Hôm nay,  

Tháng Tư Vụn Vỡ…

29/04/201600:00:00(Xem: 9302)
Tác Giả: Phan
Bài số: 3808-17-30308vb6042916

Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ có sức viết mạnh mẽ và số lượng người đọc đông đảo nhất và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

1. Giá trị của sự lạc hậu.

Hai cái tên chiếm hết mặt báo bây giờ là ông Trump và bà Hillary. Muốn tìm trang báo ít thâm độc hơn để đọc khá khó. Trang cộng đồng thì đầy ắp tin bác sĩ, nha sĩ Việt gian lận bảo hiểm; đến người Việt chia bài ở sòng bài cũng lên báo vì ăn cắp chip của sòng bài… rồi cướp người Việt cướp tiệm nail của người Việt, nhà hàng Việt nam; băng đảng Việt bắn nhau loạn xạ ở những thành phố đông người Việt cư ngụ.

Lên net, đọc báo trong nước lại ra chuyện hai nhân viên ngành ngoại giao của Việt nam đi công tác bên Nhật; tình cờ gặp nhau trong thương xá. Người mới qua than thở vật giá bên Nhật bây giờ quá mắc, tiền công tác phí chẳng mua nổi món quà về cho vợ con. Người đi trước đến trước lại thở dài, “Giá cả không đáng lo bằng thương xá bên Nhật bây giờ gắn thêm quá nhiều camera…!”

Đọc báo suốt buổi sáng càng đau lòng với tin người mẹ Tàu tự sát để lấy tiền bảo hiểm chữa bệnh cho con.

“Trong mười năm qua, anh Chu, con trai bà Lin, bị chứng thoái hoá cột sống mãn tính nhưng gia đình quá nghèo nên không đủ tiền để điều trị hiệu quả. Bà Lin đã để lại di thư rằng cái chết của bà sẽ giúp Chu có được khoản tiền bảo hiểm của bà để giúp anh chi trả cho việc chữa bệnh.

Tuy nhiên, kế hoạch của bà Lin đã trở nên vô nghĩa khi hạn bảo hiểm của bà đã hết từ tháng 11 năm ngoái.

Trước khi nhảy lầu, bà Lin đã mua cho đứa cháu nội (con của chu) 2 chiếc bánh bao và rút toàn bộ tiền tiết kiệm có được trong ngân hàng để đưa cho con trai mình nhằm trang trải cho cuộc sống.

“Mẹ quá mệt mỏi”?, bà Lin viết trong thư tuyệt mệnh. “Mẹ buồn vì không thể giúp được các con. Hãy cứ sống thanh thản, mẹ sẽ mang tiền về cho các con”. (Theo Dantri).

Khi hẹn mang tiền về, bà mẹ Tàu tội nghiệp đâu ngờ bảo hiểm của bà hết hạn từ năm ngoái mà không biết! Dù sao, ở xứ ô nhiễm nhất địa cầu này, tình mẫu tử van cứ là kim cương bất hoại như vũ trụ vô biên. Thương người mẹ già lực bất tòng tâm. Nhưng đau lòng hơn cho những người mẹ trẻ bây giờ bỏ con vào microware, hay trấn nước trong nhà tắm; học sinh trung học sinh con trong nhà vệ sinh rồi vất con vô thùng rác…

Trở lại với nước Mỹ, đúng là xứ dân chủ no cơm ấm cật. Cuộc sống Mỹ không loạn lên với Trump và Hillary (từng được báo Mỹ ví là ông già playboy và bà già không biết nói thật) thì nước Mỹ không còn là nước Mỹ.

Thời đại của cỏ và lúa mọc chung trên mặt báo, muốn đọc được trang báo đáng đọc phải chịu cực hơn thời chưa có internet; vì thời báo giấy, báo nào ra báo đó, dù không văn bản. Mới biết giá trị của sự lạc hậu.

2. Tháng tư không về nữa…

Nhớ những năm còn đi học. Khi tháng tư về, trời thường nhiều mây và những cơn mưa bất chợt. Có lẽ đó là điều bất biến muôn đời của tháng tư, trời luôn nhiều mây và những cơn mưa bất chợt của tuổi còn đến trường là những trưa, chiều lang thang trong thành phố, bỗng nghe tiếng ve gọi hè trên những hàng cây cao vút ở Sài gòn, lòng chùng xuống khi nghĩ tới bạn bè sắp phải chia tay, những nhớ nhung mùa trước len lỏi theo mưa về, vỡ oà trên khung cửa, rồi khô nhanh trên những vỉa hè nắng lên; những dải mây thành nước ướt mặt đường đã hoàn toàn biến mất khi nắng lên thì những dải mây khác lại từ đâu bay về, hững hờ nhìn xuống tuổi trẻ tìm đủ cách để bỏ nước ra đi và không ai hẹn ngày về, bạn bè chia tay không hẹn gặp lại, chỉ còn những vỉa hè Sài gòn nhớ rõ bước chân quen trong mưa mau nắng vội từ đời này qua đời khác luôn hối hả chia tay, nỗi nhớ đong đầy… để quên lãng.

Tuổi trẻ đã đi về đâu sau những tháng tư lại về, trời vẫn nhiều mây và những cơn mưa bất chợt, làm lòng người chùng xuống tháng năm bụi mờ. Ở góc nhà thờ Sài gòn, hay bên bưu điện, nơi tôi thường ngồi trên chiếc xe đạp cũ, vai dựa tường, và chờ đợi; có khi là một chuyến làm ăn kiếm sống thời sinh viên, khi là một chuyện hẹn hò. Rồi chút tiền kiếm được cũng theo mưa nắng bốc hơi, chút tình vừa đủ… để nhớ nhau một đời.

Ôi những vỉa hè nắng vội mưa mau tới muôn đời trong tâm khảm mỗi người đã từng sinh ra, lớn lên, sống, rồi giã biệt Sài gòn. Tháng tư, trời thường nhiều mây và những cơn mưa bất chợt ở bất cứ nơi đâu trên địa cầu, những người đã từng hít thở, biết đến tình yêu đều nhớ về Sài gòn với đầy ắp kỷ niệm; trong giấc mơ viễn xứ nào chả có một lần được sánh vai bước lại những bước chân ngày cũ lang thang trên thành phố ấy, những góc quán ấm áp bàn tay, những từ giã hao gầy ký ức…

Tháng tư biến cố đã đành. Tháng tư lịch sử dân tộc sang trang đen tối còn ám ảnh chúng ta tới hết đời. Nhưng tháng tư của anh và em và nơi chúng ta đã lầm tưởng là hai người hạnh phúc nhất trên đời, chỉ còn nỗi khắc khoải trong tưởng nhớ khi trời nhiều mây và những cơn mưa bất chợt rũ nước trước sân nhà tháng tư. Mong. Thật mong bình an luôn bên em đời này. Anh. Ngồi đây nhìn nắng tháng tư nhuốm lạnh cơn gió bắc cực tràn về trái mùa sau cơn mưa vội; mây lang thang không hiểu thành mưa, như chúng ta đã lạc mất nhau như định mệnh chẳng thể an lòng tới chết. Anh bất chợt nhớ đến em như những giọt mưa tháng tư lại bắt đầu rơi quanh chỗ ngồi. Nhớ. Hơi ấm bàn tay ở quán quen, những chuyện cổ tích đời thường đã nuôi dưỡng chúng ta đi qua tuổi trẻ mịt mù.

Anh đã ngồi chờ tháng tư không về nữa ở một nơi rất xa Sài gòn, thì ra anh vẫn chờ em ở góc nhà thờ hay bên bưu điện như những vỉa hè chờ nắng vội mưa mau ở Sài gòn. Rồi tháng tư không về nữa sẽ đến để anh gặp lại em…

3. Tiếng nấc đêm đen…

Tôi gặp lại T tình cờ ở tiệm phở. Tôi mới vào nhưng anh thì đi ra… với một mỹ nhân không cân xứng tuổi tác, nhưng lại không có tí gì nói lên thông tin: đó là con gái hay cháu gái của anh. Và tình bạn đã lâu không gặp nên T ngồi nán lại, uống ly trà nóng với tôi. Câu trả lời đã rõ về mỹ nhân - là tình nhân hiện tại của T.

Tôi đến nhà T vào cuối tuần đó, chính xác là chiều thứ bảy đi làm ra, tôi lái luôn tới địa chỉ nhà mà T nhắn tin cho tôi.

Không thấy vợ con anh, dù chiều đã muộn, hay vì tôi còn đi tuyển một chai cognac xứng đáng cho lần tái ngộ với thằng bạn sóng gió một thời. Và tôi đã bỏ thói quen thăm hỏi gia đình bạn theo kiểu Việt nam từ lâu vì bị hố một lần đã tởn tới già. Chuyện là người bạn (khác), vợ chồng họ từng tới nhà tôi chơi. Rồi lâu không gặp. Gặp lại… cũng ở tiệm phở (khác). Tôi khen chị nhà trẻ ra nhiều, hay ít nhất là sổ già của thiên tào đã sót tên chị…

Hôm sau bạn gọi tôi (khi đã cho nhau lại số điện thoại mới). Bạn tôi gặp rắc rối với vợ vì tôi đã so sánh cô vợ trẻ măng - mới về Việt nam cưới qua với bà cụ thân sinh ra những đứa con của anh là bà vợ trước… đã ly dị.

Trời ơi! Bạn bè, dù lâu không gặp vẫn nhìn ra nhau thì mới là bạn; chứ ai mà nhớ chân dung của vợ bạn làm gì!

Từ đó, tôi càng không nhớ hình dáng, gương mặt của những người vợ của bạn.

Tôi với T nướng thịt bò, tôm, cua, sò biển… ở cái sân sau căn nhà rất đẹp. Hai thằng ôn lại những kỷ niệm, nhắc tới những người bạn thời giao du với nhau hàng tuần. Thật ra thời đó, tôi không biết nhà T, không biết vợ con T, chỉ hẹn hò qua phôn, rồi gặp gỡ ở những nhà hàng trong vùng. Đây là lần đầu tiên tôi tới nhà T. Căn nhà trong khu nhà giàu thì đương nhiên là khang trang, rộng rãi. Phong độ của T hồi xưa và bây giờ không khác, T chỉ già hơn năm bảy năm trước mấy sợi tóc bạc bắt đầu lớm chớm ở thái dương…

Lạ lùng là mỹ nhân hôm gặp ở tiệm phở cũng không thấy mặt! Tôi uống lai rai, nướng lai rai với T ở sân sau nhà T. Có người đàn ông trạc tuổi chúng tôi đẩy cửa rào bước vào sân sau vì bấm chuông ở cửa trước đã mấy lần nhưng hoàn toàn vô ích khi chúng tôi ở sân sau.

Ba thằng đàn ông (đã có tóc bạc ít nhiều trên đầu) cùng nhau nướng thịt, tôm, cua… rồi lai rai. Nhưng căn bếp của T, cái restroom khi tôi cần dùng đã nói hết với tôi là T sống một mình; không có dấu vết gì của phụ nữ và trẻ em trong căn nhà này cả.

Nhưng ý nghĩ là tự do, còn đặt câu hỏi thì cần tế nhị, nên tôi để lòng.

Người bạn của T tên là H. Người đàn ông khá hấp dẫn bởi những gì thấy được bên ngoài là khá giả và trí thức. Sau khi tiếp xúc càng hứng thú với kiến thức của anh ta. Nhưng lại là người đi nhậu không ghé mua chai rượu mà bạn mời thích uống, hay ít nhất là loại quen miệng của mình để khỏi làm phiền bạn. Thì ra, anh có món quà cho T, cũng là quà hân hạnh được quen biết tôi. Anh gọi điện thoại, và chỉ sau nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi có ba người bạn gái tới chơi; các cô ở độ tuổi mới ngoài ba mươi, ai cũng đẹp và thơm phức…

Cuộc nhậu hứng thú hẳn lên khi T vô nhà lấy chai rược qúy ra đãi tôi để mừng hội ngộ anh em phiêu bạt. H gọi cánh sushi tới phục vụ tại gia. Bàn nhậu vương giả với thức nhấm tươi sống, mỹ nhân, rượu hảo hạng… chả phải mong muốn của bất cứ ai biết nâng chung rượu lên môi. Sao buồn rũ rượi khi đêm tàn. T về phòng với một cô; H về phòng với một cô. Tôi về nhà nên ra xe. Tiếng nấc của cô gái Hà thành mà tôi được ưu tiên chọn trước vì T và H nhường tôi; mừng sự gặp lại tôi mà T đã yêu cầu H cho tôi chọn trước. Tôi chọn giọng nói của mẹ tôi hơn là cô ta vì tôi ân hận suốt quãng đời còn lại là không về kịp trước khi mẹ mất.

Ôi giọng Hà thành mắng chửi tôi suốt thời còn ở nhà với mẹ; sao nhớ giọng nói đài các ấy ở nơi xa xôi này, khi giọng Hà Nội mới yêu kiều kia chỉ còn là tiếng nấc ngơ ngác giữa đêm đen… Bây giờ anh về nhà anh… thì em đi đâu?

Phan

Ý kiến bạn đọc
18/06/201605:23:46
Khách
Thực sự thì tôi không hiểu tác giả muốn nói gì? Có thể ông ấy đang ăn chay hoặc kẻ tu hành đức độ.Ngưỡng mộ lắm thay.
06/05/201606:16:15
Khách
Thường tình coi tin tức hay coi phim trên tivi hay bị gián đoạn vì quảng cáo chen vô, bây giờ đọc báo trên mạng cũng bị quảng cáo nhảy vào che mất trang, khó lắm mới close nó được. Thời đại tiện nghi nhưng cũng kèm theo cái bực mình.
05/05/201613:48:17
Khách
Cần thông dịch viên vì không hiểu đoạn cuối ông này nói về chuyện gì? Chỉ biết là ông này già rồi và có bạn giàu có. Ai biết gì hơn chỉ giùm suốt đời ghi ơn.
30/04/201601:10:44
Khách
Hay quá. Đúng là văn phong của Phan, không thể lẫn vào đâu đươc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,079,739
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.