Hôm nay,  

Lạc Quên Đường Về

26/02/202420:03:00(Xem: 2568)
Nhà thờ e_Phuoc An Thy
Hình tác giả gửi. 

 

Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân  và giải đặc biệt năm 2023. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả về trí nhớ người già.

 

*

 

Không biết tại sao khi nói tôi nói rất ngắn, nhưng viết thì lại dài dòng. Nếu bạn nào không có thời gian để đọc hết bài viết thì kéo xuống đọc đoạn cuối bài là được rồi. Đoạn cuối là lúc tôi gọi điện thoại và đầu dây bên kia trả lời:

- Văn phòng bác sĩ, cần giúp gì ạ?

- Tôi muốn gặp bác sĩ.

- Chú phải lấy một cuộc hẹn.

- Tôi không muốn lấy hẹn, tôi chỉ muốn nói chuyện với bác sĩ một chút thôi.

- Nhiều hay ít thì chú cũng phải lấy hẹn trước.

- Tôi đã nói là tôi không cần lấy hẹn, tôi cần gặp bác sĩ.


Đó là bắt đầu của đoạn cuối bài viết.

Còn đây là đoạn dài dòng. Có nhiều chuyện, nhiều việc tôi nhớ dai, chỉ có điều là tôi hay quên tên và đường về nhà. Dù tôi không mắc chứng suy giảm trí nhớ, bị bệnh lãng, vậy mà thỉnh thoảng cứ quên quên nhớ nhớ để rồi bị lạc đường. Mỗi lần định đi đâu, tôi đều xem bản đồ, viết ra giấy thật rõ ràng, chi tiết đến đường nào thì quẹo phải, đường nào rẽ trái và khi đi về thì làm ngược lại.

Chắc các bạn cũng đã có lần bị nhầm, lạc đường. Không biết các bạn thì sao, chứ tôi khi bị lạc đường, tôi không thấy mình quá bối rối, vẫn bình tĩnh và nghĩ, “Giá mà mình bị lạc vào thiên đường trần gian thì hay biết mấy”. Có lẽ tôi bình tĩnh như vậy vì bị lạc đường riết thành quen và vì bây giờ có sự trợ giúp từ Google Map hoặc Iphone để tìm đường, nơi mình cần đến.

Đó là khi còn tỉnh, chứ lúc uống bia rượu vào thì dù ít hay nhiều gì tôi cũng không còn biết phương hướng nào để về nên cần sự giúp đỡ của bạn bè. Có nhiều lần đến nhà bạn chơi, dù đã đến đó hàng chục lần, nhưng khi rượu vào, tôi lại hỏi bạn bè, đường nào về nhà tôi. Lần đầu tôi hỏi như thế, chúng bạn cười rộ lên vì tưởng tôi nói đùa. Lâu ngày, tôi hỏi hoài thì các bạn biết là tôi không nhớ đường về nhà thật. Bạn bè nói, đã uống rượu bia thì đi Uber về, chứ lái xe như vậy nguy hiểm lắm, nhưng tôi đâu có uống nhiều và vẫn rất tỉnh táo, chỉ là tôi không nhớ đường về. Những lần như vậy, khi thì bạn này lúc thì bạn khác lái xe chạy trước dẫn đường cho tôi lái xe theo sau về nhà.

Có lần, một người bạn rất tận tình, bạn ấy lái xe chạy chậm để tôi theo kịp, về đến trước cổng nhà tôi, bạn ấy dừng xe lại. Tôi dừng xe phía sau xe bạn ấy, chờ mấy phút mà bạn ấy chẳng chịu đi về nên tôi cứ đậu xe chờ. Cuối cùng bạn ấy quay kiếng xe xuống, chỉ tay vào nhà tôi, nói lớn:

- Nhà của anh đó, vào đi.

Thì ra bạn ấy sợ tôi không nhận ra nhà của mình nên chờ tôi lái xe vào sân, rồi bạn ấy mới lái xe về.

Có một tối kia, người có chút hơi men, dù không có bạn giúp, tôi cũng lái xe về đến nhà mình bình yên. Tôi bấm cái remode điều khiển từ xa mấy lần, nhưng vẫn “cổng đóng then cài”. Cổng hư rồi à? Ơ nhà mình sao bỗng dưng to thế? Nhìn tới nhìn lui thì ra là căn chung cư gần nhà. Tôi dáo dác nhìn quanh xem có ai thấy không, rồi luống cuống lái lùi xe lại mấy trăm thước mới đến đúng cổng nhà mình.

Nhiều người có thể nhớ đường rất tài tình, còn tôi thì chật vật vì mù đường. Nguyên nhân nào làm tôi khó ghi nhớ các con đường và không đoán được phương hướng? Sau khi tự loại trừ các căn bệnh khác ra thì phát hiện, não bộ của tôi bị bệnh làm biếng ghi nhớ chính xác các vị trí và lười nhét tên các con đường vào vùng não nhận thức của mình.

Có vài người bạn nói, họ hay bị quên trước quên sau tại vì tiêm chích quá nhiều liều thuốc chống ngừa Covid. Tôi cũng hay quên, nhưng có thể là vì tuổi nhiều, thế thôi. Không ai nói trước được là mình sẽ nhớ mãi và quên là một điều đáng sợ.

Biết vậy, song tôi cũng khônɡ thể nào tưởnɡ tượnɡ được chuyện mình đãng trí đến vậy. Thời gian gần đây, tôi được giới thiệu vào làm việc trong Hội Đồng Mục Vụ của một xứ đạo. Nhân Thánh Lễ Mở Tay của một Tân Linh Mục, tôi được đại diện Ban Thường Vụ, Hội Đồng Mục Vụ Cộng Đoàn, Giáo Xứ lên phát biểu chào mừng, cảm ơn Tân Linh Mục. Trong Thánh Lễ Đồng Tế có bốn Linh Mục, một Thầy Phó Tế, nhiều Sơ, các Tu Sĩ Nam Nữ và cả ngàn Giáo Dân. Tôi kính thưa vanh vách tên từng Linh Mục, Thầy Phó Tế, các Tu Sĩ Nam Nữ, các ban ngành hội đoàn. Tôi thấy mình nói đúng hết, vậy mà khi bước xuống, có người nói là tôi đọc sai họ của Thầy Phó Tế. Tôi bị “tắc não” rồi sao?

Có thể vì tên của ba trong bốn Linh Mục đều là họ Nguyễn khiến tôi vô tình nói họ của Thầy Phó Tế từ Đỗ qua họ Nguyễn chăng. Khoảng gần đây, nhiều khi trong đầu tôi thấy màu đen lại nói trắng, nghĩ chữ này lại nói ra chữ khác. Trong đầu nghĩ Thầy họ Đỗ, nhưng lại nói họ Nguyễn. Có dịp tôi phải gặp và xin lỗi Thầy vì đã mộ phạm đổi họ của Thầy.

Nghĩ một đằng nói một nẻo không phải chỉ riêng tôi, tôi tự an ủi để cho sự việc có vẻ tốt hơn so với thực tế. Có ca sĩ đến khúc cao trào vẫn quên ca từ. MC đến hồi gay cấn vẫn đọc nhầm tên ca sĩ và bài hát đó thôi. Có nhiều diễn giả nổi tiếng, đôi lúc đang hăng say nói, vẫn “bay não” và quên mất phải nói gì tiếp theo. Người nào thì cũng có lúc quên vài từ hay tên một người trong lúc chuyện trò.

Có lần tôi phải hối tiếc vì tình huống não nghĩ thế này mà miệng lại phát ra thế khác. Bạn tôi hỏi mời:

- Ăn cơm chưa? Đi ăn với tao.



Trong đầu tôi định nói “Chưa” và “Yes”, nhưng miệng tôi lại vô thức nói nhầm “Rồi” và “No”. Thật là tiếc.

Như đã nói, kiểu nghĩ một đằng nói một nẻo của tôi là do tuổi tác làm đầu óc không còn hoạt động bình thường, chứ chẳng liên quan gì đến cách nghĩ một đằng nói một kiểu của đàn bà con gái rất hay.

Chưa kịp xin lỗi Thầy Phó Tế, hôm sau tôi lại bị đãng trí nữa. Đúng là “Cơn ông chưa qua, cơn bà lại đến”. Tôi đi mua vài thứ ở một tiệm tạp hoá. Từ xa tôi thấy một bạn gái học cùng trường mà đã rất lâu không gặp. Tôi vội vàng tiến tới, chặn trước mặt cô bạn và vui mừng nói:

- Hi Hoa! Lâu ngày quá, Hoa khoẻ không?

Cô bạn học tròn mắt nhìn tôi, vẻ mặt ngạc nhiên. Cô ta không trả lời mà bỗng nguýt mắt một cái thật sắc lẹm khiến sống lưng tôi ớn lạnh. Với vẻ giận hờn, cô bạn lách nghiêng mình bỏ đi thật nhanh.

Tôi đứng sững người như trời trồng vì quá bất ngờ. Tôi nghĩ suy lao lung, mình có bị mắt quáng gà nhìn lộn người không? Nhất định là tôi quen biết cô ta mà. Trước đây mình có làm điều gì khiến bạn ấy phật lòng không? Tôi hoang tưởng nghĩ, hay trước đây mình có tỏ tình, nói lời yêu với bạn ấy rồi gian dối không ta? Có thể cô ta hiểu lầm cho rằng tôi là một tên “nhặt lại tình xưa”? Tôi lật ngược quá khứ mấy lần và thấy chẳng có làm điều gì khiến bạn ấy buồn giận, cũng như tôi chưa bao giờ nói lời yêu thương với cô ấy. Tôi suy nghĩ nát óc mà vẫn không hiểu vì sao mình bị bạn ấy giận.

Thấy cô bạn học đang đi ra bãi đậu xe, tôi vừa lật đật chạy theo vừa kêu lên ầm ĩ:

- Hoa ơi đợi đã, đợi đã!

Bạn Hoa dừng bước, quay người lại đứng chờ tôi đến. Đứng trước mặt Hoa, dù thấy bạn ấy có hơi đẫy đà hơn xưa, nhưng để lấy lòng, tôi nói:

- Kỳ này Hoa thon thả đẹp hẳn ra.

Cô ta lườm tôi một cái rồi định quay lưng đi tiếp. Thấy vậy, tôi liền vội hỏi:

- Anh suy nghĩ nhức cả đầu mà vẫn không biết mình đã làm gì để Hoa giận anh dữ vậy. Hoa nói cho anh biết với.

Lần này cô ta phối hợp lừ mắt lườm và chu môi, nói lớn:

- Cái anh dở người, tôi không phải Hoa, tôi tên Hồng. Nhớ chưa?

Chợt nhận ra cô ta đúng là tên Hồng, tôi lúng túng nói:

- Hồng đi chậm thôi, coi chừng ngã.

Cô bạn học đưa môi trề bĩu ra, nguýt “xì” một tiếng dài sắc nhọn rồi day mặt bỏ đi. Tôi đứng trơ ra giữa bãi đậu xe, mặt mày lơ láo và tôi thấy thương mình quá.

Những cái nguýt, lườm của cô bạn làm tôi thật sáng mắt sáng lòng mà “quán chiếu” ra là trí óc mình đã bắt đầu có dấu hiệu của sự lão hóa. Cũng may là não tôi chưa phạm lỗi lầm nghiêm trọng gây ra những việc bất thường như kiểu nói đi ăn cơm, nhưng ra đến quán lại gọi phở.

Bụng làm dạ phải chịu gỡ thôi!

Trưa hôm qua tôi gặp một người đi lạc, quên đường về như tôi nên tôi rất thông cảm cho người như vậy. Người đó là một cụ bà lưng còng, tóc bạc trắng, đứng trước một siêu thị. Lúc ấy siêu thị thưa người. Bà cụ có vẻ hơi hoảng loạn, hỏi tôi:

- Cháu có điện thoại cầm tay không?

- Dạ có.


Đưa cho tôi tấm danh thiếp một văn phòng bác sĩ, bà cụ nói:

- Cháu gọi con của bà đến đón bà về với.


Tôi gọi điện thoại và đầu dây bên kia trả lời:

- Văn phòng bác sĩ, cần giúp gì ạ?

- Tôi muốn gặp bác sĩ.

- Chú phải lấy một cuộc hẹn.

- Tôi không muốn lấy hẹn, tôi chỉ muốn nói với bác sĩ một chút thôi.

- Nhiều hay ít thì chú cũng phải lấy hẹn trước.

- Tôi đã nói là tôi không cần lấy hẹn, tôi cần gặp bác sĩ.

Đầu dây bên kia cúp điện thoại. Tôi bấm số gọi lại lần nữa. Đầu dây bên kia trả lời:

- Văn phòng bác sĩ, cần giúp gì ạ?

- Tôi muốn gặp bác sĩ.

- Lại chú nữa à. Chú phải lấy hẹn mới gặp được bác sĩ.

Sợ bị cúp điện thoại nữa nên tôi nói nhỏ nhẹ:

- Đây là chuyện khẩn cấp và riêng tư, tôi chỉ muốn nói với bác sĩ vài câu thôi. Nhờ cô cho tôi nói chuyện với bác sĩ.

- Chú chờ một tí.

Tôi nghe tiếng nói chuyện rì rào ở đầu dây bên kia. Lát sau, một giọng đàn ông có vẻ hơi cáu kỉnh:

- Tôi là bác sĩ, chú cần giúp gì thì nói đi. Tôi bận lắm, rất nhiều bệnh nhân đang chờ đợi.

- Tôi không cần bác sĩ giúp tôi.

Giọng bác sĩ gay gắt:

- Chú có biết một giờ tôi làm bao nhiêu tiền không?

Tôi không thể nào tưởng tượng được một bác sĩ lại ăn nói “phàm phu tục tử” như thế. Tôi chửi thầm trong đầu, “Ăn học đến bác sĩ mà nói chuyện mất nết”. Tôi bực bội nói:

- Tôi không cần biết bác sĩ làm một giờ bao nhiêu tiền, nhưng có một bà cụ đi lạc, nói là mẹ của bác sĩ, nhờ tôi gọi bác sĩ ra đón bà cụ về.

Vị bác sĩ im lặng một lúc rồi nói:

- Chú cho tôi nói chuyện với bà.

Tôi đưa điện thoại cho bà cụ. Hai người nói chuyện vài câu, biết đúng là mẹ mình, bác sĩ nói với tôi:

- Chú giữ cụ bà lại, cho tôi địa chỉ tôi đến liền.

Tôi nói tên siêu thị nơi tôi và bà cụ đang đứng. Bác sĩ nói đến đón liền vậy mà hơn nửa tiếng sau mới đến. Vị bác sĩ đưa người mẹ lên xe, rồi quay sang nói với tôi:

- Cảm ơn chú, cám ơn chú.

Tôi nghiêm giọng:

- Không có chi. Bác sĩ có biết một giờ tôi làm bao nhiêu tiền không?

- Xin lỗi chú vì hiểu lầm nên có lời thô lỗ, xin chú bỏ qua.


Tôi cười xoà:

- Tôi chỉ nói đùa thôi.

Trong thời gian chờ đợi vị bác sĩ kia đến, bà cụ chuyện trò tâm sự về đời sống của bà cụ. Tôi im lặng lắng nghe, miễn tuổi già vui là được rồi. Nhờ đó tôi mới biết thêm tâm tư của người già. Người già ở trong nhà hoài, cảm thấy cô đơn, bị cô lập với xã hội, thấy chán nên hay lẻn ra ngoài đi khắp nơi và dễ bị lạc. Mặc dù cụ bà được con cái mướn người đến tận nhà chăm sóc, lo ăn uống đầy đủ, nhưng với người già như thế là chưa đủ.

 

Phước An Thy

Ý kiến bạn đọc
27/02/202418:58:29
Khách
Cảm ơn Lại Thị Mơ đã khích lệ.
Phước An Thy
27/02/202417:07:21
Khách
Hay quá, nhất là đoạn gọi ông bác sĩ ( con ). Tác giả đùa dai, chọc ghẹo ông bs nên mới nghe được câu " bất hủ "( kèm theo một lô bất, bất bình, bất lịch sự).
Mày có biết bố tao là ai không?
Ông có biết tôi làm một giờ bao nhiêu không?
Hai câu này coi chừng tràn lan trên mạng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,403
Vài ngày trước Giáng Sinh 2023, tôi điện thoại chúc Thầy Cô Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu bình an trong tình yêu thương của Chúa Hài Đồng, đồng thời chúc sức khỏe Thầy Cô trong năm mới 2024. Vào dịp Tết Nguyên Đán tháng 2, 2024, tôi lại điện thoại chúc Tết Thầy Cô, nhưng lần này không được trả lời, nên tôi đành gởi lời chúc qua text message, kèm theo lời mời sớm, mong Thầy Cô tham dự Đại Hội Y Khoa Huế (YKH) Hải Ngoại vào khoảng tháng 7 năm nay. Tôi không nhận trả lời của Thầy. Mãi hơn một tháng sau, trong bất ngờ và cảm xúc, Hội YK Huế Hải Ngoại nhận tin buồn chính thức từ gia đình cho biết Thầy Lê Thanh Minh Châu đã thanh thản ra đi vào ngày thứ Tư, 28 tháng 2, 2024, tại Rancho Mirage, CA, hưởng đại thọ 94 tuổi.
Thông thường sau những ngày nắng hè oi bức, mùa thu mang đến sự mát mẻ dễ chịu cả đêm lẫn ngày. Ra đường phải mặc thêm áo khoác nhẹ, choàng cái khăn quàng quanh cổ. Năm nay đặc biệt thời tiết thay đổi. Vùng Hoa Thịnh Đốn mưa nắng bất thường. Mưa liên miên mấy hôm liền dù không lớn nhưng trời âm u ẩm ướt, không mấy khi có nắng cả ngày. Tuy nhiên nhờ có mưa các sân cỏ vàng hoe mấy tháng hè vì thiếu nước nay xanh tươi trở lại. Hoa cúc trồng từ những năm trước ra hoa rực rỡ màu sắc. Mấy cây cà, cây ớt vẫn còn tươi tốt chưa bị ảnh hưởng thời tiết se lạnh mùa thu. Lá cây trên cành vẫn còn xanh tuy đã vào tháng 10. Thấy thời tiết tương đối dễ chịu ngày cuối tuần con gái Vân rủ Mẹ đi thăm nhà nghỉ mát của người bạn ở ngoại ô Maryland trên hòn đảo nhỏ, cách nhà khoảng 90 phút lái xe.
... Tôi biết gia đình chị Thương gồm hai mẹ con, ngày ấy bà Sáu chưa nhiều tuổi lắm, chỉ trên 40, bà chưa từng bước ra đường kiếm tiền bao giờ hồi còn ở quê hương, thế mà từ ngày đặt chân đến Canada bà đã phải đi làm, ban đầu lau nhà, dọn dẹp rác trong những shopping mall, sau này bà có chút vốn liếng về tiếng Pháp, bà xin được vào hãng may; bà làm cực nhọc để nuôi con gái đi học, bà muốn chị sau này sẽ bớt khổ, sẽ làm một chức vụ nào đó kha khá để khỏi uổng công bà đã mang nặng đẻ đau, bị nhà chồng ruồng bỏ từ khi biết bà mang bầu là con gái; rồi bà và chị đã phải vượt biên chết đi sống lại khổ sở trên biển cả, bao nhiêu khổ cực oan trái bà đã từng cầu xin Trời Phật để bà gánh vác thay con, để con gái có một cuộc sống thật nhàn nhã, sung sướng sau này...
Mùa hè năm ấy, thằng Huy về nhà nghỉ hè trên đôi nạng gỗ. Cu cậu vừa mới hoàn thành xong khóa huấn luyện quân sự Cadet Field Training và khóa huấn luyện Air Assault (không kích trên không). Ngày cuối cùng của khóa huấn luyện Không Kích Trên Không, cu cậu không may bị bong gân nên phải chống nạng. Tuy đi khập khiễng nhưng cu cậu hớn hở ra mặt vì được về thăm nhà và nghỉ hè được một tháng. Chị ra sân bay đón con trai. Thấy chị từ xa, thằng Huy đưa tay lên cao vẫy - “Má ơi, con ở đây nè”. Chị vội vàng chạy lại. Hai má con ôm nhau. Chị xót xa:
Cuối hè, thu về trước ngõ nhưng khí hậu vẫn còn nóng oi bức, gần 100 độ F vào giữa trưa, nhờ có gió biển từ Đại Tây Dương thổi vào làm mọi người cảm thấy dễ chịu. Năm đó cũng vào mùa nầy, có người bạn rủ tôi qua Florida để tìm lại hương xưa, từ khí hậu nắng mưa, có vườn cây ăn trái không khác gì quê hương mình. Trong khi đó cũng có người nói rằng ở Nam Florida lắm mưa nhiều bão, như Andrew năm 1992, tàn phá tàn phá khủng khiếp miền Nam Florida, nó san bằng cả đến những cây cổ thụ trên 100 tuổi, làm sập nhà cửa, FEMA (cơ quan cứu trợ khẩn cấp Liên bang) phải đến từng nhà bị sập để cứu người. Cuối cùng tôi quyết định cùng vài người bạn đến Florida thử thời vận, khi sống ở Nam Florida tôi chứng kiến nhiều cơn bão đi qua như: Katrina, Wilma, Irma... và những người bạn đi chung với tôi đã bỏ đi.
Sáng nay trong lúc mơ mơ màng màng, chuông điện thoại reng. Tôi mở điện thoại ra coi, trên màn hình là một người phụ nữ ngoài năm mươi, đưa mắt nhìn qua máy security camera, bà ta vẫy tay chào. Tôi vội chạy xuống nhà dưới, mở cửa: - Chào buổi sáng. Tôi có thể giúp gì cho bà? Người phụ nữ nhìn tôi, ái ngại rồi giải thích sự có mặt của mình. - Xin lỗi cậu. Tôi là Jane. Năm ngoái tôi có mua bông của cậu bán, những người hàng xóm đi qua đều khen hoa đẹp, nên năm nay tôi trở lại xem coi cậu có còn bán không. Vì không tìm ra cách thức liên lạc, nên tôi mới đánh liều tới hỏi cậu. Xin lỗi vì đã làm phiền cậu vào cuối tuần...
Trường hợp này xảy ra cho chính bản thân tôi ngay trên nước Mỹ văn minh và giàu có: nhà tôi bị trộm viếng, tôi bắt được ngay tại trận, chạm mặt với nó, và rượt đuổi nó. Sau khi nó chạy thoát, tôi phải cất công đi làm “thám tử” điều tra coi tên trộm từ đâu đến, để rồi khi kiếm ra, chính tôi phải kiếm đến tận nhà để làm hòa và tha thứ cho “ngài đệ tử” của thần Đạo Chích này.
Tôi biết Khánh đã lâu, từ khi còn là cô bé du sinh, vô xin việc làm thêm ở toà báo để có thêm thu nhập. Nói nhiêu đó đã đủ biết Khánh không phải con cán bộ qua Mỹ ăn chơi bằng diện du sinh. Ngặt thời ấy, cộng đồng người Việt ở địa phương còn chống Cộng dữ lắm nên tôi chỉ biết tôn trọng những người bị bứng ra khỏi quê hương, sống đời hải ngoại. Tuy cái ăn, cái mặc, chỗ ở, việc làm; đặc biệt là tự do đều rộng mở ra tương lai tươi sáng; chỉ nỗi nhớ người thân, quê nhà canh cánh trong lòng người xa quê.
Đang ngủ say, Bin bỗng giật mình tỉnh giấc vì nghe những tiếng ầm ì rất lớn. Cửa sổ muốn bể toang như có ai đang dập mạnh vào. Em sợ hãi nhìn sang giường bên. Chị Ti đang ngồi trùm chăn run rẫy . Bỗng dưng điện tắt phụt. Bóng tối mang gương mặt kinh dị của Halloween, như muốn nuốt chửng lấy cả hai. Hốt hoảng, hai chị em cùng nhảy phóc xuống giường, chạy nhanh sang phòng ba mẹ, gào khóc inh ỏi.
Tôi gặp anh khi cuộc đời anh đã ba chìm bảy nổi, cộng thêm tôi vào là thành chín cái lênh đênh. Hề gì, một mái lều tranh hai quả tim vàng. Tôi dạy học, dẫu đồng lương chết đói, nhưng yên chí mỗi tháng có 13kg gạo, nửa ký đường và ba chục đồng “tiền Bác”, đủ sống qua ngày. Điều quan trọng tôi là thành phần gương mẫu trong xã hội, chưa hề có “nợ máu với nhân dân”. Thời chế độ cũ, tôi chỉ có đi học. Di cư vào Nam năm hai tuổi, tới mùa hè 1975 học xong, rồi đi dạy, thì chắc chắn phải là thành phần gương mẫu. Vì vậy khi lập gia đình với một ông vừa ra khỏi “trại cải tạo”, hàng xóm cũng nhân nhượng không để ý lắm tới sinh hoạt của chúng tôi.
Nhạc sĩ Cung Tiến