Hôm nay,  

Ở Vào Tuổi Cổ Lai Hy

15/09/202300:00:00(Xem: 4431)

Leisure-World-Garden-Plot---Flowers
Hình tác giả cung cấp

 

 

Tác giả  là một cựu nữ sinh Gia Long. Thúy Messegee vượt biên khỏi Việt Nam năm 1982, sang Mỹ năm 1983, đi học lại bằng kế toán, và làm việc cho đến nay.  Từng sống ở Cali nhiều năm, hiện tại sống và làm việc ở miền Đông, thuộc vùng DC, Thủ Đô Hoa Kỳ
 
*
  
Ông bà ta ngày xưa trân quí tuổi thọ, sống được đến tuổi năm mươi là đã ăn mừng ngũ tuần, vì nhân sinh thất thập cổ lai hy, chẳng mấy người sống đến tuổi 70. Ngày nay con người sống khoẻ sống vui, đến 50 vẫn còn lả lướt sàn trên nhảy, cặp bồ nhí, đánh tennis, trèo núi, du lịch ba lô, v.v. Sống đến thất thập không còn là chuyện cổ lai hy nữa. Và số người thọ đến 80, 90 không còn là hiện tượng hiếm.
 
Thế nhưng, được Giời cho đến từng ấy tuổi thọ là một điều đáng quí hay đáng buồn nhỉ?
 
Gần đến Giáng sinh bất chợt tôi nhận được một cú phone vào sở. Số điện thoại sở chỉ dùng trong nội bộ công ty, vì việc làm của tôi ít giao dịch với bên ngoài. Chỉ có gia đình và một ít người thân thiết mới có số này, còn người quen trong giao tế quảng đại thì không. Vì thế khi nhìn thấy số 707 từ Santa Rosa, California ở miền Tây gọi cho tôi ở Maryland bên miền Đông, tôi đã không vui. Không biết người chào hàng nào mà có được số này, hay chỉ là robot call, may ra bắt chuyện được với một khách hàng tương lai chăng? Đang bận túi bụi việc sở…
 
-          Hello!
-          Có bà Thúy phải không ạ?
-          Vâng, tôi đây. Mà xin hỏi ông là ai, sao lại có số sở làm của tôi?
-          Chào bà. Tôi là bác sĩ XXX từ bệnh viện Kaiser ở thành phố Santa Rosa, California,
-          Ôi Trời ơi! John Long có sao không?
-          Vâng, tôi đang điều trị cho John Long mấy ngày nay.
 
Vị bác sĩ gọi sang Maryland cho tôi biết John Long, bạn cố cựu của ông xã tôi ngày xưa, bị té ngã ở nhà nên phải nhập viện. Hiện John đã chuyển ra ở tạm nhà an dưỡng để phục hồi, nhưng chắc không thể về nhà sống an toàn như xưa được nữa. Nhân viên làm hồ sơ nhập viện hỏi bác John có ai là người thân thích thì John cho tên tôi.
 
Ông xã tôi và bác John là bạn chí thiết từ ngày thanh niên trai tráng đã mấy chục năm. Nhiều năm trước hai người gặp nhau trong một chuyến công tác đầy tính mạo hiểm rồi kết bạn. Sau đó John làm việc cho hãng hàng không Panam, đổi đi nhiều nơi vùng Trung đông. Ông xã tôi công tác tại Asia Foundation tại Lào, Unesco tại Indonesia, USAID tại Sài gòn, v.v. Bà mẹ John yêu quí Gordon, ông xã tôi, như con của mình, nên dù hai người chu du khắp thế giới, thỉnh thoảng đường đời rong ruổi cho hội ngộ khi thì Trung Đông, khi thì Á châu, v.v. hai người bạn vẫn sum họp lại dưới mái nhà của bà mẹ ở Santa Rosa, Cali, khi có dịp về lại Mỹ.  Những năm tuổi già, Gordon ở vùng Vịnh (Bay Area), còn John ở Santa Rosa, cách nhau tiếng rưỡi lái xe. Thỉnh thoảng ông xã tôi lại đi xe bus lên chơi với John một ngày, hôm sau về, còn John thì dính chặt một chỗ không bao giờ ra khỏi thành phố Santa Rosa. Người ta nói hai thái cực hay tìm lại nhau. Tôi chưa gặp hai người bạn nào có chính kiến trái ngược như vậy mà lại là bạn thân thiết không sứt mẻ. John là một người bảo thủ Cộng hòa, phải nói là Cộng hòa cực đoan. Gordon đến chơi luôn thấy John bắt radio nghe Rush Limbaugh nói chuyện suốt ngày. Nể Gordon thì John vặn nhỏ lại, nhưng cũng khiến Gordon khổ sở suốt ngày. Gordon thuộc phái Dân chủ cấp tiến, hay có những cái nhìn phóng khoáng, đôi khi bay bổng 9 tầng mây, có lẽ John không đồng ý nhưng bỏ qua không nói ra.
 
Gordon đã lập gia đình trước có một con trai được John nhận làm cha đỡ đầu. Sau này Gordon gặp tôi và ly dị với người vợ trước rồi thành hôn với tôi. John lúc nào cũng ít nói, đôi mày rậm, miệng ít mỉm cười, trông nghiêm nghị khô khan. John ít bắt chuyện với tôi nên tôi cũng “né’. Mỗi khi tôi đánh xe đưa Gordon lên Santa Rosa thăm John thì tôi hay để hai ông bạn già ngồi hàn huyên với nhau, phần tôi chạy sang nhà bà dì ở gần đó rủ dì đi shopping, chiều ghé lại đón Gordon về.
 
Thỉnh thoảng Gordon kể John bảo sẽ lo con gái chúng tôi, sinh ra sau anh khác mẹ của nó phần tư thế kỷ, và vẫn là đứa bé non nớt khi bố nó và bác John đã vào tuổi già. Tôi nghe sao thì biết vậy, cũng chẳng thấy bằng chứng giấy tờ gì, và tôi cũng nghe nói người Mỹ về già hay thay đổi di chúc xoành xoạch, chẳng có gì chắc chắn. Tôi biết mình phải tự lo lấy, đừng trông chờ vào của trên trời rơi xuống, mình phải ráng dành dụm lo cho con thôi. Bố nó không còn làm ra tiền và không biết có còn sống đến ngày nó trưởng thành hay không. John ít nói chuyện trực tiếp với tôi, ngoại trừ vài lần đùa trêu mỗi khi tôi từ shopping về đón Gordon: “Sao, hôm nay đã mua hết cái mall chưa?”
 
Đến năm 2005 thì công ty thuyên chuyển tôi sang Maryland làm việc. Nhà chỉ còn tôi đi làm, nên việc dọn đi không làm mất việc làm của người kia. Tôi thấy con mình đã hưởng được những điều hay ho từ miền Tây trong 10 năm đầu đời, nay dọn nhà sang miền Đông để nó biết được lịch sử, truyền thống, và nền giáo dục uy tín của miền Đông cũng là một điều tốt.
 
Chúng tôi lên Santa Rosa thăm John lần cuối. Tôi biết đây là lần cuối vì Gordon chắc chẳng còn đủ sức khỏe để bay về Cali thăm John nữa, và John thì chắn chắn chẳng bao giờ bước chân ra khỏi Santa Rosa. Không biết hai ông có thấu hiểu điều này không nhưng không ai nói ra, vẫn giữ bề ngoài bình thường như mọi lần. Khi tôi lùi xe ra khỏi driveway nhà John, thấy dáng ông đứng một mình nhìn theo vẫy tay sao cô đơn quá.
 
Sang Maryland thì sức khỏe Gordon ngày càng tệ và ông qua đời ba năm sau. Tôi gọi điện thoại báo tin cho John. Bác vẫn ít nói như mọi lần, chỉ vắn tắt bảo tôi có cần ông giúp gì thì cho ông biết. Hình như đàn ông không có thói quen để lộ tình cảm, lúc nào cũng nén chặt vào lòng và giữ vẻ can trường ngoài mặt.
 
Trong câu chuyện với vị bác sĩ từ Santa Rosa lần này, tôi được nghe ông kể một giai thoại độc đáo về John trong nhà thương. Khi gặp bệnh nhân sau một cú sốc như tai nạn xe hơi, ngất xỉu, té ngã, v.v. người ta hay hỏi những câu hỏi mang tính thường thức như ông/bà tên gì, sinh ngày nào, hôm nay thứ mấy, v.v. để kiểm tra trí nhớ và nhận thức của người bệnh. Bác sĩ hỏi John:
 
-          Ai đang là tổng thống nước Mỹ?
-          Một thằng mọi đen! (A negro!)
 
Thôi chết rồi, đúng là bác John cố hữu với tính da trắng thượng đẳng ăn sâu vào máu huyết của bác. Ngày ấy người ta chưa dùng chữ “white supremacist”, nhưng John đúng là con người như vậy. Bác sĩ cười bảo tôi ông bị sốc với câu trả lời nhưng yên tâm là đầu óc John vẫn còn minh mẩn!
 
John đã 92 tuổi, góa vợ từ 24 năm nay, không có con, chỉ sống một mình trong căn nhà xưa với con chó cưng Arabella, và những năm gần đây có thêm Tony ở cùng nhà. Tony là người khuyết tật, bị đứt dây thanh quản nên tiếng nói thều thào rất khó nghe, được ở miễn phí không phải trả tiền nhà, đồng thời John có người ra vô mỗi ngày để mắt đến cho, giúp chợ búa nấu ăn vặt vãnh, lau dọn, giặt giũ, đưa đi bác sĩ, v.v. Lần trước John té ngã trong nhà có Tony gọi xe cứu thương đưa vào bệnh viện, và lần này cũng vậy.
 
Tôi gọi vào nhà an dưỡng thăm bác John mỗi ngày, và luôn chấm dứt cú phone bằng một câu hỏi: "Này bác John ơi, có chuyện gì tôi làm giúp bác được không?" John luôn có câu trả lời duy nhất: "Không Thúy ạ, đừng bận tâm làm gì." Nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình có một tuần phép từ ở nhà từ Giáng sinh đến Tết Tây không phải làm gì, mà cứ ngồi bên miền Đông áy náy lo cho người bên miền Tây thật không yên tâm chút nào. Tôi lại gọi sang năn nỉ John cho phép tôi bay qua thăm vì tôi đang nghỉ lễ. John ngần ngừ rồi bảo: "Ừ thế thì Thúy qua đi!" Thế là tôi  tức tốc mua vé bay gấp sang California.
 
Bác John sống trong căn nhà của mình từ ngày về hưu cũng phải hơn 30 năm nay. Căn nhà chắc chắn nhưng không được chăm sóc tân trang nên theo thời gian trở nên cũ kỹ bệ rạc. Nước sơn bên ngoài tróc từng mảng lỗ chỗ. Thảm trong nhà phai bạt màu nguyên thủy và đóng khắn bụi bậm nên không còn biết là màu gì, bàn ghế bằng gỗ quí mang từ Trung quốc về đóng một lớp bụi trắng, sờ tay vào là để lại dấu tay của mình như đã vẽ trên bàn. Bộ salon cũ mốc phủ đầy lông chó. Biết thế nên mỗi lần đến thăm bác John tôi luôn mặc quần jeans. Mặc quần tây đen ngồi xuống salon là quần sẽ bám đầy lông phủi mãi không hết.
 
Những năm gần đây sức khoẻ John suy sụp dần theo thời gian, người nặng nề, đi đứng chậm chạp, dường như đặt từng bước chân ra trước mặt để bước tới là một cố gắng lớn. Ông chỉ nói vắn tắt: "Tôi ngày càng chậm dần." Người Mỹ sống rất độc lập và riêng tư, không phơi bày hay than thở với ba làng bảy tổng như người Việt mình. Lần nào ghé đến tôi cũng hỏi chuyện riêng với Tony, thì được Tony cho biết John suy yếu thể lực nhưng tinh thần rất minh mẫn và tự quyết định mọi việc cho mình không cho ai can thiệp vô. Trời ơi, đáng lẽ tôi phải lợi dụng tình bạn giữa ông xã tôi và John ngày xưa để xin phép sắp xếp nhiều việc cho John. Tôi nào biết được bác John bị tiểu đường nhưng không để ý tố chức ăn uống cho đúng phép, đã mấy năm nay không còn tự tắm rửa được nữa, chỉ dùng khăn thấm nước lau mình mà thôi, tay chân ngày càng run rẩy viết chữ Tony đọc không ra, v.v. Bác John cứ thế thui thủi sống một cách khắc kỷ theo khuôn mẫu ngày xưa, việc gì không làm được nữa thì âm thấm buông thả hay tính cách khác, không muốn thuê người hầu hạ tốn kém, và không biết cách tìm hiểu hay không biết gọi sở xã hội xem chính phủ có những dịch vụ nào có thể đỡ chân đỡ tay cho mình.
 
Lần này hình như John đã quyết định khi gặp mặt tôi sẽ hé mở thế giới khép kín của ông cho phép tôi bước vào. Từ từ vào câu chuyện, với giọng nói vẫn rõ ràng mạch lạc nhưng hay bị ngắt quãng vì đứt hơi (giờ thì John thở khó khăn nên phải đeo bình oxy), John chỉ cho tôi biết cặn kẽ rằng về nhà ông, vào văn phòng, nhìn vào bên trái bàn viết, ở phía dưới có một tủ kê nhỏ thường dùng làm tủ kê TV, trên đó có hai hộp sắt hồ sơ đựng giấy tờ cần thiết. John bảo tôi lục ra các giấy tờ quan trọng để hành xử và mời luật sư đến làm giấy ủy quyền cho tôi lo mọi chuyện cho ông.
 
Bước vào văn phòng bác John tôi tìm được mọi vật đúng tại từng nơi John đã chỉ. Thật là phục tính ngăn nắp trật tự của bác. Trong hộp thứ nhất, các tờ báo cáo tài chính hằng tháng tại ngân hàng và các tài khoản đầu tư được sắp xếp trong từng bìa hồ sơ riêng, ghi nhãn rõ ràng từng chương mục. Nhưng tại sao các tờ báo cáo này ngừng lại từ khoảng tháng 8, tháng 9 cách đây cả năm nhỉ? Có ai gian lận tước đoạt hết tài sản của John rồi chăng? Nhìn lại trên bàn viết tôi thấy nhiều xấp giấy khác ghim lại gọn gàng trên bàn theo từng tên chương mục. Đó là những báo cáo gần đây. Tôi nghiệm ra rằng từ cuối năm rồi John không còn đủ sức cúi xuống gầm bàn bê hai hộp sắt ra để xếp tài liệu vào được nữa. Đúng là John có của ăn của để, thế mà cứ sống khổ hạnh không dám tiêu xài hay chi tiền thuê người khác chăm sóc cho mình.
 
Trong hộp sắt thứ hai có những tờ di chúc John lập ra và thay đổi theo thời gian.
 
 Những bản di chúc này, từ những trang giấy đánh máy vàng vọt theo năm tháng ngày xưa, chữ mờ chữ tỏ, đến những bản mới gần đây trắng tinh tươm in gọn gàng từ máy điện tính, là cả một thiên tình sử của John.
 
Đây không phải là những love stories giữa nam nữ, mà là giữa John với những người ông yêu mến trên đời.
 
Di chúc đầu tiên John lập ra năm 1987 sau khi vợ mất, để tất cả tài sản lại cho bà mẹ già nếu ông ra đi trước mẹ.
 
 Di chúc thứ hai được thay đổi năm 1993 sau khi mẹ qua đời, John để tài sản lại cho bạn gái Sally và con trai của bạn mình là ông xã tôi, giúp cậu học đại học khi John qua đời.
 
Di chúc thứ ba lập năm 2000, lúc ấy cậu con trai đã tốt nghiệp nhờ tiền cha mẹ chứ không được hưởng gia tài của bác John. Ông xã tôi thì lập gia đình mới với tôi có thêm bé gái, nên John để lại số lớn tài sản cho con bé ăn học sau này, phần kế cho Sally, và một phần nhỏ cho Kris, cậu con trai của Gordon. Tờ di chúc cũng nói thêm nếu Sally qua đời trước thì con bé nhà tôi sẽ hưởng phần của bà. Nếu Kris hay con tôi qua đời thì sẽ cho những cơ quan thiện nguyện ông ghi lại trong di chúc.  Những lần thay đổi di chúc John cũng cập nhật hoá tên người được ông ủy quyền để xử lý tài sản cho ông. Đầu tiên là ông bạn Lee và bà bạn gái Sally, đến khi Lee qua đời thì đổi sang Gordon, ông xã tôi, và Sally, rồi khi Gordon mất đi cách đây 2 năm thì thế vào tên con trai của Gordon, nay đã trưởng thành. Càng sống lâu trên đời John càng mất đi những bè bạn thân thiết quanh mình. Sau này chỉ còn có John và Sally hằng ngày gọi vấn an nhau. Lần này sang đây tôi được tin Sally cũng vừa qua đời tháng trước. Nhân sinh thất thập cổ lai hy. Người cao tuổi hiếm lắm, quí lắm, thế nhưng người thân lần lượt ra đi rồi, chỉ còn mình già yếu trơ trọi trên đời, thì đó là cái phúc hay là cái hoạ nhỉ?
 
Sau khi gặp John tôi đi tìm hiểu một vài nơi nuôi người già. Có những nơi nhận nuôi 4, 5 người trong một căn hộ bình thường, mỗi người có phòng riêng hay hai người ở chung một phòng tùy giá tiền mình có thể trả. Hằng này người ta nấu ăn cho ba bữa, giúp mình thức dậy vệ sinh tắm rửa thay quần áo, đến giờ lấy thuốc cho uống, cần đi bác sĩ hay công chuyện người ta sẽ đưa đi tính thêm tiền. Có nơi nhận cả chó mèo của mình, vì người ta biết đối với người già thì con vật họ nuôi nấng gần gũi rất quan trọng cho sức khoẻ và tinh thần của họ. Tôi cũng phỏng vấn một dịch vụ cho người đến nhà riêng săn sóc dọn dẹp, tốn tiền hơn nhiều, nhưng sẽ giúp bác John vui hơn vì được về lại khung cảnh quen thuộc của mình.
 
John được tôi bàn qua các chọn lựa khác nhau nhưng ông không quan tâm lắm. Ông bảo:
 
-          Tùy Thúy thôi, tôi thì tôi chẳng muốn tiêu hết tiền ăn học của con bé.
-          Giời ạ, bác John! Tiền nào, của ai? Tiền của bác cả đấy chứ. Phải chăm sóc bác trước đã! Bao giờ bác ra đi còn lại bao nhiêu thì cháu hưởng, không còn thì thôi.
-          Tôi chỉ yêu cầu Thúy tìm người nuôi dùm con Arabella. Nếu không ai nhận nuôi thì mang nó đến thú y chích thuốc giải thoát cho nó đi, đừng để nó phải lang thang ngoài đường lục lọi thùng rác tội nghiệp.
 
Sáng ngày tôi trở lại nhà an dưỡng để kết thúc mọi sắp xếp cho John. Thấy tôi nhân viên làm việc hốt hoảng báo tin rằng đêm qua ông bị giảm lượng oxy đột ngột nên đã đưa trở vào nhà thương. Tôi tất tả chạy vào bệnh viện Kaiser. John nằm trên giường đeo bao ống lủng lẳng, mặt cau có bực bội. “Chẳng biết chuyện gì đây, cứ ra vô nhà thương xoành xoạch!” Tôi đút bác ăn được phần tư bánh mì sandwich và ít súp. “Đồ ăn ở nhà thương thì có ra gì đâu!”, vẫn giọng càm ràm cố hữu của bác.
 
Tôi ra ngoài gọi điện thoại bàn công chuyện tiếp với luật sư.  Sáng hôm sau luật sư sẽ vào bệnh viện giúp bác ký giấy ủy quyền giao trách nhiệm quản lý tài sản cho tôi. Hớn hở quay về phòng để báo cáo thành tích thì thấy giường bác quay màn kín lại, cửa khép, vài ba nhân viên bệnh viện đang bận rộn lăng xăng bên trong. “Trời ơi! Chuyện gì vậy, tôi vào được không?” Y tá dùng máy trợ hô hấp nhưng vẫn không giúp John mang đủ oxy vào phổi. Bác sĩ cho biết không còn bao nhiêu thời gian nữa, nên báo cho gia đình đến là vừa. Tôi gọi về nhà bảo Tony vô ngay, rồi nhẹ ngàng kéo ghế ngồi lại bên giường John. Ông nhắm mắt như đang ngủ, vẫn thở đều đặn chứ không vùng vẫy như người ngạt thở. Nhìn gương mặt hồng hào yên ắng, nghe hơi thở yếu nhẹ nhưng đều dặn, người thường không hề nghĩ John đang tranh đấu gay go với tử thần. Tôi nắm lấy bàn tay vẫn còn ấm áp của John, mắt nhìn theo máy đo oxy cứ hạ thấp dần, miệng nói thầm: "Nếu đã đến lúc ra đi thì cứ ra đi nhẹ nhàng êm ái bác John nhé! Sang bên ấy gặp lại Lee, Gordon và Sally!" Tôi nắm chặt tay ông cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. Tôi thấy vinh hạnh được ở gần bên bác John vào giờ phút cuối của đời bác. Bác sống cô đơn khắc kỷ bao năm trời nhưng lòng lúc nào cũng hướng đến lo lắng cho mọi người quanh mình. Nay bác ra đi cũng được có tôi và Tony bên cạnh. Chắc là Gordon đã xui khiến cho tôi mua vé bay sang đây, và John quyết định ra đi một ngày trước khi tôi trở về lại Maryland để tôi có đủ thì giờ lo hậu sự cho ông.
 
Nhân sinh thất thập cổ lai hy! Mục đích sống trên đời là gì nhỉ? Cố gắng vươn lên, sống sao cho thành đạt lẫy lừng? Sống cho hạnh phúc nhỏ và bình yên tâm hồn, mặc cuộc đời bon chen giành giật? Hay sống bằng cách quên mình đi mà nghĩ đến người khác để cuộc đời mình có ý nghĩa hơn?
 
Các bạn U70 của tôi ơi! Mình nên sống như thế nào cho đến tuổi cổ lai hy đây?
 
Thúy Messegée 1/1/2011

Ý kiến bạn đọc
21/09/202304:29:49
Khách
Thời còn trẻ :

“Chí Nam Nhi”- Nguyễn Công Trứ :
“Thông minh nhất nam tử
Yếu vi thiên hạ kỳ
Trót sinh ra thời phải có chi chi
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu
Đố kỵ sá chi con tạo
Nợ tang bồng quyết trả cho xong
Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung
Làm cho rõ tu mi nam tử
Trong vũ trụ đã đành phận sự
Phải có danh mà đối với núi sông.
Đi không chẳng lẽ về không!

"Chiều Mưa Biên Giới " - Nguyễn Văn Đông :
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi

Đến khi tuổi già, nhìn lại quá khứ, hỡi ôi, bao nhiêu những giấc mộng lớn, mộng con đều không thành tựu :

"Bến Mơ "- Võ Đông Điền :
Dòng thời gian lặng lẽ cuốn trôi đi bao nhiêu kỷ niệm
Tuổi mộng mơ ngày ấy đã trôi đi theo cùng năm tháng
Ước mơ trôi qua rồi
Gió mưa trong cuộc đời
Giờ chỉ còn trong ta nỗi nhớ
Giờ chỉ còn trong ta bến mơ

“Uống rượu tiêu sầu”- Cao Bá Quát :
Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo
21/09/202300:30:22
Khách
Chào tác giả
Tôi đọc đến hai lần, vì thấy xót xa cho người Mỹ tuổi già cô độc.
May mắn cuối đời ông cũng được một vài người bạn ở bên cạnh. Tác giả kể chuyện nghe thật buồn.
Mỹ
20/09/202307:22:37
Khách
Bài viết rất cảm động
Công nhận người Mỹ có lòng tốt với ai đối xử tốt với mình, không cần biết có máu mủ ruột rà chi.
Tác giả là người rất có tình, nhất là với người bạn già của chồng quá cố!

Rất thích cách viết đơn giản mà gọn gàng của tác giả. Viết tiếp cho mọi người thưởng thức nhé
Cám ơn
Mai Le
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,477
Gia đình Khương An ở giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thuộc nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế Huế, học cùng lớp, cùng trường Jeanne D’Arc với tôi. Hai vợ chồng họ vượt biên, đến định cư ở Seattle rất sớm. Khương An sinh hoạt trong hội gia đình tổng giáo phận Huế ở Seattle, hội này đa phần là người giáo xứ Phủ Cam nên biết gia đình tôi tới Cali, Khương An gọi điện thoại về Cali nhắc tôi đủ điều
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Mừng tác giả viết trở lại, bài viết mới dí dỏm, vừa tếu lâm vừa ngậm ngùi.
Tôi đọc nhiều chuyện kể về sự cam chịu số phận hẩm hiu của các nàng dâu, sự ti tiện của các chàng rể và sự cay độc của những bà mẹ chồng trong thời phong kiến, tôi cảm thấy ray rứt… Khi được sống trong xã hội văn minh, kinh tế phát triển, tưởng rằng: dâu, rể không còn là vấn đề phải ray rứt ngậm ngùi! Thế nhưng có nhiều điều cười ra nước mắt – nói hoài vẫn còn chuyện để kể bà con nghe chơi!
Tuy nói ngoài miệng như vậy, nhưng trong đầu tôi lúc đó cứ suy nghĩ miếc về sự khác biệt giữa xe đạp nam và xe đạp nữ. Hồi tôi còn ở Việt Nam làm gì có phân biệt xe đạp của nam hay của nữ. Ở cái xứ này sanh ra đủ thứ chuyện. Giống y như câu người xưa thường nói: "Phú quý sinh lễ nghĩa" rồi đẻ ra, phân biệt của nam của nữ cho bán được nhiều xe hơn...
Mẹ tôi hầu như lép vế, im tiếng trước, khi bố bắt đầu quát tháo. Tôi không hiểu sao ông dễ nổi nóng. Về mặt thể chất, hai người trái ngược nhau; mẹ tôi mỏng- manh; bố tôi vạm vỡ. Có lần ông quát to và giơ tay lên như sắp táng vào mặt mẹ tôi; mới tám tuổi, mà không biết sức gì thúc đầy tôi lao vào đứng giữa hai người, che chở cho mẹ.
Chị ngồi miết ngoài hàng hiên tới trời chạng vạng, không màng ăn cơm chiều khi đã nhìn ra quê cũ sau bao năm xa cách, không còn ai tin ai ngoài chính mình, không còn ai thương ai ngoài chính mình, không còn ai muốn giúp ai ngoài chính mình, không còn ai cho ai cơ hội ngoài chính mình… Chị trở thành người không giống ai trong gia đình, ngoài cánh cổng nhà chị cũng không giống những người quen xưa cũ, những người không quen nhưng đã chọn quê chị để định cư cũng vậy luôn. Họ đều ném cho chị những cái nhìn khó chịu về hành vi của chị vì không giống họ.
Một buổi chiều cuối mùa đông, nhóm cựu học sinh Đà Nẵng tại Bắc Cali hẹn nhau cùng đi thăm Cô tại nghĩa trang Oak Hill, San Jose California. Thời gian trôi qua thật nhanh. Thấm thoắt đã hai năm Cô rời xa chúng tôi. Trời ngây ngây lạnh, trong cơn gió nhè nhẹ và cái nắng vàng hiu hắt, chúng tôi đứng quây quần quanh ngôi mộ nằm chênh chếch lưng chừng đồi. Nhớ Cô thật nhiều. Nhớ dáng người nhỏ nhắn, nụ cười ấm áp với khuôn mặt thật hiền. Nhớ đến một cô giáo có trái tim vô cùng nhân hậu, một người thầy đáng kính, suốt một đời luôn quên hạnh phúc riêng mình, để sống cho những người bất hạnh, những đứa trẻ bụi đời, lang thang, những bé mồ côi và những người cơ nhỡ. Bạn bè cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, một thời trung học, và những ngày tháng trên quê hương thứ hai này. Cùng nhau tưởng nhớ về Cô giáo Đặng Thị Liệu kính yêu của học trò Phan Châu Trinh và Nữ Trung Học Hồng Đức.
Anh chị em con Cindy không có ý kiến gì chuyện nó cặp thằng Matt, riêng ông Định thì không thích ra mặt, ông rất bực bội và không chấp nhận cuộc tình dị chủng. Ông Định vốn là sĩ quan Viẹt Nam Cộng Hòa, sau khi đi tù hơn năm năm thì được thả và đi Mỹ diện HO15. Ông Định sống ở Mỹ cũng ba mươi lăm năm nhưng xem ra khá bảo thủ, không chấp nhận và tiếp nhận cái mới, cái khác. Ông Định chưa từng ra khỏi tiểu bang này, chưa một lần ăn pizza hay hamburger. Khi nghe tin con Cindy cặp thằng Matt thì ông giận lắm. Ông cứ giữ khư khư cái quan niệm lấy Mỹ là đồng nghĩa me Mỹ nhưng thập niêm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước. Thời thế đã thay đổi, xã hội đổi thay, con người cũng khác nhưng ông không thay đổi, hơn nữa chuyện con Cindy với thằng Matt là tình yêu trong sáng, tình yêu thật sự ấy vậy mà ông vẫn không chịu thay đổi cách nhìn cách nghĩ của mình.
Có nhiều bạn học cho là A hay phô trương, nhưng với tôi, A không có vẻ gì như thế. A học giỏi so với bạn cùng lớp vì A đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam và có bằng TOEFL điểm cao nên nói tiếng Anh lưu loát. Thỉnh thoảng bạn ấy được thầy nhờ thông dịch cho các học sinh Việt Nam mới qua, không theo kịp bài giảng tiếng Anh của thầy. Trong lớp, A hay giơ tay hỏi và phát biểu ý kiến của mình khiến vài bạn khó chịu. Họ nói với nhau là A khoe mẽ giỏi tiếng Anh. Giờ nghỉ, A chủ động đi bắt chuyện làm quen với học sinh các lớp khác và những học sinh người nước ngoài.
Rời Cali cả tuần nay rồi mà tâm trí tôi vẫn bềnh bồng với những sinh hoạt ngày Tết trôi qua vội vã – Gần bốn tuần lễ vui chơi ở Orange County, ngày nối tiếp ngày, đêm trôi qua đêm với những náo nức rộn rã như những ngày xưa tuổi nhỏ mỗi lần Tết đến. Tôi thật sự chưa tỉnh thức với chính mình. Cái gì làm tôi u mê đến vậy? Xin đừng hỏi tôi, tôi không trả lời được đâu. Không dấu được nỗi buồn còn đọng lại sau chuyến đi, tôi bỗng giật mình thảng thốt với chính mình. Vui chơi với bè bạn tuổi không còn trẻ nữa tuổi bảy lăm mà cứ tưởng mười lăm nên trận mưa đêm rã rít hiếm có ở Cali làm tôi có chút ngỡ ngàng.
Nhạc sĩ Cung Tiến