Hôm nay,  

Sơn Hào Hải Vị Không Bằng Mùi Vị Quê Hương

08/04/202500:00:00(Xem: 2161)
bo-sach-vvnm 
Tác giả Việt An sinh năm 1976, qua Mỹ năm 1993, định cư ở Austin, Texas. Cô từng là kỹ sư điện tử ở Intel, nay là nhân viên của bộ Ngân khố, đồng thời là thông dịch viên tự do. Sau bài viết đầu tiên “Giấc Mơ Mỹ”, cô tiếp tục đóng góp cho Viết Về Nước Mỹ bài bút ký hồi tưởng về các món ăn dân dã thuở ấu thơ mang đậm mùi vị quê hương.

***

Lắm lúc, trong cuộc sống xa quê, có những mùi vị đặc thù của tuổi thơ tự nhiên ập về, đi kèm với bóng dáng của những người thân làm ra món ấy. Ví dụ như khoai lang lùi tro, bánh ít ngọt nhân đậu, bánh ít lá dứa nhân dừa, bánh tét nhân ngọt, nồi thịt kho tàu, xôi vò của bà Ngoại làm là ngon nhất; Bánh bèo, bánh bò hấp, bánh da lợn ăn với nước cốt, bánh ít trần, bánh bèo mặn ăn với nước mắm hay món giò heo giả cầy thì chỉ có Nội-Bà Bảy là số một. Ổi xá lỵ Florida cũng không thơm ngon bằng vườn ổi của Bà cô. Còn nữa, món cháo lòng của bác Tư Nhỏ cũng làm tôi nhớ đời. Tất cả những mùi vị món ăn của tuổi thơ luôn tồn đọng trong ký ức. 
 
Bỗng dưng, tôi sực nhớ mùi ngọt lịm của khoai lang tím lùi thủa nào. Tiềm thức trỗi dậy, thôi thúc tôi xách xe chạy đi H-Mart, mua khoai lang. Lựa khoai xong, thấy có một xe đẩy ghi “Roasted Sweet Potato” - Khoai lang nướng! Khứu giác tôi làm việc tối đa: 

- A!  Cái mùi gì hửi quen quen trong không khí vậy ta, quen lắm?  
 
Vừa mở cửa ra thì đúng là khá giống mùi khoai lang lùi của tuổi thơ. Khoái chí tử, tôi chụp ngay một bịch đem về cho bé Việt Khuê ăn thử, em ấy ăn thấy ngon. Mẹ kể cho em ấy nghe đây là mùi khá quen thuộc của tuổi thơ của mẹ, hôm nay nó chợt sống dậy! Mà hình như không hẳn là mùi của tuổi thơ mẹ con ơi, tuy nó giống lắm, rất giống!  
 
Mẻ khoai lang tím tôi mua hôm nay sẽ chia làm hai: Một nửa hấp và nửa còn lại sẽ nướng để tìm lại mùi khoai lang lùi tro, trong lò chiên không dầu (air fryer), để lửa khoảng 350-375 độ F, trong khoảng 40-45 phút. Cũng không phải! Không thơm bằng mùi vị của tuổi thơ tôi! Hơi thiếu cái vị khen khét.  Ăn “đỡ ghiền” thì được! Phải chăng mùi thơm của rơm, được bàn tay của người nông dân Việt Nam cần cù, khắc khổ chăm chút, đã góp phần làm nên mùi vị đặc trưng của khoai lang lùi tro thuở trước?

Khoai lang nuong
Khoai lang nướng trong lò chiên không dầu (hình tg cung cấp)
Rồi tôi lại kể cho các con nghe:

- Các con biết không, hồi nhỏ, bà Cố sai mẹ nấu cơm bằng rơm. Mẹ bỏ củ khoai vô bếp rơm lùi rồi khi khoai chín, lấy ra, lột vỏ, vừa thổi vừa ăn. Ôi chao ơi là ngon! Lúc người ta đói ăn cái thứ gì cũng thấy ngon cả!

Việt Khải (con trai thứ của tôi) trố mắt hỏi:

- Mẹ vừa nói gì? Rơm ngựa ăn đó hả?

- Đúng đó con. Thời những năm 80, nhiều người Việt Nam chúng ta dùng rơm đốt thành lửa để nấu cơm.

- Sao có thể được chớ? Không thể tin được.  Việt Khuê bồi thêm.

- Chuyện có thật 100% đó con.  Mẹ phân bua.

Đứa nào cũng xoe tròn hai con mắt! Chắc chúng cũng tin vì Mẹ ít khi đùa giỡn trong những chuyện kể về quê hương. Tôi cố gắng mua khoai lang ăn thường xuyên để ngăn ngừa ung thư. Ngoài khoai lang, lúc đi chợ tôi còn mua bánh bò, bánh ít, bánh da lợn, lắm lúc ổi, để các con biết các loại bánh mà Nội làm bán để nuôi Ba và các cô tôi (vì ông Nội mất sớm khi cô Út được vài tháng tuổi), cũng để nhớ mùi vị quê hương. 

Gọi là ăn đỡ thèm thì đúng hơn nhưng không bao giờ tôi tìm lại được mùi bánh của Nội và mùi ổi thơm lừng trong ký ức từ vườn ổi bà Cô.  Ổi xá lỵ ở Mỹ lớn trái; ổi họ bán trong Costco thì thơm lắm nhưng không ngọt bằng ổi sẻ trong vườn bà Cô.  Lần nào cũng như lần nào, hễ thấy ổi là vườn ổi thơm lừng trong ký ức cứ dồn dập, đổ xô về như một thước phim quay chậm…

Bà Cô là chị em chú bác ruột của ông Nội tôi.  Nhà bà ở chênh chếch nhà tôi, cách cái mương đào và một con lộ. Gần 40 năm, vườn ổi có tiếng chim kêu ríu rít thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ của tôi!

Nhà bà trồng đủ loại ổi: Ổi xá lỵ, ổi sẻ, ôi thôi nào là ổi, ruột trắng có, ruột đỏ có, cơ man là ổi. Ổi sạch cả!  Bà trồng ở cháy trên, cháy dưới, sân trước, sân sau.  Có những cây ổi lâu năm người leo lên được, những cây nhỏ thì phải có cây thọc. Cây thọc bằng trúc chẻ ở một đầu, độn hai miếng sắt tròn cho nó rộng ra thành cái rổ, cắt chỗ hở lớn bằng trái ổi rồi đưa lên cuống vặn, trái ổi xá lỵ rớt vô gọn lỏn trong đó.  
 
Bà Cô hay nhờ Hiếu hoặc tôi  hái ổi với Bà rồi cân  bán cho những người tới nhà mua, hoặc đem lên xóm chợ cân cho cô Ba Mành bán. Tôi và Hiếu được bà cho tiền.  Bác Ba Vịnh, con trai một của bà, rất có hiếu. Những năm cuối đời, Bác từ Sài Gòn về ở với Bà để tiện việc chăm sóc Bà.  Bà Cô ăn chay trường còn bác Ba thì nấu ăn ngon hết sẩy. Khi qua chơi gặp bữa, Bà và Bác hay bảo tôi ăn. Quả thật, người ta bảo ăn cơm khách lúc nào cũng ngon miệng hơn cơm nhà là đúng y, không sai một chữ.  Cơm nhà bà là cơm gạo nàng thơm trắng phao, thơm phức, cùng với chén kiểu cũng trắng tinh, có mấy hàng bông hường hường và đôi đũa mun, nội ăn cơm không là đủ ngon rồi, khỏi cần đồ ăn chi cả. Tôi còn nhớ lúc ăn cơm, Bà Cô và bác Ba hay để một chén cơm và đôi đũa cúng cô Tư, là em của Bác, người con đã mất sớm của Bà.

Bà Cô hay xách rổ, tôi thì cầm cây để hai bà cháu hái ổi. Bà luôn mặc áo bà ba trắng tinh, với đầu tóc bạc phơ cùng một búi tóc nhỏ tí ti đằng sau gương mặt có thật nhiều đồi mồi vì đã cao tuổi. Nhiều lúc thèm quá, tôi xin “bà Cô cho con ăn một trái nha”, có đôi lúc Bà cho ăn trước khi tôi xin. Hái xong, bỏ ổi vô rổ rồi cân bán.

Mùa ổi chín thơm lừng cũng thu hút muôn loài chim về ăn rồi kéo nhau ríu rít làm ổ. Tôi nhớ có lần thấy chúng xây ổ ở mái trên của mặt tiền nhà. Có những trái ổi trên cây, phía ven bờ hoặc ổi ruột đỏ chim ăn lở dở, rớt xuống mương, nổi lềnh bềnh. Lâu lâu có mấy con cá cửng, cá lóc trồi lên mặt nước đớp mồi nghe một cái “tốc”.

Khi Ba tôi đi tù cải tạo về, tôi bị hội chứng xa lạ với Ba (stranger anxiety) vì cả đời không gần gũi hay sao ấy.  Tôi không hề tới gần và chỉ kêu “Bờ-a” thay vì kêu“Ba”. 

Thế là bà Cô cho Ba những trái đu đủ, trái ổi mang về để lấy lòng con gái. Từ đó tôi mới gần gũi với Ba hơn. Con nít dễ bị dụ hay chính phụ tử tình thâm lâu ngày, khởi đầu bằng những trái ổi của bà Cô, hay cả hai, đã kéo tôi lại gần Ba hơn?
Ngoài sau nhà Bà Cô còn có cỏ mực, tôi được kể lại là mỗi lần tôi bị cảm sốt, bà Nội qua nhà bà Cô hái về, đâm nát ra và pha nước cho uống vì thời đó ở Việt Nam không có đủ thuốc. 
 
Gần 40 năm trôi qua, vật đổi sao dời, vườn ổi của bà Cô vẫn luôn thơm lừng trong ký ức của tôi! Nhớ Bà Cô cùng vườn ổi đã cho tôi một tuổi thơ với những kỷ niệm đẹp, sẽ thơm lừng cho tới nhiều đời sau!

Món kế tiếp của quê hương là cháo lòng. Nói về cháo lòng ở Mỹ, ăn cũng đỡ thèm thôi nhưng không qua mùi cháo lòng của bác Tư Nhỏ ở chợ Thâm Nhiên của tuổi thơ tôi. Có lẽ mùi cháo của Bác Tư ngon đặc trưng và thơm mùi đặc biệt trong ký ức mà sau này tôi không bao giờ tìm lại được. Hàng cháo lòng bác Tư Nhỏ ở phía trên, kế Lộ Đất.  Tô cháo lòng của bác Tư chỉ đơn sơ, lỏng lẻo, chỉ vài cụt huyết, dồi trường, vài lát ba rọi, thêm miếng chanh xanh xanh, vài lát ớt đo đỏ, dĩa giá trăng trắng, vàng vàng nhưng đó là những tô cháo ngon nhứt đời của bọn trẻ quê tôi. Một người bạn thuở thiếu thời của tôi, bạn Quí, cũng từng công nhận điều này.  

Tuổi thơ tôi rất thiếu thốn về vật chất nhưng đầy ắp tình thương, tình người. Giờ đây, với cuộc sống của người xa xứ, lại thiếu một vùng trời quê hương, xa vắng cả những người thân. Xa quá! Nhớ quá! Những người xưa lần lượt đã thành người thiên cổ: Nội, Ngoại, rồi dì Hai, cậu Năm… Những cô, dì dượng khác đã lưng còng, tóc bạc, nếp nhăn như dấu vết thời gian chồng chất trên tấm thân già yếu, bịnh tật! Thương lắm! Thời gian thật tàn nhẫn và vô tình, không thiên vị một ai.

Những mùi vị tuổi thơ nay đã càng xa hơn nữa vì tôi cũng sắp “ngũ thập nhi, tri thiên mệnh” - năm mươi thấu mệnh Trời rồi còn gì! Duy chỉ còn ký ức đẹp của một thời tuổi thơ vẫn còn tồn đọng mãi trong tôi. Có những câu chuyện về quê hương vẫn râm ran trong bữa cơm gia đình cho thế hệ kế tiếp; tôi sẽ truyền lại con cháu tôi, thế hệ thứ ba và sau nữa: Ngày xửa, ngày xưa… Ký ức về quê hương Việt Nam sẽ không bao giờ bị quên lãng.  Nó đã được chính thức lưu truyền thành văn bản qua đây!  Tôi cũng được đi nhiều nơi, thưởng thức được nhiều đồ ăn, đôi khi cao lương mỹ vị cũng có, nhưng sao lại không nhớ, không thèm một cách mãnh liệt như những món ăn trong tiềm thức? Phải chăng “chốn quê hương đẹp hơn cả”, như một bài tập đọc trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà có lần tôi đã đọc trên channel của mình, Tiếng Việt Sử Việt?

Những mùi vị thân thương của quê hương này không biết các con tôi có ngửi và cảm nhận được như tôi? Cứ mỗi lần thoáng ngửi được là hình bóng quê hương như ẩn, như hiện ra trước mắt. Có phải nỗi nhớ quê hương này thế hệ Ba Mẹ tôi cảm nhận được nhưng khắc khoải hơn, quay quắt hơn, da diết hơn gấp bội phần? Thế hệ của họ và cả của chúng tôi sẽ nằm lại trên quê hương thứ hai, nơi chốn tạm dung này. Hương hồn của họ và của cả thế hệ chúng tôi, khi mất, sẽ được quay về thăm lại cố hương, nơi chôn nhau cắt rún? Mong lắm thay!
 
Việt An
9 tháng 3 năm 2025
 
 
 

Ý kiến bạn đọc
08/04/202515:56:31
Khách
Cảm ơn tác giả một bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 116,042
Chiếc xe bus “Greyhound” lăn bánh chầm chậm vào bến ở Sacramento, miền Bắc của tiểu bang California vào một buổi chiều thu năm 1999 rồi từ từ dừng lại. Tôi bừng tỉnh khi đang ngồi quan sát cảnh vật bên ngoài, bởi mọi thứ, mọi người ở đây đều lạ lẫm đối với tôi vì tôi chỉ mới tới định cư tại quốc gia này có hai tháng thôi! Đứng dậy, vác chiếc ba lô đang để dưới gầm ghế lên vai tôi bước theo những người đi trước rời khỏi xe.
Ba thế hệ gồm có ông bà, cha mẹ và các cháu nội, ngoại cùng sống chung với nhau dưới một mái nhà là chuyện bình thường, cũng có thể xem là nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng phần nào nền văn hóa Trung Hoa từ phương Bắc hơn ngàn năm trước. Tên gọi bằng chữ Hán Việt TAM ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG nói lên được ý nghĩa cùng sự trân quý của giá trị truyền thống gia đình Việt Nam. Đó là sự đoàn kết, gắn bó các thành viên trong cùng một gia đình với nhau. Sau biến cố ngày 30/04/1975, nhiều gia đình Việt Nam rơi vào cảnh tan đàn, xẻ nghé, trôi dạt khắp nơi trên thế giới, hình thành những cộng đồng người Việt ở từng quốc gia khác nhau. mà lớn nhất là cộng đồng người Việt ở Mỹ, nơi tôi đang sống. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến ngày 30 tháng 4 năm 2025 là tròn 50 năm. Nửa thế kỷ trôi qua tưởng chừng như là giấc mộng. Nghĩ gì đây và làm gì đây để đánh dấu 50 năm ngày mà có “cả triệu người vui thì cũng có cả triệu người buồn”?
Tất cả mọi người miền Nam Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhất đang định cư trên đất nước Hoa Kỳ hay các Quốc gia tự do khác, đã từng sống sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, không ai khỏi kinh hoàng giai đoạn ngập đầy nước mắt, sau ngày giải phóng miền Nam. Rồi cách này hay cách khác đồng bào thân yêu của chúng ta lấy sinh mạng đi tìm Tự Do. Những gia đình may mắn đến được bến bờ mong ước. Vùng đất hứa dang rộng vòng tay yêu thương chào đón mọi người, là những người thế hệ thứ nhất, lót đường cho thế hệ kế thừa vươn lên, sau năm mươi năm gieo giống, cánh đồng của người Việt tỵ nạn đã bội thu trong mọi lĩnh vực, Chính Trị, Khoa học, Quân Đội, Bác Sĩ, Kỹ Sư, Luật Sư, và nhiều ngành nghề khác, đã làm vẻ vang người Việt Nam trên đất nước Hoa Kỳ.
Sinh, Lão, Bệnh và Tử là lẽ thường tình của con người. Giàu, nghèo, sang, hèn, vua chúa, quyền cao chức trọng đến đâu, tất cả mọi người đều không thoát khỏi định luật này. Nói về bệnh hoạn thì bất cứ ai cũng đều phải gặp. Có nhiều loại bệnh. Nhưng bệnh ung thư có lẽ người ta sợ nhất. Vì đây là một căn bệnh hiểm nghèo, việc chữa trị tốn kém, khó khăn, mất rất nhiều thời gian và bệnh nhân ung thư chiếm tỷ lệ tử vong khá cao. Xin được viết vài hàng kể về việc chẩn đoán và chữa trị ung thư gan của tôi.
... Cả bàn cà phê sáng cuối tuần đồng thuận về việc vợ chồng càng già càng khó trò chuyện với nhau nhưng lại giỏi chuyện bé xé ra to. Ông bức xúc nói toạc móng heo ra cho rõ, “Hồi nhỏ gặp nhau trong trường, lớn hơn gặp nhau nơi làm việc cả ngày, nói hết chuyện trên trời dưới đất nhưng lời trái tim muốn nói lại không thốt ra được nên đêm về viết thư; viết cũng ta bà trang này sang trang khác mà ý chính vẫn không thành chữ được. Bởi thế mới có lời thơ, lời nhạc được nhiều người yêu thích “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu…” Tôi kiên nhẫn, kiên trì đến cuối cùng cũng hiểu là họ giả vờ, kẻ ngu đần không hiểu không ai khác là mình. Chỉ khác nhau khi không thích nữa thì tên con trai hô biến, nhưng con gái họ không như thế, vẫn giữ quan hệ như bạn bè vì chưa hết giá trị lợi dụng cho đến khi tên con trai tự hiểu, tự rút lui. Tôi thất bại bao tập nhiêu rồi mới biết thất bại toàn tập là gặp bà xã tôi…”
Sương mù sáng nay khiến bầu trời như bầu sữa mênh mông. Tôi gọi người bạn trẻ đi câu cá, anh ấy trả lời mù mịt như sương, “Trời này ở nhà cho nó lành đi đại ca…” Anh bạn trẻ nói rồi cười hì hì. Tôi không quen ép người khác nên đi ra đi vào garage và cõi sương mù ngoài sân trước nhà. Nghĩ đến cuộc sống Mỹ là mơ ước của vạn người trên hành tinh, nói cụ thể hơn về giấc mơ Mỹ của vài năm trước, có năm trăm ngàn đô la đầu tư vào nước Mỹ là có thể đi Mỹ định cư, có thẻ xanh cho cả gia đình. Nhưng bây giờ lên năm triệu với cái thẻ vàng thời Trump-dát-vàng. Nói cách khác bây giờ là triệu phú đô la hãy nói tới chuyện nhập cư Mỹ, cách nhập cư lậu đã lỗi thời.
Tôi đi dự đám cưới con của một người quen, nhưng lòng không vui lắm vì bị xếp ngồi chung bàn với những ông bà lớn tuổi. Đối với tôi đó là một cơn ác mộng vì đa phần thời gian buổi tiệc, toàn là nghe những lời than của các cụ. Người già được tôn trọng nên được sắp xếp ngồi gần sân khấu. Vừa ăn các cụ vừa than vãn về âm thanh lớn quá, về con cái ít quan tâm đến cha mẹ, về đã qua rồi cái thời đám cưới làng quê, tuy các món ăn không cao lương mỹ vị như đám cưới ở Mỹ này, nhưng gần gũi, đầm ấm tình nghĩa bà con họ hàng, xóm giềng... Các cụ chỉ mong cô dâu, chú rể và gia đình hai họ nhanh chóng đến chào bàn, để tặng quà và kết thúc ra về. Chịu không nổi sự tra tấn của âm thanh, dù tiệc mới hơn nửa chừng mà các cụ đã lần lượt bỏ ra về sau khi tặng quà, chỉ còn mình tôi ngồi với “một cõi bơ vơ”...
Tui coi cái hóa đơn điện thoại. Chaaa… sao mà cao quá. Nghe nói rồi đây thuế má tăng lên. A… cần phải thu vén, bớt được chỗ nào đỡ chỗ đó. Gọi người bạn cũng xài cùng hãng điện thoại với tui, hỏi, bạn nói, cũng có xài wifi (mạng) và một cái cellphone (điện thoại cầm tay) mà chỉ trả mấy chục mỗi tháng. Còn tui, sao tới hơn 150 đô lận? Tui thì xài “mạng” và cái điện thoại bàn (landline), còn cái điện thoại cầm tay thì tui ít cầm, ít xài, cho dù khỏi tốn tiền vì là của con dâu cho. À, nội cái điện thoại bàn cũng gần 60 đô mỗi tháng rồi. Mấy đứa em ưa nói, -Bà có điện thoại cầm tay sao hổng tập xài, có đủ thứ, tiện lợi, y như cái computer vậy đó, bỏ bớt cái kia cho rồi.
Nếu ở xa vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, khi có dịp lái xe qua thành phố New York hay vào thủ đô Washington DC lúc tuyết đang rơi lất phất… bạn chớ ngạc nhiên khi dừng xe ở ngã tư đường lúc đèn đỏ thì trông thấy một người, thường là một thanh niên da đen, tay xách bình xịt nước, tay cầm chiếc cần lau kính xe chạy ra cào lia, cào lịa trên kính xe của bạn mà không cần hỏi han gì cả. Khi mới định cư ở tiểu bang Maryland, tôi được anh bạn đưa đi New York chơi cho biết thành phố lớn nhất ở Hoa Kỳ. Nếu không vững tay lái, người ta sẽ choáng ngợp với luợng xe lưu thông như mắc cửi. Nhưng anh bạn tôi đã đến New York nhiều lần, nên anh ta lái xe rất bình tĩnh và an toàn. Khi xe dừng lại ở ngã tư đèn đỏ, một anh thanh niên da đen vội vã chạy ra lau kính xe như tôi đã mô tả ở trên. Anh bạn tôi ung dung, im lặng để cho người thanh niên ấy lau kính xe… Khi đèn vàng nổi lên, anh bạn tôi hạ cửa kính xe đưa cho anh thanh niên ba đô la. Người thanh niên nói: “Thank you! Thank you!” rồi chạy vội vào lề đường.
Tin về một bé gái 11 tuổi ở Texas đã tự tử chết ngày 8 tháng 2 vừa rồi vì bị bắt nạt bởi bạn bè tại trường học liên quan đến tình trạng di trú của gia đình em khiến tôi lại liên tưởng đến những ngày tháng đen tối sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Khi ấy đã có bao nhiêu thành phần cơ hội lên mặt hống hách. Và để lập công với chính quyền mới, họ đã không ngần ngại có những hành động cũng như lời nói đe dọa những người từng là hàng xóm, là bạn bè, là đồng nghiệp của họ. Khi ấy có biết bao nhiêu người trong chúng ta cùng mang chung một tâm trạng lo âu hoang mang, không còn dám tin tưởng vào bất cứ một ai. Có lẽ đó cũng là điều mà chính quyền mới khi ấy mong muốn và biết đâu điều đó cũng nằm trong kế hoạch của họ. Khi người dân nghi kỵ lẫn nhau, sẵn sàng trở mặt đấu tố nhau thì giới lãnh đạo sẽ chẳng còn phải lo có thành phần nào rảnh rỗi để chống đối lại mình.
Nhạc sĩ Cung Tiến