Hôm nay,  

Bọn Ma Con Nít Trong Nhà Tôi

25/02/201400:00:00(Xem: 17769)
Tác giả: ThaiNC
Bài số 4148-14-29558vb3022514


Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Bài viết mới của tác giả tuy không là chuyện nước Mỹ, mà là kỷ niệm về bọn ma con nít trong ngôi nhà cũ và chuyện vượt vượt biển.

* * *

Khi mua được căn nhà ở ngoài mặt tiền đường tại SàiGòn, gia đình tôi mừng lắm vì đây là địa điểm thuận tiện để mở cửa tiệm buôn bán cho gia đình, như mở tiệm may, hay một tiệm sách văn hóa phẩm chẳng hạn…Vì những lý do rất thuận lợi trên nên khi mua ba mạ tôi hơi vội vàng, không biết rằng căn nhà đó vốn trước kia là một nhà bảo sinh, sau này họ bỏ, phá đi xây lại ba căn nhà mới, và gia đình tôi đã mua một trong ba căn đó. Người ta đồn rằng nhà tôi ở sẽ bị xui xẻo và thế nào cũng có ma, nhất là ma con nít, vì là nhà bảo sinh làm sao tránh được trẻ sơ sinh bị mất khi chưa kịp chào đời.

Tôi đã lớn lên trong căn nhà đó và xin kể ra đây vài câu chuyện

*

Thời gian trước khi đi vượt biên tôi hoàn toàn vô công rỗi nghề. Học hành cũng không mà việc làm cũng không nốt, suốt ngày chỉ biết ăn rồi chờ ngày...dông.

Kể ra tuy rảnh rổi, nhưng cũng không đến nỗi buồn tẻ cho lắm vì bạn bè cùng lứa rất nhiều đứa cùng hoàn cảnh. Hằng ngày chúng tôi tụ hội cà phê cà pháo, đánh cờ, tán dóc giết thời gian chờ thời. Điều duy nhứt tôi phải lo lắng đối phó là bị địa phương để ý. Bọn họ biết tôi đang rong chơi lêu lỏng nên đạt giấy kêu tôi phải đi nghĩa vụ quân sự, mà thời ấy tôi biết cở có cha là Ngụy quyền Sài Gòn gộc đang đi học tập cải tạo như tôi lỡ dại nghe lời ngon ngọt trình diện để được trúng tuyển nghĩa vụ quân sự là hết 9/10 sẽ một đường thẳng cánh vô… thanh niên xung phong liền á.

Ban ngày thì tương đối dễ thở. Sáng tôi ra khỏi nhà lang thang tới nhà bạn bè. Hôm nay thằng này, ngày mai thằng khác, không bao giờ ở quá lâu một nhà nhứt định để không nơi nào đủ thời gian để ý. Thỉnh thoảng lắm xui xẻo đang lang thang đâu đó bị công an chặn hỏi thăm sức khoẻ thì đã có thẻ học sinh của thằng em đưa ra là xong. Tôi sài chung giấy tờ của thằng em mới 16 tuổi học lớp 11. Đưa thẻ học sinh của nó ra là an toàn trăm phần trăm.

Kẹt là ban đêm.

Ban ngày tôi phiêu lãng đầu đường xó chợ đâu đâu đi nữa thì tối cũng phải về nhà ăn uống và ngủ chứ. Đâu ai dám chứa chấp thằng thanh niên như tôi ban đêm ! Đây là vấn đề không đơn giản vì tôi không thể lừa được mấy tên phường đội địa phuơng. Lỡ bị túm là hết đường chối cãi. Tụi nó chung phường chung xóm với tôi từ nhỏ, biết tỏng nhà tôi có hai anh em giống nhau. Gạt ai chứ không thể gạt bọn nó.

Cứ một hay hai tuần tổ dân phố và phường đội lại phối hợp nữa đêm bấm chuông nhà tôi inh ỏi để khám xét hộ khẩu nhứt định phải chụp cho được tôi mới cam. Nhưng đã bao nhiêu lần phường đội và công an khu vực vào nhà tôi khám xét không chừa một cái gầm giường, một cái tủ nào mà tụi nó không ngó tới, vậy mà không bao giờ bắt được tôi dù lúc đó tôi ở trong nhà chứ đâu!

Nói cho đúng thì ở trên nóc nhà.

Tôi không rõ các nơi khác ra sao, nhưng chung quanh khu tôi ở nhà nào cũng có một khoảnh nhỏ trên nóc nhà gọi là “sân thượng”. Đây là một khoảnh bằng phẳng trên mái nhà để chủ yếu là trời nắng phơi quần áo vậy thôi chứ không có mục đích gì khác. Dĩ nhiên muốn lên sân thượng thì phải có cái thang để leo. Nhà tôi trước kia cũng có cái thang để lên sân thượng phơi quần áo, nhưng sau vì bị ăn trôm từ nóc nhà này di chuyển sang nóc nhà kia quá dễ dàng lấy mất quấn áo mấy lần nên gia đình tôi quyết định không phơi ở trên đó nữa.

Và cái sân thượng này đã trở thành con đường cho tôi lẫn tránh mỗi khi bị xét hộ khẩu.

Mỗi đêm nghe tiếng chuông gọi cửa là tôi dông một mạch lên sân thượng, và từ đó, cũng như mấy tên ăn trôm kia, tôi có thể di chuyển trên nóc nhà sang mấy cái sân thượng nhà hàng xóm một cách dễ dàng như…. một tên trộm thứ thiệt.

Vấn đề là muốn lên sân thượng phải có cái thang leo lên, phải không? Khi đã lên rồi cái thang to vậy làm sao dấu ? Công an khu vực nè, tổ dân phố nè, phường đội nè, dân phòng nè… đến bốn năm cơ quan xiềng xích của chế độ trong một cái phường nhỏ xíu đâu ngu mà không hỏi cái thang dùng để làm gì ! Muốn an toàn, sau khi tôi leo lên tới nóc sân thượng thì cái thang phải …biến mất, không để cho bọn họ thấy được.

Nan đề! nan đề!

Nhưng…

Không sao không sao!

Bệnh quỷ sẽ có thuốc tiên.

Tôi là một Hướng Đạo Sinh, các bạn biết chứ, và một trong những kỹ thuật chuyên môn tôi học được là làm một cái thang dây. Tức là loại thang mềm làm bằng hai khúc giây thừng và những thanh gỗ. Cái thang này khi nào cũng treo sẵn tại sân thượng, thỉnh thoảng anh em tôi cũng leo lên nóc nhà hóng mát chơi, nhưng chủ yếu là để sẵn cho tôi tẩu tán mỗi khi bị xét hộ khẩu. Leo lên sân thượng rồi, gỡ cái thang dây cuộn lại mang theo và nhảy sang nóc nhà bên cạnh. Hay muốn chắc chắn hơn thì nhảy sang đến căn thứ ba thứ tư cho hoàn toàn khuất bóng. Phường đội hay công an khu vực nhìn lên cái sân thượng trống vắng đâu có ai? Dù nghi ngờ cũng không biết làm sao leo lên?



Một đêm kia tôi đang nằm ngủ trong nhà, bỗng nhiên nằm mớ thấy có thằng nhỏ nào tới nắm chân kéo và la lên rất gấp rút “ Anh T. dậy chơi trốn tìm. Dậy chơi đi anh. Mau lên dậy chơi!”

Chuyện ngủ nằm mơ thấy có mấy đứa nhỏ chạy chơi trong nhà, hay nhiều khi bị kéo chân kéo tay rủ chơi là điều mà mấy chị em tôi người nào cũng bị nhiều lần nên đối với tôi rất là thường. Tụi tôi bàn với nhau chắc là nhà mình không chừng có ma con nít như người ta vẫn nghi và đồn đãi thiệt. Có điều lạ là chúng tôi không bao giờ sợ, mà nhiều khi còn có ý định muốn gặp tụi nhỏ nữa kìa.

Mấy năm trước chị tôi thi Tú Tài bèn rủ thêm vài người bạn tới nhà cầu cơ, định hỏi đề thi. Chị tôi hy vọng là mấy thằng nhỏ trong nhà sẽ lên cho biết đề để học cho trúng bài. Nhưng đọc xong bài thơ cầu cơ lên xong xuôi chờ hoài không thấy thằng nhóc nào cả mà có một…anh ma khác đi ngang thấy cầu cơ bèn nhập vô. Cơ không trả lời đề thi mà cứ khen lấy khen để một người bạn của chị tôi đẹp và muốn làm quen. Cơ nói mới gặp mà Cơ cảm thấy đã...yêu rồi, tý nữa sẽ theo về nhà làm chị ấy hoảng quá xô bàn Cơ chạy vô phòng mạ tôi khóc nức nở vì sợ. Hôm đó mạ tôi phải cho chị mượn sợi giây chuyền có tượng Phật Bà Quan Âm đeo lên người, và sai tôi đạp xe theo hộ tống chị về nhà, dặn không được để...thằng ma nào theo chị hết nghe chưa. Tôi vâng vâng dạ dạ, nhưng trong lòng nghĩ ma nó theo làm sao con biết được mà cản?

Vậy đó, mấy thằng nhỏ này đã từng nắm chân tôi rủ dậy chơi đến mấy lần rồi nên đã ăn sâu trong đầu. Nó mới kéo chân là tôi biết mình đang nằm mớ, và như phản xạ không biết là mơ hay thiệt tôi đạp cho một cái và la nó “Chơi chơi cái gì? Để cho tao ngủ” Nhưng thằng nhỏ lì lợm nhứt định kéo thiệt mạnh đến nổi tôi phải tỉnh ngủ và ngồi dậy.

Vừa đúng lúc đó chuông nhà vang lên inh ỏi và tiếng đập cửa “Mở cửa. Mở cửa mau lên, xét hộ khẩu”.

Chuyện phường đội và tổ dân phố xét nhà tôi đâu có gì lạ, nhưng lần này họ kêu có vẻ gấp rút và dường như biết rõ tôi có nhà đêm nay và nhứt định sẽ tóm cho bằng được.

Như thường lệ tôi phóng tới sân thượng có cái thang dây bao giờ cũng treo sẵn. Đợi tôi leo lên rồi mạ tôi bèn xuống mở cửa.

Tôi leo lên sân thượng nóc nhà rồi, bèn chuồn sang mấy căn nhà bên cạnh nằm xuống chờ ám hiệu khi nào xong xuôi mạ tôi sẽ báo cho biết mà xuống.

Nằm ẩn kín rồi, tôi nghe tiếng rộn ràng quá trời, cầu cả 7,8 người đang tấp nập khám xét trong nhà tôi. Nghe rõ mồn một tên phường đội đang hạch hỏi mạ tôi. Và điều hãi hùng nhứt tôi mới khám phá là lúc nảy vội vả đi trốn không hiểu sao tôi …quên cuốn cái thang dây lại dấu, nên nó vẫn còn lòng thòng từ sân thượng nối xuống nhà dưới.

Xong. Định mệnh đã an bài. Chỉ còn nước chờ tụi nó lên túm cổ thôi chứ loanh quanh cũng chỉ chục nóc nhà trống trơn này trốn đâu cho thoát, ngoại trừ cả gan nhảy xuống đường để…gảy giò, rồi cũng bị bắt thôi.

Tôi chỉ biết nằm yên mặc cho số phận.

Vậy đó mà chờ hoài vẫn không thấy ai lên bắt mình.

Một lát sau phường đội kiếm người không có phải đi. Tình hình yên ắng mạ tôi lại ám hiệu cho tôi leo xuống.

Cái thang dây vẫn còn nằm trơ ở đó chớ đâu. Mạ tôi cũng thấy rõ ràng, và tưởng là phen này tôi sẽ bị dính, nhưng không hiểu sao gần một chục mạng mắt như cú vọ khám xét không chừa một kẻ hở trong nhà tôi, và đã đứng ngay bên cạnh cái thang dây, vậy mà không ai hỏi tới một tiếng, như là không thấy gì cả...

Tôi kể lại chuyện đang ngủ bị thằng nhỏ kéo chân dậy cho được. Giờ lại thêm chuyện cái thang dây, tổng hợp các dữ kiện, nhà tôi vốn đã tin lại càng tin hơn, rằng những con ma trong nhà đã che mắt đám phường đội, dân phòng này để tôi được yên thân.…

Sau khi anh em tôi lần lượt vượt biển thành công đến được bến bờ tự do, bèn thừa thắng xông lên dự định cho chị tôi ra đi chuyến kế.

Gia đình tôi bắt liên lạc với một gia đình sui gia quen biết và đáng tin cậy. Họ ở Vũng Tàu và đang định ra đi. Mạ tôi mừng lắm vì thời đó chuyện vượt biên trên biển cả sóng gió, hải tặc…đành tùy số mạng, chủ yếu là ngay từ đầu có kiếm đúng mối tin cậy ra đi hay không đã là vấn đề hóc búa. Người ta lừa gạt nhau như cơm bữa. Cho nên có được chỗ tin cậy như gia đình Sui gia này mạ tôi mừng lắm không suy nghĩ gì hơn

Người liên lạc hẹn sáng mai tới dẫn chị tôi đi. Giấy tờ đi đường họ đã lo đầy đủ. Gia đình tôi chỉ cần chồng đủ vàng là họ dẫn chị tôi đi mà thôi.

Tối đó mạ tôi ngủ, mơ mơ màng màng nghe mấy đứa trẻ nói chuyện như sau

- Ngày mai chị T đi mua vải

- Nhưng mà chị mua vải dỏm. Vải nhuộm. Không phải thiệt.

- Đồ nhuộm đó.

Nói thêm một hồi rồi cả bọn mấy đứa cùng hét lên:

- Chị T mua đồ dỏm. Chị T mua vải nhuộm.Chị T mua đồ dỏm.. DỎM DỎM

Mạ tôi nói nghe rõ mồn một bên tai chứ không phải mơ.

Sáng sớm dậy mạ tôi kể lại chuyện cùng mấy chị em bàn bạc, và quyết định…tin tụi nhỏ, hủy bỏ chuyến đi. Khi họ tới, mạ tôi viện cớ chị tôi đau nặng bất ngờ nên không đi đưọc.

Chuyến vượt biên đó quả nhiên đổ bể. Cả nhóm bốn năm chục mạng chủ yếu là người từ SàiGòn xuống đứng lớ ngớ trên bãi không thấy tàu bè nào tới đón cả mà chỉ thấy chục họng súng của du kích địa phương chờ sẵn đợi mọi người tới đông đủ là tóm trọn gói.

Cả mấy người trong gia đình sui gia cũng bị bắt. Nghe nói người địa phương tổ chức đã “mua bãi” trả tiền xong xuôi sòng phẳng, vậy mà cũng bị bắt như thường. Mấy gia đình kia phải táng gia bại sản, còn mang thân tù tội nữa.

Gia đình tôi may mắn thoát vố đó.…

Đó là câu chuyện vượt biên của chị tôi mà sau này khi bảo lãnh được gia đình sang tới Mỹ mới nghe kể lại.

Nhân đang vui vẻ gia đình sum họp. Mấy chị em tôi ngồi ôn kỷ niệm ngày xưa, về căn nhà mà chúng tôi cùng lớn lên có mấy đứa nhỏ ma trong nhà bao giờ cũng giúp đỡ gia đình tôi qua khỏi những cơn đại hoạ. Tôi hỏi rồi sau vụ vượt biên tụi nhỏ có giúp thêm vụ gì khác không. Mạ tôi nói

- Có, có. Vụ ni mới vui

Mạ tôi kể dạo đó Sài Gòn có dịch số đề. Chính phủ mở sổ số bán vé, còn dân mở số đề. Sáng sổ, chiều sổ, ngày nào cũng sổ. Đầu xóm đến cuối xóm đều có ông Huyện bà Huyện ghi đề

Một tối mạ tôi nằm mớ nghe một thằng nhỏ tới nói: bà ơi số 75, số 75 bà ơi…

Mạ tôi vốn không ưa những vụ số đề, cờ bạc này nên không để ý. Đến chiều bỗng dưng cảm thấy nóng ruột bèn kể lại cho nhỏ em tôi nghe và nói nó cầm vài ngàn đi đánh số 75 thử. Em tôi nghe xong tức tốc cạy heo bao nhiêu tiền dành dụm lấy ra hết chạy ù vô xóm kiếm bà ghi đề định làm một cú ăn thua đủ.

Nghe em tôi nói ghi số 75, bà bảo đừng đánh số 75 chắc không ra đâu. Hỏi tại sao. Bà cười nói số này hồi trưa...mới sổ trúng rồi, đời nào ra hai lần giống nhau liên tiếp mà đánh cho uổng tiền.

Em tôi nghe nói tiếc đến muốn xỉu luôn.

...

Tôi cũng tiếc hùi hụi, ráng hỏi mạ sau đó thằng nhỏ có cho mạ số khác không?

Mạ tôi nói:

- Tối đó trước khi ngủ tau cầu “Con ơi hôm qua con cho bà số, mà bà...quên đánh. Chừ con cho bà số khác. Bà hứa sáng mai bà đánh liền”

- Rồi nó có cho không? Tôi hồi hộp

Mạ cười lỏn lẻn

- Không. Chắc hắn giận tau không tin nên hắn đi luôn không cho nữa. Tau cầu thêm mấy ngày không được nên cũng thôi../.

ThaiNC

Ý kiến bạn đọc
07/03/201422:43:58
Khách
Cám ơn tác giả truyện rất hay và văn viết đọc thật thoải mái.
07/03/201402:47:18
Khách
Phuong câu chuyện cúc Anh rất hay và cũng giống như thật vậy!
03/03/201408:00:00
Khách
Phải nói tác giả viết truyện có duyên quá trời, đọc phải một lèo luôn mới đã.
Cám ơn và mong tác phẩm mới.
27/02/201408:00:00
Khách
Truyen hay qua! Xin cam on anh Thai da viet truyen nay.
25/02/201408:00:00
Khách
Cảm ơn tác giả ThaiNC.
Viết chuyện ma rất có duyên.
25/02/201408:00:00
Khách
Cám ơn tác giả. Tôi tin những chuyện tác giả kể vì đã có những kinh nghiệm gần tương tự như vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,542,521
Bồ Tùng Ma là bút hiệu của Nguyễn Tân. Trước 1975, ông là Hải Quân Trung Tá VNCH. Sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Ông từng nhận các giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2001, giải Việt Bút 2008, và từ 5 năm qua, là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết" Giải Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ 2014, không viết về nước Mỹ, mà về một loại ký ức sâu đậm của nhiều cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hoà trong trại tù cộng sản.
Tác giả: Lê Như Đức, sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Learjet, Wichita. Học vấn: cao học. Gia đình: vợ và ba con - hai gái, một trai.
Khôi An, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013, từng là một thuyền nhân. Từ tuổihọc trò, cô cùng người em gái phải rời bố mẹ, vượt biển năm 1983. Mười năm sau,1993, cô đã là một kỹ sư đại diện Intel đi “bàn giao kỹ thuật” cho các kỹ sư bảnxứ tại phân xưởng Intel ở Penang, Mã Lai.
Với bài viết “Lời Cám Ơn Của Mẹ Tôi”, kể chuyện bà Mẹ 90 tuổi thiđậu Quốc Tịch Mỹ, Nguyên Phương đã nhận giải đặc biệt Viết Về NướcMỹ 2007. Tại Việt Nam trước 1975, bà là một dược sĩ. Vượt biển,định cư tại Mỹ từ 1982, bà làm việc trong một cơ quan chính phủ tạiVirginia. Sau khi về hưu, Nguyên Phương hiện là cư dân vùng Little Saigon.Sau đây là bài viêt mới nhất của tác giả.
Tác giả định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, cư dânBerryhill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. Giảithưởng VVNM 2013, cô có 5 bài tham dư và đã nhận giải Vinh Danh TácGiả (hình bên) với hai bài viết tiêu biểu: “Thiên Thần Đen” và “CũngMột Đời Người”, kể về những di dân tị nạn tại Mỹ làm việc tới mứcquên mình để gửi tiền tiếp viện cho người thân còn ở quê nhà. Sau đâylà bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, công việc: làm nail. Tham gia viết về nước Mỹ từ 2011, với bút hiệu Hữu Duyên Nguyễn và bài "Cám Ơn Bố", bà đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau đây là bài viết mới nhất của bà.
Tác giả là một Y sĩ nội khoa và là Giáo Sư Đại Học tại Texas. Bài viết về nướcMỹ đầu tiên của Bà là “Chai Dầu Gió Xanh”, kể chuyện trên một chuyến bay khitác giả hướng dẫn phái đoàn gồm 33 giáo sư, sinh viên đi Việt Nam thực hiện mộtchương trình y tế của đại học TWU, Texas. Bài viết thứ hai của bà là môt chuyệntình “đơn phương, nhẹ nhàng, thâm trầm mà sâu sắc” từng làm chính nhân vật màcũng là tác giả đẫm lệ.
Tác giả đã cộng tác với nhiều diễn đàn văn chương Việt và tham dự nhiều sinh hoạt văn hoá giáo dục cộng đồng. Nhân dịp Chợ Tết Cộng Đồng vừa được khai trương tại Little Saigon, xin mời đọc bài viết mới về gian hàng “Thả Thơ” trong Chợ Tết.
Tác giả định cư tại Seattle từ 1975, đã hồi hưu sau khi phục vụ trong ngành xã hội tiểu bang nhiều năm. Hai bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nguyễn Đặng Bắc Ninh là “Nàng Dâu Mỹ” và “Cô Khách Sở Welfare” cho thấy cách viết chừng mực mà sống động. Sau đây là bài viêt thứ ba của tác giả là một truyện ngắn về phân ly và đoàn tụ, được ghi lấy ý từ một truyện ngắn của Rev. Howard C. Schade.
Chúc Mừng Năm Mới, mùng Một Tết Giáp Ngọ, Viết Về Nước Mỹ năm thứ 15 trân trọng mời đọc bài viết cảm động về hoa mai và mùa xuân từ một gia đình H.O. Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO.; Hiện sống tại thành phố Tacoma, làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp,
Nhạc sĩ Cung Tiến