Hôm nay,  

Triết lý và rác

25/03/202423:04:00(Xem: 2701)
03252024 Hoang Dinh Minh Long
Hình: Tác giả gửi.

 

Tác giả định cư tại Mỹ từ năm 1991 và hiện là cư dân Huntington Beach.  Tác giả là kỹ sư điện toán và đã tham gia VVNM từ năm 2002.

 

*

 

Trước khi gửi bài cho Viết Về Nước Mỹ (VVNM), tôi thường đưa bài cho “nữ bộ trưởng văn hóa thông tin” đọc kiểm duyệt.  Thường thì nữ bộ trưởng đọc đi đọc lại vài lần, suy nghĩ thật sâu rồi đưa ra nhận xét.  Tuy nhiên, chỉ mới lướt qua tựa bài này là nữ bộ trưởng đã nhảy đổng lên phê bình:

 

- Triết là một trong những môn học khó nhất vì nó trừu tượng và thường được mọi người cho là cao quý.  Trong khi đó, rác là một trong những thứ dơ dáy nhất trên đời.  Hà cớ chi mà anh lại dám đặt rác ngang hàng với triết lý trong tựa đề bài này?

 

Tôi xoa xoa hai tay, miệng nở nụ cười thật lễ phép:

 

- Em đừng vội kết luận, hãy kiên nhẫn đọc hết bài viết đi rồi sẽ hiểu.

 

Ở những thành phố tại miền Nam Cali mà tôi đã ở thì mỗi tuần một lần, xe đổ rác sẽ đến từng nhà để mang rác đi.  Tại thành phố tôi đang cư ngụ, thứ tư hàng tuần là ngày đổ rác.  Khoảng 7:30 sáng thì xe đổ rác xanh (cỏ, lá, vỏ trái cây) sẽ đến lấy rác đi.  Khoảng giữa trưa thì đến lượt xe đổ rác tái sinh (recycle). Đến năm giờ chiều thì xe đổ rác đồ ăn và những thứ rác còn lại sẽ chạy chuyến chót.  Tất cả mọi nhà trong xóm, trừ gia đình hai ông bà Mỹ già bên kia đường, đều kéo các thùng rác ra lề đường mỗi tối thứ ba để cho các xe rác đến đổ vào ngày hôm sau.  Hai ông bà Mỹ già luôn đợi đến khoảng 7 giờ sáng thứ tư mới kéo thùng rác ra.  Điều này làm tôi rất bực mình, nhất là vào các tháng mùa đông, vì tiếng động kéo thùng rác của hai ông bà đánh thức tôi dậy.  Ngày xưa còn bé, tôi rất thích và hay hát bài Hận đồ bàn của nhạc sĩ Xuân Tiên vì tính chất bi hùng của nó.  Sau này tới tuổi yêu đương, tôi đổi tên bài hát này thành Hận đàn bồ những lần bị bồ đá.  Bây giờ đã qua tuổi yêu đương, đàn bồ bây giờ chắc cũng đã thành đàn bò già rồi, cho nên Hận đàn bồ trở nên lỗi thời.  Mỗi lần bị hai ông bà già hàng xóm đánh thức sáng thứ tư, tôi ca bài Hận thùng rác.  Khi mới dọn về khu phố này, tôi bực mình lắm và dự định qua nhà ông bà già hàng xóm để than phiền việc họ kéo thùng rác vào buổi sáng, thay vì buổi tối như mọi nhà khác, làm tôi mất ngủ.  Nhưng rồi nghĩ tới câu “Một sự nhịn, chín sự lành”, tôi đành nuốt đắng nhịn cay và chấp nhận chuyện mất ngủ mỗi sáng thứ tư.

 

Thế rồi đại dịch Covid đến và tôi làm việc tại nhà như mọi người.  Trong thời gian này, từ phòng làm việc, nhìn qua cửa sổ, tôi nhận thấy hai ông bà hàng xóm đó cứ mỗi một tiếng đồng hồ ra mở nắp thùng rác để xem rác đã được đổ chưa.  Nếu xe rác đã đổ rồi thì họ kéo thùng rác vào sau sân nhà ngay tức khắc.  Tôi rất ngạc nhiên về điều này vì hầu hết mọi nhà, trong đó có tôi, đều đợi đến tối, sau khi cả ba thùng rác được đổ hết, mới kéo thùng rác vào.  Có nhiều gia đình, vào mùa đông lạnh lẽo, để thùng rác ngoài đường cho đến sáng hôm sau mới kéo vào.  Vậy mà ông bà hàng xóm bên kia đường hễ xe rác đổ thùng nào là ông bà kéo vào ngay thùng đó.  Tôi đoán mò rằng hai ông bà lớn tuổi, đã về hưu và rảnh rỗi nên mới làm điều này.  Nhịn đắng, nuốt cay lâu ngày rồi thành thói quen, tôi không còn để ý tới chuyện ông bà hàng xóm kéo rác mỗi sáng thứ tư.  Tôi cũng quên luôn chuyện cứ mỗi tiếng ông bà mở nắp thùng xem xe đổ chưa để kéo thùng rác vào sân sau. 

 

Một buổi sáng đẹp trời cách đây vài tuần, tôi bước ra sân để chuẩn bị chở các con đi học.  Nhìn cái thùng rác nhà mình mà tôi tức muốn trào máu họng.  Một kẻ ác nhân nào đó đã bỏ một bao rác rất to vào thùng rác nhà tôi.  Rõ ràng tối hôm trước, tôi còn nhớ cái thùng rác nhà tôi chỉ đầy hơn một nửa.  Vậy mà cái đứa thất đức nào nhẫn tâm mang cái bao rác to đến nỗi làm cái nắp thùng rác không đóng lại được.  Một nửa bao rác lòi ra trên miệng thùng.  Ở những thành phố tôi ở trước kia, nếu thùng rác quá đầy và nắp thùng không đóng kín thì xe rác sẽ không đổ.  Nếu là rác tái sinh cthì không đến nỗi.  Đằng này là rác đồ ăn, nếu xe rác không đổ thì sẽ rất phiền toái.  Đang trong cơn tức giận, tôi nhận thấy thùng rác bên nhà hai ông bà già cũng không đóng nắp.  Khác biệt giữa thùng rác nhà tôi và nhà hàng xóm là thùng rác của họ không có cái bao rác vô duyên lòi lên như thùng rác nhà tôi.  Bỗng nhiên tôi suy đoán rằng cái bao rác nham nhở trong thùng rác nhà tôi đã di tản từ thùng rác nhà hai ông bà Mỹ già qua.  Tuy đã có lúc tôi bực mình hai ông bà vì tiếng ồn của thùng rác mỗi sáng thứ tư, tôi không nghĩ là ông bà đã nhẫn tâm đem rác qua bỏ vào thùng rác nhà tôi.  Ông bà trông tử tế và không thể làm chuyện đồi bại ấy được.  Có lẽ mấy thằng thanh niên trời đánh thánh đâm nào đó làm chuyện này, tôi tự kết luận.  Dù vậy, tôi quyết định phải qua nhà ông bà hỏi cho ra lẽ.  Tôi bước qua đường và bấm chuông:

 

- Ai đó? - Từ trong nhà bà hàng xóm nói vọng ra.

 

- Cháu là hàng xóm bên kia đường và muốn hỏi bà vài câu hỏi về chuyện đổ rác - tôi trả lời

 

Bà hàng xóm mở cửa:

 

- Chào bạn.  Bạn cần tôi giúp gì?

 

- Bà có thấy cái bao rác trong thùng kia không? - Tôi đưa tay chỉ thùng rác nhà tôi - Cháu không nghĩ là nhà bác mang rác qua bỏ nhưng cháu nghĩ đứa nào phá phách đêm qua làm chuyện này.  Bà có thể xem lại máy quay phim để giúp cháu tìm xem ai làm chuyện ấy?

 

- Ồ, cái máy quay phim nhà tôi chỉ quay đến sân nhà tôi thôi.  Nó không quay xa đủ để chúng ta có thể thấy ai bỏ rác vào thùng của bạn.  Mà tôi chắc bao rác đó không phải của nhà tôi.

 

- Nhưng nắp thùng rác của bác cũng mở và thùng không còn rác bên trong

 

- Đó là vì xe rác đã đổ thùng nhà tôi cách đây vài phút - bà hàng xóm giải thích

 

Thế rồi bà tỏ ra thông cảm:

 

- Nếu ai bỏ rác vào thùng nhà tôi, tôi cũng sẽ tức giận như bạn.  Tôi sống trong khu này trên 30 năm rồi.  Trước đây mọi thứ đều tốt lành, nhưng gần đây những chuyện không hay như vầy hay xảy ra. Tôi nghĩ có ai đó không kéo rác ra kịp cho nên họ phải mang rác bỏ vào thùng của bạn. 

 

Dù thất vọng vì máy quay phim của bà hàng xóm không giúp tôi kiếm ra tên rác tặc, tôi cảm thấy phần nào bớt tức giận sau khi nói chuyện với bà vì bà trấn an tôi rằng xe rác sẽ đổ cho nhà tôi:

 

- Bây giờ các xe rác dùng máy chứ không dùng tay con người để đổ rác như trước kia.  Do đó, thùng rác có đầy tràn họ vẫn đổ.  Bạn cứ an tâm.

 

Thật vậy, ngày tôi mới qua Mỹ cách đây trên ba mươi năm, mỗi xe rác có hai nhân viên.  Xe rác có một cái càng cơ khí với một thùng sắt ở đầu.  Khi xe dừng để đổ rác, tài xế cho cái càng có thùng sắt xuống sát đất.  Tài xế và nhân viên thứ nhì xuống xe cùng nhau kiêng thùng rác để đổ vào thùng sắt của xe rác.  Sau đó, tài xế leo lên xe và nhân nút để đổ rác từ cái thùng sắt ở đầu càng cơ khí vào thùng xe.  Vì phải dùng sức người, họ sẽ không đổ rác nếu nắp thùng rác không được đóng kín.  Ngày nay, với kỹ thuật phát triển, cái thùng sắt ở phía đầu càng cơ khí được thay thế bằng một cánh tay rô bô (robotic arm).  Mỗi xe rác bây giờ chỉ cần một nhân viên vì người này vừa lái xe vừa điều khiển tay rôbô để quặp lấy thùng rác rồi đổ vào thùng chứa rác. 

 

Chào bà hàng xóm xong, tôi bước về nhà.  Suốt ngày hôm đó tôi cứ suy nghĩ về lời giải thích của bà hàng xóm.  Có lẽ bà đúng khi cho rằng một ai đó kéo rác ra không kịp cho nên mới tán tận lương tâm bỏ rác vào thùng nhà tôi. Vì mãi suy nghĩ về bà hàng xóm, tôi chợt tìm ra lý do tại sao ông bà không kéo thùng rác ra đường tối hôm trước và luôn đợi đến sáng hôm đổ rác mới kéo ra. Tôi đoán là trong quá khứ chắc ông bà đã từng là nạn nhân của rác tặc.  Ông bà không muốn bọn rác tặc lợi dụng ban đêm để làm việc tồi bại cho nên mới kéo rác ra đường vào buổi sáng. Bỗng dưng từ có ác cảm tôi trở thành thông cảm với hai ông bà. Tuy vậy, tôi vẫn thắc mắc tại sao hai ông bà cứ mỗi tiếng đi ra kiểm tra xem xe đổ rác chưa để kéo thùng vào. Ban ngày bọn rác tặc chắc không dám cả gan ra tay.  Câu hỏi tại sao ông bà canh xe đổ rác để kéo thùng rác vào cứ lảng vảng trong đầu tôi cho đến ngày đổ rác một tháng sau.

 

 

Từ ngày bị tên rác tặc thất đức nào đó bỏ bịch rác vào thùng rác, tôi bắt chước hai ông bà hàng xóm và chỉ kéo thùng rác ra đường vào sáng ngày đổ rác. Tôi cảm thấy hài lòng với chiến thuật mới học được từ hai ông bà hàng xóm. Tận hưởng sự hài lòng được một tháng thì tai hoạ lại ập đến. Chiều hôm đổ rác, khi chuẩn bị kéo các thùng rác vào, tôi nhận ra nắp thùng rác cây lá bị mở ra.  Không thấy có bịch rác nào lòi ra, tôi tự an ủi rằng có lẽ nắp thùng rác mở ra là do xe rác thả xuống mạnh quá.  Khi tiến lại gần để đóng nắp lại, nhìn vào trong thùng rác, chân tay tôi bủn rủn vì một cảnh tượng hãi hùng trước mắt.  Một bịch phân chó nham nhở màu xanh dương đang nằm chễm chệ giữa đáy thùng rác. Tưởng rằng kéo thùng rác ra đường sáng ngày đổ rác sẽ tránh được chuyện bị rác tặc làm chuyện tồi bại trong bóng tối, nào ngờ giữa ban ngày lại bị cẩu phân tặc dã tâm ra tay như vầy.   Đúng là phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí.   Tháng trước bị rác tặc chơi xỏ vào ban đêm tức sặc máu nhưng ít ra nỗi đau chỉ kéo dài nửa ngày vì xe rác mang của nợ đi trong ngày hôm đó.   Hôm nay, của nợ này tuy nhỏ hơn nhưng mùi mẽ nồng nàn hơn và xe rác đã đi rồi. Bảy ngày đợi mong xe rác đến đón em đi quả là thời gian dài vô tận, nhất là sau vài ngày, em sẽ nặng mùi khủng khiếp dù được gói chặt trong bao. Nếu tên cẩu phân tặc ném em vào thùng rác trước khi xe rác đến thì tôi đã không phải chịu đựng em những một tuần lễ.  Chó được người Mỹ xem là bạn.  Họ cưng chó như là người yêu. Trong xóm tôi ở, sáng nào cũng có ít nhất mười người dẫn chó đi dạo.  Mấy con chó trong lúc đi dạo, với tâm hồn và thân xác thoải mái, thường hay kiếm gốc cây hay bãi cỏ để trút bầu tâm sự. Những chủ nhân biết điều thường mang theo một bịch ni lông hốt của quý để giữ gìn vệ sinh công cộng. Một trong những người này, thay vì đem bầu tâm sự của bạn mình về nhà, đã nhẫn tâm tặng cho tôi món quà không ai muốn nhận.

 

 

Trong cơn giận điên cuồng, tôi bỗng tìm ra câu trả lời tại sao hai ông bà hàng xóm lúc nào cũng kéo thùng rác vào ngay sau khi xe đổ rác. Họ không muốn nhận của quí từ đám phân cẩu tặc. Tôi cảm thấy ân hận vì trước đây có ác cảm với hai ông bà hàng xóm về chuyện họ kéo rác vào buổi sáng và kéo thùng rác vào ngay sau khi xe rác đi qua.  Bây giờ là nạn nhân của rác tặc và cẩu phân tặc trong vòng một tháng, tôi mới thấu hiểu chuyện kéo rác của hàng xóm. Kể từ ngày hôm đó, tôi cũng chỉ kéo rác ra đường sáng hôm đổ rác và kéo từng thùng rác vào ngay sau khi xe đổ rác chứ không đợi cả ba xe đi qua rồi mới kéo ba thùng rác vào.

 

Đọc đến đây, nữ bộ trưởng thông tin văn hoá chống nạnh, quắc mắt hỏi tôi:

 

- Đọc hết bài toàn là rác với cứt.  Chẳng thấy triết lý đâu cả.

 

- Thì nhờ rác mà anh mới nghiệm ra một triết lý mới.   Đó là đừng vội kết luận hay kết tội người khác qua những hành động của họ.   Những hành động làm chúng ta khó chịu nhiều khi có lý do chính đáng phía sau.

 

Nữ bộ trưởng ra vẻ đăm chiêu:

 

- Nhưng cái tựa bài và cả nội dung của bài, đọc lên toàn thấy mùi thum thủm. Loại rác ra khỏi bài đi.  Rác có gì hay ho đâu mà được để ngang hàng với triết lý.

 

Thấy nữ bộ trưởng bây giờ chuyển sang làm công tố viên luận tội bị cáo rác thậm tệ, tôi lấy hết can đảm để chuyển từ một người nộp đơn xin kiểm duyệt bài viết thành luật sư bào chữa cho rác:

 

- Em đừng chê rác.   Hôm bữa trên TV, họ kể về hai ông bà Mễ chỉ đi lượm rác thôi mà nuôi bảy đứa con ăn học thành tiến sĩ kìa. Có thể kết luận rằng rác đã nuôi dưỡng bảy tiến sỹ của nước Mỹ.

 

Thấy tôi dám cả gan cãi lý, nữ bộ trưởng kiêm công tố viên bây giờ chuyển sang làm chánh án phùng mang trợn má phán:

 

- Vậy hả?  Sao con này nuôi chồng toàn là cao lương  mỹ vị như bò Kobe, tôm hùm, king crab mà sao có cái security camera mà gắn cũng không xong, để người ta vứt rác vào nhà? 

 

Chỉ tay ra sân, nữ bộ trưởng quát:

 

- Dẹp hết viết với lách!  Đi ra chỉnh lại cái camera.  Hôm bữa nó vứt rác vào, ngày mai không chừng trộm hay cướp nó đến thì sao?

 

Tôi nhanh chóng lấy cái thang để leo lên nóc nhà chỉnh lại cái “security camera”.  Trong lúc chỉnh, tôi suy nghĩ mông lung về chuyện đổ rác và chợt nhớ ra rằng cách đây trên hai mươi năm mình cũng từng là nạn nhân của rác tặc.   Ngày đó tôi mua nhà lần đầu tiên và cần phải lót gạch lại. Tôi mướn một cái thùng rác rất lớn để đổ những viên gạch cũ đi.   Vì tự làm một mình, tốc độ cậy gạch cũ để vứt vào thùng rác diễn ra rất chậm chạp. Sau ngày đầu tiên, thùng rác chưa đầy một phần năm.   Sáng hôm sau, tôi dậy sớm để tiếp tục thì nhận ra rằng thùng rác đã đầy trên mức cho phép.  Những viên gạch cũ tôi vứt vào ngày hôm trước bây giờ đã bị che lấp với đủ loại rác khác nhau, nhiều nhất là những cái vỏ xe hơi cũ. Vậy là vài trăm đô tôi bỏ ra để mướn thùng rác đã bốc hơi chỉ sau một đêm.

 

Nỗi uất hận dâng cao làm chậm lại việc chỉnh cái camera của tôi khiến nữ bộ trưởng hét toáng từ trong nhà:

 

- Sao ăn cao lương mỹ vị mà có cái camera chỉnh lâu quá vậy?

 

Lời nhắc nhở của nữ bộ trưởng kéo tôi về với thực tại.  Tôi nhanh tay chỉnh cái camera cho nó quay về hướng mỗi sáng thứ tư tôi kéo thùng rác ra. Trong lúc leo xuống thang, sau khi đã dùng phone để xác định hai ba lần là camera bây giờ sẽ quay được vị trí các thùng rác, tôi tự nhủ: làm cho bả vui thôi chứ nếu camera có quay được tên cẩu phân tặc thì mình cũng chẳng làm gì được nó.  Gọi cảnh sát chắc họ cũng chẳng tới vì họ còn những vụ án khác nghiêm trọng như cướp của giết người để giải quyết, thời gian đâu để giải quyết chuyện phân chó.

 

Sau khi cất cái thang, tôi bước vào nhà và than với nữ bộ trưởng:

 

- Tự nhiên mất hết vui và tốn nửa ngày vì cái bọn chó má.

 

Nữ bộ trưởng chống nạnh:

 

- Viết văn thì thum thủm, bây giờ còn văng tục nữa hả?

 

Tôi tỏ vẻ ngây thơ:

 

- Văng tục chỗ nào?

 

- Thì anh mới dùng chữ chó má đó.

 

- Hàng ngày, mấy bà mấy cô dắt chó đi dạo, họ gọi chó của họ là baby và tự xưng họ là mommy của chúng. Mommy dịch sang tiếng Việt là má.  Má của chó thì mình gọi là chó má chứ đâu có văng tục gì đâu.

 

Nữ bộ trưởng lườm tôi và bỏ vào bếp.

 

Xin khép lại bài này để lên mạng tìm hiểu xem trong hiến pháp của hiệp chủng quốc Hoa kỳ có điều khoản nào kết tội bọn chó má làm phiền người khác không. Nếu luật pháp không có điều khoản nào để kết tội bọn chó má, tôi mới nghĩ ra một ý tưởng để đối phó với những chuyện rác rưởi này.  Nếu các hãng điện tử tạo ra điện thoại thông minh để giúp đời sống chúng ta dễ dàng hơn thì tại sao không có thùng rác thông minh.  Thùng rác thông minh chỉ mở nắp cho người chủ bỏ rác vào.  Đọc đến đây, nữ bộ trưởng thắc mắc:

 

- Nếu thùng rác chỉ mở nắp cho chủ của nó thì làm sao xe rác đổ rác cho anh?  Coi bộ thùng rác này không thông minh cho lắm.

 

Sau nghĩ vài giây, tôi tìm ra giải pháp:

 

- Thì thùng rác thông minh sẽ được gắn một cái chip điện tử đo cao độ (gyro).  Khi thùng rác được nhấc lên độ cao 3 thước (nóc của xe đổ rác), thì nắp sẽ mở ra.  Điều này cho phép xe đổ rác hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn ngăn chặn rác tặc và cẩu phân tặc gây ra tội ác.

 

Nghe bùi tai, nữ bộ trưởng góp thêm sáng kiến:

 

- Vậy nên gắn thêm một con chip điện tử phát hiện mùi thúi cho thùng rác thông minh hơn nữa.  Tên cẩu phân tặc nào chỉ cần léng phéng tới gần thùng rác là xịt nước túi bụi để đuổi nó đi.

 

Tôi gật đầu lia lịa:

 

- Ý kiến hay. 

 

Nhờ ý tưởng thùng rác thông minh này mà nữ bộ trưởng duyệt bài này để tác giả gởi cho VVNM.  Hy vọng các nhà khoa học Việt Nam nào đọc được bài này sẽ giúp ước mơ thùng rác thông minh trở thành hiện thực.

 

 

Hoàng Đình Minh Long

Ý kiến bạn đọc
19/07/202406:53:43
Khách
Bài viết hay và rất vui.

Hai ông bà Mỹ kia dĩ nhiên là hiểu biết chi tiết trong cuộc sống Mỹ hơn người di dân.

Tôi và các bạn làm việc chung đều kéo thùng rác ra ngoài vào ban ngày, để tránh bị racoons hay chuột bươi rác vào ban đêm, và cũng tránh bị rác tặc.

Camera nhà hàng xóm Mỹ của tôi chụp được rác tặc và cẩu phân tặc bỏ vô thùng của ông ấy là người Hispanic và Chinese trong neighborhood. Nên đôi khi người Mỹ họ không thích người di dân là vậy. Chuyện tuy nhỏ, nhưng nhiều chuyện nhỏ build up lên thành chuyện lớn.
02/04/202419:46:58
Khách
Chuyện này mà kêu là nhảm nhí hả bác LGĐ. Chuyện về đời sống thường nhật ở Mỹ, hơn nữa bài đã được duyệt và cho đăng có nghĩa là hợp lệ. Chuyện này tác giả là nạn nhân viết ra cho mọi người đọc để có ý thức chớ có liên quan gì đến học thức việc làm và tuổi tác của người viết.
31/03/202412:01:33
Khách
Tác giả người gốc Việt, ở Mỹ trên 30 năm, có học thức, có việc làm, và cũng có tuổi mà hay tức giận những chuyện đời thường nhảm nhí, rồi từ đó viết đăng báo kể chuyện nhảm nhí.
LGĐ
29/03/202406:32:50
Khách
Tôi nghi rằng tác giả bị ai đó hoặc ghét hoặc kỳ thị . Ban đêm, kẻ này lái xe mang rác đi ngang qua nhà của tác giả, rồi lẹ tay bỏ vào trong thùng rác của tác giả .
28/03/202415:10:00
Khách
Bài viết hay và vui lắm! Cám ơn tác giả.
28/03/202404:20:58
Khách
phải trầy da tróc vẩy mới được nữ bộ trưởng văn hóa thông tin duyệt cho đăng bài. Giờ đến lượt cô đánh rớt, chắc VVNM sẽ bớt đi vài bài quá
27/03/202416:33:39
Khách
Chọn tên Rác & đối phó, chứ chẳng có triết lý nào hết.
" Trứng " không khôn hơn " vịt " đâu. Giờ cũng phải bắt chước 2 cụ hàng xóm. Nếu không muốn chùi rửa thùng rác.
Tránh voi chẳng xấu mặt nào.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,675
Hồi mới qua Mỹ, tôi phải vừa đi làm vừa đi học để tự trang trải cuộc sống. Tôi được một công ty sửa chữa hàng điện tử, mướn vào làm ca đêm, vì ca ngày đã đầy. Ban đêm đi làm, ban ngày đi học cũng khá phù hợp với lịch trình của tôi lúc ấy. Tôi thuê một phòng trọ nhỏ, chỉ về nhà ngủ vài tiếng mỗi ngày trước khi tiếp tục công việc. Tôi làm việc không kể nặng nhọc hay khó khăn vì so với việc làm hồi còn ở Việt Nam thì sá gì với mấy công việc nhẹ nhàng này. Tôi vào hãng với tinh thần thoải mái vì tôi được làm việc trong một môi trường vui vẻ và tôi yêu thích công việc này. Ngược lại, việc học ở trường thì tôi vật lộn với nó như bò kéo xe lên dốc.
Người xưa có câu "70 chưa gọi là lành", ý nói họa phước của mỗi người tới 70 tuổi vẫn chưa biết được, phải tới khi hết thở thì mới có thể nói rằng cuộc sống của một người tốt xấu, lành dữ, ra sao. Câu chuyện dưới đây là một chuyện có thật về một chuyến du lịch bị trở ngại vào phút chót và những người trong cuộc đã trải qua những thử thách rất khó khăn, giống như họ phải chèo chống một con thuyền mong manh vượt qua cơn sóng dữ...
Hòa thức dậy lúc 5 giờ sáng sau giấc ngủ ngắn từ giữa khuya, căn phòng bệnh viện màu trắng ngà dưới ánh đèn vàng vọt buồn thiu, bên ngoài kia trời còn phảng phất lạnh lẽo của đầu mùa đông, dù mùa đông Seattle không nhiều tuyết tái tê như những nơi miền Đông Bắc nước Mỹ. Hòa vẫn thường ngủ ít và dậy sớm, có lẽ bệnh nhân nào cũng thế, nằm trong bệnh viện khắc khoải lo âu bệnh hoạn, lại thêm y tá nhân viên thường xuyên ra vào cả ngày lẫn đêm ai mà ngủ ngon cho được. Hòa rời khỏi giường, đi ra phía cửa, rồi đi dạo khu hành lang cho đầu óc khỏi suy nghĩ rồi lại buồn lại khóc. Các phòng bệnh đều đóng kín, mỗi bệnh nhân là một thế giới riêng, đau buồn riêng. Cuối hành lang xa xa thỉnh thoảng có bóng dáng vài cô y tá tất bật qua lại, ghé vào phòng nào đó thăm bệnh, lấy máu, đo huyết áp, đưa thuốc... nói chung là đủ thứ của công việc y tá.
Ông ngồi nhâm nhi tách trà, ánh mắt mông lung thả vào khoảng không. Từ tách trà nóng, một làn khói mỏng tỏa lên. Hương sen lãng đãng trong khu vườn buổi sáng, quyện cùng mùi cỏ cây, mùi sương ẩm. Buổi sáng bao giờ cũng là thời khắc êm đềm đối với ông. Không có gì phải vội vàng, ông cứ ngồi như thế, cho đến khi mặt trời lên cao và bình trà cạn nguội ngắc ngơ. Nhưng hôm nay thì khác. Bãi sân trống cạnh nhà là nơi tụ tập đá bóng của bọn trẻ từ sớm. Kỳ nghỉ hè vừa mới bắt đầu, bao nhiêu sự phấn khích cùng với năng lượng tràn đầy dồn vào những cú sút bóng ầm ầm, vào tiếng la hét vang dậy. Rồi cái gì đến cũng đã đến. Một cú sút thẳng chân, hất quả bóng bay qua hàng rào, rơi ngay bàn trà của ông...
... Có nhiều người nói nhổ răng hàm trên, nhất là mấy cái răng cấm thì dễ bị chạm dây thần kinh và về sau sẽ bị “mát dây”, và cũng có vài đứa bà con tôi biết sau khi nhổ răng cấm thì tâm thần rất là bất ổn, nếu không nói là bị bệnh thần kinh. Nhà tôi và mấy đứa con thì nói răng không đau đâu cần nhổ làm gì cho... thêm chuyện; thằng con còn “hù” tôi, kể lại khi nó đi nhổ răng khôn, người ta dùng kềm móc cái răng rồi “đu” người lên mà kéo; ông bố thì “dọa”, coi chừng nhổ răng xong bà không còn nhớ tôi là ai; rồi vài chị bạn tôi kể nhổ răng khôn về sưng đau hành rất lâu, rất mệt v.v... làm tôi hãi quá. Tôi lên “net” tìm hiểu về “lợi và hại của việc nhổ răng khôn” thì có quá nhiều thông tin xuôi chiều và ngược chiều, nên tôi quyết định không nhổ. Cho nó lành...
Trong cuộc đời của mỗi người, bất kỳ ở nơi nào trên thế giới, từ khi có trí khôn, là ta đã mang nợ và phải biết ơn nhiều người- từ Tổ Tiên Ông Bà, người làm ra hạt gạo nuôi ta, Đấng Sinh Thành, đến những Thầy Cô dẫn dắt ta, các cô chú Thương Phế Binh đã bảo vệ chúng ta bằng chính cuộc đời họ, đến bạn bè, người quản lý và giám đốc nơi ta làm việc, đồng nghiệp... người quen người lạ… tất cả mọi người chung quanh, ta đều mang ơn họ, không nhiều thì ít. Và riêng đối với những người được định cư ở quê hương thứ hai, ta còn phải mắc nợ thêm bao nhiêu là người nữa- từ chính phủ, những vị tổng thống, từ những vị giúp những chương trình tái định cư HO, ODP… đến những vị ân nhân bảo lãnh...v.v... trái tim nhân ái của họ bao la vô cùng... Kể ra tất cả những người làm ơn cho ta sẽ không hết - ở đây tôi chỉ xin đơn cử một vài việc rất gần đối với gia đình tôi, với đất nước “Cờ Hoa” đầy tình người này.
Cách đây rất nhiều năm. hồi chị còn đi học đại học ở Mỹ, trong một lớp của chương trình sư phạm, một vị giáo sư hỏi cả lớp trước khi cả lớp chuẩn bị nghỉ lễ Tạ Ơn: - Các bạn sẽ nói lời cảm ơn với ai trong dịp lễ Tạ Ơn năm nay? Các bạn đồng môn của chị nhao nhao, nói sẽ cảm ơn gia đình, thầy cô, bạn bè. Vị giáo sư quay sang hỏi chị có ai để cảm ơn không, dĩ nhiên chị có rất nhiều người để nói lời cảm ơn. Chị nói với vị giáo sư rằng chị rất biết ơn ba má và bạn bè của chị, người đã giúp đỡ chị quay lại trường đại học ở Mỹ. Chị biết ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình chị và giúp đỡ chị về tài chánh để chị được đi học. Chị biết ơn các giáo sư ở Mỹ đã khuyến khích, tận tâm giải thích cho chị những lúc chị không hiểu bài. Chị cảm ơn con trai chị đã giúp chị có động lực để quay lại trường học vì chị muốn làm tấm gương cho thằng Huy-là-con trai của chị. Chị muốn thằng Huy sau này khi lớn lên sẽ đi đại học như rất nhiều di dân gốc Việt khác...
Tôi thức dậy từ 6 giờ sáng lo những việc cá nhân lẹ làng, sau đó thay bộ áo dài cờ vàng lái xe lên San Jose, đến điểm tập họp trước “parking” của Walmart nằm trên đường Story. Vì câu nói của em trai Minh Huy trưởng đoàn Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa, khi Hoa Nguyễn mời, tôi đã ngại ngùng nói ”Chị già rồi không phù hợp với tuổi trẻ, đường xá xa xôi, vấn đề lái xe trở ngại, chỉ có thể đi tham dự hạn chế”. Minh Huy thưa ”Chị ơi! chúng em rất cần ba thế hệ một tấm lòng ...”. câu nói lễ phép với cả chân tình của tuổi trẻ đầy tha thiết đã động vào trái tim mình, nên tôi quên mất tuổi già không đủ sức khỏe tốt, vượt đường xa mưa gió góp mặt cùng nhóm hậu duệ đi diễn hành Lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ.
Một ngày trong tháng 9, 2024, Kim Oanh điện thoại cho vợ chồng chúng tôi, ngỏ ý muốn qua thăm “anh chị”. Chúng tôi cho biết, nếu cần đưa đón, chúng tôi sẵn sàng. Nhưng Kim Oanh trả lời sẽ nhờ người quen đưa đến. Chúng tôi hẹn gặp nhau vào cuối tháng 10, 2024 tại nhà chúng tôi. Kim Oanh là vợ của Trung Úy Không Quân Hoàng Văn Tân, một người bạn tù cải tạo rất thân thiết của tôi trong 2 năm tại Long Khánh. Kim Oanh có lần dẫn vợ tôi cùng nhau thăm lén hai ông chồng trong rừng cao su bên ngoài trại tù ở Long Khánh. Đây là một kỷ niệm không bao giờ quên, vì cả hai cặp có được chút thì giờ “tâm sự” riêng với nhau giữa cảnh màn trời chiếu đất. Anh Hoàng Văn Tân mất vào đầu năm 2016 tại San Diego.
Dân ta ở các tiểu bang miền Tây như Cali, Texas… gọi họ là dân “Mễ” vì họ vào nước Mỹ từ xứ Mexico; các tiểu bang miền Đông như Maryland, Virginia… gọi là dân “Xì”, vì nghe họ nói tiếng Spanish - tiếng gọi khác nhau, nhưng “Mễ” hay “Xì” cũng là di dân từ các nước Trung hay Nam Mỹ. Người Mỹ gọi họ là dân Hispanic hay Latino. “Chuyện dài di dân gốc Mễ”: từ nhà ra phố đến chuyện quốc gia đại sự đều có mặt dân “Xì”; vui buồn, thương cảm hay giận đến căm gan đều có bóng dáng anh “Mễ”...
Nhạc sĩ Cung Tiến