Hôm nay,  

Chuyện Người Vợ Tuổi Dần

20/12/201300:00:00(Xem: 26687)
  • Tác giả :
Người viết: PNT
Bài số 4090-14-29490vb6122013


Tác giả là một nhà giáo từng có hơn 30 năm dạy học tại Việt Nam. Đến Mỹ theo diện ODP, hiện tiếp tục nghề cũ tại một trung tâm dạy kèm tại miền Nam Cali. Bài viết mới của ông lần này là một tự truyện về tình yêu và gia đình, với lời ghi như sau: “Để tặng chú Thành của tôi. Riêng tặng cọp mẹ và cọp con của anh. Và tất cả những ai tuổi Dần.”

* * *

Trước khi vào chuyện, chú cháu tôi xin lỗi với quý vị nữ lưu tuổi Dần, vì chúng tôi không có “định kiến” gì với quý vị cả. Đây chỉ là câu chuyện phiếm khi chú cháu tôi ngồi nhắc lại vài câu chuyện ngày xưa. Tôi chỉ xin kể lại nguyên văn những gì cháu tôi đã kể cho tôi nghe về chuyện gia đình nó.

“Chú bảo cháu nói về chuyện vợ chồng cháu, và cuộc sống của tụi cháu từ hồi lấy nhau đến giờ. Cháu sẽ kể cho chú nghe, nhưng sợ chú cho là chuyện tầm phào, chẳng có gì hay ho cả! Khi nào chú thấy chán thì nói, cháu sẽ ngưng kể nghe chú?

Như chú biết đó, cháu là con trai duy nhất trong nhà, nên khi vừa học xong, ra trường, chọn nhiệm sở, là ba má cháu đã hối thúc cháu lấy vợ ngay. “Để ba má sớm có cháu nội bồng ẳm cho vui, và đi khoe với người ta!” Cháu cũng định thú thật với ông bà là cháu cũng đã có quen với một cô bạn cùng trường, học dưới cháu hai lớp. Nhưng chỉ sợ ông bà nghe xong thì cũng “thất kinh hồn vía” như mấy thằng bạn thân của cháu khi cháu giới thiệu cô bạn với chúng nó.

“Chèn đét ơi ! Mi có uống lộn thuốc không dzậy hả thằng ôn con? Mi dzòm lại thân hình mi đi. Người ngợm cao chưa tới 1m 60, nặng chưa tới 45 kg, ốm nhom ốm nhách như thằng cao bồi Lucky Lucke trong mấy cuốn truyện bằng tranh mà dám cua nhỏ đó? Và mi lại còn tính lấy nó dzìa làm dzợ nữa? Nó sắp sửa thi lên đai đen Thái cực đạo đó nghe chưa thằng ôn con? Và nghe đâu nó lại còn là tuổi Dần nữa. Tụi tau thật hết ý !”

Thú thật với chú, hồi đó nếu tụi nó đừng có “lên án” cô nàng dữ dội như vậy thì chắc cháu cũng không tìm hiểu cô nàng kỹ như vậy đâu. Tính cháu, như chú biết đó, chuyện gì cháu làm mà có người ngăn cản thì thế nào cháu cũng phải quyết tâm làm cho được. Để chứng tỏ là mình đúng. Và thiên hạ sai. Đó cũng là một thứ gene di truyền của dòng họ mình phải không chú Một dòng họ “hình như” chỉ sản sinh toàn là những “enfants révoltés” !

Cháu lân la theo cô nàng mỗi cuối tuần khi nàng đến võ đường tập luyện như một đệ tử theo chân sư phụ (ủa quên, theo chân sư mẫu) đi phó hội. Hôm nàng thi lên đai đen, có lẽ cháu là người la hét lớn nhất trong võ đường để ủng hộ nàng mỗi khi nàng thắng được 1 điểm. Sau đó cháu mời nàng đi ăn một chầu mì gõ, và sau đó nữa là một chầu đâụ đỏ bánh lọt. “Để em lấy lại sức sau cuộc thi đấu!” Nàng thỏ thẻ cất giọng Nam Kỳ hỏi tôi: “Hình như đám bạn bè cùng lớp nói xấu em với anh ghê lắm phải không? Nào là em hung dữ như cọp cái (vì em tuổi Dần), và em lại có đai đen nữa. Tại sao anh lại không sợ mà còn theo em hoài dzậy?” Cháu ngồi thộn ra, sau đó mới chợt nhớ một câu tiếng Tây, nghe thì hơi cải lương, nhưng nếu tuôn ra bây giờ ở hoàn cảnh nầy thì thật là “hết ý”. Cháu nín thở nói liền một hơi không nghĩ: “Le coeur a ses raisons…” Cô nàng lườm cháu bằng một cái lườm… mà theo cháu thấy lúc đó…ôi sao mà nó đẹp đến như vậy “Anh tán gái cũng ghê lắm đó!”

Vậy mà đến khi cháu đề nghị đưa nàng vế nhà thăm và chào ba má cháu, nàng le lưỡi rút cổ lại: “Chèn ơi, làm gì mà lẹ quá dzậy, mình mới quen chưa tới hai năm mà! Đợi em ra trường đã được không?” Nhưng rồi sau đó cháu cũng rủ rê được nàng về “ra mắt” ba má cháu. Và sau đó là buổi họp gia đình. Hôm đó cũng có mặt chú nữa, vì chú là người em duy nhất cuả ba cháu, chú nhớ không?

“Ba má thấy nhỏ Mai cũng dễ thương, ăn nói lễ phép, khuôn mặt thông minh phúc hậu. Nó cũng có vẻ thương con lắm. Vậy gia đình nó như thế nào để có gì ba má đến thăm một bữa. À quên, con có biết nó bao nhiêu tuổi không?” Đến đây tôi chợt nhớ đến mấy câu nói của đám bạn bè, nhưng cũng liều mạng khai thật tuổi cuả cô nàng: “Dạ Mai tuổi Dần, thưa ba má”

Sau câu trả lời cuả cháu là một sự im lặng đến ngột thở. Chú là người đầu tiên lên tiếng phá tan sự yên lặng đó “Em cũng thấy Mai và thằng Ngọc nhà mình rất yêu nhau. Nó lại hiền từ, biết chiều chuông thằng Ngọc. Và theo em, có nghiên cứu chút xíu về tử vi, em thấy tuổi của Mai là tuổi “vượng phu ích tử” đó anh chị ạ. Em biết anh chị ngại khi nghe nó tuổi Dần. Nhưng không phải tuổi Dần nào cũng hung dữ và có số “sát phu” đâu! Tuổi nó và thằng Ngọc không khắc nhau đâu. Trái lại là đàng khác. “Vượng phu ích tử” của Mai sẽ rất tốt cho cung Quan, cung Lộc và cung Di của thằng Ngọc đấy! Hai tuổi nầy kết hợp với nhau sẽ sinh quý tử đó anh chị à.

Cháu thấy ba cháu gật đầu nhẹ, rồi quay sang nhìn má cháu. Đến bây giờ cháu mới hỏi thật chú: “Chú có biết Tử Vi không vậy? “Tôi cười khà khà trả lời: “Thì cũng biết sơ sơ. Nhưng lúc đó không hiểu tại sao chú lại thông minh nghĩ ra ngay cái tuyệt chiêu đó để làm xiêu lòng ông anh bà chị mình như vậy? Có lẽ chú thấy cái im lặng nặng nề của ba má cháu khi cháu khai Mai tuổi Dần ! “

Sau đó 2 gia đình đi lại thăm viếng nhau, và đồng ý đợi cô tuổi Dần của cháu ra trường rồi mới tổ chức đám cưới. Rồi cũng như mọi người, vợ chồng tụi cháu đổi đi làm ở hai tỉnh khác nhau, tuy không xa Sài gòn bao nhiêu nhưng cũng phải cuối tuần mới về nhà cha mẹ gặp nhau được. Vài năm sau cháu và Mai xin đổi về gần nhà, mua được căn nhà nhỏ của chính phủ bán cho công chức với giá rẻ. Đi làm cũng dành dụm được ít nhiều, tụi cháu sửa sang lại căn nhà cho tươm tất hơn để chuẩn bị cho đứa con đầu lòng sắp ra đời. Và đúng năm Dần, Mai sinh được một thằng con trai. Bây giờ ba má cháu đi đâu cũng khoe thằng cháu đích tôn tuổi Dần. “Cháu ẩn tuổi mẹ nó đấy, tốt lắm!”. Hai vợ chồng cháu lại tiếp tục “sớm vác ô đi tối vác ô ve” của đời công chức, tuy không bằng ai nhưng cũng rất hạnh phúc và sống tạm đủ.

Cuộc đời tưởng cứ thế bình an trôi qua cho đến ngày tụi cháu về hưu. Ai dè nửa chừng chúng ta bị “đứt phim”, và cũng như tất cả mọi người, chúng ta tất cả đều từ ông xuống thành thằng ráo trọi ! Cũng còn may là tụi cháu chỉ là những công chức quèn nên không bị đi tù, nhưng sau vài tháng được chúng cho lưu dụng để truyền tay nghề cho mấy tên từ ngoài Bắc vào, tụi cháu cùng nhiều đồng nghiệp khác bị gọi lên cho nghỉ việc. Và không đưọc lãnh một đồng trợ cấp nào !

Đến đây cháu mới thấy phục “ tài bói toán Tử Vi” của chú. Từ lúc quen nhau cho đến lúc thành vợ chồng, cháu chưa bao giờ thấy Mai biết buôn bán cả. Vậy mà sau khi bị nghỉ việc, không biết Mai đã xoay sở như thế nào mà sang được một quày nhỏ trong khu chợ ở gần nhà. Lúc đầu cháu được Mai hướng dẫn chạy hàng- ôi thôi hầm bà làng, đủ các loại- “về để cho có hàng bán với người ta, rồi tính tiếp” Mai giải thích. “Cửa tiệm tạp hoá hầm bà làng đủ thứ” của tụi cháu ngày càng thấy phát triển kha khá, đủ để lo tiền chợ búa cho cả gia đình ba má Mai và ba má cháu. Tối tối về đến nhà là cả hai vợ chồng mới có dịp trổ tài tính toán sổ sách chi tiêu. “Đây cũng là cách chúng ta ôn lại những gì đã học ở trường ngày xưa. Không thôi môn kế toán của anh và em sẽ hao mòn đi đó!”

Rồi ba má của cả hai bên, không hiểu nghe được ở đâu, về nói chúng cháu gom tiền bạc lại để vợ chồng cháu và thằng con vượt biên. “Ba má sẽ phụ tụi con chút đỉnh nếu thiếu”. Trong lúc cháu còn chần chừ vì chữ hiếu, không nỡ để ba má của cả hai đứa ở lại, thì cô vợ tuổi Dân của cháu quyết định thật nhanh: “Ba má nói đúng. Ở đây sẽ chết chùm cả đám. Tụi con sẽ đi rỉ tai với bạn hàng quen là vì buôn bán ế ẩm nên đành phải bán căn nhà nhỏ của tụi con để về ở chung nhà ba má, dành tiền đôn vốn lên làm ăn.”

Chuyên bán nhà cũng rất may mắn là có ngưới mua ngay, vì nhà ở ngay gần chợ cũng dễ làm ăn. Mai và cháu gửi sạp nhờ ba má Mai trông hộ, còn ba má cháu thì giữ dùm thằng nhỏ. Và đánh tiếng với bạn hàng và láng giềng là phải chạy hàng xa, tận ngoài Huế. Thật ra là tụi cháu lo “tìm đường cứu nước”! Đến lúc nầy cháu mới thấy phục Mai sát đất luôn. Nghe chỗ nào có tuy ô đi là Mai lân la đến làm quen. Cả chục mối như vậy thì sau cùng Mai mới tìm được một chỗ đáng tin cậy. Đưa trước một nửa, rồi khi đến nơi sẽ đưa tiếp cho chủ tàu. Và đặc biệt hơn là họ cho thằng con của tụi cháu đi miễn phí! Đúng là cọp con ẩn tuổi cọp mẹ có khác!

Chuyến đi nhờ Trời Phật và ông bà phù hộ nên không có chuyện gì xảy ra. Mấy tháng sau gia đình tụi cháu đươc qua Mỹ. Và cũng như những người tị nạn khác, cháu và Mai lao đầu vào đủ mọi thứ công việc- cháu làm Janitor trong trường học, Mai làm assembler trong một hãng điện tử. Thằng Minh đi học bằng xe buýt ở một ngôi trường gần nhà. Lúc đầu tiếng Anh tiếng U cũng quờ quạng lắm, và bị bạn bè cười vì không nghe được và không nói được tiếng Anh nên nó tức mình, quyết chí học.

Về nhà là đóng cửa phòng học một mình cho đến lúc tụi cháu gọi ra ăn cơm. Chỉ một năm sau, cháu lên lớp trên và bỏ hẳn chương trình của các học sinh yếu môn Anh Văn để vào thẳng chương trình Anh Văn chính của học sinh Mỹ. Tóan và các môn khác đều xuất sắc. Thằng Minh tốt nghiệp Trung Học với số điểm khá cao, nôp đơn vào 4, 5 trường Đại Học và tất cả đều gọi nó đi interview. Tụi cháu để nó tự chọn ngành học và môn học, không bắt buộc gì cả. Sau cùng nó chọn học Pharmacy ở USC sau khi tốt nghệp BS về Bio Chem tại UCI.

Bây giờ tụi cháu còn vài năm nữa là về hưu. Cháu hồi đó vừa làm Janitor vừa đi học, lấy được cái BA về Business Administration, và xin làm lại ở trường đó luôn. Bà Hiệu Trưởng sau khi interview cháu hỏi: “Ông đủ qualified cho công việc rồi, nhưng trước đây ông làm Janitor, bây giờ lên văn phòng làm Kế Toán, ông có ngại không? Ông có sợ học sinh sẽ nhìn ông như thế nào không?” Cháu trả lời: “Chỉ sợ nhà trường không nhận tôi làm kế toán thôi. Chứ với tôi không có công việc nào là tầm thường cả. Làm Janitor hay làm kế toán cũng là làm những công việc lương thiện để kiếm sống nuôi gia đình vợ con. Tôi phải rất cám ơn Bà Hiệu Trưởng trước đây đã nhận tôi làm Janitor để cho tôi có phương tiện học thêm. Bây giờ tôi ở lại làm kế toán văn phòng cho trường nầy là hợp lý quá rồi phải không thưa bà?”

Còn Mai thì sau đó cũng đi học lại và bây giờ làm ở một phòng Lab xét nghiệm máu ở gần nhà. Cô nàng còn định đi thi lấy bằng Pharm Tech để sau nầy phụ với cọp con ở Pharmacy!

Đó là câu chuyện của gia đình cháu từ khi xa chú và ba má đến bây giờ. Mộng ước của tụi cháu đã hoàn thành khi bảo lãnh cả ba má của Mai và ba má cháu sang đây. Rồi con chú cũng đưa chú qua Mỹ nữa để đai gia đình chúng ta đoàn tụ vui vẻ.

Và cũng để chú tiếp tục nghiên cứu Tử Vi để bói cho tụi cháu phần hậu vận như thế nào! Tiền vận thì chú đã xem đúng cho cháu vụ cọp mẹ và cọp con rồi đó! Ba Má tụi cháu cứ nhắc đến chú và phục chú quá xá trời về vụ tuổi Dần nầy! Cháu sẽ viết bài gửi đăng báo để quảng cáo cho chú đấy! Chú hãy đợi thân chủ đến xem Tử Vi nhé!

PNT

Ý kiến bạn đọc
20/10/201723:55:07
Khách
Bài viết hay quá! Lối viết văn rất thu hút người đọc. Bố cục câu truyện mạch lạc dễ hiểu. Cảm ơn tác giả đã viết 1 câu truyện rất có hậu để nhắn nhủ mọi người hãy xóa bỏ thành kiến về tuổi Dần. Thành thật kính khen ngợi tác giả!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,072,943
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.