Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả miêu tả nét đẹp mộc mạc, thanh nhàn nơi vùng ngoại ô tiểu bang Maryland.
*
Thông thường sau những ngày nắng hè oi bức, mùa thu mang đến sự mát mẻ dễ chịu cả đêm lẫn ngày. Ra đường phải mặc thêm áo khoác nhẹ, choàng cái khăn quàng quanh cổ. Năm nay đặc biệt thời tiết thay đổi. Vùng Hoa Thịnh Đốn mưa nắng bất thường. Mưa liên miên mấy hôm liền dù không lớn nhưng trời âm u ẩm ướt, không mấy khi có nắng cả ngày. Tuy nhiên nhờ có mưa các sân cỏ vàng hoe mấy tháng hè vì thiếu nước nay xanh tươi trở lại. Hoa cúc trồng từ những năm trước ra hoa rực rỡ màu sắc. Mấy cây cà, cây ớt vẫn còn tươi tốt chưa bị ảnh hưởng thời tiết se lạnh mùa thu. Lá cây trên cành vẫn còn xanh tuy đã vào tháng 10. Thấy thời tiết tương đối dễ chịu ngày cuối tuần con gái Vân rủ Mẹ đi thăm nhà nghỉ mát của người bạn ở ngoại ô Maryland trên hòn đảo nhỏ, cách nhà khoảng 90 phút lái xe.
Hôm ấy trời đẹp, không mưa, mấy mẹ con rời nhà khoảng 9 giờ. Xe chạy ngang qua các con đường trong thành phố nhà san sát, cao ốc chi chít cái nọ gần cái kia, những cầu vượt ngoằn ngoèo trong các khoảng đường xe đông đúc. Cuối tuần nhưng vẫn nhiều xe qua lại tuy có vắng hơn ngày thường chút ít. Khoảng 40 phút sau ra ngoại ô xe bớt dần dần. Hai bên đường xe chạy khi là những hàng cây xanh, có phố xá nhà cửa nhưng thưa thớt. Xa hơn nữa phần lớn là đồng ruộng xanh um, nhưng có khu lá vàng như ruộng bắp đến mùa thu hoạch. Có những nhà nho nhỏ đơn sơ cất rải rác trên các cánh đồng bát ngát. Có ruộng trồng toàn bắp, đậu hoặc các loại hoa màu khác. Có thửa ruộng trồng toàn hoa bên cạnh các nhà ở vệ đường. Tuy nhỏ hơn ruộng bắp nhưng cũng khá rộng. Hoa hướng dương ở các “nursery” bán chậu nhỏ khoảng 15 phân (15cm) $10, chậu lớn $15 hay $20 một chậu. Nơi này nhiều vô số, có lẽ họ trồng để làm dầu ăn nếu hoa quá lứa người mua không tiêu thụ hết? Ngoài ra còn có khu vườn trồng toàn hoa “Cône Flower”, màu vàng, màu hồng hay tím rất đẹp. Có lẽ họ trồng để bỏ mối cho các siêu thị và các “nursery”? Tuy nhiên nếu mùa thu họ không bán hết, cuối tháng 10 hoa sẽ tàn, phải cày lên vứt bỏ, thật tội nghiệp cho người trồng hoa.
Lúc xe chay ngang qua ruộng bắp, Vân thấy người ta đang gặt bắp bắng máy. Cái máy khổng lồ bề ngang có lẽ gần đến 3 mét do một người lái, di chuyển từ từ trên ruộng bắp. Máy đến đâu ruộng bắp trống trơn, nhẵn nhụi đến đó. Những cây bắp ngay hàng thẳng lối bị máy nuốt mất tiêu. Con rể Vân cho biết máy không những cắt cây bắp, nhặt trái bắp ra mà còn tự động chọn bắp to nhỏ riêng ra theo từng loại. Nghe như chuyện phong thần, không thể tin được. Vân đã thấy máy ủi, máy cày nhưng máy nhặt bắp mới thấy lần đầu. Tưởng tượng vào mùa thu hoạch người chủ phải tìm công nhân đi hái bắp. Bao nhiêu ngày và bao nhiêu nhân công mới hái xong ruộng bắp? Kế đến còn chia loại ra lớn nhỏ nếu muốn. Ngoài ra còn phải đốn, thu dọn những thân cây bắp khô còn lại để có thể làm mùa mới khi Đông tàn Xuân đến…
Trên đường đến nhà nghỉ mát, Vân thấy một quầy nho nhỏ có nóc che bán nông phẩm như cà chua, dưa hấu nhiều loại lớn và nhỏ, rau, đậu que (green bean), dưa leo, “cantaloupe”, bí đỏ, táo, mận, bắp…rẻ hơn các siêu thị ở Virginia. Thí dụ quả dưa hấu to bán 3$ trong khi siêu thị Virginia bán từ 5$- 8$ một quả. Bắp rất ngọt và rẻ. Họ bán nhiều loại hoa trong chậu nhỏ để mua về trồng hay treo lên để ngắm cũng được: hoa cúc nhiều lắm, đủ màu, chậu to, chậu bé, “impatient”, “petunia”, “hydrangia”, ớt, cà chua… giá rẻ có khi bằng nửa giá so với siêu thị VA. Cũng có hoa cắt sẵn ngâm trong nước. Đặc biệt là không có người bán. Họ để giá sẵn trên mỗi loại hàng, nơi đựng bao và cái cọc chôn xuống đất, phía trên là hộp đựng tiền hay ngân phiếu có khóa. Người mua lai rai kẻ đến người đi. Vân đến nơi này mấy lần, quầy hàng vẫn còn với nông phẩm tươi ngon. Vân nghĩ họ không mất tiền nên quầy hàng mới tồn tại, người chủ tiếp tục tin tưởng người mua lương thiện không lấp cắp nông phẩm của mình.
Lễ Hội Mùa Thu (Fall Festival)
Lần đi này Vân thấy nơi đó có ”Fall Festival”. Con đường nhỏ từ ngoài mặt lộ đi vào khu Festival được dọn dẹp, rãi đá nhỏ sạch sẽ. Nhiều nông sản hoa quả hơn. Họ bán thêm các loại nước trái cây: nước táo, mật ong, nước cam, các loại mứt… Bí đỏ lớn nhỏ nhiều lắm. Có nhiều trái bắp khô và tươi. Những cây bắp khô queo, cao được bó lại gọn gàng. Mỗi bó có 3 cây bắp, giá 6$. Lại có hình các bộ xương khô, đầu lâu… chuẩn bị cho ngày lễ “Ma Quỷ”(Hallowen) cuối tháng. Có nơi cho trẻ con vui đùa: những cái đu, nơi trốn tìm, những bánh xe lớn nhỏ màu mè xanh đỏ xếp cạnh nhau cho các em leo trèo những bàn ghế thấp cho khách ngồi giải khát… Mấy người an ninh mặc sắc phục đi tới lui và nhân viên có huy hiệu trước ngực hướng dẫn nơi đậu xe. Bãi đậu xe khá nhiều xe. Nếu đến để chụp hình hay mua nông phẩm thì khỏi mua vé. Ai muốn tham dự các trò chơi phải mua vé nhưng Vân không biết bao nhiêu một vé. Cô hướng dẫn cho biết sau 3 giờ chiều có nhiều trò chơi cho trẻ con và người lớn…
Tuy là ngoại ô nhưng cũng có khu buôn bán nhỏ, nhà thuốc, tiệm bán thức ăn nhanh, nhà hàng Tàu, trạm xăng nằm dọc theo con đường. Nhà thờ khang trang, trường học, khách sạn, rải rác trên đường đến nhà nghỉ mát.
Cobb Island
Xe chúng tôi chạy qua cây cầu khá dài nối đất liền và đảo Cobb Island ở sông Potomac thuộc tiểu bang Maryland. Cái đảo này nhỏ khoảng hơn 1000 dân cư. Trước khi đến cầu có nhà hàng bán hải sản (Seafood Restaurant) khá rộng nằm cạnh bờ sông. Dưới bến rất nhiều cầu tàu và tàu nhỏ. Có lẽ nơi đây họ cho thuê tàu chăng? Nhiều tàu nhỏ đậu trên bờ trên khoảng đất rộng cạnh nhà hàng. Con gái cô bạn cho biết cô thường đến đó mua cua luộc sẵn mang về nhà ăn thoải mái hơn nhưng phải điện thoại trước cho nhà hàng biết.
Trên đường vào đảo cây cối xanh um rậm rạp. Nhà bưu điện, trạm chữa lửa, siêu thị nho nhỏ nằm gần cầu. Trên đảo giống như thôn quê Việt Nam. Nhà nào cũng có sân trồng cây kiểng lu bù, mặt tiền quay ra đường, phía sau là nước. Có nhà nuôi gà thả chạy loanh quanh ngoài sân. Gần sáng nghe tiếng gà gáy. Nhà nào sân quay mặt ra sông là có cây cầu dài từ bờ cỏ ra mặt nước. Cuối cầu chủ nhà làm cái sân gỗ rộng đủ chứa cây dù, cái băng gỗ hay mấy cái ghế để họ câu cá hay ngắm trời, mây nước. Cái thuyền nhỏ chừng hai người ngồi để bên cạnh sân gỗ trên cái bệ. Khi nào muốn cho thuyền lên hay xuống mặt nước, họ chỉ bấm cái nút trên thành cầu, cái bệ sẽ di chuyển theo ý người điều khiển. Vân nhà quê nên thấy lạ và phục sự văn minh, tiện nghi xứ Cờ Hoa.
Trên đảo có 3 chủ nhà người Việt. Hai người mua nhà hơn 10 năm, người thứ ba mới mua được 2 năm thôi. Thường họ chỉ đến đó vào những ngày cuối tuần hay tháng hè. Trên đảo lúc hoàng hôn thì đẹp khí ánh nắng chiều phản chiếu trên mặt nước. Hàng ngày nhìn ra mặt hồ mênh mông, phẳng lặng, thỉnh thoảng có vài tàu nhỏ qua lại hay thuyền đi câu cua, câu cá. Mùa hè có trò lướt thuyền (Water skiing?) trên nước thì vui vui một chút. Ngoài ra thật vắng và buồn nhưng những người trẻ tuổi có vẻ thích nơi này.
Tuy đảo nhỏ nhưng có nơi không nhìn thấy bên kia bờ đối diện, mênh mông. Vân nghĩ có lẽ các cô cậu sinh ra nơi thành phố, chưa từng sống ở thôn quê mới mua nhà nơi vắng vẻ như thế. Lâu lâu ra ngôi nhà ngoại ô một lần họ phải dọn dẹp cây kiểng cho gọn gàng, trồng thêm hay bỏ bớt những cây cỏ xấu mọc không ngay hàng thẳng lối, bận bịu cả buổi. Người cắt cỏ không có trách nhiệm với bồn hoa. Ngoài ra còn chăm sóc các vật dụng trong nhà. Ông hàng xóm nhà bạn con gái Vân cho biết vì lâu lâu mới đến nhà đảo một lần nên chuột cắn hư dây điện. Ông phải gọi thợ đến sửa tốn một số tiền.
Vân ước mong, cầu chúc đồng bào quê nhà như hải ngoại được bình an hạnh phúc, các nạn nhân bão lụt sớm được giúp đỡ để ổn định đời sống, con em được đến trường, đất nước Việt Nam ngày càng văn minh tiến bộ như xứ Cờ Hoa.
Mùa Thu năm 2024
Ngọc Hạnh
Gửi ý kiến của bạn