Hôm nay,  

Làm “Lơ” Xe Bus

08/08/202411:48:00(Xem: 1620)

 

Lam Lo Xe Bus 1 Hình do tác giả cung cấp


Tác giả Lê Đức Luận lần đầu tham dự VVNM với bài “Ngẫm ra mới thấy thèm”. Tốt nghiệp Khóa 1 Trường ĐH/CTCT/ Đà Lạt, trước năm 1975 ông là sĩ quan, làm việc trong Ủy Ban Binh Thư - Tổng Cục/CTCT/QL VNCH – Sài Gòn. Sau năm 1975, Ông bị “tập trung cải tạo” 7 năm. Sang Mỹ năm 1986. Tác giả vừa nhận giải Danh Dự năm 2023. Sau đây là một bài viết vui về công việc “School Bus Attendant” mà tác giả gọi đùa là “Lơ” xe bus.

 

 *
      

Năm nay, hoa anh đào ở vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn nở sớm - thường thì đầu tháng Tư mới nở rộ - nhưng vì thời tiết ấm hơn mọi năm, nên giữa tháng Ba hoa anh đào đã nở khắp.

      

Dân chúng trong vùng cũng như khách du lịch nô nức đổ về Thủ đô Hoa Thịnh Đốn xem hoa, chụp ảnh - nơi có hơn bốn ngàn cây hoa anh đào được trồng khắp nơi, đặc biệt chung quanh hồ Tidal Basin, nhiều cây hoa anh đào cổ thụ ngả bóng trên mặt nước hồ phẳng lặng - trông đẹp tuyệt vời …

      

Ông Tư rủ hai ông bạn già cùng xóm, ra đây chụp hình.

 

Trước đây, năm nào cũng thế, cứ đến ngày hoa đào nở rộ, người ta thấy bốn ông già “tay xách nách mang” các đồ nghề chụp ảnh: cái máy chụp hình to đùng gắn ống kính dài thoòng đeo lủng lẳng trước ngực, tay cầm chân chống (tripod) dài cả thước; trang phục cũng rất lạ mắt: đầu đội nón tai bèo màu vàng nhạt, khoác cái jacket nhiều túi - căng phồng các phụ tùng chụp ảnh như dây bấm mềm (remote), hộp pin, thẻ nhớ (SD card), loa ống kính (lens hood), kính lọc (filter) …v…v… mặc quần bốn túi, mang giày Adidas trông rất “ngầu”.   

       

Đám trẻ trong khu phố ngưỡng mộ, nói rằng: “trông thật pro!” Người lớn thì bảo: “trông rất chuyên nghiệp!” Và gán cho bốn ông cái tên rất kêu là “nhiếp ảnh gia.” Năm rồi, một ông “đứt bóng”- bỏ cuộc rong chơi… 

 

Bây giờ, còn lại ba ông, vẫn tiếp tục thú vui nhiếp ảnh. Ba ông đều biết thiên hạ gọi “nhiếp ảnh gia” là để khích lệ và an ủi tuổi già. Vì từ hồi nào đến giờ, các ông chỉ đi chụp hình đám ma là nhiều, còn các lễ lạc quan trọng như đám cưới, đám hỏi, chẳng ai nhờ. Đó là sự thật phũ phàng!

       

Từ ngày theo đuổi thú vui chụp ảnh, chỉ chụp hình đám ma đem lại cho các ông chút an ủi, còn cái “tâm sự buồn” ít ai hiểu thấu và các ông cũng không thổ lộ cùng ai.  

       

Ngày ba ông được định cư ở Mỹ, tuổi đời đã quá bốn mươi. Sau bao năm trong lao tù cộng sản - sức mòn lực kiệt - nhưng phải cố gắng vươn lên để xây dựng lại cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học. Khi các con thành đạt thì cũng đã đến tuổi về hưu. Nghe lời khuyên của các bậc cao nhân: “Người lớn tuổi nên tìm một sở thích riêng (hobby) để khuây khỏa tuổi già.” Nhưng còn có một động lực thúc đẩy ba ông già hăng hái rủ nhau ghi tên học chụp hình do Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn (Vietnamese Photographic Society) tổ chức là các bà nhà thích được chụp hình chân dung đẹp.

        

Sau ba năm miệt mài học tập, lấy được bằng tốt nghiệp, rồi sau đó vào Hội Viên, tiếp tục đi săn ảnh để luyện tay nghề… Vậy mà ở nhà chụp hình cho vợ thì bị “chê ỏng, chê eo…” Hỏi ra thì ông nào cũng thế! Chụp hình cho mấy bà hàng xóm, trong những dịp biểu tình, hội hè vui chơi dã ngoại thì được khen rối rít và luôn đông khách vì các bà được chụp hình không phải trả tiền. Cũng may thời đại khoa học tiên tiến, chụp hình Digital, không tốn công, tốn của bao nhiêu, các ông cứ bấm thả giàn rồi gởi (air drop) vào cell phone cho các bà là xong (thời trước chụp hình film rất tốn tiền và mất công).

       

Đó là nỗi buồn thứ nhất ít tỏ cùng ai. Nỗi buồn thứ hai là đi “săn hình”. Trong mấy năm gần đây - tuổi già, sức yếu không còn nhanh nhẹn như trước. Đi cùng nhóm thì vui, nhưng gây trở ngại cho những người trẻ vì phải đợi chờ các ông - “bỏ thì thương, vương thì tội!” Biết thế, mấy ông già tạo nhóm riêng - tuy hơi tủi thân già, nhưng cũng đành chịu vậy…

       

Bây giờ, còn lại ba ông có một mối tương giao đặc biệt, nên thường đi chụp hình chung với nhau - không gây phiền phức cho ai. Năm nay, ba ông đi chung xe, vào DC (Thủ đô Hoa Thịnh Đốn) chụp ảnh hoa anh đào. Mặc dù ra đi thật sớm, đường vẫn kẹt xe, bãi đậu không còn chỗ, ông Tư lái xe chạy lòng vòng… May quá còn mấy chỗ trống bên đường Constitution Ave, ông Tư tấp xe vào.

        

Ba ông già hớn hở xuống xe, đi bộ một đoạn đường ngắn là đến hồ Tidal Basin. Một ông hí hửng bảo:

 

- Hôm nay, tụi mình gặp hên, tìm được chỗ đậu xe tốt quá!

 

Nhưng than ôi! Chụp hình xong, trở ra xe, thấy một tấm giấy phạt gắn dưới cái gạt nước - 40 đô la. Bởi vì, đoạn đường đó có bảng cấm đậu xe từ 7:00AM đến 11:00AM mà các ông không để ý. Ông Tư lấy tờ giấy phạt bỏ vào túi, không có vẻ gì khó chịu, chỉ nói: “Coi như trả tiền dạo mát xem hoa.” Rồi quay sang phía hai ông bạn già, tươi cười hỏi:

 

- Hôm nay, chúng ta dạo mát xem hoa tốn tí tiền, nhưng tôi đố hai ông: ở đâu và làm công việc gì mà vừa dạo mát xem hoa, lại kiếm được tiền?

 

Suy nghĩ một hồi, một ông trả lời:

 

- Chỉ ở bên xứ Congo.

Ý nói đó là chuyện khôi hài - còn lâu mới có. Vì ở nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo (Congo Kinshasa) 50 năm mới tổ chức Tết một lần, nên chuyện gì không thường xuyên xảy ra, khó có, người Việt hay hóm hỉnh bảo: “Đợi đến Tết Congo.”

 

Ông Tư biết ý, chậm rãi nói:

 

- Việc có thật, chính tôi đã làm nhiều năm và ở ngay trên đất Mỹ này, chứ không đâu xa.

 

- Ông kể cụ thể, xem có thể tin được không nào. Một ông già yêu cầu.

 

Ông Tư nói:

 

- Anh em mình sang đây, nhiều người đi cày hai job - đêm chẳng thấy trăng sao, ngày chẳng thấy mặt trời… Đó là chuyện thường thấy, nói làm gì. Nhưng ở xứ Mỹ có một số công việc ít ai để ý mà lại là “job thơm” nên mới hỏi các ông. Nếu chưa biết, tôi sẽ kể nghe chơi.

 

Ông Tư lấy chai nước lọc uống vài ngụm, rồi chui vào xe, nổ máy. Hai ông già kia cùng lên xe, chờ nghe ông Tư kể chuyện “job thơm.”

 

Trên đường về, ông Tư bắt đầu câu chuyện: “Chúng ta ai cũng trải qua bước đầu bỡ ngỡ trên xứ lạ, quê người - thường thì đi làm thợ “đụng”- đụng việc gì làm việc đó một thời gian, rồi mới tìm được công việc ổn định. Tôi không ngoại lệ.

       

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã than: “Lũ chúng ta sinh nhầm thế kỷ…” nên khổ nhục thì nhiều, sung sướng chẳng được bao nhiêu. Nhưng tùy theo cơ duyên đưa đẩy và số mệnh an bài mỗi người một cảnh - người việc này, kẻ việc kia - sướng khổ, giàu nghèo tuy có khác nhau, nhưng xem ra đa số đều bằng lòng với cuộc sống tự do, yên ấm trên quê hương thứ hai này.   

        

Nhớ lại những ngày đầu tìm việc mà tủi cho thân phận. Tuy không phải đứng đường chờ người ta đến gọi đi làm như mấy anh Mễ bây giờ mà tìm việc trong các lớp học ESL. Những người đang học ESL hay mách nhau các công việc lao động phổ thông - cứ vài hôm vắng mặt một người. Hỏi ra mới biết anh nọ xin được một chân rửa chén trong nhà hàng, chị kia tìm được chỗ phụ bếp, lau nhà. Tôi chỉ mong tìm được một việc như vậy. Họ chỉ chỗ tôi đến xin việc. Nhưng than ôi! Không chỗ nào nhận - có lẽ các ông bà chủ nhìn bộ điệu của tôi sẽ không kham nổi công việc. Tôi buồn và tự nhủ: mới ngoài bốn mươi mà bị đời cho “phế thải” rồi sao?’

       

Nhưng số tôi “tiền hung hậu kiết.” Tôi lang thang tìm việc mãi không ra, rồi một buổi chiều đi ngang qua một tiệm Dry Cleaners (ở Việt Nam bây giờ gọi là giặt khô) thấy treo bảng “Help Wanted” tôi đánh bạo vào xin thử.

       

Ông chủ người Do Thái hỏi năm điều, bảy chuyện… Tôi thành thật khai báo: “Tôi chẳng có nghề nghiệp chuyên môn nào cả, nhất là chẳng biết tí gì về nghề này, nhưng tôi có thể làm bất cứ việc gì sau khi được hướng dẫn.” Ông ta gật gù đưa cho tôi tờ đơn xin việc, bảo: “điền vào, tôi nhận anh, ngày mai đến làm việc.”

 

Ôi! Buổi chiều hôm ấy - trên đường về nhà, tôi cảm thấy lâng lâng sung sướng…”

        

Hai ông bạn già ngồi nghe dông dài mà chưa thấy chỗ nào “dạo mát xem hoa…” Chán quá! Một ông phát biểu:

 

- Vào làm tiệm Dry Cleaners nóng bỏ mẹ, tôi đã làm việc này mấy năm, đâu có chỗ nào “dạo mát, xem hoa?”

 

- Bình tĩnh, chưa tới - chuyện phải có đầu, có đuôi chứ.

 

Ông Tư kể tiếp: “Gần một năm làm cho tiệm Dry Cleaners, tôi quen việc, chỗ nào cần họ gọi, coi tôi như một người để sai vặt. Tôi không thắc mắc, vì nghĩ: “ăn cơm chúa phải múa tối ngày - xay lúa thì khỏi bồng em.”

       

Một hôm, ông già Do Thái gọi tôi ra chỗ riêng bảo: “Mày biết không, tổ tiên người Do Thái tụi tao lưu lạc đến xứ Mỹ này, khởi đầu với ba cái nghề chính là cho vay tiền, mở tiệm cầm đồ và làm giặt ủi (Dry Cleaners). Sau thời gian cần kiệm, tích lũy đám cho vay tiền, và tiệm cầm đồ ra mở ngân hàng (nhà Bank). Chỉ còn lại cái nghề Dry Cleans là cha truyền con nối, nhưng khi giàu có, họ kinh doanh lãnh vực khác đỡ vất vả hơn. Họ bán tiệm và chỉ nghề cho người Đại Hàn và Philippine. Trong vùng này chỉ còn mình tao theo nghề này, nhưng tao sẽ bán tiệm, về hưu. Tao thấy thương thân phận lưu vong của mày giống như tổ tiên tao đã từng lưu lạc sang đây. Tao muốn sang cái tiệm này cho mày và sẽ chỉ nghề để mày sinh sống. Giá thị trường bây giờ khoảng hai trăm ngàn, tao hô lên là đám Đại Hàn sẽ chớp ngay. Nhưng tao sẽ ưu tiên cho mày, nếu mày muốn.”

       

Trước lời đề nghị bất ngờ của ông ta, tôi ú ớ.Vì hai trăm ngàn quá lớn, đào đâu ra. Tôi trả lời: “Cảm ơn lòng tốt của ông, nhưng làm gì tôi có số tiền lớn như vậy?”  “Đừng quá lo, không phải trả một lúc hai trăm ngàn đâu, mà chỉ cần có hai mươi phần trăm đặt cọc (down payment), còn lại tao sẽ chỉ cách vay ngân hàng, rồi trả dần hằng tháng. Với thu nhập của tiệm, chỉ vài năm là hết nợ - sau đó mày sẽ rủng rỉnh.”

       

Linh tính báo cho tôi biết đây là dịp may, nên tôi mạnh dạn trả lời - “Ông cho tôi vài ngày đi mượn tiền, nếu có đủ tôi sẽ mua.” Ông ta đồng ý.

     

Về nhà tôi trình bày sự việc. Anh em, bạn bè mỗi người cho mượn một ít. Tôi đủ tiền đặt cọc. Thế là từ một thằng với hai bàn tay trắng trở thành ông chủ có gần mười công nhân làm việc. Ngẫm ra mới thấy mọi sự xảy ra trong đời đều có cơ duyên. 

       

Đúng như ông già Do Thái nói, chỉ gần hai năm tôi trả dứt nợ và rủng rỉnh được mấy năm. Sau đó tiệm bắt đầu đi xuống vì hàng may mặc bằng vải cotton của Trung Quốc tràn ngập với giá rẻ rề và không cần dryclean… lại thêm dân làm văn phòng (cổ trắng) đi làm không bắt buộc phải mặc “complet” như trước mà có thể mặc quần Jean, áo pull vào sở làm. Trước đây, mỗi tuần phải đem giặt ủi bộ “suit” một lần thì nay cả tháng họ mới đem đồ bỏ giặt. Vì hai lý do đó, tôi quyết định sang tiệm gấp dù lỗ vài chục ngàn. Lúc đó tôi qua tuổi sáu mươi.

       

Nhớ lại thế hệ cha ông ngày trước, bước vào tuổi sáu mươi đã cho là già và nghĩ đến chuyện vui thú điền viên. Quan niệm ấy đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi và mỗi khi nghe Hùng Cường ca bài “Sáu Mươi Năm Cuộc Đời” của Y Vân: “Anh ơi! Có bao nhiêu sáu mươi năm cuộc đời? Hai mươi năm đầu, sung sướng không bao lâu. Hai mươi năm sau, sầu vương cao vời vợi. Hai mươi năm cuối là bao. Ơ là thế, đời sống không được bao…” là tôi không còn muốn bon chen.

        

Tôi quyết định về hưu sớm lúc sáu mươi hai tuổi để vui chơi với đời. Ngồi nhẩm tính với số tiền tiết kiệm để trong ngân hàng tôi có thể sống phây phả đến tám mươi vẫn còn dư.

       

Nhưng cuộc sống ở Mỹ không đơn giản - thật nghèo thì có cơ quan An sinh Xã hội giúp đỡ hoặc thật giàu thì lấy của che thân - còn cái đám không giàu mà cũng chẳng nghèo thì phải tính toán lo toan.

       

Nạn lạm phát và giá cả hàng tiêu dùng cứ tiếp tục leo thang. Nếu nhớ không nhầm, khi tôi đến Mỹ năm 1986, giá xăng chỉ 99 cents một gallon, năm tôi về hưu 2007 lên gần 2 dollars; bao thuốc lá khoảng 60 cents, lên trên 4 dollars; một cái hamburger khoảng 1dollar, bây giờ tăng gấp đôi (đó là giá cả tôi nhớ vào năm 2007, hiện tại còn cao hơn). Nhưng cái nhức nhối là bảo hiểm sức khỏe - tăng giá hằng năm. Tôi về hưu non, nên phải mua bảo hiểm sức khỏe - mỗi tháng tám trăm dollars (cách đó mấy năm chỉ trả bốn trăm đô). Nhẩm tính số tiền có trong ngân hàng, chỉ còn đủ cho tôi sống đến bảy mươi tuổi là cùng.

       

Kẹt một nỗi là ở Mỹ, người ta bảo “tám mươi chưa phải là già.” Ở Việt Nam đến tuổi sáu mươi cho là thọ, bảy mươi cho là hiếm (thất thập cổ lai hy). Nếu tôi sống đến tám mươi tuổi, thì phải “ăn mày” ít nhất mười năm - không ăn mày xã hội thì cũng ăn mày con cái. Thực tâm tôi không muốn điều đó xảy ra.

        

Một hôm gặp người bạn cũ đang làm nghề thầy giáo, tôi tâm sự nỗi lo âu. Anh ta bảo: “Vậy xin vào làm việc ở trường học để được cái bảo hiểm sức khỏe - tốt lắm!” Tôi hỏi: “làm phu trường ấy à?” Lúc đó trong đầu tôi hiện ra hình ảnh ông phu trường già, ngày ngày cầm chổi quét rác quanh sân và đóng mở cổng trường… Tôi nản quá nên mới hỏi thế.

        

Anh bạn tinh ý đoán biết suy nghĩ của tôi, cười và bảo: “Trường học bên Mỹ này, ngoài thầy giáo, còn có nhiều công việc phục vụ cho học sinh chứ không như ở Việt Nam mình, chỉ có một ông phu trường lo quét dọn, trông coi tổng quát và chuyên rình bắt học trò leo rào trốn học.” “Vậy những công việc cụ thể như thế nào?” “Như đứng cầm bảng chỉ dẫn cho học sinh qua đường giống như cảnh sát giao thông, phục vụ bữa ăn trưa cho học sinh, làm tạp dịch như lau sàn nhà, dọn dẹp nhà vệ sinh, coi an ninh tổng quát, làm tài xế xe bus hay phụ tài xế giúp các học sinh khuyết tật lên xuống xe bus, làm công việc bảo trì như thay bóng đèn, sửa lại cái bàn, cái ghế không cần tay nghề cao - ai làm cũng được.”

       

Sau khi nêu lên một số công việc, ông bạn gợi ý: “Công việc thì nhiều, nhưng xem ra chỉ có việc phụ tài xế xe bus, tiếng Anh gọi Bus Attendant là thích hợp với tuổi già - vừa dạo mát xem hoa, vừa kiếm tí tiền, lại có thêm cái bảo hiểm sức khỏe của nhà nước tốt số một, không có hãng bảo hiểm tư nhân nào qua mặt được.

      

“Thế là tôi nhờ ông bạn điền đơn xin việc trên máy computer (online). Hai tuần sau, tôi được gọi đến phỏng vấn, làm một số thủ tục và được huấn luyện để làm cái nghề “dạo mát xem hoa” như ông bạn tôi đã nói. Tôi đã gắn bó công việc này hơn mười hai năm mới thực sự về hưu. Tôi thường nói với người thân và bạn bè đây là cái “job thơm” đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm và tôi thường kể cho mọi người nghe về hai kỷ niệm không bao giờ quên:

 

Lam Lo Xe Bus 2
Hình do tác giả cung cấp


Kỷ niệm thứ nhất là ngày đi làm đầu tiên bị thằng học trò giật kính lão.

 

Chuyện xảy ra thế này: Trên đường đi đón học sinh, bà tài xế bảo tôi: “Chốc nữa sẽ đón thằng Sharlie, học lớp Ba, nó mắc bệnh hiếu động nên khi lên xe ông phải seatbelt cho nó cẩn thận, đừng để nó chạy phá lung tung và ngồi bên cạnh trông chừng.” Khi lên xe trông nó hiền như con mèo, rất dễ thương và để cho tôi làm nhiệm vụ. Bốc nó xong, xe tiếp tục chạy trên những con đường có nhiều cây anh đào đang độ khoe hoa. Tôi mê mẩn ngắm hoa và quên nhiệm vụ. Bỗng thằng Sharlie nhanh như cắt, giật cái kính lão của tôi bẻ cái rụp. Bà tài xế nhìn kính chiếu hậu, thấy vậy chẳng chút ngạc nhiên mà tủm tỉm cười và nói: “Tôi quên nhắc ông cất cái kính vào túi, hai ông attendants trước đây đều bị nó bẻ kính. Nghe nói trong trường thầy cô giáo đứng gần nó mà đeo kính là nó giật bẻ nát. Không hiểu sao thằng này ghét người đeo lính đến thế. Mẹ nó đã  bồi thường cho người ta hơn mười cái kính. Bà ta là luật sư, rất tốt và sòng phẳng, rồi ông sẽ có cái kính mới.”

 

Kỷ niệm thứ hai là bị thằng học trò hỏi “giấy phép hành nghề.”

 

Theo luật lệ của Fairfax County Public Schools - các tài xế lái xe cho trường học (school bus driver) và người phụ tài xế (school bus attendant) phải mang thẻ hành nghề (badge). Hôm ấy, thằng John quậy phá gây ồn ào trên xe bus, tôi đến bảo nó ngồi yên. Nó nhìn tôi với thái độ thách thức, hỏi: “Ông làm gì ở đây?” Nó hỏi thế là vì hôm đó tôi để cái “thẻ hành nghề” khuất trong túi áo jacket, chứ nó còn lạ gì tôi - nó đã đi về trên chiếc xe bus này với tôi cả ba năm nay. Tôi giận lắm, nhưng kềm chế được, móc “cái thẻ hành nghề” giơ trước mặt nó, rồi nói: “Như vậy đủ tư cách bảo mày im lặng được chưa?” Nó cúi mặt, nói: “Yes Sir!”

       

Tôi muốn mắng nó một trận cho hả giận, nhưng tiếng Anh của tôi thuộc loại “ba rọi” - có mắng, nó cũng chẳng hiểu gì - không khéo khiến nó cười và coi thường cái uy của người Attendant.

 

“Biết phận mình, nên tôi rất “kiệm lời” khi nói tiếng Anh. Trong hơn mười hai năm làm attendant, tôi chỉ nói hai tiếng thông thường: “Quiet please!” khi đám học trò quá ồn ào và “Sit down please!” khi chúng nhao nhao đứng dậy chờ xuống xe khi xe chưa dừng hẳn. Ngoài ra tôi chỉ cười và ra dấu.

       

Ấy vậy mà được chúng nó thích và thương… Dịp Lễ Giáng Sinh, hay nghỉ hè, tôi nhận được những món quà như gói kẹo chocolate, cái gift card của tiệm cafe Starbucks…từ những bàn tay bé nhỏ với nụ cười và lời cảm ơn rất hồn nhiên ngây thơ.

       

Bây giờ đã về hưu, nhưng những hình ảnh thân thương nơi trường học vẫn sống mãi trong lòng tôi và mới đây một sự kiện xảy ra khơi lại một kỷ niệm, làm tôi xúc động…

       

Hôm ấy tôi lái xe trên con đường vắng, vừa quẹo phải, nhìn kính chiếu hậu thấy xe cảnh sát nháy đèn và hụ còi, tôi biết nó bắt xe mình, tôi tấp vào lề - chờ! Một thằng cảnh sát cao lớn đến. Tôi hạ kính xe. Hắn bảo: Driver’s Licence please. Tôi móc ví đưa cho nó bằng lái xe. Hắn lấy bằng lái xe, đi về xe cảnh sát. Tôi ngồi chờ, trong lòng có chút lo âu… Hơn năm phút sau hắn trở lại, hỏi: “Ông có biết bị phạm lỗi gì không?” Tôi trả lời: “Không!” Hắn bảo: “Đoạn đường này tốc độ cho 30 miles, ông chạy đến 50 miles; thứ hai đến đèn đỏ không ngừng mà quẹo phải ngay trên đường cấm quẹo khi đèn đỏ (No Turn on Red). Ba vi phạm này, ông có thể bị rút bằng lái xe. Tôi thốt lên “Oh my God!”

 

Hắn nhìn tôi cười cười, rồi hỏi: “Ông nhớ tôi là ai không?” “Không!” Hắn hỏi tiếp: “Ông còn nhớ thằng John - học lớp Ba, trường Great Falls Elementary School không?” Tôi bóp trán suy nghĩ, hình ảnh thằng John hiện ra, tôi trả lời: “Nhớ ra rồi! Cái thằng hay quậy phá trên xe bus, làm tôi nhức đầu với nó, nhưng tôi lại thương nó nhất, không biết lớn lên nó làm nghề gì, và đang ở đâu?”

 

Hắn có vẻ cảm động, nhìn tôi, nói: “Nó làm cảnh sát và đang đứng trước mặt ông đây này.” Tự nhiên tôi không còn xem nó là cảnh sát đang bắt tôi - sự ngăn cách biến mất và nói đùa với nó như một người thân: “Mày đó hả John? Lúc nào mày cũng làm rối rắm đời tao - lúc nhỏ mày hỏi tao cái thẻ hành nghề, bây giờ mày hỏi tao cái driver’s license.”

 

Hắn cười, nắm lấy bàn tay xương xẩu của tôi bóp nhẹ, rồi trả lại bằng lái xe và đưa tờ giấy vàng cho tôi ký với lời ghi“cảnh cáo!” Nó đưa tay chào theo lối cảnh sát và nói: “Take good care of yourself, old man!” Rồi quay gót. Trên đường lái xe về nhà, lòng tôi rộn rã một niềm vui…

 

Khi còn làm việc, bạn bè thường bảo: “ông được hưởng lộc già” - đi làm như “đi dạo mát xem hoa” còn được hưởng ba tháng nghỉ hè du lịch đó đây.

      

Năm 2018, tôi về thăm quê nhà, bà con hỏi thăm bên Mỹ tôi làm việc gì? Tôi ú ớ! Nói làm School Bus Attendant thì họ không hiểu, tiếng Việt lại không có danh từ tương đương, tôi mô tả thì xem ra họ không hình dung được cái “Thiên đàng tuổi thơ ở nước Mỹ.” Tôi suy nghĩ: công việc mình làm là giúp tài xế lái xe School Bus, gần giống như anh “lơ xe” giúp tài xế lái xe đò ở Việt Nam, nên tôi trả lời: Làm “lơ” xe bus.

      

Bà con, anh em và các cháu, ai cũng nhìn tôi với vẻ thương hại…

 

 

Lê Đức Luận

 

(Tháng 4/ 2024)  

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
23/08/202422:22:19
Khách
Bài viết dễ thương vui quá , hay nhất là đoạn cuối gặp "thằng bé" John cảnh sát.
21/08/202417:24:26
Khách
Nghề <lơ xe > ở Mỹ thấy hay hay nhưng cũng đầy trách nhiệm vì phải lo cho đám học sinh còn nhỏ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,534
Chị Linh, cũng như vài anh chị thanh niên khác trong xóm, tình nguyện giúp phường xã quản lý chúng tôi mỗi mùa sinh hoạt hè. Trong khi các anh chị khác chỉ làm qua loa, lấy lệ, vui là chính, thì chị Linh lại hăng say một cách nghiêm túc. Nhớ có lần chào cờ, chị Linh đứng nghiêm, tay phải đặt lên ngực trái, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, miệng còn nhẩm hát bài Quốc Ca say mê thắm thiết, làm tôi và thằng Hà bụm miệng cười, báo hại sau đó chị Linh kêu hai đứa đứng dưới cột cờ, phê bình kiểm điểm, không cho tham gia sinh hoạt bữa đó luôn. Về nhà, tụi tôi kể cho chú Bảy, ba của thằng Hà nghe, chú là thương binh thời VNCH bị cụt chân nên không phải đi “học tập cải tạo”.
Có nhiều bạn được quý mến không phải vì giàu sang, địa vị hay có tài năng mà bởi những điều dễ làm cho người khác mến mộ như lòng chân thành, sự nhẫn nại, biết lắng nghe, một cái bắt tay ấm áp với ánh mắt thân tình, một nụ cười khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, dễ chịu...
Dòng kí ức dẫn dắt chị về miền quá khứ. Chị mang theo con trai đến Mỹ lúc thằng Huy vừa tròn một tuổi để đoàn tụ với gia đình. Chị không bất ngờ nhiều về quyết định chọn trường đào tạo sĩ quan West Point của con trai vì hồi còn nhỏ, con trai chị rất thích chơi với các chú lính chì và thích trở thành một người lính khi lớn lên. Là mẫu người phụ nữ “cá chuối đắm đuối vì con”, chị đã khước từ một vài người đàn ông theo đuổi chị để dành hết tất cả tình thương cho con trai. Chị dành hết toàn bộ thời gian rảnh của mình để chăm sóc con. Chị vẫn biết rồi một ngày con trai chị sẽ rời khỏi vòng tay chị để theo đuổi ước mơ của con nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng khi con chị muốn đi học ở một tiểu bang xa xôi.
Một nhân viên nhà thờ Warren Presbyterian Church nói có người muốn gặp tôi. Anh xuất hiện với đôi má thỏm sâu, mắt lạc thần, đặc biệt tóc rậm rạp dựng đứng cứng như rễ tre. “Chào anh. Tôi tên Thắng. Anh tên gì?” tôi hỏi. “Em tên Trị. Em mới qua Mỹ được sáu tháng năm ngoái 2003. Em muốn chết,” anh nói trong hơi thở hổn hển, “Chị vợ em bảo lãnh hai vợ chồng em và hai đứa con em, đứa 12 tuổi, đứa 7 tuổi, rồi cho ở free dưới basement mấy tháng nay mà cứ nói nặng nói nhẹ hoài. Tụi em đi làm nhà hàng, chở nhau bằng xe đạp té lên té xuống vì tuyết. Em muốn chết.”
Kiếm sống cũng có năm bảy đường, kiếm sống vừa hợp pháp, vừa chánh mạng thì càng quý. Thế gian có nhiều nghề hợp pháp nhưng lại là tà mạng, chẳng hạn như: mua bán rượu, cần sa (tùy tiểu bang), mở hộp đêm, giết mổ gia súc, sản xuất hay mua bán vũ khí… Mình có vài người bạn làm ở hãng LM, một hãng sản xuất vũ khí hàng đầu của nước Mỹ, rõ ràng là nghề hợp pháp nhưng chiếu theo lời Phật dạy thì lại không chánh mạng. Bạn mình cũng phân vân và ray rức, tuy nhiên vì lương cao, phúc lợi xã hội đầy đủ và cũng không dễ tìm được việc khác nên vẫn phải làm. Có lần bạn mình bị tai nạn đứt ngón tay, hãng bồi thường một món tiền lớn và bạn mình tâm sự: ”mình đứng máy sản xuất đạn dược, vũ khí đã gây chết chóc và thương tích cho người khác, có lẽ tai nạn này cũng là một sự trả quả”. Mình thật sự cũng chỉ biết an ủi một cách thường tình chứ cũng không biết nói gì hơn.
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.
Từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, khi đã rời quê hương để định cư ở nước ngoài thì người Việt đã xem như mất tất cả, vì họ không mang theo được gì đáng kể ngoài lòng yêu nước và di sản văn hóa, trong đó có âm nhạc được xây dựng dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nếu con người cần có nhu cầu vật chất tối thiểu để tồn tại thì âm nhạc chính là nhu cầu tinh thần giúp cho đời sống của họ thêm phong phú và ý nghĩa. Những bản nhạc gợi nhớ biết bao kỷ niệm một thời của từng cá nhân với quê hương, đất nước. Âm nhạc do đó chính là nhu cầu có thể nói là bức thiết đối với người lớn tuổi ở hải ngoại. Tiếng Hạc Vàng là chủ đề của cuộc thi hát do đài truyền hình SBTN thành phố Garden Grove, California tổ chức dành cho người từ 55 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ và nơi cư trú.
Như vậy, tính đến nay, “Vườn đào Washington” đã có tuổi đời hơn 100 năm và đã để lại cho người dân Mỹ và du khách thập phương với biết bao ấn tượng về một vườn đào rực rỡ, nồng ấm tình hữu nghị của hai đất nước Mỹ- Nhật. Và cũng từ đó, mỗi năm khi hoa anh đào nở, chính phủ Mỹ đã tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú, thu hút mọi người và hình thành nên nếp văn hóa đặc sắc với sự tham gia của các vị Đệ nhất phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ. Nếp văn hóa ấy, được gọi là “Lễ hội hoa anh đào”.
Tác giả Võ Phú tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Hoa Kỳ, 1994; tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Tác giả hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.
Lúc đó chồng tôi làm việc cho casino tên Nevada Club. Bob là quản lý làm việc lâu năm tại đó nên y đã dẫn dắt nghề nghiệp cho chồng tôi, cất nhắc từ việc giữ an ninh (security) đổi qua làm thợ sửa chữa và bảo trì những cái máy kéo tiền (slot machine) Lúc đó máy kéo tiền kiểu xưa, đúng nghĩa “kéo tiền” là đút tiền cents (đồng xu) vô cái kẽ hở của máy rồi cầm cây cần kéo xuống bằng tay chớ hổng có bấm nút như bây giờ. Mỗi khi trúng, ít nhiều gì, tiếng kêu loảng xoảng của tiền xu đổ xuống nghe cũng vui tai lắm. Lấy ly mà hứng. Đầy tràn rớt ra ngoài loảng xoảng. Hễ trúng độc đắc thì tiếng loa của máy réo rầm trời đèn màu thì chớp chớp như trên sân khấu nhạc kích động vậy. Mọi người đều ngưng tay kéo, ngó coi ai là người quá may mắn mà ao ước, mà vui theo.
Nhạc sĩ Cung Tiến