Tác giả Hữu Hà Trương Văn Hữu hiện cư trú và làm việc tại Los Angeles. Trước 1975, ông đã phục vụ liên tục 15 năm trong binh chủng hải quân VNCH. Ông vượt biên tới Hoa Kỳ năm 1979. Trong năm thứ nhất giải Viết Về Nước Mỹ 2001, ông có bài viết “Gửi về Blytheville một bông hồng” kể chuyện những năm đầu định cư tại Blytheville, tiểu bang Arkansas, nơi có bà mẹ nuôi người Mỹ giúp ông vay tiền ngân hàng để gửi về cho đàn con ở Việt Nam đóng tầu vượt biên. Sau đây là bài viết mới của ông, bổ túc câu chuyện cũ.
*
Ngày 20 tháng 9 năm 1990, bà Jewell Lee, bà mẹ nuôi người Mỹ của tôi, qua đời tại Blytheville. Với tôi, đây là ngày đau buồn thứ hai trong đời, sau ngày bà mẹ ruột tôi qua đời tại Việt Nam.
Năm 1979 khi tôi còn ở vùng kinh tế mới Đắc Lắc (Ban Mê Thuột) mẹ tôi mất tại Huế mà tôi không thể về bên mẹ.
Thời đó, chính quyền cộng sản kiểm soát chặt chẽ mọi sự đi lại, xin được giấy phép di chuyển rất khó khăn. Trong một dịp tình cờ tôi xin được phép về Đà Nẵng, những tưởng đây là cơ hội có thể về thăm mẹ già. Nào ngờ, tới Đà Nẵng thì mới hay mẹ tôi đã mất từ 40 ngày trước, hiện an táng tại Huế.
Lập tức, tôi mua vé xe đò từ Đà Nẵng đến Huế, nhưng khi xe vừa ra khỏi đèo Hải Vân đến địa phận Lăng Cô thì trạm kiểm soát của công an và thuế vụ buộc mọi người trên xe xuống để họ kiểm soát. Tôi xuống xe trình giấy tờ đi lại như mọi người và trình bày hoàn cảnh của tôi nhưng công an cộng sản không cho đi và bắt tôi phải trở lại Đà Nẵng.
Đi bộ về hướng Nam một đoạn đường, không còn thấy bóng dáng công an, tôi lẩn vào rừng, nhắm hướng Bắc thành phố Huế mà đi. Sau 3 giờ lội rừng mới trở ra đường cái tìm xe mà về được Huế. Sau khi làm lễ cúng tuần 49 ngày cho mẹ tôi xong, tôi trở vào lại Đà Nẵng vượt biên đến Hồng Kông và định cư ở Blytheville, một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Arkansas.
Tôi đến Mỹ cùng với 4 đứa cháu con của người em, sau đó em tôi cũng vượt biên đến Mỹ tôi giao lại 4 cháu cho em tôi và tiếp tục đi làm lo cho những đứa con của chính mình còn kẹt lại ở Việt Nam.
Gia đình em tôi qua cũng được nhà thờ công giáo bảo trợ thuê một căn nhà để ở, căn nhà này ở trước nhà một người Mỹ mà hai chị em họ sống với nhau từ nhỏ không lấy chồng, mỗi buổi sáng hay chiều hai bà ra tưới cây, các cháu tôi thấy vậy mới chạy qua giúp hai bà.
Thấy một gia đình Việt Nam mới qua hai vợ chồng và 9 người con mà vẫn thường qua giúp hai bà tưới cây nên hai bà rất quý mean. Lần hồi hai bà cũng ghé qua thăm làm quen lần hồi trở thành thân quen, nên hai bà thường qua chơi và chỉ dạy cho tụi nhỏ học tiếng Anh.
Sau một năm định cư, nhận thấy công việc làm lương ít con lại đông mà tiểu bang không có một khoản trợ cấp nào khác nên mấy người bạn ở California bàn chuyện khuyên em tôi dọn về California. Trong bữa tiệc chia tay gia đình em tôi có mời hai bà đến dự, nhân gặp tôi hai bà ngỏ ý mời tôi đến nhà chơi khi nào rảnh rỗi. Tôi mới qua nên ngại đến nhà người Mỹ, vì anh văn "quá giỏi" của tôi, sợ qua nhà người ta rồi tôi nói theo động từ tu quơ (quơ tay quơ chân thì mệt lắm).
Một buổi chiều tôi ghé vào chợ mua một ít đồ ăn thì gặp hai bà đang đi chợ. Cả hai tỏ ý mừng rỡ và hỏi tại sao không đến nhà hai bà chơi. Tôi hứa tuần tới tôi sẽ đến.
Chúa nhật sau khi đi lễ xong tôi qua thăm hai bà. Vừa mở cửa cho tôi bà chị réo lên Welcome rồi rối rít gọi bà em ra. Hai bà mời tôi vào ăn sáng, chuyện vãn một hồi hai bà mời tôi đi lễ nhà thờ tin lành cho vui. Chiều ý hai bà tôi cũng đi theo, sau lễ hai bà giới thiệu tôi với bạn bè và vợ chồng ông mục sư North trong hội tin lành First Bapstit.
Cách thành phố tôi ở khoảng 80 dặm cũng có một ngôi chùa Việt Nam mới thành lập nên vào những ngày rằm hay mồng một tôi cũng đến dự để gặp gỡ bạn bè. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến nhà thờ tin lành. Hai bà khuyến khích tôi đi lễ hàng tuần để tìm bình an cho tâm hồn.
Sau một tuần làm việc mệt nhọc và cầu nguyện cho các con tôi ở Việt Nam, tôi cũng muốn tìm hiểu sự sinh hoạt của nhà thờ tin lành và nhà thờ công giáo nên tôi qua để cùng đi lễ nhà thờ với hai bà.
Tôi nhớ một lần sau khi dự lễ xong hai bà mời tôi đi ăn trưa, đến một tiệm ăn chuyên bán cá chiên thật ngon. Ăn xong về nhà tôi hỏi hai bà có thích ăn cá hấp không, cá hấp ngon lắm. Hai bà e ngại nói là cá hấp tanh lắm ai mà ăn cho được. Tôi nói để hôm nào tôi mua về làm thử cá hấp và có khi cá người ta nấu canh (soup) nữa đó.
Lần đầu tiên tôi mua cá đem về làm tại nhà cho hai bà thấy ướp gia vị xong tôi bỏ vào trong một cái tô lớn, đậy nắp lên và đem bỏ vào microwave hấp 20 phút dở ra xem lại rồi hấp tiếp, vì tôi chưa hấp kiểu này bao giờ, khi chín tôi dọn ra bàn và bày ra mời hai bà đến ăn. Sau bữa ăn cá hấp đó, đi đâu hai bà cũng khoe món cá hấp của tôi. Từ đó, mỗi lần đi chơi xa hai bà thường rủ tôi cũng đi cho vui. Tôi cũng mời hai bà đi dự những sinh hoạt của đồng bào Việt Nam mình tổ chức mỗi khi có dịp, đến đâu tôi cũng giới thiệu hai bà là hai bà mẹ nuôi của tôi, quen dần hai bà thích ăn món ăn Việt Nam như chả gio, cơm chiên nên hai bà thích lắm. Sau đó hai bà bán cho tôi căn nhà mà không cần phải đặt trước, chỉ dọn đến ở và trả hàng tháng như đi thuê vậy.
Một buổi sáng chủ nhật sau khi lễ xong, ông mục sư nói lời sau cùng thì hai bà đi lên, nói gì đó với ông mục sư, rồi trịnh trọng cầm máy micro và bà chị nói:
- Kính thưa Mục sư, thưa quý vị, Hôm nay chị em chúng tôi lên đây để nói lên một lời cám ơn thật chân thành đến với một người mà chúng tôi xem như một thành viên trong gia đình chúng tôi. Ông đã giúp đỡ chị em chúng tôi rất nhiều trong những ngày còn lại của cuộc đời. Bất cứ lúc nào chúng tôi cần đến đều có mặt của ông, đưa chị em tôi đi bác sĩ, bệnh viện hay lái xe đi du lịch vv… Chị em chúng tôi kính thông báo với quí vị là chúng tôi quyết định nhận ông là con nuôi kể từ hôm nay. Ông là người Việt Nam duy nhất hiện đang có mặt trong nhà thờ này.
Ngạc nhiên và xúc động, tôi đứng lên, tiến về phía trên. Hai bà ôm tôi vào lòng như ôm một đứa con. Ông mục sư bắt tay tôi chúc mừng, sau đó là một tràng pháo tay. Mọi người đến bắt tay và chúc mừng, tôi cảm động vô cùng. Từ đó, tôi thường xuyên sinh hoạt với hội thánh tin lành ở thành phố.
Mùa Xuân California
Hữu Hà