Hôm nay,  

Xích Lô

12/09/202405:00:00(Xem: 1922)
TG Sapy Nguyễn Văn Hưởng
Tác giả Nguyễn Văn Hưởng

 

Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau đây là tùy bút mới nhất của tác giả ghi lại hình ảnh chiếc xích lô gợi nhiều cảm xúc trong những chuyến tác giả về thăm Việt Nam.
*
 
Tôi chẳng rõ hình ảnh chiếc Xích Lô len vào tâm trí tự hồi nào; lại khiến lòng tôi xao xuyến trong lần đầu nhìn loại xe đạp ba bánh này trưng bày bên ngoài một cửa hàng chuyên bán nước mía, trong khu thương mại khá sầm uất tại Little Saigon quận Cam, sau bao năm sống xa đất nước. Sau này tôi thấy ở nhiều nơi khác nữa, như ở khu mua sắm Hong Kong, trên đường Bellaire, tên Việt là đại lộ Saigon bên Houston Texas. Nơi đây có tới hai chiếc Xích Lô đặt trang trọng trước một siêu thị thật lớn, người đi qua đi lại thường dừng bước nhìn ngắm, hay chụp vài tấm ảnh. Rồi còn bao nhiêu chiếc Xích Lô sáng loáng, nhỏ nhắn xinh xinh được trưng bày ngày một nhiều thêm nơi phòng khách trong các ngôi nhà bạn hữu tôi từng có dịp ghé thăm. Tôi cảm thấy Xích Lô giống một thứ gì thân thương của người Việt Nam như lũy tre làng, con trâu, luống cày, chiếc xuồng ba lá,…
 
Tôi bâng khuâng nhớ lại một thời hễ bước ra khỏi ngõ thường gặp Xích Lô. Có thể lúc đó nghề nghiệp này tương đối dễ kiếm sống, nhiều gia đình có đến mấy thế hệ chuyên đạp Xích Lô. Vì vậy hình ảnh chiếc Xích Lô thong dong trên đường nằm sâu trong tâm trí, tự dưng bừng dậy mỗi khi tôi nghĩ đến quê hương. Riêng vợ tôi, lòng cũng ngập tràn hình ảnh chiếc Xích Lô. Bởi ngày còn bé, được bà cô Út em ông ngoại, đem từ Tân Lộc Cà Mau lên Mỹ Tho nuôi nấng. Suốt hai năm học tại trường Dòng Thánh Phaolô, mỗi ngày đều được một chú Xích Lô quen tới nhà đưa đón.
 
Mỗi chuyến về nước, tới nơi nào có Xích Lô tôi vẫn thường hay đón đi. Ở Sài Gòn tôi đi để tìm về quá khứ, chớ không chỉ ngắm cảnh như phần nhiều du khách nước ngoài. Vì vậy tôi hay chọn những chú lái có tuổi hoặc chiếc xe nào dáng vẻ tiều tụy đáng thương, để dễ dàng cùng ôn chuyện ngày xưa, chỉ cho nhau thấy những gì vẫn còn hay đã mất. Vài chục năm nay Xích Lô bị cấm chạy trong trung tâm Sài Gòn, nghe đâu nhà nước đổ thừa cho nó làm xấu xí đi bộ mặt thành phố.
 
Xích Lô Sài Gòn giờ đã có nghiệp đoàn, coi như chỉ phục vụ khách du lịch, đồng nghĩa với việc chấm dứt một phương tiện vận chuyển hành khách lẫn hàng hóa. Vào nghiệp đoàn phải mặc đồng phục, xe phải sơn sửa giống nhau, phải trả chi phí điều hành,… Đủ mọi thứ hao tốn, ràng buộc, rốt cuộc đồng tiền kiếm được cũng chẳng bao nhiêu! Vì vậy nhiều Xích Lô vẫn "dù" chạy quanh Nhà Thờ Đức Bà, trước Nhà Hát Thành Phố,… Họ vẫn biết có thể bị phạt, bị tịch thu xe bất cứ lúc nào!
 
Những năm cuối thế kỷ trước, khi đến Nha Trang, Huế, Hà Nội,… mấy nơi có khá nhiều khách du lịch nước ngoài, tôi vẫn thấy Xích Lô đón khách ở bến xe đò, ga xe lửa hay trên đường phố,… Giờ đây tôi chẳng rõ việc hành nghề Xích Lô có giống Sài Gòn không? Khi thấy khá nhiều Xích Lô bóng loáng, người đạp ăn mặc áo quần tươm tất. Nhưng tôi vẫn gặp trên đường nhiều chiếc tuềnh toàng chở theo ghế bàn giường tủ,… mọi vật dụng, lẫn người đạp, khách ngồi đều cũ kĩ theo thời gian. Nhìn họ khiến tôi liên tưởng đến thành phố nơi tôi hiện sống.
 
Dọc con đường đi bộ ven theo vịnh San Diego, hay ngay như tại New York, trên những đường phố đông đúc khách bộ hành dạo chơi hoặc bên trong Công Viên Trung Tâm (Central Park), nằm trong khu Manhattan, thủ phủ tài chính thế giới, cũng có khá nhiều Xích Lô. Thật ra phải gọi Xe Lôi mới đúng vì người đạp ngồi đằng trước, chở theo khách phía sau. Chẳng khác với mọi nơi, tất cả đều dùng sức người để đưa đón khách dạo chơi. Nhưng tôi không nhận ra sự bần hàn, nét lam lũ của người đạp. Họ luôn tươi cười niềm nở như đang đồng hành dạo chơi cùng du khách, hay đang tập thể dục theo những vòng xe quay, hoặc nhún nhảy theo điệu nhạc văng vẳng bên tai, qua mấy chiếc loa bluetooth gắn trên mui. Tôi chưa bao giờ dám gọi đón xe đi, bởi nghe đâu giá cả lên tới gần trăm đô la cho mỗi giờ ngồi Xích Lô ngắm cảnh.
 
Với bản tính tò mò thích tìm hiểu vốn sẵn có, lại sống trong thời đại internet bùng phát, tôi đã hỏi Google và được "chị" cho biết: Xích Lô có gốc gác từ chữ Cyclo trong tiếng Pháp, có mặt tại nước ta từ năm 1939 của thế kỷ trước. Là dân gốc Bắc, sinh ra ở nhà quê, nên ký ức về Xích Lô trong tôi bắt đầu từ thủ đô Sài Gòn, sau ngày theo bố mẹ di cư vào Nam. Tôi nhớ những lần được cùng mẹ ngồi trên Xích Lô êm ái, len lỏi qua ngõ ngách các nẻo đường. Cũng nhớ luôn nỗi sợ hãi khi phải ngồi Xích Lô Máy, phóng như tên bay trên mấy con đường đông đúc cả người lẫn xe cộ. Lục tìm trong ký ức những nơi tôi từng đi qua, tôi thấy vùng đồng bằng sông Cửu Long dường như chỉ riêng Mỹ Tho mới có Xích Lô, các tỉnh thành khác toàn loại Xe Lôi hay Xe Kéo.
 
*
Lần về Việt Nam cuối năm Mậu Tuất 2018, tôi ở Sài Gòn được mấy hôm, vì muốn tạm lánh xa chốn náo nhiệt, hễ bước ra đường liền bị choáng ngợp bởi dòng xe cộ mạnh ai nấy phóng, lạng lách tùy tiện,… Tôi đón xe đò xuống Mỹ Tho, nơi trước ngày ly hương tôi từng sống ở đó.
 
Về với nơi chốn yên bình bên bờ Tiền Giang này, tôi "tận hưởng" cái thú ham thích tản bộ của riêng mình. Rời khách sạn, cứ thế tôi lang thang trên đường Trưng Trắc, từ đầu dốc Cầu Quay đi dọc ven bờ sông Bảo Định, dẫn tới vườn hoa Lạc Hồng. Đoạn đường nhỏ hẹp, một chiều xe ngắn ngủn này, tôi chấm nó đẹp đẽ lẫn thơ mộng tiêu biểu cho thành phố Mỹ Tho.
 
Mỗi lúc đi ngang tấm biển hiệu "Cinema Định Tường", tôi thường dừng chân ngước nhìn cái rạp hát nằm tại đó, chắc đã hơn cái tuổi quá bảy mươi của tôi. Trong trí nhớ vẫn ẩn hiện mấy chữ "có gắn máy lạnh", như để chứng tỏ nơi đây sang chảnh hơn rạp Vĩnh Lợi chuyên chiếu phim Ấn Độ bên hông chợ Mỹ, hay rạp Viễn Trường dành riêng cho Cải lương hoặc Đại nhạc hội. Cinema Định Tường còn lưu trong tôi với bao lần vào ngồi xem mấy phim Âu Mỹ cũng như phim Tàu. Nào Romeo Và Juliet, nào Đường Sơn Đại Huynh với những cú đá thần tốc, những cú đánh liên hồi đầy mãnh lực của Lý Tiểu Long,…
 
Tôi cũng nhớ tới bao chốn cũ giờ không còn nữa, nào nhà thuốc tây Lê Văn Phan của ông dượng chồng bà cô Út vợ tôi. Nơi đây bào chế thuốc chớ không chỉ bán các loại thuốc làm sẵn như phần đông những tiệm thuốc hiện giờ. Tiệm chụp hình Thiện Ký, nơi hàng năm vợ tôi được bà cô cho phép sang chụp vài ba kiểu ảnh. Tiệm may Văn Minh, nơi tôi được đo cắt cẩn thận, để may bộ đồ vét đầu đời mặc trong ngày đám cưới. Rồi cả kem Duyên Thắm nữa. Tôi không nhớ rõ đây có phải tiệm kem duy nhất ở Mỹ Tho không? Mà chỉ nắm chắc một điều, đó là nơi các em tôi đứa nào cũng thích.
Lúc vừa dợm bước đi tiếp, tôi thoáng thấy một người đàn ông, ngồi trên chiếc Xích Lô đậu bên kia ngã ba đường, đối diện bến phà Tân Long đưa tay lên vẫy. Tôi khoát tay từ chối, cứ thế tiếp tục rảo bước. Vài phút sau tôi quay đầu nhìn lại đoạn đường vừa đi qua. Người phu xe thoáng nom thấy, lầm tưởng tôi đổi ý, liền đứng ngay dậy, vội đẩy chiếc xe xuống dưới lòng đường đón khách.

Xich Lô
(hình do tác giả cung cấp)
 
Nhìn chiếc Xích Lô sứt càng gãy gọng, cũ đến độ không thể nào cũ hơn thế nữa! Chỗ dành cho khách ngồi và nơi gác chân được lắp ghép, chắp vá bằng mấy miếng ván trơ hẳn màu gỗ bạc thếch. Bốn góc cạnh cái nệm màu huyết dụ đều te tua, mòn rách, phơi ra lớp sốp vàng úa bên trong. Phần cái mui che nắng che mưa, giờ chỉ dùng làm chỗ tay vịn, bởi lớp vải bọc bên ngoài hoàn toàn biến mất, trơ lại khung sắt rỉ sét, lốm đốm đen,… Chiếc Xích Lô này nếu đem bán cho mấy nơi mua phế liệu, chắc cũng chẳng ai chịu nhận. Nhưng giá trị đích thực của nó sẽ cao lắm, nếu một nhà khảo cổ hay một bảo tàng viện nào trên thế giới nhận ra chân giá trị. Mua về trưng bày cho người đời thấy rõ sự tàn tạ của thời gian lẫn sự biến đổi của một đất nước sau bao nhiêu năm chấm dứt chiến tranh.
 
Trong lúc tôi lo sợ cái thân hình ngoài tám mươi ký lô có thể đè bẹp chiếc xe, thì người đạp mừng khấp khởi, rối rít nói:
 
- Cám ơn anh đã mở hàng cho em.
 
Nhìn bóng mấy dãy nhà cao đã ngã xuống đường, thật quả tội cho ông, đến giờ mới chạy được cuốc đầu tiên. Thấy ông tuổi khá cao, tôi vội lên tiếng hỏi:
 
- Anh năm nay bao nhiêu rồi?
 
- Dạ, thưa em bảy mươi tám.
 
Lòng tôi chùng xuống khi nghe một người lớn tuổi hơn lại xưng em với mình. Tôi nói tuổi tôi cho ông biết, ông vẫn không chịu đổi cách xưng hô! Ông hỏi tôi muốn đi đâu? Tôi bảo chở đi đâu cũng được. Trò chuyện một hồi tôi mới biết, ông với tôi cùng dân Bắc di cư vào Nam hồi 1954, đều là lính bên thua cuộc. Trước kia ông làm thông dịch viên. Tôi bảo ông nói vài câu tiếng Anh. Ông nói giọng Mỹ khá chuẩn. Tôi hỏi vì sao ông không tìm một công việc khác, chẳng hạn như hướng dẫn viên du lịch, hay dạy Anh ngữ cho đỡ cực khổ. Ông bảo, làm nghề đạp Xích Lô mạt hạng, ai cũng chê bai này còn gặp khó khăn, huống chi làm mấy nghề khác! Tôi chỉ biết buồn theo lời ông kể, chớ làm sao thấu hiểu hết nỗi niềm sâu kín riêng trong ông.
 
Chở tôi đi loanh quanh, ông chỉ cho tôi thấy sự đổi thay của từng tên đường góc phố, mỗi ngôi trường học, luôn cả những dinh thự bề thế để lại từ thời Pháp thuộc. Nhờ vậy Mỹ Tho trong ký ức tôi như sáng sủa hơn lên. Tôi xin ông số điện thoại để dễ dàng tìm gặp. Ông bảo ông không có điện thoại riêng, muốn tìm ông cứ đi dọc theo con đường Trưng Trắc, nơi hàng ngày ông vẫn đậu Xích Lô chờ đón khách.
 
*
Qua hôm sau, tôi thức giấc từ tờ mờ sáng. Theo lời chỉ dẫn của nhân viên khách sạn, tôi thả bộ dọc theo bờ con sông Tiền. Đoạn sông từ bến bắc cũ cho đến chân cầu Rạch Miễu mới làm xong bờ kè, trồng cây lát gạch trông như một công viên. Tôi cứ thế đi thẳng tới cây cầu dây nối hai bờ Mỹ Tho - Bến Tre. Phía trước tôi, hai người đàn ông tóc hoa râm, vừa đi vừa trò chuyện. Tôi lẳng lặng bước theo sau, nghe rõ lời một ông căn dặn người đi cùng:
 
- Tui nghe nói cái công trình bờ kè này ngốn tới cả bốn trăm tỷ lận! Vậy mà chỉ có hơn một năm đã lở lói tùm lum tà la hết trơn hết trọi rồi! Ông đi phải thiệt cẩn thận, coi chừng bị sụp lỗ hay vấp mấy cục gạch phồng lên là mệt lắm đó.
 
Nhờ mấy lời nghe lỏm, tôi luôn dòm chừng từng bước chân đi. Đến lúc quay về lại đường Trưng Trắc, tôi định tìm ông đạp Xích Lô mới quen nhờ chở đi kiếm quán ăn sáng. Nhưng đi tới đi lui bốn năm bận mấy con đường gần bến phà Tân Long, vẫn chẳng thấy bóng dáng ông đâu. Cứ thế tôi thả bộ ra chợ Mỹ Tho.
 
Bất chợt mắt tôi dừng lại bên một chiếc Xích Lô đậu trên lề đường Lê Lợi. Con đường rợp lá me bay này đối với riêng tôi, đẹp đẽ sang trọng chẳng khác gì đại lộ Lê Lợi Sài Gòn. Cũng toàn những dãy phố khang trang, đầy rẫy các cửa hàng buôn bán san sát bên nhau. Tiếc thay từ lúc Trung Tâm Thương Mại Dịch Vụ Mỹ Tho trở thành một "thây ma" vĩ đại, lại chôn không được, cứ nằm chình ình ra đó, làm nhem nhuốc bộ mặt phố phường. Tôi chỉ biết buồn, xót xa cho một nơi chốn tôi yêu thương, luôn muốn quay trở về để tìm lại cảm xúc xưa cũ.
 
Người đàn ông thân hình nhỏ bé ngồi lọt thỏm vào nơi khách ngồi, chỉ nhô lên cái đầu lưa thưa vài sợi tóc trắng nhiều hơn đen. Tôi bước đến đứng sát bên ông lên tiếng hỏi:
 
- Anh có chạy xe không?
 
Tiếng tôi khiến ông giật mình, nhổm người dậy, vội vã bước xuống đứng trên lề đường, cười tươi đưa hàm răng bị mất nhiều hơn còn, giọng hơi khàn:
 
- Dạ, tui chạy chứ! Ông anh muốn đi đâu?
 
Nhìn dáng hình liêu xiêu, khẳng khiu, khoác trên người chiếc sơ mi bạc thếch, chẳng nhận rõ màu sắc gì ngoài màu thời gian. Tôi ước chừng đem ông lên bàn cân, chắc chỉ độ bốn mươi ký! Tôi không hiểu sức lực đâu để ông hành nghề đạp Xích Lô. Ngần ngại một lúc tôi lên tiếng tiếp:
 
- Anh chở tôi đi tìm cái quán nào bán đồ ăn sáng được không?
 
Ông lại cười:
 
- Dạ, được chứ.
 
So với chiếc xe của ông thông dịch viên, chiếc này khá hơn chút đỉnh, chỉ có người đạp thảm não tiều tụy hơn thôi. Tôi hỏi tiếp:
 
- Anh bao nhiêu tuổi rồi?
 
- Dạ, tám mươi mốt.
 
Tiếng trời ơi tự dưng thoát khỏi miệng tôi. Tôi đứng tần ngần do dự, chẳng lẽ lại để một ông cụ ngoài tám mươi, nói không ra hơi còng lưng đạp chở mình đi sao? Nhưng nếu không ngồi lên, lấy cớ gì để trao tiền cho ông cụ! Đặng chẳng đừng, tôi điều đình:
 
- Anh chở tôi đi với điều kiện anh phải ăn sáng luôn với tôi nghen.
 
Ông tình thật đáp:
 
- Cám ơn ông, tui đã ăn rồi, giờ mỗi sáng tui chỉ ăn hết một chén cháo với muối hột thôi, chớ đâu còn ăn được nhiều nữa!
 
Mời ăn không được, tôi xuống nước:
 
- Như vậy thì anh ngồi uống cà phê với tôi nghen.
 
Ông miễn cưỡng gật đầu, dắt xe xuống đường leo lên yên đạp chở tôi đi. Ngồi phía trước, tôi không thể thấy nỗi nhọc nhằn nơi ông. Giọng ông đứt quãng, nói gần hết ra hơi, phải cố gắng lắm tôi mới hiểu được đôi phần. Ông bảo, vì "bị bắt quân dịch", ông phải đi lính cho "ngụy". Ngày trước ông làm lính Truyền tin Sư Đoàn 7 Bộ Binh, đóng tại căn cứ Đồng Tâm suốt mười mấy năm, lên tới lon thượng sĩ. Tôi cũng là lính Truyền tin. Chúng tôi hỏi han nhau về mấy người cả hai vẫn nhớ tên, nhớ cấp bậc. Tôi hơi buồn vì ông quá ít nói, với lại tiếng xe cộ cũng ồn, nên trò chuyện chẳng được nhiều. Trước lúc chia tay, tôi chỉ biết khuyên ông đừng tự nhận mình là ngụy nữa. Bởi người gán cho bên thua cuộc tiếng ngụy ấy, giờ họ cũng đã đổi thay.
 
*
Lại thêm một tình cờ nữa khi tôi đến George Town. Nơi được ví von là trái tim tiểu bang Penang của Mã Lai, đất nước từng cưu mang gần ba trăm ngàn thuyền nhân, tức khoảng một phần ba con số người Việt Nam liều chết vượt biển. Tại thành phố cổ nằm bên bờ Ấn Độ Dương này, lưu lại khá nhiều dấu tích trong thời kỳ Mã Lai còn là thuộc địa nước Anh. Mắt tôi sáng lên khi vừa thấy một chiếc Xích Lô, giống hệt như loại chạy ở Hà Nội, bởi bề ngang rộng đủ chỗ cho hai người ngồi thoải mái. Hỏi thăm mới biết, họ không gọi Xích Lô mà là Trishaw. Trishaw nơi đây được sơn đủ loại màu sặc sỡ, cài hoa, che dù,… làm vơi hẳn đi sự nhọc nhằn của một phương tiện chuyên chở cần đến nhiều sức lực.
 
Ngày hôm ấy vợ chồng tôi đón được chiếc Trishaw của một chú lái da ngăm ngăm, màu của dân bản địa Mã Lai. Chú nói tiếng Anh kha khá, nếu đem so với ông chạy Xích Lô gốc thông dịch viên tôi gặp ở Mỹ Tho thì chắc không bằng. Chú chở vợ chồng tôi dạo loanh quanh nơi tập trung nhiều di sản văn hóa như Tòa thị chính Penang, thánh đường Hồi giáo Kapitan Keling, chùa Tàu,… Không hiểu có phải khi chú hỏi tôi người nước nào, tôi trả lời là người Việt Nam, chú mới kể tới việc giành lại độc lập của xứ sở chú. Tôi cảm nhận được sự hãnh diện qua giọng nói, khi nhắc tới việc tiền nhân mình dành lại được nền tự chủ từ tay người Anh, đã không phải đổ máu, không phải hy sinh một mạng sống nào. Tôi khâm phục lẫn ngưỡng mộ những nhà lãnh đạo đất nước Mã Lai vào thời buổi đó, đã không để chiến tranh xảy ra. Nghe chuyện quá khứ, ngắm nhìn sự hòa hợp về kiến trúc, lối sống lẫn phong tục tập quán của ba sắc dân Mã Lai, Trung Hoa và Ấn Độ, tạo thành quốc gia này, quả là điều lý thú để suy tư, nghiền ngẫm.
 
Lúc trò chuyện cùng chú đạp Trishaw, tôi nhớ nhiều đến hai ông đạp Xích Lô tôi gặp ở Mỹ Tho cách đó chưa bao lâu. Chú đạp Trishaw chở vợ chồng tôi mới năm mươi sáu tuổi. Khi nghe tôi hỏi nơi thành phố du lịch này có người nào bảy mươi tám tuổi vẫn đạp Trishaw không? Chú lắc đầu cười bảo: "Tới tuổi đó mà còn đạp Trishaw chở khách, chắc chắn tên tuổi sẽ được ghi danh vào sách kỷ lục của thế giới". Nghe vậy tôi chẳng muốn nói gì thêm.
 
Từng cuốc xe chở khách ở George Town đều được ngã giá theo giờ. Mỗi giờ bốn mươi Ringgits, tức gần chục đô la Mỹ. Quả đây là một con số quá lớn, không một người đạp Xích Lô ở Mỹ Tho nào dám mơ tưởng được nhận sau mỗi cuốc xe. Cùng một ngành nghề, cùng một loại xe, nhưng Trishaw và Xích Lô khác nhau một trời một vực, khác biệt như nếp sống của người dân Mã Lai và người dân Việt Nam hiện giờ.
 
*
Sau chuyến về nước lần đó, cứ nghĩ đến Mỹ Tho, hình ảnh hai chiếc Xích Lô cũ kĩ cùng hai ông lão đạp xe thường hiện lên theo. Rồi dịch bệnh Covid lan tràn, ngăn trở lối quay về. Tôi không thể nôn nóng, bởi ghê sợ biện pháp cách ly bắt ở chung phòng với nhiều người. Nhưng có lẽ điều khiến tôi sợ nhất là bị thọt lỗ mũi! Nên tôi phải chờ mãi đến gần cuối năm 2022, khi cánh cổng phi trường Tân Sơn Nhất mở toang, không đòi hỏi phải trình báo giấy tờ xét nghiệm này nọ, tôi mới mua vé bay trở về nước.
 
Đặt chân xuống Sài Gòn, sau vài ngày nghỉ ngơi cho quen giờ giấc, tôi đón xe đò về Mỹ Tho. Cho dù những bốn năm dài xa cách, nhưng hình ảnh Mỹ Tho luôn được cập nhật trong tôi qua kênh youtube "anh thanh niên vào bếp", của một bạn trẻ luôn nhỏ nhẹ tự giới thiệu: "mình là Lộc". Mỗi lúc nhớ Mỹ Tho, tôi lại mở kênh của anh Lộc lên, cùng anh đồng hành lang thang lúc dạo quanh Giếng Nước Nhỏ, Giếng Nước Lớn, lúc leo dốc Cầu Quay, hay sang bên kia cồn Rồng,… Tôi cũng dương mắt dòm chừng mỗi khi ống kính lướt trên đường Trưng Trắc, hay phía cổng sau ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu. Mong sao có thể nhìn thấy hai chiếc Xích Lô cùng dáng hình hai người đàn ông khốn khó thường ngày ra đó ngồi chờ khách.
 
Nhận phòng khách sạn xong, tôi đi thẳng một mạch tới bến phà Tân Long. Con phà vẫn xuôi ngược bình thường, còn chiếc Xích Lô lẫn ông lái tôi quen năm xưa chẳng thấy đâu. Tôi quanh quẩn tới cả chục lần, cảm thấy khung cảnh vắng lặng, cho dù cả người lẫn xe cộ vẫn nhộn nhịp trên đường. Thế rồi tôi lững thững đi tìm một ông đạp Xích Lô khác. Nhìn bãi "tha ma" còn nguyên, nhưng trên lề đường Lê Lợi cạnh đấy, cũng không thấy bóng dáng chiếc Xích Lô nào. Lòng buồn thiu lúc rảo bước về lại khách sạn. Trọn ngày hôm ấy, cả tô hủ tiếu Mỹ Tho, lẫn đĩa cơm tấm bì thịt nướng,… đều mất hết hương vị.
 
Qua hôm sau, ngày cuối cùng lưu lại Mỹ Tho, tôi rời khách sạn sớm, vẫn một mình lang thang thả bộ. Tuy lòng không nôn nao trông ngóng, tôi lại đi cùng một lối với hôm qua. Khi bước gần tới rạp Định Tường, chiếc Xích Lô bệ rạc đã lọt vào mắt, tôi cũng vừa nhận ra dáng người tôi muốn tìm. Lẳng lặng bước tới đứng bên cạnh, ông ta ngẩng lên nhìn tôi chẳng nói một lời. Tôi không rõ thời gian bốn năm trôi qua đã làm ông quên mất người khách là tôi, hay bởi tuổi tác khiến trí óc ông hao mòn.
 
Tôi hỏi ông bằng tiếng Anh:
 
- Anh có khỏe không?
 
Ông đáp lại cũng bằng tiếng Anh:
 
- Tôi khỏe, cám ơn ông. Còn ông thì sao?
 
Tôi đổi sang tiếng Việt, hỏi cùng một câu ông đã cám ơn tôi bốn năm về trước:
 
- Bữa nay có ai mở hàng cho anh chưa?
 
Ông dương to đôi mắt nhìn tôi, bất chợt reo lên:
 
- Ồ! Anh về hồi nào vậy? Anh chị có khỏe không?
 
- Tôi về tới trưa hôm qua! Tôi đi loanh quanh đây cả chục bận mà không thấy anh.
 
- Dạ, trưa hôm qua em bận sắp hàng lãnh tiền nhà nước trợ cấp cho người già trên tám mươi tuổi.
 
Tôi hỏi:
 
- Anh lãnh được bao nhiêu?
 
- Dạ, ba trăm sáu mươi ngàn.
 
Tôi đùa:
 
- Vậy thì anh giàu to rồi! Anh mời tôi ăn sáng với uống cà phê bữa nay được không?
 
Nụ cười hiền từ nở trên môi đi kèm với cái gật đầu. Tôi hỏi tiếp:
 
- Ngày hôm qua tôi đi tới cổng sau trường Nguyễn Đình Chiểu, cũng không thấy ông bạn lính Truyền tin của tôi đâu nữa!
 
- Dạ, ông ấy cũng sắp hàng lãnh tiền trợ cấp người già cùng với em hôm qua.
 
Lòng tôi vui hẳn lên bởi mọi âu lo về hai cụ đạp Xích Lô tôi quen hoàn toàn biến mất. Ngồi trên xe cho ông chở tới đường Lê Lợi lần này, tôi không lo sợ nó sẽ bị thân hình tôi đè bẹp như mấy năm trước, bởi tôi giảm được hơn cả chục ký lô. Giọng ông thông dịch viên vẫn rộn ràng, huyên thuyên với bao câu chuyện cũ mới. Ngay khi xe gần tới ngã tư Lê Đại Hành, tôi đã nhìn thấy ông cụ muốn tìm. Người lính già nhận ra tôi, nở nụ cười tươi chào đón. Tôi thấy dường như hàm răng ông mất thêm vài cái nữa!
*
Tôi nghe lòng lâng lâng chút niềm vui, khi thuật lại cho bà vợ nghe cuộc gặp gỡ bất ngờ lẫn tình cờ trong buổi sáng hôm đó, rồi dặn dò:
 
- Khoảng bốn giờ chiều nay, anh đã hẹn với hai ông Xích Lô tới đón tụi mình, chở chạy vòng vòng Mỹ Tho một lát, rồi anh mời hai ông ấy ăn tối luôn với tụi mình ở quán cơm Chí Thành.
 
Nhà tôi ngần ngừ:
 
- Ngồi cho hai cụ già đạp chở đi em ngại lắm!
 
Tôi liền giải bày:
 
- Em có biết hầu hết khách quen, đều thương hoàn cảnh già cả của hai ông ấy, đi chỉ muốn giúp đỡ thôi! Nhờ vậy mà hai ông vẫn còn việc làm để sống cho đến giờ. Không chịu ngồi lên xe thì em lấy cớ gì để giúp hai ông ấy đây?
 
Tôi còn khơi lại chuyện cũ:
 
- Em nhớ hồi tụi mình ghé Mã Lai chơi, khi anh hỏi chú lái xe ở George Town xem có người nào đến tuổi bảy mươi tám rồi mà vẫn đạp Trishaw không?
 
Vợ tôi gật đầu:
 
- Em nhớ chứ.
 
Tôi nói tiếp:
 
- Bây giờ cái mà bốn năm về trước, chú đạp Trishaw cho là kỷ lục thế giới, đã bị phá bởi hai người tuổi tám mươi hai với tám mươi sáu ở Mỹ Tho. Hai cụ vẫn tiếp tục hành nghề Xích Lô chở khách để nuôi bản thân lẫn gia đình. Bữa nay anh sẽ chỉ cho em thấy thêm một chiếc Xích Lô cũ kỹ, bệ rạc nhất vẫn tiếp tục chạy trên đường phố Mỹ Tho.
 
So với các tỉnh thành toàn miền Nam trước đây, sự phồn vinh của Mỹ Tho nhượng có mỗi Sài Gòn. Đến nay điều này chỉ còn trong quá khứ. Bởi mọi sự nổi tiếng khi xưa như vương quốc trái cây, cái nôi đờn ca tài tử, hủ tiếu Mỹ Tho,… chỉ hấp dẫn để đón du khách ngoại quốc đến rồi đi nội trong ngày. Như vậy trước sau gì cả Xích Lô lẫn người đạp tại Mỹ Tho sẽ lần hồi mai một theo thời gian cùng tuổi tác. Riêng tôi chẳng biết trở về Mỹ Tho được bao nhiêu lần nữa! Để có dịp tìm gặp và trò chuyện cùng hai ông đạp Xích Lô, ngày ngày vẫn ngồi chờ khách nơi bến đò Tân Long và trên lề đường Lê Lợi.
 
Nguyễn Văn Hưởng

Ý kiến bạn đọc
07/10/202421:25:26
Khách
Cảm ơn tác giả một bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,753
Nghĩa trang Oaks Hill chiều nay lồng lộng gió, mây đen dồn cục cuối chân trời, cây cối ngã rạp mình theo chiều gió. Thành đứng trên hành lang phía sau căn "mobile home" của mình nhìn bao quát sang khu nghĩa địa rồi tiên đoán dự báo thời tiết, ngày hôm nay có lẽ sẽ có mưa đây. Chóng quá! Thế mà đã hơn một năm qua, Halloween rồi lại Halloween. Hình như Halloween năm nào trời cũng có mưa nhẹ thì phải?...
Nhiều người trong chúng ta chắc ai cũng biết câu ngạn ngữ này: “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Tôi không rõ là câu này do danh nhân nào nói hay là nguồn gốc của nó từ đâu, nhưng tôi quan sát thì thấy nó rất đúng với nhiều trường hợp ở đời. Nay tôi tường thuật một câu chuyện có thật trong cộng đồng người Việt ở thành Ất Lăng. Tôi cũng là người có dự mặt trong câu chuyện này, một câu chuyện khá thương tâm và phần nào cũng đúng với câu ngạn ngữ vừa đề cập. Tôi vốn không phải là nhà văn nên không biết gì bút pháp nghệ thuật hay những gì đại loại như thế, chỉ đơn giản là một người kể chuyện, kể lại câu chuyện đã và đang xảy ra tại đây.
Theo Wikimedia, “Cranberry” tiếng Việt gọi là nam việt quất. “Cranberry” có nguồn gốc từ chữ “Craneberry” (Crane là con hạc) được dùng bởi những di dân đầu tiên đến Mỹ, vì cánh hoa, đài hoa và cuống hoa có hình dáng giống đầu, mỏ và cổ của con hạc. “Cranberry là một loại cây thường mọc dại nơi các vùng đầm lầy đã phân hóa (nhiều than bùn) ở miền ôn đới Bắc bán cầu. Tại Mỹ nhiều nhất là các tiểu bang miền Đông Bắc như Massachusetts, New Hamshire, Connecticut, New Jersey và Delaware. Được biết việc chăm sóc và thu hái Cranberry qua nhiều công đoạn khá nhiêu khê. Đầu tháng 10 là mùa thu hái. Tôi muốn được tận mắt nhìn thấy những sinh hoạt này của nông dân địa phương nên đã quyết định cùng con gái làm một chuyến du lịch đi Boston thuộc tiểu bang Massachusetts. Đây là một trong những tiểu bang nằm phía đông bắc nước Mỹ có nhiều điền trang (Farm) đang mùa thu hái “Cranberry”.
...Nhìn thấy hàng dài người chờ ngoài phòng phiếu thì mới nhận thấy người đi bầu tay năm nay đông nhất so với các năm 2020 và 2022, dù phòng phiếu mở cửa gần cả tuần vừa qua. Tuần tự theo các thủ tục, chúng tôi nhanh chóng tô đậm các ô dựa trên mẫu giấy bầu ghi dấu sẵn trước ở nhà, nên kết thúc bầu khá nhanh. Chúng tôi thấy vui khi có nhiều cha mẹ đem theo các con nhỏ, như một cách chỉ dạy công dân giáo dục. Chúng tôi cũng không quên dán vào ngực con tem “I Voted”. Trên đường về, chúng tôi ghé vào Trade Joe mua chai “champagne”, dành mở uống mừng khi có kết quả bầu cử...
Tôi luôn sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa khi đón nhận những món quà mà Ngài gửi đến trong cuộc đời tôi. Từ ngày có tụi nhỏ, những dự định cho cá nhân, từ việc học thêm các ngôn ngữ mà tôi yêu thích, trau dồi thêm kiến thức trong nghề nghiệp, tìm kiếm những cơ hội thăng tiến, đều dần có độ ưu tiên ngày càng thấp, ngày càng xa hơn, và lùi dần theo tỷ lệ thuận với số tuổi của các con. Tụi nhỏ càng lớn, tất cả thời gian và kế hoạch của tôi càng xoay quanh các con nhiều hơn.
Linh qua Mỹ theo diện đoàn tụ (cha bảo lãnh) nên chờ đợi dài cổ bao nhiêu năm trời, vậy là tuổi xuân đi qua lẹ làng. Khi còn ở Việt Nam từ lúc học lớp đệ tam (lớp 10) đã có bạn thương, lên dần bạn trai thích vây quanh cũng đông. Lúc học Cao Đẳng Sư Phạm cũng yêu một bạn chung lớp. Ra trường vào Sài Gòn chờ đi Mỹ vì có giấy tờ cha gởi về. Cha cấm con gái, con trai không ai được lập gia đình chờ ngày ra đi. Thời gian chờ đợi cũng có các bạn ra trường kỹ sư, hoặc dạy đại học theo đuổi. Nhiều người làm Linh đâm ra “lơ lửng con cá vàng”, vui chơi qua ngày qua tháng...
Lời mở đầu của người viết: "Đây là bài tôi viết đúng bốn năm trước khi cả nước Mỹ đang sôi nổi về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Lúc đó vì không muốn gây ra tranh cãi mất thì giờ nên tôi chỉ đăng giới hạn trong trang cá nhân của mình. Bài được nhiều người xin để share lại và số người “nghỉ chơi” tôi ra hay thậm chí “block” vì bài viết này cũng không phải là ít. Một mùa bầu cử nữa lại đến. Có vẻ như những gì xảy ra bốn năm trước có thể sẽ lặp lại nên tôi nghĩ bài viết năm trước của mình chưa đến nỗi lỗi thời."
Từ khi Amanda, con gái nàng, học lớp chín, hễ đến đêm Halloween là nó cùng nhóm bạn bè hẹn nhau ở nhà nàng, rồi chúng nó kéo nhau đi khắp xóm, qua cả xóm bên cạnh. Tuổi trẻ đâu biết mệt và lạnh là gì, có năm trời mưa lất phất, gió rít lạnh lẽo, mà chúng vẫn hào hứng lên đường. Nàng ngồi ở nhà, vừa phát kẹo cho lũ trẻ đến gõ cửa, vừa nấu nồi cháo gà để lát nữa đãi đám bạn bè con gái.
Hôm nay tôi chuẩn bị về thăm Cali để giải tỏa áp lực đau buồn mang nặng trong lòng mấy tháng nay. Cứ mỗi lần về Cali lòng bồi hồi xúc động vì nơi này đã in đậm trong tôi nhiều dấu ấn khó quên. Tôi nhớ hai câu thơ của nhà thơ Thế Lữ: “Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.”
... Ở Việt Nam, tôi bị tù gần sáu năm trời chỉ mỗi cái tội vượt biên và hơn mười năm “chết dấp” bên trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) của Phi Luật Tân vì đến đảo sau ngày đóng cửa nên chẳng có điều kiện để lập gia đình. Thành thử ra tôi độc thân tới năm bốn mươi bốn tuổi mới lấy vợ, cách đây được hơn tháng! Phần vợ tôi khi ấy cũng xấp xỉ bốn mươi, do cứ mãi ở chờ bố cô đi tù cải tạo ngoài Bắc hơn mười mấy năm trời mới về, rồi sang đây với diện H.O, thành ra cũng chẳng trẻ trung gì! Thế nên khi bác sĩ chính thức báo tin là vợ tôi đã “cấn thai” thì tôi chới với vô cùng. Bởi tôi chưa có “ready” thì bảo sao tôi không hoảng sợ cơ chứ?...
Nhạc sĩ Cung Tiến