềm vui không trọn vẹn, theo tài liệu mật vừa được giải mã, cuộc hành quân Bời Lời này có 2 cố vấn bị thương, 3 người Mỹ thuộc phi hành đoàn trực thăng chết.

Ngày đó, khi Đ/Úy Trần Văn Thương báo cho tôi biết có 1 trực thăng bay lên bị bắn xịt khói, tôi đã nghĩ đây là trực thăng chở CV Joe đến thay cho Carl White bị bắn nên họ đã vội vàng thả Joe xuống rồi bay đi, nay thì đúng như tôi đoán, nhưng rất buồn là cả phi hành đoàn 3 người đã “nổ” theo trực thăng!

Còn email thứ hai thì LN2 nói về huy chương tặng cho toán “rescued LT Joe”, trong đó có 1 Bronze Star. Dầu sao thì cũng cám ơn quý vị, nhưng khi xông vào chỗ chết để tìm sự sống cho Lt Joe Bargerstok thì đó cũng như nhiệm vụ Trâu Điên cứu đồng đội mà không bao giờ nghĩ đến việc sẽ mất gì (mạng), sẽ được gì (huy chương, thăng cấp). Vả lại Trâu Điên mà LN2 gắn Bronze Star lên ngực thì đã được “hòm gỗ cài hoa”, Quốc Kỳ phủ quan tài, đó niềm vinh dự tối cao của một quân nhân VNCH nói chung, TQLC và Trâu Điên nói riêng, vì vấn đề tế nhị đối với gia đình người đã tử trận, tôi không thể đưa tấm hình đó vào bài viết này được.

Major Ward, Người Hùng...

Theo tin LN2 cung cấp thì Cố vấn xuống thay cho Trung Úy Joe Bargerstock là Thiếu Tá H.T.Ward, CV của Chiến Đoàn. Major Ward đã cùng tôi trải qua một đêm vô cùng hồi hộp.

Vì phòng không của VC khá mạnh, nên cho đến chiều tối cánh A của Tiểu Đoàn Trưởng Đồ Sơn vẫn không xuống được nên Đồ Sơn cho lệnh tôi và Đ/Úy Thương phối hợp phòng thủ đêm tại chỗ còn Đồ Sơn, Ban 3 Lâm Đồng và Chiến Đoàn Trưởng Saigòn thì bay C&C suốt đêm để theo dõi địch di chuyển và yểm trợ tinh thần cho chúng tôi.

Dựa vào địa thế một mặt là rừng tre gai rậm rạp, mặt kia là bãi đáp trực thăng (LZ) trống trải, chúng tôi biết địch, nếu tấn công đêm thì chúng chỉ có thể tấn đêm từ phía LZ, nên tôi đã bàn với CV Ward thiết lập sẵn kế hoạch hỏa lực, nhất là hỏa lực của trực thăng võ trang cobras.

Gần về sáng, đúng như dự đoán, VC tấn công mãnh liệt từ hướng LZ, chúng đã vào sát tuyến phòng thủ của chúng tôi, muốn dùng biển người, nhưng đây là lúc CV Ward ra tay. Theo như kế hoạch đã tính trước, các trực thăng cobras theo hướng dẫn của CV cứ phóng hỏa tiễn và bắn đại liên sát tuyến phòng thủ của chúng tôi, buộc địch tan tác và rút lui.

Chúng tôi không đi vào chi tiết diễn tiến trận tấn công đêm của VC, nhưng quả thật là gay cấn và hồi hộp, nếu không có Major Ward với tài điều khiển cobras thì 2 đại đội 1&3 Trâu Điên đã bị biển người của 3 tiểu đoàn Trung Đoàn 33 tràn ngập, dĩ nhiên yếu tố con người, tinh thần chiến đấu của Trâu Điên là quyết định.

Ngày 17/9, trời vừa sáng, cánh A của Đồ Sơn đã xuống mà còn thấy VC chạy tán loạn từ LZ trốn vào rừng. Nhưng rất tiếc 2 Trâu Điên lại bị hy sinh vào giờ thứ 25, Hạ Sĩ 1 Thà, người mang máy cho tôi, và cũng là người đã phát giác ra vị trí CV Joe núp, Thà thấy cây B40 nẳm cách tuyến chừng 20m, anh vội bỏ máy, chạy ra lựơm B40, nhưng một tiếng nổ kinh hồn, tên VC đã tự sát bằng chất nổ gài đầy người khiến nó và Thà biến mất trong đám cây cỏ sình lầy, còn Hạ Sĩ Tha đi với Đại Đội Phó Lâm Tài Thạnh cũng bị tử thương khi đi thu lượm chiến lợi phẩm.

Một điều khá bất ngờ với tôi là vị Tư Lệnh chỉ huy chiến dịch lùng và diệt địch này là Tướng ND Dư Quốc Đống cũng xuống ngay vị trí phòng thủ của 1 Đại Đội Trâu Điên khi khói súng chưa tan, ông hài lòng với kết quả mà chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Theo tài liệu mật của Mỹ vừa đựơc giải mã thì kết quả trong trận Cầu Khởi và Bời Lời như sau:

Trong cuộc Hành Quân Cầu Khởi ngày 14/9/68 có một CV chết là Charles James Moore và 1 đại úy CV Mỹ bị thương. Trâu điên 3 tử trận, 10 bị thương.

Hành quân Bời Lời ngày 16/9/68 có 3 người Mỹ thuộc phi hành đoàn chết và 2 CV bị thương. Trâu Điên 6 bị thương và 2 tử thương ( đó là HS1 Thà và HS Tha)

Vũ khí của VC thu được:

1 SC 61ly, 11 AK, 2 Đại liên, 1 B40, 2 súng trường SKS, 3 VC bị bắt và 53 xác VC nằm trước truyến phòng thủ của Trâu Điên.

Cuộc hành quân lùng diệt địch Cầu Khởi Bời Lời của Trâu Điên kết thúc bằng một màn cười ra nước mắt, chết tới nơi cũng cười. Khi vừa đóng quân đêm xong thì lệnh thượng cấp bắt Trâu Điên phải di chuyển gấp đi nơi khác để B52 trải thảm vùng này, nhưng khốn khổ thay khi ra khỏi tuyến chừng 500m là đụng nặng, tiến không được mà đứng yên thì B52 đến! Đây là lúc Đồ Sơn và LN2 phải làm việc với thượng cấp vô cùng cấp bách và dĩ nhiên với bao mạng người, thượng cấp buộc phải chấp thuận lời yêu cầu của Đồ Sơn và LN2 mà điều B52 đi chỗ khác.

4/ Cố Vấn Bị Mất Cánh Tay, Nay Ra Sao?

Sau trận Cầu Khởi và Bời Lời thì Trâu Điên đi U Minh, ngày 6 tháng 1/69, Đồ Sơn và LN2 cùng bị thương vì B40 thì Th/Tá Nguyễn Xuân Phúc về làm Trâu Điên Trưởng. Ngày 16/9/69, trong cuộc hành quân tâi kinh Cán Gáo tình Chương Thiện, anh Phúc giao cho tôi chỉ huy cánh B và có CV đi theo. Khi từ ruộng nước tiến vào bìa làng thì ban chỉ huy cánh B bị đụng nặng, tôi bị gẫy chân tay, “trào máu họng”, CV bị bay một cánh tay, cận vệ của tôi tử trận, các hiệu thính viên bị thương. Cố vấn được tải thương đi đâu, tình trạng thế nào thì cho đến nay tôi cũng không biết, đó là một trong những lý do tôi viết bài này để hy vọng biết được tin ông ta vẫn bình an mạnh khỏe, dù là một thương phế binh.

Còn tôi được đưa bệnh viện Phan Thanh Giản Cần Thơ cấp cứu rồi chuyển tiếp về bệnh viện Lê Hữu Sanh Thị Nghè SG. Khi tỉnh dậy thì tôi thấy “Bà Mẹ Quê” của tôi đang lấy tay cạy những vết máu và bùn đã khô trên mặt tôi, nước mắt mẹ già chảy xuống mặt con làm tôi mở mắt ra, thấy con tỉnh lại, mẹ già đưa tay quẹt nước mắt, run run nói:

- “Con bị thế thế này nhưng còn sống là mẹ mừng rồi”.

Bà mẹ Việt Nam cũng như tất cả bà mẹ các dân tộc khác, thương con vô cùng, nhất là các con vì nhiệm vụ mà lao vào lửa đạn. Quý độc giả đã coi cuốn phim “We Are The Soldiers”, đã nhìn thấy cảnh các bà mẹ, người vợ lo âu sợ sệt khi thấy người bưu tín viên đi vào cư xá, họ sẽ thở phào nếu người mailman đi qua, nhưng họ sẽ hốt hoảng, ngã xuống rồi ngất đi khi người mailman dừng trước cửa. Mẹ tôi đã xỉu, đã chết giấc như thế khi nghe tin tôi bị thương, vậy thì các bà mẹ, các bà vợ của các Cố Vấn Mỹ đã đi với tôi rồi bị thương, tử thương là hình ảnh của mẹ tôi.

Đã gần nửa thế kỷ qua, nay, 2014, tôi mới có dịp ôn lại những kỷ niệm xưa, đã quá muộn, nhưng muộn còn hơn không, muộn vẫn phải nói lời cám ơn đến các vị Cố Vấn, đến các bà mẹ, các người vợ của các quân nhân Mỹ nói chung, và các cố vấn Mỹ nói riêng đã bị thương va hy sinh trên chiến trường Việt Nam.

Nếu tôi chỉ nói lời cám ơn “xuông” không thì chưa đủ, phải khuyến khích các con cháu phục vụ nước Mỹ, quê hương thứ hai của chúng tôi. Con của các TQLCVN như Lương Xuân Đương, Đoàn Trọng Cảo, của Cần Thơ, Hà Nội v.v.. đã là cấp chỉ huy, là USMC và các quân binh chùng khác nữa. Trước kia chúng ta là đồng minh, nay chúng ta là “đồng bào”.

Trâu Điên và Cố Vấn Mỹ đã sát cánh cùng nhau trong cuộc chiến, họ là đồng minh, là đồng đội cùng giúp nhau cho nhiệm vụ được hoàn thành tốt đẹp, đúng như Cố Vấn Thomas Campbell đã viết trong tựa đề cuốn sách:

“I thought that I would make them better Marines, but in the final analysis they made me a better Marine.”

blank
Các đại đội trưởng, từ trái: Cấp bó bột chân tay, Hợp, Dzoan, Tiền.

blank
Cấp trước khi bị thương.

Philato

Ý kiến bạn đọc
25/06/201507:36:52
Khách
cám ơn tác giả thật nhiều vì nhờ bài viết này mà chúng tôi hiểu rõ được ơn của nước Mỹ và của các chú, bác đã vì nước VNCH mà hy sinh xem cái chết tựa lông hồng. Xin kính cẩn biết ơn và hy vọng có được nhiều bài viết như thế nữa để chúng tôi hiểu rõ hơn chiến sự thời đó. Kính tạ ơn
15/06/201511:39:51
Khách
Bài iết rất hay và xúc động! Xin tri ân tác giả và những tinh hoa Việt Nam đã đem tuổi thanh xuân cống hiến cho đất nước ngăn chận sự xâm lăng của giặc Ho chi Minh! Nhìn tấm hình tác giả bị thương bó bột tay chân mà vẫn cườit, đúng là xem cái chết nhẹ tựa lông hồng! Các đại đội trưởng còn quá trẻ, trên dưới hai mươi, mà ngày ngày đối diện sanh tử, xả than bào vệ mien Nam và dân chúng khòi sự xâm lăng của giặc phương Bắc! Xin nghiêng mình cảm phục và tri ân cácc chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa!
24/11/201417:08:26
Khách
Bài viết thật cảm động. Cám ơn t/g Philato. Hình của ông rất "ngầu". Bravo Trâu Điên.
13/11/201406:06:14
Khách
Tôi chưa được có cơ hội tìm được bài viết nào bằng tiếng Việt nói rõ về vai trò của cố vấn Hoa kỳ và tình huynh đệ chi binh gắn bó giữa hai binh chủng Việt - Mỹ như bài này . Rất cám ơn tác giả .
13/11/201400:38:01
Khách
Bai viet rat hay va rat cam dong! Xin cam on anh Philato that nhieu da viet bai nay. Kinh.
12/11/201419:22:55
Khách
Bài viết thích hợp với ngày Veterans Day như là lời trân trọng về sự hy sinh của các chiến sĩ đồng minh Hoa kỳ trong cuộc chiến Việt nam. Tôi không ngờ cùng ngày tôi được đối diện với tác giả trong một quán cà phê tại quận Cam. Cũng con người này với dáng dấp nhỏ con, đôi mắt tinh anh, giọng nói nhỏ nhẹ không ai ngờ là một Trâu Điên đã 5 lần vào sinh ra tử trên các chiến trường từ đồng bằng sông Cửu đến địa đầu Trị Thiên. Hi vọng bài viết của anh sẽ đánh tan đi các hình ảnh tiêu cực của một cuộc rút quân hỗn loạn trong Tháng Ba gẫy súng của nhà văn Cao Xuân Huy. ĐXT
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,947,448
Tác giả là một bác sĩ Nha Khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007, ông đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Xuất Sắc 2010, với hồi ký “My Life” chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp Y Khoa, Hưng Cao còn là người soạn nhạc và là chủ tịch câu lạc bộ Tình Nghệ Sĩ trong “Ngày Văn Hóa Diêân Hồng” được tổ chức tại thành phố Frankfurt, Đức Quốc. Mời độc giả xem bài mới nhất của ông “To Face or Not To Face?”
Tác giả là nhà báo quen quen thuộc tại Dallas. Phan góp bài cho Viết về nước Mỹ từ lâu và băm nay mới nhận giải vinh danh tác giả 2013. Sau đây là bài mới của Phan.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, 2000, nhận giải bán kết năm 2001, thêm giải Việt Bút 2010, và đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết từ ba năm qua. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục, từng trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, Lê Thị, -cư dân Chicago, 35 tuổi- gửi 7 bài và trở thành tác giả nhận giải Chung Kết 2012 với những tự sự khác thường về đề tài đồng tính. Sau đó mọi người mới biết Lê Thị là bút hiệu của Calvin Trần, nhà thiết kế thời trang gốc Việt nổi tiếng trong dòng chính.
Đào Như là bút hiệu của Bác sĩ Đào Trọng Thể, từng nhận giải "Tác Phẩm Xuất Sắc Nhất" Viết Về Nước Mỹ 2005. Trước 1975, ông là một y sĩ tiền tuyến chuyên về phẫu thuật. Định cư tại vùng Chicago, Hoa Kỳ, ông là chuyên gia bệnh tâm thần, và đã thành lập một câu lạc bộ đặc biệt để trợ giúp nhiều đồng hương và cựu chiến sĩ VNCH, cựu tù nhân cộng sản. Bài mới viết là một đoạn Hồi Ký Hậu Chiến của một Bác sĩ Phẫu Thuật, mang tên “Thiên Lý và Vô Tận”.
Tác giả là một nhà thơ quân đội. Trước 1975, ông là một sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên, Phạm Hồng Ân đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của ông được phổ biến đúng ngày đầu năm dương lịch 2014. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng chúc tác giả và bạn đọc, bạn viết một năm mới an lành.
Tác giả là một nhà thơ quân đội. Trước 1975, ông là một sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên, Phạm Hồng Ân đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của ông được phổ biến đúng ngày đầu năm dương lịch 2014. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng chúc tác giả và bạn đọc, bạn viết một năm mới an lành.