Hôm nay,  

Ném Con Cho Giông Tố

22/10/201100:00:00(Xem: 258617)

Ném Con Cho Giông Tố

Tác giả: Khôi An

Bài số 3389-12-28599vb7102211

Tác giả đã 2 lần liên tiếp nhận giải Viết Về Nước Mỹ: Năm 2009, giải danh dự, với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình" và Giải Tác Phẩm Trong Năm 2010, với bài “Việc Làm Ơi, Mi Đi Đâu"” Đến Hoa Kỳ năm 1984, Khôi An hiện là cư dân Bắc California. Nghề nghiệp: kỹ sư điện tử tại công ty Intel. Tựa đề bài viết mới của cô là tên một ca khúc Trần Dạ Từ do ca sĩ Quang Tuấn hát trong buổi họp mặt phát giải thưởng ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ năm thứ XI, 2011.

***

Từ khá lâu nay tôi nghĩ rằng chuyện vượt biển đã trở thành chuyện cũ.

Đã hơn ba mươi năm rồi còn gì…

Ngay sau tháng 4/1975, khi miền Nam bị cưỡng chiếm, đã có người trốn đi bằng đường rừng, đường biển. Tuy vậy, mãi đến cuối năm 1978 thì phong trào vượt biển mới lan rộng và sau đó bùng lên như ngọn lửa không còn ém nhẹm hay dập tắt nổi.

Ngày đó cả Sài gòn điêu tàn. Trừ các gia đình cán bộ, những căn nhà thường vắng bóng người lớn. Trong đó lũ trẻ con chúng tôi xao xác như bầy chim vỡ tổ. Những con chim non chưa đủ lông cánh run rẩy bám víu vào nhau trong khi cha mẹ bị tù đày hay biền biệt kiếm ăn. Nhiều buổi tan trường không muốn về nhà nơi vắng cha mẹ, vắng ánh đèn, và có khi vắng cả bữa cơm, chúng tôi ngồi bệt trên hè trước cửa trường tâm sự với nhau. Chúng tôi chỉ nhau học, chia nhau kinh nghiệm xếp hàng mua gạo, mua nhu yếu phẩm, và thầm thì chia sẻ cả những lo lắng, thắc mắc của những bé gái sắp bước vào tuổi dậy thì. Chúng tôi lớn lên bên nhau như cây cỏ thiếu người chăm sóc. Năm lớp mười, tôi nhỏ bé, dại dột nhưng được cái ngoan ngoãn, siêng năng nên bị giao cho làm trưởng lớp. Nhiệm vụ chính của tôi là chuẩn bị bảng, phấn cho thầy cô và điểm danh hàng ngày. Danh sách lớp có hơn năm mươi học sinh, nhưng từ ngày tựu trường đã có nhiều người không đến. Dù mọi người xầm xì rằng những bạn đó 'đi' rồi, tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi... Sau hơn hai tuần lễ tôi mới tần ngần dùng thước gạch ngang tên từng người vắng mặt. Vì nhân duyên, lớp tôi là nơi tập trung nhiều'phần tử phản động' nhất khối. Giờ học chính trị thì ai cũng ngồi im trố mắt nhìn 'cán bộ giảng dạy', không chịu đóng góp ý kiến và cứ vài tuần lại có một người biến mất. Tội nghiệp, bọn trẻ chúng tôi nói với nhau đủ thứ nhưng có một chuyện chúng tôi hầu như không dám kể cho nhau - chuyện vượt biên. Vượt biên là hy sinh hết của cải còn xót lại, buông chút bám víu cuối cùng với căn nhà cũ, là đánh ván bài giữa tự do và chết mất xác trên biển, giữa trốn thoát và tù đày. Từ năm 1978, nhiều gia đình gom góp hết tài sản còn dấu được sau mấy lần kiểm kê rồi tổ chức đường vượt biên. Ngoài phần trang trải cho chiếc tàu cũ, máy móc chắp nối, phần lớn số tiền bỏ ra là đút lót cho công an để 'mua bãi'. Người ta rỉ tai nhau về những chuyến đi 'bán chính thức' đang rộ lên. Thật ra đó chỉ là công an nhận tiền rồi làm ngơ cho những con tàu nhỏ bé ra khơi. Lúc đầu các nhóm tổ chức còn có chút chuẩn bị, càng về sau người ta càng bị bóc lột tới kiệt quệ và hàng trăm con người trốn đi trên những chiếc ghe nhỏ xíu, không có kinh nghiệm đi biển, không có chiếc radio nhỏ để nghe tin khí tượng, và có khi không có tới một cái la bàn. Những chiếc ghe tồi tàn chở đầy người lao vào biển cả, ngơ ngác làm mồi cho giông bão, cho đám hải tặc Thái Lan.

Rồi phong trào đi bán chính thức tàn nhanh. Trong nước thì công an ăn chia không đều, đấu đá nhau, ở ngoài thì thế giới lên án chính quyền Việt Nam thu tiền rồi đẩy dân ra biển. Thế là vượt biên trở tội 'phản quốc'. Dù trong đám bạn thân cũng không ai dám nhắc tới, lỡ lộ ra là khốn khổ cả gia đình và tan nát đường giây tổ chức. Hơn nữa, ngay chính người tổ chức cũng không biết trước ngày ra đi, vì vậy ngày đó người Sài gòn cũ sống không có ngày mai, lúc nào cũng bàng bạc cảm giác chán chường, chia xa, mất mát. Bạn thân nhất của tôi khi tan học còn hẹn tối gặp lại, chỉ nửa tiếng sau chạy lại nhà tôi, mồ hôi nhễ nhại, thở hồng hộc

“Tôi đi vượt biên!”

Tôi lặng người “Đi bây giờ sao"”

“Ừ…”

“….Đi bình an…Mà đừng quên tôi nghe!”

Thế đó. Ngắn ngủn. Thảng thốt. Rồi xa nhau.

Khó mà diễn tả được cái hoảng loạn, bi thảm thời đó. Đ, người bạn học giỏi nhất lớp bên cạnh là con của cô giáo tôi. Ba của Đ dạy thêm toán cho chúng tôi tại nhà. Một ngày kia Đ không đến lớp và chúng tôi chỉ nghe thì thầm là Đ và thầy đã mất tích trên biển. Vậy mà cô vẫn phải hàng ngày đi dạy, làm như không có chuyện gì xảy ra. Cho tới giờ, lòng tôi vẫn thắt lại khi nghĩ tới sự chịu đựng và lòng can đảm của những người mẹ, người vợ Việt Nam thời đó.

Cô gái Việt Nam ơi

Nếu chữ hy sinh có ở đời

Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực

Cho lòng cô gái Việt Nam tươi (*)

Nhưng ai đã sống qua thời đại đó sẽ hiểu rằng vàng, kim cương hay tất cả mọi thứ quý giá trên đời sẽ không bao giờ làm tươi lại nỗi lòng của cô giáo tôi và muôn ngàn người đàn bà Viêt Nam đã gạt nước mắt tiễn chồng con ra biển, dồn hết của cải, tình thương, hy vọng vào một canh bạc định mệnh. Và thua.

Nhưng chế độ tham tàn và cuộc sống vô vọng chắc còn đáng sợ hơn cái chết nên người ta vẫn ra đi Chết nhiều lắm, thầy cô tôi, bạn tôi, họ hàng của tôi Cả gia đình sáu người cuả cô giáo tôi chết. Hai người bạn trong lớp tôi, vua phá lưới cuả khối, cũng chết.

Trang, cô bạn mặt tròn phúc hậu, mất tích. Anh thầy dạy đàn guitar , bạn học cuả chị tôi, cũng mất tích. Mẹ anh nhắn tin khắp nơi và mãi mấy năm sau bà vẫn đi tìm. Bà tìm ngoài đời, bà đi tìm ở cả cõi âm với hy vọng là không thấy con bà ở đó. Tôi không quên được ánh mắt loé chút hy vọng cuả bà khi bước ra khỏi nhà của bà thầy bói, của cô đồng cốt gọi hồn. Ai dám trách sự níu kéo trong tuyệt vọng của tấm lòng người mẹ"

Tôi rời Sài gòn cũng bất ngờ. Hôm đó tôi vưà thi xong bài Vật Lý cuối khoá. Mẹ tôi chờ ở cửa trường, dúi vào tay tôi cái giỏ xách, bảo “Đi!”

Ánh mắt sững sờ của tôi làm cho hai cô bạn thân, Tường Vân và Hạnh Phúc, hiểu…Cả ba chúng tôi lặng lẽ đạp theo mẹ tôi tới bến xe đò. Gần tới nơi, Tường Vân nhìn quanh rồi nói “Thôi đi may mắn nha. Đi bình yên được thì đi, không thì ráng an toàn mà trở về học với Vân, với Phúc ” Nghẹn ngào, tôi quay đi. Tôi chưa về chào Bố, chưa về gặp chị, gặp em. Tôi băn khoăn không biết tối nay ai lau gác cho cả nhà ngủ, không biết chị tôi có buồn vì tôi đi mà không kịp cởi trả cái áo xoa hồng chị đã tỉ mỉ thêu trước ngực hay không. Tôi gặp cô em ngay cửa xe đò, chúng tôi làm mặt tỉnh, lên xe. Tôi ngóng cổ nhìn qua cưả kính nơi mẹ tôi đứng ngó trân về phía chúng tôi. Tôi thầm nhủ cố nhìn đi, cố nhớ đi, hình ảnh Mẹ với mái tóc kẹp thân thương, với chiếc áo xa tanh hoa cam bóng lên trong ánh nắng vàng vọt của buổi chiều nơi bến xe đi miền Tây.

Đã hơn hai mươi năm.

Thời đó những người Việt đặt chân lên đất nước Mỹ đều nhớ rằng mình may mắn. May mắn thắng ván bài sống chết trên biển, may mắn được vào miền đất đầy cơ hội. Vì thế hầu hết mọi người đều cố gắng hết mình để xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của gia đình còn ở lại. Nhân viên người Việt chịu khó, học sinh, sinh viên Việt học chăm, học giỏi, sinh viên Việt tìm được việc làm tốt. Thành tích học sinh Việt Nam sáng rỡ khắp nơi…Được thầy yêu bạn quý cũng nhiều, nhưng thân phận tỵ nạn cũng không phải là không cay đắng. Khi viết đơn xin chuyển từ community college lên đại học, ai cũng phải làm một bài văn về mình. Lần đó, có một người bạn người Hoa nói với tôi “Cô sẽ viết về kinh nghiệm vượt biển, phải không" Cô chỉ cần dùng cái 'bùa' đó là người ta thương hại, cho vô trường tốt.” Lúc đó tôi hiền và nhát nên chỉ nói “Thành tích là quan trọng nhất…” mà trong lòng không hiểu là cô ta mỉa mai hay chỉ đơn giản là kém hiểu biết.

Lần khác, khi tôi đã đi làm, trong một lần đề cập tới cướp biển, một nam nhân viên, cũng người Hoa, đã hỏi tôi “Cướp Thái Lan có làm gì cô không mà cô ghét nó thế"”

Tôi đã trố mắt nhìn anh ta trong một cảm giác vừa giận dữ vừa xấu hổ. Ngày đó tôi chưa thấu hiểu được tinh thần bác ái của nền văn minh Tây phương: nạn nhân không bao giờ có lỗi, không bao giờ phải xấu hổ. Ngày đó, tôi quan niệm con gái Á đông như tôi mà bị người ta nghi ngờ mình bị xâm phạm là một điều xỉ nhục. Ngày đó tôi chỉ đủ sức nghiêm mặt trả lời “Tôi may mắn. Chúng không làm gì tôi nhưng tôi ghét chúng như ghét tất cả bọn cướp của giết người trên thế giới.” Lúc đó tôi ước ánh mắt nhìn của tôi có thể đâm xuyên qua cái vô ý thức, có thể làm cho con người đó đau như tôi. Tôi đau đớn cho dân tộc tôi không sống được trên quê hương, phải liều mạng ra đi, cậy nhờ vào sự nhân đạo cuả thế giới. Tôi tủi hổ cho mọi cô gái Việt, trong đó có tôi. Rồi lại bùi ngùi nhớ câu Nếu chữ hy sinh có ở đời…

Mấy chục năm sau, người dân tôi không còn đi bằng đường biển, không còn bị hải tặc bắt. Nhưng tại rất nhiều nước trên thế giới, những cô gái Việt Nam vẫn xuất hiện trong những hoàn cảnh khốn cùng.

Tuy vậy, tôi ít nhắc tới những chuyện đó. Chuyện đau khổ cuả người dân Việt trở thành một nỗi đau mà càng ngày tôi càng thấy nó rất riêng. Ngay cả người đồng hương của tôi trên đất Mỹ, cũng có rất nhiều người nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lùng, đôi khi gần như thương hại một kẻ “lạc hậu” khi tôi nhắc tới cảnh khốn khổ cuả người nghèo ở đằng sau cái hào nhoáng, ăn chơi của các thành phố lớn ở Việt Nam.

Những chuyện làm tôi khắc khoải nhất, những điều làm tôi đau đớn nhất đều được dấu vào một góc riêng sâu thẳm trong hồn, nơi chỉ có mình tôi thỉnh thoảng vào, thỉnh thoảng rơi nước mắt. Và tôi tự thuyết phục rằng chuyện vượt biển đã thành chuyện cũ. Cho đến khi tôi nghe

“Giông tố ngoài khơi xa

Ta gửi người con ta

Xương thịt ta

Tâm hồn ta

Hy vọng ta” (**)

Đó không phải là lời của một người cha mà cuả mọi cha mẹ Việt Nam đã sống qua quãng thời gian vượt biển. Những người cha giống như Bố tôi ngày nào đã trầm ngâm, nhớ thương, lo lắng cho hai đưá con gái còn ngây thơ, cho xương thịt, tâm hồn, hy vọng của ông không biết đêm nay bập bềnh ở góc nào trên Thái Bình Dương.

Lời thơ đơn giản nhưng sao vừa có chút ngang tàng vừa khẩn khoản, đau đớn. Tôi đã có con rồi nên tôi thấm thía xâu xa cái van nài bàng bạc trong những lời hát. Tôi lặng người.

Tôi nghĩ đến nỗi lòng cuả tác giả lúc nằm trong tù nghĩ tới các con không biết sống chết ra sao, rồi tôi nghĩ tới nỗi lòng của mẹ tôi lúc đưa hai đưá con gái - không biết bơi - lên đường ra biển. Tôi thấy đau, gần như nỗi đau từ một vết thương thật sự. Tôi đau cho quê hương tôi đã lâm vào hoàn cảnh mà người dân phải đi vào chỗ chết để tìm đường sống.

Tôi ngước lên, cố giữ cho hai giọt nước mấp mé ở khoé mi đừng rơi ra làm nhòa đường vẽ mắt. Đừng khóc, mình đang mặc áo dài vàng hoa mai trong tiệc phát giải Viết Về Nước Mỹ 2011 rất đông người! Đừng khóc, chuyện vượt biên đã cũ rồi!

Tiếng hát vút lên, thống thiết:

“Giông tố, giông tố ngoài khơi xa

Ta gởi người con ta

Ta gởi người con ta…”

Tôi chớp mắt và cuối cùng dòng nước mắt tuôn ra.

Tôi nhớ. Nhớ Mẹ đứng ở bến xe miền Tây nhìn theo mình ra đi. Lòng mẹ nhìn lũ con ra đi ngày ấy, không còn là biển thái bình dạt dào nữa mà là biển giông tố, bão táp. Đó là bà mẹ Việt Nam thời vượt biển.

Nhớ và hiểu. Chuyện vượt biên - lý do tại sao tôi ở đây - chỉ lắng sâu trong lòng tôi chứ chưa hề cũ. Không may cho nước tôi, nỗi khắc khoải cuả những cha mẹ xa con, cuả những mảnh đời tha phương cầu thực vẫn còn đang tiếp diễn. Nỗi đau vì người dân tôi không sống được trên quê hương vẫn chưa thành chuyện cũ. Và sẽ mãi mãi không bao giờ cũ tấm lòng cuả cha mẹ khi dõi bước chân của các con trên đường đời, vì trong đó họ gởi theo xương thịt, tâm hồn, và hy vọng.

Khôi An

Ghi chú

(*) Thơ Hồ Dzếnh

(**) Nguyên bản ca khúc Trần Dạ Từ do ca sĩ Quang Tuấn hát trong buổi họp mặt phát giải thưởng ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ năm thứ XI, 2011:

Em có lũ con thơ

Bị quê hương ruồng bỏ

Từ bóng tối hận thù

Em nghiến răng

Ném con cho giông tố

Giông tố ngoài khơi xa

Ta gửi người con ta

Xương thịt ta

Tâm hồn ta

Hy vọng ta

Giông tố,

Giông tố ngoài khơi xa

Ta gửi người con ta

Như niềm tin tự do

Từ quê hương mịt mù

Ý kiến bạn đọc
24/10/201121:47:14
Khách
Những bài viết như thế này giúp chúng ta cố gắng vươn lên từ quá khứ đau buồn. Trong quá khứ và trong hiện tại, chúng ta thấy còn quá nhiều chuyện đáng buồn, nhiều vấn đề, cho nên có nhiều lúc chúng ta không thể tự hào là người VN. Trong tương lai cháu con ta có vinh dự được tự hào làm người VN hay không thì cũng tuỳ thuộc một phần ở chúng ta. Một người không thể làm việc lớn nhưng nếu ai cũng góp một tay thì mọi sự sẽ khá hơn, dù là từng bước nhỏ.
27/10/201118:24:03
Khách
Cám chị Khôi An đã viết lên bài này để nhắc nhở người việt lưu vong, rằng chúng ta đã trả một giá rất đắt để có được sự tự do ngày hôm nay. Tôi cũng hy vọng mọi người nên nghĩ rằng mỗi ngày đều là ngày quốc hận, chứ không phải chỉ có ngày 30 tháng tư.
22/10/201105:35:21
Khách
Khôi An viết bài này vượt lên chín tầng mây
Xin cảm phục, vì những ý nghĩ này lẩn quẩn trong đầu chị chưa thể thoát ra thì Khôi An đã nói lên dùm chị rồi. Cảm ơn em.
Nước mắt ứa ra hôm nghe bản này do giọng ca đủ sức thoát tục, đem tâm hồn người thi sĩ nhạc sĩ Trần Dạ Từ đuổi theo giông tố của Quang Tuấn, khuya nay lại ứa ra nữa.
Lỗi tại em, Khôi An
22/10/201116:49:05
Khách
Nếu Khôi An là người "lạc hậu", lạc loài ngay trong cộng đồng người VN thì chính tôi cũng "lạc hậu" vì tôi có cùng suy nghĩ như An, có cùng nỗi đau cho thân phận người VN. Bản thân tôi có 1 người anh trai, rất hiền lành, kẹt lại VN sau 1975, bị gọi đi nghĩa vụ quân sự năm 1979, lúc đó chiến trường Campuchia đang vô cùng sôi động, cái chết hầu như đang chờ trước mặt, gia đình gom góp hết của cải, vay mượn người quen cho anh đi vượt biên và từ đó bặt luôn tin anh; nỗi đau đó vẫn theo tôi đến bây giờ. Trót sinh ra làm người VN, tôi yêu đất nước và dân tộc VN, nhưng chưa bao giờ tôi tự hào là người VN; mỗi lần đọc báo chí trong và ngoài nước, thấy mọi người đề cao người này hay người kia, chuyện này, chuyện nọ để ca tụng dân tộc mình, tôi chỉ có 1 cảm giác thật mỉa mai, chua xót và buồn cười. Đối với tôi, tôi chỉ biết ngưỡng mộ các cá nhân đó, mừng cho dân VN cũng có những đóng góp tốt cho cộng đồng thế giới và chỉ thế mà thôi.
22/10/201115:04:32
Khách
Cám ơn tác giả đã chia sẻ những kỷ niệm và nỗi khắc khoải chung của nhiều người. Đã gần 30 năm mà vết thương vượt biển vẫn còn như rất mới. Bao nhiêu người nữa đang tìm cách đi, hợp pháp hay lẩn trốn, vì không thể sống nổi trong một xã hội đang ngày càng mục nát từ trên xuống dưới, cai trị bởi một chính quyền chỉ biết tham nhũng, đàn áp dân, tiếp tay buôn người, và bán đất bán biển cho Tàu cộng.
23/10/201106:02:38
Khách
Cám ơn chị Bảo Xuân, SJ, và Mai. Những lời chia sẻ làm cho KhA thấy an lòng hơn vì mình cũng chưa tới nỗi "lạc quẻ". Người Việt mình khổ đã nhiều, mong tương lai sẽ khá hơn chứ không bị rơi vào hoàn cảnh kìm kẹp, đau khổ ngút trời của thời Bắc thuộc.
22/10/201123:50:12
Khách
Thật thấm thía khi đọc bài này của tac giả Khôi An.Tôi cũng không thể và không bao giờ quên đươc mình là thuyền nhân khốn khổ khi xưa: hai chị em cũng đươc mẹ tiển đưa vào biển cả, phó măc cho trời đất..
Cho đến bây giờ nhìn lai quê hương , cái cảnh cha mẹ đưa con gái đi làm dâu xứ người sao cũng thảm thiết biết bao! Tôi cũng chẳng bao giờ tự hào mình là ngươi VN!!!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,074,745
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.