Tác giả tên thật là Phương Nguyễn. Sinh năm 1957 tại Phủ Cam, Huế, là cựu học sinh trường Jeanne D’Arc. Bà hiện ở tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Tác giả vừa nhận giải Đặc Biệt năm 2023.
*
Tháng Tư về chồng chất bao oan nghiệt
Cuộc sống con người, khủng khiếp, lầm than
Khung ngục tối giam cả miền Nam
Ngồi nhớ lại nỗi kinh hoàng chưa dứt…
Tất cả mọi người miền Nam Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhất đang định cư trên đất nước Hoa Kỳ hay các Quốc gia tự do khác, đã từng sống sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, không ai khỏi kinh hoàng giai đoạn ngập đầy nước mắt, sau ngày giải phóng miền Nam.
Rồi cách này hay cách khác đồng bào thân yêu của chúng ta lấy sinh mạng đi tìm Tự Do. Những gia đình may mắn đến được bến bờ mong ước.
Vùng đất hứa dang rộng vòng tay yêu thương chào đón mọi người, là những người thế hệ thứ nhất, lót đường cho thế hệ kế thừa vươn lên, sau năm mươi năm gieo giống, cánh đồng của người Việt tỵ nạn đã bội thu trong mọi lĩnh vực, Chính Trị, Khoa học, Quân Đội, Bác Sĩ, Kỹ Sư, Luật Sư, và nhiều ngành nghề khác, đã làm vẻ vang người Việt Nam trên đất nước Hoa Kỳ.
Với tư chất thông minh, hiếu học, các thế hệ sau chắc chắn sẽ tiến xa hơn.
Vạn sự khởi đầu nan. Những năm tháng đầu, người mới nhập cư như tôi, muốn hòa nhập cuộc sống trên đất nước văn minh này phải qua những đoạn đường chông chênh, nhưng dù hoàn cảnh nào cũng phải chiến đấu để vượt thắng vươn lên.
Hoàn cảnh của tôi lấn cấn về gia đình, đồng tiền làm ra phải chia ba, một phần gửi về Việt Nam phụ gia đình Mẹ già và nuôi hai đứa con chưa đi được.
Tôi nghĩ rằng, đất nước này khó làm giàu, nhưng kiếm tiền để sống không khó, miễn là mình không biếng nhác.
Tôi làm việc ban đêm, ít tiếp xúc với người Mỹ nên trình độ giao tiếp tiếng Anh rất hạn chế, muốn tới trường học ESL, nhưng không có thời gian, vì ban ngày phải ngủ để ban đêm thức, trong lúc đó tôi rất cần Anh Ngữ để thi Quốc Tịch, bổ túc hồ sơ bảo lãnh cho hai đứa con.
Vì nhu cầu thiết yếu cuộc sống, cách này hay cách khác tôi luôn cố gắng tìm học, trước đây tôi có kể câu chuyện “Hai người bạn Homeless”, hai anh Homeless hằng đêm giúp tôi học những câu Anh Ngữ, trong bài thi Quốc Tịch.
Rồi chị bạn làm việc tại cộng đồng người Việt, giới thiệu cho tôi một bà Giáo nghỉ hưu, bà rất vui nhận tôi làm học trò, thông hiểu hoàn cảnh của tôi bà cho tôi chọn thời gian thuận tiện.
Kết quả kỳ thi Quốc Tịch tôi đã đậu, luôn mãi nhớ ơn những tấm lòng hy sinh vô vị lợi của người Mỹ.Rồi chuyện khác xảy ra, thời tiết mùa thu ban đêm tiểu bang WA. rất lạnh, 9pm tôi đi làm, đường phố ‘downtown’ Seattle 8pm đã vắng xe chạy, những con đường khu dân cư của thành phố Bellevue lại vắng hơn, hằng đêm tôi phải chạy qua ba con đường dài không một chiếc xe qua lại, nhiều lúc vừa lái xe vừa nghĩ đến chuyện ma nhát.
Rồi một hôm đang chạy, bánh xe bị xẹp ngay trên đường vắng, ánh đèn đường không đủ sáng để bớt sợ bóng tối, bước xuống nhìn bánh xe nước mắt muốn trào ra. Phần sợ bóng đêm, phần lo việc làm, nhiều lần thấy mấy đứa con thay bánh xe nhưng không chú ý, bây giờ tới phiên mình, loay hoay mãi, mở cốp xe mò mãi không biết làm sao lấy bánh sơ cua xuống.
Ánh đèn pin từ trong sân nhà rọi tới, người đàn ông và người đàn bà Mỹ trung niên đi ra, có lẽ là hai vợ chồng, người đàn ông hỏi:
- Xe bị gì ?
Tôi vừa nói vừa chỉ:
- Bánh xe này bị bể.
Người đàn ông hỏi:
- Bà cần tôi giúp không?
Tôi trả lời:
- Xin ông giúp cho tôi với, tôi không làm được gì cả.
Ông thao tác thành thạo chưa tới 10 phút đã thay xong bánh xe, nước mắt tôi lúc này mới chảy ra, tôi không biết nói gì để tạ ơn tấm lòng của hai ông bà.
Hơn một năm sau khi bổ túc bằng Quốc Tịch, hai đứa con được đoàn tụ, gia đình tôi như vậy là sáu người, phải tìm nhà lớn hơn thuê ở, nơi nào có bảng cho thuê nhà tôi đều vào hỏi, tiền lương hai vợ chồng không đủ trang trải cho nhà ba phòng trở lên.
Chị bạn làm việc chung giới thiệu.
- Gần nhà chị có nhà cho thuê, số nhà 333 N 205 St.
Tôi đến thấy nhà bốn phòng ngủ, ba buồng tắm, tôi quay xe, nhà ba phòng không kham nổi tiền thuê, làm sao sờ nhà bốn phòng.
Tối hôm đó nơi làm việc chị bạn nói:
- Cái gì cũng có duyên, làm sao biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, nếu mình không tìm tới tận nơi.
Vâng lời chị, hôm sau tôi đi với cậu con út, biết đâu chú này nhẹ vía, may mắn hơn mấy chú kia chăng.
Hai mẹ con gõ cửa, người mở cửa là ông Mỹ da đen, tôi chào, cười xã giao nhưng trong lòng hết hy vọng, người da màu không làm gì mình, nhưng tự nhiên mình thấy sợ.
Ông chủ nhà hỏi: Người Việt Nam phải không?
Con trai tôi trả lời:
- Phải, chúng tôi là người Việt Nam.
Ông chủ nhà chỉ mọi thứ vật liệu đang bày khắp nơi trong nhà, ông nói:
- Nhà bị phá nhiều nơi tôi đang sửa cuối tuần này mới xong, muốn thuê thì thứ 7 trở lại.
- Nhà bị phá nhiều nơi tôi đang sửa cuối tuần này mới xong, muốn thuê thì thứ 7 trở lại.
Con trai tôi trả lời:
- Muốn thuê lắm, nhưng không hy vọng thuê được, vì nhà ông bốn phòng ngủ, lương ba mẹ tôi không đủ trả tiền thuê hàng tháng cho ông.
Ông chủ nhà hỏi:
- Nhà anh có nuôi thú vật không?
Con trai trả lời
- Không.
Ông nói tiếp:
- Hỏi mẹ anh, mỗi tháng có thể trả bao nhiêu, đưa tôi số phone của anh, nếu được tôi sẽ trả lời.
Mẹ tôi nói:
- 1700 Đô La.
Ông nói:
- Được rồi, để ông về nói lại với vợ ông, được hay không ông cũng trả lời.
Hai mẹ con rất thích căn nhà này, nhưng không hy vọng.
Chiều thứ Sáu cậu con út đi học về báo tin vui:
- Ông chủ nhà hẹn 12 giờ trưa mai, gặp vợ chồng ông ở thư viện Shoreline, ổng nói thư viện có máy ‘photocopy’ sẽ tiện cho mình.
Mừng quá, như lời chị bạn nói, duyên, và số, vía thằng con út này nhẹ và may mắn.
Bà chủ nhà cũng người da đen, bà giới thiệu bà là cô giáo, ông chủ nhà là Mục Sư. Sau khi ký xong hợp đồng thuê nhà. Ông chủ nhà tâm sự:
- Ông có căn nhà ở thành phố Kent cho một gia đình người Việt thuê đã 8 năm rồi, họ ở rất tốt, tự chăm sóc nhà như nhà của họ. Hôm trước ông nghe nói người Việt Nam ông mừng lắm, nhà cho thuê như vậy là giá rẻ, nhưng an toàn, nhiều tiền hơn mỗi lần họ dọn nhà ra, phải bỏ mấy chục ngàn để sửa, nhiều tiền hơn cũng không có lợi.
Gia đình tôi thuê nhà của ông bà ở 12 năm, chúng tôi báo trước ba tháng sẽ trả nhà, tiền trả trước 1 tháng 1700 Đô La, ông bà hoàn lại cho tôi 1400 Đô La, trừ 300 Đô la để trả tiền rác.
Ngày chúng tôi dọn nhà tới địa chỉ mới, ông cho người con rể lái chiếc ‘Truck’ đến giúp.
Xin cảm tạ những tấm lòng của người Mỹ.
Everett 4/2/2025.
Phương Lâm.
Ý kiến bạn đọc
17/04/202513:48:25
Vĩnh Chánh
Khách
Bài ngan gọn nhưng rất ý nghĩa. Đây tình người
12/04/202520:09:06
Mimi
Khách
Cảm ơn tác giả chìa sẽ một bài viết hay.