NGƯỜI GIEO HI VỌNG
Tác giả: Khanh Vũ
Bài số 2493-16208570-vb2291208
Tác giả là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù nhân chính trị, định cư tại Mỹ theo diện H.O. đã góp một số bài viết về nước Mỹ. Bài mới của ông kể về một người bạn tù đặc biệ...
***
Theo tin báo chí tường thuật, đại hội "Ngày tù nhân chính trị Việt Nam" do bà Khúc Minh Thơ, hội trưởng Hội gia đình tù nhân chính trị, tổ chức tại Dallas (Texas) vào ba ngày đầu tháng 6-2008, đã thành công mỹ mãn với khoảng 4000 người tham dự.
Sự kiện nổi bật trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt ở Hoa kỳ khiến thêm một lần nữa tôi lại nhớ đến anh N. V. N, người sửa "đài"(radio) trong tù ở cùng trại với tôi năm xưa. Chính anh là người đầu tiên cách nay ba mươi năm đã cho tôi biết tin về bà Khúc Minh Thơ ở Mỹ cũng như mục đích cao cả của hội gia đình tù nhân chính trị do bà thành lập ở đây. Tin tức đặc biệt này đã gieo vào lòng tù nhân chúng tôi niềm hi vọng tuy mong manh nhưng đã là những "chiếc phao" quý hiếm giúp chúng tôi bám víu vượt qua được những năm tháng dài trong các trại tù cải tạo đầy khổ ải tại miền thượng du Việt Bắc.
Năm 1978, sau thời gian bị giam ở Sơn La, Yên Bái, chúng tôi chuyển trại về tù tiếp ở Nghiã Lộ trong vùng rừng núi Hoàng liên Sơn. Cũng như ở những trại khác trước đây chúng tôi bị cô lập, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Không có báo chí, không có tin tức đài phát thanh, không có thư từ từ thân nhân, chỉ có tiếng kẻng báo thức, kẻng đi ngủ với những âm thanh lạc lõng quen thuộc hằng ngày đến nhàm chán buồn nản. Ngoài cái đói ăn thường xuyên hành hạ dạ dày chúng tôi còn bị cái đói tin tức thường xuyên dằn vặt tinh thần.
Cứ thế ngày lại ngày thời gian trôi qua trên thân xác người tù ngày càng khô héo tàn tạ mà cuộc đời như đang mãi trôi trong con đường hầm dài bất tận. Câu nói Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại"thật chưa lúc nào thấm thiá cho bằng! Cho đến một hôm anh N rỉ tai cho biết anh vừa nghe được đài phát thanh nước ngoài (VOA, BBC) đưa tin ở Mỹ bà K M Thơ thành lập hội gia đình tù nhân chính trị để xin can thiệp trả tự do cho tù cải tạo và cho họ cùng gia đình được ra nước ngoài định cư.
Tin này thật bất ngờ, quá "nóng bỏng", là một tin mừng mơ hồ nhưng cũng làm anh em nào biết được cảm thấy "lên tinh thần", vui lên phần nào sau thời gian dài đói tin, buồn thảm lẫn bi quan lo lắng. Bởi anh em bỗng thấy mình không bị lãng quên như vẫn tưởng, trái lại anh em vẫn được đồng bào ở hải ngoại xa xăm quan tâm, vẫn được họ nghĩ đến thân phận tù đày của mình. Hi vọng đó dù nhỏ nhoi chợt đến cũng đủ làm cho tôi cảm thấy xao xuyến trong lòng như chút ánh sáng bỗng hiện ra từ cuối đường hầm dài tù ngục. Thế nhưng tôi và người nào được anh N tiết lộ cho biết, đều phải hết sức kín tiếng, tuyệt đối giữ bí mật, bởi nếu bị ban quản lý trại phát hiện, người đưa tin sẽ bị ghép tội loan tin thất thiệt, phản động và hậu quả sẽ khó lường.
Không như những nguồn tin đồn đãi "rất giựt gân" trước đây lúc còn ở trại Suối Máu (Tân Hiệp) trong Nam, không rõ xuất xứ từ đâu mà trong lúc đói tin và quá xuống tinh thần anh em tù vội dễ dàng tin ngay để sau đó biết là tin nhảm, càng thêm buồn. Lần này tin anh N đưa ra tôi không mảy may nghi ngờ vì anh là bạn thân và là người duy nhất có điều kiện biết được: anh hằng ngày có radio bên cạnh, nghe và biết được tin tức từ các đài nước ngoài như VOA và BBC.
Tôi gặp được anh N từ khi chuyển đến trại tù ở Hoàng liên Sơn. Chỉ ít hôm sau biết nhau cùng quân chủng chúng tôi trở nên thân thiết rất nhanh dù trước đây không cùng đơn vị hay biết nhau. Anh lớn hơn tôi mấy tuổi, trán hơi sói, ăn nói nhẹ nhàng, tánh tình rất hiền hoà, được nhiều bạn thân mật gọi anh là "N già". Trước khi vào tù anh mang cấp bậc thiếu tá quân đội VNCH, phục vụ tại một đơn vị tại Tân sơn Nhất. Được biết khi mới vào quân đội anh được gởi đi thụ huấn một khoá học chuyên môn tại Pháp. Từ kiến thức căn bản của ngành học, anh nghiên cứu sửa chữa radio transistor thông dụng không mấy khó khăn. Anh N được ban quản lý trại cho ở lại trong trại mà không phải ra ngoài lao động nặng nhọc vất vả như bao nhiêu anh em khác, nhờ anh được giao nhiệm vụ đặc biệt là sửa chữa "đài" cho cán bộ trại. Anh cho biết đã sửa radio từ khi còn ở các trại tù trong Nam nên khi ra Bắc chắc hẳn anh đã được "bàn giao" nên ban quản lý trại khai thác ngay khả năng này của anh.
Radio là một trong ba đồ vật "đồng, đài, đạp"(đồng=đồng hồ, đài=radio, và đạp=xe đạp"), rất có giá trị, rất quý đối với Việt cộng những năm liền sau ngày "giải phóng" miền Nam. Anh nào có được ba thứ này là có vẻ rất hãnh diện tự xem thuộc loại "khá" trong xã hội. Cho nên khi có cái đài thì đi đâu VC cũng mang kè kè bên mình, xem như "báu vật" bất ly thân. Nếu chẳng may một lúc nào đó cái đài tự nhiên "trở bệnh", trục trặc là chủ nhân mau mau đem đến bảo anh N "chữa trị" ngay. Thật sự anh N cũng thích làm công việc này bởi trong nhà tù cộng sản canh gác nghiêm nhặt mà có cái radio trong tay để có thể biết được chút ít tin tức về thế giới bên ngoài như lòng hằng mong mỏi thì còn gì hơn. Anh thường lợi dụng những lúc vắng vẻ chung quanh không có ai, nhè nhẹ mở radio âm thanh thật nhỏ vừa đủ nghe các đài ngoại quốc quen thuộc như BBC và VOA. Đây là các radio transistor thông dụng thời bấy giờ, đơn giản và dễ sửa đối với khả năng và nhiều kinh nghiệm của anh, chúng đưọc cán bộ trại giao cho anh trong tình trạng hư hỏng, có cái của chính họ, có cái của ai đó nhờ họ đem vào sửa dùm. Radio transistor hư hỏng thường là do những nguyên nhân như bị chập mạch, transistor hoặc tụ điện bị hỏng khiến mạch bị gián đoạn.
Với vài dụng cụ tự chế như con vít vặn, que nung để hàn...làm từ các vật liệu lượm lặt được, anh dò tìm "căn bệnh" của radio bị hư hỏng và có cách sửa chữa thích hợp. Nếu cần thay bộ phận thì anh tháo bộ phận còn tốt từ một cái radio hỏng nhiều không thể sửa được, chờ phế thải. Thường xong cái nào anh phải giao cái đó nhưng muốn thường xuyên có cái để nghe, luôn luôn anh giữ lại trong tay một cái tuy còn trong tình trạng hỏng hóc chưa sửa xong hẳn nhưng anh biết chắc khi cần xử dụng anh chỉ cần làm thêm một động tác nhỏ là có thể nghe đưọc ngay.
Mỗi chiều sau giờ lao động lúc thuận tiện tôi thường ghé thăm N. nhân tiện hỏi nhỏ anh có "hot news"( tin tức nóng bỏng) gì không" Nếu có tin gì hay, anh cũng rất cẩn thận nhìn quanh không có ai, mới rỉ tai cho biết. Tôi thấy anh cẩn trọng cũng rất đúng bởi nếu cả tin chẳng may gặp một tay "ăng ten"ngây thơ muốn kiếm điểm với cán bộ để mong được ra tù sớm đi báo cáo với cán bộ trại thì anh dễ vào cùm như chơi. Anh thường tâm sự chỉ dám phổ biến tin tức mới nghe được một cách hết sức hạn chế, không quên kèm theo lời dặn dò nếu muốn chia sẻ với bạn khác biết thì cũng nhớ cẩn thận, kẻo lộ ra thì sẽ chẳng bao giờ còn nguồn tin tức này nữa. Anh tuyệt nhiên không nói đến hình phạt anh sẽ phải gánh chịu nếu việc này lộ ra nhưng chúng tôi biết phải làm gì để không vô tình làm hại đến anh.
Sau này khi ra khỏi tù về nhà và nhất là sau khi đến Mỹ tôi tìm hiểu và biết rõ hơn đầu đuôi sự việc về tin anh N đã cho biết trước đây.
Từ năm 1977 ở Mỹ bà Khúc minh Thơ đã khởi sự vận động tìm mọi sự giúp đỡ của các chánh giới Mỹ, để qua đó hi vọng sẽ có sự can thiệp với nhà nước cộng sản VN trả tự do cho những người tù cải tạo chúng tôi. Bà Thơ đã thành lập Hội gia đình tù nhân chính trị Việt Nam, mục đích để vận động cho việc thả những người tù cải tạo tại VN và giúp họ định cư tại Hoa kỳ cùng với gia đình. Sự việc quan trọng này được thương thảo trong thời gian khá dài giữa các giới hữu trách trong chánh quyền của các vị Tổng Thống Ronald Reagan rồi George H. W.Bush và chánh quyền Hà Nội, cuối cùng Ông Robert L. Funseth đại diện phía Hoa kỳ được cử sang thương thuyết với nhà nước VC và cùng ký kết thoả hiệp về việc trả tự do cho tù chính trị, năm 1987. Đến năm 1989 một bản thoả hiệp cho phép tù nhân chính trị được sang định cư tại Hoa kỳ cùng với gia đình cũng đã được ký kết giữa đại diện hai chánh quyền Mỹ -Việt. Không lâu sau, các tù nhân chính trị được lần lượt trả tự do và cho đi định cư ở Hoa kỳ, đợt đầu tiên đến đây theo diện HO1 cùng với gia đình vào đầu năm 1990. Tiếp theo sau đó là những đợt HO ra đi kế tiếp và cho đến nay đã có trên 300.000 tù nhân chính trị cùng với gia đình đã đến định cư tại Hoa kỳ.)