Hôm nay,  

Má Của Tí

14/05/202300:00:00(Xem: 1617)

Mar2023
Hình tác giả cung cấp

(Thân tặng những Single Moms kiên cường, nhân mùa Mothers Day)
 
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021.

*
 
Khi Tí vừa đủ “lớn”, xong lớp Mẫu Giáo, chuẩn bị vào lớp Một, Tí đã không biết ba của mình là ai. Tí hỏi má:

-          Má! Ba của con đâu má?
Má đang nấu cơm ngoài bếp, quay lại nhìn Tí, rồi đáp tỉnh queo:
-          Mày hổng có ba!
-          Sao mấy đứa trong lớp con có ba?
-          Kệ tía tụi nó! Ba mày bỏ mày nên mày hổng có ba, hiểu chưa!

Hễ má gọi Tí là “mày” là Tí biết má đang hổng dzui nên Tí không dám hé miệng thắc mắc nữa. Mà thực ra, trong lớp học, trong xóm khu apartments này đâu phải đứa nào cũng có ba, như chị em con Cẩm thằng Tú con của cô Xuyến bạn của má, họ cũng chỉ có ba mẹ con sống với nhau đấy thôi. Một buổi tối, Tí đang chơi các đồ chơi một mình, rồi như nhớ ra điều gì, liền réo:

-          Má!
-          Gì nữa đây?
-          Má đẻ cho con một đứa em để con chơi chung cho vui đi má!
-          Má có một mình làm sao đẻ được hở con?
-          Vậy chớ cô Xuyến cũng có một mình, mà cổ đẻ được con Cẩm thằng Tú luôn kìa?!
Lần này thì má bật cười, bưng ra miếng bánh bò cho Tí, rồi nói:
-          Ông bớt nhiều chuyện cho tui nhờ được hôn? Ăn bánh bò rồi chuẩn bị đánh răng đi ngủ!

Má làm ở hãng Gà, cuối tuần má làm thêm các loại bánh bán cho mấy người quen, bánh bò nướng, bánh bò hấp, bánh khoai mì, bánh tằm, bánh da lợn, bánh chuối, món nào má làm cũng khéo và ngon. Má sống chan hòa tình nghĩa nên có nhiều bạn bè, tuần nào má cũng có mối đặt bánh, kiếm thêm thu nhập cho hai má con. Tí cũng quen dần cái chuyện “hổng có ba” và vui vẻ cuộc sống bình an bên má.

Năm Tí học lớp bốn, có lần Tí được đến nhà thằng Tâm chơi, hai đứa học chung lớp nên qua nhà nhau thường xuyên, ba má nó là chú Hùng cô Lan là bạn thân của má. Đến chiều chú Hùng lái xe đưa Tí về, giữa đường ghé trạm xăng. Trong lúc chú Hùng đứng đổ xăng, Tí cũng chui ra xe đứng xớ rớ gần đó. Bỗng có một người đàn ông từ chiếc xe phía trước, tiến lại bắt tay nói chuyện với chú Hùng một hồi, rồi ổng bước đến xoa đầu Tí:

-          Con khỏe không, học lớp mấy rồi?

Thấy người lạ, Tí lí nhí chào, người đàn ông nói:

-          Ba là ba của con nè!

Tí nghe lùng bùng lỗ tai, ngơ ngác, người đàn ông nhìn chú Hùng cầu cứu, chú Hùng gật đầu:

-          Đúng rồi Tí, ba của con đó!

Về đến nhà, thấy má đang loay hoay đổ bánh dưới bếp, Tí rón rén mở lời:

-          Má! Hồi nãy con vừa mới gặp ba!
Má lật đật ngồi xuống ghế, xuýt nữa làm rớt cái khuôn bánh bò:
-          Mày nói gì nói lại cho tao nghe rõ coi!

Tí kể lại đầu đuôi câu chuyện ngoài trạm xăng, nghe tới đâu mặt má đỏ bừng bừng tới đó vì giận dữ. Má đứng lên, quăng mấy ổ bánh vào lò, đóng cửa oven cái rầm, rồi cầm cái cây cán bột dí dí vào mặt Tí:

-          Nghe má nói nè Tí, ổng là ba con nhưng ổng bỏ con từ trong bụng má, nên má cấm mày gọi ổng là ba. Má cấm! Nghe chưa!?
Tí run run gật đầu:
-          Dạ má, con nghe! Vậy lần sau con gặp ba, í lộn, gặp “chú đó” thì con kêu bằng gì?
-          Mày còn tính gặp ổng nữa hả thằng kia!
-          Dạ không, con hỏi để phòng hờ thôi!
-          Mày muốn gọi ổng là gì mặc xác mày, miễn mày đừng gọi là “ba”! Tí thương má thì nghe lời má nghen Tí!
Tí lại ngập ngừng:
-          Vậy là “chú đó” sống chung thành phố này với mình hả má?
-          Ừa, nhưng mà ổng có vợ có con khác rồi. Từ lúc má mang bầu cho đến lúc sanh ra mày đến nay, ổng chưa bao giờ nhận mày là con, sao bữa nay ổng dám lột lưỡi xưng là ba mày, tao cũng lạ.

Bữa đó má giận lắm, Tí vào phòng còn nghe má lục đục rớt nồi niêu xoong chảo loảng xoảng, cuối cùng là hai mẻ bánh bò bị cháy đen thui. Sau đó, má gọi phone cho cô Lan vợ chú Hùng, không phải để trách cứ chuyện ngoài cây xăng, vì đó là chuyện bất ngờ ngoài ý muốn, nhưng má tâm sự dài lắm. Từ bữa đó, và nhiều lần sau nữa, qua các cuộc nói chuyện của má với bạn bè của má, Tí cũng hiểu rõ ngọn ngành nỗi đau của má, nên càng thương má hơn.

Hồi ấy, cái “chú đó” bị người yêu phản bội, “chú đó” bèn về Việt Nam chơi cho khuây khỏa, rồi ba má “chú đó” tác hợp “chú đó” cho má, là người cùng xóm, hai gia đình cũng biết nhau  nên khỏi cần tìm hiểu. Vài tháng sau, đám cưới được tổ chức và hai năm sau má qua tới Mỹ. Mới chân ướt chân ráo đến thành phố Houston được hơn một tháng, cô người yêu cũ của “chú đó” bỗng xuất hiện, đến gặp má (lúc “chú đó” đi làm) ... ghen ngược, đòi lại “chồng”. Điều đau đớn hơn là “chú ấy” quyết định quay về với người xưa, dù biết má vừa mang thai. Một mình má cô đơn chơi vơi nơi đất lạ, có lúc gần như tuyệt vọng, nhưng đứa con trong bụng là động lực để má cố gắng và nhờ những người xung quanh cảm thương giúp đỡ, hướng dẫn má xin được tiền trợ cấp cho tới lúc sanh ra Tí, rồi má được chính phủ phụ tiền gửi Tí vào DayCare để má đi làm hãng Gà. Má nhiều lần nói với cô Lan:

-          Nói thiệt, hồi đó vì hổng có tiền nên tui đành chịu đương đầu với cái tên bội bạc đó, nhờ luật sư của chính phủ vào cuộc, hắn mới đồng ý trả tiền Child Support mỗi tháng $500 cho đến khi thằng Tí 18 tuổi.

Cô Lan góp ý:

-          Tiền của con mình thì mình nhận, dại gì mà tự ái!
-          Không! Tui mà có sẵn tiền bạc thì không bao giờ tôi muốn dính líu đến anh ta, dù chỉ là một xu!
Lên cấp hai, Tí đã là một thiếu niên biết giúp má chuyện vặt trong nhà, theo má đi chợ khiêng vác những đồ nặng, phụ hợ má khi má làm bánh cuối tuần. Tối hôm đó, thấy má vui, Tí buột miệng:
-          Má! Má có hình đám cưới của má với “chú đó” không, cho con coi nha.
Má nhìn Tí cười cười:
-          Bộ ông tướng hổng tin tui có cươi hỏi đàng hoàng, tui theo không kẻ bội bạc đó hở, mà đòi xem hình làm bằng chứng?
-          Đâu có! Con muốn biết thôi mà.
Má đứng lên đi vào phòng ngủ, một hồi đem ra cuốn album nhỏ xíu:
-          Thực ra, hồi má giận ổng, má đốt hết hình rồi, nhưng má cũng giữ lại một ít, vì đó là kỷ niệm với ông bà ngoại, bà con họ hàng, chòm xóm. Mà nè, trong đây không có hình “chú đó” đâu nghen, má cắt ổng ra rồi!

Tí mở album ra xem, đúng như má nói, các tấm hình chỉ có cô dâu là má, còn phần chú rể bên cạnh, má đã khoét trống rỗng, không còn mặt mũi hay tay chưn gì ráo. Nhìn cuốn album khác thường, đầy “khiếm khuyết” Tí càng thương má hơn bao giờ hết, và tự hứa , sẽ không bao giờ nhắc đến “chú đó” một lần nào nữa.

Nỗi đau đó làm má khép lòng với một vài người đàn ông muốn kết thân với má. Cô Lan từng khuyên má:

-          Bà đã dành cả tuổi thanh xuân để nuôi thằng Tí, bây giờ bà tính chôn vùi luôn tuổi “trung niên sồn sồn”, không cần  một người bạn đời chia sẻ buồn vui sao? Ông bạn học cũ bên Việt Nam vợ đã chết, nay muốn nối lại tình cảm xưa, sao bà không cho người ta một cơ hội? Còn ông Sự làm chung hãng Gà chưa bao giờ có vợ cũng đang theo đuổi bà, sao bà còn ngần ngại tìm hiểu??

Má đáp:

-          Tui sợ cảnh “con anh con tui tiền anh tiền tui”, còn với người chưa lập gia đình bao giờ, liệu họ có đủ bao dung để thương con mình không, hay là chỉ được bảy ba hai mốt ngày, sau tuần trăng mật là dập mật ngay? Tui sợ đờn ông lắm rồi.
-          Thì cũng có người nay người kia, đâu phải ai cũng xấu cả đâu.

Má ôm vai cô Lan cười cười:

-          Tui mang ơn bà không hết, vì hồi đó có lúc tui chán nản tính ôm bụng bầu bỏ về Việt Nam nhưng nhờ có vợ chồng bà khuyên can, tôi đã thấy quyết định ở lại Mỹ thật đúng đắn. Tui được hưởng cuộc sống nơi xứ sở tự do giàu có, được đi làm kiếm tiền, thằng Tí có tương lai học hành sáng sủa. Nhưng bà khuyên tui đi thêm bước nữa tui không dám nhận, thôi cho qua nghen. Chắc số của tui là vậy. Cũng may trời còn thương, là tui còn thằng Tí để thương yêu, để chăm sóc cho nó.

Cô Lan nói với Tí:

-          Má của con là người phụ nữ kiên cường!

Mà má kiên cường thiệt. Mấy năm trước, sau một thời gian dành dụm, cùng với ít tiền bà ngoại bên Việt Nam gửi qua, má đã mua được căn nhà townhouse cho hai má con. Tí lo phần cắt cỏ phía sau vườn vào mùa hè, và quét dọn lá vàng lá khô cuối mùa thu. Vậy mà có nhiều lần, Tí đi học hoặc đi chơi với bạn về trễ, má đã làm xong xuôi, nhứt là trời đầu đông gió lạnh má đeo găng tay, mặc áo khoác, mang giày boots xúc lá bỏ vào bao ào ào. Tí phàn nàn thì má nói má còn khỏe, để má tập thể dục luôn.

Năm nay vào lớp 11, Tí xin đi làm cuối tuần tại tiệm McDonalds, Tí nói má nghỉ bớt chuyện làm bánh, chỉ đi làm hãng Gà, cuối tuần dành thời gian nghỉ ngơi xem phim, má liếc Tí một cái thiệt dài:

-          Thôi đi ông tướng, ông cứ để tiền đó tiêu xài, má vẫn say mê vừa làm bánh vừa mở youtube nghe Thầy Pháp Hòa giảng kinh, rồi quay qua xem phim Hàn Quốc, bánh vẫn chín thơm ngon nức mũi, có sao đâu nà! Khi nào má già má bệnh hẵng hay.

Tí làm ca chiều đến 11 giờ đêm mới xong, má không cho Tí đi metro bus, mà má lái xe đón đưa. Về tới nhà là khuya, má kêu Tí cởi bộ đồ uniform ra cho má ngâm để mai giặt, giục Tí đi ngủ, còn má ra bếp xem xét lại các thứ bánh để ngày mai khách đến lấy. Má thiệt là kiên cường!

Hôm bữa Tí được nghỉ Spring Break, má rủ Tí đi chợ dưới khu chợ Việt. Trên đường về, hai má con ghé vào tiệm Bubble Tea mua nước uống. Vừa trả tiền xong, quay người ra thì ngay cửa tiệm, một người đàn ông cũng vừa bước vào. Tí thấy người này quen quen, hình như là... “chú đó”, má liền khựng lại, “chú đó” cũng bất ngờ, bối rối giây phút chạm mặt rất gần. “Chú đó” nhanh chóng lên tiếng, dù rất nhỏ:

-          Em khỏe không?

Má nhìn hướng khác, mỉa mai, lạnh lùng:

-          Cám ơn! Tui bình thường!

Rồi má kéo Tí bước nhanh ra khỏi tiệm. Lên xe, má run rẩy, đề máy xe mấy lần mới nổ. Chạy được hơn một block đường, Tí thấy những giọt nước mắt của má lăn dài, má lấy tay chặn nhưng nước mắt càng rơi nhiều hơn, má phải tấp xe vào lề đường, dừng lại, rồi không cần biết có Tí ngồi ghế kế bên, má ôm mặt khóc thành tiếng, nức nở, nghẹn ngào.

Đâu rồi bà má kiên cường của Tí? Trước mặt Tí là đôi vai má rung lên từng hồi theo cơn khóc thỏa thuê, vỡ òa, như chưa bao giờ được khóc. Trước mặt Tí, là một bà má yếu đuối như bao người phụ nữ khác khi bị tổn thương, lần đầu tiên trong đời Tí mới thấy.

Tí biết, má khóc không phải vì còn yêu thương tiếc nuối gì “chú đó”, mà vì những uất hận, những tủi hờn dồn nén bấy lâu này, bây giờ mới có dịp tuôn trào...

Tự dưng Tí cũng khóc theo má!

Edmonton, Tháng 5/2023
KIM LOAN
 

Ý kiến bạn đọc
01/06/202300:02:34
Khách
Lúc nào tôi cũng thích bài viết của tác giả Kim Loan. Hay quá, cảm động quá, dễ thương quá.
24/05/202301:54:31
Khách
Người đàn bà VN chịu rất nhiều đau khổ không những vì luân lý Khổng Mạnh mà còn vì chiến tranh triền miên.
Thượng Đế hỡi hãy lắng nghe người dân hiền. Vì đất nước đang còn ưu phiền.
15/05/202321:43:21
Khách
Quý độc giả nào đã/đang sử dụng ngôn ngữ điện toán [rất phức tạp và khó] Java đều hiểu ẩn ý của người đọc khi dùng chữ "attribute".

Nếu không, nđ xin được [cố gắng] giải thích: nhân vật chính trong bộ truyện "Tề Thiên Đại Thánh" là Tôn Ngộ Không [con khỉ] nhưng có phép lạ là có thể nhổ lông trên người để hóa ra hằng trăm con khỉ giống nhau [nhưng khác cá tính] mỗi khi gặp nạn để đối phó với hằng chục, trăm, nghìn kẻ địch cùng một lúc.

Người Trung Quốc chỉ có sáng kiến được đến đó thôi. Nhưng người phương tây [James Gosling] đã dùng ý tưởng hoặc do trùng hợp này để tạo ra ngôn ngữ điện toán Java nhằm thỏa mãn những nhu cầu và đòi hỏi của sự tiến bộ không tưởng về công nghệ phần cứng và còn rất nhiều lý do khác nữa như Trí Tuệ Thông Minh [Artificial Intelligence], etc.
15/05/202321:14:07
Khách
Tựa của bài viết này làm người đọc thấy thiêu thiếu cái gì thì chợt nhớ ra là hầu hết các gia đình người miền bắc thường đệm thêm chữ lót để phân biệt [cu/con] Tí nhà mình hoặc [cu/con]Tí nhà hàng xóm.

Tên đệm thường phải đợi tới lúc đứa bé hé lộ ra đặc điểm [attribute] riêng mới được người trong nhà đặt cho. Thí dụ: Tí móm, sún, lé [kim], mập, gầy, cao, thấp, vều, tẹt [mũi tẹt], dế [thích chơi dế], etc.

Đã viết về cái tên là Tí thì không thể không nhớ tới kênh Bé Tí Show Time trên YouTube để mỗi khi [họa hoằn lắm] có nỗi buồn không tên từ đâu tới và [để khuây khỏa và thay đổi "không khí"] thay vì đọc thơ của tác giả Thanh Mai trong bài "ROBOT OX", đã đăng trên VB trong cột VVNM ngày 20/03/2023, vào xem Bé Tí Show Time khoảng vài phút là nỗi buồn vô cớ bỗng dưng biến mất như có được phép lạ từ ơn trên ban cho.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 118,752
02/06/202300:00:00
Dường như con cái lớn lên khó dạy hơn hồi còn nhỏ. Hồi nhỏ nói gì chúng cũng nghe, bây giờ con ít vâng lời hơn khiến tôi có cảm giác con càng lớn càng khó dạy. Khi con còn trẻ nhỏ, chạy nhảy lung tung, la hét, lục lọi phá phách làm cha mẹ vất vả, nhưng cũng không khổ bằng khi con trưởng thành. Ảnh hưởng của nền văn minh dân chủ đã khiến con cái tự quyết định cho chính mình trong nhiều vấn đề khiến cha mẹ chỉ biết cầu trời. Giáo dục con cái ngày nay thật sự là một vấn đề không dễ dàng.
31/05/202315:00:00
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới về chuyến thăm viếng Florida năm nay của tác giả.
29/05/202310:27:00
Khi còn trẻ, tôi có người bạn đi tu, anh ta học bảy năm trời để thành linh mục. Anh ta nói với tôi, “Với người Công giáo, trong nhà có một người đi tu học làm linh mục là vinh dự, niềm hãnh diện của gia đình. Cha mẹ tôi không ép con cái nhưng thầm mong là điều đương nhiên. Tôi quyết định làm linh mục với hơn nửa phần tự chọn tương lai của mình, non nửa phần vì mong cha mẹ tôi được vui như một sự đền đáp của người con…” Nay ước gì được gặp lại anh ta, gặp linh mục tôi sẽ nói về đời sống Mỹ, “Trong nhà có một người con đi lính, không chỉ tốt cho bản thân người ấy sống có kỷ luật từ đó về sau mà còn tốt cho mọi thành viên trong gia đình về cách sống đơn giản nhưng thực tế của người lính, lối suy nghĩ không ích kỷ vì tinh thần đồng đội của lính rất cao, là nguồn gốc, căn bản hình thành nên nhân cách con người tới suốt đời. Những thành viên trong gia đình không ít thì nhiều đều thay đổi bản thân theo chiều hướng tốt hơn khi suy nghĩ về những thay đổi chín chắn và độ lượng của th
26/05/202300:00:00
Khi nghe bác sĩ nói thay tế bào gốc chúng tôi cùng thắc mắc có phải là tủy thích hợp từ người khác hiến tặng không? Nhưng bác sĩ giải thích là phương pháp mới bây giờ sẽ dùng ngay chính tủy tốt của bệnh nhân để thay vào. Tra Google thấy nói là THAY TẾ BÀO GỐC TỰ THÂN. Nghe ngộ ghê! Bác sĩ cũng nói thêm bệnh nhân phải chịu nhiều phản ứng phụ rất khó chịu vì phải hóa trị một liều thuốc rất mạnh để làm các tế bào xấu lẫn tốt tiêu hết mới đưa tế bào gốc vào. Trong khi đó xác xuất chỉ 70% thành công và khả năng từ 1 đến 7 phần trăm sau này có thể bị vướng 1 loại ung thư máu không chữa được. Còn nếu không thay tủy thì bệnh ung thư của Hoàng sẽ trở lại sớm hơn. Thôi thì cứ chọn thay tủy vậy, 70% là con số cũng lớn mà. Cứ hy vọng đi!
24/05/202310:16:00
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất, về câu chuyện "ai đời mẹ ghẻ lại yêu thương con chồng!"
19/05/202300:00:00
Loài chó là một tạo vật tuyệt vời Thượng Đế đã ban cho con người, nó có một đức tính mà tự cổ chí kim, ai cũng nhận ra là sự trung thành tuyệt đối. Câu chuyện con chó Hachiko ở Nhật Bản đã làm rung động biết bao con tim trên thế giới. Trong 9 năm liền, ngày nào nó cũng đến nhà ga xe lửa nằm chờ chủ nó đi làm về, nhưng ông đã không bao giờ trở về nhà vì cơn đau tim đột ngột, ông chết tại sở làm. Ngày nào cũng vậy, dù mưa rơi, tuyết đổ, hay nắng hè oi bức, Hachiko vẫn kiên nhẫn chờ đợi chủ cho đến khi nó gục chết vì kiệt sức ở sân ga. Người Nhật đã tạc tượng con chó Hachiko như là biểu tượng của sự trung thành.
17/05/202314:19:00
Con Kelly khá nhỏ nhắn xinh xắn, da trắng, nét mặt người Âu. Nó rất khác với những đồng hương của nó, bọn họ thì to bè bự xương, da ngăm đen, nét mặt thô. Có lẽ tổ tiên nhà con Kelly lai hoặc là di cư từ Tây Ban Nha. Những lúc ăn trưa hay những lúc tụ tập đùa giỡn, con Kelly kể chuyện nó vượt biên từ Honduras qua Mexico và rồi theo đường dây nhập cư lậu để vào Cali và sau đó thì sang thành Ất Lăng này. Nó vào hãng này cũng được năm năm rồi, công việc ở xưởng Debug không nặng, chuyên gắn các bộ phận máy điện toán như Hard drive, Memory, Motherboard… Tuy nhiên hai ngón tay cái và cổ tay thì đau nhiều vì phải nhấn và sử dụng nhiều, với lại thời gian kéo dài mười tiếng một ngày. Hôm nó xỉu vì mệt và có thể nó bỏ bữa ăn sáng.
16/05/202309:51:00
Đôi lúc mẹ có cảm tưởng con gái bây giờ là mẹ của mẹ. Con học cao hiểu rộng luôn chỉ huy mẹ chuyện này điều kia, những chuyện mẹ kể ngày xưa con bác ra không cần nghe. Giọng nói con từ từ oai phong và mang âm điệu ra lệnh, mẹ chỉ biết tuân hành và không cần thắc mắc.
12/05/202300:00:00
Chuyện xảy ra cách đây 8 năm, khi đó tiệm Nails của tôi vẫn còn hoạt động, và tôi còn sống ở Augusta. Thành phố Augusta không lớn lắm, nhưng được nhiều người biết đến, vì nơi đó có Master week. Hằng năm, vào đầu tháng tư, từ khắp nơi trên thế giới, các danh thủ golf sẽ đến đây tranh tài để giành danh hiệu Master. Và đây cũng là dịp để mọi người từ các nước đến tham dự. Không phải nói, ai cũng biết Augusta rất tấp nập vào dịp này. Bình thường, tiệm tôi đã đông vào những ngày cuối tuần. Nhưng thứ bảy của tuần lễ Master, thì đông đến… mệt không nghỉ. Cuối ngày, khi tôi vừa với tay định tắt bảng “open”, thì ba người khách bước vào.
09/05/202315:12:00
Bố mẹ tôi là một đôi đũa lệch, không phải ở bề ngoài. Bởi vì bố mẹ tôi rất đẹp người, bố cao ráo đẹp trai, mẹ xinh như người mẫu. Nhưng anh em tôi, sau lưng vẫn gọi bố mẹ tôi là đôi đũa lệch. Khi có quá nhiều xung đột, người ta thường chia tay nhau mỗi người một ngả, tan đàn xẻ nghé, mặc cho con cái lêu bêu. Nhưng bố mẹ tôi thì không bao giờ nói đến chuyện ly dị, hai ông bà vẫn ở với nhau gần 60 năm, dù có nhiều lệch lạc.
Nhạc sĩ Cung Tiến