Hôm nay,  

Nhớ Bạn Năm Xưa

16/05/201400:00:00(Xem: 11770)

Tác giả: Sáu Steve Brown
Bài số 4213-14-29623vb6051614

Người cựu Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ, 42 năm sau mùa hè 1972, vẫn nhớ các bạn lính Việt Nam. Đó là bài mới của anh Sáu Steve Brown, chàng rể lính Mỹ của xứ Biên Hoà, tự viết văn trực tiếp bằng Việt ngữ, giải Việt bút Trùng Quang 2013.

* * *

Năm 1969, lúc mới 17 tuổi, tôi tình nguyện vô thủy quân lục chiến để đi qua Việt Nam chiến đấu.

Huấn luyện xong tôi không được gởi đến Việt Nam ngay như nhiều người khác, tôi đóng quân ở Mỹ cho đến đầu năm 1972. Sau đó tôi đóng quân ở Nhật Bản cho đến tháng 5, 1972 rồi khi đơn vị tôi mới được lịnh qua Việt Nam.

Sau khi đóng quân ở Biên Hòa khoảng chừng hai tuần, tôi nghe nói mình có thể đi theo trong những chuyến công tác bằng máy bay trực thăng của Không Quân Việt Nam nếu phi công cho phép. Nghe vậy tôi và hai người bạn đi bộ đến khu đơn vị máy bay trực thăng cách xa vài trăm thước coi cho biết. Tới nơi chúng tôi thấy một bãi đất lớn có khoảng chừng 100 chiếc máy bay trực thăng đang đậu ở đó. Chúng tôi leo lên một cái tháp cao và hỏi thăm một người không quân Việt Nam. Anh ấy nói khi chúng tôi thấy một chiếc máy bay mở máy thì cứ tới hỏi phi công có đi công tác cùng với họ được không.

Sau khi chờ đợi một hồi, một chiếc trực thăng mở máy, chúng tôi vội đến xin đi cùng với họ. Khi được phép ba người chúng tôi lên máy bay. Vài phút sau máy bay cất cánh bay về hướng Bắc và khoảng 10 phút sau chúng tôi tới chiến khu Đ. Chỗ đó là rừng sâu. Lúc đó máy bay trực thăng bay rất thấp (tôi đoán ít hơn 50 thước). Bỗng dưng khẩu súng liên thanh M-60 phía bên trái bắt đầu bắn xuống trong rừng. Ngay lúc đó tay trái tôi bị nóng rát, tôi nghĩ “Chết cha, mình bị thương rồi!” Nhưng khi nhìn thấy các võ đạn của súng liên thanh rớt cạnh tay tôi mới biết lý do tại sao thấy nóng. Trong tình huống khác tôi có thể cười nhưng lúc đó cười không được. Khi nhìn ra tôi thấy đạn liên thanh xói trúng đất nhưng không thấy ai dưới đó. Sau đó một máy bay trực thăng khác bay ở trên cao độ khoảng 500 thước bắt đầu tấn công với hỏa tiễn và súng đại liên. Chúng tôi có thể thấy các hỏa tiễn nổ nhưng không biết kết qủa như thế nào. Sau khoảng một tiếng đồng hồ chúng tôi trở lại căn cứ Biên Hòa. Máy bay trực thăng hạ xuống và tắt máy chúng tôi xuống liền, nói cảm ơn và chào tạm biệt rồi đi. Không ai nói gì về các chi tiết của lần tấn công đó và chúng tôi cũng không nh hỏi đến. Ba đứa chúng tôi chỉ thấy chuyến công tác đó thật là hào hứng nên tiếp tục bàn luận khá lâu.

Sau đó tôi tiếp tục đi công tác thỉnh thoảng khi nào có dịp. Mỗi khi đi dù không biết công tác đó sẽ như thế nào hay là sẽ đi đâu nhưng đối với tôi đó là những cơ hội mạo hiểm đầy thích thú. Những chuyến công tác đó đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ quên được.

Một buổi chiều mùa hè năm 1972, theo thói quen tôi đi bộ đến khu máy bay trực thăng. Khi tôi thấy một máy bay (UH-1) mở máy tôi bước tới xin phép đi công tác cùng với họ. Anh phi công giải thích họ sẽ bay xuống miền Tây tìm một chiếc máy bay trực thăng khác đang cần sửa chữa.

Chuyến bay xuống miền Tây qua sông Đồng Nai, rồi không bao xa nữa là thành phố Sài-gòn. Trong lúc tôi phục vụ trong quân đội ở Việt Nam tôi không có cơ hội đến Sài gòn một lần nào dù tôi rất muốn đi. Chuyến bay tiếp tục cho đến tới sông Cửu Long rồi bay từ chỗ này đến chỗ kia nhưng không tìm thấy chiếc máy bay bị hư đó. Tôi thấy địa thế ở miền Tây không giống những nơi khác tôi đã di như Lai khê, Tam Giác Sát, Rừng Sát, Long Thành hay là chiến khu Đ. Không có rừng núi hay đồn điền cao su nhưng có đất bằng, nhiều ruộng lúa, và nhiều con sông, lớn nhỏ đủ cả.

blank
Anh Sáu tại miền Tây Việt Nam, Tháng Chín 2011: Đi bộ trên đường ruộng.

Cuối cùng máy bay trực thăng hạ xuống tại một làng phía Bắc một con sông mà tôi không biết tên. Chính lúc đó có một đơn vị bộ binh đang đi vô từng nhà tìm vũ khí hay quân địch. Anh phi công có hỏi một đại úy bộ binh về cái máy bay chúng tôi đang tìm. Lúc đó tôi chưa biết nói tiếng Việt nên không hiểu gì cả. Khi họ nói chuyện xong, máy bay cất cánh bay đến một nơi ruộng lúa phía nam thị xã Tân An, cái máy bay bị hư đang nằm ở đó. Một thợ máy sửa chiếc máy bay đó rất nhanh. Khi xong, chín người chúng tôi đi bộ đến một quán bên đường ở ngoại ô Tân An. Họ kêu nước uống và một dĩa thịt bảy món. Một người chỉ cho tôi thịt khỉ. Úi chà, thịt khỉ thì tôi chưa bao giờ ăn mà khi nghĩ đến tôi nghĩ hơi lạ. Thế mà tôi cũng rang thử xem. Tôi thấy ăn cũng được. Khi tôi ăn một số người khác ngồi chung quanh cười. Có cả tai heo, và tôi cũng thử món này. Còn những món thịt khác tôi không nhớ được vì chỉ là những món bình thường mà thôi. Trong lúc chúng tôi ngồi đó có các xe quân sự kéo các đại bác đi ngang qua. Tôi nhìn ra đó là đại đội bộ binh chúng tôi mới gặp tại làng kia.

Người ngồi kế bên là trung úy Long, phi công của chiếc máy bay chở tôi đi. Chúng tôi nói chuyện trong lúc ngồi nghỉ tại quán đó. Ăn uống xong chúng tôi lên đường trở lại chỗ đậu hai chiếc máy bay trực thăng trong lúc trời gần tối. Chuẩn bị xong hai chiếc may bay cất cánh. Khi máy bay mới lên không cao lắm tôi thấy bom hay đạn pháo nổ sáng lập lòe khắp mọi hướng gần xa. Đó là mùa hè đỏ lửa nên chiến tranh tàn phá dữ dội khắp nơi.

Đó là lần đầu tiên tôi đi bằng máy bay trực thăng trong ban đêm nên tôi thấy rất lạ. Ở xa xa có một khu sáng đầy hỏa châu giống như căn cứ Biên Hòa tôi đang ở. Khi bay qua một chỗ gần Dĩ An tôi thấy đạn súng đại liên và cũng một số đạn súng nhỏ bắn với nhau. Các cảnh như thế có thay đổi liên tục.

Khi khác tôi lại đi công tác với anh Long nhưng chuyến bay bị hoãn tới mấy tiếng đồng hồ. Lúc chờ đợi chúng tôi đến nhà ăn của lính Không Quân, ăn cơm và nói chuyện. Anh Long kể cho tôi nghe về một chiến dịch tại Campuchia năm 1970. Mười chiếc máy bay trực thăng đầu tiên hạ xuống đã bị phục kích và bị tiêu diệt. Chỉ có anh Long và một vài người khác được cứu khi máy bay trực thăng Mỹ xuống kịp. Anh Long có kinh nghiệm trong chiến tranh và rất nhiều giờ bay. Chúng tôi ngồi nói chuyện rất lâu và chờ mãi, nhưng cuối cùng chuyến công tác hôm đó bị hủy bỏ.

blank
Ngồi quán với ba người bạn, hai cháu vợ.

Khi khác anh ấy cho tôi biết sẽ đi công tác tại một nới gần Củ Chi nhưng tôi không đi được vì có bổn phận riêng trong đơn vị hôm đó. Sau đó anh Long cho tôi biết hôm đó khi máy bay hạ xuống có quân địch bắn lên. Anh Long là người lính Viêt Nam duy nhất tôi quen biết và chuyện trò thân thiết thuở đó. Sau đó, vì bận rộn với bổn phận trong đơn vị nên tôi chỉ gặp anh Long một lần nữa. Có lẽ đó là tháng 10 năm 1972.

Khi tôi trở lại Việt Nam để cưới vợ trong mùa xuân năm 1973 mỗi buổi sáng tôi nghe nhiêu máy bay trực thăng bay qua trên nóc nhà vợ tôi. Có lẽ vì lý do đó tôi nghĩ đến đi tìm anh Long nhưng vì vợ tôi không yên lòng nên tôi không đi.

Sau những biến cố tháng 4, năm 1975 tôi vẫn nghĩ đến anh Long. Không biết anh ấy như thế nào, sống chết ra sao. Nếu còn sống, anh ấy có thoát khỏi Việt Nam hay là phải đi tù. Cũng có thể là anh ấy đã đi qua nước Mỹ, nước Úc, hay là nước nào khác. Những câu hỏi cứ tiếp tục mà tôi không biết có bao giờ mình tìm được câu trả lời.

Trong chiến tranh có quá nhiều biến cố làm người ta không thể biết kết qủa đời sống những người khác như thế nào. Chẳng hạn có rất nhiều người lính bị thương được máy bay trực thăng chở đi đâu đó nhưng sau đó tôi không bao giờ nghe lại tin tức họ. Có một người trong đơn vị tôi bị mất tích gần An Lộc tháng 9 năm 1972 và chúng tôi nghĩ anh ấy đã chết. Khoảng chừng 15 năm sau tôi mới nghe đài truyền hình nói anh ấy bị bắt lúc đó rồi bị giam ở rừng gần thị xã Snuol nước Campuchia cho đến tháng 3 năm 1973. Trong các phim chiến tranh như những phim về thế chiến thứ hai những người lính thường được nghe tin về các đồng đội bị thương hay chết. Nhưng trong kinh nghiệm thực tế của tôi, chuyện đó không thuờng xảy ra. Có lẽ một phần vì thời gian đi lính tôi còn quá trẻ, quen biết quá ít, và không biết tiếng Việt, nên có nhiều tin tức không đến tai tôi.

Mới đây, trong vòng ba năm qua tôi có cơ hội trở lại Tân An hai lần. Tôi không nhận ra một cái gì quen thuộc hết. Dường như vùng đó đã thay đổi và phát triển rất nhiều trong vòng 40 năm qua.

Những vết tích chiến tranh đã không còn nữa nhưng những kỷ niệm và băn khoăn về những người lính bạn năm xưa vẫn còn mãi trong lòng tôi.

Sáu Steve Brown

Ý kiến bạn đọc
24/07/201817:56:07
Khách
Cám ơn bài viết của chú Sáu STEVE BROWN rất hay , chúc mọi điều tốt lành
23/05/201402:56:25
Khách
Chào chị Phương Hoa,
Ai mà trải qua chiến tranh chắc phải có những kinh nghiệm mà đã đi rất sâu vào lòng mình. Không xóa hay quên được. Khi tôi viết bài này cũng có một hy vọng anh Long cũng sẽ đọc đến nữa. Cảm ơn chị có lời khen.
Chúc anh chị một ngày thật vui.

Sáu
23/05/201402:43:47
Khách
Chào Huong Binh Pham,
Cảm ơn bạn đọc bài viết tôi và cũng có lời khen.
Chúc bạn vui vẻ. :)

Sáu
19/05/201414:00:01
Khách
Chào anh Sáu Steve,
Bai viết của anh thật cảm động. Anh diễn tả cảnh súng nổ đạn reo và hỏa châu rơi làm cho tôi liên tưởng lại thời ky chiến tranh ngày xưa. Nhưng ai quan tâm về chiến cuộc Việt Nam đều nhận rõ tình cảm chân thành từ những người lính Mỹ đồng minh và quân nhân của Quân Lực VNCH ngày xưa mà chuyện của anh là một ví dụ. Mong rằng người phi công tên Long bạn anh hiện giờ vẫn còn sống và sống trên một đất nước tự do nào đó trên thế giới để anh ấy có thể đọc được bài viết này của anh. Cho tôi có lời khen ngợi tài viết tiết tiếng Việt cua anh, lời văn giản dị, chân thành dễ đi vào lòng người.
Cám ơn anh đã cho đọc một bài viết tình cảm.
Chúc anh và gia đình vui khỏe
Thân mến
PH
18/05/201400:36:58
Khách
Toi rat kham phuc tai viet van bang tieng Viet cua tac gia Sau Stve Brown con gioi hon nhieu nguoi 'chinh cong 'Viet nam [ neu nguoi ay khong co chieu sau , khong co tam hon va khong doc thong viet thao ] Toi thich nhat la cau ket ;
''nhung vet tich chien tranh da khong con nua nhung nhung ky niem va ban khoan ve nhung nguoi linh ban nam xua van con mai trong long toi '
Stve Bown , i am very very PROUND of YOU
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,572,250
Một chuyện tình bảo lãnh theo diện hôn thú. Giang Thiên Tường tên thật là Tô vĩnh Phúc, cư dân Sacramento, CA từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau.
Chuyện ly kỳ về một phụ nữ Việt khi định cư và thi quốc tịch Mỹ. Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, công việc: làm nail.
Bài viết sau khi dự lễ cầu siêu tưởng niệm cho cố Ca sĩ Hà Thanh, một Phật tử gắn bó với ngôi chùa ở Boston từ hơn 20 năm nay.
Những người tình sống sót -sau chuyến tầu vượt biển bị hải tặc tấn công- ngồi lại bên nhau.
“Mỗi năm, vào ngày Thứ Sáu tuần thứ hai của tháng 5 diễn ra sự kiện “Ngày Ngôn Ngữ”.
Sau Ngày của Mẹ, còn đúng một tháng, sẽ là Ngày của Cha, 15 tháng Sáu. Mời đọc bài viết xúc động sau tháng Tư của Cam Li,
Chuyện về một “tình cảm bất ngờ” giữa hai chàng sĩ quan không quân Mỹ. Đây là bài viết thứ ba của Du Sinh. Tác giả họ Trần,
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam,
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA.
Bài viết dành cho Ngày Lễ Me, Chủ Nhật 11, 2014. Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng gia đình theo diện HO,
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến