Hôm nay,  

Dịch vụ khách hàng

03/05/202400:00:00(Xem: 2274)

Tác giả đang ký sách VVNM tại Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ
Tác giả đang ký sách VVNM tại Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ

Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 bài viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18.
 
*
 
Người Mỹ có câu “Customer is king” (tạm dịch “Khách hàng là vua”) trong khi Việt Nam có câu “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” để nói lên sự quan trọng của dịch vụ khách hàng. Nếu cơ sở thương mại nào có dịch vụ khách hàng tốt thì cơ hội khách hàng trở lại trong tương lai sẽ cao hơn. Người Mỹ có thói quen cho tiền tip cho người phục vụ mình như người hầu bàn hoặc tài xế xe taxi hay nhân viên dọn phòng khách sạn. Phục vụ càng tốt thì tiền tip càng cao. Tuy người Việt Nam đã ở Mỹ gần nửa thế kỷ nhưng hình như chúng ta chưa ý thức được sự quan trọng của dịch vụ khách hàng.
 
Cách đây gần hai mươi năm, sau khi lập gia đình, vợ chồng hắn mua một căn nhà ngay giữa trung tâm Little Sài gòn. Sau khi sửa chữa ngôi nhà cho tươm tất, hắn được vợ giao cho nhiệm vụ đi mua TV. Vì vừa mới bỏ ra một số tiền lớn để mua và sửa nhà, hắn dè dặt trong việc mua TV. Hắn quyết định ra một tiệm buôn bán đồ điện tử của người Việt Nam với hy vọng sẽ tiết kiệm được ngân sách. Sau gần một tiếng ngắm nghía mọi loại TV trong tiệm, cái TV trưng bày giữa tiệm với bảng giá 50% off có vẻ hấp dẫn nhất với hắn. Người nhân viên bán hàng và cũng là con của chủ tiệm mời chào:
- Cái này là TV cuối cùng tụi em còn của năm nay. Vì là hàng trưng bày (floor model), tụi em giảm giá 50%.
 
Hắn lưỡng lự:
- Tôi nghe nói mỗi cái đèn của TV bây giờ chỉ tồn tại khoảng 5000 giờ. Nếu là floor model mà ngày nào cũng mở 10 tiếng hay hơn thì mua về sợ mau hư. 
 
Người bán hàng thuyết phục:
- Mỗi ngày tụi em chỉ mở cái TV này 2-3 tiếng thôi cho nên còn tốt lắm. Nếu anh quyết định mua, em để cho anh 60% off.
 
Thấy giá rẻ quá, hắn làm liều gật đầu đồng ý mua. Làm giấy tờ xong, người bán hàng nói:
- Vì đây là hàng mẫu và tụi em giảm giá mạnh cho anh, TV này mua rồi không trả lại được anh nhé.
Dù câu nói của người bán hàng làm hắn áy náy trong lòng, hắn đã lỡ phóng lao nên theo lao, gật đầu đồng ý. Người bán hàng cười tươi rói:
- Ngày mai em sẽ cho nhân viên chở TV tới nhà và setup cho anh nhé. Hắn gật đầu và bắt tay người bán hàng ra về.
 
Đúng như giao hẹn, hai ngày sau một chiếc xe truck của tiệm bán đồ điện tử kia đậu trước nhà hắn. Hắn mở cửa cho hai người nhân viên của tiệm khiêng cái TV to lớn vào nhà. Sau khoảng 15 phút cắm dây, anh nhân viên mở TV lên cho hắn và vợ xem thử. Chương trình TV đang chiếu phim do Brad Pitt đóng. Thấy hình ảnh của thần tượng, vợ hắn tru tréo một cách thảm thiết:
-Trời ơi! Sao kỳ vậy?  Brad Pitt đẹp trai phong độ sao hôm nay lưng còng 90 độ?
Anh nhân viên lắp bắp:
-Dạ nhiều khi do vận chuyển nên TV bị nhiễu sóng.  Để em báo cho bà chủ gởi chú chuyên viên kỹ thuật đến chỉnh lại.
 
Đúng hai ngày sau, chú nhân viên kỹ thuật đến.  Mở TV lên, chú lấy trong túi đồ nghề ra một cái vòng sắt và giải thích:
-Cái vòng này có từ trường rất mạnh, dùng để kéo hình ảnh TV thẳng lại.
 
Thấy hình ảnh Brad Pitt lưng vẫn còng 90 độ về phía bên phải của TV, mặt của vợ hắn nhăn nhúm đau khổ. Chú sửa TV đưa cái vòng từ trường sát với nơi có hình Brad Pitt và từ từ kéo về phía bên trái. Chú kéo tới đâu thì Brad Pitt đứng thẳng tới đó. Lưng Brad Pitt thẳng tới đâu thì mặt vợ hắn bớt nhăn nhúm tới đó. Mặt vợ hắn bớt nhăn nhúm tới đâu thì đầu gối của hắn bớt run rẩy tới đó. Khi chú nhân viên kéo vòng từ trường tới mép trái ngoài cùng của TV thì Brad Pitt hết bị còng lưng. Mặt vợ hắn từ nhăn nhúm như bà cụ 81 tuổi nay tươi căng như gái còn trinh 18.  Hắn thở phào nhẹ nhõm. Chú nhân viên kỹ thuật cất vòng từ trường vào túi.  ăn bệnh còng lưng của Brad Pitt lại tái phát. Khuôn mặt tươi căng của vợ hắn lại nhăn nhúm như cái giẻ lau nhà.  Hai đầu gối của hắn lại bắt đầu run rẩy. Chú nhân viên kỹ thuật lại rút vòng từ trường ra để sửa lưng cho Brad Pitt. Brad Pitt lại đứng thẳng, mặt vợ hắn lại căng, hắn hết run rẩy. Chú sửa TV cất vòng từ trường, Brad Pitt lại còng lưng, mặt vợ hắn lại nhăn, hắn lại run rẩy. Cái vòng lẩn quẩn cứ lập đi lập lại mà cái bệnh còng lưng của Brad Pitt, bệnh nhăn mặt của vợ hắn và bệnh run đầu gối của hắn vẫn tái phát. Đến lần thứ năm, vợ hắn gằn giọng:
- Sửa gì mà chẳng thấy kết quả?. Thôi đổi TV khác!
 
Chú nhân viên TV hỏi lại:
-Sao không có kết quả?  Lúc tôi mới tới, Brad Pitt cong lưng 90 độ. Bây giờ chỉ còn cong 60 độ. 
 
Vậy là có kết quả. Giống như khi bị bệnh, bệnh nhân phải gặp bác sĩ và uống thuốc nhiều lần.  Những người bị tai biến mạch máu, họ phải vật lý trị liệu nhiều lần mới phục hồi chứ bộ.
 
Hắn đưa tay ra dấu cho vợ hắn hãy kiên nhẫn để bác sĩ TV chữa bệnh cho cả nhà. Vợ hắn nóng máu lắm rồi do nghĩ rằng thần tượng Brad Pitt của mình vì cái TV này mà mắc phải cái bệnh cong lưng nhưng vì nghe bác sĩ TV giải thích bùi tai cho nên cố mím môi ngồi chờ. Sau hơn một tiếng đồng hồ và gần một trăm lần vật lý trị liệu cho Brad Pitt, thần tượng đẹp trai của vợ hắn xem ra không thể hồi phục hoàn toàn. Lưng của anh vẫn cong khoảng 30 độ.  Bác sĩ TV vuốt mồ hôi trán:
- Tôi đã cố gắng hết sức nhưng chắc chúng ta phải chấp nhận độ cong 30 độ.
 
Vợ hắn tru tréo một cách giận dữ:
- Không thể được. Anh Brad Pitt phải hùng dũng hiên ngang, không cong lưng dù chỉ vài độ.
 
Vợ hắn gằn giọng bắt ông bác sĩ TV phải sửa cho bằng được. Bây giờ đến lượt bác sĩ TV run rẩy.
 
Thấy tình hình căng thẳng và chú sửa TV đã cố gắng hết sức, hắn lễ phép:
- Thôi em, chú đã cố gắng hết sức rồi, có kéo nữa lưng của Brad Pitt cũng không thể thẳng hơn.
 
Vợ hắn nấc lên từng cơn.  Hắn tiếp tục:
- Để anh ra ngoài tiệm nói chuyện với anh bán TV.
 
Chú sửa TV nhanh tay cất đồ về và bước ra khỏi cửa như bị ma đuổi. Mặt vợ hắn lúc này sưng to như bị ngã từ lầu hai xuống đất. Hắn nhanh chân ra xe để chạy ra tiệm bán TV kia. Bước vào cửa tiệm, hắn thấy chú sửa TV đang nói chuyện với anh hôm nọ bán TV cho hắn. Khác với thái độ vui vẻ, ân cần hôm nọ, anh bán TV mặt lạnh lùng nhìn hắn. Hắn chưa kịp mở miệng, anh bán TV phán ngay:
- Hôm nọ anh đồng ý mua TV trưng bày vì giá rẻ và tôi cũng đã nói với anh rằng hàng trưng bày mua rồi không được trả lại. 
Hắn nhăn nhó:
-Thì tôi đồng ý chuyện đó nhưng hôm đó hình ảnh trên TV thẳng thớm, không có vấn đề. 
Nhân viên bán hàng nghiêm nghị:
- Anh muốn giá rẻ, mua hàng trưng bày thì phải chịu rủi ro.  Chúng tôi bán rẻ cho anh không có lời.  Hôm nay chú sửa TV phải tốn cả tiếng đồng hồ ở nhà anh, chúng tôi phải trả tiền cho nhân viên.  Mà chú ấy nói sửa có kết quả hơn 50% rồi, còn đòi hỏi gì nữa.
Hắn phân bua:
- Tôi bỏ ra gần hai ngàn đô mua cái TV đó mà về coi hình ảnh méo mó như vậy thì quả là vô lý.  Anh cho tôi trả lại.
Nhân viên bán hàng lạnh lùng:
- Trên hợp đồng mua bán đã có điều khoản là hàng trưng bày mua rồi không trả lại.
- Nhưng mà khi giao tới nhà, hình ảnh của TV không giống như khi tôi mua tại tiệm.
 
Hai bên cứ như thế cãi tới cãi lui cũng không tới đâu. Giọng của cả hai càng lớn dần khi cuộc cãi vã càng kéo dài. Khi cuộc cãi vã đi vào ngõ cụt, một người đàn bà bước vào tiệm từ cửa sau và hất hàm hỏi anh bán hàng:
- Chuyện gì mà phải to tiếng vậy?
- Anh này mua cái TV trưng bày cách đây ba hôm bây giờ đòi trả lại.
- Con đi ăn trưa đi để má giải quyết cho.
Hắn mừng thầm trong bụng khi biết người đàn bà kia là chủ tiệm và hy vọng bà sẽ cho hắn trả lại cái TV chết tiệt kia. Hắn ra vẻ lễ phép:
- Cô ơi, hôm cháu ra đây mua thì hình ảnh TV rất đẹp và rõ ràng. Hôm qua khi nhận TV tại nhà thì hình ảnh cong cong quẹo quẹo, xem không được. Cô cho cháu trả lại TV nhé.
Hồi nãy con bà chủ tiệm lạnh như tiền, bà chủ tiệm bây giờ mặt lạnh như nước đá:
- Ở Mỹ cái gì cũng có giấy tờ, hôm nọ cậu đã ký giấy chấp nhận mua TV trưng bày vì muốn giá rẻ, đâu có ai bắt cậu mua. Tiền đã trao, cháo đã múc, bây giờ đâu có đổi ý được.
- Đúng là cháu đồng ý mua TV trưng bày nhưng bỏ ra gần hai ngàn đô mà mua TV về xem không được thì không công bằng cho cháu.
Bà chủ tiệm nhìn ra cửa ra vẻ hắn không xứng đáng để bà nhìn mặt nói chuyện:
- Nhưng mà nếu tôi nhận lại hàng đã mua thì không công bằng cho tôi. Tiền nào của đó mà cậu.
Trước thái độ cứng rắn của bà chủ, hắn tìm cách khác để thương lượng:
- Nếu cô nói tiền nào của đó thì bây giờ cháu sẵn sàng bỏ ra thêm tiền để mua một cái TV mới còn trong thùng, miễn sao hình ảnh đừng cong cong quẹo quẹo là được.
- Hàng trưng bày rất khó bán. Cậu đã đem về nhà mà bây giờ tôi nhận lại thì càng khó bán hơn.  Tôi không thể mất một số tiền lớn như vậy. Cậu thông cảm nhé.
 
Thấy năn nỉ không đi tới đâu, hắn đổi chiến thuật:
- Đúng là cháu vì ham của rẻ nên mua hàng trưng bày và trong hợp đồng nói là người mua chấp nhận những rủi ro của chuyện này. Tuy nhiên, khi ký giấy tờ, hình ảnh TV thẳng thớm rõ ràng.  Khi TV giao đến nhà, hình ảnh cong queo, không giống như khi ký giấy. 
 
Bà chủ cắt ngang:
- Thì đó là rủi của mua hàng trưng bày.
 
Hắn gằn giọng:
- Nói tới nói lui chẳng đi đến đâu. Vậy hẹn nhau giải quyết ở tòa án.
 
Hắn quay chân bước ra cửa. Vừa bước đi ba bước, bà chủ gọi hắn bằng một giọng rất thân mật:
-Con à, mình là đồng hương với nhau. Có gì nhỏ nhẹ bảo nhau. Đâu cần phải kéo nhau ra tòa con.
 
Vẫn còn giận, hắn ném cho bà chủ một cái nhìn hậm hực và không nói gì. Bà chủ nở một nụ cười tươi và đưa tay vẫy:
- Con quay lại đây. Cô sẽ cho nhân viên chiều nay đến lấy cái TV đó lại. Chỉ là hiểu lầm thôi mà.  Con bớt giận. Vào đây con!
 
Đúng là miệng lưỡi không xương. Mới một phút trước đây bà chủ mặt thì lạnh hơn nước đá, giọng nói thì trịch thượng. Vậy mà bây giờ bà chủ vồn vã như người thân trong nhà. 
Sau lần mua TV đó, hắn tự thề với lòng mình là sẽ không bao giờ ham rẻ mua đồ trưng bày. Hắn cũng tự thề là sẽ không bao giờ mua đồ từ các tiệm Việt Nam nữa vì hắn suy luận rằng tuy các tiệm Mỹ bán giá mắc hơn nhưng nếu cần trả lại thì mọi việc sẽ dễ dãi hơn. 
 
Tuy thề thốt như thế, hắn cũng chỉ giữ lời thề trong vòng vài năm vì tính tự ái dân tộc cao. Hắn luôn nghĩ người Việt Nam nên dựa vào nhau để cùng vươn lên sánh vai với các sắc dân khác.  Đằng nào cũng bỏ tiền ra thì tại sao không mua của người Việt Nam. Hôm đó, khi xe của hắn đến lúc cần phải làm smog check. Hắn đưa xe ra một tiệm của một người Việt Nam. Hắn ngạc nhiên quá đỗi về sự đón tiếp của anh chủ tiệm. Anh này rất vui vẻ, vừa làm việc vừa thăm hỏi hắn đủ điều. Khi xong việc, hắn móc thẻ ra đưa cho anh chủ tiệm để trả tiền. Anh chủ tiệm nhìn cái thẻ tín dụng, lắc đầu:
- Anh thông cảm. Tiệm em chỉ nhận tiền mặt hay chi phiếu.
 
Hắn nhăn nhó:
- Trong bóp chỉ còn $10.
- Không sao anh!  Hôm nào rảnh có dịp đi qua đây anh trả cũng được.
 
Trong đời của hắn chưa bao giờ hắn thấy ai tử tế như anh này. Hắn hỏi lại vì không tin vào tai mình:
- Lỡ mình ra đi không bao giờ trở lại thì sao?
- Hai năm nữa khi cần smog check, anh cứ mang xe ra đây rồi trả luôn không sao. Mà nếu anh ra đi không bao giờ trở lại cũng không sao.
- Thôi để mình chạy ra nhà băng Wells Fargo trên đường Bolsa rút tiền. Mình sẽ trở lại trong vòng 10 phút.
 
Anh chủ tiệm vẫn vui vẻ và không hề tỏ ra khó chịu với hắn. Sau khi lấy tiền, hắn quay lại trả tiền cho anh chủ tiệm. Vì quá hài lòng với anh chủ tiệm smog check, hắn hỏi thăm thêm:
- Anh biết chỗ nào sửa xe đáng tin cậy không?
- Anh cần sửa gì?
- Xe mình đến lúc cần thay cái timing belt.
- Anh hỏi tiệm cuối phố.
 
Anh làm smog check dễ thương bao nhiêu thì chủ tiệm sửa xe lạnh lùng bấy nhiêu. Tôi phải mở lời trước:
- Tôi cần thay cái driving belt.
- Ừ, chờ chút - anh chủ tiệm trả lời nhát gừng.
 
Nhìn cái mặt lạnh lùng và rất khó ưa của anh chủ tiệm sửa xe, hắn tự hỏi là mình làm gì sai mà anh ta lại đối xử với mình như thế. Rõ ràng là khi mình đưa xe cho anh ta sửa có nghĩa là mình mang tiền đến cho anh ấy. Hắn là khách hàng chứ đâu phải là ăn mày đâu mà anh chủ tiệm xe phải mặt nặng mặt nhẹ với hắn. Chờ chán chê, hắn đang định bỏ đi về thì anh chủ tiệm xe bước lại, đưa tay ra, mặt vẫn có vẻ bực bội:
- Chìa khóa đâu?
 
Hắn bị sốc trước cách tiếp khách của anh chủ tiệm nhưng nghĩ đã lỡ chờ khá lâu cho nên hắn miễn cưỡng đưa chìa khóa cho anh sửa xe. Anh sửa xe cầm chìa khóa, không thèm nhìn hắn và nói:
-Tiền công $40, tiền part 50, tổng cộng là $95. Tốn khoảng một tiếng.
 
Chẳng chờ cho hắn trả lời có đồng ý làm hay không, anh chủ tiệm chui vào xe hắn và lái xe vào trong shop.
 
So với dealer thì $95 coi như rẻ hơn nửa giá. Dù không thích cách giao tiếp của chủ tiệm, hắn đành cắn răng nhịn nhục để cho anh chủ tiệm sửa. Mà với cung cách xem khách hàng như ăn mày của anh chủ tiệm Việt Nam này, nếu hắn vì tự ái mà quyết định không sửa ở đây chưa chắc anh chủ tiệm chịu trả lại chìa khóa cho hắn. 
 
Để đỡ bực bội trước cách đối xử tệ bạc của tiệm sửa xe, hắn quyết định đi bộ qua thương xá Phước Lộc Thọ để kiếm mua những CD nhạc xưa. Hàng hóa trong tiệm rất bề bộn cho nên hắn phải cúi xuống, lật từng cuốn băng để tìm kiếm. Bà chủ tiệm cứ liếc nhìn hắn như thể hắn là một tên ăn cắp. Để cho bà chủ không nghi ngờ, hắn hỏi:
- Tiệm mình có CD hay DVD ca nhạc từ thập niên 1980 và 1990 không ạ?
 - Tiệm nhiều hàng lắm, tôi không thể nhớ.
 
Tưởng rằng bà chủ đồng ý cho hắn đi săn lùng hàng mình muốn mua, hắn kiên nhẫn lật từng cuốn băng đĩa để kiếm tìm. Bà chủ tiếp tục liếc nhìn theo dõi hắn. Khi hắn đi vào các góc khuất, bả chủ bước theo, mắt dán vào hắn. Hắn đi tìm săn lùng mua băng nhạc cũ vì đam mê chứ chẳng có ý định đen tối nào cả. Cách đối xử của bà chủ làm hắn bị cảm thấy xúc phạm cho nên quyết định rời tiệm.
 
Cứ cho rằng những tiệm Việt Nam kể trên là những con buôn cho nên nhiều khi họ không để ý tới sự tế nhị trong giao tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, ngay cả các dịch vụ thuộc loại cao cấp như văn phòng bác sĩ cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Khi mới đi làm, có bảo hiểm sức khỏe, năm nào hắn cũng chịu khó đi khám định kỳ. Hắn lựa một văn phòng bác sĩ Việt Nam gần nhà trên khu Los Angeles. Mỗi lần đi khám bệnh hắn luôn gọi điện thoại để lấy hẹn. Tuy nhiên, có hẹn mà như không có. Lần nào hắn cũng phải ngồi chờ hơn một tiếng mới được vào. Hắn bực bội khi thấy có nhiều bệnh nhân không lấy hẹn mà vẫn được y tá cho vào trước. Lúc đầu hắn cố bỏ qua. Sau vài lần, hắn chịu không nổi nên hỏi cô y tá:
- Sao em thấy có vài bác bệnh nhân tới sau mà vẫn cho vào trước trong khi em có hẹn mà vẫn phải chờ hơn một tiếng?
- Em thông cảm, họ là bệnh nhân lâu năm và có nhiều bệnh nên được ưu tiên vào trước.
Hắn nghe trả lời của y tá xong lẩm bẩm trong đầu: kỳ này về sống buông thả để có nhiều bệnh và sẽ được ưu tiên vào khám bệnh, không phải chờ đợi. 
 
Có một lần vì trong hãng có việc gấp, hắn phải gọi cho văn phòng bác sĩ để hủy cuộc hẹn chiều hôm đó. Cô nhân viên văn phòng báo cho hắn biết:
- Vì anh không hủy cuộc hẹn trước ba ngày, văn phòng sẽ gởi cho anh một cái bill $25 nhé.
 
Hắn bực mình:
- Đây là việc khẩn cấp chứ tôi đâu muốn.  Vậy những lần văn phòng trễ nải, tôi phải tốn gần hai tiếng đồng hồ chờ đợi, văn phòng có trả tiền cho tôi không?
- Văn phòng bác sĩ phải lo cho nhiều bệnh nhân cho nên nhiều khi phải trễ, ngoài ý muốn.  Còn anh là bệnh nhân thì phải giữ hẹn.
 
Sau ba năm cảnh có hẹn như đùa, hắn chịu đựng hết nổi nên quyết định đổi sang văn phòng bác sĩ Mỹ. Thật ra, vì còn trẻ, bệnh tật không có cho nên hắn chỉ phải đi khám bệnh một năm một lần. Vì vậy, chuyện phải chờ đợi hắn cũng chịu đựng được. Tuy nhiên, trong một lần ngồi chờ bác sĩ, sau khi y tá đã đo huyết áp, lấy nhiệt độ, đong đo chiều cao và cân nặng, hắn nghe vị bác sĩ bên phòng khám bệnh la mắng một bệnh nhân khá lớn tuổi như là con của mình. Hắn không nghe được bác bệnh nhân nói gì nhưng vị bác sĩ la mắng quá lớn cho nên hắn nghe rõ từng chữ:
- Tôi kê toa thuốc này cho rất nhiều bệnh nhân, chẳng thấy ai đòi đổi thuốc khác.
 
Không biết bác bệnh nhân phân trần cái gì, vị bác sĩ quát tháo càng lớn hơn:
- Các bệnh nhân của tôi từ thanh niên cho đến cao niên 80 hay 90 uống thuốc này đều ok hết. 
 
Chẳng ai than phiền xót ruột hay đau cơ bắp gì cả. Bác đừng đòi hỏi lôi thôi. Tôi kinh nghiệm hành nghề bác sĩ gần 30 năm và hiểu biết rất nhiều.
 
Hắn bất mãn với cách vị bác sĩ đối xử với bác bệnh nhân kia.  Bị bệnh đã là điều đau khổ lại còn bị bác sĩ la rầy một cách thậm tệ như vậy, chắc bác ấy buồn lắm.  Sự việc này như giọt nước làm tràn ly.  Hắn quyết định không đi khám bệnh tại văn phòng bác sĩ đó nữa. Hắn xin bảo hiểm sức khỏe cho đổi qua một bác sĩ người Mỹ. 
 
Khi điền đơn là hồ sơ cho bệnh nhân mới, văn phòng bác sĩ Mỹ khuyến khích hắn nộp hồ sơ khám bệnh từ văn phòng bác sĩ cũ để bác sĩ mới nắm bắt sử bệnh của hắn. Khi hắn gọi điện thoại ra văn phòng bác sĩ Việt Nam, cô thư ký nói:
- Để em báo cho bác sĩ và bác sĩ sẽ gọi lại cho anh.
 
Chiều hôm đó, bác sĩ Việt Nam gọi lại:
- Anh cần hồ sơ bệnh nhân làm gì?
- Dạ, cháu chuyển qua văn phòng bác sĩ mới và họ nói nếu có hồ sơ bệnh trước đây thì sẽ giúp bác sĩ mới khám bệnh tốt hơn.
 - Anh chê tôi dở cho nên đổi văn phòng à? Tôi là bác sĩ đắt khách vùng này.
 
Hắn bất ngờ trước câu hỏi của bác sĩ nhưng nhanh trí nói dối:
- Dạ không ạ. Cháu chuyển nhà đi xa cho nên chọn văn phòng bác sĩ mới gần chỗ ở mới cho tiện.
 
Vị bác sĩ lạnh lùng báo cho hắn biết:
- Văn phòng tôi chỉ giữ hồ sơ bệnh trong vòng một năm. Nếu tôi không khám bệnh cho anh trong vòng một năm thì chúng tôi hủy hồ sơ bệnh.
 
Hắn biết rằng vị bác sĩ kia nói không đúng vì luật pháp bắt buộc bác sĩ phải lưu giữ hồ sơ bệnh ít nhất hai năm và phải cung cấp copy cho bệnh nhân khi bệnh nhân yêu cầu. Dù biết bác sĩ làm không đúng nhưng hắn nghĩ mình cũng chẳng có bệnh tật gì cho nên quyết định bỏ qua.
 
Hắn rất hài lòng với văn phòng bác sĩ Mỹ vì hầu như lần nào đi khám bệnh hắn đều được găp bác sĩ đúng giờ hẹn. Lâu lâu vì những lý do khác nhau, bác sĩ bị trễ nhưng nhiều nhất cũng chỉ là 15 phút.
 
Nói về dịch vụ mà không nhắc đến nhà hàng sẽ là một thiếu sót. Có một thời gian hắn hay ghé một tiệm bán bánh mì mỗi buổi sáng trước khi đi làm để mua một ly cà phê và hai ổ bánh mì. Tuy tiệm có số thứ tự nhưng hầu như lần nào hắn cũng phải chờ rất lâu. Một hôm trong lúc đứng chờ, hắn thấy một người khách vào sau hắn nhưng lại được lấy bánh mì trước.  Hắn thắc mắc với nhân viên bán hàng thì cô nhân viên giải thích:
- Ồ, chú đó chỉ mua có một ổ bánh mì trong khi em mua hai ổ và một ly cà phê.
 
Sau đó một người khách khác bước vào và cũng được giao hàng trước hắn. Hắn lại thắc mắc và nhân viên tính tiền giải thích:
- Ồ, cô đó mua hai chục ổ để đem vào hãng cho đồng nghiệp nên nhà hàng ưu tiên trước.
 
Nghe đến đây, hắn chịu hết nổi nên đành lên tiếng:
- Ồ, vậy chị cho em hủy order và xin lại tiền.
 
Từ đó hắn không bao giờ trở lại tiệm bánh mì đó nữa.
 
Đã lâu lắm rồi hắn không còn giao dịch với đồng hương nữa vì những kinh nghiệm đau thương kể trên. Dù rất muốn mua bán giao dịch với người Việt Nam để cùng giúp nhau giàu mạnh nhưng cách cư xử của đồng hương làm hắn thất vọng. 
 
Hoàng Đình Minh Long
10 tháng 3 năm 2024

Ý kiến bạn đọc
19/07/202417:24:26
Khách
Một số người ( không biết là bao nhiêu % ) trong cộng đồng VN mang tâm lý thượng đội hạ đạp, phách lối, nhỏ mọn đã ăn sâu vào trong máu của họ . Bầy bán TV thì gian xảo, tên bác sĩ vịt kêu thì tiểu nhân, tên sửa xe thì xấc láo, prideful, incosiderate of others.

Sở dĩ tên bác sĩ kia lộng hành ngang ngược vì không một ai dám nói lý lẽ thẳng thắn với nó. Khi tên bác sĩ tiểu nhân hỏi tại sao đổi bác sĩ thì nói thật với nó là vì nó la hét bệnh nhân, vì thay đổi bác sĩ là quyền của bệnh nhân, và quan trọng hơn là phải nói với nó việc không đưa hồ sơ cho bệnh nhân là phạm luật nên bệnh nhân có thưa nó với cơ quan chính quyền tiểu bang cho nó bị tước license. Không cần phải nói dối là đổi bác sĩ vì dọn nhà, không cần phải trốn tránh, nên có backbone, đó là cách giúp cho cộng đồng từ từ thay đổi tốt đẹp hơn.

Cái tư tưởng nên mua đồ của người VN vì họ là "đồng hương", một suy nghĩ thật tiếu lâm. Mỹ cũng là người, vịt cũng là người. Người nào thẳng thắn, buôn bán đàng hoàng, làm việc có lương tâm thì mua đồ của họ . Người nào hành xử theo kiểu thượng đội hạ đạp, tiểu nhân, gian trá, xấc xược thì dẹp tụi nó qua một bên. Ở Mỹ, hít thở không khí tự do của Mỹ, nhờ xứ Mỹ bao bọc giúp đỡ, lịch sự với mình, thì dân Mỹ mới chính là "đồng hương" thật sự của mình.

Nếu 1 người Mỹ và 1 người Việt cần mình giúp thì không lẽ thiên vị người Việt hơn và giúp nó trước chỉ vì nó là vịt? Nếu hành xử công bằng thì phải giúp người nào cần giúp gấp hơn và nhiều hơn thì giúp người đó trước. Mỹ là người mà Việt cũng là người, nên phải công bằng với tất cả, không nên thiên vị.
13/07/202420:07:39
Khách
Cảm ơn Tác Giả một bài viết hay.
04/05/202418:31:36
Khách
Thật đáng buồn!!! Người VN mình ở các nước tôn trọng luật lệ mà sao vẫn không học được các điều hay của họ !! Họ không cần khách trở lại hay sao? họ nghĩ sao khi làm ăn như thế ?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,463
Nghĩa trang Oaks Hill chiều nay lồng lộng gió, mây đen dồn cục cuối chân trời, cây cối ngã rạp mình theo chiều gió. Thành đứng trên hành lang phía sau căn "mobile home" của mình nhìn bao quát sang khu nghĩa địa rồi tiên đoán dự báo thời tiết, ngày hôm nay có lẽ sẽ có mưa đây. Chóng quá! Thế mà đã hơn một năm qua, Halloween rồi lại Halloween. Hình như Halloween năm nào trời cũng có mưa nhẹ thì phải?...
Nhiều người trong chúng ta chắc ai cũng biết câu ngạn ngữ này: “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Tôi không rõ là câu này do danh nhân nào nói hay là nguồn gốc của nó từ đâu, nhưng tôi quan sát thì thấy nó rất đúng với nhiều trường hợp ở đời. Nay tôi tường thuật một câu chuyện có thật trong cộng đồng người Việt ở thành Ất Lăng. Tôi cũng là người có dự mặt trong câu chuyện này, một câu chuyện khá thương tâm và phần nào cũng đúng với câu ngạn ngữ vừa đề cập. Tôi vốn không phải là nhà văn nên không biết gì bút pháp nghệ thuật hay những gì đại loại như thế, chỉ đơn giản là một người kể chuyện, kể lại câu chuyện đã và đang xảy ra tại đây.
Theo Wikimedia, “Cranberry” tiếng Việt gọi là nam việt quất. “Cranberry” có nguồn gốc từ chữ “Craneberry” (Crane là con hạc) được dùng bởi những di dân đầu tiên đến Mỹ, vì cánh hoa, đài hoa và cuống hoa có hình dáng giống đầu, mỏ và cổ của con hạc. “Cranberry là một loại cây thường mọc dại nơi các vùng đầm lầy đã phân hóa (nhiều than bùn) ở miền ôn đới Bắc bán cầu. Tại Mỹ nhiều nhất là các tiểu bang miền Đông Bắc như Massachusetts, New Hamshire, Connecticut, New Jersey và Delaware. Được biết việc chăm sóc và thu hái Cranberry qua nhiều công đoạn khá nhiêu khê. Đầu tháng 10 là mùa thu hái. Tôi muốn được tận mắt nhìn thấy những sinh hoạt này của nông dân địa phương nên đã quyết định cùng con gái làm một chuyến du lịch đi Boston thuộc tiểu bang Massachusetts. Đây là một trong những tiểu bang nằm phía đông bắc nước Mỹ có nhiều điền trang (Farm) đang mùa thu hái “Cranberry”.
...Nhìn thấy hàng dài người chờ ngoài phòng phiếu thì mới nhận thấy người đi bầu tay năm nay đông nhất so với các năm 2020 và 2022, dù phòng phiếu mở cửa gần cả tuần vừa qua. Tuần tự theo các thủ tục, chúng tôi nhanh chóng tô đậm các ô dựa trên mẫu giấy bầu ghi dấu sẵn trước ở nhà, nên kết thúc bầu khá nhanh. Chúng tôi thấy vui khi có nhiều cha mẹ đem theo các con nhỏ, như một cách chỉ dạy công dân giáo dục. Chúng tôi cũng không quên dán vào ngực con tem “I Voted”. Trên đường về, chúng tôi ghé vào Trade Joe mua chai “champagne”, dành mở uống mừng khi có kết quả bầu cử...
Tôi luôn sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa khi đón nhận những món quà mà Ngài gửi đến trong cuộc đời tôi. Từ ngày có tụi nhỏ, những dự định cho cá nhân, từ việc học thêm các ngôn ngữ mà tôi yêu thích, trau dồi thêm kiến thức trong nghề nghiệp, tìm kiếm những cơ hội thăng tiến, đều dần có độ ưu tiên ngày càng thấp, ngày càng xa hơn, và lùi dần theo tỷ lệ thuận với số tuổi của các con. Tụi nhỏ càng lớn, tất cả thời gian và kế hoạch của tôi càng xoay quanh các con nhiều hơn.
Linh qua Mỹ theo diện đoàn tụ (cha bảo lãnh) nên chờ đợi dài cổ bao nhiêu năm trời, vậy là tuổi xuân đi qua lẹ làng. Khi còn ở Việt Nam từ lúc học lớp đệ tam (lớp 10) đã có bạn thương, lên dần bạn trai thích vây quanh cũng đông. Lúc học Cao Đẳng Sư Phạm cũng yêu một bạn chung lớp. Ra trường vào Sài Gòn chờ đi Mỹ vì có giấy tờ cha gởi về. Cha cấm con gái, con trai không ai được lập gia đình chờ ngày ra đi. Thời gian chờ đợi cũng có các bạn ra trường kỹ sư, hoặc dạy đại học theo đuổi. Nhiều người làm Linh đâm ra “lơ lửng con cá vàng”, vui chơi qua ngày qua tháng...
Lời mở đầu của người viết: "Đây là bài tôi viết đúng bốn năm trước khi cả nước Mỹ đang sôi nổi về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Lúc đó vì không muốn gây ra tranh cãi mất thì giờ nên tôi chỉ đăng giới hạn trong trang cá nhân của mình. Bài được nhiều người xin để share lại và số người “nghỉ chơi” tôi ra hay thậm chí “block” vì bài viết này cũng không phải là ít. Một mùa bầu cử nữa lại đến. Có vẻ như những gì xảy ra bốn năm trước có thể sẽ lặp lại nên tôi nghĩ bài viết năm trước của mình chưa đến nỗi lỗi thời."
Từ khi Amanda, con gái nàng, học lớp chín, hễ đến đêm Halloween là nó cùng nhóm bạn bè hẹn nhau ở nhà nàng, rồi chúng nó kéo nhau đi khắp xóm, qua cả xóm bên cạnh. Tuổi trẻ đâu biết mệt và lạnh là gì, có năm trời mưa lất phất, gió rít lạnh lẽo, mà chúng vẫn hào hứng lên đường. Nàng ngồi ở nhà, vừa phát kẹo cho lũ trẻ đến gõ cửa, vừa nấu nồi cháo gà để lát nữa đãi đám bạn bè con gái.
Hôm nay tôi chuẩn bị về thăm Cali để giải tỏa áp lực đau buồn mang nặng trong lòng mấy tháng nay. Cứ mỗi lần về Cali lòng bồi hồi xúc động vì nơi này đã in đậm trong tôi nhiều dấu ấn khó quên. Tôi nhớ hai câu thơ của nhà thơ Thế Lữ: “Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.”
... Ở Việt Nam, tôi bị tù gần sáu năm trời chỉ mỗi cái tội vượt biên và hơn mười năm “chết dấp” bên trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) của Phi Luật Tân vì đến đảo sau ngày đóng cửa nên chẳng có điều kiện để lập gia đình. Thành thử ra tôi độc thân tới năm bốn mươi bốn tuổi mới lấy vợ, cách đây được hơn tháng! Phần vợ tôi khi ấy cũng xấp xỉ bốn mươi, do cứ mãi ở chờ bố cô đi tù cải tạo ngoài Bắc hơn mười mấy năm trời mới về, rồi sang đây với diện H.O, thành ra cũng chẳng trẻ trung gì! Thế nên khi bác sĩ chính thức báo tin là vợ tôi đã “cấn thai” thì tôi chới với vô cùng. Bởi tôi chưa có “ready” thì bảo sao tôi không hoảng sợ cơ chứ?...
Nhạc sĩ Cung Tiến