Hôm nay,  

Giáng Sinh Này Sẽ Vui

25/12/202400:00:00(Xem: 839)
TG Kim Loan
Tác giả Kim Loan

Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023. Bài viết kỳ này kể chuyện đời của một thanh niên trẻ với nhiều thử thách cùng lời chúc may mắn dành cho cậu của tác giả nhân mùa Giáng Sinh.

***

Hân vừa đến chỗ làm, mấy người chạy đến báo tin:

- Thằng Anthony không đi làm mà cũng không phone.

- Có ai phone cho gia đình người thân nó chưa? Trong office có cuốn sổ danh sách staff, cuốn màu xanh đó.

- Chỉ có số phone của nó thôi, không thấy nó bắt máy, đâu còn số phone nào khác.

- Kỳ vậy cà! Nó đâu phải là đứa như thế!

Tên đầy đủ của nó là Anthony James Brown, nhiều người gọi tắt là A. J, nhưng Hân thích gọi nó là Anthony vì khuôn mặt sáng sủa của thằng bé tuổi 19 làm Hân rất có cảm tình, và thấy tên Anthony thật thích hợp. Nhìn thoáng qua nước da trắng trẻo, và nếu không để ý tìm hiểu cái last name Brown rất phổ biến của nhóm thổ dân, không ai có thể biết nó mang hai dòng máu, nửa da trắng và một nửa “native” mà dân Việt thường gọi là “thổ dân da đỏ”.
Chỗ làm của Hân thường có học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian vào cuối tuần hoặc mùa hè. Đa số những đứa trẻ đó, không thiết tha gắn bó với công việc cho lắm, chúng coi như giai đoạn tạm bợ kiếm chút tiền xài vặt, nên có hứng thì làm, không hứng thì gọi phone lấy cớ “sick” rồi ở nhà chơi, nhất là mấy đứa “thổ dân”.

Theo các tài liệu cho biết, người da đỏ là cộng đồng người dân bản địa sống tại Hoa Kỳ (và cả bên Canada) từ hàng nghìn năm trước. Họ là những người dân du mục được cho là đến từ châu Á khoảng hơn 12.000 năm trước đây, thông qua “cầu nối” là vùng đất Alaska hiện nay. Theo thống kê vào đầu thế kỉ XX, có khoảng gần 80 bộ tộc người da đỏ khác nhau sinh sống trên khắp nước Mỹ. Trên thực tế, nhiều học giả ước tính rằng, vào thời điểm mà những nhà thám hiểm châu Âu tìm ra lục địa Bắc Mỹ, tại đây đã có trên 50 triệu người bản địa sinh sống. 
 
Sau hàng thế kỷ sinh sống thành các bộ tộc nhỏ, những người da đỏ đã hình thành cộng đồng riêng, họ sống bằng nghề săn bắt hái lượm và sống hòa hợp với thiên nhiên. 

Cuộc sống yên bình của những người da đỏ kết thúc khi các nhà thám hiểm châu Âu đi đầu là Columbus phát hiện ra “vùng đất mới” này. Những “nhà thám hiểm” này đuổi những người bản địa ra khỏi nơi ở của họ và chiếm đất để xây nhiều khu đô thị mới. Nhiều cuộc chiến đẫm máu đã xảy ra và kết quả là, diện tích sống của các bộ tộc người da đỏ ngày càng bị thu hẹp, nhiều bộ tộc thậm chí đã biến mất.
 
Vì vậy, các chính phủ vùng Bắc Mỹ đã có chương trình ưu ái đặc biệt bù đắp cho cộng đồng người da đỏ nên nhiều người thường ỷ lại, chẳng chịu làm lụng, mà ở nhà hưởng tiền trợ cấp ung dung nhàn rỗi, thậm chí có khi còn be bét rượu chè, trở thành những người lang thang, homeless. Nói vậy là “vơ đũa cả nắm” vì vẫn còn những người da đỏ siêng năng đi làm, học hành tiến thân hoặc ít ra cũng có cuộc sống tự lực, không lạm dụng các chương trình phúc lợi xã hội của chính phủ.

Anthony là một trong số đó, vừa học xong trung học là vào làm full time. Nó làm việc chăm chỉ, có trách nhiệm, thân thiện hoà nhã, sẵn sàng giúp đỡ mọi người nên ai cũng yêu mến. Dáng người cao ráo, mái tóc màu nâu mềm mại bồng bềnh, và khuôn mặt xinh trai, chỉ có đôi mắt hơi buồn. Nó rất lịch sự như một “gentleman”, câu nói nào cũng có “please” và “thank you” liên tục, với giọng nói nhỏ nhẹ. Có khi Hân không nghe rõ, hoặc không hiểu câu nói tiếng Mỹ của nó, nó liền chịu khó cúi xuống nghiêng người, nói vào tai Hân chậm rãi từng chữ.

Anthony vào làm được vài tuần Hân mới biết khu chung cư của nó cùng trên con đường về nhà Hân, nên tiện đường Hân đưa nó về. Còn lúc đi làm thì nó vẫn đón xe bus vì nó làm giờ sớm hơn Hân.

Trên xe Hân thường hỏi han chuyện trò, mới biết thêm về gia đình nó. Ba nó da đỏ, mẹ nó da trắng Mỹ chính gốc, hai người sinh được nó và thằng em trai. Nó thường kể về những tháng ngày thơ ấu đầm ấm đầy kỷ niệm. Mỗi sáng Chúa Nhật, ba má đưa nó và em trai đi lễ nhà thờ của dân da đỏ ngay dưới phố. (Hân thỉnh thoảng có đi lễ nhà thờ này vì gần nhà thờ Việt Nam. Khi nào bận việc không kịp đi lễ Việt, thì Hân đi qua lễ bên da đỏ, giờ Lễ của họ trễ hơn. Nếu như tượng Đức Mẹ của người Việt được mặc áo dài màu thiên thanh, thì tượng Đức Mẹ ở đây mặc áo thổ dân, đầu đội vương niệm nhành bông cỏ lau, Hân thích thú ngắm nghía mãi và khá ấn tượng với những bài giảng của vị linh mục cũng là gốc thổ dân bản địa).

Anthony say sưa nhớ về ký ức êm đềm đó, sau Lễ Chúa Nhật, cả nhà sẽ đi ăn ở một nhà hàng, hoặc đơn giản chỉ là KFC, Taco Bell. Nếu mùa hè đẹp trời, sẽ là những buổi picnic, đôi khi là một chuyến đi săn thú hoặc câu cá vùng ngoại ô. Nhưng ngày vui qua mau, hạnh phúc thật ngắn ngủi, đến năm nó mười tuổi thì ba mẹ chia tay, nó ở với ba, còn mẹ nó mang thằng em đi tiểu bang khác.

Sau đó, ba nó tái hôn với một người phụ nữ da đỏ, sanh thêm đứa em gái mà nó đang ở chung trong căn nhà bốn người. Mẹ ruột nó, sau vài năm thì biệt tăm tích, vì nghiện rượu nghiện hút thuốc và “depression”, phải vào trại cai rượu, nên đã giao thằng em của nó cho một gia đình khác (foster family) làm con nuôi. Nó bảo, ngần ấy năm, nó chưa được lần nào gặp lại mẹ và em, nó rất nhớ họ, nhưng chẳng biết làm cách nào để tìm được.

Từ đó, Hân càng thương nó nhiều hơn. Thỉnh thoảng Hân làm cơm chiên, chả giò, mang đến chỗ làm cho nó ăn. Mà đâu chỉ riêng Hân, vài người khác trong “shift” làm cũng thường mang đồ ăn cho nó vì thương cá tính hiền lành, trầm lắng và hoàn cảnh của thằng bé tuổi mới lớn đã sống thiếu mẹ, phải đi làm để nuôi thân.

Cái hãng nhựa này nhỏ xíu, của một gia đình gốc Do Thái làm chủ, tính cả ca ngày và ca tối chỉ hơn mười mấy nhân viên, nên mọi người trong một ca thân thiết như người nhà, hầu như ai cũng biết rõ “lý lịch trích ngang” của nhau. Bởi vậy ai cũng lo lắng khi nó không đi làm mà không biết lý do, một chị người Tàu nói với Hân:

- Hay là tối nay tan ca, tụi mình đến nhà nó. Hân thường chở nó về nên biết nhà, đúng không?

Hân lắc đầu:

- Chị ơi, em chỉ thả nó xuống đầu ngõ, trong đó có 4-5 chung cư, làm sao biết nó ở chỗ nào. Để chờ thêm vài ngày nữa xem sao, rồi em sẽ hỏi ông chủ
địa chỉ nhà nó.

Hai ngày sau, Anthony bỗng đi làm trở lại, mọi người mừng rỡ hỏi han. Nó kể, bữa đó nó bị đau nhói ở ngực rồi gần như ngất đi, bất tỉnh. Sau đó vào bệnh viện nằm cấp cứu chẳng biết gì. Bác sĩ phát hiện một khối u gần lồng ngực, nhưng ở vị trí khó lấy biopsy nên sẽ phải mổ mới biết khối u lành hay ác tính.

Thấy cả nhóm hoang mang lo sợ, nó trấn an:

- Mọi người đừng lo, vị bác sĩ chuyên khoa sau khi xem hình chụp khối u có nói rằng, đa số trong trường hợp này đều là lành tính, chỉ có 1/1000 là ác tính thôi, xin mọi người cùng cầu nguyện cho con.

Đêm đó trên đường lái xe đưa nó về, nó tâm sự riêng với Hân, rằng hôm ấy là buổi làm cuối, nhưng nó chỉ báo với ông chủ hãng, và Hân. Nó ngại nói với cả “shift” biết vì không muốn mọi người ầm ĩ chia tay, dặn dò, bịn rịn, nó sợ nó sẽ mủi lòng rồi khóc.

Nó bảo, nó đã có hẹn đi mổ, và vì ca mổ trước lễ Giáng Sinh một tuần, nhân dịp này, nó sẽ xin nghỉ thêm vài tháng hoặc có thể dài hơn nữa. Nó sẽ đi về tiểu bang Utah nơi ông bà ngoại và các cậu, các dì nó đang sinh sống tại một “town” nhỏ, để dưỡng bệnh. Nó nghe tin, một người dì đang truy tìm mẹ và đứa em trai của nó. Nếu điều đó thành sự thật, nó sẽ ở lại luôn tại Utah để gần gũi bên ngoại, cùng họ nâng đỡ an ủi, giúp mẹ và đứa em trai trở về cuộc sống bình thường.

Nhìn đôi mắt nó buồn buồn, giọng nói đã nhỏ nay như có gì nghẹn lại, lạc đi như muốn khóc, nghe câu được câu mất, nhưng Hân vẫn cảm nhận được nỗi lòng của nó. Hân cũng buồn thật buồn:

- Mọi người sẽ rất nhớ Anthony mùa Giáng Sinh này đấy.

Nhớ hồi Giáng Sinh năm ngoái, nhóm ca tối có tiệc “potluck” tại chỗ làm. Anthony khệ nệ ôm một nồi slow-cooking nóng hổi và một khay bánh “Bannock” (đọc là ba-nek) đến chung vui với khuôn mặt tự hào rạng rỡ. Nó giới thiệu “Bannock” là món bánh truyền thống của dân da đỏ, bánh rất đơn sơ làm bằng bột mì, vo viên từng miếng, ấn cho dẹp rồi chiên áp chảo, nhưng là món không thể thiếu trong các dịp lễ lạc, cưới hỏi của những giống dân thiểu số.
Rồi đến cái nồi “elk stew” đang bốc khói ngào ngạt. Nó bảo, đó là thành quả của ba nó trong một đêm đi săn được một con elk (một loại nai rừng). Nó đã phụ giúp ba nó lóc thịt, ướp thịt, và cả đêm hầm món stew có một không hai này của bữa potluck. Ai cũng xúm vào thử món “elk stew” hấp dẫn và lạ miệng, chẳng ai đoái hoài đến món mì xào và chả giò của Hân đang ế ẩm. Và chính Anthony chứ không phải ai khác, đã khéo léo ăn một dĩa thật đầy với hai món của Hân, và còn xin thêm một dĩa mang về, dễ thương hết sức.

Có nhiều lúc trong giờ làm, Hân đã ngắm nhìn nó từ đầu đến chân, rồi tự hỏi, “Anthony ơi, phong cách lịch thiệp, nhẹ nhàng ngọt ngào này từ đâu ra? Ai đã dạy con cách cư xử ấm áp, dễ mến như thế này!?”

Vì mẹ nó là một dân da trắng nghiện rượu nghiện hút thuốc, sống u ám không có ngày mai. Còn ba nó là một đàn ông da đỏ điển hình, hoang dã, vô tư lự, thoải mái đến bất cần (Hân có gặp vài lần khi ông ta đến hãng đón Anthony). Niềm đam mê của ba nó là các loại súng săn, là chiếc xe truck bụi bặm, lái vào bìa rừng khu vực ngoại ô thành phố săn bắn thú rừng suốt bốn mùa, rồi đem về nhà chế biến, nhâm nhi với rượu, bia trong khi xem các trận đấu football trên tivi.

Nào phải nó sinh ra trong một gia đình nề nếp, học thức, cao sang, nên tính cách tâm hồn của nó như một bông hoa tự nhiên vươn lên giữa vùng đầm lầy. Hay nó được thừa hưởng từ ai đó của hai bên nội, ngoại mà Hân chưa có dịp tìm hiểu thì đã đến ngày nói lời chia tay.
Đến ngõ nhà nó, Hân dừng xe lại, chẳng biết nói gì nữa vì đã nói hết tâm tư suốt chặng đường. Hân mở lock xe và nói:

- Good luck and see you again someday?

Nó bước ra khỏi xe, rồi cúi xuống bên cửa xe, thò mặt vào, nụ cười thân mến, vẫy tay như mọi khi:

- Thank you for everything. Merry Christmas!

Hân bỗng xúc động tràn đầy, thốt lên:

- Merry Christmas. I love you, Anthony. Take care!

Nó gật đầu, dừng bước, quay lại vẫy tay chào Hân một lần nữa.

Hân nhìn theo dáng cao gầy của nó bước đi trong màn đêm. Trời tháng Mười Hai lạnh buốt, hôm ấy tuyết không rơi, nhưng những cụm tuyết chưa tan hết của những ngày đông còn đầy ắp, rải rác hai bên vỉa hè nhấp nhô dưới bóng đèn đường che khuất bóng của nó nhỏ dần trong phố hẹp.

Tự dưng nước mắt Hân bỗng trào ra, vì thương nó sắp lên bàn mổ với nỗi cô đơn, vắng bàn tay mẹ ruột ôm ấp (nó chỉ mới 19 tuổi, còn nhỏ tuổi hơn con trai Hân ở nhà nữa mà). Nhưng lòng Hân cũng ấm áp rộn ràng vì biết rằng nó sẽ được trở về với tình thân bên ngoại, và tin rằng Thiên Chúa nhân từ sẽ nghe lời Hân nguyện cầu, cho Anthony vượt qua cơn bệnh, sẽ tìm ra dấu vết của mẹ và đứa em trai thân yêu.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình An dưới thế cho người thiện tâm”

Giáng Sinh này chắc chắn sẽ vui, Anthony nhé!
 
KIM LOAN
 
 

Ý kiến bạn đọc
29/12/202420:40:35
Khách
Cảm ơn Tác Giả chia sẻ bài viết thật cảm động. Cậu xin ơn trên cho Anthony vượt qua được mới khó khăn trắc trở và gặp lại gia đình thương yêu...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,463
Khi ba vừa bước chân vào nhà Tưởng các con vui khi gặp ba Nhưng trong ánh mắt con, ba hiểu Ba chỉ là một bóng hình xa... Cũng phải ba năm anh mới trở lại thành phố này, nơi anh đã từng ở và có rất nhiều kỷ niệm, hơn thế nữa, có hai đứa con anh đang sống. Cuộc sống mới bận rộn đã ràng buộc anh, với khoảng cách đường dài mười tiếng lái xe và anh nghĩ các con đã đầy đủ với số tiền cấp dưỡng hàng tháng nên chuyện thăm nom chúng không là điều bắt buộc. Dù đã dứt lòng khi ra đi nhưng khi lái xe về những con đường cũ, khu phố cũ, anh không khỏi cảm thấy man mác buồn...
Năm 2007, lúc 64 tuổi tôi mới có đứa cháu ngoại đầu tiên là Brandon, hai năm sau thì có Allison, em của Brandon. Mãi đến năm 2019 thì đứa cháu nội Charlie mới ra đời. Lúc này tôi đã 77 tuổi. Hai năm sau, chính xác là ngày 05/12/2021 em gái của Charlie là Emma chào đời. Vậy là tôi có đủ hai cháu nội và hai cháu ngoại, trai gái vẹn toàn, không còn hạnh phúc nào hơn. Charlie là cháu đích tôn. Tôi thì không quan trọng lắm cái chuyện đích tôn hay không đích tôn, trai hay gái, nội hay ngoại vì tất cả đều là cháu tôi, không lý do gì mà tôi thương đứa này ít, đứa kia nhiều. Chắc cũng có người nói tôi ba gai, tôi bướng bỉnh. Không sao. Tôi có quan điểm riêng của mình: Không nên kỳ thị, phân biệt đối xử với con, cháu của mình vì điều đó đã lỗi thời từ thuở phong kiến theo quan niệm Nho Giáo ở đâu bên Tàu, rồi ông nội, ông ngoại, ông cố của chúng ta bị ảnh hưởng.
... Chuyện qua đi, chỉ khác cái chào xã giao hàng xóm khi chạm mặt, cả tôi và anh đều thăm hỏi nhau thêm vài câu vô thưởng vô phạt về sức khoẻ, việc làm, thời tiết… Tình hàng xóm ở Mỹ lạt như nước ốc, anh ta thán hàng xóm Mỹ của anh kỳ thị, anh nướng thịt thơm mà, sao họ làm ra vẻ khó chịu với mùi hương… Tôi kể cho anh nghe về hai nhà người Mỹ ở hai bên nhà tôi. Họ tốt thật chứ không giả vờ khi họ thấy tôi làm việc gì hơi quá sức, họ hỏi tôi có muốn họ giúp không? Nếu trả lời có thì họ giúp tận tình. Người Mỹ tốt, không nói khác được. Nhưng người Mỹ không dễ chơi vì tôi làm việc gì chỉ cần hơi trái ý họ là họ kêu cảnh sát! ...
Luật mới của Tiểu Bang California, những người trên 70 tuổi khi xin gia hạn bằng lái xe thì đều phải thi lại bài thi viết. Nghe nói có nhiều người thi rớt lên, rớt xuống vài lần mới thi đậu được bài thi viết. Tôi thì cũng trong hoàn cảnh đó, nên rất lo sợ, không biết mình có thể lấy lại bằng lái xe được không? Xin đừng lo lắng! DMV đã có một chương trình thi online giúp cho người trên 70 tuổi thi lại bằng viết để xin gia hạn bằng lái xe “Bảo đảm đậu”.
Hồi tuần trước, cuối ngày làm việc, cháu trai của Khánh Vân là Huy Khang (HK), tên nhà là Tày, gọi điện thoại xin FaceTime. Khi hai màn hình video vừa hiện lên và nhìn thấy mặt nhau thì HK liền hỏi “Má Hai khóc với Tày được không?” Tôi nghe xong vừa ngạc nhiên vừa thương quá chừng quá đỗi. Huy Khang là một bé trai hoạt bát, rất có tình và rất biết để ý đến mọi người và mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, trong mười hai năm qua, từng năm tháng lớn lên, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nghe HK hỏi một câu bất ngờ như vậy.
...Tao biết, nhưng đó là phong cách Mỹ, cái kiểu Mỹ. Mỹ tụi bay cứ như dân du mục, nay ở chỗ này mai đi xứ khác, công việc cũng xoành xoạch thay đổi. Tụi Việt tao thì ngược lại, sống an cư lạc nghiệp. Nhà ở đâu việc ở đó, có ở yên thì mới an tâm làm việc, chỉ khi nào hoàn cảnh bức bách lắm mới nhảy! Cái khái niệm an cư lạc nghiệp ăn sâu vào tiềm thức người Việt chúng tao...
Từ ngày qua Mỹ, tôi có nghe nói về Đại hội Thánh Mẫu Missouri. Xem YouTube rất nhiều, cho mãi tới lần thứ 44 năm ngoái 2023 tôi mới có cơ hội được tham dự. Chỉ cần bỏ vô Google: Đại hội Thánh Mẫu Missouri 2024. Bạn sẽ biết mọi chi tiết...Vào YouTube các bạn sẽ thấy chương trình ĐHTM Missouri được lưu giữ hàng năm. Trăm nghe không bằng mắt thấy. Một số tiểu bang cũng có tổ chức đại hội Thánh Mẫu, nhưng ngắn gọn hơn ở Missouri. Một cuộc cắm trại khổng lồ kết hợp hành hương và tham gia hội chợ với đủ mọi sinh hoạt vui chơi...
Nhìn từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn về Thái Bình Dương, thì Arizona là một trong mười ba tiểu bang thuộc miền tây Hoa Kỳ, nhưng cư dân California đi thăm Arizona phải lái xe trên xa lộ 10 East, nên cuộc hành trình của bốn thành viên Việt Bút tạm gọi là cuộc Đông Du. Bài viêt ngắn sau đây lại mang một nhan đề “dao to búa lớn” là “Đông Du Ký”, thật ra chỉ ghi lại năm ngày du ngoạn ba địa điểm du lịch trong số rất nhiều thắng cảnh độc đáo nổi tiếng của tiểu bang “Nhiều Nắng”.
Tác giả Trần Kim Bằng, cư dân vùng Little Saigon là một nhạc sĩ, đã phát hành tập nhạc và CD Duyên. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông vào năm 2015 là một hồi ký về hành trình vượt biên đường bộ năm 1980. Sau đây là bài viết kế tiếp của ông ghi lại một số cảnh đẹp và sinh hoạt của một vài thành phố ở quận Cam, California.
Cụ Chúc cầm bài thơ nhớ vợ ôm lấy ngực, chao đảo đến cạnh bên cửa sổ, đưa mắt buồn bã ngó ra sau vườn. Mùa Đông lại đến, mặt trời yếu ớt, không nhô được qua khỏi các mái nhà bởi mây đen vần vũ, bầu trời u ám. Cây trơ cành trụi lá đứng sừng sửng nom cô độc đến tội nghiệp. Một cơn gió thoảng qua, chiếc lá vàng độc nhất còn sót lại trên cành vừa chao mình âm thầm rơi xuống mặt đất một cách lặng lẽ, buồn thảm như cuộc đời cụ lúc tuổi xế chiều. Cụ tự ví mình như chiếc lá vàng cô độc, không biết đến bao giờ thì nhắm mắt buông xuôi?
Nhạc sĩ Cung Tiến