Hôm nay,  

Dạy Con Học Tại Nhà

14/02/201300:00:00(Xem: 134519)
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2001, giải Việt Bút 2011, và là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo từ 7 năm qua. Bà hiện là cư dân vùng Little Saigon, công việc: giám khảo của Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí ngành Thẩm Mỹ) thuộc tiểu bang California. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Quý Tỵ.
viet-ve-nuoc-my
Học trong nhà. Học ngoài vườn. Học tại sân quần vợt. Học trước hồ bơi.
Ngày thứ sáu 14 tháng 12 năm 2012, coi tivi bản tin khẩn về vụ thảm sát ở một trường tiểu học mà kinh hoàng.

Đây không phải là lần đầu, những chuyện giết người như thế nầy đã xảy ra quá nhiều rồi. Xảy ra trên nước Mỹ và luôn cả vài quốc gia khác. Lần này, kẻ điên khùng đã lấy đi mạng sống mấy cô, thầy cùng nhiều trẻ em.

Nghe tin ấy, rồi ngó ra ngoài sân sau, thấy hai đứa cháu nội đang ngồi chồm hổm, ríu rít tía lia với câu hỏi, vuốt từng lá rau, rị mọ vẽ lên trang giấy, đang học hành theo chương trình dạy học tại nhà, dưới đôi mắt như cục sắt nam châm của má nó, tôi thấy an lòng.

Nhìn ba mẹ con nó trong khi tai vẫn nghe tiếp tin tức, từng phút từng phút phô bày thêm nhiều chi tiết.

Chuyện xảy ra tại thành phố Newtown, tiểu bang Connecticut, Adam Lanza, 20 tuổi, sau khi bắn chết bà mẹ tại nhà, đã thủ mấy khẩu súng xông vô trường tiểu học Sandy Hook, bắn chết tại chỗ 20 em học sinh cùng bà hiệu trưởng và 5 giáo viên, rồi tự sát.

Adam là một cựu học sinh của trường ấy, đã bị bịnh tâm thần, từ khi cha mẹ li dị đã từ chối gặp cha và có thể tinh thần bị tổn thương nặng thêm mới đến đổi xảy ra chuyện động trời như vậy. Nghe nói cậu ta cũng đã từng có thời gian học tại nhà.

Gởi các cháu vô trường hay dạy học tại nhà là vấn đề trước kia đã làm tôi bận tâm.


Mười mấy năm trước, khi đứa cháu nội đầu lòng của tôi là Emily tới tuổi đi học, thằng con trưởng nói với tôi nó không muốn con đi học về khi cha mẹ còn trong công sở, cái nhà lạnh tanh trống không. Tụi nó đang "nghiên cứu" về cách thức dạy con học tại nhà.

Ái da, nghe hé lộ một chút tâm sự của nó về tuổi học sinh làm tôi đau lòng quá. Hồi các con còn nhỏ hai vợ chồng chạy lo kiếm sống để tránh cảnh nghèo, ba đứa nó đã đi học về "cái nhà lạnh tanh trống không"!

Buồn buồn, tôi nói với nó:

- Ờ, tụi con ráng nuôi mấy đứa nhỏ bằng cách khác đi, gần gũi chăm sóc cho kỹ, tránh lỗi lầm như ba má.

Con tôi vuốt vuốt lưng tôi, nói nhỏ nhẹ:

- Đâu có sao đâu má, bây giờ con hiểu rồi, hồi đó ba má bắt buộc phải cùng đi làm mình mới có nhà ở như hôm nay mà. Đâu có sao, Má. Tụi con không muốn đi làm mà trong bụng cứ lo lắng cho mấy đứa nhỏ, nhứt là bạn bè xấu trong trường.

A, tôi hiểu tâm trạng ấy mà. Hồi đó, có một chuyện xảy ra mà thỉnh thoảng tụi nó còn nhắc và tôi còn nhớ.

Đầu thập niên 80, chúng tôi sống tại một thành phố rất nhỏ thuộc tiểu bang North Carolina, ngang nhà có đứa bé trai cùng tuổi con tôi, học trường tiểu học. Hè năm đó tôi ghi danh cho hai đứa con đi cắm trại bốn tuần với chúng bạn bên hồ nước trên núi trong chương trình nghỉ hè của một công ty khá nổi tiếng. Đọc xấp hồ sơ quảng cáo thấy hấp dẫn lắm. Chúng sẽ mang ba lô leo núi dựng trại, sẽ được chỉ dẫn cách tự tìm đường sống nếu lỡ bị lạc trong rừng, sẽ sống hòa hợp với nhóm bạn cùng tổ. Mỗi tổ sáu đứa có một sinh viên đại học chịu trách nhiệm hướng dẫn. Chúng sẽ được mở rộng tầm mắt vừa chơi vừa học về núi rừng sông suối đất đá thú vật cùng cỏ cây. Ngày tôi còn nhỏ, sống trong căn nhà cư xá chỉ có một phòng ngủ của cha mẹ và tám chị em trên cái gác lửng, không có sân không cây cao bóng mát, tôi thường ao ước được đi cắm trại, nhứt là cuộc sống của những hướng đạo sinh, tôi muốn các con được hưởng những gì mình không có trong tuổi niên thiếu. Thế nhưng, gần tới ngày đi thì tự nhiên tôi đâm lo. Lo đủ thứ. Tụi nó còn nhỏ quá lại không biết lội, tại sao mình giao hai con cho những người chưa từng quen biết? Cả tháng? Tính hồi lại nhưng tụi nhỏ khóc quá nên đành phải giữ lời mà cho đi.

Đoàn thiếu niên cả trăm đứa ấy, chỉ sau một tuần lên núi đã xảy ra chuyện. Sau khi dạy cách tự sinh tồn khi bị lạc, tất cả các tổ được cho túa ra cánh rừng thuộc công viên quốc gia. Đứa bé trai của căn nhà đối diện ấy đã bị đám trẻ cùng tổ cột lại treo lên cành cây làm bia cho tụi nó nhắm bắn bằng những cây ná tự làm. Cũng may có người hay kịp cứu thoát.

Sau chuyện khủng khiếp ấy, chương trình cắm trại phải giải tán. Đám trẻ hùa nhau làm chuyện vô tâm ác đức dẫu có bị phạt nặng cách gì cũng không thể nào gột bỏ được sự kinh khiếp của đứa bạn đã bị chúng đem ra làm trò đùa một cách dã man. Thằng bé nạn nhân, thể xác và tinh thần bị tổn thương khủng hoảng, nghe đâu kéo dài rất nhiều năm.

Có phải sự việc xảy ra cho bạn nó năm ấy đã khiến nó có quyết định nầy? thêm vào đó tụi nó có sẵn căn nhà để ở, khỏi phải như cha mẹ ngày xưa y chang cục đá lăn hoài không đóng rêu chạy từ tiểu bang nầy qua tiểu bang nọ theo việc làm, tụi nó cũng phải đổi trường hoài; bây giờ tụi nó đã có cái gốc yên ổn một chỗ nuôi con.

Thế là vợ chồng nó đã tới các trường học trong vùng coi trước ngó sau. Từ lớp mẫu giáo đến trường tiểu học, chuyện trò với các cô thầy và giám thị, chọn lựa đắn đo rồi sau cùng chúng đồng ý sẽ dạy con học tại nhà. Con dâu trưởng của tôi, Elanie, đã nghỉ làm việc và theo chương trình ấy mà dạy con học, liên tục ba gái một trai.

Những người dạy học tại nhà chia từng nhóm. Họ chia phiên nhau, hôm nay người nầy dạy môn toán tại nhà, ngày mai người kia dạy lịch sử hay hội họa ngoài vườn chơi, bữa kia người nầy đưa đi, ngày mốt người nọ rước về. Theo cách ấy, các cháu hấp thụ phương pháp của thầy cô khác, học hành tiếp xúc với bạn đồng lứa, không bị dạy dỗ theo kiểu "ngựa bị khớp mắt" chỉ biết một đường tới và lui mà thôi. Vả lại, dạy học tại gia như vậy, giống như chia sẻ nhiệm vụ quá nặng nề của thầy cô trong trường và thay vì chỉ dạy cho một hai học sinh, những người này dạy từng nhóm nhỏ.

Khi lên lớp 9, Emily không còn học tại nhà nữa, chương trình chuyển tiếp đến trường trung học công. Thấy sự thông qua suông sẻ và nó thích nghi một cách dễ dàng, tôi mừng lắm. Cháu trở nên một thiếu nữ dịu dàng nghiêm trang và có chí hướng muốn tiếp tục học cao hơn.

Nhờ sống gần gũi con cháu, tụi nó lại học tại nhà nên tôi biết rõ tánh tình của từng đứa.

Trong gia đình, Emily vừa là chị cả vừa là "bà mẹ nhỏ" nên được các em rất kính nễ.

Đứa cháu thứ nhì, Charlotte, hồi còn nhỏ rất lỳ. Đôi khi nhằm ngay vào ngày nếu các cháu làm xong tất cả bài tập được thưởng ăn trưa và chơi đùa tại một địa điểm tụ họp thí dụ như vườn chơi hay nhà hàng, phần nhiều là tới tiệm "Chick & Cheese" … Charlotte vì không chịu làm cho xong bài tập, mẹ nó nghiêm khắc cứng ngắc như kim cương, không chìu con, có thưởng có phạt. Nó bị phạt không được ăn hay chơi. Nó lỳ lợm ngồi đó suốt buổi.

Ở nhà, khi bị phạt phải ra sân ngồi một chỗ, nó luôn luôn ngồi trên cái ghế xích đu trên tấm nệm "mút" cũ đã không còn áo. Một hôm, khi ngồi lên ghế tôi chợt nhận thấy tấm nệm bị lủng lỗ chỗ, y như dấu chim mổ, tôi cứ nghĩ, chim đâu mà dạn quá? về sau, nguyên cả tấm nệm bị lủng rất đều. Khi biết ra, tôi phải bật cười. Đó là từ những đầu ngón tay bé tý của Charlotte nhiều lần bị phạt đã xăm xoi véo ngắt mà thành!.

Về sau, chắc là thấy mình không giống ai, bị nhịn ăn nhịn chơi nhiều lần, nó cũng phải chịu phép. Bài học đưa ra là làm xong cho rồi để còn được đi chơi!

Hai đứa nhỏ, Audrey và Hunter rất dễ dạy. Tụi nó học lóm theo hai đứa chị ngay từ khi mới biết nói cho nên học rất nhanh.

Đã theo dõi đám cháu nội mười mấy năm trời, tôi thấy cần nên kể sơ qua về chương trình Giáo Dục Tại Gia gọi là HSLDA (The Home School Legal Defense Association)

Dâu trưởng tôi kể lại:

"Để bắt đầu, tụi con đã thực sự phải đắn đo suy nghĩ. Dạy học tại nhà phải mất thời gian, gò bó trong khuôn khổ lịch trình và rất nhiều sự hy sinh của cha mẹ. Phụ huynh cần phải quyết định lý do tại sao làm điều đó. Cá nhân con đã nghĩ:

- Có phải vì lý do tôn giáo? Chính trị? vì có những trường hay những lớp học, có vài thầy cô đôi khi tự động ngiêng về một bên tôn giáo hay chính trị họ thích và cố ý dẫn đường cho học sinh nghe theo?

- Có phải vì không muốn con mình học và lớn lên trong một môi trường nào đó có quá nhiều điều bất an? bị kỳ thị chủng tộc, bị những đứa trẻ dữ dằn hay khỏe mạnh hơn lấn áp hiếp đáp; bị ảnh hưởng những đứa trẻ hay tụ tập ngoài đường làm những chuyện không nên làm như đánh nhau hoặc tệ hại hơn nữa, rủ nhau hút xách?

- Dạy học tại nhà có thêm hai điều lợi nữa, khi con cái bịnh, có cha hoặc mẹ săn sóc; khi gia đình muốn đi du lịch, có thể thu xếp lịch trình dạy rút ngắn thu gọn mà vẫn đầy đủ để cả gia đình có thể cùng đi chung mà không cần phải đợi tới nghỉ hè, như vậy tránh cảnh chen lấn và đôi khi giá vé mua trái mùa được rẻ hơn cho một gia đình tạm coi là đông, sáu người.

- Sâu xa hơn nữa, không thích phương pháp dạy của trường nào đó chỉ tập trung vào các điểm kiểm tra trên lý thuyết nhưng thiếu chú tâm vào cách sống thực tế, khi ra khỏi trường bọn trẻ không biết cách chạm trán với đời, kết quả có thể đi ngược với những gì đã học.

- Về phần tài chính, tuy chỉ có người chồng hoặc người vợ kiếm tiền đem về nuôi gia đình, có thiếu thốn ít nhiều nhưng biết vén khéo thì đâu cũng vào đấy.

Nghe nó nói, tôi nhớ hồi con tôi còn học tiểu học, một hôm về nhà nó hỏi tôi về vài vấn đề có liên quan tới một tôn giáo để làm bài tập, nếu không trả lời đúng sẽ bị zero. Không cùng tôn giáo nên tôi đã ấp úng vì không thể giúp con được, với lại thời ấy chưa có computer để ta có thể vô tra cứu. Vậy, thay vì câu 'hãy nói về tôn giáo của bạn' thì có phải là công bằng không? Con tôi chịu điểm zero thật là bất công.

Có một chuyện khác do đứa em thứ tám của tôi kể lại:

- Thông thường mỗi năm cả trường bầu lên cô hoa hậu và cậu làm Home Coming Queen & King. Trước đó hoa hậu nào cũng là người da trắng, năm đó người đoạt giải là cô da đen. Lễ thường tổ chức và trao vương miện hoa hậu trong cuộc đấu football game gọi là "Home Coming Game" với một trường khác. Trận đấu cuối trước dịp nghỉ lễ Giáng sinh, thường thì đánh tại sân nhà nên trận này thua thì quê lắm. Nhóm da đen và da trắng đòi đánh nhau ở trường, da đen nói kỳ thị, da trắng nói có gian lận khi bầu cử. Trường tuyên bố hôm đó nghỉ học, sợ có nổi loạn, làm năm đó không có Home Coming Queen và King. Đó là năm em học lớp 12, em biết con nhỏ da đen được bầu vì nó là cheer leader, dễ thương lắm, không đẹp nhưng được ủng hộ nhiều, số da đen đông hơn, nhưng kẹt con nhỏ da trắng không được bầu năm đó là con gái ông bác sĩ T. cũng cheer leader, đẹp hết xẩy luôn. Má nó đóng góp rất nhiều tiền cho trường. Bả vô trường la làng lên ...

Vợ bác sĩ trong phố nhỏ mà, ông bà bác sĩ T. thời đó oai lắm. Ai cũng biết bà này.

Học sinh trong trường, da đen cỡ 60%, da trắng 40%, Việt Nam có em, L. (chết hồi năm freshman đại học), T. & Ch., và 2 đứa người Tàu em quên tên rồi.

Năm vừa qua, Stephanie, con dâu thứ của tôi cũng bắt đầu dạy thằng con trưởng tên Dean tại nhà. Dạy thằng lớn nhưng thằng em tên Dane cũng kè kè tập sách bắt chước y chang, học theo.

Stephanie kể đại khái như sau:

"Mẹ con đã dạy hai chị em con học tại nhà theo cách K-12 là từ mẫu giáo tới lớp 12.

Nhớ lại khi mẹ bắt đầu dạy trong những năm của thập niên 80, 6 năm đầu tiên cha mẹ con nộp một bản khai thông qua HSLDA với khu học chính địa phương, do đó, nhà của con coi như là một "trường học". Làm theo cách này các bậc cha mẹ chịu trách nhiệm 100% cho các bài học, mua sách giáo khoa, các chuyến đi chỗ nầy chỗ nọ vừa học hành vừa chơi đùa, tham gia với tất cả những sinh hoạt thể dục thể thao vv… với bạn đồng lứa. Điều đó cũng có nghĩa là ta được bảo vệ một cách hợp pháp vì ở nước Mỹ, sự học là điều cưỡng ép giáo dục.

Mẹ đã phải theo đúng luật cho nên chúng con không được mở cửa ra đường y như khi đang giờ học tại trường. Do thiếu hiểu biết, nhiều gia đình Giáo Dục Tại Nhà đã có rắc rối pháp lý về việc ấy.

Con nhớ có lần xong bài tập sớm, hai chị em theo mẹ tới các cửa hàng tạp hóa, nhân viên bán hàng đã hỏi nếu chúng con được ở nhà một cách hợp pháp?

Chẳng phải cô ấy nhiều chuyện hay rắc rối mà chỉ là theo đúng luật bắt buộc phải hỏi, giống như việc hỏi tuổi để tránh bán rượu bia thuốc lá cho trẻ vị thành niên.

Ngày nay, luật vẫn vậy và được phổ biến rộng rãi. Nhiều bậc cha mẹ theo cách giáo dục tại gia vì họ sử dụng thời gian phương tiện và khả năng một cách thích hợp với mình.

Dưới đây là một số trang mạng giải thích về chương trình dạy tại gia HSLDA với nhiều phương pháp, có cả phần tiếng Việt:

www.hslda.org / hs / tiểu bang / CA

http://www.home-school-curriculum-advisor.com/home-schooling-method.html

Mẹ con theo phương pháp CHEP, Community Home Education Program, được trường chỉ dẫn cách dạy, phát những sách vở, tài liệu rất phong phú để mặc sức mà chọn lựa.

Mỗi tháng phụ huynh học sinh gặp vị giáo viên đặc trách cho mình để thông báo về những bài học, làm bài kiểm của một tháng, xem cha mẹ có dạy đầy đủ, sự thu nhận của học trò như thế nào và từ đó họ có thể giúp đỡ hay tưởng thưởng, y như học sinh ngồi trong lớp của trường công lập.

CHEP dạy từ Mẫu giáo tới lớp 8.

Sau đó chương trình chuyển tiếp qua bậc trung học được gọi là PCHS (Pacific Coast Hight School).

PCHS, (trừ khi phải học thêm lớp bổ túc) là hướng chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng lên đại học. Họ cung cấp tất cả các môn học tự chọn giống như một trường trung học công: hợp xướng, âm nhạc, tiếng Tây Ban Nha, nhiếp ảnh, báo chí, sách lưu niệm hàng năm, thậm chí cả buổi tiệc ra trường ta gọi là "prom"

Tất cả các môn được soạn như thế, học sinh không gặp khó khăn khi chuyển vào đại học.

Nói tới đây Stephanie cười cười, nheo nheo đôi mắt xanh trong với cặp lông mi dài rậm cong quớt rũ bóng lên đôi gò má hồng hào khỏe mạnh và khoe:

-Con đã được bầu là người có đôi mắt đẹp nhất từ các bạn đồng lớp và năm 11 con đã tốt nghiệp trung học.

Trong sách Niên giám, con đã viết cho một cột báo chí hàng tháng, làm các bản tin sinh viên, giúp chuẩn bị, thi hành kế sách và chỉnh sửa các cuốn niên giám.

Con cũng đang dạy Dean và Dane theo chương trình CHEP.

Theo thống kê cũng như cá nhân con tin rằng, có vài nơi, vì thiếu thốn ngân quỹ hay lý do nào khác, trong một lớp học ba bốn chục đứa chỉ một giáo viên, quá đông, cách nào mà cô thầy có thể theo dõi cặn kẽ từng em cho xuể? hậu quả nhiều nơi cho thấy thì giờ chúng gần gũi với bạn đồng tuổi nhiều hơn. Giống như trẻ con học với trẻ con, khó tránh khỏi những điều bất ý, tuy rằng cũng có đa số các em đã vượt qua và trở thành những học sinh xuất sắc vượt bực.

Đó là ý nghĩ chỉ đáng "2 xu" của riêng con mà thôi nhưng cũng là lý do chính con đã chọn cách Dạy Con Học Tại Nhà.

Dưới đây là các trang web cho CHEP và PCHS:

http://chep.ocde.us
http://pchs.k12.ca.us
Đây là một số trang web của các trường có danh tiếng tuyệt vời:
http://www.parkviewpylusd.org/
http://www.mountainpeakcharter.org/
http://riverspringscharter.org/

Một trong những chương trình trực tuyến rất thích thú là:

http://www.k12.com/

Còn một phương pháp nữa, nếu thấy con mình có năng khiếu đặc biệt về môn nào, thí dụ: nhạc, hội họa hay thể thao… ta có thể chuyên về môn ấy để nó có phương tiện phát triển một cách tốt nhứt.

Nếu cho con đi học tại trường mà có được thì giờ chăm sóc theo dõi sự học của con thì tốt biết chừng nào. Riêng con, dạy tại nhà, con xử dụng nhiều thì giờ quan tâm gắn bó, tâm tình cởi mở với chúng như bạn bè, là điều cần thiết cho tuổi thơ. Thêm vào đấy, con cháu học lễ phép lịch sự nhưng không quỵ lụy, biết điều nào đúng, sai, không mù quáng tin theo bất cứ tôn giáo nào mà không có những câu hỏi và thắc mắc được cha mẹ giải đáp một cách trung thực.

Con đã cùng hai con đào đất gieo những hột trồng những cây, cùng tưới nước và cùng nhìn chúng từ từ lớn. Nhìn những cặp mắt thơ ngây sáng lên khi thấy một chiếc lá mới nhú, nhìn cây nhìn lá thì biết đó là cây đu đủ hay cây chuối, thật sự lòng con rất vui."


Theo nhận xét của riêng tôi, con dâu thứ nầy có tánh rất tin người.

Có lần, nó đăng báo bán một cái máy cắt cỏ với giá 50 mỹ kim. Một ông tới coi xong chịu mua với điều kiện, để ông ta đem máy về xem có xài được không rồi sẽ đem tiền tới trả, nó ừ liền, không hỏi tên cũng chẳng biết ông ta ở đâu. Trong bụng tôi đã nghĩ, nó sẽ không bao giờ nhìn thấy 50 đô ấy đâu. Người sao mà khờ quá, chắc tại hồi nhỏ học tại nhà, ít được tiếp xúc với đời nên không biết được lòng người. Kiểu nó mà ra đời thì kể như "lúa", như lời của cô em thứ tám trong nhà đã góp ý "quạt" lia lịa vụ dạy con học tại nhà:

-Theo em thì con nít cần phải tìm cách đối phó với bạn bè xấu tốt, nếu sợ nó gặp bạn hư mà mình bao bọc nó trong cái nhà kiếng thì khi ra đời đi làm nó phải đương đầu với bao kẻ xấu làm việc chung. Xã hội có đủ tốt và xấu mà.

Thế nhưng, ngạc nhiên hết sức, đúng một tháng sau, ông ta đem tiền tận nhà trả, với một cái bánh nướng gọi là cám ơn đã bán cho ông một cái máy tốt quá xá.

Nó đã áp dụng câu "ở hiền gặp lành" còn tôi thì "đa nghi như Tào tháo"

Tuy nhiên, chuyện nào cũng có mặt trái của nó.

Có nhiều trường đại học không chấp nhận những học sinh học tại nhà; gia đình chỉ có con một hoặc những đứa trẻ có bản tính nhúc nhát, khó thể thích ứng với thế giới bên ngoài khi lớn lên… thì có thể không thích hợp cho lắm việc học tại nhà.

Nhưng, theo tôi, dù học ở trường hay ở nhà, được sự chú tâm của cô thầy và cha mẹ, tuổi trẻ lớn lên mang theo lòng tự tin, phát triển năng lực tối đa thì điều phục vụ cho gia đình và xã hội một cách thích thực là điều dĩ nhiên.

Cá nhân tôi nghĩ, cuộc đời giống như được chia ra làm ba thời kỳ:

1-Từ sơ sinh tới trung bình hai mươi lăm tuổi, ta nhận sự nuôi dưỡng lớn lên và học hành.

2-Từ hăm lăm tuổi trở đi là thời kỳ làm việc, hoàn lại những gì ta đã nhận.

3-Từ sáu mươi lăm hay bảy mươi, ta tận hưởng niềm vui của tuổi về chiều với con cháu, hài lòng với những gì ta đã góp công sức cho đời.

Thanh niên là rường cột của nước nhà, được chăm sóc từ nhỏ tới lớn, ấy cũng là một trong những lý do tại sao đất nước Hoa Kỳ hùng mạnh, đứng đầu trên thế giới dù chỉ được khám phá ra trên hai trăm năm mà thôi.

Bởi vậy, tiếc thay, trên thế giới, có biết bao nhiêu nhân tài bao nhiêu khối óc vì hoàn cảnh vì lý do nào đó đã không được phát triển đúng mức.


Các con áp dụng cách dạy tại gia, tôi đã thấy mấy đứa cháu nội, sáng dậy đúng giờ, quần áo chỉnh tề, ăn sáng xong, chúng ngồi tại bàn học với tấm bảng đen và những bài vở y như trong lớp, chăm chú học.

Tôi đã nghe các cháu líu lo:

- Mẹ ơi, tại sao mặt trăng hình tròn? tại sao không là hình bầu dục? tại sao nó bị treo trên kia mà không rớt xuống? có lấy xuống được không? tại sao cây sả không có bông? tại sao lá nầy ăn được, lá nầy không được ăn?

- Tại sao con không được chơi game ngay bây giờ mà phải đọc ba trang sách?

tại sao, tại sao và tại sao….

- Con muốn giúp bà nội làm vườn.

- Ông nội ơi ra vườn hái cam với con.

- Mẹ nói mỗi ngày con phải học trước khi được chơi…

… và nghe chúng ríu rít với bạn khi cùng tụ tập ngoài sân sau:

- Hey Roxy, you muốn chơi game batman không? vui lắm, để tôi chỉ, nhấn nút nầy, quẹt ngang, hãy đuổi tên cướp ấy đi, nầy nầy…

- Hey Jake, tôi là cảnh sát, you là kẻ cướp, chạy đi…

- Tại sao tôi phải chạy?

- Tại vì you là kẻ cướp, là người xấu…


Chuyện gì cũng có hai mặt trái phải, đặng nầy mất kia, vì có thể, theo lời em tôi, Ngọc Anh, đã nói:

-Theo tui thì vụ dạy ở nhà hông tốt đâu, vì đứa nhỏ cần phải tiếp xúc với cả hai mặt tốt và xấu để khi va chạm với đời sống tự nó sẽ biết cách thích ứng hơn là đứa trẻ ở nhà thiếu tiếp xúc với cảnh đời khác, khi đụng chuyện hoặc nó nhút nhát hoặc nó nổi loạn, rất tai hại.

Đó cũng là những ý nghĩ đầu tiên của tôi, mười mấy năm về trước. Thế nhưng, nhìn mấy đứa cháu phát triển về việc học lẫn tâm trí, rất bình thường như bao đứa trẻ khác, tôi an tâm.

Vả lại, khi xưa chúng tôi sống ở tiểu bang North Carolina trong một thành phố rất nhỏ, lái xe ngang, nháy mắt một cái là đã qua khỏi phố, số dân rất ít và đa số theo cùng một tôn giáo. Thời đại bây giờ dân số đã tăng cả trăm lần mang theo nhiều sắc tộc và sự khác biệt, thế hệ khoa học tân tiến hơn nhiều, sự giao tiếp của dân địa phương và chương trình dạy dỗ học sinh trong trường chắc chắn có nhiều thay đổi.


Cầu trời cho các cháu ra đời được bình yên. Mong chúng nó lấy nhu thắng cương, lấy nhân tâm làm gốc, đem nhẫn, nhịn, nhường mà đối phó với thế gian.

Gần cuối năm 2012, ngay sau khi biết tin về vụ thảm sát ở trường tiểu học Sandy Hook, tòa Bạch ốc đã treo cờ lưng chừng rũ để tang chung, Tổng Thống Obama đã chảy nước mắt khi chia buồn cùng gia đình các nạn nhân bằng cương vị của một người cha chứ không phải là Tổng Thống.

Bằng cương vị một người mẹ và một người bà, tôi cũng đã chảy nước mắt theo.

Con trai và con dâu từng đứa một đã nói với tôi:

-Con không biết cảm giác như thế nào nếu phải đứng trong hoàn cảnh của những người cha người mẹ trong vụ thảm sát đó… con rất mừng là đã theo chương trình dạy con tại nhà.

Nhưng dù sao đi nữa, như lời của một người dân sống gần gia đình kẻ sát nhân đã nói: -Dân chúng ở đây thân thiện gần gũi nhau như những sợi len đan liền khít trong tấm áo len.

Hy vọng những gia đình ấy vẫn cố gắng giữ vững được ý nghĩ cao đẹp của tình hàng xóm láng giềng, ôm nhau an ủi, chia sẻ nỗi đau mất người thân và vượt qua chặng đường đen tối.

Cầu nguyện tất cả hương linh những người đã mất cùng hai mươi em bé 6, 7 tuổi ấy, như lời của TKHT, tác giả Viết Về Nước Mỹ trong bài "Ngày ấy mai rừng" đã viết:

... sẽ gặp lại nhau ở một nơi không có đau buồn!

Trương Ngọc Bảo Xuân

Ý kiến bạn đọc
15/02/201318:10:49
Khách
Thực tế khách quan: chỗ nào tập thể đông người là có đụng chạm. Ở Mỹ chuyện này tăng lên 100 lần.
1/ Dân ngoại quốc rất hung dữ, kỳ thị, có ở xứ Mỹ mới biết.
Ta không thể 24/24 đối phó với chuyện này, nếu đối phó được cũng xuống tinh thần.
2/ Cái gì cũng có hai mặt, nhưng nếu tôi có con tôi sẽ cho con học tại nhà, chính người Đức còn phải tị nạn giáo dục vì bên Đức không cho học tại nhà.
Báo chí Mỹ thường xuyên đăng học sinh tự tử vì bị ăn hiếp tại trường ( dân ngoại quốc ganh tỵ dữ lắm).
16/02/201306:05:45
Khách
Tôi thì khác, theo tôi trẻ con nên cho tới trường để được tiếp xúc với cả hai mặt tốt và xấu, khi ra đời sẽ có đủ khả năng sống hoà hợp với chung quanh, nhờ ở sự phân biệt giữa tốt và xấu rõ ràng
Những chuyện học trò bị ăn hiếp ở trường thì nước nào cũng có
Hoan hô tác giả, bài viết nào của bà cũng đưa ra những vấn đề thực tiển đáng suy nghĩ.
16/02/201316:35:01
Khách
Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng chịu nổi, nó tự tử thì sao?.
Chưa kể nó còn bị áp lực phải giống đám xấu xa, bần tiện là phải hút xì ke, học dở ...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,308,377
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.