Hôm nay,  

phước phần…

02/09/202413:40:00(Xem: 1486)
TG Phan trao giải Chung kết VVNM cho TG Vĩnh Chánh năm 2021
TG Phan (thứ ba từ phải) trao giải Chung Kết VVNM 2021 cho tác giả Vĩnh Chánh

 

Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là một bài viết tác giả mới gửi đến Việt Báo Viết Về Nước Mỹ nhân ngày lễ Lao Động 2024.
 
“…Người xưa nói ngắn gọn mà ý nghĩa sâu xa, “có phước có phần”? Đứa bé đi chơi về, trao cho bà ngoại miếng bánh, viên kẹo nó đã để dành cho bà ngoại chứ không phải nó không muốn ăn. Một việc nhỏ trong mắt người lớn nhưng là việc lớn đối với trẻ nhỏ luôn thích ăn bánh kẹo. Nếu cha hay mẹ nó mua cho bà ngoại cả hộp bánh, cả túi kẹo bà ngoại thích ăn là chuyện bình thường thì cái bánh, viên kẹo đứa cháu thương, nghĩ đến bà nên đem về là phước phần của bà ngoại. Nếu cho bà ngoại miếng ngọc bằng cái bánh, hay thỏi vàng bằng viên kẹo thì bà ngoại vẫn chọn cái bánh, viên kẹo của cháu bà. Ông bà mình nói là bà ngoại có phước có phần. Phước là có đứa cháu ngoại thảo ăn, thương bà. Phước cũng là “không” có đứa cháu, cha mẹ đã nói là mua cho bà ngoại, nhưng ngồi trong xe nó cứ cố tháo gỡ bao bì cho đã nư…”
   …
 
Tôi xa quê đã lâu, không ngờ lại được nghe từ “đã nư” mà khi nhỏ bà vú thường nói với tôi vậy. “Cái thằng không sợ đòn, sao cái nư lớn vậy con?” Cái nư của đứa bé moi móc túi kẹo, hộp bánh mua cho bà ngoại không có nghĩa là nó còn đói, còn thèm; cái nư không đồng nghĩa với ăn cho bõ ghét vì nó không thích, không thương bà ngoại. Tôi hiểu bà vú nhà tôi nói cái nư của tôi lớn lắm nghĩa là biết trước sẽ bị đòn nhưng vẫn làm việc bà vú đã khuyên đừng làm. Cái nư của tôi khi nhỏ và đứa bé moi móc quà của bà ngoại chỉ đơn giản là thoả mãn tò mò.
 
Một lần còn nhớ, quà tết của cha tôi từ đâu có, ai cho cha thì tôi không biết. Tôi chỉ nhìn thấy trong tủ thờ có cái hộp gỗ tuyệt đẹp, Trên đó người ta trang trí rất đẹp nhưng toàn tiếng Anh tiếp Pháp gì đó nên tôi không hiểu, càng không hiểu là bánh kẹo gì bên trong mà đưa lên mũi ngửi thì mùi thơm lạ lắm! Bà vú đã nói mấy lần là cất vô tủ đi, con mà mở ra là chết đòn đó! Nhưng cuối cùng tôi cũng xé giấy kiếng bên ngoài hộp, cái tem họ dán không cho mở vì mở ra là rách tem. Nhưng sau khi mở giấy kiếng bên ngoài hộp thì mùi thơm càng nồng đến không chịu nổi nữa nên tôi mở luôn ra cho mãn nhãn, làm rách con tem giấy, cùng lắm là bị đòn. Khi thỏa mãn được sự tò mò không phải là bánh hay kẹo gì cả, chỉ là những điếu thuốc xì gà được xếp đều đặn trong hộp. Tôi chỉ còn chờ hậu quả đến với mình khi cha về. Nhưng chuyện dữ hoá lành khi cha tôi về, ông cười tôi lầm tưởng mùi thơm của xì gà với chocolate.
 
Cái nư nói lên cá tính một người, không hàm chứa ý nghĩa đúng hay sai, tốt hay xấu vì còn tùy việc, tùy chuyện; hậu quả lớn hay nhỏ của cái nư cũng tùy việc, tùy chuyện. Cái nư nghĩ cho cùng phải đi kèm với may mắn thì mới có chuyện dữ hoá lành chứ người thường không may mắn mà cái nư lại lớn thì yểu mệnh.
 
Nhưng cái nư đã vận vào người thì suốt đời người ấy vui buồn sướng khổ với cái nư của bản thân. Cái nư có thay đổi được không mà người lớn nói chuyện với kẻ nhỏ thường khuyên, “bớt cái nư của mày lại đi”, như vậy nhìn chung cái nư là không tốt. Nhưng ở hoàn cảnh, sự việc khác thì người đời lại nói, “cái nư của nó mới làm nổi chứ bình thường ai làm…?” Vậy cái nư là lòng can đảm của thằng nhỏ không biết sợ, cái nư kiên nhẫn chờ, rình cho tới bắt cho được con rắn hổ bằng cùm tay, đã làm nhiều người sợ, cái nư của thằng nhỏ đạp xe đạp chưa rành mà dám lội qua sông… Tóm lại cái nư là tốt hay xấu, ai là người sáng tạo ra từ “cái nư” để đời sau không hiểu? Thôi thì tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, dù yêu không có nghĩa là hiểu tiếng nước tôi với dải đất hình chữ S dài thòn từ bắc vô nam, qua mỗi vùng miền lại có thổ ngữ, tiếng địa phương nhiều như đặc sản ba ngàn ba trăm cây số bờ biển…
 
Nơi tuyệt tình cốc của tôi trong hãng, Tôi đang suy nghĩ về chia sẻ của người đồng nghiệp về phước phần của đời người. Lâu lắm rồi mới nghe lại từ “cái nư” làm suy nghĩ vu vơ, hoài niệm lãng đãng. Ai cũng nói chỗ tôi làm là nơi âm thịnh dương suy, âm u chướng khí, phong thủy không tốt, nhưng thỉnh thoảng lại có con nai vàng ngơ ngắc đến tìm tôi, “có gì cho em làm không?” Sư cô ở chùa quê tôi đã lâu lắm rồi không gặp lại thì sáng nay sư cô hóa thân về thăm tôi, sư đến trừ ma giải hạn, nói chuyện y chang sư cô ngoài chùa sư nữ hồi tôi còn nhỏ ưa đạp xe chở mẹ đi chùa, hẹn giờ đến rước nhưng không có tiền đi chơi thì chơi với mấy sư muội ngoài chùa, đầu tụi nó trọc như trái dừa khô, tôi phá như quỳ thì tụi nó phá cũng không vừa. Tôi nghe đồng nghiệp của tôi giảng tiếp kinh trưa về phần phước…
 
“Nói tới phước, bà ngoại có phước mới có đứa cháu ngoại thảo ăn, thương bà, nên bà có phần. Phần nhỏ như cái bánh, viên kẹo nhưng mang lòng thương yêu bà của đứa cháu. Ngược lại có những phần to lớn hơn nhiều nhưng “bạc phước” mới có như bà ngoại có thằng cháu làm bác sĩ, ngoại cần vài trăm, nó cho ngoại dễ như ăn bánh, nhưng nó vừa đi tù vì gian lận bảo hiểm. Bà ngoại bạc phước mới có đứa cháu cho bà vài trăm, mua được cả thúng bánh, rổ kẹo nhưng ăn đắng nghét, thậm chí nuốt không nổi…”
   …
 
Tôi thích nghe phụ nữ nói chuyện đạo đời hơn nam giới vì họ thật thà hơn, nghĩ sao nói vậy nên dễ đi vào lòng người nhẹ dạ cả tin như tôi vậy. Phần cô ấy chắc có điềm rồi hay sao mà hôm nay tử tế quá sinh nghi, nói như ma nhập…, “Phước phần trong cuộc đời mỗi người mỗi khác nhưng đều do tích mà có, không tự nhiên có, có rồi xài mà không bồi thì núi cũng lở, sông cũng cạn. Đừng thấy chuyện dư hơi mà cười nhạo người khác thấy con chim non vạ gió rơi khỏi tổ, người thấy tìm cách bảo vệ chim non khỏi miệng lưỡi con mèo, cho nó nước uống và để nơi dễ thấy cho mẹ nó khi trở về tổ không thấy con thì đi tìm, đưa nó về tổ lại. Việc tào lao với người nghĩ là tào lao nhưng không biết chính mình là tào lao. Hành vi tưởng là tào lao đó lại tích phước cho người ra ơn cứu mạng, sớm muộn sẽ có phần. Ai biết được bất trắc ngày mai, thậm chí là chiều nay tai nạn thấy chết chín phần nhưng một phần thoát nạn lại hiển linh nhờ ra ơn cứu mạng con chim đã quên rồi…”
   …
 
Nam mô A Di Đà Phật, hôm nay làm trối chết để về nghỉ lễ Lao động, cuối tháng công việc nhiều nên sếp cho người đến giúp tôi, nhờ vậy được nghe bài thuyết pháp về phước phần của cô em mới may áo xám. Khiến tôi nhớ linh xưa, sư muội thừa lệnh sư cô trụ trì chùa sư nữ đến nhà mời mẹ tôi ra chùa có việc. Trời nắng đến có tóc trên đầu còn muốn cháy nói chi sư muội trọc đầu, lại đi bộ ban trưa. Tôi lấy xe đạp đưa sư muội về chùa, tiện thể dẫn sư muội vô quán uống ly nước chanh thôi mà mẹ tôi chửi tới muốn trọc đầu, đi tu quách cho rồi. Sư muội hôm nay hiện thân hết giảng thì hỏi tôi có hiểu không về phước phần? Biết nói sao bây giờ? Định nói là tôi hay xem YouTube, rất quen câu: Like, Share, and Subscribe… nên thương người mới nghe thuyết pháp thường giàu lòng chia sẻ, đừng nghĩ là câu “view”, có tội với chư Phật. Nhưng rõ ràng là cô ấy đã cảm hóa được tôi không nói lời khó nghe với ít nhất là cô ấy nên tôi trả lời,
 
“Anh hiểu rồi, cảm ơn em khai trí, vì nào giờ anh hiểu chưa đúng về phước phần như em vừa nói. Nên anh cứ làm cho mình thấy ghét để không ai muốn làm chung với anh. Em không nghe mọi người nói anh là ông già câm điếc hay sao? Ông già sống và làm việc với hồn ma bóng quế ở cuối hãng riết rồi quên hết tiếng người. Cuối cùng là anh được tự tại trong tịnh thất này, mỗi ngày ngồi diện bích với dế, làm công việc được cho thêm lương cũng không ai thèm. Anh hài lòng với phước là được làm việc một mình, anh vui với phần là không bị ai quấy rầy, ngày tháng anh lãnh hội được sự cô đơn là môi trường tâm linh có thể giao thoa với vô tận trong đá vô ngôn.
 
Trong trời đất bao la, vô tận, vũ trụ hạn hữu ở giới hạn con người chưa biết, nhưng vô tận của lòng người là bí mật của vũ trụ vô biên; nơi đến cuối cùng của đời người là nơi mình sinh ra, vô thủy vô chung, nên trong đời người chỉ có sự im lặng là tử tế, sự cô đơn là vi diệu. Tại sao người Việt bất đắc dĩ phải sống bên ngoài lãnh thổ như chúng ta, họ hội tụ về quận Cam-Cali, Houston-Texas để có đồng hương. Nhìn qua tính chất cộng đồng như bản năng, nhưng nhìn lại tính bầy đàn cũng hạn chế sự độc lập của tư tưởng, tâm linh… Hãy thử sống cô độc thì sẽ hiểu được kẻ thù đích thực của bản thân là chính mình. Tính bầy đàn làm cho mình không chịu thua ai kém ai nên khổ. Tính độc lập, sự cô độc làm cho mình không có nhu cầu phải hơn ai, là bước đầu của thoát khổ…”
 
“Thôi đi anh khùng, em không khùng như anh đâu! Người lẽ ra không ai ghét bỏ mà tự ghét bỏ mình nên làm việc một mình, riêng một góc trời mà dế với gián cũng không thèm tới chỗ anh. Anh suy nghĩ tích cực hơn chút được không?”
   …
 
Hết việc, xong ngày cuối tháng luôn bận rộn để hoàn thành kế hoạch tháng của ban lãnh đạo. Ban lãnh đạo sống theo kế hoạch tháng của chủ hãng, những người làm công sống theo làm lành với sếp thì được giữ lại hãng làm thêm giờ. Những người không được lòng sếp nên ra về đúng giờ, không phải làm trễ, không phải dậy sớm đi làm thứ Bảy… cũng chẳng có ai chết đói. Có câu nói mới nghe dễ tưởng là ngụy biện, nhưng nghĩ lại lập luận của câu, “trong mắt người điên là cả một thế giới điên loạn”, thật gần với con người vất vả từ sinh ra tới chết đi chẳng bao giờ có thời gian để biết mình là ai? Tại sao làm thế…?
 
 
Phan

Ý kiến bạn đọc
25/10/202417:58:41
Khách
Cảm ơn tác giả một bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,168
Đôi lời phi lộ: hai tiếng "cuối đời" tôi dùng không mang ý nghĩa sau bài ký này tôi không tiếp tục viết nữa. Đây chỉ là cái tên tôi đặt dựa theo nội dung tôi muốn diễn đạt dưới đây. ... Kể từ khi việc đưa thân xác người Việt sống lưu vong, mong muốn được chôn cất tại quê nhà không còn rào cản, vợ chồng tôi chọn cách hỏa táng thân xác sau khi mất. Lựa theo cách này vừa đỡ tốn kém vừa dễ dàng mang tro cốt trở về quê hương. Điều mong ước được "lá rụng về cội" tôi đã dứt khoát. Riêng việc chọn cái cội ở nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng chẳng dễ dàng gì! Bởi tôi sinh ra nơi đất Bắc, vợ tôi quê mãi tận cuối phương Nam, nên tôi mất khá nhiều thời gian lựa chọn, tìm kiếm.
Thời gian này, tôi được cất nhắc làm “quan lớn” trong một xứ đạo ở quận Cam (Orange County). Vì vừa vào làm việc trong Hội Đồng Mục Vụ của cộng đoàn, giáo xứ, nên tôi phải tập dần nhiều việc, như tập các câu kính thưa để lên phát biểu trước cộng đoàn cho quen, còn phải tập cách ăn nói cho chững chạc, vì bây giờ mình là quan rồi, dễ bị người ta “soi” lắm. Chẳng hạn như hôm trước, Quan Chủ Tịch Cộng Đoàn, gọi tôi ra ngoài nói chuyện:
Tôi thật sự cảm phục các thầy cô dạy tiếng Việt tại các trung tâm Việt ngữ. Tất cả là thiện nguyện viên. Họ hy sinh cuối tuần để làm một việc không những không lương mà còn phải đối đầu với những việc không vui như áp lực từ phụ huynh... Tôi xin nhắn gởi một điều đến phụ huynh, các thầy cô và các linh mục. Học tiếng Việt là một điều rất khó đối với các em vì trong tuần các em đi học cả ngày ở trường toàn nói và đọc tiếng Mỹ. Về nhà thì xem TV, coi internet, nghe radio cũng toàn tiếng Mỹ. Mỗi tuần vào nhà thờ học tiếng Việt chỉ có hai tiếng mà nhiều thầy cô lại cứ nói tiếng Mỹ với các em. Trớ trêu là sau khi học xong, lúc đi lễ, các linh mục lại giảng phúc âm cho các em bằng tiếng Mỹ. Xin các linh mục, các thầy cô và phụ huynh nói tiếng Việt với các em càng nhiều càng tốt...
...Em rất hãnh diện được phục vụ trong quân đội Hoa-Kỳ dù chỉ là một hạ sĩ quan. Em yêu thích và không hối tiếc chút nào những việc em làm trong đời lính. Chỉ có một điều duy nhất hối tiếc ám ảnh em đến nay là người bạn đồng đội tri bỉ tri kỷ của em ngã gục phanh thây mà em không có mặt ở đó. Nó học chung với em sáu tháng Quân Trường Fort Sill, Oklahoma, từ tháng May 7-November 15, 1998, rồi hai đứa tình nguyện qua Iraq là chiến trận nguy hiểm nhất lúcđó,” Hùng ngửng đầu nói dồn dập với đôi mắt dõi nhìn trời cao như đang tìm người chiến sĩ đồng đội xưa. “Thương mến nhau còn hơn anh em ruột mà!”...
Chị Tâm trưởng nhóm Yoga gần bẩy mươi tuổi sở hữu thân hình cao thon săn chắc như người mẫu, chị nghiện bộ môn này vài thập niên trước lúc chị còn đi làm. Về hưu buồn tay buồn chân, chị rủ vài bạn thân đến nhà chị tập cho vui, tiếng lành vang xa, bây giờ nhóm của chị bành trướng đến mười mấy người, cô Ba là thành viên mới toanh thọ giáo chị. Cô vốn kín tiếng lại là ma mới nên chỉ nghe các chị hóng đủ thứ chuyện trên đời, thỉnh thoảng cô góp một câu giúp vui, tuyệt nhiên cô câm như hến khi có người cao giọng dạy đời hay chê bai ai đó.
Khi một mình trong tứ bề hiu quạnh nên tự thân cảm thấy lẻ loi. Đó là cảm nhận riêng tôi khi ngồi đợi xe đò ở vùng kinh tế mới. Thời ấy không mấy ai có cái đồng hồ đeo tay để biết giờ giấc, chỉ biết giấc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc sẽ có chuyến xe đò duy nhất trong ngày về Sài gòn, là xe ngày hôm qua từ Sài gòn lên. Nhớ những hôm sương mù bao phủ núi rừng nên tầm nhìn hạn chế càng cô độc vì cô quạnh, cảm giác lẻ loi len lỏi vào tâm khảm hay từ trong tâm khảm lan toả ra núi rừng âm u, sự lẻ loi và bất lực cho đến khi có ánh đèn vàng mờ đục xuất hiện trong màn sương mù đặc như nước vo gạo là mừng rỡ hôm nay được về nhà vì nhiều hôm ngồi đợi tới mặt trời mọc cũng không có xe vì xe hư xe hỏng gì đó, người ta không chạy ...
... Ừ nhỉ, cũng đến lúc phải quyết định đặt tên cho con là vừa. Mình cứ lo nào là trang trí căn phòng, mua quần áo tã lót, sữa… cho con mà quên mất điều quan trọng là phải cho con một cái tên thật ý nghĩa, chứ đâu phải gọi thằng cu bé là được đâu! Mà biết làm sao khi bên ngoại muốn đặt tên này, bên nội lại muốn đặt tên kia thì làm sao giải hòa được hai bên đây?! Từ chối bên ngoại hay bên nội cũng đều sợ làm buồn lòng họ, vì đây là cháu đầu lòng trong họ nên ai cũng muốn tên mình đưa ra được cha mẹ nó chọn!...
... Ra về tôi suy nghĩ liên miên về tình bạn lính, bạn tù, bạn đời thật quý “Cuộc sống chẳng có gì đáng quý hơn là hạn chế làm tổn thương người khác và xoa dịu một tâm hồn khổ đau với tất cả những gì mình có thể” (Olive Schreineray), anh Thân đến với anh Mùi trong lúc này thật thích hợp vì họ đã hiểu nhau và hơn hết là đồng cảnh ngộ. Còn tình cha con thương yêu quấn quýt thì đẹp như một bài ca...
Hồi nhỏ, khi tôi học trường làng, ngoài câu cách ngôn: “Tiên học lễ, hậu học văn” thầy giáo còn cho viết vào vở bài học thuộc lòng đầu tiên: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”(khuyết danh) Bài học thuộc lòng này được cha truyền con nối và theo tôi suốt cả cuộc đời. Tôi nhớ thời thơ ấu, vào dịp Tết, các chú thím, cô cậu đem biếu ông bà nội hộp trà, cân mứt… Trong năm, vườn nhà thu hoạch được thứ gì thì đem đến cho ông bà thứ ấy - khi quả bí, lúc trái bầu… Khi ông bà ốm đau thì sớm hôm thăm viếng, thuốc thang… Như thế coi như làm “tròn chữ hiếu.”
... Mặc hai bên lời qua tiếng lại, ông lủi thủi ứa nước mắt đi vào phòng. Trời mùa đông sẫm tối thật nhanh. Bóng tối chườm lạnh khoảng sân bên ngoài và bao trùm lấy căn phòng nhỏ. Ông vẫn đứng lặng yên như pho tượng, cảm giác như mình đang đi về phía hư không. Tuổi già giọt lệ như sương. Nỗi đau của người già không bật thành tiếng khóc, mà thấm vào từng thớ thịt, ray rứt từng hơi thở. Ông nghe ngực mình nhoi nhói như muốn vỡ tung ra. Có tiếng bát đũa khua lanh canh, rồi mùi thức ăn thơm nồng bốc lên. Không ai mời ông ra ăn cơm , mà ông cũng không thấy đói. Ông chỉ muốn được nằm xuống rồi ngủ mãi một giấc dài không bao giờ thức dậy. Cuộc sống của ông là những chuỗi ngày đau đáu. Co ro với cái lạnh của mùa đông miền Bắc Mỹ, không máy sưởi , tay chân buốt cóng, ông thấm thía câu nói: Cha mẹ thương con biển hồ lai láng, Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày . Đành vậy chứ biết sao. Nước luôn chảy từ trên cao xuống thấp mà...
Nhạc sĩ Cung Tiến