Hôm nay,  

Cổ Tích Giữa Đời Thường

13/06/202406:00:00(Xem: 6303)
iStock-1173258955
Photo: istock.com

                                                                                   

Tác giả tên thậtTrần Hương Thủy hiện sống tại South Carolina. Tác giả là một cây bút được yêu mến và đọc nhiều trong giải thưởng VVNM. Bà vừa nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm 2023.

 

*

 

Công cha như núi Thái Sơn…

 

Vợ mất khi hai đứa con ông còn nhỏ dại. Thằng anh chỉ mới chín tuổi và con em chỉ vừa lên bảy. Cảnh gà trống nuôi con thật chật vật, khó khăn trăm bề. Nhưng ông không muốn đi bước nữa, phần nhớ thương người vợ đã khuất, phần nữa, sợ 

Mấy đời bánh đúc có xương. Các con đã sớm mồ côi mẹ, ông không muốn chúng chịu thêm nỗi bất hạnh nào nữa. 

 

Ông đi dạy ở trường. Trưa ông về nấu cơm nước cho con ăn, đưa con đi học rồi nhờ hàng xóm đón về. Xong, ông lại tất bật chạy trở lại trường cho kịp giờ chiều. Tội nghiệp hai đứa con, tụi nó sớm biết lo, chỉ một vài năm sau là có thể tự đi học , nấu cơm nấu nước nên ông cũng đỡ nhọc nhằn.

 

Lúc thằng anh mười bốn tuổi, gia đình bên vợ tổ chức vượt biên, có báo cho ông hay. Mang tiếng là người trong nhà, nhưng cũng phải sòng phẳng, nghĩa là 2 cây cho một đầu người. Lương nhà giáo như ông, kiếm đâu ra cho đủ vàng để nạp? Nhà chỉ có cái ti vi và chiếc xe Honda là đáng giá, ông đem đi bán và vay mượn thêm bạn bè được cả thảy gần 2 cây. Phải năn nỉ đến gãy lưỡi, cậu Hai mới đồng ý cho hai đứa nhỏ đi cùng. Vì tương lai của các con, ông đành rứt ruột xa chúng. May ra chúng được học hành đến nơi đến chốn, được sống đời tự do.

 

Nhờ trời thương, chuyến đi của con ông thuận buồm xuôi gió. Đến đảo vài năm, chúng được nhập cư vào Mỹ. Ông đạp chiếc xe cọc cạch đi dạy. Về nhà, ông lủi thủi ra vô một bóng. Buồn hay khổ có nhằm nhò gì đâu, miễn là hai đứa con ông có cuộc sống tốt.

 

Lúc đầu thư đi thư về đều đặn, ông gửi niềm thương nhớ vào những trang thư. Sau rồi thỉnh thoảng ông mới nhận được tin con. Nhưng ông tự an ủi là con bận học hành, làm thêm … Có biết bao nhiêu khó khăn trong đời tha phương.

   

 Có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Ông bà mình nói thật không sai. Nghề giáo bề ngoài thì đạo mạo, nhưng cái ung nhọt thối tha bên trong thì cũng không kém cạnh những nghề khác. Trường có hai phe nhóm rõ rệt. Hiệu trưởng được bổ nhiệm từ miền Bắc vào. Nên không lạ gì khi những thầy cô giáo không có “gốc gác” như ông lần lượt bị “triệt tiêu”.

 

Cũng may ông có người bạn dạy ở trung tâm Anh ngữ giới thiệu ông vào đó. Số giờ dạy ở trung tâm không nhiều, nhưng nhờ uy tín trung tâm, ông có thêm một số học sinh để dạy thêm ở nhà. Đất nước bắt đầu “mở cửa”, nên việc học ngoại ngữ đã thành một nhu cầu của xã hội.

 

Cuộc sống ông đang tạm bình ổn thì được tin thằng Hiếu đưa gia đình về thăm quê hương. Khỏi nói cũng biết ông vui đến chừng nào. Ông lui cui dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế. Trần nhà cao, nên ông phải sang nhà bên cạnh mượn cây thang. 

 

- Lấy cây thang làm gì vậy thầy? Anh Bảy ngạc nhiên hỏi.

 

Chỉ chờ có thế, ông hí hửng khoe:

 

- Tui quét ba cái màng nhện, dọn dẹp nhà cửa đón thằng hai với vợ con nó về chơi đó mà.

 

Anh Bảy nhiệt tình:

 

- Chà, lần này gia đình thằng Hiếu về chắc là thầy vui dữ à. Thôi, thầy để đó, chút tui kêu thằng con đem thang qua quét dọn giúp cho. Thầy có tuổi rồi, đừng trèo leo. 

 

- Cảm ơn anh Bảy nghe. Ông cảm động.

 

- Có gì đâu, hàng xóm mà thầy.

 

Tin thằng con Việt kiều của ông thầy về thăm cha lan nhanh khắp xóm. Ai gặp ông cũng chúc mừng làm ông càng thêm nô nức.

 

- Ba bán nhà rồi qua ở với con. Nhà cửa Saigon giờ có giá lắm. Tiền đó con gởi ngân hàng cho ba dưỡng già, khỏi lo gì hết.

 

Ông suy nghĩ lung lắm lời đề nghị của thằng Hiếu. Tính đi tính lại, cuối cùng ông cũng xuội theo ý con. Thôi thì qua đó có cha có con, chẳng phải hơn sao. Xóm nhỏ lại một lần nữa xôn xao. Thủ tục giấy tờ tiến hành thuận lợi. Thoắt đó mà mọi thứ cũng xong. Hôm tiễn ông đi, anh Bảy ngồi trầm ngâm bên tách trà:

 

-  Ông thầy qua đó với con tui cũng vui lây. Chỉ lo thầy buồn khi sống ở xứ người . Với lại…

 

Anh Bảy bỏ lửng câu nói. Nhưng ông hiểu ý anh bạn già:

 

- Hổng sao đâu anh, con mình, mình hiểu tánh ý mà. Tiền bán nhà cũng còn đó cho tôi dưỡng già.

 

Vậy là ông khăn gói lên đường. Số tiền bán nhà, ông đã chuyển trước phần lớn cho thằng Hiếu theo cách nó hướng dẫn. Số ít còn lại, đúng quy định của nhà nước, ông mang theo người, định cho con gái. Nhưng Hiếu không chịu:

 

- Ba là ba sống với vợ chồng con, chứ đâu có ở với con Út mà đưa cho nó.

 

- Ba nghĩ con nào cũng là con. Cho nó một chút cho nó vui. Ông phân trần.

 

Vợ Hiếu chen vào:

 

- Tiền tụi con giữ đây cũng là giữ cho ba mà, chứ có cho tụi con đâu.

 

Đến nước này, ông đành thôi, để cho vui cửa vui nhà. Mà, cửa nhà cũng chỉ vui được khoảng một tháng đầu. Sau đó thì thằng con bắt đầu bóng gió về tiền bill. Nó tắt hết máy sưởi khi đi làm. Mùa đông nhà lạnh lắm, có bữa không chịu nổi, ông bật máy sưởi lên, thì lúc về nó càm ràm suốt tối. Ông thôi không dám bật máy sưởi lần nào nữa, chỉ ráng mặc thêm áo ấm, mang thêm vớ và bao tay. 

 

Rồi đến vợ Hiếu nhăn nhó về tiền chợ. Ông buồn lòng lắm. Già rồi, ông ăn uống có bao nhiêu. Miếng cơm ngậm trong miệng chỉ chực nghẹn lại. Buổi sáng trước khi rời nhà, vợ Hiếu kêu ông, dặn:

 

- Đồ trong tủ lạnh con để nấu ăn trong tuần. Ba đừng lấy ăn nghe. 

 

Ông chưa kịp nói gì thì nó đã bước ra cửa. Buổi trưa, khi mở tủ lạnh định kiếm đồ ăn trưa, ông thấy từng chiếc hộp đựng thức ăn, dán giấy ghi rõ từng ngày: Thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy. Ông đành nhịn đói, chờ đến chiều con dâu về nấu ăn cho cả nhà. 

 

Một ngày cuối tuần, Hiếu kêu ông chuẩn bị đồ sang nhà con Út chơi vài bữa. Hiếu đưa ông đến nhà con Út và bảo:

 

- Mày để ba ở đây vài bữa, nhường phòng ổng cho ông bà già vợ tao sang chơi nghe.

 

Vậy là ông ở nhà con Út. Nói nào ngay, ở đây ông được ăn uống đủ bữa hơn, và có máy sưởi ban ngày ấm áp. Nhưng đến ngày thứ chín thì con Út chở ông về lại nhà anh. Vừa nhác thấy bóng ông, vợ Hiếu mát mẻ:

 

- Chà, con gái hiếu thảo ghê. Chăm cha được mấy bữa đó….

 

Con Út sừng sộ trả đũa:

 

- Ai ăn tiền của ba thì ráng trả nợ ba đi. Tui đâu có giữ cắc nào mà phải nuôi ổng. 

 

Nghe hoàn cảnh ông, ông Nhân, một trong những người bạn già của ông đề nghị:

 

- Tui bàn với bà xã rồi. Nếu ông muốn thì qua ở với hai vợ chồng tui, rồi mùa hè thì cắt cỏ, mùa đông thì xúc tuyết mướn đắp đổi qua ngày như tui vậy. 

 

Thì ông muốn quá đi chớ. Vì còn cách nào nữa đâu. Khi chở ông sang tiểu bang Michigan, Hiếu nói:

 

- Là ba đòi đi chứ hổng có ai đuổi ba hết nghe. Mà ba đi rồi thì đừng về lại, vợ con nó hổng vui đâu. 

 

- Ừ, thì ba cũng có muốn làm phiền con cái đâu. Ông trả lời xuôi xị.

 

Người ta sống được thì mình sống được. Ông nghĩ vậy. Nhưng cả đời ông chỉ quen cầm cục phấn cây viết, chứ có làm việc chân tay bao giờ đâu. Hơn nữa, ông mới vừa sang đây, già cả rồi làm sao thích ứng được khí hậu khắc nghiệt của mùa đông nơi xứ sở băng giá này.

 

Ngày đầu tiên làm việc, ông dậy sớm cùng với ông Nhân. Cũng mang ủng, quàng khăn. Cũng áo khoác, găng tay. Chân ông thọc sâu vào lớp tuyết dày. Gió thổi mạnh tốc theo từng cơn buốt tận xương tủy. Trong khi ông Nhân xúc tuyết một cách thành thạo, thì ông lóng ngóng tay chân, đầu óc quay cuồng theo cái rét. Ngày đầu tiên qua đi. Ông tưởng chừng xương cốt mình rệu rã. 

 

Cố đến ngày thứ ba, thì ông ngã bệnh. Cái lạnh kinh khủng của mùa đông nơi này đã làm chứng bệnh suyễn kinh niên của ông được dịp bộc phát. Hơi thở ông khò khè như ai kéo ống. Những cơn ho liên tục làm ông gập cong người. Nhưng ông không có bảo hiểm sức khoẻ, cũng không có tiền đi bác sĩ.

 

Ông Nhân chạy ra CVS mua thuốc cho ông uống tạm. Bà Nhân hí húi nấu cháo cho ông ăn lấy sức. Hai vợ chồng tận tình chăm sóc ông như người thân. Nhưng họ càng tốt với mình, ông càng thấy áy náy. Ông không muốn mình trở thành gánh nặng của bạn. Họ cũng khó khăn, chứ nào dư dả gì. 

 

Cuối cùng, ông quyết định trở về nước. May ra còn có đường sống. Chứ xứ lạ quê người, con cái cũng không trông mong được gì… Ông Nhân gọi cho bạn bè, quyên góp được một chút tiền, để ông mua vé máy bay và dằn túi phòng thân.

 

Ông trở về xóm cũ. Không nhà không cửa. Tứ cố vô thân. May nhờ anh Bảy nghĩ tình cho ở nhờ. 

 

- Thôi, ông thầy cứ tạm ở đây. Rồi từ từ tính tiếp. 

 

Trước mắt là vậy. Nhưng chỗ dạy ở trung tâm thì đã có người thay thế. Thời buổi khó khăn, kiếm việc làm đâu dễ. Huống chi ông đã già rồi. Số tiền dành dụm cứ vơi dần đi. Lòng ông như có lửa đốt.

 

Buổi tối ông ngồi ngoài hiên nhìn qua căn nhà cũ, ánh mắt rưng rưng. Anh Bảy đến bên cạnh lúc nào ông cũng không hay. Mãi đến khi anh ấy cất lời, ông mới giật mình lấy tay lau vội mắt.

 

- Thôi, đừng buồn nữa ông thầy. Trời cao có mắt mà.

 

Trời có mắt hay không, ông không biết. Ông chỉ thấy trời cao quá và lòng người đổi thay nhiều quá. Nên dẫu là đứa con mình sinh thành dưỡng dục, cũng không làm sao lường hết được lòng. 

 

Mà  có lẽ trời có mắt thật. Như những câu chuyện cổ tích, mỗi khi nghe tiếng khóc, thì bụt lại hiện ra và giúp đỡ người hiền. Khi hốc mắt của ông tưởng chừng khô cạn, thì ông Nhân lại gọi điện về báo tin vui. Số là có ông bạn đồng môn qua Mỹ đã lâu theo diện HO. Ông ấy có đứa con làm giám đốc một phân xưởng may mặc. Phân xưởng này hiện đang cần người giữ kho. Công việc thì nhàn, nhưng buồn bởi suốt ngày phải ở trong kho, và kho nằm nơi xa xôi hẻo lánh. Trời ơi, có được chỗ làm nhàn nhã là quý lắm rồi. Còn buồn thì… có gì buồn hơn cuộc đời ông.

 

Vé máy bay được công ty ứng tiền mua cho ông. Vậy là ông từ giã anh Bảy và lại khăn gói lên đường sang Mỹ. Lần này thì ông có công việc làm đàng hoàng, có bảo hiểm sức khỏe. Ban ngày, cũng có người làm việc với ông trong kho. Họ thay phiên nấu nướng, ăn uống, trò chuyện cùng ông. Máy sưởi được mở suốt mùa đông. Ông thật sự hội nhập vào đời sống Mỹ. 

 

Nói chung là kết cuộc có hậu. Nhưng sao đọc câu chuyện viết về cuộc đời mình, ông không cười vui mà lại rưng rưng nước mắt?

 

 

Biển Cát

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
01/07/202418:49:28
Khách
Cảm ơn Tác Giả, miết bai việt hay.
26/06/202413:51:18
Khách
Cảm ơn bạn đã đọc và góp ý.
Thân ái.
15/06/202416:31:34
Khách
Cám ơn tác giả viết bài này để cảnh cáo cha mẹ Việt Nam ở Mỹ vì có một số con cái bất luơng trở quẻ lấy tiền bán nhà của cha mẹ rồi bỏ rơi. Nhiều nguời bị con cái gạt bán nhà cửa đến ở giữ cháu free nhưng khi quá gìa thì bị con cháu ép vào duỡng lão sống một mình. Không phải con cái nào cũng bất nhân với cha mẹ nhưng có một số bị vợ chồng bàn ra tán vào để bỏ rơi cha mẹ homeless. Cha mẹ ở Mỹ phải biết tự lo đến thân mình khi về già, đừng giao tài sản cho con truớc khi chết để khỏi bị nắm dao đằng luỡi .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,403
Để cục pin mới vô, chỉnh lại, cái đồng hồ tik tok tik tok đều đặn. Lần đầu gặp nhau, khi Cô Ba đi làm về. Dựng chiếc Yamaha Dame màu xanh cây trong sân, bước vô cửa, thấy anh ngồi trong phòng khách đang nói chuyện với anh rể. Phép lịch sự, gật đầu chào một cái rồi te te thẳng vô phòng trong, thay đồ. Thời gian đó cô không ưa gì người Mỹ. Sau đó thì anh tới nhà gặp anh rể, gần như mỗi buổi chiều, có khi còn cầm bó bông Lay-ơn màu đỏ, đưa tặng cô, mà không nói tiếng nào. Ngó những cành bông đã nở bung ra, không còn cái nụ chúm chím nào hết mà thấy mắc cười. Má cô nói -Chàng Mỹ thiệt thà bị mấy cô bán bông trong mấy cái ki-ốt dụ bán những bó bông sắp sửa tàn rồi
Tôi là một đứa con gái được sinh ra đời dưới một vì sao… xẹt. Thật tình mà nói, bây giờ nhìn lại, tôi không biết mình là ngôi sao tốt hay xấu nên tôi gọi nó là “sao xẹt” cho rồi. Tôi “xẹt” vào bụng mẹ lúc nào thì không biết, chỉ biết hơn chín tháng sau tôi xẹt ra ngoài giữa cơn hỗn loạn binh đao của đất nước. Quê hương tôi đó! Hình cong như chữ S với hơn 4000 năm Văn Hiến đang giẫy giụa hấp hối để bước sang một trang sử mới. Một trang sử đã chia cách mẹ cha tôi mỗi người một phương. Một trang sử đã biến đổi và cuốn hút mẹ cha vào cơn lốc xoáy cuộc đời nói riêng, mà giờ phút đó không ai có thể làm chủ cuộc đời mình được. Một trang sử hãi hùng nói chung đã làm quê hương tôi sụp đổ, đồng bào tôi nước mất nhà tan, kẻ sống còn phải lưu linh lưu địa khắp năm châu. Người kẹt lại chịu tù đày khổ ải bởi sự “khoan hồng độ lượng” của cách mạng như lời “nhà nước” ta hằng tuyên bố thời bấy giờ...
Tiếng bánh xe máy bay chạm đất làm tôi bừng tỉnh. Thế là chuyến bay dài như trắc ẩn trong lòng mấy mươi năm xa đã về đến quê nhà, trắc ẩn trong lòng về chuyện My chưa hề nguôi sau nhiều năm không gặp, nhiều năm muốn quên nhưng lòng lại nhớ My hơn… Đã đến lúc phải đối mặt với thực tế. Kẻ trốn chạy tay không nên ngày về cũng không hành lý, chỉ phải chờ mọi người lần lượt xuống máy bay là văn minh học được ở xứ người. Vừa bước ra khỏi máy bay đã nghe mùi áp bức, khó thở, sôi máu vì thiếu tự do… Nhưng mặc kệ mùi quê cũ mang theo đã mấy chục năm ra đi vẫn nguyên vẹn trở về...
" ... Con đang đi làm lắp ráp đồ điện tử ban ngày, còn ban đêm đi học thêm Anh Văn để mai mốt có cơ hội đi học lại. Mấy đứa Mỹ làm chung mỗi lần kêu tên con, tụi nó cứ kêu lơ lớ, đứa thì Muối, đứa thì Muỗi, nghe vừa tức cười mà cũng dễ giận nữa. Không hiểu tại sao con thèm được nghe ai gọi tên mình cho thiệt là đúng. Hồi xưa còn ở bên nhà con cứ mặc cảm với cái tên mộc mạc của mình, bây giờ nghĩ lại thấy trẻ con quá phải không má? Tại hồi đó sống gần gia đình, có sự thương yêu đùm bọc của ba má, rồi sinh tật đòi hỏi cái này cái khác. Chứ như bây giờ, nếu phải mang cái tên nào quê mùa cục mịch hơn cái tên Mùi của con, mà được ở gần ba má với mấy em, con cũng chịu liền một khi ..."
Tháng Sáu mùa tươi vui của khung cảnh hạ, không còn những cơn mưa và khí hậu lạnh rét run nữa. Trời trong sáng, nắng rực rỡ sắc hồng, cây cối xanh tươi, các loài hoa thi nhau khoe đủ sắc màu, nhất là những đóa quỳnh hồng, vàng nở tuyệt đẹp. Từ đầu tháng đến giờ tôi đi dự nhiều buổi lễ và sinh hoạt trong cộng đồng. Trước tiên là “Mừng Ngày Truyền Thống Cảnh Sát Quốc Gia 1 tháng 6”, kế tiếp “Đại Hội Thiết Giáp QLVNCH”, “Lễ Father’s Day” do hội Phụ nữ Bắc Cali tổ chức phối hợp cùng các anh lính Thủ Đức trong nhóm “Cà Phê Lính”.
Anh bạn tinh ý đoán biết suy nghĩ của tôi, cười và bảo: “Trường học bên Mỹ này, ngoài thầy giáo, còn có nhiều công việc phục vụ cho học sinh chứ không như ở Việt Nam mình, chỉ có một ông phu trường lo quét dọn, trông coi tổng quát và chuyên rình bắt học trò leo rào trốn học.” “Vậy những công việc cụ thể như thế nào?” “Như đứng cầm bảng chỉ dẫn cho học sinh qua đường giống như cảnh sát giao thông, phục vụ bữa ăn trưa cho học sinh, làm tạp dịch như lau sàn nhà, dọn dẹp nhà vệ sinh, coi an ninh tổng quát, làm tài xế xe bus hay phụ tài xế giúp các học sinh khuyết tật lên xuống xe bus, làm công việc bảo trì như thay bóng đèn, sửa lại cái bàn, cái ghế không cần tay nghề cao - ai làm cũng được.” Sau khi nêu lên một số công việc, ông bạn gợi ý: “Công việc thì nhiều, nhưng xem ra chỉ có việc phụ tài xế xe bus, tiếng Anh gọi Bus Attendant là thích hợp với tuổi già - vừa dạo mát xem hoa, vừa kiếm tí tiền, lại có thêm cái bảo hiểm sức khỏe của nhà nước tốt số một...
rên bàn thờ cúng 12 bà mụ đầy tháng thằng cu Tí, mẹ tôi bầy nào xôi gấc, chè hương, bánh ga-tô, mâm trái cây ngũ quả, hoa lan tươi thắm, những ly nước nhỏ, nhang đèn nghi ngút khói, hai đĩa thịt vịt đầy ắp để trên một bàn khác để cho khách dùng bữa, còn trên bàn thờ chỉ bầy đồ chay cúng cho các bà mụ, tránh sát sinh cho cuộc sống bắt đầu của cháu được nhẹ nhàng. Chỉ một chớp mắt cu Tý đã được một tháng tuổi, cứng cáp hơn một chút, tiếng khóc to, rõ hơn và có vẻ biết mè nheo hơn. Cho con bú xong, vỗ nhẹ lưng cho tiêu, đặt con nằm vào giường của nó; nhìn nó ngon giấc, làm tôi nhớ lại những tháng ngày chật vật, chỉ mới cách đây một năm thôi, tôi rùng mình hồi tưởng, tưởng chừng đã không có sự hiện hữu của sinh linh bé nhỏ yêu quý của ngày hôm nay...
Chỉ một mình tôi sinh sống ở Canada, trong khi tất cả gia đình, họ hàng đều ở bên Mỹ, nên gia đình nhỏ của tôi hầu như hàng năm phải bay qua xứ Cờ Hoa để thăm “nhà” và du lịch các nơi của 50 tiểu bang Mỹ Quốc. Tuy nhiên, trong khi nhiều tiểu bang chúng tôi ghé nhiều lần, riêng Hawaii sau vài dự định rồi bị hủy bỏ vì nhiều lý do, mãi mùa hè năm ngoái, chúng tôi mới có dịp đầu tiên đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này. Trước khi đi, con gái và thằng rể đã mày mò tìm hiểu trên Googles và có ý định thám hiểm cảnh thiên nhiên hoang sơ của Maui, nhưng vợ chồng tôi và mấy người em bên chồng đồng góp ý
Lệ Lê có giọng hát cổ nhạc đâm thấu tim thính giả. Có lẽ lai Mỹ nên Lệ Lê được trời phú giọng hát dây đào cao, làn hơi mạnh, trong, và ngân tự nhiên; lại thêm làn da trắng bóc trộn giống Á-Âu nên Lệ Lê một thời rất ăn khách trong làng cổ nhạc Việt hải ngoại. Trời thương Lệ Lê có trí nhớ tốt vô cùng thuộc đến cả gần trăm bài cổ nhạc đủ điệu, dài dai gấp hai, ba lần tân nhạc nên khách yêu cầu bản nào là xổ ra ngay bản đó. Cứ cả ngày rảnh rỗi mò mò vài nút máy thu âm cầm tay là Lệ Lê thuộc lòng lắm bài như kiểu nhồi sọ loa phường đã quen. Độc đáo hơn nữa, Lệ Lê mù nên rất dễ lấy nước mắt khách ái mộ. Sau cơn tiểu phẫu, Lệ Lê phát ù. Nhưng vẫn đẹp nét lai. Cứ lai là đẹp.
Thời gian gần đây trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng như ở Việt Nam bỗng nhiên phát sinh một câu hỏi là sống ở Mỹ sướng hay ở Việt Nam sướng? Vấn đề đặt ra giữa lúc có một số Việt kiều Mỹ phần lớn là đã lớn tuổi, đã về hưu nay quay về Việt Nam sống. Họ nói sống ở Việt Nam sướng và hết lời ca tụng Việt Nam, thì cũng được đi nếu họ không chê bai Mỹ, đả kích Mỹ và Việt kiều bằng những lời lẽ bịa đặt vu vơ...
Nhạc sĩ Cung Tiến