Hôm nay,  

Nỗi Đau Nhớ Mẹ

18/12/202400:00:00(Xem: 1187)
Tac gia nguyen mong Giang
Tác giả Nguyễn Mộng Giang (hình do TG cung cấp)
 
Tác giả Nguyễn Mộng Giang sinh trưởng tại Việt Nam, nay định cư ở Hoa Kỳ. Bà lần đầu tham gia chương trình VVNM với bài “Đời bỗng quạnh hiu”. Tác giả cho biết sở thích của bà là làm thơ, viết văn, phổ nhạc. Bà đã có được vài tuyển tập truyện ngắn. Bài viết kỳ này là lời tâm tình và nỗi nhớ về người mẹ đã mất đúng vào đêm Giáng Sinh.
 
***
 
Công lao dưỡng dục ơn từ mẫu
Báo hiếu chưa tròn mẹ thứ tha
Sầu dâng chất ngất hồn con trẻ
Luyến tiếc khôn nguôi bóng mẹ già.
 
Vâng! Thưa mẹ, bốn câu thơ trên con viết vào đúng cái ngày mẹ vĩnh viễn rời bỏ chúng con ra đi. Tám năm rồi, nỗi đau mất mẹ vẫn chẳng hề nguôi ngoai. Mỗi lần nghĩ đến mẹ là con tỉnh hẳn người không ngủ được. Đêm nay cũng vậy! Mưa rả rích suốt từ buổi chiều, bầu trời xám ngắt, phủ một màu thê lương rét buốt. Cứ mỗi độ Đông về, con lại nhớ mẹ quay quắt, không làm sao quên được ngày Giáng Sinh buồn năm ấy. Mẹ hấp hối nơi phòng ICU của bệnh viện.       
 
Hôm ấy là thứ Bảy, 24 tháng 12. Buổi chiều chúng con lại có cái đám cưới con một người bạn, và tối nay nhà chúng ta sẽ có khách ở xa đến. Đám con nuôi của mẹ đã lâu không gặp từ tiểu bang Arizona đổ về San Jose thăm mẹ nhân ngày lễ Giáng Sinh. Buổi sáng, thay quần áo cho mẹ đi lọc máu con thấy mẹ rất yếu, không phản ứng gì cả, gọi mẹ cũng chẳng ừ hử. Con nghĩ chỗ lọc máu sẽ chuyển mẹ vào nhà thương. Nhưng không, họ vẫn đưa mẹ về nhà như thường lệ làm chúng con tưởng chắc mẹ không sao.
 
Về nhà, mẹ chẳng cựa quậy và ăn uống gì được ngày hôm đó cả. Buổi chiều, trước khi đi ăn cưới, vợ chồng con không an tâm, vào phòng thăm mẹ một lần nữa. Chồng con thấy mẹ hâm hấp nóng và có vẻ không ổn (mặc dù mẹ chỉ nằm yên và thở đều). Chồng con bàn với bố và nhờ Tùng, Huy (hai đứa con trai của chị Hạc) đưa mẹ vào thẳng nhà thương mà không cần phải gọi 911. Rồi chúng con đi dự tiệc cưới, nhưng sao lòng con cứ như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Con ra ngoài gọi phôn về hỏi thăm mẹ và xem đám con nuôi của mẹ đã đến chưa? Chị Hạc bốc phôn, con nghe văng vẳng trong điện thoại tiếng khóc bù lu bù loa, chị Hạc nói đó là tiếng khóc của cô Xinh, hàng xóm láng giềng của nhà ta ở VN tháp tùng theo đám con nuôi của mẹ sang San Jose thăm mẹ. Vừa đến nhà ta, hay tin mẹ bị như vậy nên cô òa lên khóc om xòm.
 
Con chưa kịp hỏi gì thì chị Hạc đã báo tin nhà thương cho biết mẹ chắc không qua khỏi. Con cảm thấy chân tay bủn rủn và đứng không vững, cảm giác y hệt như lúc nghe tin em Nam bị ung thư gan thời kỳ cuối. Con trở vô bàn tiệc lặng lẽ ngồi xuống cố kềm không khóc mà sao tay con lạnh ngắt và chân con run bần bật. Con bíu lấy tay chồng con và nói vào lỗ tai anh ấy:
 
- Chị Hạc bảo nhà thương báo mẹ sắp chết rồi! Bây giờ mình phải làm sao anh?
 
Anh nắm lấy tay con bóp nhẹ và nói:
 
- Bây giờ mình về cũng đâu có thay đổi được cái gì, chẳng lẽ giữa đám cưới mình lại báo tin buồn để đi về thì kỳ quá, ráng một chút xíu nữa đến phần cắt bánh rồi mình xin về sớm.
 
Ở tiệc cưới về, chúng con ghé qua nhà thay quần áo rồi vào ngay nhà thương. Vì mẹ nằm phòng ICU nên họ chỉ cho vào thăm từng người một. Mà mẹ có biết gì đâu mà thăm với viếng, người mẹ đầy những ống, dây nhợ treo lủng lẳng. Con chẳng dám lại gần, chỉ đứng xa xa nhìn thoáng mẹ một cái rồi con bưng mặt chạy ra ngoài. Mẹ biết không? Con tuy ngổ ngáo, bị cả nhà gọi là “con nặc nô”, con “giặc cái”. Nhưng thật ra con rất là tình cảm, phần nội tâm con rất tỉ mỉ và sâu sắc. Con sợ những cảnh sinh ly tử biệt, con sợ nhìn thấy những giây phút cuối cùng mà mẹ phải chịu đựng. Nó làm đau lòng con lắm mẹ biết không? Nó sẽ ám ảnh con suốt đời.
 
Con mặc kệ mọi người nghĩ sao về con, rời khỏi phòng ICU con men theo hành lang tìm đến tượng Đức Mẹ. Nhà ta đạo Phật, nhưng nhà thương không có tượng Phật chỉ có tượng Chúa mà thôi. Trong giờ phút bi thương này, đối với con, Chúa Phật gì cũng như nhau. Con thành tâm cúi đầu cầu khẩn, xin cho giây phút cuối đời mẹ sẽ được nhẹ nhàng thanh thản ra đi. Xa xa đâu đó, vọng lại tiếng chuông nhà thờ đổ liên hồi báo hiệu Chúa đã giáng trần ban ơn. 
 
Rồi chúng con về nhà, chẳng ai đi ngủ được, mọi người quây quần bên bàn ăn hồi hộp theo từng tiếng chuông điện thoại. Bốn giờ sáng, nhà thương lại “báo cáo”:
 
- Bây giờ là máy thở chứ không phải là mẹ của cô thở nữa, cô có muốn vào thăm không?

Chồng con nghe vậy lại chở con vào một lần nữa mà không dám đánh thức bố dậy vì bố đã quá mệt mỏi từ đầu hôm đến giờ rồi. Mẹ vẫn nằm yên thoi thóp với những ống cắm từ mũi, miệng và dây nhợ máy móc trợ tim. Con ngồi bó gối ngoài phòng ICU chứ không dám vào, chỉ có nhà con vào mà thôi. Đến 6 giờ sáng, thấy tình trạng mẹ vẫn không thay đổi, nhà con chở con về để đổi cho bố vào thăm mẹ lần cuối kẻo không kịp.
 
Mẹ ra đi lúc 7 giờ 15 phút sáng, bên cạnh có bố vuốt mặt và đọc kinh cho mẹ. Như vậy có nghĩa là sáng hôm qua, kể từ lúc con thay quần áo để mẹ đi lọc máu cho đến lúc mẹ ra đi vĩnh viễn, mẹ không hề tỉnh lại một lần nào. Ngày 24 đã qua ngày 25 vừa đến, bình minh đã lên cao mà vạn vật như còn đang say ngủ sau một đêm tưng bừng náo nhiệt chào đón Chúa hài đồng giáng sinh. Một Noel buồn đầy đau thương tang tóc.
 
 
Mẹ đi rồi nhà chúng ta lạnh lẽo lắm! Dù mẹ chỉ âm thầm như một cái bóng mà sao con vẫn thấy ấm lòng. Bây giờ không còn mẹ, nhìn đâu cũng thấy kỷ niệm, con nhớ mẹ vô cùng mẹ ơi! Nhưng nỗi đau của con cho dù có cao đến đâu chăng nữa cũng không thấm gì so với nỗi mất mát to lớn của bố. Mẹ biết không? Sau khi an táng lo cho mẹ xong xuôi, cuộc đời bố hầu như chỉ khép kín vào bốn bức tường. Suốt ngày bố chỉ ở trong phòng, lẩn quẩn với những đồ vật kỷ niệm của mẹ. Thỉnh thoảng lại đứng trước tấm ảnh treo trên tường của mẹ mà lẩm bẩm trò chuyện. Bạn bè đến thăm bố cũng không tiếp, chỉ ra chào hỏi, cám ơn rồi xin phép cáo lui vào phòng. Điều mà con sợ nhất là nghe bố rên rỉ, âm thầm gọi mẹ làm con chỉ muốn chết liền tại chỗ. Nó đau một cách lạ kỳ, đau đến nỗi con không thở được, nghe lồng ngực nhói buốt. Con phải mở toang cửa bước hẳn ra ngoài sân, ngửa mặt lên trời hít lấy hít để không khí cảm tưởng như quả tim mình sắp ngưng đập ngay tức thì.
 
Lúc mẹ còn sống, có thói quen hay gấp giấy tissue làm bốn miếng vuông vức gọn gàng xếp thành từng đống. Mỗi lần đi đâu, mẹ lại lấy một ít bỏ vào ví mang theo để xài. Khi mẹ mất rồi, con dọn dẹp lại phòng mẹ cho gọn gàng, bố không cho vất đống tissue đó đi, bố cất vào một cái hộp bảo để đấy bố xài dần. Con biết bố chẳng muốn thay đổi đồ vật gì của mẹ cả, bố muốn nhìn vật để nhớ người, để ôm lấy nỗi đau một mình. Chết người được đấy mẹ ạ! Con đã cố gắng xóa bỏ đi những vết tích của mẹ để kéo bố trở lại với cuộc sống bình thường nhưng bố không chịu, con biết làm sao hơn? Tội nghiệp lắm! Mẹ biết không? Mỗi lần bố sụt sịt, bố lại mở cái hộp tissue đó ra và bố lại mếu máo rên rỉ: “Ối giời ơi! Mợ ơi! Cái đống giấy mợ xếp này tôi xài đến đời nào cho hết đây?”. Mẹ nghe có đứt ruột không? Riêng con, mỗi lần nghe như thế con lại chạy trốn vào phòng tắm để khóc một mình. Cũng như ngày hôm nay khi viết đến đoạn này, con vẫn không cầm được nước mắt. Có điều ngày hôm nay, đã 8 năm qua, Bố cũng đã được đi theo mẹ một năm hơn rồi. Cho nên con một mình khóc cho “thoải mái” để lồng ngực không bị đau bởi phải dồn nén lại vì khóc lén. Tám năm trước sở dĩ con phải trốn vào nhà tắm để khóc vì con sợ bố đang buồn nhớ mẹ, con chẳng an ủi được bố mà còn khóc theo để rồi cùng ôm nhau chìm đắm trong nỗi đau thương mất mẹ thì sự ai bi này, tuổi già của bố làm sao mà chịu cho thấu?
 
Con lúc nào cũng sống vui vẻ, cố gắng khỏa lấp đi hết những kỷ niệm về mẹ để bố đừng nhớ đến mẹ nữa mà cố gắng sống cho vui vẻ tuổi già. Con biết nỗi đau của bố không ai có thể xoa dịu được ngoại trừ một mình bố. Mẹ không thể nào sống đời với bố được, đó là luật sanh tử không tránh khỏi. “Sinh, lão, bệnh, tử” ai không một lần phải chết? Con cũng nhờ dựa vào bốn chữ này và cố gắng không nghĩ đến mẹ nữa, nổi buồn mới bớt đau. Tuy là nói vậy, nhưng con rất hiểu nỗi đau của bố, bởi không nghĩ đến mẹ thì thôi, mỗi lần nghĩ đến, nỗi đau kéo đến không ngừng, đang ngủ con cũng phải bật ngồi dậy bởi không thở được. Bây giờ, bố cũng đã đi theo mẹ một năm hơn rồi, nỗi đau chồng chất trong con cũng chẳng kém gì.
 
Mẹ ơi! Noel lại sắp đến nữa rồi, gợi lại trong con biết bao kỷ niệm về mẹ, con nhớ cái tuần lễ sau ngày mẹ mất, mẹ hay về gõ “cạch, cạch” cho con nghe, chỉ mình con phát hiện tiếng gõ trước nhất mà chẳng ai nghe được cả. Tại sao trong ngần ấy đứa con (chín đứa) mẹ không chọn ai khác mà lại chọn con? Điều đó chứng tỏ cho thấy về mặt tâm linh, con có thể tiếp xúc được với mẹ, phải không mẹ?
 
Buổi sáng hôm sau ngày thiêu mẹ, tất cả anh chị em vẫn còn đủ mặt ở nhà con, còn đang ngủ nướng vì quá mệt mỏi sau tang lễ, mẹ lại về gõ “cạch, cạch” nữa! Tiếng gõ nghe rất lạ tai mà cho đến bây giờ, chưa một lần nào con được nghe lại. Đặc biệt lần này, tất cả anh chị em đều mắt nhắm mắt mở thò đầu ra hỏi với giọng ngái ngủ: “Ai gõ cửa vậy?”.  Chỉ có bố vẫn nằm yên trong phòng không ra mà chỉ hỏi: “Đứa nào gõ cửa đấy?”. Con đã nói mẹ về gõ tiếng động cho con nghe mà chẳng ai chịu tin, đến hôm nay mọi người đều nghe rõ mồn một tiếng gõ cửa phòng mới chịu tin là mẹ linh thiêng. Lúc bấy giờ nhà con mới lên tiếng:
 
- Hôm nay mẹ về gõ tiếng động mà ai cũng nghe được rõ ràng rồi, chắc mẹ đã an tâm ra đi, không còn về gõ nữa đâu.
 
Quả nhiên từ đó về sau chúng tôi không bao giờ còn nghe được một tiếng động nào giống như vậy nữa hết. Giáng Sinh lại đến nữa rồi! Con ước ao một lần nào đó cho con gặp lại mẹ dù chỉ là trong giấc ngủ, trong giấc mơ hay là trong tiếng gõ cũng được. Mẹ cứ về, mẹ cứ gõ, con không sợ, con không sợ đâu, con nhớ mẹ vô vàn mẹ ơi! Tám năm rồi, mẹ đã đi về đâu? Mẹ có gặp được bố không? Con chắc là có! Nếu không, sao bố bỏ chúng con ra đi một mạch mà không hề có một hiện tượng quay về báo mộng cho chúng con biết như là mẹ dù chỉ bằng một tiếng động mà thôi? Bố gặp mẹ rồi nên vui quá không quay về nữa, đúng không?

Và con cũng rất hy vọng nơi một cõi Trời xa xăm nào đó, không bệnh tật, không đau đớn, không sanh tử, bố mẹ đang vui vẻ, hạnh phúc nắm tay nhau, vĩnh viễn không bao giờ lìa xa nhau.
     
 
Nguyễn Mộng Giang
 

Ý kiến bạn đọc
09/01/202522:46:11
Khách
Cảm ơn Tác Giả chia sẽ một bài viết cảm động.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 409,559
Nhiều người trong chúng ta chắc ai cũng biết câu ngạn ngữ này: “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Tôi không rõ là câu này do danh nhân nào nói hay là nguồn gốc của nó từ đâu, nhưng tôi quan sát thì thấy nó rất đúng với nhiều trường hợp ở đời. Nay tôi tường thuật một câu chuyện có thật trong cộng đồng người Việt ở thành Ất Lăng. Tôi cũng là người có dự mặt trong câu chuyện này, một câu chuyện khá thương tâm và phần nào cũng đúng với câu ngạn ngữ vừa đề cập. Tôi vốn không phải là nhà văn nên không biết gì bút pháp nghệ thuật hay những gì đại loại như thế, chỉ đơn giản là một người kể chuyện, kể lại câu chuyện đã và đang xảy ra tại đây.
Theo Wikimedia, “Cranberry” tiếng Việt gọi là nam việt quất. “Cranberry” có nguồn gốc từ chữ “Craneberry” (Crane là con hạc) được dùng bởi những di dân đầu tiên đến Mỹ, vì cánh hoa, đài hoa và cuống hoa có hình dáng giống đầu, mỏ và cổ của con hạc. “Cranberry là một loại cây thường mọc dại nơi các vùng đầm lầy đã phân hóa (nhiều than bùn) ở miền ôn đới Bắc bán cầu. Tại Mỹ nhiều nhất là các tiểu bang miền Đông Bắc như Massachusetts, New Hamshire, Connecticut, New Jersey và Delaware. Được biết việc chăm sóc và thu hái Cranberry qua nhiều công đoạn khá nhiêu khê. Đầu tháng 10 là mùa thu hái. Tôi muốn được tận mắt nhìn thấy những sinh hoạt này của nông dân địa phương nên đã quyết định cùng con gái làm một chuyến du lịch đi Boston thuộc tiểu bang Massachusetts. Đây là một trong những tiểu bang nằm phía đông bắc nước Mỹ có nhiều điền trang (Farm) đang mùa thu hái “Cranberry”.
...Nhìn thấy hàng dài người chờ ngoài phòng phiếu thì mới nhận thấy người đi bầu tay năm nay đông nhất so với các năm 2020 và 2022, dù phòng phiếu mở cửa gần cả tuần vừa qua. Tuần tự theo các thủ tục, chúng tôi nhanh chóng tô đậm các ô dựa trên mẫu giấy bầu ghi dấu sẵn trước ở nhà, nên kết thúc bầu khá nhanh. Chúng tôi thấy vui khi có nhiều cha mẹ đem theo các con nhỏ, như một cách chỉ dạy công dân giáo dục. Chúng tôi cũng không quên dán vào ngực con tem “I Voted”. Trên đường về, chúng tôi ghé vào Trade Joe mua chai “champagne”, dành mở uống mừng khi có kết quả bầu cử...
Tôi luôn sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa khi đón nhận những món quà mà Ngài gửi đến trong cuộc đời tôi. Từ ngày có tụi nhỏ, những dự định cho cá nhân, từ việc học thêm các ngôn ngữ mà tôi yêu thích, trau dồi thêm kiến thức trong nghề nghiệp, tìm kiếm những cơ hội thăng tiến, đều dần có độ ưu tiên ngày càng thấp, ngày càng xa hơn, và lùi dần theo tỷ lệ thuận với số tuổi của các con. Tụi nhỏ càng lớn, tất cả thời gian và kế hoạch của tôi càng xoay quanh các con nhiều hơn.
Linh qua Mỹ theo diện đoàn tụ (cha bảo lãnh) nên chờ đợi dài cổ bao nhiêu năm trời, vậy là tuổi xuân đi qua lẹ làng. Khi còn ở Việt Nam từ lúc học lớp đệ tam (lớp 10) đã có bạn thương, lên dần bạn trai thích vây quanh cũng đông. Lúc học Cao Đẳng Sư Phạm cũng yêu một bạn chung lớp. Ra trường vào Sài Gòn chờ đi Mỹ vì có giấy tờ cha gởi về. Cha cấm con gái, con trai không ai được lập gia đình chờ ngày ra đi. Thời gian chờ đợi cũng có các bạn ra trường kỹ sư, hoặc dạy đại học theo đuổi. Nhiều người làm Linh đâm ra “lơ lửng con cá vàng”, vui chơi qua ngày qua tháng...
Lời mở đầu của người viết: "Đây là bài tôi viết đúng bốn năm trước khi cả nước Mỹ đang sôi nổi về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Lúc đó vì không muốn gây ra tranh cãi mất thì giờ nên tôi chỉ đăng giới hạn trong trang cá nhân của mình. Bài được nhiều người xin để share lại và số người “nghỉ chơi” tôi ra hay thậm chí “block” vì bài viết này cũng không phải là ít. Một mùa bầu cử nữa lại đến. Có vẻ như những gì xảy ra bốn năm trước có thể sẽ lặp lại nên tôi nghĩ bài viết năm trước của mình chưa đến nỗi lỗi thời."
Từ khi Amanda, con gái nàng, học lớp chín, hễ đến đêm Halloween là nó cùng nhóm bạn bè hẹn nhau ở nhà nàng, rồi chúng nó kéo nhau đi khắp xóm, qua cả xóm bên cạnh. Tuổi trẻ đâu biết mệt và lạnh là gì, có năm trời mưa lất phất, gió rít lạnh lẽo, mà chúng vẫn hào hứng lên đường. Nàng ngồi ở nhà, vừa phát kẹo cho lũ trẻ đến gõ cửa, vừa nấu nồi cháo gà để lát nữa đãi đám bạn bè con gái.
Hôm nay tôi chuẩn bị về thăm Cali để giải tỏa áp lực đau buồn mang nặng trong lòng mấy tháng nay. Cứ mỗi lần về Cali lòng bồi hồi xúc động vì nơi này đã in đậm trong tôi nhiều dấu ấn khó quên. Tôi nhớ hai câu thơ của nhà thơ Thế Lữ: “Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.”
... Ở Việt Nam, tôi bị tù gần sáu năm trời chỉ mỗi cái tội vượt biên và hơn mười năm “chết dấp” bên trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) của Phi Luật Tân vì đến đảo sau ngày đóng cửa nên chẳng có điều kiện để lập gia đình. Thành thử ra tôi độc thân tới năm bốn mươi bốn tuổi mới lấy vợ, cách đây được hơn tháng! Phần vợ tôi khi ấy cũng xấp xỉ bốn mươi, do cứ mãi ở chờ bố cô đi tù cải tạo ngoài Bắc hơn mười mấy năm trời mới về, rồi sang đây với diện H.O, thành ra cũng chẳng trẻ trung gì! Thế nên khi bác sĩ chính thức báo tin là vợ tôi đã “cấn thai” thì tôi chới với vô cùng. Bởi tôi chưa có “ready” thì bảo sao tôi không hoảng sợ cơ chứ?...
Vài ngày trước Giáng Sinh 2023, tôi điện thoại chúc Thầy Cô Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu bình an trong tình yêu thương của Chúa Hài Đồng, đồng thời chúc sức khỏe Thầy Cô trong năm mới 2024. Vào dịp Tết Nguyên Đán tháng 2, 2024, tôi lại điện thoại chúc Tết Thầy Cô, nhưng lần này không được trả lời, nên tôi đành gởi lời chúc qua text message, kèm theo lời mời sớm, mong Thầy Cô tham dự Đại Hội Y Khoa Huế (YKH) Hải Ngoại vào khoảng tháng 7 năm nay. Tôi không nhận trả lời của Thầy. Mãi hơn một tháng sau, trong bất ngờ và cảm xúc, Hội YK Huế Hải Ngoại nhận tin buồn chính thức từ gia đình cho biết Thầy Lê Thanh Minh Châu đã thanh thản ra đi vào ngày thứ Tư, 28 tháng 2, 2024, tại Rancho Mirage, CA, hưởng đại thọ 94 tuổi.
Nhạc sĩ Cung Tiến