Hôm nay,  

Mùa Hoa Cam

14/04/201300:00:00(Xem: 311742)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

Cuối tháng Ba ở Cali, tiết trời vào giữa Xuân, nắng ấm êm ả bao trùm vùng ngoại ô downtown Riverside nơi tôi ở. Trên trời xanh lơ, mây trắng lơ lửng rong chơi. Ngoài đường, các ngôi nhà xinh xắn khang trang, sạch sẽ, yên lặng phơi mình trong nắng vàng ấm áp, bên các chòm cây cao mới thay lá xanh non. Trước nhà, sân cỏ xanh mượt, bên cửa có bụi trúc cao, rung rinh lá nhọn trên đầu mỗi khi ra vào.

Mỗi sáng sau giấc ngủ ngon thức dậy, tôi thường mở cửa ra trước đường vươn vai hít thở, vận động uốn mình khỏe khoắn, tản bộ hai vòng, ngắm cảnh trên đồi tươi xanh, ngước nhìn mây trắng lơ thơ trên trời cao nhẹ, rồi ra phía sau đủng đỉnh thăm vườn cam đang mùa hoa nở, xem đêm qua rụng mấy trái chín.

Năm nay mưa nhiều, vườn được mùa cam, mấy trăm trái vàng to chín lủng lẳng khắp nơi trên các chòm lá xanh lấp lánh nắng, tạo nên một quang cảnh rực rỡ đẹp mắt ngắm hòai không chán. Sáng nào cũng thấy năm ba trái chín lác đác rụng trên cỏ, cam còn quá nhiều trên cành mà hoa đã chi chít nở trắng khắp nơi, toát ra mùi thơm ngây ngất nồng nàn làm tôi nhảy mũi hắt xì liên tục. Hoa bưởi mấy cây gần đó cũng đua nhau nở, mùi thơm ngọt lạnh.Vô số ong mật chập chờn chuyền từ hoa này qua hoa kia hút mật tranh nhau với mấy con chim tí hon chấp chới đôi cánh làm khung cảnh vườn rực rỡ càng thêm sinh động.

Ở vùng Riverside, Redlands, trồng cây không gì mau có trái bằng giống cam Washington, trái chín vàng sậm. Múi nó ngọt lịm, mọng nước, lá nó xanh biếc, um tùm, không rụng trơ cành khẳng khiu như các loài khác về mùa đông, mà trái vàng thì lủng lẳng trên cây suốt 6 tháng liền, từ tháng 11 năm trước tới hết tháng 4 năm sau. Hái đem cho thiên hạ liên tục nhiều đợt vẫn cứ còn. Cam chín trên cây ăn chưa hết, đã thấy hoa rụng đầy lối đi, trái kết xanh li ti khắp các cành như quít non, tiếp tục lớn. Lại được ngửi mùi thơm ngây ngất nồng nặc cả một vùng trời mỗi sáng suốt một tháng liền.

Xóm nhà mới tôi ở, nằm bên con sông cạn, ngọn núi thấp, vốn đã yên tĩnh bốn bề, mà vừờn nhỏ sau nhà còn êm ả mát mẻ hơn, đến nỗi mới ngồi xuống ghế êm ái thư dãn trong phòng dưới mái patio, bên tách trà thơm hay cuốn sách hay, nhắm mắt lại một phút đã muốn thiếp ngủ, muốn "nhập định" như không. Với một người về hưu còn khỏe mạnh, tâm không phiền não, tri túc, thiểu dục, tôi nghĩ đó là thiên đàng hạ giới. Mở mắt ra, lá xanh trái vàng hoa thơm cỏ xanh êm ả bao bọc, thân xác thoải mái nhẹ nhàng. Nhắm mắt lại, chìm vào cõi thiền duyệt rộng mở, tâm hồn thanh thóat tự tại. Cần gì phải tìm Niêt bàn ở đâu xa?

Chỗ tôi hay ngồi buông xả thân tâm hàng giờ mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều đó, có đầy đủ 6 trần (sắc, thanh,hương vị,xúc, pháp) thỏa mãn 6 căn của tôi (mắt, tai,mũi,lưỡi, thân, ý) tạo nên 6 thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, xúc thức, ý thức). Sắc là sắc xanh, trắng, vàng của lá, hoa và trái. Thinh là tiếng ong vo ve, chim hót ríu rít tới hút nhụy. Hương là mùi hoa cam, hoa bưởi, hơi mát của oxygen lá cây toát ra. Vị là vị ngọt của trái cam. Xúc là cảm giác êm ái của tay rờ vỏ trái cam, cảm giác khỏe khoắn thân xác tiếp xúc với bàn ghế, không khí ở đó. Khi Trần chạm vào con Mắt, thấy hoa trái đẹp rực rỡ trước mắt, tôi ý thức đang thấy cái đẹp thiên nhiên, nhưng khi tâm ưa thích bắt đầu nhuốm khởi, móng tâm phân biệt, thì tôi ngưng ngay, không cho vọng tâm dẫn dắt đi xa hơn. Với 5 thức còn lại cũng vậy, nghe tiếng nhạc ong vo ve mà không mê, ngửi mùi cam thơm mà không luyến,nếm vị dịu ngọt của trái mà không đắm, biết cảm giác khỏe mạnh khoái lạc của xác thân lan tỏa mà không tham ...và cái ý thức (pháp) về cái Biết các thứ đó cũng không chấp là có, thì đó là Viên giác, là "thấy" Như lai, là "nhập Niết bàn". Tu hay không tu khác nhau là ở chỗ đó, biết dừng lại đúng lúc móng khởi vọng niệm.

Nhưng vì còn đang trên đường tu tập, nghiệp ác huân tập còn nhiều, Ngộ chứ chưa Đắc , nên đôi lúc tôi còn giải đãi, đối cảnh vẫn cứ sanh tình, Vọng tâm vẫn cứ có lúc lấn lướt che lấn Chân tâm. Chẳng hạn như lúc ý thức mình đang hạnh phúc thư thái, đang hưởng khung cảnh nhàn nhã êm đềm hiếm có như vậy, tự dưng móng tâm thấy thiếu một người tri kỷ bên cạnh để chia sẻ cảnh đẹp, nói chuyện đời đã qua, cùng nhâm nhi thưởng thức trà đạo. Trong nhà có đủ bánh dẻo, trái ngọt, nho khô, gừng cay, trà ngon, rượu quí, cà phê thơm... lúc nào cũng có, chỗ ngồi êm ái, về hưu giờ giấc thỏai mái, chỉ thiếu không có người tâm đầu ý hợp cùng ăn, cùng uống, nói chuyện linh tinh. Một mình hồi tuởng kỉ niệm chưa đủ, hai người cùng tưởng và chia xẻ nhau mới hưởng trọn vẹn đầy đủ cái lạc thú ôn lại cuộc đời... Như câu văn lủng củng đầu thế kỷ 20 của Tản Đà luận về 4 yếu tố phải có để khiến cho một bữa ăn được ngon hòan toàn: đồ ăn ngon, chỗ ngồi ngon, giờ ăn ngon, và người cùng ăn cũng phải "ngon" .

Cho nên như sáng nay, ngồi an hưởng cảnh đẹp hạ giới sau vườn cỏ xanh mát , trên trời mây bay, nhìn lá xanh, hoa trắng, cam vàng lấp lánh trong nắng, nghe chim hót, ong kêu, hít hương cam bưởi thơm buốt vào cuống phổi, tôi thấy mình hòan tòan hạnh phúc, quá đầy đủ so với chặng đường dài bôn ba thăng trầm đã qua, thời dạy học bận rộn, thời lính tráng gian khổ, thời tối tăm chịu đựng sau 75, thời tất tả gầy lại sự nghiệp nơi đất người, nhớ lại những bạn tốt hiếm quí thời thanh xuân đếm trên đầu ngón tay nay lần lựợt ra đi không còn nữa, hay còn sống, nhưng ở đâu xa xôi biền biệt....không có mặt đây để cùng ngồi tâm tình, đàm đạo. Chỉ cần họ sống lại, tới đây, ngồi bên cạnh mình, nhìn lại nhau cười, không cần nói chi cũng đủ rồi...

Hai hôm trước, Phúc ở Saigon tình cờ email qua tấm hình đen trắng cũ, hỏi tôi có nhận ra ai không. Tôi xúc động nhận ra tôi đứng với Trần đình Sào... ở bãi biển Ninh chữ, hai đứa dáng dấp thư sinh, chập chững mới bước vào đời.

Sào là bạn duy nhất giỏi cả ba lãnh vực võ nghệ, văn chương, và âm nhạc thời sinh viên, thông minh, tế nhị, tâm địa phúc hậu, tánh tình cao thựợng. Sào không chấp nhứt, không hờn giận, không hề to tiếng, luôn xuề xòa nhẫn nhịn khi tôi bực mình, hay tiếu lâm vui vẻ mỗi khi tôi buồn... Hai đứa đạp xe biết bao nhiêu lần bên nhau rong chơi khắp xứ Huế, thấp thóang trên bến sông làng Kim Long, sánh vai trên bãi cỏ Thành nội, đùa giỡn trên sóng biển Thuận an, đấu võ Karate với nhau, rồi đấu thi cả với nhóm võ Tàu, chụp ảnh kỉ niệm...

Rồi tình cờ hai đứa cùng bỏ Huế vô Saigon học, tôi tới sống chung với Sào và ba đứa cháu ở ngôi nhà 4 tầng đường Trần Quí Cáp của anh họ Sào do chuyển vô Saigon học năm cuối Sư phạm vì sinh viên Huế thân Cộng biểu tình bãi khóa liên tục, còn Sào đậu vào Quốc gia hành chánh học năm đầu.

Sào thường tâm sự về mối tình trong trắng với o An tóc thề ở Kim Long, nhưng An đi lấy chồng vì Sào chưa có sự nghiệp, rồi mối tình sau với người đã có chồng ở Saigon, buồn buồn tự sáng tác nhạc tình, lấy tựa "Hòai cố nhân", dìu dặt đàn hát cho tôi nghe, giọng trầm buồn như giọng Quang Dũng sau này. Khi Sào hát, tôi lấy máy ra thu "tape" để dành sau này ở xa thì đem ra nghe.

Lúc dạy dưới Sóc trăng, thỉnh thỏang tôi lên Saigon chơi, tá túc phòng Sào ở vài hôm, lúc đó Sào đã dọn vô cư xá Quốc gia hành chánh ở. Ra trường năm 70, Sào ra đốc sự, được bổ nhiệm làm phó quận ở Hương điền. Tôi đi lính, rồi được "biệt phái". Năm 72, Sào có ghé nhà Phanrang thăm tôi với đứa con đầu lòng 10 tháng. Năm 75, Sào trốn trình diện học cải tạo, chạy vô lục tỉnh ở, cải sửa tên họ, trốn tránh người quen, ngay cả với tôi cũng không dám liên lạc.

Nhiều năm sau, ở Mỹ tôi nghe nói Sào cố vượt biên mà không được, rồi bị bạo bệnh chết, để lại một đứa con. Sào mất, tôi bàng hoàng ngơ ngẩn mấy tháng liền... Cái tape thu giọng Sào hát nồng nàn còn đó, mà người đã ra tro bụi dưới lòng đất xa xôi, không được tôi tìm tới, thắp cho một nén nhang. Mỗi lần tôi mở nghe lại bài hát, bao nhiêu kỉ niệm thời trai trẻ rạt rào ướt át hiện về, rồi hai chữ Sắc Sắc Không Không nhà Phật tự động hiện ra mồn một trong trí, bắt tôi bình tĩnh trở lại chánh niệm...


Ngoài Sào ra, tôi có nhiều bạn khác cũng hiền, cũng nhân đức, tài ba, quen trong những hòan cảnh và thời kỳ khác nhau trong đời, ở VN cũng như nước ngoài, rất thân, nhưng lúc về hưu rảnh rang thì ở xa nhau, xa thật là xa. Ở Úc, ở Canada, Pháp,Việtnam, miền Đông Hoa kỳ hay quận Cam.... Thôi cứ coi Sào cũng còn sống và cũng đang ở thật xa như họ đi, cho khỏi tiếc nhớ. Không phải sao? Cũng là một cảnh khác, cảnh giới cõi nước khác, không phải cõi ta bà này.

Người ta nói tuổi già thường sống với quá khứ, không sai chút nào... Nhưng Phật lại khuyên, "Quá khứ đã qua không còn nữa, đừng nên luyến tiếc, ân hận. Tương lai là cái chưa tới, nên đừng lo lắng, vọng động. Phải luôn an trú trong Hiện tại, thì không lãng phí thì giờ, vì đời sống rất ngắn ngủi". Tôi hằng áp dụng chân lý đó vào cuộc sống hàng ngày, ung dung tự tại, nhưng đôi lúc, bất chợt như buổi sáng hôm nay, ngồi thanh thản giữa vườn cam lủng lẳng trái vàng, hương hoa ngào ngạt, cỏ xanh mơn mởn, gió mát phe phẩy, không có gì làm, tôi lại yếu lòng bâng khuâng đắm chìm trong vọng tâm, buồn lòng tiếc nhớ...

Gió thiu hiu thổi, hương hoa thơm ngát, tôi ngả mình xuống võng, lim dim....

- Ủa...Sào? Phải Sào không? Qua Mỹ hồi nào vậy? Sao biết ta ở đây?

- Tới thăm Chương lần chót... Mình sắp theo thày qua cõi giới khác nên ghé thăm "cụ mi"...

- Đi đâu? Cõi nào? Ở lại đi... Ta nhớ Sào quá, bốn chục năm rồi không gặp...

- Ta vẫn ghé thăm "cụ mi" hòai đó chứ, tại tần số sinh linh ở hai cõi khác nhau nên cụ không biết đó.

- Thế sao bây giờ tới được?

- Cái tâm của 'cụ mi" bây giờ rỗng rang thanh nhẹ khác xưa nhiều, không vướng mắc, không vọng động, không còn chấp hai bên nữa, nên thích hợp với tần số của mình, không còn khó nhập vào để nói chuyện nữa...

- Trời, sao nói đạo rành quá vậy ta? Học triết lý Phật hồi nào vậy? Nhớ hồi đó toàn là hát "Hòai cảm" của Cung Tiến, "Đường em đi" của Phạm Duy, hay đờn Romance, Serenata... ca tụng tình yêu lãng mạn không thôi...

- Chương nhớ hồi ở Huế có lần tụi mình lên chùa Diệu Ấn chơi không? Đó là ấn tuợng tốt đầu tiên của ta về đạo Phật... Rồi sau Tết Mậu thân, chùa chiền khắp nơi khói nhang cầu siêu liên tục cho oan hồn nạn nhân... làm mình để ý nghiên cứu giáo lý từ đó. Sau 75, mai danh ẩn tích ở Mỹ tho, hoàn cảnh đất nước khắt khe khiến mình bi quan yếm thế, nghĩ thường tới cái chết, tới sự vô thường của cuộc đời... mình đi chùa Vĩnh Tràng gặp các thày hỏi Đạo, rồi xin quy y, tu theo Tịnh độ... lúc sắp mất vẫn giữ chánh niệm, thầm niệm danh hiệu A di đà trong đầu...

- Dạo năm 97 nghe ai đó kể nói Sào bệnh, mất ở lục tỉnh... rồi thì bặt tin luôn. Sào có đi đầu thai ở đâu không... hay lên thẳng cõi nước A di đà?

- Mình sinh vào cõi Đâu Suất, được một vị bồ tát nhận làm đệ tử, dạy đạo, tu tập, theo ngài đi rất nhiều nơi giáo hóa chúng sinh ở nhiều cõi khác nhau... Không bị đầu thai, nếu đầu thai xuống đây lại thì đã lạc, không biết "cụ mi" ở đâu và không bao giờ gặp "cụ mi" được nữa.

- Sào có bao giờ gặp lại bạn bè võ nghệ cũ, hay anh Đồng, anh Nhuận dạy võ cho mình hồi xưa ở Huế trên đó không? Còn o An giờ ra sao?

- Anh Nhuận theo phục quốc bị xử tử sau 77 ở Huế, đầu thai lâu rồi, làm thày giáo lại ở Biên hòa, anh Đồng chết mới đây ở Florida, sinh lại ở Mỹ, đâu như ở Nevada... Bạn bè cũ có đứa chết, có đứa còn ở Việt nam... O An còn sống ở Huế, có cả bầy cháu nội cháu ngoại. Tần số và tâm linh họ khác, còn thấp và nặng nề, nên mình không giao tiếp được.

- Mình đang ngồi giữa vườn cam thơm nức mũi, vẩn vơ nhớ ngày nào hai đứa cùng vô Thành nội thăm anh gì có võ Thiếu lâm đó (lâu quá quên mất tên), vườn nhà anh có nhiều chậu kiểng bonsai, có mấy cây cam đang nở hoa , tụi mình đứng dưới cây măng cụt xum xuê chụp hình đó, nhớ không? Tự nhiên Sào xuất hiện. Có phải mùi thơm hoa cam khiến cho thần giao cách cảm tìm tới không?

- Đúng, mùi hương là một trong những phương cách giao tiếp giữa chúng sinh các thế giới khác nhau, miễn là tâm linh hai bên phải đều thanh nhẹ. Trên đó có một cõi nước gọi là Hương Tích, chúng sinh giao lưu nhau bằng mùi thơm, mỗi người thích hợp với một mùi riêng... "cụ mi" đọc kinh Pháp hoa chắc biết...

- Như mình đây có anh bạn châm cứu bên Little Saigon, tu Mật tông, anh ta "thấy" được nhiều linh hồn vương vất dạo chơi trong vườn hoa sau nhà ảnh. Không phải "thấy" bằng mắt, hay bằng tai, mà bằng khứu giác hay linh giác gì đó...

- Mật tông hay thiền tông, tịnh độ tông, pháp môn nào cũng được, Pháp chỉ là phương tiện, mỗi ngừời có duyên với một pháp riêng, tùy theo nghiệp lực và sở thích riêng... miễn đạt được cứu cánh là ra khỏi vòng luân hồi sanh bệnh lão tử. Ngón tay để chỉ mặt trăng, nhưng chân lý không phải ngón tay, mà là mặt trăng. Chương đang đi đúng đường, biết thấy các "tướng" đều không phải là "tướng", tức là "thấy" Như lai rồi. Thấy tướng đều là không, tức có thấy gì đâu mà vọng tâm phải khởi tham sân si lên, để rồi tạo Nghiệp. Tướng luôn thay đổi, khi trẻ khi già, khi to khi nhỏ, khi sáng khi tối.... nhưng Tánh của Tướng vốn là Không. Tâm như mặt nước hồ phẳng lặng, khi chim bay ngang thì bóng in xuống giây lát, nhưng nước không giữ bóng lại khiến phải lao xao. Tâm không chấp vào Cảnh nữa, không chấp ngã, chấp nhơn, chấp thực chấp giả, chấp tốt chấp xấu, biết tất cả đều là hư dối, không có thật, thì tự nhiên thoát ra khỏi vòng tục lụy. Khi không còn nảy sinh tình cảm Ưa hay Ghét vì chấp chặt một bên, thì không bị mắc kẹt, không bị Cảnh lôi, không tạo nghiệp nữa, cho dù nghiệp lành đi nữa cũng vẫn là nghiệp, phải tái sinh để hưởng lại quả lành... Thấy hai bên, nhưng không chấp bên nào (bất nhị), vượt lên trên cả hai, thì tâm thênh thang không còn vướng mắc, không tạo nghiệp nữa, đó là con đường đi tới giải thóat. Tâm vọng động cũng như nước đục, tối tăm không thấy gì hết. Tâm vắng lặng như nước trong vắt, thấy hết tất cả thiên la vạn tượng, dễ đắc thiên nhãn thông... Người nào hiểu và làm đúng như thế thì tâm rất thanh nhẹ, dễ cảm ứng với cõi trên...

- Dù sao, con người là giống hữu tình, đâu phải gỗ đá. Nhờ là hữu tình, mới có lòng nhân, từ bi thương xót cứu giúp chúng sanh. Nếu lạnh lùng vô cảm như gỗ đá thì có lợi gì cho ai?

- Nhưng Bi phải có Trí đi kèm: thương xót, giúp đỡ mà không để cho bi lụy , ô nhiễm...Làm đủ hạnh từ bi cứu giúp muôn loài mà tâm phơi phới không vướng mắc, chấp đắm, không tự hào việc mình làm...

- Lần này gặp Sào, mừng quá, chừng nào mới gặp lại lần nữa đây? Không biết có còn sống được 10 năm nữa để còn gặp lại không...

- Mới nói đó, lại khởi tâm "vui mừng", là còn "vọng tâm", còn hỉ nộ ái ố, lục dục thất tình, còn chạy theo cảnh, khác nào phàm phu. Phải giữ chơn tâm bất động. Tiếp tục làm tất cả điều lành mà không thấy người làm, người nhận. "Cụ mi" phóng sanh bố thí nhiều, sống tri túc, thiểu dục, lại khéo biết cách dưỡng sinh, thọ mạng rất dài, yên chí đi. Hai chục năm nữa. Khi nào sắp đi, ta sẽ tới cho hay.... Thôi mình phải đi, lúc khác gặp lại Chương nghe! Bye!

Tôi choàng tỉnh giấc. Con mèo hoang tôi nuôi, cho ăn sau nhà, phóng mình chụp hụt con chim trên cành làm hai trái cam rớt bịch ngay đầu võng nằm.Thì ra chỉ là giấc mơ. Mùi thơm hoa cam mát lạnh vẫn thoang thoảng quanh đây. Bầy ong ruồi vẫn lui tới vo ve hút nhụy trong gió xuân phe phẩy. Tôi bâng khuâng ngẫm nghĩ mãi về giấc mơ kỳ lạ, tự hỏi Mộng hay Thực. Thường ngày hay nghĩ về Sào, về tu Thiền... nên nằm mơ thấy bạn, hay Sào quả mới tới thăm tôi thực, vì thần giao cách cảm, "tần số" giống nhau, hay vì mùi hoa cam trong vườn (mùi Sào ưa thích) đã mở đường cho giác linh bạn tìm tới, dựa vào nhân duyên bằng hữu sâu đậm hai đứa đã từng vun đắp nhiều năm trước đây?

Đúng là "người tới như mộng", nửa mộng nửa thực, tuy hai mà một. Một là tất cả, tất cả là Một....

Phạm Hoàng Chương

Ý kiến bạn đọc
01/05/201305:01:50
Khách
Tôi nghĩ đến lúc Việt Báo nên kiểm duyệt bớt những câu góp ý với từ ngữ…quá đáng như loại “ Nguyên thảo tôn lò gái mát xa” này.
Độc giả góp ý nhiều khi thiếu công bằng và lời lẽ đụng chạm thiếu sự lịch sự tối thiểu, vẫn có thể chấp nhận , vì chỉ là ý kiến cá nhân. Nhưng sử dụng từ ngữ như độc giả trên quả là quá đáng. crossed the line.
Nếu Việt Báo không kềm lại từ lúc này, càng ngày sẽ càng tệ.
Vài hàng góp ý..

=================
Rất cảm ơn lời góp ý sẽ kỹ hơn trong việc này. VB Admin
24/04/201311:30:32
Khách
Bài viết hay quá ! Cám ơn anh...
20/04/201320:31:58
Khách
hay quá !!!
15/04/201300:30:10
Khách
Bai viet qua hay! Duom mui Thien ma vo cung sinh dong! Cam on tac Gia that nhieu da cong hien mot bai vo cung Xuat sac phong phu ve noi dung voi van phong that nheb nhang thu Thai !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,072,943
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.