Hôm nay,  

An Dương

31/03/202300:22:00(Xem: 3015)

An Duong
 
Lời giới thiệu của người viết:

Hàng năm, khi tháng Tư trở lại, người Việt tị nạn lại bâng khuâng nhớ về những khổ hận khi miền Nam sụp đổ. Tuy nhiên, đối với những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, tháng Ba mới là tháng đau thương nhất. Rất nhiều người đã gục ngã trên các tuyến đường rút quân đầy hỗn loạn.

Với bài viết này, người viết xin chia sẻ nỗi đau “tháng Ba lại về” với các chiến sĩ VNCH và dâng lời tạ ơn đến các chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ miền Nam trong suốt hai mươi năm.
 
Thăm Mộ Ở An Dương

An Dương là một làng chài rất nhỏ nằm trên một rẻo cát dài và hẹp, bốn bề là nước. Đứng tại An Dương quay nhìn ra biển thì sau lưng là Đầm Thanh Lam thông với Phá Tam Giang, bên trái là cửa Thuận An, bên phải là cửa Tư Hiền. Thời trước 1975, ngoài dân địa phương thì chỉ có những người lính chiến đã bôn ba khắp miền Trung là biết tới nơi này. Nhỏ xíu, tách biệt, nghèo, và buồn tênh.
 
Tôi chưa từng đến An Dương nhưng đã nghe cái tên đó trong những câu chuyện rất buồn. Đúng hơn, đó là những ký ức đau đớn, khốc liệt đến nỗi người kể vẫn có thể rơi nước mắt, dù họ đã từng dựa lưng cái chết, dù mấy chục năm đã trôi qua. Họ là những quân nhân thuộc Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hoà (TQLC VNCH).

Tháng 3, 1975, vì một lý do cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ, An Dương đã được chọn làm bãi bốc cho Lữ Đoàn 147 TQLC trong cuộc rút quân về Nam.

Trong hai ngày 25 và 26 tháng 3, 1975, khoảng hai ngàn tám trăm quân nhân Mũ Xanh đã tụ tập trên bãi biển An Dương, ngóng đợi tàu đón về Vũng Tàu. Pháo của Cộng quân từ bên kia Phá Tam Giang liên tục nã sang, chuyến tàu đầu tiên chỉ kịp bốc một số thương binh và thi thể của những người tử trận rồi vội vã quay đi. Gần cả Lữ Đoàn còn lại tiếp tục chờ. Đạn dược và thực phẩm sắp cạn, họ ngồi phơi mình trên cát, ngay dưới tầm bắn của địch. Trong vòng vây của giặc thù, giữa trời, nước mênh mông, họ chỉ biết cố gắng che chở cho nhau. Rất nhiều người đã chết.

Tối ngày 27 tháng 3, 1975, mọi liên lạc với cấp trên chấm dứt. Những chiến sĩ TQLC quyết định mở đường máu dọc theo bờ biển để về Nam, nhưng tất cả bị lọt vào tay Cộng quân khi đã chiến đấu đến viên đạn cuối.

Không ai biết rõ bao nhiêu người đã tử nạn ở An Dương, bởi vì sau khi những người sống sót bị tù đày, chẳng ai có thể tìm hiểu về những người đã mất. Nhiều xác đã trôi ra biển, nhiều người đã chôn trong bụng cá, nhưng cũng có hàng trăm xác nằm lại trên bờ. Dân làng An Dương đã thu gom tất cả những xác mặc quần áo lính và chôn họ trong vài hố tập thể lớn ngay trên bờ biển. Sau mấy chục năm sau vật đổi sao dời, các hầm chôn dần phai dấu. Thêm nữa, biển ăn sâu vào trong đất liền, lan đến các hố chôn, cuốn đi một phần xương cốt…

Tháng 7 năm 2010, một phụ nữ quê ở An Dương đã từ Mỹ trở về với số tiền quyên được của những người có lòng ở hải ngoại. Cô cùng người dân địa phương đào các hố chôn cũ lên, gom góp lại được một trăm ba mươi hai bộ xương cùng mười hai tấm thẻ bài rỉ sét rồi đem chôn trên đồi cát cao, quay nhìn ra biển. Lần đó, người dân ở An Dương không những góp công sức mà còn góp tiền vào việc xây mộ.

Tin tức từ mười hai tấm thẻ bài đã được công bố trên nhiều diễn đàn, và trong số đó có năm người đã được gia đình đến nhận sau ba mươi lăm năm lưu lạc. Bảy tấm thẻ bài còn lại đã được trao cho Tổng Hội TQLC VNCH ở Mỹ; sau đó, những kỷ vật quý báu này được tặng cho Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam ở Nam California.

Từ đó đến nay, Tổng Hội TQLC đã trùng tu mộ và nhờ người thăm viếng hàng năm.

Qua những bài viết của các chiến sĩ Mũ Xanh, tôi được biết về ngôi mộ đó và nhủ lòng sẽ tìm về thăm khi có dịp…

                                                            * * *

Nhưng, nếu suy tính kỹ lưỡng, còn khá lâu nữa tôi mới về An Dương.

Đầu tháng 9, 2022, khi nhà trường cho biết tôi không có lớp dạy trong khoá mùa Thu thì mùa mưa bão ở Việt Nam đã bắt đầu. Nếu theo dõi dự báo thời tiết, nếu đắn đo với những “lỡ mà…” thì chắc tôi đã chờ khi khác.

Nhưng tôi vốn thích cái phóng khoáng của những quyết định “bốc đồng”. Được rảnh rỗi thì về Việt Nam thôi. Có nhiều việc muốn làm, nhân thể gặp vài người bạn thân đang ở đó. Thế là chỉ sau vài ngày sắp xếp, vợ chồng tôi lên đường.

Sài Gòn đón chúng tôi bằng những cơn mưa lớn. Tuy vậy, mưa mau tạnh nên đường phố không bị ngập lụt. Một người bạn tặng tôi cái áo mưa, và tôi không ngại ướt ống quần, nên mưa Sài Gòn chẳng làm phiền tôi. Trời ít nắng càng thích hợp để lang thang, và những cơn mưa đã gợi lại niềm bâng khuâng khó tả. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp ngồi trong quán cà phê ngắm mưa rơi mù trời, mới nghe lại tiếng mưa rơi sầm sập trên mái...

Sau đó, tôi lên kế hoạch đi An Dương. Qua sự giới thiệu của các chú trong TQLC, tôi sẽ đến gặp anh L, một thân hữu ở Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng, anh L sẽ cùng chúng tôi đi xe hơi ra Huế rồi đến An Dương, tổng cộng khoảng 120 cây số. Theo chương trình, chiều 28 tháng 9, 2022, tôi bay vào Đà Nẵng và sáng sớm 29 tháng 9, 2022 chuyến đi An Dương sẽ bắt đầu.

Nhưng, mùa mưa bão ở miền Trung khác xa ở Sài Gòn.

Từ vài ngày trước chuyến đi, mọi phương tiện truyền thông đã xôn xao đưa tin về cơn bão Noru rất lớn sắp đổ vào khu duyên hải miền Trung. Bạn bè lo lắng cho chúng tôi nên nhắn tin tới tấp.

Tin 25 tháng 9: chính quyền thành phố Đà Nẵng gửi công điện khẩn yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống cơn bão lớn.

Tin 26 tháng 9: các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài, Phù Cát, Pleiku sẽ tạm ngừng tiếp nhận máy bay từ 12 giờ trưa ngày 27 tháng 9 đến 12 giờ trưa ngày 28 tháng 9.

Tin sáng 27 tháng 9: trước diễn biến khó lường của bão Noru, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quyết định ngưng họp chợ và cho công chức, người lao động nghỉ làm từ trưa 27 tháng 9 để hạn chế ra đường.

Tin chiều 27 tháng 9: chính quyền thành phố Đà Nẵng yêu cầu người dân ở nhà tránh bão. Tuyệt đối không ra đường từ 20 giờ cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Tin cập nhật lúc 19 giờ tối, 27 tháng 9: tâm bão Noru hiện ở ngoài biển Đông, cách đất liền khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 180km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão lên tới cấp 13-14 (134 - 166 km/giờ), sức giật tới cấp 16. Dự báo trong 12 giờ tới, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây, tiến vào đất liền với vận tốc 20 - 25km / giờ.

Như vậy, Đà Nẵng sẽ lãnh trọn cơn bão vào khoảng 3 giờ sáng ngày 28 tháng 9. Người quen ai cũng ái ngại dùm chúng tôi. Ông anh tôi nói thẳng, “Thôi, cô chú đừng đi. Có ai đang yên lành mà đem thân đi vào rốn bão!”

Chúng tôi cũng lo, nhưng vẫn tiếc dịp đến thăm An Dương. Nếu lỡ dịp này thì chẳng biết khi nào chúng tôi mới trở lại Việt Nam. Tôi đã mấy lần định huỷ chuyến bay. Nhưng, anh L, người đang ở ngay tại Đà Nẵng, lại rất bình tĩnh. Trước đêm bão đổ bộ Đà Nẵng, anh vẫn nói chắc nịch, “Theo anh, 80% là bão sẽ qua nhanh, mình sẽ đi được. Cứ theo dõi tình hình tới phút chót, nhé.”

6 giờ sáng ngày 28 tháng 9, tôi gọi anh L, “Đêm qua bão vào có mạnh lắm không anh?” Anh Long đáp, “Anh đang đứng trên sân thượng đây. Mưa tạnh rồi, trong công viên trước nhà chỉ có một ít nhánh cây bị gãy. Xem ra bão đi qua Đà Nẵng nhẹ hơn dự đoán!”

Mở máy tính xem lại thì chuyến bay lúc 2 giờ 30 chiều của chúng tôi là chuyến đầu tiên được phép đáp xuống Đà Nẵng! Thế là chúng tôi đi.

* * *
Chúng tôi ra khỏi phi trường Đà Nẵng lúc 4 giờ chiều ngày 28 tháng 9.

Xe cộ qua lại thưa thớt, khá nhiều cửa hàng còn đóng làm cho Đà Nẵng mang vẻ ngơ ngác của một đứa bé vừa qua cơn bệnh nặng. Nhưng trời Đà Nẵng trong veo, biếc xanh, và cả thành phố đã khô ráo, sáng sủa đến không ngờ.

Khách sạn vắng tanh vì hầu hết mọi người đã huỷ chuyến đi Đà Nẵng, nhưng đêm đầu tiên của chúng tôi ở nơi này rất thoải mái, bình yên.

 Bình minh ngày 29 tháng 9, 2022, trời sáng trong, những tia nắng dịu dàng báo hiệu một ngày tươi đẹp.

Anh L và người em tên T đến đón vợ chồng tôi lúc 6 giờ sáng và bốn người lên đường ngay. Anh L là mối dây liên lạc của Tổng Hội TQLC với ngôi mộ tập thể vì anh có người thân đang sống tại An Dương. Còn T trước đây làm trong ngành du lịch, và đã từng nhiều lần lái xe cho cựu chiến binh Mỹ đi thăm lại những chiến trường xưa từ Đà Nẵng đến sông Bến Hải. Được T chở đi lần này cũng là một duyên may của chúng tôi.

Quốc Lộ 1 ở Việt Nam hiện nay đã được mở rộng với tình trạng khá tốt. Dưới “tay lái lụa” của T, chiếc xe SUV của chúng tôi lướt êm ru, đến Huế lúc mới hơn 8 giờ. Sau khi dừng chân ăn sáng, chúng tôi theo Quốc Lộ 49 đi về phía Bắc, băng qua thành phố Huế, rồi bắt vào Quốc Lộ 49B tiến về phía Biển Đông.

Qua Thuận An, Quốc Lộ 49B rẽ sang hướng Nam, chạy giữa Phá Tam Giang và bờ biển. Thời xa xưa, Phá Tam Giang có tiếng là một vùng nước xoáy hiểm trở, thuyền bè qua đây bị đắm rất nhiều, vì thế phá đã đi vào ca dao bằng những lời não nuột, “Phá Tam Giang ai xây mà có, Thiếp thương chàng biết thuở nào nguôi?” hay “Thương em anh cũng muốn vô, Ngại Truông Nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang.” Thế mà bây giờ phần cuối của Phá Tam Giang nơi chúng tôi đi qua có vẻ không sâu lắm, với làn nước màu rêu đậm, lặng lờ. (Không chỉ nơi này mà các sông, rạch, đầm, phá ở Việt Nam đều có vẻ không được chăm vét đúng cách cho nên nơi nào cũng cạn đi và nhỏ lại.)

Tuy không hùng vĩ như tôi tưởng, Phá Tam Giang vẫn đem lại cho tôi lắm bồi hồi. Ngày tôi còn nhỏ, nơi đây đã trở thành quen thuộc với người dân thị thành qua những lời hát thiết tha“Chiều trên Phá Tam Giang, anh chợt nhớ em…” (1) Bây giờ đi qua đây, tôi thấy thương vô cùng những người lính đã đứng ở nơi này, quay quắt dõi về hậu phương khi chiều buông xuống. Trong tuổi thơ tôi, tôi đã nhiều lần gặp họ trên các nẻo đường. Những người trai rất trẻ, súng đạn oằn lưng, bơ phờ, đen đúa vì đã dầm mưa, dãi nắng trên khắp mọi miền để đẩy lui quân xâm lăng cho đám trẻ thơ chúng tôi được yên ổn học hành…

Đi một lát, Quốc Lộ 49B thu hẹp lại, len lỏi giữa dãy nhà dân và đồi cát cao che khuất bờ biển. Điều đặc biệt là suốt mấy cây số sau đó, trên đồi toàn là những ngôi mộ chạm trổ cầu kỳ, tô vẽ rực rỡ, có những ngôi to như cái lăng nhỏ. Dưới chân đồi, sát mặt đường còn có những ngôi nhà thờ họ bề thế. Những trang trí rồng phượng, hoa lá đủ màu thi nhau khoe vẻ sang trọng và diêm dúa.

Anh L và T giải thích rằng những ngôi làng nhỏ sát biển này có rất nhiều gia đình ngư dân vượt biển tìm tự do vào những thập niên 1970, 1980. Sau khi ăn nên, làm ra ở nước ngoài, họ đã áo gấm về làng, xây lại mộ tổ tiên, và dựng nhà thờ cho dòng tộc. Các đồi cát hoang này không được quy hoạch rõ ràng nên người dân cứ mặc sức kiếm chỗ, khoanh vùng, rồi xây mộ.

Một lát sau, xe chúng tôi tiến vào An Dương. Hiện nay, An Dương là một thôn nhỏ xíu thuộc xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngôi mộ tập thể ở An Dương cũng nằm trên một đồi cát gần biển. Theo chú Long Hồ, Tổng Hội Trưởng Tổng Hội TQLC VNCH 2018-2022, mộ đã được sơn lại một lần nằm 2019. Màu xanh lục đã được chọn để gợi nhớ màu Mũ Xanh xưa. Trước đây, có lẽ ngôi mộ này là một trong vài ngôi mộ nằm rải rác trên đồi cát ở An Dương, nhưng đến nay các đồi đều bị bao phủ bởi vô số mộ lớn, nhỏ. Nơi này không có địa chỉ, cũng không hiện hữu trên bản đồ nên khá khó tìm.

cho an duong
Chợ An Dương (hình trên Youtube)
 
Để tìm ngôi mộ, chúng tôi phải bắt đầu từ điểm mốc là Chợ An Dương, ngôi chợ duy nhất của thôn. Tuy anh L đã đến đây một lần, chúng tôi vẫn không nhìn thấy ngôi chợ bé xíu khi đi ngang qua. Cũng may anh L còn nhớ đường nên đã kịp vòng lại trước khi đi quá xa.

Những người thân của anh L sinh ra và lớn lên ở An Dương, và hiện nay có nhà ngay trước chợ. Tuy nhiên, đa số những người lớn tuổi từng đến thăm mộ đã đi Mỹ định cư, giờ chỉ còn vài người trung niên là có nghe nói lờ mờ về ngôi mộ. Tuy vậy, họ vẫn rất hăng hái dắt chúng tôi đi tìm. Có cả một cậu thanh niên trẻ, thuộc vai cháu trong nhà, cũng đi theo. Những người dẫn đường lái xe máy đi trước, xe hơi của chúng tôi – bỗng nhiên trở thành kềnh càng trên con ngõ quê lồi lõm, nhỏ hẹp -- khập khễnh chạy theo sau.

Bắt đầu từ điểm mốc là chợ An Dương, chúng tôi đi ngược Quốc Lộ 49B về phía Bắc khoảng một trăm mét rồi rẽ phải vào Kiệt 15, đi ra biển. Kiệt 15 là một con ngõ nhỏ xíu, chỉ vừa lọt một chiếc xe hơi. Chỉ có T với tay lái lão luyện, đôi mắt sành sỏi, và sự tự tin của người đầy kinh nghiệm mới chở được chúng tôi qua những ngóc ngách này.

Đi vài trăm mét, chúng tôi rẽ trái vào Kiệt 15/1, là một con đường đất gập ghềnh. Đi thêm một chút thì đường được đổ bê tông nhưng lâu ngày đã loang lổ, chỗ mất chỗ còn. Theo con đường bê tông đi thêm vài trăm mét nữa thì bên trái xuất hiện đồi cát có đầy mộ giống như cảnh đã thấy trên đường đến An Dương. Đỉnh đồi cát khá cao, từ đường nhìn lên chỉ thấy những ngôi mộ nằm la liệt trên sườn đồi, còn các mộ ở đỉnh đồi thì chỉ lấp ló phần chóp mái. Trong những ngôi mộ mà chúng tôi nhìn thấy, không có ngôi nào màu xanh lục.

Đi thêm một chút thì anh L gọi mọi người dừng xe. Đến đây thì những người dẫn đường và anh L bắt đầu bối rối. Khi anh L đến đây vào mấy năm trước, mộ còn rải rác và anh đã dễ dàng nhìn thấy ngôi mộ tập thể lớn, sơn màu xanh ở gần đoạn đầu của đồi cát. Bây giờ, cả một quãng đồi dài bị bao phủ bởi hàng trăm ngôi mộ, ngôi trước che khuất ngôi sau, trông quá khác xưa.

Mọi người chia nhau đi tìm. Trong khi mấy người lớn còn đang loanh quanh ở gần đường, cậu cháu trẻ đã nhanh chân leo lên đỉnh đồi. Sau một lúc đi vòng vèo giữa đám mộ, cậu ta đành cầu cứu người biết rõ hơn về địa thế của khu này. Cậu ấy gọi điện thoại cho ông trưởng thôn An Dương.

Có lẽ ông trưởng thôn đi lên đồi theo một con đường khác, nên chúng tôi không nhìn thấy ông ta. Khi cậu thanh niên reo lên là đã tìm thấy mộ, chúng tôi mừng rỡ trèo lên. Con dốc từ chân đồi lên đến ngôi mộ chỉ khoảng hai trăm mét nhưng phải đi vòng qua nhiều ngôi mộ. Lúc nhìn thấy ngôi mộ lớn màu xanh lục, chúng tôi thở phào. Đúng là đây rồi!

An duong 2
Chụp từ con dốc đi lên. Ngôi mộ màu xanh lục, nằm cách chân đồi khoảng 200m
Trí nhớ của anh L quả là tốt vì ngôi mộ nằm ngay phía trên vị trí đậu xe, nhưng bị các mộ mới che khuất. Tôi nhìn quanh, cố đánh dấu nơi chốn thì thấy đối diện chân đồi nơi xe đậu, bên kia con đường nhỏ, là bức tường dài màu vàng xỉn của một khu nuôi tôm, cá, nghe nói thuộc một trường đại học về thuỷ sản. Xeo xéo chỗ đậu xe có ba bức tường thấp quây quanh một bãi rác nhỏ.
 An duong 3
An duong 4
Toàn cảnh ngôi mộ tập thể
 
Vị nữ lưu xây khu mộ này chắc đã để tâm lập nên một nơi trang nghiêm xứng đáng, vì thế, khu mộ rất rộng. Chiều ngang khu mộ hơn ba mươi mét, chiều sâu khoảng mười lăm mét. Khu mộ được bao quanh bằng một vòng tường thấp sơn màu xanh lục có viền vàng và cam, chính giữa mở thành cổng và có bậc để đi lên. Phía trong tường là sáu ngôi mộ lớn, bốn ngôi nằm phía sau, hai ngôi nằm phía trước bên cạnh cái miếu nhỏ với mái cao và bốn cột đắp rồng phượng. Bên trong miếu là tấm bia lớn màu trắng, khắc chữ đỏ: Thập Loại Cô Hồn Hiển Hách Chi Mộ. Đằng sau miếu, mỗi bên còn có một tấm bia nhỏ hơn, cũng ghi hàng chữ trên. Ở cạnh bốn nấm mộ phía sau còn có mấy tấm bia cá nhân nằm rải rác dọc theo thành mộ.

Chúng tôi vội chạy đến quét dọn và bày lễ vật trước ba tấm bia. Trong sự vui mừng, tôi không nhìn thấy một người đàn ông lạ đang đứng gần đó. Cho đến khi anh L tiến đến bắt tay và giới thiệu ông ta là trưởng thôn, tôi mới chợt lo. Đó là người đại diện của nhà cầm quyền tại đây, không biết ý nghĩ của ông ta ra sao trước những người khách lạ về viếng mộ của những người lính Cộng Hoà. Tôi cúi chào ông ấy rồi tiếp tục cắm hương vì không biết nói gì thêm; ông ta cũng im lặng. Anh L hỏi ông ta có muốn nói vài câu về lai lịch của ngôi mộ, như một gợi ý cho ông ta nhắc đến tấm lòng của người dân An Dương đối với người đã khuất. Nhưng ông ta lắc đầu từ chối rồi bỏ đi. Tôi thở phào nhưng cũng hơi tiếc vì không hỏi được gì về những người đầu tiên đã chôn cất mấy trăm cái xác trên bờ biển. Trong số những người địa phương đã hai lần lập mộ, chắc vẫn còn một vài người sống tại An Dương. Tuy nhiên, nhiều năm đã trôi qua, chắc ít ai muốn khuấy động lại chuyện cũ.

Nhìn theo ông ta đi xuống đồi, tôi chợt hiểu ra rằng người dân quanh vùng rất tin những chuyện tâm linh và có lẽ cũng kính quý những người nằm trong mộ không khác gì tôi. Sau này, tôi còn nghe nói rằng nhiều người dân An Dương tin là các vong linh nơi đây đã phù hộ cho họ ăn nên, làm ra. Ngôi mộ tuy không được thăm viếng thường xuyên nhưng vẫn nằm trong sự che chở tử tế của An Dương. Dù sao, An Dương cũng từng là một phần của đất nước mà những chiến sĩ nằm đây đã đổ máu để gìn giữ, và có lẽ dân trong thôn cũng đã mất đi những người con trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam năm xưa.
Quay lại ngắm nhìn khu mộ, tôi càng thấy cảm tình của dân địa phương dành cho những người đã hy sinh vẫn còn rõ nét. Những người lập mộ đã trân trọng gìn giữ những thông tin nhỏ nhoi mà họ thu nhặt được sau hai lần dâu bể. Năm 1975, có lẽ hầu hết những xác quân nhân trên bờ biển đều có đeo thẻ bài, nhưng đến năm 2010 chỉ còn lại vài tấm thẻ lẫn trong các khúc xương. Những kỷ vật hiếm quý ấy đã được giữ gìn cẩn thận, và những tên tuổi cùng số quân thu được vẫn còn rõ nét trên những tấm bia cá nhân. Có lẽ những người lập mộ vẫn hy vọng có thêm thân nhân đến tìm, hay họ cảm thấy mỗi người nằm đây đều xứng đáng được biết tên.

Tôi đi vòng quanh, đọc từng cái tên, và lặng lòng trong niềm đau xót. Những người nằm đây đã không nhắn được một lời cho những người thân yêu của họ vào giây phút cuối! Mỗi một người đã là con, anh, người yêu, chồng, cha của ai đó. Người thân của họ đã đau đớn biết bao nhiêu? Đã trông chờ, tìm kiếm trong bao lâu? Và bây giờ, cha mẹ họ hầu hết đã khuất, những người vợ đã già, những người con đã lớn. Có ai còn mãi rơi nước mắt khóc thương hay đau đáu tìm tin người mất tích?

Cát An Dương trắng ngà như màu khăn tang cũ trên sáu nấm mộ khổng lồ. Gió nhè nhẹ thổi khói hương bay lãng đãng trong cái tĩnh mịch, buồn.
Đã đến lúc phải đi, nhưng tôi vẫn dùng dằng. Tôi thấy thấm thía câu hát “Rưng rưng tôi chắp tay, nghe hồn khóc đến rướm máu, Quê hương non nước tôi ai gây hận thù, tội tình…” (2). Thương vô cùng mấy trăm thanh niên đã mất đi mạng sống một cách tức tưởi vào những ngày cuối của sứ mệnh bảo vệ miền Nam. Tuổi trẻ và ước mơ của họ giờ chỉ còn là những mảnh xương tàn nơi gió cát.

Cuối cùng chúng tôi cũng chầm chậm bước xuống đồi. Đến xe, tôi mới nhận ra rằng mùi hương trầm đã theo gót chúng tôi cho đến khi cửa xe đóng lại.
Ngày hôm sau, khi chúng tôi đang lên máy bay về Sài Gòn, trời chuyển mưa. Và chỉ một thời gian ngắn sau, bão lớn kéo về làm ngập lụt đường phố, chặn đứng mọi xe cộ ra, vào Đà Nẵng.

Tôi tin rằng những chiến sĩ nằm lại ở An Dương rất mong mọi người nhớ đến họ, và sự việc chúng tôi bất ngờ tìm về đến nơi cũng là do mong muốn của họ mà thành. Có phải họ đã hợp lời xin Trời cho một ngày nắng đẹp hi hữu ngay giữa mùa bão lớn để chúng tôi đi đến nơi, về đến chốn? Có phải họ đã kiếm người đem chúng tôi về để ghi lại đường cho những người khác còn tìm đến?

Cuộc chiến Việt Nam đã cướp đi biết bao thanh niên ưu tú và để lại vô vàn khổ đau cho người thân của họ. Ngọc đã đắm, châu đã chìm, thời gian đã qua. Nhưng lòng nhớ ơn của những người được hưởng tự do và bình an -- đánh đổi bằng xương máu của những người đã nằm xuống, thì nên còn, mãi mãi.

Khôi An

Về tác giả: Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo VVNM.

(1)   Chiều Trên Phá Tam Giang – Nhạc Trần Thiện Thanh, thơ Tô Thuỳ Yên
(2)   Đêm Nguyện Cầu - Nhạc và lời Lê Minh Bằng.
Chợ An Dương: https://www.youtube.com/watch?v=S_xWjQ_b4cA
 

Ý kiến bạn đọc
07/04/202312:48:52
Khách
Ðã đến lúc nguời lính rút lui tại Thuận An phải tìm hiểu tại sao mình bị đưa vào tử lộ tại TA. Khi Tuớng TL QÐ I Tiền Phuơng L Q Thi lên kế hoạch rút quân tại Thuận An, ông biết rõ là muốn đến bãi biển quân lính VNCH phải bơi qua cái đầm, phải bỏ lại xe tăng, súng 155 ly, 105 ly, đạn pháo binh, xe GMC, cấp số đạn cá nhân, đồng nghĩa với phải giải giới Sư đoàn I BB, Thiết Kỵ, và Lữ Ðoàn 147 TQLC. Một anh binh nhất cũng thấy là bơi qua khỏi đầm là mất hết vũ khí, mà Trung Tuớng N Q Truởng lại chấp thuận kế hoạch rút quân Thuận An cho thấy Quân Ðoàn I đã chấp nhận bỏ hết tất cả vũ khí. Ngoài ra các duyên đoàn Hải quân lại đuợc Tuớng Thi ra lệnh bỏ ngỏ Thuận An ngày 21 tháng 3, 4 ngày truớc khi LÐ 147 TQLC đến bờ biển. Như vậy thì kế hoạch bỏ rơi SÐ 1 BB, Chiến đoàn Thiết Kỵ, và LÐ 147 TQLC là do kế hoạch cố ý thua để thấu cáy Mỹ của VNCH, không ngờ Mỹ làm ngơ thành ra thấu cáy giúp phía CS chiến thắng. Phiá CS không giỏi, họ thắng vì lãnh tụ VNCH tính sai nuớc cờ. Trong cờ tuớng, hai con xe rất quan trọng mà làm mất hai con xe trong phút đầu thì phải thua. Hai sư đoàn Tổng Trừ Bị là hai con xe trong cờ tuớng, con xe TQLC mất tại QK I, con xe thứ nhì là SÐ Dù bị xé nhỏ đưa ra Khánh Duơng và Phan Rang chống lại 1 quân đoàn CS thì con xe Dù phải mất. Mất hai con xe là thua bàn cờ.
05/04/202313:08:40
Khách
Hai sư đoàn thiện chiến có quân số lớn nhất trong QL VNCH là Sư đoàn I BB (15 ngàn) và SÐ TQLC (16 ngàn) mà không giao tranh, bị tan rã chỉ vì bị gài vào tử địa. Họ phải bỏ hết tăng, pháo, súng đạn để băng qua đầm Cầu Hai truớc khi đến Thuận An. Phải đọc các tài liệu gần đây của các sĩ quan Hải Quân VNCH tham dự di tản, của Stephen Young về ke hoach Kissinger phản bội VNCH, của Trần Lý về Mỹ âm mưu dàn cảnh đảo chánh để thay Tổng Thống rồi đầu hàng mới thấy quân VNCH bị gài bẫy hay bị chơi trò thấu cáy để thua trận nhanh chóng. Phiá CS đuợc ta dâng cỗ lên mâm xơi nên CSVN tự cao tự đại tuởng là mình giỏi.
04/04/202313:34:02
Khách
Tướng Ngô Quang Trưởng bị ông Thiệu điều về Sàigòn bó chân. Ông Thiệu không hiểu chính trường Hoa Kỳ, chơi tháo cáy muốn viện trợ nhiều hơn vì bị cắt từ ~1 tỷ xuống còn 100 triệu dollar nên cho rút quân bằng cách điều các tướng miền Trung về Sàigòn. Hạ viện do các dân biểu bầu tài chánh. Ngay cả Thượng viện cũng chỉ được bầu YES/NO chứ không có quyền nói Hạ Viện thêm bớt chi tiêu. Dân biểu bầu theo nguyện vọng của người dân Mỹ. Khi đó các phong trào phản chiến nổ ra khắp nơi trên đất Mỹ do đó mà Hạ Viện phải bỏ phiếu giảm viện trợ. Ông Thiệu cứ nghĩ là do TT quyết định. Cho tới nay nhiều người VN vẫn không hiểu chính trường Hoa Kỳ nên cứ nói Nixon và Kissinger bán VN cho Tàu. Họ vẫn chưa hiểu chỉ có Hạ Viện Mỹ mới được quyền quyết định ngân sách. Hành pháp, Tư Pháp hay Thượng Viện không có quyền viết ngân sách.
04/04/202313:16:39
Khách
Có bao giờ người CS tự hỏi tại sao mọi người sợ hãi, ngay cả phải bỏ con mình, phải trốn chạy chúng như vậy không? Hay là chỉ lo vơ vét, cướp bóc tiền bạc, của cải của dân lành?
Bạn về VN được nhưng tôi thì bị chúng cấm từ 25 năm trước đây vì tôi thuộc nhóm của Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Trương Quốc Huy lên đài BBC viết chống đối bọn bồi bút của chúng. Chúng tung tin lả BBC giả tên Tuấn Khoa để viết chống chúng. Đài BBC xin tôi cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn tôi phải nói tên thật vì không có ai tên Tuấn Khoa làm cho Boeing support NASA cả.
03/04/202321:04:14
Khách
Trong hồi ký "Tháng Ba Gãy Súng" Tr/U TQLC Cao Xuân Huy kể lại những caí chết anh hùng của binh sĩ TQLC tại Thuận An mà ngay ca? những phim ảnh hào hùng của hai trận thế chiến cũng không có. Khi rút chạy vì hết đạn, nhiều toán lính nắm tay thành vòng tròn hô 1, 2, 3, rồi nổ lựu đạn tự sát vì không muốn bị VC bắt. Có một sư đoàn bách chiến bách thắng với 16 ngàn quân anh hùng thà chết không chịu đầu hàng mà quân đội các nuớc khác không bì kịp mà các ông tuớng lãnh đạo lại để tan rã trong 5 ngày thật là uổng.
03/04/202315:13:11
Khách
Sự tan rã của LÐ 147 TQLC, và sau đó của cả SÐ TQLC với 16 ngàn đến Quảng Trị trở về chỉ còn 4 ngàn, mất hết đại pháo chiến xa mà không có giao tranh lớn làm ngạc nhiên hàng ngũ sĩ quan TQLC và đặt nhiều nghi vấn có sự dàn xếp thua trận của cấp trên. Các tài liệu trích dẫn sau đây.
Theo Tr/U TQLC Cao Xuân Huy tác giả Tháng ba Gãy Súng: "Ngày 26 tháng Ba là ngày nguời cày có ruộng, mà cũng là ngày một lữ đoàn TQLC bị một đại đội du kích bắt sống, ... chuyện không tuởng tuợng nổi nhưng có thật". Tr/U Huy viết là ai đó cố ý trì hoãn không cho HQ 801 vào đón LÐ 147 TQLC ngày 25-3-75 mà đợi đến ngày hôm sau cho VC có thì giờ kéo đến vay đánh. Sau này thì các sĩ quan Hải Quân trên các chiến hạm đến cứu vớt quân VNCH tại Thuận An cũng chỉ trích cấp chỉ huy VNCH "đem con bỏ chợ" (Ðặng Tiến, HQ 801, Nổi Buồn Di Tản). Theo Ðiệp Mỹ Linh thì Tr T tuớng Thi ra lệnh bỏ ngõ rút tất cả duyên đoàn xung kích ra khỏi Thuận An quá sớm từ ngày 21 tháng 3, nên TQLC bị VC bao vây từ các làng chung quanh khi đến bãi Thuận An. Theo Vũ Ngọc Văn, HQ 11. "Mọi người hiện diện trên đài chỉ huy đều ngỡ ngàng vì không ngờ tướng Ngô Quang Trưởng lại để Quân Khu I thất thủ nhanh chóng đến như thế." Theo tài liệu về cuộc rút lui của TQLC tai Thuận An của Y sĩ TQLC Phạm Vũ Bằng, thì tháng 3/75 ai đó ra lệnh cho quân VNCH phá sập cầu Truồi trên QL 1 để quân VNCH phải rút lui đuờng biển. Ngày 26 tháng 3 phi truờng Ðà Nẵng vẫn còn hoạt động mà không có máy bay yểm trợ cho 10 ngàn quân VNCH hầu như không có vũ khí (vì phải bỏ lại khi băng qua đầm) đang bị du kích tấn công, nhưng lại có máy bay A37 bay ra biển tấn công tàu HQ 14. Theo Vũ Quốc Công, Cơ Xuởng hạm HQ 802 di tản quân VNCH tai QK I:
"- Quân lệnh lại bất nhất. Lúc thế này, lúc thế khác. Khuya ra lệnh tử thủ, sáng ra lệnh triệt thoái, trưa lại ban lệnh tử thủ. Quân lệnh lăng nhăng như thế làm cho tướng biên khu điên đầu, đại quân rối loạn.
- Cuộc triệt binh này đang thất bại thê thảm. Có lẽ sẽ còn tệ hơn vụ đường số 7 của Quân Ðoàn II . Theo dõi trên hệ thống truyền tin, tôi biết cuộc lui binh ở Vùng Bắc, ở Thuận An, thất bại hoàn toàn. Hải Quân chỉ mới đón được một phần nhỏ Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) thuộc Lữ Ðoàn 258. Sư Ðoàn 1 tan rã, Sư Ðoàn 3 chỉ chạy được 1 trung đoàn về Hội An. Hải Quân bị thiệt hại nhẹ. Mãy ông Không Quân đui, khi không vác bom ra dội lên các chiến hạm. HQ-14 bị loại ra khỏi vòng chiến, hơn 20 lính mình chết, chưa kể số bị thương. Ðó chính là hậu quả của sụ thiếu thiết kế, trù hoạch và phối hợp giữa 3 quân chủng Hải-Lục-Không Quân Một. Tổng Tư Lệnh ngồi trong Dinh Ðộc Lập: Thủ. Rút. Thủ. Các tướng biên khu thi hành không kịp trỏ tay, chẳng có được một ngày để trù hoạch.."
03/04/202309:39:58
Khách
Bài viết của tác giả và những ý kiến đóng góp của độc giả rất hay. Cám ơn VB đã không kiểm duyệt.
01/04/202314:00:38
Khách
Người lính già đã 82 xin gửi lời cám ơn đến tuổi trẻ Khôi An đã thực hiện một chuyến "hành hương" về An Dương, Thuận An để viếng "Thập Loại Cô Hồn HIỂN HÁCH Chi Mộ", những bộ xương đã nắm tại đây hơn 48 năm rồi.
Những anh linh không trở về với gia đình mà cùng chung một nấm mồ như khi xưa chiến đấu cùng chung một hầm một hố.
Trước Khôi An đã có bà Tố Thuận, cư dân An Dương, từ USA về tiếp tay cùng đồng bào An Dương gom góp những mảnh xương tạo lên một nấm mồ cho các chiến sĩ vô danh.
Trước Khôi An đã có bà quả phụ Quách Xuân Hương từ San Diego, hai lần về An Dương để góp công tu bổ nấm mộ.
Nay Khôi An, một tuổi trẻ, khi xảy ra đại nạn An Dương thì có lẽ Khôi An chưa biêt đi, đã vượt doan5duong972 dài San Jose về Thuận An thì quả thật an ùi cho các cha chú đả chết "vì nước".
Năm ấy 3/1975, đứng giữa biến nước mênh mông, trước mặt là Biển Đông, hai bên phải trái, sau lưng là Phá Tam Giang, đầm Hà Trung mà ?chết khát"! Chết khát vì không có nước uống rồi chết "vì nước" thì quả thật là một điều khó hiểu đối với tuồi trè Khôi An cũng như khó hiểu đối với những người cầm súng luc bấy giờ.
Đa tạ tấm lòng nhân bản:
Cô Khôi An.
Bà Quách Xuân Hương.
Bà Tố Thuận
Đồng bào thôn An Dương, sống dưới chế độ mới, XHCN đã không ngần ngại tặng cho những người lính VNCH đã hy sinh 2 chữ "HIỂN HÁCH" (Thập Loại Cô Hồn Hiển Hách Chi Mộ".
kinh
Anh ruột của Đại Uý Tô Thanh Chiêu tử trân chiều 26/3/1975 và đang nắm dưới "Hiển hách Chi Mộ"
01/04/202313:33:57
Khách
Tôi cũng rất mê nghe bài: "Chiều trên Phá Tam Giang" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Đọc bài này lại nhớ "Sài Gòn 11 giờ giới nghiêm" và nhạc sĩ Nhật Trường. Ông là bạn thân của ông anh tôi. Chiều chủ Nhật thường tới nhà ông anh họ nhậu và đàn hát tới khuya. Bố tôi thường buồn vì các anh tôi đều từ chối du học để gia nhập quân đội VNCH. Nếu cuộc chiến kéo dài thêm 2 năm thì có lẽ tôi cũng nhập ngũ như các anh tôi và cũng có thể tử nạn như anh tôi hay các chiến sĩ của Lữ Đoàn 147 TQLC ở An Dương.
Thượng đế còn chút công bằng cho bố tôi có một người con trai qua Hoa Kỳ học xong như tôi.
01/04/202313:24:14
Khách
sao tôi gửi góp ý về bài viết này mà không thấy xuất hiện
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 465,508
31/12/202308:17:00
Tối hôm qua, khi đang ngồi bình yên tịnh tâm thì KV nghe tiếng đùng đùng đùng kéo dài liên tục phía dưới lầu, làm thất kinh hết cả hồn vía. Chẳng lẽ năng lượng xuống mạnh quá, tạo ra lực xoắn ốc như trong phim Mai-Ca Từ Trên Trời Rơi Xuống hồi bé được coi, làm những thứ xung quanh bị cuốn hút bay theo, tạo nên tiếng động? KV ráng bình tỉnh hít thở, vuốt mắt, ra khỏi tình trạng bình yên và từ từ bò… xuống nhà để mau kiểm tra xem chuyện gì đã xảy ra. Đi cùng khắp tìm nguồn gốc của tiếng động kinh khủng lúc nãy, từ ngoài cửa vô bếp, qua tất cả các phòng - không thấy dấu vết gì là bất thường. Lạ thật! Mình ngồi bình yên và rất tỉnh chứ đâu có ngủ gục và nằm mơ! Tiếng động rõ ràng như cái gì đó sụp xuống kia mà?!
29/12/202300:00:00
Lão Tư Lì năm nay bước vào tuổi tám mươi. Đời lão lắm gian truân, nhưng cũng có nhiều may mắn. Sau ngày 30-4-1975, đời lão đã “tàn trong ngõ hẹp” - tưởng rằng lão đã bỏ thây trên núi rừng Việt Bắc trong những ngày bị lưu đày trong các trại “tập trung cải tạo” của cộng sản. Nhưng lão đã trở về sau bảy năm lao lý. Lão trở về với tấm thân gầy guộc, ngoài vợ và hai đứa con thơ, lão chẳng còn gì! Nhưng lão phải sống để đền đáp cái ân tình của người vợ thủy chung đã đợi chờ cho đến ngày lão ra tù, để cùng nàng nuôi dạy hai đứa con thơ. Lão đã trải qua những ngày cơ cực, bươn chải kiếm sống, nuôi con như những ngưởi cùng khổ nhất trong xã hội lúc bấy giờ.
25/12/202300:00:00
Đang gói các món quà và viết card chúc Giáng sinh, năm mới. Chồng tôi bước xuống chợt nhắc: - Nấu bún bò cho Boss Kyle nữa. - Dĩ nhiên mà, đang tính ngày mai đi chợ mua các thứ nấu đây.
24/12/202313:31:00
Janet, con bé xinh như thiên thần nhỏ. Lúc nào nhìn thấy nụ cười trên môi của nó, ông cũng liên tưởng đến đóa Hướng dương dưới ánh mặt trời. Ông công kênh nó trên vai. Bàn tay thô ráp của ông nắm chặt lấy bàn tay nhỏ xíu. Ông ca vang bài Cây Thùy dương và nó bị bô hát theo. Chao ơi, cái giọng ngọng nghịu đớt đất ấy nghe cưng làm sao đâu. — Thế ông có muốn nhắn gì với cô ấy không?
23/12/202320:06:00
Giáng sinh này của họ, hai người đàn ông đưa nhau về vùng biển ấm nào đó trên địa cầu để hưởng tuần trăng mật khi người vai chồng đã qua thời kỳ phong độ nhất của một gã đẹp trai, người vai vợ đã bạc đầu, lù mù cái kính lão dắt chó đi ngoài, xăm xoi hàng xóm xem có cần gọi cảnh sát hay không? Hạnh phúc trong lòng người nhưng con người cứ đi tìm hạnh phúc nên khổ đau tiếp diễn không hồi kết.
22/12/202300:00:00
Tôi nắn nót từng nét chữ vụng về trên chiếc Christmas card chúc mẹ thật nhiều sức khỏe, thật nhiều niềm vui bên những người bạn thân yêu của mẹ trong ngày Giáng Sinh; cẩn thận xếp tấm card với tất cả lòng yêu thương gởi gấm đến mẹ, bỏ vào bao thơ, dán lại, gởi bưu điện ngay chứ không thì sẽ không kịp ngày, Giáng Sinh chỉ còn vỏn vẹn mười ngày nữa thôi. Năm nay tôi lại không có mặt bên mẹ, chắc mẹ sẽ buồn và thất vọng lắm, nhưng tôi không thể nào làm khác hơn! Từ khi mới sinh, tôi vẫn quen với tấm hình duy nhất của người đàn ông trên bàn thờ mặc bộ đồ lính VNCH rất oai hùng, với một bông mai bạc gắn trên vai áo. Lớn một chút, tôi mới hiểu đó là bố tôi đã từng đi lính VNCH để bảo vệ tổ quốc, sau đó khi miền Nam bị cưỡng chiếm, bố bị đi “học tập cải tạo” 6 năm; khi được thả về, bố vượt biên đến bốn năm lần mới qua được Pulau Bidong; gặp mẹ trên đảo, hai người yêu nhau, rồi sang Mỹ làm đám cưới, khi bố đã hơn 40 tuổi.
22/12/202300:00:00
Người Mỹ có bài nhạc với tựa đề “It’s the most wonderful time of the year”, tạm dịch là “Thời gian tuyệt vời nhất trong năm”, để nói về lễ Giáng sinh. Không chỉ riêng gì nước Mỹ hay các nước phương Tây mới công nhận mùa lễ Giáng sinh là thời điểm tuyệt vời nhất của một năm mà các nước ở châu Á như Việt Nam cũng xem lễ Giáng sinh là một trong những ngày hội lớn nhất trong một năm. Ở các nước phương Tây, người ta, nhất là trẻ em, háo hức chờ lễ Giáng sinh vì đây là dịp để tặng quà cho nhau. Ở Việt Nam sau 1975, trong thời bao cấp, vì nghèo đói, người ta không tặng quà cho nhau nhưng không vì thế mà lễ Giáng sinh mất đi sự kỳ diệu.
19/12/202311:18:10
Mùa Đông đang đến sau vài cơn mưa nhỏ, những hàng cây vàng lá hai bên đường bắt đầu trơ trụi. Thảm cỏ xanh nhà hàng xóm đã không còn xanh tươi, lác đác có những chiếc lá vàng cuối cùng từ cây phong trồng phía trước bay bay theo gió rồi nhẹ nhàng đáp xuống sân nhà.
19/12/202311:16:11
Những ưu tư, những uẩn khúc chất chứa trong lòng, không biết chia sẻ với ai, nhờ diễn đàn Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo mình đưa tâm tình lên trang mạng, cho nhẹ bớt trong lòng, chưa khi nào mơ tới chuyện giải thưởng. Rồi nhận được Email báo tin của chị Hằng, kèm theo giấy mời tham dự buổi lễ phát thưởng viết về nước Mỹ năm 2023 tại Nam Cali, tôi run lên, một cảm giác không tả được, tắt computer đứng dậy, đi một vòng ra sân hít thở, để cho tinh thần tỉnh táo, vô lại, mở máy, lên mạng, đọc đi, đọc lại trang thư mà chị Hằng gửi, lúc này nhịp đập tim ổn định, tôi gọi ông xã nhà tôi vô đọc Email. Ông cũng sửng sốt nói: – Ui chao! Có thiệt gửi cho bà không?
18/12/202313:24:00
Tháng Mười Hai lại đến, năm nay tuyết đổ thưa thớt vài trận, không như bên Wichita Kansas bà chị của Thảo nói rằng tuyết đã ngập đầy đường. Sáng nay Thảo đi bộ ra thùng thư đầu xóm, đi ngang qua nhà John đã thấy cây Giáng Sinh thật cao ngay cửa sổ, đèn xanh đỏ tím vàng nhấp nháy, đúng lúc John mở cửa để đi ra check thư. Thảo vui vẻ: – Trời, nhà tôi quá bận rộn đủ thứ chuyện, chưa kịp dựng cây Giáng Sinh mà bên nhà anh đã có vẻ sẵn sàng mọi thứ rồi nhỉ, cây Giáng Sinh đẹp quá. John thật thà: – Chị biết rồi đấy, chúng tôi Đạo Hồi, chỉ có lễ Ramadan, đâu có thờ Chúa, cũng chẳng mừng Lễ Noel, nhưng tuần rồi chúng tôi đưa Jimmy đi shopping, cháu thích cây Giáng Sinh và Hang Đá trưng bày ở tiệm shopping, thế là cháu đòi mua về, chúng tôi cũng chiều cho cháu vui. – Ôi, dễ thương làm sao. Mà trời còn sáng mà anh đã để đèn nhấp nháy rồi, tốn điện lắm á. – Cũng vì Jimmy chị ơi! Cháu say mê ngắm cây Giáng Sinh, mà phải có đèn mới chịu. Lúc đầu chúng tôi chưa biết ý ch