Hôm nay,  

Viết Về Nước Mỹ Khai Bút Năm 2024

05/01/202400:22:00(Xem: 2813)
LIZ--FIRST-MONTH-
Niềm vui đầu năm (hình do tác giả cung cấp)
 
Ngày đầu năm, năm đó, cả nhà cô Ba gồm mười mấy người lớn nhỏ ra tiệm ăn cơm Tàu. Đại gia đình sống trong một thành phố nhỏ, chỉ có mỗi nhà hàng Tàu này mà thôi. Tiệm đắc lắm, có món lạp xưởng hết sẩy, đang thèm mà.

Trong tiệm đầy khách ăn nói xôn xao vui vẻ. Sự ồn ào y như mấy quán ăn hồi còn ở Việt Nam. Làm như tất cả những những người gốc Á Đông sống xung quanh đều tụ lại đây hay sao ta?

Đang ăn, bỗng dưng cô Ba thấy quặn đau một cái, ngưng nhai, đợi, rồi tỉnh bơ nhai tiếp. Đau quặn thêm cái nữa, cũng đợi, ngừng tay gắp, làm thinh, chịu đau. Má cô ngồi ngang mặt, ngó xét đoán, hỏi:

-Phải đau bụng đẻ hông con?

Cô Ba nhăn mặt, nói:

-Dạ. Quặn quặn mấy cái rồi. Chắc vậy rồi Má ơi.

Má cô hối:

-Thôi tụi con ăn lẹ lẹ lên đặng chở nó vô nhà thương.

Gần 6 giờ sáng, chịu đau mấy tiếng đồng hồ, con gái sanh ra đời. Nếu sanh trước một ngày,  ngay khi người ta đếm ngược từ số 10  xuống tới số 1 mà con ra đời thì mẹ đã được thưởng là có thêm một công dân của đầu năm mới rồi.
 
Sau khi sanh, cô ngủ say. Mở mắt, người đầu tiên cô thấy là chồng. Y cúi xuống hun lên trán cô, nói nhẹ với nụ cười, vui mừng trong ánh mắt ngời sáng:

-Cám ơn mình.
 
Có những năm cho qua luôn, có năm đáng nhớ như vậy, lâu ngày rồi cũng còn nhớ cơn đau của năm xưa.  Má cô nói khi đổi đầu con như vậy (nghĩa là sanh hai con trai, bây giờ đổi qua con gái) thì đau bụng nhiều hơn và lâu hơn.

Cái đau của thể xác, sự hồi hộp của tinh thần, đứa này trai hay gái? Anh nói, con nào cũng thương hết, nhưng nếu con gái thì sẽ ngưng sanh. Còn nếu lòi thêm một hoàng tử nữa thì sao ta?

Sống ở Mỹ, những năm tháng đầu rất là cực, khổ vì nghèo. Muốn tránh phải sống trong nghèo hoài thì không nên có con đông, lo cho con không toàn vẹn, tội nghiệp cho tụi nó, vì vậy hai vợ chồng cùng đồng lòng, nếu lần này sanh con gái, hai nếp một tẻ có đủ, thì ngưng.

Và rồi cô Ba quyết định “Thôi đủ rồi”  sau khi anh chồng bồng đứa con đầu năm còn đỏ hỏn trên tay, miệng cười mím chi, nhìn vợ, trìu mến.
Sau đó không lâu, hai đứa mới hăm mấy tuổi, anh đã đi giải phẫu nhỏ để ngừng “sản xuất”

Ông bác sĩ hỏi đi hỏi lại, cho chắc chắn. Ông nói:

- Hai người còn trẻ lắm, nên suy nghĩ cho thật kỹ.

Nhưng chúng tôi đã quyết định.

Anh đã nói với cô Ba:

-Để anh làm chuyện này chớ không muốn mình phải uống thuốc ngừa thai nữa, có hại về sau.

Tình thương yêu vợ, anh giữ cho tới lúc anh thở ra mà không hít vô nữa.

Sau này thấy con gái lớn lên hơi cô đơn vì hai đứa anh lớn hơn 5, 6 tuổi, cô Ba rất hối hận, sao mình không ráng sanh thêm đứa nữa?
 

Năm nay, 2024.

Hồi khuya, nghe tiếng pháo bông nổ đùng đùng, chộn rộn, sáng rực góc trời một hơi, rồi lẹt đẹt vài chỗ, biết là mình cũng thức, đón năm mới.

Sáng ra, ánh mặt trời tưng bừng lên, lòng dạ cũng hớn hở tươi vui theo. Cô Ba nhớ hai câu thơ bất hủ mà cô luôn để tâm, của thi sĩ triết gia người Mỹ gốc Lebanon:

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy.
Ta được thêm ngày nữa để yêu thương.”

(Wake at dawn with winged heart and give thanks for another day of loving)
Kahlil Gibran
….

Sáng ngày đầu năm Dương Lịch.

Điện thoại reng reng, bốc máy, giọng vui vẻ của người “bạn vàng” ngân lên:

-Chị, chiều tối hôm qua chị làm gì? Có đi đâu hông?

Cô Ba chắc chắn bạn đã có câu trả lời dùm cho cô rồi (Bả chắc ở nhà chớ đi đâu) nhưng cô cũng cười khì:

-Có đi đâu đâu. Hôm qua trời mưa mà.

-Ờ há, sáng qua mưa, nhưng chiều tối kìa. Tụi em đi ăn tiệc mừng “countdown” vui quá. Tụi nhỏ nhảy nhót tưng bừng, còn trẻ nên sung sức quá, mình theo đâu nỗi. Từ 5 giờ chiều tới hơn 3 giờ sáng. Quá vui.

-Ờ thấy hình đăng trên facebook đông quá. Phải vậy chớ. Hai ông bà còn bên nhau vui là phải còn sức cứ đi chơi cho khỏe người. Nhảy nhót là một cách thể dục hay lắm nghen. Tui thì ở nhà. Bữa nay tính viết một bài cho báo.

Bạn cười thông cảm:

-Ờ ờ chị lo viết bài đi nhe em gọi hỏi thăm chị thôi. Thôi “bye” nghe chị.

-Ừ, “bye”

Ừa, bay đi, đi ngao du sơn thủy đi, khi vợ chồng còn nắm lấy tay nhau, nhe bạn.

Người bạn này, sợ cô Ba buồn cơ đơn, thường xuyên thăm hỏi. Nấu món gì ngon cũng múc đem tới cho. Cho chị ăn đi.

Có khi múc ra tô, lựa lựa miếng xương ít thịt, cho nhiều rau cải vô vừa ý của bạn, ngồi nhìn bạn nhai ngon lành mà vui trong bụng. Thảo ăn như hàng xóm tốt. Có lòng như người thân. Thử lật bàn tay mặt của cô Ba mà coi đi, chỉ tay cô có phước đường này. 

Bây giờ, tài chánh cô có thừa để đi du lịch. Du lịch mà không cần phải về cho kịp ngày trở vô làm việc. Đi làm thì không được bịnh, không dám nghỉ, để dành số ngày và tiền bạc cho kỳ nghỉ năm tới.

Bây giờ có đủ mọi thứ thì người bạn đường không còn đi chung nữa.

Cô ngó ra cửa sổ. Sáng trưng, ánh nắng chiếu vô làm thành đường dài lẩn quẩn bụi xoay mòng mòng. Bụi xoay như cuộc đời xoay, ta mãi quẩn quanh, như mọi thứ quanh ta bao giờ cũng quay, như trái đất quay trong cõi hư không.

Cho tới khi bụi đời ta ngừng xoay, thì ta cũng trở thành cát bụi, quấn vô vòng trái đất mà quay tiếp.

Đầu năm 2024, nhớ anh chị Từ - Nhã, qua 23 năm gần gũi; nhớ tất cả mọi người; bạn xa bạn gần bạn thân bạn sơ. Và gia đình.
Gần thì cách vài tiểu bang, xa thì thăm thẳm cả một đại dương.
Năm mới, cầu chúc tất cả mọi người, thân sơ, được đầy đủ sức khỏe và may mắn, mọi sự hanh thông.
Chúc cho Việt Báo trụ  vững trách nhiệm truyền thông, minh mẫn và công bình.
Chúc tiểu và đại gia đình mọi sự an lành.
Và con rồng cái nhỏ, được quân bình trong tâm hồn.

“Đá văng năm cũ bay xa 
Bao nhiêu phiền muộn nhọc nhằn lướt đi 
Mời năm mới đón an bình 
Khỏe vui hạnh phúc diệu kỳ tới mau”
(Thơ Ngọc Anh Trương)
 
Và khuyên cô Ba, hãy nhìn ra ngoài thường xuyên, để thấy cỏ vẫn mọc, cây vẫn lớn và bông vẫn nở, cô vẫn thở ra và phải hít vào, như ngày nào, còn anh./.
 
Trương Ngọc Bảo Xuân 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 121,072
08/05/202400:47:00
Lại bước qua năm mới, mỗi năm đầu xuân, hội Huế thường tổ chức “Ngày Hội Ngộ Mừng Tân Niên”. Năm nay với chủ đề “Xuân Và Tuổi Trẻ”, có lẽ ban tổ chức muốn gieo thông điệp yêu thương đến thế hệ con cháu, với niềm hy vọng tuổi trẻ sẽ nối tiếp cha ông hoạt động và giữ gìn một góc Huế trên xứ người tại vùng Bắc Cali.
07/05/202402:29:00
Quỳnh nhìn Phong, thoáng nhớ lại những lời chàng ta kể lại sự say mê săn hoa lan của hai cha con khi anh theo cha vào rừng tìm những cụm hoa lan mọc trên những cành cây trong vùng ẩm thấp trên sườn đồi của vùng cao nguyên Ban Mê Thuột. Lúc đó, Phong còn nhỏ và rừng núi cao nguyên còn đầy thiên nhiên hoang dã nên những ngày vào rừng tìm hoa lan thật là thú vị. Vui nhất là có một lần, anh chàng kể lại, sau khi trèo lên cây, bóc được nguyên cả gốc cụm hoa Thuỷ tiên vàng rực nhưng không may có một cành khô gẫy đụng mạnh vào tổ ong gần đó làm cả đàn ong túa ra tấn công kẻ phá hoại làm hai cha con chạy bán sống bán chết mới đến được nhà người Thượng ở cuối thung lũng để xin… tị nạn!!! Điều kỳ lạ là ong không đốt mấy người ở quanh đó mà chỉ tìm hai cha con người phá tổ ong đốt để trả thù mà thôi.
06/05/202401:09:00
…Tháng Năm, trời thường nhiều mây và những cơn mưa bất chợt. Tháng Năm lưu lạc làm sao quên tháng năm quê nhà. Đã bao giờ chúng ta trở về hàn huyên cùng sỏi đá, bưng tô canh bún, bún riêu một trưa hè để quên đi quãng đời phiêu bạt. Quê không đuổi ai đi, kẻ ở vẫn chờ người về, nhưng khoảng cách không thước đo trong lòng người là tâm lý Pavlov. Con chó nghe tiếng chuông leng keng biết sắp được ăn, người ta nghe tiếng AK 47 là biết Việt cộng về, mau chạy cho xa…
03/05/202400:00:00
Người Mỹ có câu “Customer is king” (tạm dịch “Khách hàng là vua”) trong khi Việt Nam có câu “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” để nói lên sự quan trọng của dịch vụ khách hàng. Nếu cơ sở thương mại nào có dịch vụ khách hàng tốt thì cơ hội khách hàng trở lại trong tương lai sẽ cao hơn. Người Mỹ có thói quen cho tiền tip cho người phục vụ mình như người hầu bàn hoặc tài xế xe taxi hay nhân viên dọn phòng khách sạn. Phục vụ càng tốt thì tiền tip càng cao. Tuy người Việt Nam đã ở Mỹ gần nửa thế kỷ nhưng hình như chúng ta chưa ý thức được sự quan trọng của dịch vụ khách hàng.
30/04/202423:13:00
Ngay khi vào thăm vợ, cô Bình cũng đi với ông vào thăm bà. Bà vẫn nằm yên trên giường với những sợi dây cắm chằng chịt, khuôn mặt thật thanh thản, đôi mắt nhắm nghiền, đôi môi vẫn đượm hồng, cô Bình tự động ngồi bên xoa nắn chân tay cho bà, còn mang theo bộ đồ làm móng vào, làm cho bà tươi đẹp hơn, điều này làm ông thật cảm động, trái tim xao xuyến, ông thầm cảm ơn cô đã tận tình chu đáo với vợ chồng ông quá.
29/04/202413:34:00
Hôm ấy, một buổi chiều cuối thu, trời trong và se lạnh. Một ông già râu tóc bạc phơ, ước chừng vào tuổi tám mươi, ngồi đăm chiêu trên ghế đá công viên, gần Viện dưỡng lão Mission De La Casa ở thành phố San José - lặng lẽ nhìn lá vàng rơi… Bỗng từ xa, một thằng bé khoảng chín, mười tuổi chạy đến nắm tay ông, hỏi: - Ông ngoại ơi! Sao ông ngồi đây một mình, có vẻ buồn thế? - Ờ! Ông chỉ có một mình.
26/04/202400:00:00
Chị Linh, cũng như vài anh chị thanh niên khác trong xóm, tình nguyện giúp phường xã quản lý chúng tôi mỗi mùa sinh hoạt hè. Trong khi các anh chị khác chỉ làm qua loa, lấy lệ, vui là chính, thì chị Linh lại hăng say một cách nghiêm túc. Nhớ có lần chào cờ, chị Linh đứng nghiêm, tay phải đặt lên ngực trái, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, miệng còn nhẩm hát bài Quốc Ca say mê thắm thiết, làm tôi và thằng Hà bụm miệng cười, báo hại sau đó chị Linh kêu hai đứa đứng dưới cột cờ, phê bình kiểm điểm, không cho tham gia sinh hoạt bữa đó luôn. Về nhà, tụi tôi kể cho chú Bảy, ba của thằng Hà nghe, chú là thương binh thời VNCH bị cụt chân nên không phải đi “học tập cải tạo”.
25/04/202409:09:00
Có nhiều bạn được quý mến không phải vì giàu sang, địa vị hay có tài năng mà bởi những điều dễ làm cho người khác mến mộ như lòng chân thành, sự nhẫn nại, biết lắng nghe, một cái bắt tay ấm áp với ánh mắt thân tình, một nụ cười khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, dễ chịu...
23/04/202409:05:00
Dòng kí ức dẫn dắt chị về miền quá khứ. Chị mang theo con trai đến Mỹ lúc thằng Huy vừa tròn một tuổi để đoàn tụ với gia đình. Chị không bất ngờ nhiều về quyết định chọn trường đào tạo sĩ quan West Point của con trai vì hồi còn nhỏ, con trai chị rất thích chơi với các chú lính chì và thích trở thành một người lính khi lớn lên. Là mẫu người phụ nữ “cá chuối đắm đuối vì con”, chị đã khước từ một vài người đàn ông theo đuổi chị để dành hết tất cả tình thương cho con trai. Chị dành hết toàn bộ thời gian rảnh của mình để chăm sóc con. Chị vẫn biết rồi một ngày con trai chị sẽ rời khỏi vòng tay chị để theo đuổi ước mơ của con nhưng chị vẫn cảm thấy lo lắng khi con chị muốn đi học ở một tiểu bang xa xôi.
19/04/202400:00:00
Một nhân viên nhà thờ Warren Presbyterian Church nói có người muốn gặp tôi. Anh xuất hiện với đôi má thỏm sâu, mắt lạc thần, đặc biệt tóc rậm rạp dựng đứng cứng như rễ tre. “Chào anh. Tôi tên Thắng. Anh tên gì?” tôi hỏi. “Em tên Trị. Em mới qua Mỹ được sáu tháng năm ngoái 2003. Em muốn chết,” anh nói trong hơi thở hổn hển, “Chị vợ em bảo lãnh hai vợ chồng em và hai đứa con em, đứa 12 tuổi, đứa 7 tuổi, rồi cho ở free dưới basement mấy tháng nay mà cứ nói nặng nói nhẹ hoài. Tụi em đi làm nhà hàng, chở nhau bằng xe đạp té lên té xuống vì tuyết. Em muốn chết.”