Hôm nay,  

Con Cái Xứ Này

23/08/202400:03:00(Xem: 2234)
 
Giai-Danh-Du
Giải VVNM 2019, lễ phát giải Danh Dự, từ trái: Peter Arnade và Giáo Sư Bùi Tùng từ University of Hawaii, tác giả Võ Phú, Cao Đắc Vinh đại diện tác giả Ngọc Hạnh, Phạm Thị Kim Dung đại diện tác giả Hoàng Chi Uyên, tác giả Hồ Nguyễn, giám khảo Tân Nguyễn.
 
Tác giả Võ Phú tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Hoa Kỳ, 1994; tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Tác giả hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất nói lên nỗi trăn trở của một vài bậc cha mẹ trước những khác biệt về suy nghĩ và quan điểm sống của con trẻ ngày nay.

*

Tôi biết chị Hồng khi chúng tôi còn sinh hoạt trong cộng đồng người Việt vùng Richmond, Virginia. Chị Hồng là thủ quỹ của hội Người Việt Richmond. Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, Hội Người Việt đều in đặc san Xuân, chị thường nhờ tôi viết bài cũng như giúp chị liên lạc với nhà in CT Printing ở Maryland. Ngoài thủ quỹ của Hội Người Việt ra, chị Hồng còn được biết đến với vai trò ca đoàn phó trong Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tánh tình chị dễ mến, hoạt bát, và hòa đồng.  Chị luôn sốt sắng phụng sự trong giáo xứ cũng như cộng đồng, nên được rất nhiều người quý mến. Công việc thường ngày của chị là thư ký cho văn phòng bác sĩ. Tính tới thời điểm bây giờ thì chúng tôi biết nhau cũng hơn hai mươi năm.

Có một ngày, chị Hồng để tin nhắn cho tôi. Chị hỏi:
- Em đang làm gì đó? Em có bận không?
Tôi trả lời:
- Dạ không, em đang rảnh. Em đang nằm lên nằm xuống lướt Facebook cho qua giờ thôi.
- Vậy chị có thể gọi cho em được không?
- Dạ được.
Chuông điện thoại reng, tôi nhấc phone lên, áp vào tai: Bên kia đường dây, giọng nói của chị Hồng nhỏ nhẹ, hỏi:
- Phú, em khỏe không? Lúc này trên Facebook chị thấy gia đình em đi chơi đủ nơi, chị thích lắm...
- Dạ em khỏe. Em cám ơn chị... Hè mà chị, tụi nhỏ được nghỉ học nên tụi em cũng cố gắng “spent time” với tụi nhỏ trước khi chúng lớn.
- Ờ... Chị phục vợ chồng em. Ông xã chị không thích lái xe đường dài, nên chị cũng đành bó tay.
- Dạ.
- Hôm nay chị gọi cho em có tí việc nhờ em tư vấn giùm. Mấy tháng nay chị bối rối quá, nhưng không biết tìm ai tâm sự.
- Dạ, có chuyện gì hả chị? Chị nói đi, nếu giúp được em sẽ sẵn lòng.
- Là cha mẹ, cho chị tham khảo ý của em với nhé. Bé Kim nhà chị muốn nhuộm tóc màu này màu nọ mà chị không thích. Chị sợ mọi người nói. Hiện giờ thì con bé vẫn còn nghe lời chưa đi nhuộm tóc, nhưng chị không biết được nó sẽ để vậy bao lâu.  Chị không muốn làm nó buồn. Nhưng để cho nó nhuộm mấy cái màu nó thích thì chị rất ngại khi cùng con ra đường. Mấy tháng nay nhà chị, nhứt là hai mẹ con, ra vô gặp mặt nhau nhưng cứ hầm hầm làm chị thấy khó chịu quá. Hôm trước chị thấy trong Facebook của em, em cho con trai nhuộm tóc. Cảm nghĩ của em như thế nào, em có thể chia sẻ với chị được không?

Tôi nói với chị Hồng rằng:

- Trường hợp của em cũng giống chị vậy, khi em cho con trai nhuộm tóc. Nhưng con nít bên này không như bên Việt Nam chị à. Mình càng cấm thì nó lại càng muốn làm cho bằng được.
- Bởi vậy chị rầu lắm. Ý em thì sao?
- Em có nói với con em rằng trước khi làm một việc gì đó hãy suy nghĩ cho thật chín chắn. Nó nói trong trường học của nó có rất nhiều bạn để tóc dài, xăm mình, đeo khuyên tai...
- Rồi em nói sao?
- Em nói ba chỉ đồng ý khi con làm với nhiều điều kiện sau: Nếu như không xâm hại cơ thể như và không để lại thẹo hay dấu vết trên người như xăm mình, đeo khuyên mũi, bụng, lưỡi, vv. vv... Hiện giờ con còn ở chung nhà với ba mẹ, nên con phải tuân theo luật lệ của ba mẹ. Nếu con thích xăm mình, đeo khuyên như bạn thì con hãy đợi con 21 tuổi, ra khỏi nhà thì đó là quyền của con. Còn bây giờ thì không được.
- Ờ…

Tôi tiếp:

- Theo em nghĩ thì nếu như bé Kim thích nhuộm tóc, thì chị cứ cho bé làm. Tuổi của bé bây giờ là tuổi nổi loạn, nhất là ở xứ này, một đất nước tự do và cái tôi rất lớn.  Biết đâu chị để cho Kim nhuộm rồi một vài hôm nó sẽ chán và đổi lại không chừng.  Làm vậy thì hai mẹ con đỡ phải giận nhau. Em kể chị nghe chuyện vui về mái tóc của cậu nhóc nhà em. Mấy lần nhóc nhà em đi trình diễn cho ban nhạc và ngồi chung với bạn bè cùng các trường khác... Để dễ tìm thấy cu cậu nhất, việc đầu tiên em và vợ em tìm là cái đầu tóc vàng... Với cái đầu tóc vàng khè rất nổi trong đám đông và dễ nhận diện. Mỗi lần thấy cái đầu vàng khè là vợ em hay em kêu lên và nhận ra ngay để chụp hình cu cậu trong đám đông. Coi như cũng là một ưu điểm để nhận diện từ xa.... Vậy, chị đừng phiền vì màu tóc của bé chị nhé.
- Chị hiểu rồi.... Chị cảm ơn em đã dành giờ chia sẻ với chị. Qua tâm tình của em, chị thấy cái hay là: em sống cho gia đình em, chấp nhận con cái trong khuôn khổ. Còn chị cứ mang nỗi buồn và e ngại, lại sợ "dư luận" dị nghị, sao để con như vậy v.v... Chúc em một ngày vui nhe.
- Dạ, em cám ơn chị. Chị cũng vậy nhé.
Cúp phone của chị Hồng xong, tôi chợt nghĩ đến chuyện của mình. Khi tôi để cho bác Ba của con trai tôi nhuộm tóc (bác Ba của cháu là thợ hớt và nhuộm tóc), một vài người trong cộng đồng, gặp tôi, họ trách. Trong một buổi hội chợ, tôi gặp một chú trong cộng đồng, ông ta thấy tôi gọi lại và nói:
- Chú nói cái này… Mày nghe đừng giận.
- Dạ chú cứ nói.
- Chú thấy cháu cũng là một người có tiếng trong cộng đồng mà sao để cho thằng con trai tóc dài thòng bây giờ còn nhuộm vàng, nhuộm đỏ nữa, không giống con giáp nào. Cháu làm vậy dễ ảnh hưởng đến những đứa khác. Ví dụ như con cháu ngoại nhà chú. Nó thấy vậy cũng phân bì bảo sao con của chú Phú nhuộm được còn con thì không? Chú giờ cũng không biết trả lời nó ra sao. Cháu để cho thằng con vậy không hay chút nào hết...
Tôi nhìn người đàn ông nọ, mỉm cười, và trả lời rằng:
- Con nít xứ này mà chú... Mình càng cấm cản, nó càng muốn. Với lại nhuộm tóc chỉ là bên ngoài, một thời gian nó chán nó sẽ đổi lại thôi.
- Nói như mày thiệt hết nói... Tao cũng bó tay luôn. Mày không sợ mặt mũi của mày ở ngoài cộng đồng người ta đánh giá này nọ sao?
- Dạ cháu cảm ơn chú đã quan tâm. Theo cháu thấy thì không quan trọng lắm. Thôi cháu xin phép đi hội chợ ạ!


Nói rồi tôi bỏ đi chỗ khác.

Mấy tuần sau khi nói chuyện với chị Hồng xong, tôi thấy hình đại diện trên Facebook của chị là hình ảnh hai mẹ con trong bộ áo dài Việt rất dễ thương và cười rất tươi.  Thấy vậy, tôi có ghi lời bình phía dưới: "Nhìn hai mẹ con chị cười rất tươi.  Bé Kim trong mái tóc màu đỏ hồng cũng dễ thương và cá tính. Mai mốt khi coi lại ảnh cũng có ít nhiều kỷ niệm một thời nha chị...”

Lời bình tôi vừa gửi đi xong chừng vài phút thì tôi nhận được tin nhắn khá dài của chị, nguyên văn như sau: "Chị khóc khi đọc dòng chữ comment của em. Bậc làm cha mẹ ai cũng mong muốn con cái nên người và thành công, nhất là đa số cha mẹ người Châu Á như mình.  Chị muốn con cái theo "khuôn khổ" của mình, nhưng bây giờ thì chị khác rồi. Chị học cách đón nhận. Chị vững tâm hơn sau khi nói chuyện với em. Tối hôm kia chị mừng thầm vì đầu tóc nó đang đổi qua màu vàng (dễ nhìn hơn). Tới khuya, chỉ đóng cửa nhuộm tóc, chị hỏi: Sao kịp giờ con để mai dậy sớm dự Lễ Tốt Nghiệp con? Con bé nói dạ kịp. Nghe vậy chị thở dài một mình....  Hôm ra trường, bé tạo "surprise" cho chị, bé mặc áo dài. Trong khi, trước đó, chị muốn con mặc áo dài cho ngày ra trường không thì bé la lớn lên... Oh, nooooo Mẹ... Có nghĩa là bé biết điều gì chị thích và không thích... Chị thật sự xúc động khi thấy bé Kim mặc áo dài hôm qua. "

Tôi trả lời chị:

- Dạ em rất vui khi cả hai mẹ con chị đã thấu hiểu và thông cảm cho nhau.
- Em đang làm gì? Chị gọi nói chuyện chút có được không?
- Dạ được.

Chị Hồng gọi điện thoại cho tôi. Nhấc phone lên nghe, lời chị tâm sự:

- Chị muốn chia sẻ với em thêm một điều mà chị đang nặng trĩu lòng, đó là bé Kim "support" về chuyện đồng tính luyến ái. Chị hiểu là mình không chống đối, nhưng chị lo môi trường, bạn bè xung quanh, riết nó thấy bình thường thì sao? Và chị đặt câu hỏi, nếu như con mình "bị" như vậy thì sao? vẫn là con mình chứ sao bỏ được... nặng lòng lắm... Trước đây chị hay sợ bé có bạn trai sớm ảnh hưởng đến học, nhưng giờ chưa thấy có bạn lại lo... Em chia sẻ về việc này với chị được không?
- Dạ chuyện này hơi... khó. Vì mình không trong hoàn cảnh đó nên không biết khuyên sao cho đúng. Nhưng theo em nghĩ những việc cha mẹ nên làm trong trường hợp này là: Tìm cách nhẹ nhàng (nhưng tự nhiên) trò chuyện để hiểu thêm về tâm lý của con mình, giúp/khuyên con sinh hoạt vào trong các hội sinh viên của trường đại học, hay một hội đoàn nào đó để mở rộng giao tiếp, … Từ đó con trẻ sẽ tự xác định hướng đi và cách sống phù hợp nhất cho chúng.
- Chị cảm ơn em nhiều nghe.  Nói chuyện với em chị cảm thấy nhẹ người lắm, không còn lăn tăn đầu óc suy nghĩ.
- Dạ, em cám ơn chị. Hy vọng là em có thể góp ý đôi chút.
- Con cái ở xứ này thiệt là khổ cho bậc làm cha mẹ.
- Dạ, không riêng gì con chị đâu. Đứa nào cũng vậy đó hết chị, nhất là thế hệ trẻ bây giờ. Thế hệ mà chúng toàn dùng iPhone, máy tính...
- Chị cám ơn em lần nữa nha.
- Em giúp chị nhiều lắm.
- Có gì đâu chị... Mà sẵn đây em hỏi chị chuyện này luôn nhé.  Bé Kim nghĩ như thế nào khi thấy chị ủng hộ cựu tổng thống Trump?
- Thôi khỏi phải nói. Có lúc hai mẹ con không nhìn mặt nhau luôn đó chứ. Chính trị cũng như xã hội đã ảnh hưởng mạnh đến bé, bằng chứng từ vụ việc "ghét" Trump cộng thêm vụ George Floyd.  Một điểm khác bé lại biết chị "phe" Trump, mẹ con đã từng "tranh cãi" việc này nhưng khó mà dung hòa. Chị chọn im lặng không nói thêm việc này trong gia đình... Bé Kim là một đứa rất ngoan, trước đây luôn làm chị hài lòng. Chị chưa bao giờ phải lớn tiếng hay dùng đòn roi, chỉ cần chị thở dài hoặc cau mày là con bé biết chị không đồng ý một điều gì đó. Khi biết sai luôn miệng nói "Con xin lỗi mẹ, con biết, con hiểu"...

Còn chuyện học hành và chọn trường, chị muốn con đi học trường gần nhà như VCU hay xa một chút thì UVA hay WM, nhưng bé lại chọn trường đại học ở New York.  Ban đầu chị không muốn xa con, nhưng chị đổi ý, chấp nhận cho con đi xa. Chị nghĩ môi trường mới, tự lập, trách nhiệm, và đặc biệt tạm xa nhóm bạn ở đây với hy vọng bé sẽ có cái nhìn khác hơn về cuộc sống...  Nhưng em có biết con bé chọn ngành học nào không? Đó là “Political Science-Chính Trị Học”! Em là người đầu tiên chị chia sẻ, không hiểu sao chị đặt niềm tin nơi em, thấy cách em yêu quý gia đình và cách giáo dục con chị ngưỡng mộ. Chị nêu vài điểm chính, hy vọng em thử đặt mình vào vai trò của bậc cha mẹ, cho chị lời khuyên.

- Dạ em cám ơn chị đã tin tưởng và chia sẻ cùng em. Theo em thì tín ngưỡng và chính trị luôn là những đề tài rất nhạy cảm. Nhất là giới trẻ. Giới trẻ họ có những lý tưởng suy nghĩ thoáng hơn những bậc làm cha mẹ đã từng trải. Để "đối phó" với chúng mình nên tìm hiểu coi nó có những suy nghĩ gì.  Đôi khi mình cũng muốn nổi điên khi nghe tụi nó, nhưng cũng ráng nghe hết suy nghĩ của nó, rồi mình mới biết đường tính. Khi nói chuyện với chúng, chị đừng nói về mình ủng hộ hay theo một phe phái nào... Mình hãy ráng giữ trung lập... Đôi khi những suy nghĩ của chúng khác với mình rất nhiều và mình cũng cần phải mềm mỏng còn không thì chúng sẽ nổi loạn... Con cái bên này rất khó theo ý mình vì sự tự do chủ nghĩa cá nhân thoáng, nên muốn biết hay thay đổi suy nghĩ của con, mình nên hiểu rõ chúng muốn và nghĩ gì để dễ cảm thông hơn.

Em nghĩ sau những năm đại học bé sẽ trưởng thành rất nhiều nhất là khi bé đi học xa nhà. Đôi khi làm cha mẹ mình thương chúng quá cũng khổ... Em chắc rằng sau khi học xa nhà chừng một năm bé sẽ khác và sẽ yêu thương cha mẹ nhiều hơn... Còn việc major học, chị yên tâm... Ngành học nào cũng tốt và nếu cháu yêu thích, cháu sẽ thành công. Bên cạnh đó, theo thống kê thì hơn phân nửa các em sẽ đổi ý khi đi đại học chị à.

- Ờ... Cảm ơn Phú nhiều nhé. Chị vẫn tiếp tục cầu nguyện thật nhiều. Chúc em và gia đình luôn vui vẻ nhé. Chị bye em nha.
- Dạ, em chào chị.

Cúp phone của chị Hồng, tôi ngồi thẫn thờ suy nghĩ về những lời khuyên mà mình nói với chị. Tôi không biết là tôi đang khuyên chị hay là những lời nhắn nhủ tới chính mình vì tôi cũng đang làm cha mẹ với những đứa con đang ở tuổi nổi loạn.  Đúng là con cái ở xứ này rõ khổ!
 
Võ Phú

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,013
Hồi mới qua Mỹ, tôi phải vừa đi làm vừa đi học để tự trang trải cuộc sống. Tôi được một công ty sửa chữa hàng điện tử, mướn vào làm ca đêm, vì ca ngày đã đầy. Ban đêm đi làm, ban ngày đi học cũng khá phù hợp với lịch trình của tôi lúc ấy. Tôi thuê một phòng trọ nhỏ, chỉ về nhà ngủ vài tiếng mỗi ngày trước khi tiếp tục công việc. Tôi làm việc không kể nặng nhọc hay khó khăn vì so với việc làm hồi còn ở Việt Nam thì sá gì với mấy công việc nhẹ nhàng này. Tôi vào hãng với tinh thần thoải mái vì tôi được làm việc trong một môi trường vui vẻ và tôi yêu thích công việc này. Ngược lại, việc học ở trường thì tôi vật lộn với nó như bò kéo xe lên dốc.
Người xưa có câu "70 chưa gọi là lành", ý nói họa phước của mỗi người tới 70 tuổi vẫn chưa biết được, phải tới khi hết thở thì mới có thể nói rằng cuộc sống của một người tốt xấu, lành dữ, ra sao. Câu chuyện dưới đây là một chuyện có thật về một chuyến du lịch bị trở ngại vào phút chót và những người trong cuộc đã trải qua những thử thách rất khó khăn, giống như họ phải chèo chống một con thuyền mong manh vượt qua cơn sóng dữ...
Hòa thức dậy lúc 5 giờ sáng sau giấc ngủ ngắn từ giữa khuya, căn phòng bệnh viện màu trắng ngà dưới ánh đèn vàng vọt buồn thiu, bên ngoài kia trời còn phảng phất lạnh lẽo của đầu mùa đông, dù mùa đông Seattle không nhiều tuyết tái tê như những nơi miền Đông Bắc nước Mỹ. Hòa vẫn thường ngủ ít và dậy sớm, có lẽ bệnh nhân nào cũng thế, nằm trong bệnh viện khắc khoải lo âu bệnh hoạn, lại thêm y tá nhân viên thường xuyên ra vào cả ngày lẫn đêm ai mà ngủ ngon cho được. Hòa rời khỏi giường, đi ra phía cửa, rồi đi dạo khu hành lang cho đầu óc khỏi suy nghĩ rồi lại buồn lại khóc. Các phòng bệnh đều đóng kín, mỗi bệnh nhân là một thế giới riêng, đau buồn riêng. Cuối hành lang xa xa thỉnh thoảng có bóng dáng vài cô y tá tất bật qua lại, ghé vào phòng nào đó thăm bệnh, lấy máu, đo huyết áp, đưa thuốc... nói chung là đủ thứ của công việc y tá.
Ông ngồi nhâm nhi tách trà, ánh mắt mông lung thả vào khoảng không. Từ tách trà nóng, một làn khói mỏng tỏa lên. Hương sen lãng đãng trong khu vườn buổi sáng, quyện cùng mùi cỏ cây, mùi sương ẩm. Buổi sáng bao giờ cũng là thời khắc êm đềm đối với ông. Không có gì phải vội vàng, ông cứ ngồi như thế, cho đến khi mặt trời lên cao và bình trà cạn nguội ngắc ngơ. Nhưng hôm nay thì khác. Bãi sân trống cạnh nhà là nơi tụ tập đá bóng của bọn trẻ từ sớm. Kỳ nghỉ hè vừa mới bắt đầu, bao nhiêu sự phấn khích cùng với năng lượng tràn đầy dồn vào những cú sút bóng ầm ầm, vào tiếng la hét vang dậy. Rồi cái gì đến cũng đã đến. Một cú sút thẳng chân, hất quả bóng bay qua hàng rào, rơi ngay bàn trà của ông...
... Có nhiều người nói nhổ răng hàm trên, nhất là mấy cái răng cấm thì dễ bị chạm dây thần kinh và về sau sẽ bị “mát dây”, và cũng có vài đứa bà con tôi biết sau khi nhổ răng cấm thì tâm thần rất là bất ổn, nếu không nói là bị bệnh thần kinh. Nhà tôi và mấy đứa con thì nói răng không đau đâu cần nhổ làm gì cho... thêm chuyện; thằng con còn “hù” tôi, kể lại khi nó đi nhổ răng khôn, người ta dùng kềm móc cái răng rồi “đu” người lên mà kéo; ông bố thì “dọa”, coi chừng nhổ răng xong bà không còn nhớ tôi là ai; rồi vài chị bạn tôi kể nhổ răng khôn về sưng đau hành rất lâu, rất mệt v.v... làm tôi hãi quá. Tôi lên “net” tìm hiểu về “lợi và hại của việc nhổ răng khôn” thì có quá nhiều thông tin xuôi chiều và ngược chiều, nên tôi quyết định không nhổ. Cho nó lành...
Trong cuộc đời của mỗi người, bất kỳ ở nơi nào trên thế giới, từ khi có trí khôn, là ta đã mang nợ và phải biết ơn nhiều người- từ Tổ Tiên Ông Bà, người làm ra hạt gạo nuôi ta, Đấng Sinh Thành, đến những Thầy Cô dẫn dắt ta, các cô chú Thương Phế Binh đã bảo vệ chúng ta bằng chính cuộc đời họ, đến bạn bè, người quản lý và giám đốc nơi ta làm việc, đồng nghiệp... người quen người lạ… tất cả mọi người chung quanh, ta đều mang ơn họ, không nhiều thì ít. Và riêng đối với những người được định cư ở quê hương thứ hai, ta còn phải mắc nợ thêm bao nhiêu là người nữa- từ chính phủ, những vị tổng thống, từ những vị giúp những chương trình tái định cư HO, ODP… đến những vị ân nhân bảo lãnh...v.v... trái tim nhân ái của họ bao la vô cùng... Kể ra tất cả những người làm ơn cho ta sẽ không hết - ở đây tôi chỉ xin đơn cử một vài việc rất gần đối với gia đình tôi, với đất nước “Cờ Hoa” đầy tình người này.
Cách đây rất nhiều năm. hồi chị còn đi học đại học ở Mỹ, trong một lớp của chương trình sư phạm, một vị giáo sư hỏi cả lớp trước khi cả lớp chuẩn bị nghỉ lễ Tạ Ơn: - Các bạn sẽ nói lời cảm ơn với ai trong dịp lễ Tạ Ơn năm nay? Các bạn đồng môn của chị nhao nhao, nói sẽ cảm ơn gia đình, thầy cô, bạn bè. Vị giáo sư quay sang hỏi chị có ai để cảm ơn không, dĩ nhiên chị có rất nhiều người để nói lời cảm ơn. Chị nói với vị giáo sư rằng chị rất biết ơn ba má và bạn bè của chị, người đã giúp đỡ chị quay lại trường đại học ở Mỹ. Chị biết ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình chị và giúp đỡ chị về tài chánh để chị được đi học. Chị biết ơn các giáo sư ở Mỹ đã khuyến khích, tận tâm giải thích cho chị những lúc chị không hiểu bài. Chị cảm ơn con trai chị đã giúp chị có động lực để quay lại trường học vì chị muốn làm tấm gương cho thằng Huy-là-con trai của chị. Chị muốn thằng Huy sau này khi lớn lên sẽ đi đại học như rất nhiều di dân gốc Việt khác...
Tôi thức dậy từ 6 giờ sáng lo những việc cá nhân lẹ làng, sau đó thay bộ áo dài cờ vàng lái xe lên San Jose, đến điểm tập họp trước “parking” của Walmart nằm trên đường Story. Vì câu nói của em trai Minh Huy trưởng đoàn Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa, khi Hoa Nguyễn mời, tôi đã ngại ngùng nói ”Chị già rồi không phù hợp với tuổi trẻ, đường xá xa xôi, vấn đề lái xe trở ngại, chỉ có thể đi tham dự hạn chế”. Minh Huy thưa ”Chị ơi! chúng em rất cần ba thế hệ một tấm lòng ...”. câu nói lễ phép với cả chân tình của tuổi trẻ đầy tha thiết đã động vào trái tim mình, nên tôi quên mất tuổi già không đủ sức khỏe tốt, vượt đường xa mưa gió góp mặt cùng nhóm hậu duệ đi diễn hành Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ.
Một ngày trong tháng 9, 2024, Kim Oanh điện thoại cho vợ chồng chúng tôi, ngỏ ý muốn qua thăm “anh chị”. Chúng tôi cho biết, nếu cần đưa đón, chúng tôi sẵn sàng. Nhưng Kim Oanh trả lời sẽ nhờ người quen đưa đến. Chúng tôi hẹn gặp nhau vào cuối tháng 10, 2024 tại nhà chúng tôi. Kim Oanh là vợ của Trung Úy Không Quân Hoàng Văn Tân, một người bạn tù cải tạo rất thân thiết của tôi trong 2 năm tại Long Khánh. Kim Oanh có lần dẫn vợ tôi cùng nhau thăm lén hai ông chồng trong rừng cao su bên ngoài trại tù ở Long Khánh. Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên, vì cả hai cặp có được chút thì giờ “tâm sự” riêng với nhau giữa cảnh màn trời chiếu đất. Anh Hoàng Văn Tân mất vào đầu năm 2016 tại San Diego.
Dân ta ở các tiểu bang miền Tây như Cali, Texas… gọi họ là dân “Mễ” vì họ vào nước Mỹ từ xứ Mexico; các tiểu bang miền Đông như Maryland, Virginia… gọi là dân “Xì”, vì nghe họ nói tiếng Spanish - tiếng gọi khác nhau, nhưng “Mễ” hay “Xì” cũng là di dân từ các nước Trung hay Nam Mỹ. Người Mỹ gọi họ là dân Hispanic hay Latino. “Chuyện dài di dân gốc Mễ”: từ nhà ra phố đến chuyện quốc gia đại sự đều có mặt dân “Xì”; vui buồn, thương cảm hay giận đến căm gan đều có bóng dáng anh “Mễ”...
Nhạc sĩ Cung Tiến