Hôm nay,  

Bà Mẹ Nuôi

20/04/200400:00:00(Xem: 142478)
Người viết: HỮU HÀ
Bài số: 521-1058-vb2190404

Tác giả Hữu Hà Trương Văn Hữu hiện cư trú và làm việc tại Los Angeles. Trước 1975, ông đã phục vụ liên tục 15 năm trong binh chủng hải quân VNCH. Ông vượt biên tới Hoa Kỳ năm 1979. Trong năm thứ nhất giải Viết Về Nước Mỹ 2001, ông có bài viết “Gửi về Blytheville một bông hồng” kể chuyện những năm đầu định cư tại Blytheville, tiểu bang Arkansas, nơi có bà mẹ nuôi người Mỹ giúp ông vay tiền ngân hàng để gửi về cho đàn con ở Việt Nam đóng tầu vượt biên. Sau đây là bài viết mới của ông, bổ túc câu chuyện cũ.
*

Ngày 20 tháng 9 năm 1990, bà Jewell Lee, bà mẹ nuôi người Mỹ của tôi, qua đời tại Blytheville. Với tôi, đây là ngày đau buồn thứ hai trong đời, sau ngày bà mẹ ruột tôi qua đời tại Việt Nam.
Năm 1979 khi tôi còn ở vùng kinh tế mới Đắc Lắc (Ban Mê Thuột) mẹ tôi mất tại Huế mà tôi không thể về bên mẹ.
Thời đó, chính quyền cộng sản kiểm soát chặt chẽ mọi sự đi lại, xin được giấy phép di chuyển rất khó khăn. Trong một dịp tình cờ tôi xin được phép về Đà Nẵng, những tưởng đây là cơ hội có thể về thăm mẹ già. Nào ngờ, tới Đà Nẵng thì mới hay mẹ tôi đã mất từ 40 ngày trước, hiện an táng tại Huế.
Lập tức, tôi mua vé xe đò từ Đà Nẵng đến Huế, nhưng khi xe vừa ra khỏi đèo Hải Vân đến địa phận Lăng Cô thì trạm kiểm soát của công an và thuế vụ buộc mọi người trên xe xuống để họ kiểm soát. Tôi xuống xe trình giấy tờ đi lại như mọi người và trình bày hoàn cảnh của tôi nhưng công an cộng sản không cho đi và bắt tôi phải trở lại Đà Nẵng.
Đi bộ về hướng Nam một đoạn đường, không còn thấy bóng dáng công an, tôi lẩn vào rừng, nhắm hướng Bắc thành phố Huế mà đi. Sau 3 giờ lội rừng mới trở ra đường cái tìm xe mà về được Huế. Sau khi làm lễ cúng tuần 49 ngày cho mẹ tôi xong, tôi trở vào lại Đà Nẵng vượt biên đến Hồng Kông và định cư ở Blytheville, một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Arkansas.
Tôi đến Mỹ cùng với 4 đứa cháu con của người em, sau đó em tôi cũng vượt biên đến Mỹ tôi giao lại 4 cháu cho em tôi và tiếp tục đi làm lo cho những đứa con của chính mình còn kẹt lại ở Việt Nam.
Gia đình em tôi qua cũng được nhà thờ công giáo bảo trợ thuê một căn nhà để ở, căn nhà này ở trước nhà một người Mỹ mà hai chị em họ sống với nhau từ nhỏ không lấy chồng, mỗi buổi sáng hay chiều hai bà ra tưới cây, các cháu tôi thấy vậy mới chạy qua giúp hai bà.
Thấy một gia đình Việt Nam mới qua hai vợ chồng và 9 người con mà vẫn thường qua giúp hai bà tưới cây nên hai bà rất quý mean. Lần hồi hai bà cũng ghé qua thăm làm quen lần hồi trở thành thân quen, nên hai bà thường qua chơi và chỉ dạy cho tụi nhỏ học tiếng Anh.
Sau một năm định cư, nhận thấy công việc làm lương ít con lại đông mà tiểu bang không có một khoản trợ cấp nào khác nên mấy người bạn ở California bàn chuyện khuyên em tôi dọn về California. Trong bữa tiệc chia tay gia đình em tôi có mời hai bà đến dự, nhân gặp tôi hai bà ngỏ ý mời tôi đến nhà chơi khi nào rảnh rỗi. Tôi mới qua nên ngại đến nhà người Mỹ, vì anh văn "quá giỏi" của tôi, sợ qua nhà người ta rồi tôi nói theo động từ tu quơ (quơ tay quơ chân thì mệt lắm).
Một buổi chiều tôi ghé vào chợ mua một ít đồ ăn thì gặp hai bà đang đi chợ. Cả hai tỏ ý mừng rỡ và hỏi tại sao không đến nhà hai bà chơi. Tôi hứa tuần tới tôi sẽ đến.
Chúa nhật sau khi đi lễ xong tôi qua thăm hai bà. Vừa mở cửa cho tôi bà chị réo lên Welcome rồi rối rít gọi bà em ra. Hai bà mời tôi vào ăn sáng, chuyện vãn một hồi hai bà mời tôi đi lễ nhà thờ tin lành cho vui. Chiều ý hai bà tôi cũng đi theo, sau lễ hai bà giới thiệu tôi với bạn bè và vợ chồng ông mục sư North trong hội tin lành First Bapstit.
Cách thành phố tôi ở khoảng 80 dặm cũng có một ngôi chùa Việt Nam mới thành lập nên vào những ngày rằm hay mồng một tôi cũng đến dự để gặp gỡ bạn bè. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến nhà thờ tin lành. Hai bà khuyến khích tôi đi lễ hàng tuần để tìm bình an cho tâm hồn.
Sau một tuần làm việc mệt nhọc và cầu nguyện cho các con tôi ở Việt Nam, tôi cũng muốn tìm hiểu sự sinh hoạt của nhà thờ tin lành và nhà thờ công giáo nên tôi qua để cùng đi lễ nhà thờ với hai bà.
Tôi nhớ một lần sau khi dự lễ xong hai bà mời tôi đi ăn trưa, đến một tiệm ăn chuyên bán cá chiên thật ngon. Ăn xong về nhà tôi hỏi hai bà có thích ăn cá hấp không, cá hấp ngon lắm. Hai bà e ngại nói là cá hấp tanh lắm ai mà ăn cho được. Tôi nói để hôm nào tôi mua về làm thử cá hấp và có khi cá người ta nấu canh (soup) nữa đó.
Lần đầu tiên tôi mua cá đem về làm tại nhà cho hai bà thấy ướp gia vị xong tôi bỏ vào trong một cái tô lớn, đậy nắp lên và đem bỏ vào microwave hấp 20 phút dở ra xem lại rồi hấp tiếp, vì tôi chưa hấp kiểu này bao giờ, khi chín tôi dọn ra bàn và bày ra mời hai bà đến ăn. Sau bữa ăn cá hấp đó, đi đâu hai bà cũng khoe món cá hấp của tôi. Từ đó, mỗi lần đi chơi xa hai bà thường rủ tôi cũng đi cho vui. Tôi cũng mời hai bà đi dự những sinh hoạt của đồng bào Việt Nam mình tổ chức mỗi khi có dịp, đến đâu tôi cũng giới thiệu hai bà là hai bà mẹ nuôi của tôi, quen dần hai bà thích ăn món ăn Việt Nam như chả gio, cơm chiên nên hai bà thích lắm. Sau đó hai bà bán cho tôi căn nhà mà không cần phải đặt trước, chỉ dọn đến ở và trả hàng tháng như đi thuê vậy.
Một buổi sáng chủ nhật sau khi lễ xong, ông mục sư nói lời sau cùng thì hai bà đi lên, nói gì đó với ông mục sư, rồi trịnh trọng cầm máy micro và bà chị nói:
- Kính thưa Mục sư, thưa quý vị, Hôm nay chị em chúng tôi lên đây để nói lên một lời cám ơn thật chân thành đến với một người mà chúng tôi xem như một thành viên trong gia đình chúng tôi. Ông đã giúp đỡ chị em chúng tôi rất nhiều trong những ngày còn lại của cuộc đời. Bất cứ lúc nào chúng tôi cần đến đều có mặt của ông, đưa chị em tôi đi bác sĩ, bệnh viện hay lái xe đi du lịch vv… Chị em chúng tôi kính thông báo với quí vị là chúng tôi quyết định nhận ông là con nuôi kể từ hôm nay. Ông là người Việt Nam duy nhất hiện đang có mặt trong nhà thờ này.
Ngạc nhiên và xúc động, tôi đứng lên, tiến về phía trên. Hai bà ôm tôi vào lòng như ôm một đứa con. Ông mục sư bắt tay tôi chúc mừng, sau đó là một tràng pháo tay. Mọi người đến bắt tay và chúc mừng, tôi cảm động vô cùng. Từ đó, tôi thường xuyên sinh hoạt với hội thánh tin lành ở thành phố.


Hai bà mẹ nuôi của tôi người chị tên là Jewell Lee người em là Pearl Lee. Trọn cuộc đời người chị buộc vào lời thề ước với một người bạn trai. Khi mới 26 tuổi, Jewell làm việc cho Airforce Base và có một người bạn trai yêu thương rồi đính hôn với bà. Gần ngày đám cưới thì một tai nạn xe hơi xảy ra, người bạn trai tử nạn. Vì không có bà con nên trong di chúc ông ta để lại toàn bộ gia tài cho bà Jewell. Từ đó bà sống yên vui bên người em gái.
Trong số tài sản của ba, bà giao lại cho tôi làm chủ một căn nhà, nói tôi khỏi đặt trước, mỗi tháng chỉ cần góp một khoản tiền nhỏ.
Một buổi chiều tháng 5 năm 1985 lúc đó bà đã 85 tuổi. Một buổi tối chúng tôi đang ngồi xem TV thì có tiếng gõ cửa, tôi ra mở thì một người Mỹ cao niên hỏi tôi:
- Can I see Ms Jewell Lee"
Tôi trở vào và nói cho mẹ tôi biết có người muốn gặp bà, lúc bà đến cửa thì bà hỏi:
- What do you want"
- I want you go with me to movie.
- Do you crazy, you 87 year old, you still need girl friend. Go home and go to sleep.
Nói xong bà trở vào phân trần với tôi và bà Pearl Lee rằng 87 tuổi rồi mà ông ấy còn đi tìm bạn gái, làm cho chúng tôi một phen cười mệt nghỉ.
Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập hội thánh tin lành, hai bà nói tôi làm món Việt Nam đem đến chung vui. Tôi làm cơm chiên, chả giò, thêm một khay mì xào và ở trên tôi trang hoàng thật đẹp, cắt ớt trái viết chữ 100th rồi đem đến chung vui với hội nhà thờ.
Từ đó mỗi lần nhà thờ có picnic hai bà đều nói tôi làm cơm chiên và chả giò. Lần nào mục sư North cũng đích thân đứng ra tiếp nhận các món ăn và nói: "Hôm nay có hai món đặc biệt" và cũng chính ông đứng ra phát cho mỗi người một cái chả giò và một vá cơm chiên.
Sau bữa cơm chiều là lễ tối và ca hát xong mới ra về ai cũng khen món ăn ngon, có lẽ vì lạ miệng hơn nữa thành phố nhỏ nên món ăn Việt Nam đầu tiên mà họ được thưởng thức.
Khi các con tôi từ Huế vào Saigon làm thủ tục chờ tôi bảo lãnh, nhưng chính quyền CSVN không cho, viện lẽ không có hộ khẩu, vì cha con chúng tôi trốn từ vùng kinh tế mới về. Khi nhận được lá thư tuyệt vọng của các con, tôi đã khóc nhiều sau đó tôi quỵ ngã phải chở vào nhà thương cấp cứu. Nằm bệnh viện hết 15 ngày. Bà mẹ nuôi tôi vào thăm thường xuyên, sau khi xét nghiệm chẳng thấy tôi có bệnh gì vì thế mẹ tôi mới nói với bác sĩ Don Smith. Tôi nghĩ nó lo lắng cho con nó quá nên vậy, chứ tôi biết nó không có đau ốm gì đâu"
Khi ra khỏi bệnh viện về nhà, mẹ tôi hỏi nếu không làm giấy bảo lãnh cho tụi nhỏ qua được thì có cách nào khác không, tôi trả lời chỉ còn cách là vượt biển đi mà thôi. Bà hỏi, nếu vượt biển bằng ghe thì hết bao nhiêu tiền" Tôi trình bày phải mua ghe mới vượt biển được, bà hỏi tôi bao nhiêu thì mua ghe được" Tôi trả lời khoảng 25 ngàn dollars. Mẹ tôi nói bây giờ mẹ ra nhà bank bảo lãnh cho con mượn tiền gởi về cho tụi nhỏ mua ghe vượt biển được không"
Sau nhiều đêm suy nghĩ, tính toán, tìm thêm việc làm ở một nhà hàng mỗi ngày 5 tiếng để có đủ trả tiền góp trả cho nhà bank, mẹ tôi dẫn tôi ra nhà bank mượn tiền. Lần đầu tôi chỉ mượn 15 ngàn. Thời buổi năm 1986, không có phương tiện gởi tiền về Việt Nam như bây giờ, tôi phải giao tiền cho một người bạn và anh ta gởi thư về Việt Nam, gia đình anh ta trao vàng lại cho các con tôi. Sau khi các con tôi nhận được tôi mới nhờ mẹ tôi ra nhà bank mượn tiếp cho đủ 25 ngàn dollars.
Lần này ra mẹ tôi gặp ông John Williams giám đốc nhà bank và ông ta hỏi: "Bà Jewell, bà biết năm nay bà bao nhiêu tuổi không, bà biết bà chết lúc nào không mà bà mượn tiền nhiều thế cho ông này, lỡ ông không có trả thì sao"" Mẹ tôi trả lời: "Tôi có 80 mẫu đất đó nều cần ông cứ lấy đi." Nhờ lời nói khẳng định đó mà ông giám đốc nhà bank mới cho mượn.
Rồi các con tôi nhận đủ tiền, đóng ghe và vượt biển đến Mã Lai, tôi bảo lãnh đến Mỹ sau 10 năm mòn mỏi chờ đợi.
Khi các con tôi đến Mỹ hai bà mừng lắm, hai bà dẫn đi mua sắm đủ thứ, đi đâu hai bà cũng giới thiệu là cháu nội hai bà mới ở Việt Nam qua.
Năm 1987, mẹ nuôi tôi càng già yếu hay đau luôn cho đến năm 1990 bà phải vào bệnh viện vì chứng đau tim. Cuối ngày sau khi đi làm về tôi đều vào thăm bà. Đến khi thấy tình trạng sa sút nhiều phải dùng máy dưỡng khí để thở, tôi vào thăm, mẹ tôi thều thào nói: "Chắc mẹ không sống nổi với con và cháu, con ráng lo cho các cháu ăn học nên người". Tôi an ủi bà "Mẹ còn khỏe lắm, không sao đâu con sẽ vào thăm mẹ thường xuyên".
Một buổi chiều sau khi đi làm về tôi thấy trước nhà tôi đậu rất nhiều xe và trong nhà cũng nhiều người. Không biết có chuyện gì xảy ra, tôi vào nhà, thì mọi người thân của bà điều hiện diện. Ông mục sư David Holt là cháu gọi bà bằng dì ruột tới ôm tôi và nói: "Dì tôi chết rồi."
Tôi lặng người, nước mắt tôi trào ra, rồi khóc như một đứa trẻ, các con tôi cũng vậy.
Sau đó chúng tôi tới viếng xác bà và một lễ cầu hồn cho bà được tổ chức để mọi người đến vĩnh biệt bà, ai cũng ngậm ngùi thương tiếc bà, một người rất hiếm trên đất Mỹ này chung thủy với người tình cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, bà ra đi để lại cho gia đình tôi bao nổi thương cảm, riêng tôi cảm thấy trống vắng vô cùng.
Người em của bà vì quá xúc động phải vào nhà thương sau đó phải vào viện dưỡng lão và một năm sau cũng qua đời.
Thành phố Blytheville là nơi tôi đến định cư đầu tiên một thành phố rất hiền hòa. Ở đó đã cho cha con tôi rất nhiều kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời tỵ nạn mà 12 năm qua tôi đã đi và sống bên cạnh bà mẹ nuôi hết lòng thương yêu tôi như con ruột. Các con tôi bây giờ đã trưởng thành lớn khôn ra đời có công ăn việc làm vững chắc.
Năm 1992 tôi dọn về California để ở gần bạn bè và khí hậu ấm áp. Riêng người con lớn của tôi vẫn còn định cư ở thành phố đó, nơi căn nhà mà mẹ nuôi đã bán cho tôi khi còn sinh tiền.
Kỷ niệm 25 năm ngày mẹ tôi qua đời và 14 năm ngày mẹ nuôi tôi cũng qua đi. Hôm nay gia đình chúng tôi xin đốt nén hương lòng để tưởng nhớ đến một người mẹ suốt đời tận tụy vì chồng con và cũng để tưởng nhớ đến bà mẹ nuôi người Mỹ mặc dù khác màu da chủng tộc và tiếng nói nhưng bà đã dành cho gia đình tôi thật nhiều ưu ái trong bao nhiêu năm qua cho đến ngày nhắm mắt.

Mùa Xuân California
Hữu Hà

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến