Gốc Phi Châu
Tác giả: Nguyễn Trung Tây
Bài số 2765-1628836- vb7102409
Tác giả tự sơ lược về mình "Sinh tại Saigon, trưởng thành tại Sài Gòn và San Jose, CA. Hiện đang làm việc tại Melbourne, Úc Châu." Muốn biết thêm về tác giả, mời vào Webpage: www.nguyentrungtay.com.
Thông tấn xã công giáo VietCatholic cho biết "Linh mục nhà văn Nguyễn Trung Tây thuộc dòng Truyền Giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago.” Hiện làm Giáo sư Kinh Thánh tại Đại Học Thần Học Yarra Theological Union, Melbourne, Úc Châu."
Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của nhà văn linh mục Nguyễn Trung Tây là “Mẹ, Mẹ Tôi” đã phổ biến từ tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, kể chuyện “ông thầy” và ghetto tại Chicago, thành phố quê hương của Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ Michelle Obama.
***
Quan bác biết không" Hôm đó bạn em chở đi ăn trưa. Chuyện là như thế này. Từ khi em đi làm ở bên Úc, ba năm rồi bạn bè không gặp mặt, giờ hội ngộ tương phùng cho nên cả hai dẫn nhau tới Lion Plaza của Thung lũng Hoa Vàng. Trên đường King Road, ngay khu nhà có lợi tức thấp, bạn em chỉ,
- Nhìn kìa, cứ như khỉ, vừa đi vừa múa vừa làm hề.
Em nhìn theo, vừa kịp nhận ra thanh niên Mỹ, ngôn ngữ bình dân gọi Mỹ đen, đang ôm trên vai máy cassett âm thanh vặn lớn, người nhún nhảy theo điệu nhạc disco. Em cự nự,
- Sao lại nói người ta như thế"
Cái này là em nói thật tình, xin quan bác đừng giận. Lời nói về Mỹ đen với nội dung tương tự không phải là hiếm hoi trên môi một số người Mỹ vàng đâu nhé. Có lần em tới nhà một người quen ở Portland, Oregon chơi. Trời mùa hè, nắng đẹp rực rỡ, người quen chỉ ra bãi cỏ xanh ngăn ngắt,
- Nhìn thằng Mỹ đen đang phơi nắng ngoài công viên kìa. Đen thùi lùi như cục than hầm thế kia mà cũng bày đặt đòi đi phơi...
Có người còn cắc cớ hỏi,
- Biết Mỹ đen phơi nắng như thế nào không"
- Không biết hả" Thì cũng nằm xuống, nhưng ngửa hai lòng bàn tay đưa lên trời...
Nghe lạnh cả người, rợn tóc gáy, ốc ác nổi cùng mình. Em nhớ có lần quan bác càm ràm,
- Khu nhà đó toàn là Mỹ trắng, sức mấy mà họ chịu cho mình lọt chân vô. Có trả bạc triệu người ta cũng chẳng bán... Tụi Mỹ trắng là tổ sư kỳ thị.
- Thôi đi! Em lạy quan bác, mình cũng có thua kém chi đâu. Chắc quan bác còn nhớ cái thời mà Huyền Trân Công chúa lên xe hoa về nhà chồng ở Chiêm Thành chứ gì. Trời ơi, nhà trai đằng nào cũng là vua chúa một nền văn minh huy hoàng với Tháp Chàm Tháp Bà hôm nay còn đứng đó vươn cao ngất trời. Thế mà người Việt nhà Trần thản nhiên truyền miệng câu ca dao,
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng mán thằng mường nó leo.
Em quen bà chị ở Cleveland, Ohio, ghé vào nhà chơi, thấy người con tuổi mười tám ngồi trong phòng khách coi bóng rổ với mấy người bạn Mỹ gốc Phi Châu. Thấy mẹ và em bước vào, cậu con trai khéo lắm, vội vàng đứng dậy chào mẹ chào chú. Bạn Mỹ gốc Phi Châu cũng nhanh nhẹn đứng dậy chào theo. Em phá phách nghịch ngợm, lắc lắc người,
- What s up, dudes"
Cả chị, con, và mấy người bạn bật cười vang bởi em nói tiếng Anh giọng Mỹ đen. Chị bạn nhận xét,
- Chị thấy chú làm việc ở Nam Chicago, Indianapolis với Mỹ đen lâu rồi, cho nên thấy chú tỉnh bơ. Chứ mấy người bạn chị ghé vào nhà, nhiều người họ dội luôn...
Em cũng hiểu lắm, bởi bà dì ở Memphis, Tennessee đã từng tâm sự,
- ...Thì tối hôm đó, dì từ tiệm Target đi bộ về nhà, thì nhà cũng chỉ cách tiệm khoảng mấy quãng đường mà thôi. Con cái chiều hôm đó lại bận không đi đón được. Dì là liều thử một bữa. Ai ngờ, mới đi được một quãng là đã nhìn thấy từ trong hẻm mấy ông Mỹ đen phóng ra. Dì quẳng hết, vừa chạy vừa hét... Từ hôm đó gặp Mỹ đen là người cứ run lên, mặt mày xanh lét...
Em cũng thông cảm cho dì em lắm, bởi đã một thời sống tại Hyde Park, Chicago, cạnh ngay Nam Chicago, ghetto của người Mỹ gốc Phi Châu. Một người bạn học trên đường về nhà đêm hôm đó cũng đã từng bị hàng xóm gốc Phi Châu đuổi chạy bán mạng. Bạn em cũng vứt tất cả cặp sách viết mực, bỏ của chạy lấy người. Nhưng chạy không lại, cho nên bị trấn lột, mất hết tiền bạc. Hyde Park, khu vực nhà giầu với University of Chicago đoạt mười mấy giải Nobel, sinh viên triệu phú mới có cơ hội đặt chân lên khuôn viên sân trường. Thế mà oái ăm thay, lái thêm mấy khu phố nữa thôi là bên ni bên nớ. Bên ni Hyde Park nhà giàu gốc Âu Châu xe Mercedez bóng loáng, nhà cửa gạch đỏ tiền triệu. Bên nớ Nam Chicago nhà nghèo gốc Phi Châu, xe hơi màu sơn sét rỉ, nhà cửa lụp xụp, người không cùng màu da có mạng bước vào không có mạng đi ra. Giết người cướp của nửa đêm về sáng, bấm số gọi 911, cảnh sát Chicago cũng ngần ngại một bước chân.
Cũng chính nơi đây, Nam Chicago, hồi đó cuối tuần ngày thứ Sáu, em dạy Computer 101 cho học sinh tiểu học gốc Phi Châu lớp Năm hai năm liên tục.
- Cái này gọi là Con Chuột.
Thầy giơ cao Motherboard chỉ vào khối vuông vuông có nhiều chân,
- Còn đây là CPU.
Em cặp mắt ngây thơ mở lớn, hai hàng răng trắng đều tăm tắp, giơ cao tay,
- Con Chuột thì em biết, nhưng CPU là cái gì vậy hả thầy"
Thầy nghĩ tới trục lộ đèn xanh đèn đỏ Nam Chicago vào ngày cúp điện, cảnh sát gốc Phi Châu đứng giữa ngã tư hướng dẫn lưu thông. Tay trái chỉ bên trái, hàng xe cộ dài ngoằng uể oải lăn tới; tay phải phất phất, dòng xe tay phải lăn bánh tròn đều.
Em, lớp Năm nghe thầy giảng về nhiệm vụ của con chip CPU, mắt bồ câu mở to đen lay láy, thản nhiên lạc đề,
- Mai mốt em sẽ đi học làm cảnh sát.
Thầy nhìn em, học sinh Mỹ gốc Phi Châu, tuổi mới mười một...
- Ừ, em hãy ước mơ thật lớn, ước mơ thật nhiều, mơ như nhà lãnh tụ Martin Luther King đã từng mơ,
“I have a dream that one day on the red hills of Georgia the sons of former slaves and the sons of former slave owners will be able to sit down together at a table of brotherhood.
I have a dream that my four children will one day live in a nation where they will not be judged by the color of their skin but by the content of their character.”
“Tôi có một giấc mơ về một ngày trên những ngọn đồi đỏ mầu của tiểu bang Georgia, con những người một thời nô lệ và những người một thời chủ nhân có thể ngồi xuống bên nhau trong tình huynh đệ.
Tôi có một giấc mơ về một ngày bốn người con của tôi sẽ sống ở một quốc gia mà con tôi sẽ không bị đối xử bởi màu da nhưng bởi cung cách hành xử của riêng mình.”
Mơ đi em, mơ rất nhiều, mơ thật lớn, để mai này cuộc đời trải thảm dẫn em bước vào tòa nhà Quốc Hội, Bạch Cung rộng rãi thênh thang.
Ba giờ chiều, kẻng vang, tan trường. Bố mẹ bận rộn làm thêm giờ phụ trội, gọi điện thoại thông báo chưa đón được con. Nữ tu Hiệu Phó bèn gửi học sinh cả năm lớp đếm từ Một tới Năm xuống phòng Computer Lab giờ này trở thành Afterschool để thầy dạy tiếp. Lớp Một, Lớp Hai, thầy cho các em chơi game điện tử Bambi chạy chơi trên đồng cỏ đi kiếm bạn Sóc Nâu. Lớp Ba cho tới Lớp Năm, thầy dạy đánh máy chữ bằng chương trình điện toán. Key này chữ A, em đánh đúng chữ, đồng tiền vàng hiện ra sáng lấp lánh. Đánh sai chữ, em bị trừ điểm số tiền trong ngân hàng. Cứ thế, thầy ngồi đó dạy học sinh gốc Phi Châu bài thực tập đánh máy chữ,
- Đó, đó, vừa mới nói xong lại đã quên rồi. Ngón trỏ tay trái để lên chữ F. Còn ngón trỏ tay phải để lên chữ J...
Chiều thứ Sáu hôm đó, bà mẹ độc thân không hiểu lý do tại sao, tỉnh bơ quên đi là mình có một người con. Sáu giờ chiều rồi, học sinh Afterschool đã về hết. Em con gái lớp Hai bím tóc với hai cái nơ vàng xinh ơi là xinh, thoạt tiên còn mải mê chơi game, không để ý chi. Đến chừng nhìn quanh, không còn thấy bạn học đâu hết, ngoại trừ Sơ Hiệu Phó gốc Âu Châu và ông thầy gốc Á Châu, em ngơ ngác, mặt đỏ bừng bừng rồi chuyển sang tim tím, đôi môi thoạt tiên bậm lại cố gắng giữ, nhưng rồi cũng bật tung bởi những hàng nước mắt trên đôi mắt tô nâu hột nhãn. Em khóc nấc lên, tỉnh bơ, ngon lành. Sơ Hiệu Phó chạy lại dỗ em. Tôi gọi điện thoại cầm tay tìm người thất lạc.
- Mommy, where are you now"
Đấy, quan bác thấy đấy, em hồi đó thứ Sáu cuối tuần là bận tíu tít, cứ như người có con mọn. Thông thường về được tới ký túc xá cũng đã bẩy tám giờ tối. Nhà cơm rộng rãi thênh thang, em ngồi ăn trễ bóng đổ một mình, cơm nguội ngắt, thêm vài miếng khoai tây ỉu xìu, nhưng vẫn thấy vui rộn ràng trong lòng. Quan bác hỏi em được trả bao nhiêu một giờ đó hả. Quan bác ơi, nada... Không một đồng xu dính túi. Em không nói giỡn chơi với quan bác đâu, bởi đây là công tác thiện nguyện trường đại học Chicago đòi hỏi sinh viên tụi em phải tham gia. Có tín chỉ đàng hoàng chứ đâu phải chuyện chơi, mà tới bốn tín chỉ lận đó. Nhiều bạn sinh viên chung trường chọn xuống khu đèn đỏ dưới phố Chicago. Quan bác biết khu đèn đỏ mà, cái khu mà có nhiều cô nhiều cậu ăn sương đấy, vâng, vâng, đúng rồi, cái khu đó đó. Họ chọn xuống dưới khu đèn đỏ đứng phát bao cao su phòng chống bệnh tật. Em, em chịu thôi. Cho nên cuối tuần thứ Sáu, em đón xe bus đi vào ghetto Nam Chicago, hướng dẫn Computer cho lớp Năm trường St. Elizabeth.
Năm sau, em thiên di về phiá đông nam, lái xe ba tiếng từ Phố Gió Chicago tiểu bang Illinois sang thẳng tới thủ phủ Indianapolis tiểu bang Indiana tham dự chương trình Internship. Lần này cũng dạy học, từ Mẫu Giáo cho tới lớp Tám tại trường St. Rita, tọa lạc trên đường Dr. Andrew Brown.
Giống như St. Elizabeth, St. Rita cũng lạc loài nằm trong khu ghetto. Nhưng khác với trường Tiểu Học Elementary St. Elizabeth của Nam Chicago, St. Rita của Indianapolis là trường Middleschool, học sinh 98 phần trăm gốc Phi Châu, nước da bóng lộn vóc người lực lưỡng. 2 phần trăm còn lại trộn lẫn. Hoặc mẹ gốc Phi Châu gặp gỡ gốc Âu Châu. Con sinh ra nước da khác mẹ, tóc nâu nâu vàng, nhưng quăn tít từng lọn.
Mới tới, lạ nước lạ văn hóa Indianapolis, thầy không biết ai vào với ai. Chưa an cư thì khó mà lạc nghiệp lắm. Nhưng thầy đúng là cầm tinh kiếp con trâu, mà lại là con trâu sinh ban ngày, số vất vả, cho nên mới tới được mấy ngày đã phải đứng lớp.
Tuần đầu dậy học, ác mộng chập chờn hằng đêm. Lớp Bẩy Lớp Tám, học sinh có những em con trai cao xấp xỉ bằng thầy, có em trội vượt hơn cả một cái đầu. Tuần đầu thầy nói gì trong lớp, kệ thầy. Thầy đứng cầm phấn giảng, học sinh Lớp Bẩy Lớp Tám coi thầy như pha. Có em ngồi gục đầu xuống bàn, ngủ tỉnh bơ. Có em lấy giấy gấp phi cơ phóng bay vòng vòng trong lớp nhìn không đẹp không ăn tiền. Em con trai lấy máy điện tử chơi game, bắn súng đoàng đoàng chíu chíu. Em con gái tóc kết từng lọn, quay lại cự nự tên đang chơi bắn súng,
- Vặn nhỏ lại. Ồn ào quá!
Cự xong, em lại tỉnh bơ soi mặt trong gương, tô son đánh phấn, cười rúc rích với mấy người bạn. Hứng chí, em chu miệng lại, thổi sáo huýt còi vui như đang thảnh thơi dạo chơi hội chợ.
Trên bảng, ông thầy gốc Á Châu, mặt xanh lét, run cầm cập, thôi chết rồi, giờ làm sao. Tới giờ tan học, cả lớp lục tục đứng dậy, bỏ đi hết để lại thầy vốn đã nhỏ người, giờ lại càng nhỏ bé giữa phòng học Lớp Bẩy Lớp Tám, rộng thênh thang đầy những xác phi cơ nằm chết gục la liệt trên sàn nhà.
Tối hôm đó, thầy giáo mất ngủ, thần hồn nhát thần tính, thầy hoảng hốt cứ như người bị ma đuổi.
Ngày hôm sau, vẫn vậy.
Ngày tiếp theo, vẫn thế.
Ơi, cuộc đời! Sao nhiều thử thách gian nan! Xin Bụt hiện ra gọi chim trời bay xuống nhặt đậu xanh đậu đỏ cho đời con bớt vất vả.
Tuần đầu tiên sống ở phố Indianapolis, cuộc đời buồn thiu tương tự như trời mùa đông tuyết đổ trắng xóa phố phường.
Tuần sau, thầy nằm vắt tay trên trán nghĩ ra một kế sách chiến lược tên gọi "Quá tam ba bận". Trong lớp, thầy đang giảng bài, chưa được phép thầy giáo mà em mở miệng, có hành động mất trật tự, thầy dừng lại, vừa viết nắn nót vừa đọc rõ ràng tên em để em biết chính em là người được khắc ghi tên trên bảng,
- David Hamilton, lần đầu tiên.
Em không chịu cải tà quy chánh, tiếp tục chơi game bắn súng đoàng đoàng chíu chíu, thầy viết số 2 ngay bên cạnh tên em, miệng lại đọc rõ từng âm,
- David Hamilton, lần thứ hai.
Em không chịu hạ Đồ Long Đao, muốn thử công lực của thầy, tiếp tục phá rối mất trị an, thầy không viết số 3 nữa, nhưng đưa tay ra lịch sự mời,
- David Hamilton, thôi, em không phải học nữa, đứng ngoài cửa lớp đi em.
Tôi đi đám cưới con gái của người bạn có cô phụ dâu xinh đẹp, lễ phép người gốc Phi Châu. Trong khi tôi và vài người thấy ấm lòng trước cái tình bạn hợp chủng dễ thương đó thì có một bà sang trọng, có học (nhưng thiếu văn hóa?) phán một câu xanh dờn"Bộ hết bạn rồi sao mà có một phụ dâu người da đen!".
Không lời nói nào có thể độc ác và vô lối hơn thế, lại nhắm đến một người đáng tuổi con cháu mình! Nghe họ phán những lời độc địa về người Mễ về vị tổng thống đã màu và gia đình ông nghe mà ớn lạnh! Chẳng hiểu những người này họ nghĩ gì khi ráng tìm mua nhà ở những khu người Mỹ trắng rồi lại cảm thấy bị kỳ thị? Họ khinh bỉ người khác vì màu da nên dễ có mặc cảm về màu da không trắng của mình!
Hy vọng the next Viet generation would be better, culturally, cho một xã hội tử tế hơn nữa.