Hôm nay,  

Xứ Cao Bồi Những Ngày Trước Lễ Giáng Sinh

20/12/202400:00:00(Xem: 2398)
 Lễ-Giáng-Sinh-3
 
Tác giả lần đầu tham dự VVNM với bài “Một Ngày Thăm Trường Võ Bị West Point”. Bà hiện định cư ở Texas và làm việc trong ngành giáo dục. Kỳ này, tác giả góp một bài viết tường thuật chi tiết chuyến viếng thăm khu phố Stockyards thuộc thành phố Forth Worth, Texas trong những ngày trước lễ Giáng Sinh.
 
***
 
 
Vào những ngày đầu tiên của tháng 12 năm nay, tôi đến thăm lại khu phố Stockyards thuộc thành phố Forth Worth, Texas.  Đây là lần thứ ba tôi đến thăm khu du lịch mang đậm chất viễn tây Hoa kỳ, một miền viễn tây hoang dã của những năm sau cuộc nội chiến của nước Mỹ. Với tôi, khu du lịch Forth Worth Stockyards là xứ sở thần tiên cho những ai thích hoài niệm về một miền viễn tây hoang dã của Mỹ quốc, về các chàng cao bồi Texas, về con đường mòn Chisholm nổi tiếng được đặt theo tên của Jesse Chisholm, một nhà buôn lưu động nói được 14 thổ ngữ, hậu duệ mang hai dòng máu  của người Mỹ bản địa Cherokee và người da trắng khai hoang đến từ Scotland.
 
Du khách đến khu du lịch Forth Worth Stockyards để cưỡi ngựa và xem bò. Tôi đến để “cưỡi ngựa xem hoa” vì tôi chỉ có hơn hai tiếng đồng hồ để thăm lại nơi này. Trong một phút bốc đồng, không biết làm gì vào một chiều cuối tuần nhàn rỗi, chúng tôi ghé qua khu Forth Worth Stockyards để xem “Forth Worth Stockyards có gì lạ không em”.
 
Chúng tôi đến khu du lịch Forth Worth Stockyards vào khoảng 3 giờ chiều. Mùa đông, mặt trời đi ngủ sớm nên trời vừa sụp tối vào khoảng 5 giờ rưỡi chiều, chúng tôi đã vội vã quay về nhà. Vì không có nhiều thời gian, chúng tôi chỉ lang thang ở các cửa hàng bán hàng lưu niệm, tham quan tòa nhà Livestock Exchange Building, xem các chàng cao bồi tân thời lùa đàn bò khoảng trên con đường East Exchange Avenue, ngắm xe ngựa chở khách du lịch chạy trên các con đường trong khu phố stockyards, tham quan khu vực dành cho du khách chụp hình với ông già Noel trong y phục cao bồi, ngắm đoàn tàu  “The Polar Express” tiến từ từ vào sân ga Stockyards. Chúng tôi len lỏi trong các ngõ ngách của khu phố để ngắm các bóng đèn trang trí bé xíu treo trên các cành cây dọc theo các con đường trong khu phố. Cả khu phố được giăng đèn trang trí đón giáng sinh về. Dường như Giáng Sinh đã về nơi đây vì Ông Già Noel đã có mặt ở khu phố này cách đây vài ngày.
 
Tôi tự tìm hiểu và biết được Forth Worth Stockyards là một khu phố cổ nằm trong thành phố Forth Worth thuộc vùng Bắc Texas. Đây là một trong những khu du lịch nổi tiếng của bang Texas thu hút khoảng 10 triệu khách du lịch hàng năm. Đến thành phố Forth Worth mà không đến tham quan khu Stockyards, coi như chưa đến thành phố này. Khu Stockyards ngày xưa là một trung tâm giao dịch gia súc, gọi nôm na là một cái chợ bán trâu bò. Vào giai đoạn thoái trào, không còn được hưng thịnh, khu này được chính quyền thành phố cho trùng tu thành khu di tích lịch sử để khai thác du lịch. Nhờ vậy, thành phố Forth Worth thu bộn bạc từ khu du lịch mang đậm màu sắc lịch sử miền viễn tây hoang dã này. Nhắc đến khu du lịch Stockyards mà không đề cập đến các chàng cao bồi Texas và con đường mòn Chisholm quả là một thiếu sót lớn.
 
Ngược dòng lịch sử:
 
Trong những năm nước Mỹ bùng nổ cuộc nội chiến, những con bò sừng dài được thả rông trên cánh đồng cỏ và ngoài bìa rừng vì không được con người nuôi nấng. Tính đến năm 1865, có khoảng 6 triệu con bò sừng dài sinh sống ở bang Texas. Hầu hết 6 triệu con bò này vô chủ.
Cuộc nội chiến nước Mỹ kéo dài 4 năm và kết thúc vào năm 1865. Binh lính của cả hai miền Nam và Bắc được giải ngũ, về quê xây dựng lại cuộc sống với gia đình của họ. Những người lính miền Nam thất trận trở về nhà phải đối diện với tình cảnh công ăn việc làm ít ỏi. Sau chiến tranh, nền kinh tế miền Nam chưa kịp phục hồi, công ăn việc làm rất khó tìm, vì vậy các cựu chiến binh miền Nam bắt đầu chiếm hữu các đàn bò cho riêng họ bằng cách đóng dấu lên những con bò và tìm cách đưa những đàn bò của họ lên miền Bắc để bán. Lúc bấy giờ giá một con bò ở Texas chỉ tầm 3 hoặc 4 Mỹ kim nhưng tại các thành phố lớn như New York, Chicago, Boston, giá một con bò có thể lên đến 60 Mỹ kim. Tuy nhiên, làm thế nào để đưa đàn bò đến thành phố Abilene, bang Kansas, nơi các đàn bò sẽ được chở bằng tuyến đường sắt về các thành phố miền Đông Bắc Mỹ, là một vấn đề nan giải vì lúc bấy giờ, tuyến đường sắt vẫn chưa vươn dài đến Texas.
 
Jesse Chisholm suốt nhiều năm ròng rã đi lại trao đổi, buôn bán hàng hóa giữa người Mỹ bản địa và người da trắng khai hoang ở các bang Texas, Oklahoma, Kansas. Ông ta thành lập các trạm buôn bán ở tất cả những nơi ông ta đặt chân đến. Để chuyên chở hàng hóa từ trạm bán lẻ này đến các trạm bán lẻ khác, năm 1864, ông ta làm một con đường đất cho xe ngựa kéo hàng hóa đến trao đổi với các lều trại của người Mỹ bản địa về phía nam gần Wichita, bang Kansas. Con đường này thực chất trước kia là một con đường đất được người Mỹ bản địa qua lại mỗi ngày. Con đường này về sau mang tên của ông ta, đường mòn Chisholm nối tiếng từng được xem là một trong những kỳ quan của miền viễn tây. Chính nhờ con đường huyết mạch mang lại nhiều lợi ích xã hội, văn hóa và kinh tế này mà các chàng trai cao bồi được ví như những người hùng dân gian.
 
Năm 1867, doanh nhân Joseph McCoy kêu gọi các chủ trang trại ở Texas tập trung các đàn bò và lùa chúng theo lộ trình ngược lên hướng bắc, xuyên qua bang Oklahoma để đến Abilene, bang Kansas. Lộ trình này về sau được gọi là con đường mòn Chisholm. Tại Abilene, bò sẽ được chuyên chở bằng xe lữa về các thành phố lớn miền Đông Bắc của nước Mỹ. Một lộ trình lùa bò theo đường mòn Chisholm này thường kéo dài từ 4 đến 6 tháng và người chăn bò phải vượt qua quãng đường dài 800 dặm từ Texas để đến bang Kansas. Từ năm 1867 đến năm 1872, đã có hơn 14 triệu con bò sừng dài được lùa theo con đường mòn Chisholm này.
 
Năm 1867 cũng là năm xuất hiện nhiều chàng trai chăn bò hay còn gọi là các chàng cao bồi trẻ trung, khỏe mạnh. Họ phải ngồi trên lưng ngựa mỗi ngày để gom, lùa bò từ sáng sớm đến khi hoàng hôn buông xuống. Công việc của họ vừa cực nhọc vừa nguy hiểm. Họ chỉ được nghỉ ngơi vài ngày khi lùa bò ngang qua các thị trấn. Đường mòn Chisholm đi qua các thị trấn ở bang Texas như Kingsville, Corpus Christi, San Antonio, Austin, Waco và Forth Worth. Forth Worth là điểm dừng chân cuối cùng của các chàng cao bồi, nơi các chàng trai cao bồi lưu lại vài đêm để nghỉ ngơi , để mua thêm thực phẩm và nước uống, trước khi tiến sâu vào lãnh địa của người Mỹ bản địa. Đã có khoảng hơn 4 triệu gia súc được di chuyển qua thị trấn Forth Worth từ năm 1866 đến năm 1890. Vì thế thị trấn này nhanh chóng được biết đến với cái tên “Cowtown” (Thị trấn Bò).
 
Khi tuyến đường sắt được xây dựng ở Forth Worth vào năm 1876, thị trấn này trở thành trung tâm vận chuyển gia súc chính của Texas. Đường mòn Chisholm được thay thế bởi tuyến đường sắt.  Các thương gia tính đến việc thành lập các bãi chăn nuôi gia súc và xây dựng các nhà máy đóng gói và chế biến thịt gia súc ở Forth Worth. Kết quả có bốn bãi chăn nuôi gia súc đã được xây dựng  gần tuyến đường xe lửa ở Forth Worth. Ngoài ra, các nhà đầu tư nhận thấy rằng thay vì vận chuyển gia súc đến các chợ khác để chế biến thịt, việc xây dựng các nhà máy chế biến và đóng gói thịt tại Forth Worth là một phương án tốt hơn. Vì thế họ kêu gọi đầu tư vào các nhà máy đóng gói thịt về Forth Worth. Thời kỳ hưng thịnh của Forth Worth, hai công ty đóng gói Armour & Co. and Swift & Co đã xây dựng nhà máy của họ ở gần các bãi chăn nuôi ở Forth Worth.
 
Tuy nhiên, sau thế chiến thứ hai, ngành kỹ nghệ vận tải đường bộ (trucking) phát triển mạnh nhờ vào hệ thống đường xá, xa lộ được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh lạnh (The Cold War). Các nhà đầu tư nhận ra rằng việc vận chuyển bằng đường bộ rẻ hơn và linh động hơn vận chuyển bằng đường sắt. Các nhà máy chế biến và đóng gói thịt ở khu Stockyards gặp khó khăn vì máy móc cũ kỹ, lỗi thời và chi phí sản xuất tăng cao vì thế các nhà máy này đã đóng cửa. Khu Stockyards đi vào giai đoạn thoái trào và chính thức đóng cửa vào năm 1971. Sau năm 1971, thành phố Forth Worth quyết định giữ lại khu Stockyards để phát triển kỹ nghệ du lịch. Đây là một quyết định hoàn toàn sáng suốt của chính quyền địa phương. Ngày nay, khu Forth Worth Stockyards trở thành một nơi du lịch nổi tiếng của bang Texas, một hòn ngọc viễn tây của nước Mỹ.
 
Cưỡi ngựa xem hoa:
 
Vì không có nhiều thời gian nên chúng tôi không dừng lại ở một hàng quán nào quá lâu. Các cửa hàng bày bán các vật dụng tôi đã từng thấy cách đây vài năm như mũ cao bồi, giầy bốt, áo nỉ, yên ngựa, dây thừng thòng lọng (lasso) mà các chàng cao bồi ngày xưa dùng để gom bò và nhiều món hàng lưu niệm khác. Tôi mua một ít thịt bò sấy khô (beef jerky) ở một cửa hàng bán thịt bò khô. Lạc vào một cửa hàng bán kẹo, tôi mua 300-gram kẹo các loại với giá 8 mỹ kim. Đến một cửa hàng khác, chúng tôi thích thú ngắm nhìn người bán hàng chăm chú gia công chiếc mũ cao bồi cho một nữ khách hàng vì chiếc mũ quá rộng, cần phải được chỉnh sửa ngay tại quầy trước khi bán cho nữ du khách này.
 
Đến 4 giờ chiều, tất cả các du khách tập trung về con đường chính của khu Stockyard, đường East Exchange Avenue, để xem các chàng cao bồi tân thời tái hiện lại cảnh lùa bò ngày xưa. Hàng ngày vào lúc 11 giờ rưỡi sáng và 4 giờ chiều, các chàng cao bồi tân thời sẽ xuất hiện trên con đường này cùng với đàn bò gồm có 17 con bò sừng dài, mỗi con bò đại diện cho một thập  niên của lịch sử của thành phố Forth Worth. Tôi may mắn tìm được một chỗ khá tốt để ngắm đàn bò và các chàng cao bồi tân thời. Trang phục của các chàng cao bồi ngày nay không khác mấy so với trang phục của các chàng cao bồi ngày xưa vì khu du lịch Stockyards muốn tái hiện lại lịch sử một cách trung thực nhất có thể. Nhìn đàn bò đủng đỉnh diễn hành trong tiếng nhạc, tôi lim dim mơ về về nam diễn viên gạo cội, huyền thoại điện ảnh Clint Eastwood trong vai chàng cao bồi đáng yêu Rowdy Yates lùa bò trên con đường mòn Chisholm trong bộ phim truyền hình Rawhide rất hay.
 
Sau khi đàn bò được lùa về chuồng của chúng trong khu Stockyards, du khách tản ra tứ phương để tiếp tục vui chơi. Chúng tôi ghé thăm studio chụp hình dành cho ông già Noel và các du khách nhí nhưng không dừng lại ở đó lâu vì ông già Noel chê chúng tôi già hơn ông, thế nên ông ưu tiên chụp hình với bọn trẻ con. Trong chiếc mũ cao bồi màu trắng, đôi giày bốt trắng, găng tay trắng và hàm râu dài màu trắng, chỉ có quần áo màu đỏ, ông đúng là một ông già Noel cao bồi chính hiệu. Những lần trước đến khu du lịch này, tôi không thấy ông già Noel vì những lần ấy tôi đến đây vào mùa hè và vào lúc chớm thu. Dịch vụ chụp hình với ông già Noel ở xứ sở cao bồi chỉ bắt đầu xuất hiện từ sau lễ Tạ ơn kéo dài đến Đêm Trước lễ Giáng Sinh (Christmas Eve).
 
Chúng tôi ghé thăm tòa nhà “Livestock Exchange Building” được xây dựng vào năm 1902, vào lúc thời kỳ hưng thịnh của thành phố Forth Worth. Ngày xưa, tòa nhà này là trụ sở của ngành hỏa xa và là trung tâm mua bán gia súc. Tòa nhà này được đặt cho cái tên là Phố Wall của miền tây (The Wall Street of the West). Ngày nay, tòa nhà này được sử dụng làm nhà bảo tàng Forth Worth Stockyarsds. Rất tiếc, vì không có nhiều thời gian, chúng tôi đã không thể vào bên trong nhà bảo tàng để xem các hiện vật, hình ảnh và để đọc tài liệu về lịch sử của thành phố Forth Work, khu Stockyards và con đường mòn Chisholm.
 
Chúng tôi thỏa thích ngắm những chiếc xe ngựa được trang trí đẹp đẽ chở khách đi vòng vòng trong khu Stockyards. Chúng tôi dừng chân xem du khách chụp hình với bò sừng dài trên vỉa hè. Giá dịch vụ cho mỗi người leo lên lưng con bò thật này là 10 mỹ kim. Chàng cao bồi tân thời mặc chiếc quần jean xanh sẽ giúp các du khách nhí lên xuống lưng bò một cách dễ dàng. Sau đó, chúng tôi ghé đấu trường Cowtown nhưng chúng tôi không thể vào bên trong để tham quan được vì cuối tuần, đấu trường có những buổi biễu diễn cưỡi bò hoặc cưỡi ngựa (rodeo). Được xây dựng vào năm 1908, đấu trường Cowtown được xem là cái nôi của các cuộc rodeo của thành phố Forth Worth. Chúng tôi bỏ qua phòng trượt băng (ice skate rink) vì chúng tôi không biết chơi môn thể thao này. Chúng tôi ghé khu dịch vụ cỡi ngựa để ngắm các chú ngựa cao, to và khỏe nhưng tôi không có đủ can đảm làm một cowgirl nên chúng tôi mau chóng rời khỏi khu vực dịch vụ cỡi ngựa.
 
Cách đấu trường Cowtown vài mét, tôi dừng chân bên bức tượng đồng của Red Steagall. Steagall là một ca sĩ, nhà thơ kiêm diễn viên cao bồi. Ông đã cống hiến cuộc đời của mình để bảo tồn văn hóa và lối sống của người miền tây Hoa Kỳ. Thành phố Forth Worth cho tạc tượng ông nhằm để tôn vinh sự đóng góp của ông vào quá trình bảo tồn văn hóa cao bồi và bảo tồn khu du lịch Stockyards. Gần kề tượng của Red Steagall là bức tượng của William.M.”Bill” Pickett. William Bill Pickett là võ sĩ vật bò đầu tiên  (the first bulldogger - tạm dịch là võ sĩ vật bò ). Là một chàng cao bồi da đen và là cư dân Texas, William Pickett là một trong những chàng cao bồi đầu tiên tham gia vào các cuộc tranh tài rodeo ở Forth Worth và là người đầu tiên biểu diễn tài vật bò. William học được kỹ thuật vật bò nhờ quan sát cách mấy con chó chăn bò điều khiển đàn bò.
  
Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, bỗng nhiên chúng tôi thấy một chiếc xe lửa từ từ tiến vào ga (Stockyards station). Tôi hỏi cô chủ quán bán hàng lưu niệm rằng chiếc xe lữa này sẽ đi đâu và về đâu. Cô ta bảo dịch vụ xe lữa này nhằm để tái hiện lại chiếc tàu tốc hành The Polar Express trong cuốn phim kinh điển cùng tên dành cho trẻ em với chủ đề Giáng Sinh. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện một chú bé hoài nghi về sự hiện hữu của ông già Noel nhưng sau chuyến đi về Bắc Cực trên chiếc tàu tốc hành, cậu bé bắt đầu tin ông già Noel là có thật vì khi đến Bắc cực, cậu bé đã đến văn phòng làm việc của ông già Noel và quan sát các phụ tá giúp việc cho ông già Noel chuẩn bị quà tặng cho các trẻ em ngoan ngoãn. Khi cậu bé nhặt được một cái chuông đeo cổ của các con tuần lộc kéo xe cho ông già Noel, cậu đã đem chiếc chuông bạc này trả lại cho ông. Ông già Noel vui mừng bình chọn câu bé sẽ là người đầu tiên được ông tặng quà và quà tặng chính là chiếc chuông cậu bé đã nhặt được. Cuối cùng, cậu bé lên chiếc tàu tốc hành để đi về nhà. Trên đường về nhà, cậu bé bỏ chiếc chuông vào túi nhưng do túi quần có lỗ thủng, cậu bé đã để mất chiếc chuông bạc, món quà của ông già Noel ban tặng. Sáng hôm sau, khi thức giấc, cậu bé thấy có một gói quà của ông già Noel gủi tặng cậu ở trên bàn. Cậu vội vàng mở gói quà và thấy chiếc chuông cậu đã đánh mất hôm qua nằm gọn trong gói quà. Cậu và cô em gái Sarah rung lắc chiếc chuông. Chỉ có cậu và Sarah nghe được tiếng chuông kêu leng keng. Ba má của cậu không nghe được tiếng chuông kêu vì ba má của cậu không tin ông già Noel có thật. Sau này khi cậu lớn lên, cậu vẫn còn được nghe tiếng chuông leng keng nhưng em gái Sarah và những người bạn của cậu không còn nghe được tiếng chuông nữa vì chỉ có những ai tin ông già Noel có thật mới nghe được tiếng chuông của ông.  
 
Tôi tiến đến quầy bán vé để mua một vé đi về tuổi thơ nhưng quầy vé đã đóng cửa, vé đã bán hết cách đây nửa tiếng đồng hồ. Tôi đã nhỡ chuyến tàu đi về với ký ức của tuổi thơ. Người soát vé cho tôi biết tàu sẽ về lại ga trong vòng 45 phút. Dẫu biết rằng nếu tôi chờ chuyến tàu kế tiếp, tôi sẽ được gặp ông già Noel cao bồi trên chuyến tàu tốc hành này và tôi sẽ được nghe tiếng leng keng từ chiếc chuông bạc của ông vì tôi tin rằng cuộc đời vẫn còn có những điều kỳ diệu, tôi đã không có đủ kiên nhẫn để chờ vì ngày mai chúng tôi phải trở về với đời sống thật, với công việc và trách nhiệm thường nhật.
 
Tôi nhận ra một điều: làm người lớn thật tẻ nhạt. Càng có tuổi, người lớn thường đánh mất trí tưởng tượng, không còn ham thích phiên lưu mạo hiểm và cảm xúc của họ thường chai sạn theo năm tháng. Người lớn muốn giữ cho mình một tâm hồn trẻ thơ là điều rất khó. Tất cả người lớn đều từng là trẻ em nhưng có mấy ai nhớ được mình đã từng là trẻ em? Vì thế, chỉ có trẻ em với tâm hồn ngây thơ trong sáng, với trí tưởng tượng bay bổng mới nghe được tiếng chuông leng keng của ông già Noel. Bỗng nhiên tôi mơ ước tôi được làm trẻ nhỏ. Có lẽ tôi sẽ phải viết thư cho ông già Noel và cho ông biết điều ước của tôi trong mùa Giáng Sinh năm nay nhưng tôi không biết ông có chịu đọc thư của tôi, là một người lớn, hay không vì trước giờ ông toàn đọc thư của bọn trẻ con.
 
Dịch vụ tàu tốc hành đi về Bắc Cực, dịch vụ chụp hình với ông già Noel và dịch vụ trượt băng chỉ có ở khu du lịch Forth Worth Stockyards từ đầu tháng 12 đến Giáng Sinh. Tôi học được một bài học từ chuyến đi này: Từ nay về sau, trước khi đến một nơi nào để tham quan, tôi nên chủ động dành nhiều thởi gian để tìm hiểu về địa lý, lịch sử, lối sống của người địa phương và các dịch vụ vui chơi của địa điểm tham quan ấy để tránh trường hợp “cỡi ngựa xem hoa” như chuyến tham quan khu du lịch Forth Worth Stockyards đầu tháng 12 năm nay.
 
Tháng 12, 2024
 
Nhị Độ Hoàng Mai
 

Ý kiến bạn đọc
09/01/202522:18:59
Khách
Cảm ơn Tác Giả một bài viết hay.
29/12/202418:05:57
Khách
Texas là một trong những tiểu bang bảo thủ và kỳ thị chủng tộc cao. Sau 1975 một làng công giáo VN tị nạn định cư tại bờ biển Galveston đánh cá bị dân redneck Texas quấy nhiễu đe dọa, phá cả buổi lễ chúa nhật tại nhà thờ, mà chánh quyền Texas làm ngo. Dân đánh cá VN cũng là thứ dữ nhưng phải chịu thua vì Texas huà nhau bênh vực dân da trắng và cả làng đánh cá phải bỏ Texas định cư tiểu bang khác. Có nhiều phóng sự TV về chuyện nguời tị nạn VN đánh cá bị KKK ăn hiếp tại Texas, google là tìm ra. Nếu không có sự tranh đấu nhân quyền mãnh liệt của nguời da đen trên toàn nuớc Mỹ lúc đó thì dân Red neck Texas đã tha hồ đánh đập và bắn giết dân VN định cư ở TX sau 1975 như họ đã làm với dân da đen hồi 1970-1980.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 409,612
Tôi là một đứa con gái được sinh ra đời dưới một vì sao… xẹt. Thật tình mà nói, bây giờ nhìn lại, tôi không biết mình là ngôi sao tốt hay xấu nên tôi gọi nó là “sao xẹt” cho rồi. Tôi “xẹt” vào bụng mẹ lúc nào thì không biết, chỉ biết hơn chín tháng sau tôi xẹt ra ngoài giữa cơn hỗn loạn binh đao của đất nước. Quê hương tôi đó! Hình cong như chữ S với hơn 4000 năm Văn Hiến đang giẫy giụa hấp hối để bước sang một trang sử mới. Một trang sử đã chia cách mẹ cha tôi mỗi người một phương. Một trang sử đã biến đổi và cuốn hút mẹ cha vào cơn lốc xoáy cuộc đời nói riêng, mà giờ phút đó không ai có thể làm chủ cuộc đời mình được. Một trang sử hãi hùng nói chung đã làm quê hương tôi sụp đổ, đồng bào tôi nước mất nhà tan, kẻ sống còn phải lưu linh lưu địa khắp năm châu. Người kẹt lại chịu tù đày khổ ải bởi sự “khoan hồng độ lượng” của cách mạng như lời “nhà nước” ta hằng tuyên bố thời bấy giờ...
Tiếng bánh xe máy bay chạm đất làm tôi bừng tỉnh. Thế là chuyến bay dài như trắc ẩn trong lòng mấy mươi năm xa đã về đến quê nhà, trắc ẩn trong lòng về chuyện My chưa hề nguôi sau nhiều năm không gặp, nhiều năm muốn quên nhưng lòng lại nhớ My hơn… Đã đến lúc phải đối mặt với thực tế. Kẻ trốn chạy tay không nên ngày về cũng không hành lý, chỉ phải chờ mọi người lần lượt xuống máy bay là văn minh học được ở xứ người. Vừa bước ra khỏi máy bay đã nghe mùi áp bức, khó thở, sôi máu vì thiếu tự do… Nhưng mặc kệ mùi quê cũ mang theo đã mấy chục năm ra đi vẫn nguyên vẹn trở về...
" ... Con đang đi làm lắp ráp đồ điện tử ban ngày, còn ban đêm đi học thêm Anh Văn để mai mốt có cơ hội đi học lại. Mấy đứa Mỹ làm chung mỗi lần kêu tên con, tụi nó cứ kêu lơ lớ, đứa thì Muối, đứa thì Muỗi, nghe vừa tức cười mà cũng dễ giận nữa. Không hiểu tại sao con thèm được nghe ai gọi tên mình cho thiệt là đúng. Hồi xưa còn ở bên nhà con cứ mặc cảm với cái tên mộc mạc của mình, bây giờ nghĩ lại thấy trẻ con quá phải không má? Tại hồi đó sống gần gia đình, có sự thương yêu đùm bọc của ba má, rồi sinh tật đòi hỏi cái này cái khác. Chứ như bây giờ, nếu phải mang cái tên nào quê mùa cục mịch hơn cái tên Mùi của con, mà được ở gần ba má với mấy em, con cũng chịu liền một khi ..."
Tháng Sáu mùa tươi vui của khung cảnh hạ, không còn những cơn mưa và khí hậu lạnh rét run nữa. Trời trong sáng, nắng rực rỡ sắc hồng, cây cối xanh tươi, các loài hoa thi nhau khoe đủ sắc màu, nhất là những đóa quỳnh hồng, vàng nở tuyệt đẹp. Từ đầu tháng đến giờ tôi đi dự nhiều buổi lễ và sinh hoạt trong cộng đồng. Trước tiên là “Mừng Ngày Truyền Thống Cảnh Sát Quốc Gia 1 tháng 6”, kế tiếp “Đại Hội Thiết Giáp QLVNCH”, “Lễ Father’s Day” do hội Phụ nữ Bắc Cali tổ chức phối hợp cùng các anh lính Thủ Đức trong nhóm “Cà Phê Lính”.
Anh bạn tinh ý đoán biết suy nghĩ của tôi, cười và bảo: “Trường học bên Mỹ này, ngoài thầy giáo, còn có nhiều công việc phục vụ cho học sinh chứ không như ở Việt Nam mình, chỉ có một ông phu trường lo quét dọn, trông coi tổng quát và chuyên rình bắt học trò leo rào trốn học.” “Vậy những công việc cụ thể như thế nào?” “Như đứng cầm bảng chỉ dẫn cho học sinh qua đường giống như cảnh sát giao thông, phục vụ bữa ăn trưa cho học sinh, làm tạp dịch như lau sàn nhà, dọn dẹp nhà vệ sinh, coi an ninh tổng quát, làm tài xế xe bus hay phụ tài xế giúp các học sinh khuyết tật lên xuống xe bus, làm công việc bảo trì như thay bóng đèn, sửa lại cái bàn, cái ghế không cần tay nghề cao - ai làm cũng được.” Sau khi nêu lên một số công việc, ông bạn gợi ý: “Công việc thì nhiều, nhưng xem ra chỉ có việc phụ tài xế xe bus, tiếng Anh gọi Bus Attendant là thích hợp với tuổi già - vừa dạo mát xem hoa, vừa kiếm tí tiền, lại có thêm cái bảo hiểm sức khỏe của nhà nước tốt số một...
rên bàn thờ cúng 12 bà mụ đầy tháng thằng cu Tí, mẹ tôi bầy nào xôi gấc, chè hương, bánh ga-tô, mâm trái cây ngũ quả, hoa lan tươi thắm, những ly nước nhỏ, nhang đèn nghi ngút khói, hai đĩa thịt vịt đầy ắp để trên một bàn khác để cho khách dùng bữa, còn trên bàn thờ chỉ bầy đồ chay cúng cho các bà mụ, tránh sát sinh cho cuộc sống bắt đầu của cháu được nhẹ nhàng. Chỉ một chớp mắt cu Tý đã được một tháng tuổi, cứng cáp hơn một chút, tiếng khóc to, rõ hơn và có vẻ biết mè nheo hơn. Cho con bú xong, vỗ nhẹ lưng cho tiêu, đặt con nằm vào giường của nó; nhìn nó ngon giấc, làm tôi nhớ lại những tháng ngày chật vật, chỉ mới cách đây một năm thôi, tôi rùng mình hồi tưởng, tưởng chừng đã không có sự hiện hữu của sinh linh bé nhỏ yêu quý của ngày hôm nay...
Chỉ một mình tôi sinh sống ở Canada, trong khi tất cả gia đình, họ hàng đều ở bên Mỹ, nên gia đình nhỏ của tôi hầu như hàng năm phải bay qua xứ Cờ Hoa để thăm “nhà” và du lịch các nơi của 50 tiểu bang Mỹ Quốc. Tuy nhiên, trong khi nhiều tiểu bang chúng tôi ghé nhiều lần, riêng Hawaii sau vài dự định rồi bị hủy bỏ vì nhiều lý do, mãi mùa hè năm ngoái, chúng tôi mới có dịp đầu tiên đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này. Trước khi đi, con gái và thằng rể đã mày mò tìm hiểu trên Googles và có ý định thám hiểm cảnh thiên nhiên hoang sơ của Maui, nhưng vợ chồng tôi và mấy người em bên chồng đồng góp ý
Lệ Lê có giọng hát cổ nhạc đâm thấu tim thính giả. Có lẽ lai Mỹ nên Lệ Lê được trời phú giọng hát dây đào cao, làn hơi mạnh, trong, và ngân tự nhiên; lại thêm làn da trắng bóc trộn giống Á-Âu nên Lệ Lê một thời rất ăn khách trong làng cổ nhạc Việt hải ngoại. Trời thương Lệ Lê có trí nhớ tốt vô cùng thuộc đến cả gần trăm bài cổ nhạc đủ điệu, dài dai gấp hai, ba lần tân nhạc nên khách yêu cầu bản nào là xổ ra ngay bản đó. Cứ cả ngày rảnh rỗi mò mò vài nút máy thu âm cầm tay là Lệ Lê thuộc lòng lắm bài như kiểu nhồi sọ loa phường đã quen. Độc đáo hơn nữa, Lệ Lê mù nên rất dễ lấy nước mắt khách ái mộ. Sau cơn tiểu phẫu, Lệ Lê phát ù. Nhưng vẫn đẹp nét lai. Cứ lai là đẹp.
Thời gian gần đây trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng như ở Việt Nam bỗng nhiên phát sinh một câu hỏi là sống ở Mỹ sướng hay ở Việt Nam sướng? Vấn đề đặt ra giữa lúc có một số Việt kiều Mỹ phần lớn là đã lớn tuổi, đã về hưu nay quay về Việt Nam sống. Họ nói sống ở Việt Nam sướng và hết lời ca tụng Việt Nam, thì cũng được đi nếu họ không chê bai Mỹ, đả kích Mỹ và Việt kiều bằng những lời lẽ bịa đặt vu vơ...
Chuyện bão tố hay cúp điện, mất điện đối với người Việt, hay nói chính xác hơn là “người Mỹ gốc Việt” khi còn ở quê nhà thì chỉ là điều... bình thường, quen thuộc, “nói hoài, nói mãi”, xưa rồi Diễm, ít quan tâm. Hay có quan tâm, thì chỉ là những cơn giông bão lớn, với số người phải chịu cảnh thiên tai này là quá lớn, cần sự quan tâm và cứu trợ của cả nước, hay thậm chí là những nước khác giúp đỡ! Riêng việc bị mất điện, cúp điện thì chẳng chết “thằng Tây” nào, và cũng có nhiều nơi, nhiều địa phương là chuyện như “cơm bữa”, là chuyện “thường ngày ở huyện”. Bởi cũng đã từng có nhiều người, nhiều gia đình, cả đời chưa hề... biết “xài điện” là gì, cho nên, có người vui miệng, từng xổ “tiếng Tây, tiếng u” là... “No table” hay “No star where”, dịch diễn nôm na là “miễn bàn”, “không sao đâu” đó thôi!
Nhạc sĩ Cung Tiến