Hôm nay,  

Những Ngày Cuối Năm... Nhớ Ngoại!

05/02/202413:10:00(Xem: 3164)
tuyet
Ảnh: Tác giả chụp.



Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Tham gia VVNM từ những năm đầu của giải thưởng, tác giả nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ”. Tháng 12, 2021, tác giả nhận giải Việt Bút Trùng Quang VVNM 2021. 


*

Những hạt tuyết đầu mùa đã rơi cách đây vài hôm. Vừa đủ dày và phủ trắng cảnh vật để điểm thêm vẻ đẹp cho mùa đông. Lớp tuyết đó chưa kịp tan hết thì từ khuya qua lại có thêm một trận tuyết lớn khác. Sáng nay khi trời còn lờ mờ, tôi vén màn nhìn ra cửa sổ mà cứ ngỡ mình đang ở cõi tiên. Thời tiết thế này, cảnh đẹp thế này, phải cho mình 5 phút... Thế là tôi lại vào giường, trùm mền, nằm ngắm tuyết rơi 😊.  Nghĩ thầm, các em nhỏ hôm nay chắc sẽ được nghỉ ở nhà và sẽ thích lắm vì được chơi tuyết. Người lớn chắc phần nhiều cũng sẽ được làm việc tại nhà hoặc cũng được cho nghỉ.

Tôi thì vẫn làm việc tại nhà từ mấy năm nay và hôm nay có họp từ sáng sớm nên chưa bước chân ra ngoài. Ngồi làm việc trên lầu nên view không bị vướng nhà cửa. Thỉnh thoảng nhìn ra thấy các bông tuyết bay bổng trong không gian đẹp quá nên cứ chút chút lại len lén đến gần cửa sổ chụp vài pô hình 😊. Hình như tuyết đã lên 6-7 inches gì rồi.

Gần trưa thì tôi nghe nhiều tiếng động bên ngoài, nghe cả tiếng của chị hàng xóm Maha như kêu ai. Sau vài giây hơi xao lãng, tôi trở lại với công việc và không để ý tới những tiếng động đó nữa.

Đến giờ nghỉ trưa tôi xuống nhà và ra ngoài ngắm nhìn trời đất. Ngạc nhiên thay khi xung quanh trắng xóa nhưng driveway và xe mình lại sạch trơn tuyết...

Ôi, chắc lại là những hàng xóm dễ thương. Mới mấy tuần trước vừa kể chuyện Nicholas mang thùng rác vào giùm. Không biết hôm nay những ai đã cào tuyết vì lúc nãy nghe nhiều tiếng động và tiếng nói của nhiều người.

Phải công nhận có bộ chuông kèm video gắn ngay ở cửa cũng tiện cho nhiều thứ. Chắc chắn hôm nay nó đã giúp ghi lại nhiều hình ảnh dễ thương. Đúng vậy, hai bố con Samy và Nicholas cào sạch sẽ tuyết trên hai driveway dài thoòng và cào luôn cả tuyết trên xe của tôi... Mấy phút cuối, khi thấy cảnh Samy lui cui cào cả tuyết ở thềm, rồi các bước từ thềm đi ra xe tự nhiên làm bụng tôi cuồn cuộn và mắt nóng lên, ướt nhòa.

Samy, Maha, Nicholas... những người không máu mủ ruột thịt!

Trở về bàn làm việc, nhìn lên kệ sách ở phía trước, có hình ông ngoại ở trên, tôi lại thêm xúc động và nhớ ông khôn tả. Nhớ ông ngoại Cả Viên!

Nhớ những lời ông thường dạy ngày xưa: “…Phải sống sao mà ở cho người ta thương, đi cho người ta nhớ!”

Ngoại là người ảnh hưởng rất nhiều lên tính cách và cuộc sống của tôi. Ngày thơ ấu, những khi người lớn bận rộn và bỏ quên mình hơi lâu, ngoại cho mình ăn nước chắt ra từ cơm sôi sắp chín để thay sữa. Cậu út kể lại rằng, có giai đoạn mình bị ghẻ rất nhiều. Ngoại chăm sóc và tắm cho mình sạch sẽ. Và có lẽ tình yêu thương làm cho người ta nhớ dai hơn về những gì được nhận? Nhiều lúc, dường như tôi vẫn thấy lại cảnh khi mình còn bé tí và đứng trong chậu nhôm đạp đạp nước.

Mình chào đời chỉ vài tháng trước thời gian khó khăn 1975. Có lẽ trong người không được đủ chất, không đủ đề kháng nên con nít thời đó dễ bị ghẻ lở. Cũng vì đói nhiều hơn no nên người chưa kịp lớn thì đã qua tuổi, nên phần đông đứa nào cũng nhỏ xíu con.

Thế là cái con bé bé tí ngày xưa đó hôm nay, cũng chưa cao lớn thêm bao nhiêu, đang ngồi đây, trong không gian yên ắng, tinh khôi... nhớ về ông ngoại của nó. Nhớ lại những ngày tháng còn được ông cõng đi nhà thờ. Hết giờ lễ, trời mưa tầm tã, cúp điện, ông đội áo mưa đi ra nhà nội hỏi, “bọn chúng về chưa vậy hở thưa bà?”  Và ông lên nhà thờ, vai cõng hai chị em, tay bồng thêm út Hí, trùm áo mưa lên bốn ông cháu, mang đầy đủ ba đứa nhóc tì về đưa cho nội, rồi ông về nhà ông ở xóm trong.

Dường như suốt cuộc đời, ông ngoại chưa bao giờ làm buồn lòng ai. Ông luôn yêu thương mọi người và rất thích chia sẻ... ngay cả lúc ông chưa hẳn đã ít nghèo hơn ai.

Mình nhớ dì Trang may cho ông một bộ pijama mới, may trên số đo của ông.  Ngay hôm sau, dì tình cờ thấy ông Tín hàng xóm đứng chuyện trò với mấy người trong xóm, mặc bộ đồ pijama mới mà dì vừa mang về cho ngoại hôm trước. Dì ngờ ngợ về hỏi ngoại, “Ủa bố, sao con thấy chú Tín mặc bộ đồ y chang bộ con mới may cho bố vậy?”

“Ừa, bố đã tặng cho chú Tín vì chú vừa ở Kinh Tế Mới vô thăm gia đình anh An. Chú ấy chẳng có quần áo gì nhiều. Bộ đồ đó cũng hơi rộng cho bố!” – Dì Trang chỉ cười thôi vì biết bộ đồ không hề rộng vì nó đã được may trên số đo của ông. Dì đã để dành tiền nhiều tháng mới may được cho ông bộ đồ mới vì ông ngoại cũng chỉ có vài ba bộ đồ. Chắc dì không giận mà chỉ thấy yêu thương bố mình hơn!

Lúc bấy giờ, tôi chỉ là một nhóc tì bảy tám tuổi. Đã hơn 40 năm. Câu chuyện đó vẫn khắc rõ trong tâm.

Tới ngày hôm nay, tôi vẫn chơi thân với mấy đứa cháu nội của ông Tín. Bạn Phú là bạn học và bạn sinh hoạt nhà thờ của tôi. Bạn không may mắc phải căn bệnh teo các bắp thịt nên đã phải ngồi một chỗ từ lúc 13 tuổi. Mỗi lần về VN, dù bận bao nhiêu, khi xong việc và dù chỉ còn vài tiếng là phải ra phi trường, tôi vẫn không bao giờ thiếu chạy đến thăm bạn mình và ngồi hàn huyên với bạn một đổi.

Đến đó... mình như được trở về thời ấu thơ, thấy lại cảnh được quay quần bên các ông, các dì, các cậu… và mình cảm thấy ấm áp hạnh phúc.

Trước 75, ông ngoại là y tá ở Chẩn Y Viện Trung Ương. Ai trong xóm đau bệnh hay gặp điều chi nguy hiểm đều chạy đến kêu ông. Trong những giai đoạn khó khăn sau này, mình thấy ông cũng làm thợ hồ, mình thấy ông đi bốc giùm mộ, và có khi ông cũng giúp xóm làng thông các đường ống cống... Ông không bao giờ nề hà bất cứ công việc nào, dù khó khăn bao nhiêu. Khi đi nhà thờ, nhìn thấy những cuốn sách đáp ca bị đứt chỉ và sút gáy, ông lặng lẽ mang về nhà khâu và mang lên lại nhà thờ những cuốn sách lành lặn; hôm khác lại mang thêm vài cuốn về khâu tiếp. Sau này lớn tuổi, ông vẫn không bao giờ để phí thời gian. Ngoài những giờ đọc sách, làm vườn, ông thắt hàng trăm chiếc võng làm quà cho bạn bè, người thân. Ông thắt cả dây thừng để kéo chuông nhà nhờ...

Thấy ai cần giúp đỡ, ông luôn xắn tay áo lên, bắt tay vào việc, không chờ đợi phải có người nhờ.

Ông ngoại cũng là một người rất khôi hài, thích làm mọi người cười vui. Ông kể nhiều chuyện ngày xưa thời còn đi học, và khi làm việc trong nhà thương. Một trong những chuyện vui tôi vẫn còn nhớ rõ đó là chuyện hái trộm mít. Những người lính quân y bạn học của ông lên kế hoạch hái trộm mít bên dòng các sơ sát cạnh trường học. Một nhóm ở bên này hàng rào canh chừng các sơ và một nhóm leo sang bên kia rào để cắt mít. Khi đã cắt được mít rồi nhưng chưa kịp mang về thì các sơ phát hiện. Các sơ kêu nhau ra và đến vây quanh gốc cây.

Đồng đội phía dưới chạy về phía hàng rào, không kịp bưng mít đi. Một chú còn kẹt trên cây.  Các sơ càng ngày càng ra đông và cứ la ầm lên “ối có kẻ trộm mít!” khủng bố tinh thần đối phương.

Trước tình cảnh vô cùng gây cấn này, đồng đội bên kia hàng rào còn chưa nghĩ ra kế để giúp bạn thoát thân thì đã thấy bạn mình từ trên cây tuột nhanh xuống đất và tuột luôn cả quần… 😂

Các sơ thất kinh hồn vía, vừa bịt mắt, vừa chạy, vừa la lên “Ôi con quỷ con quỷ con quỷ…” vì thấy… Thế là người đồng đội anh hùng đó đã ôm được trái mít chạy về phía hàng rào với các bạn.

Tiếng cười giòn tan của ông cháu tôi vẫn văng vẳng như chỉ mới hôm qua…

Ông ngoại đã gieo rất nhiều những hạt mầm cảm thông, chia sẻ, yêu thương. Ông cũng gieo những hạt mầm siêng năng, cố gắng, chịu khó; không ỷ lại, không biếng nhát, dựa dẫm...

Trước khi rời Việt Nam, ông đã dặn dò mình rằng, “... Dù có đi đâu, dù ở vị trí nào, dù có làm được gì,... hãy vẫn luôn là Mimi giản dị, dễ thương của ông… Phải luôn sống sao mà ở cho người ta thương, đi cho người ta nhớ!” Và những lời dặn dò đó đã đi theo mình ba mươi năm qua, giúp mình thường xuyên chậm lại và nhìn lại bản thân.

Ngày xưa, mình đã rất nghèo, ông ngoại nhỉ. Nhưng hôm nay, cháu thấy mình đã giàu lên từ những vốn liếng ông cho ngày trước. Cháu sẽ luôn cố gắng gìn giữ những hạt giống đó luôn sống, sẽ luôn cố gắng làm cho mình giàu hơn, và lan tỏa sang các em, các cháu... để ông luôn vui về con cháu của mình, ông ngoại nhe!

Hôm nay, những cử chỉ đẹp của hàng xóm là dịp cho cháu nhớ lại lời dặn của ngoại và phải luôn cố gắng hơn, khiêm nhường hơn, góp những hạt mầm đẹp cho đời. Bởi những gì mình nhận được là do những gì mình đã mình nuôi dưỡng, gieo trồng.

Nhờ có trận tuyết to đùng, nhờ có những người hàng xóm tử tế, nhờ được làm cháu của ngoại Cả Viên... mà hôm nay các ngón tay của cháu lại được dịp làm thư ký cho trái tim 😊

Những ngày cuối năm, nhớ ngoại thật nhiều, nhớ sao là nhớ... ông ngoại quý yêu!

Và mong rằng, trong những năm tháng qua, cháu đã có được một số người thương, một số người nhớ... Không phụ lòng ông 🙏💝

Anne Khánh Vân

Tháng Chạp, năm Mẹo 2023

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,403
Hôm ấy, một buổi chiều cuối thu, trời trong và se lạnh. Một ông già râu tóc bạc phơ, ước chừng vào tuổi tám mươi, ngồi đăm chiêu trên ghế đá công viên, gần Viện dưỡng lão Mission De La Casa ở thành phố San José - lặng lẽ nhìn lá vàng rơi… Bỗng từ xa, một thằng bé khoảng chín, mười tuổi chạy đến nắm tay ông, hỏi: - Ông ngoại ơi! Sao ông ngồi đây một mình, có vẻ buồn thế? - Ờ! Ông chỉ có một mình.
Chị Linh, cũng như vài anh chị thanh niên khác trong xóm, tình nguyện giúp phường xã quản lý chúng tôi mỗi mùa sinh hoạt hè. Trong khi các anh chị khác chỉ làm qua loa, lấy lệ, vui là chính, thì chị Linh lại hăng say một cách nghiêm túc. Nhớ có lần chào cờ, chị Linh đứng nghiêm, tay phải đặt lên ngực trái, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, miệng còn nhẩm hát bài Quốc Ca say mê thắm thiết, làm tôi và thằng Hà bụm miệng cười, báo hại sau đó chị Linh kêu hai đứa đứng dưới cột cờ, phê bình kiểm điểm, không cho tham gia sinh hoạt bữa đó luôn. Về nhà, tụi tôi kể cho chú Bảy, ba của thằng Hà nghe, chú là thương binh thời VNCH bị cụt chân nên không phải đi “học tập cải tạo”.
Có nhiều bạn được quý mến không phải vì giàu sang, địa vị hay có tài năng mà bởi những điều dễ làm cho người khác mến mộ như lòng chân thành, sự nhẫn nại, biết lắng nghe, một cái bắt tay ấm áp với ánh mắt thân tình, một nụ cười khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, dễ chịu...
Dòng kí ức dẫn dắt chị về miền quá khứ. Chị mang theo con trai đến Mỹ lúc thằng Huy vừa tròn một tuổi để đoàn tụ với gia đình. Chị không bất ngờ nhiều về quyết định chọn trường đào tạo sĩ quan West Point của con trai vì hồi còn nhỏ, con trai chị rất thích chơi với các chú lính chì và thích trở thành một người lính khi lớn lên. Là mẫu người phụ nữ “cá chuối đắm đuối vì con”, chị đã khước từ một vài người đàn ông theo đuổi chị để dành hết tất cả tình thương cho con trai. Chị dành hết toàn bộ thời gian rảnh của mình để chăm sóc con. Chị vẫn biết rồi một ngày con trai chị sẽ rời khỏi vòng tay chị để theo đuổi ước mơ của con nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng khi con chị muốn đi học ở một tiểu bang xa xôi.
Một nhân viên nhà thờ Warren Presbyterian Church nói có người muốn gặp tôi. Anh xuất hiện với đôi má thỏm sâu, mắt lạc thần, đặc biệt tóc rậm rạp dựng đứng cứng như rễ tre. “Chào anh. Tôi tên Thắng. Anh tên gì?” tôi hỏi. “Em tên Trị. Em mới qua Mỹ được sáu tháng năm ngoái 2003. Em muốn chết,” anh nói trong hơi thở hổn hển, “Chị vợ em bảo lãnh hai vợ chồng em và hai đứa con em, đứa 12 tuổi, đứa 7 tuổi, rồi cho ở free dưới basement mấy tháng nay mà cứ nói nặng nói nhẹ hoài. Tụi em đi làm nhà hàng, chở nhau bằng xe đạp té lên té xuống vì tuyết. Em muốn chết.”
Kiếm sống cũng có năm bảy đường, kiếm sống vừa hợp pháp, vừa chánh mạng thì càng quý. Thế gian có nhiều nghề hợp pháp nhưng lại là tà mạng, chẳng hạn như: mua bán rượu, cần sa (tùy tiểu bang), mở hộp đêm, giết mổ gia súc, sản xuất hay mua bán vũ khí… Mình có vài người bạn làm ở hãng LM, một hãng sản xuất vũ khí hàng đầu của nước Mỹ, rõ ràng là nghề hợp pháp nhưng chiếu theo lời Phật dạy thì lại không chánh mạng. Bạn mình cũng phân vân và ray rức, tuy nhiên vì lương cao, phúc lợi xã hội đầy đủ và cũng không dễ tìm được việc khác nên vẫn phải làm. Có lần bạn mình bị tai nạn đứt ngón tay, hãng bồi thường một món tiền lớn và bạn mình tâm sự: ”mình đứng máy sản xuất đạn dược, vũ khí đã gây chết chóc và thương tích cho người khác, có lẽ tai nạn này cũng là một sự trả quả”. Mình thật sự cũng chỉ biết an ủi một cách thường tình chứ cũng không biết nói gì hơn.
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.
Từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, khi đã rời quê hương để định cư ở nước ngoài thì người Việt đã xem như mất tất cả, vì họ không mang theo được gì đáng kể ngoài lòng yêu nước và di sản văn hóa, trong đó có âm nhạc được xây dựng dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nếu con người cần có nhu cầu vật chất tối thiểu để tồn tại thì âm nhạc chính là nhu cầu tinh thần giúp cho đời sống của họ thêm phong phú và ý nghĩa. Những bản nhạc gợi nhớ biết bao kỷ niệm một thời của từng cá nhân với quê hương, đất nước. Âm nhạc do đó chính là nhu cầu có thể nói là bức thiết đối với người lớn tuổi ở hải ngoại. Tiếng Hạc Vàng là chủ đề của cuộc thi hát do đài truyền hình SBTN thành phố Garden Grove, California tổ chức dành cho người từ 55 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ và nơi cư trú.
Như vậy, tính đến nay, “Vườn đào Washington” đã có tuổi đời hơn 100 năm và đã để lại cho người dân Mỹ và du khách thập phương với biết bao ấn tượng về một vườn đào rực rỡ, nồng ấm tình hữu nghị của hai đất nước Mỹ- Nhật. Và cũng từ đó, mỗi năm khi hoa anh đào nở, chính phủ Mỹ đã tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú, thu hút mọi người và hình thành nên nếp văn hóa đặc sắc với sự tham gia của các vị Đệ nhất phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ. Nếp văn hóa ấy, được gọi là “Lễ hội hoa anh đào”.
Tác giả Võ Phú tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Hoa Kỳ, 1994; tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Tác giả hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.
Nhạc sĩ Cung Tiến