Hôm nay,  

Tiếng Chuông Điện Thoại

04/08/202300:00:00(Xem: 4013)
VVNM
Ảnh từ Unsplash+ License

Tác giả Lê Đức Luận lần đầu tham dự VVNM với bài “Ngẫm ra mới thấy thèm”. Tốt nghiệp Khóa 1 Trường ĐH/CTCT/ Đà Lạt, trước năm 1975 ông là sĩ quan, làm việc trong Ủy Ban Binh Thư - Tổng Cục/CTCT/QL VNCH – Sài Gòn. Sau năm 1975 Ông bị “tập trung cải tạo” 7 năm. Sang Mỹ năm 1986. Tác giả có viết bài đăng trên các Đặc San: Ức Trai, Biệt Đông Quân, Chiến Sĩ Cộng Hòa. Sau đây là bài tham dự VVNM mới nhất của ông.
                                                
*
  
Có người bảo rằng tiếng chuông điện thoại là “niềm vui của tuổi trẻ và nguồn an ủi cho tuổi già”

Đối với bà Thoa, tiếng chuông điện thoại còn là tiếng gọi của tình yêu khi còn trẻ, là tiếng lòng thương mến khi làm mẹ, là tiếng gọi mong chờ và là liều thuốc an thần khi nằm trong viện dưỡng lão. 

Nhớ thuở xa xưa, lúc tuổi xuân thì, bà có nhan sắc lại con nhà danh giá, nhiều thanh niên con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai theo đuổi, nhưng không anh nào lọt vào vòng “chung kết”.

Cuối cùng bà “phải lòng” anh phó quận vì tiếng chuông điện thoại.

Lần đầu tiên, bà gặp chàng qua sự giới thiệu của cô bạn cùng lớp với bà, trong đêm văn nghệ Mừng Xuân ở sân trường Đại học Văn Khoa. Lúc ấy, anh chàng không có nét gì độc đáo để bà để ý, nhưng bà tỏ ra vui vẻ, lịch sự cho đúng phép xã giao. Còn anh chàng, tuy nổi tiếng là tay “tán phét” có hạng bên trường Quốc Gia Hành Chánh, nhưng khi đứng trước vẻ đẹp cao sang của nàng, chàng ngẩn ngơ, lúng túng, không nói nên lời…

Những lần gặp gỡ về sau, nàng vẫn không để ý hay ngây thơ không nhận biết ánh mắt si tình và những cử chỉ vụng về, lúng túng của chàng; nàng cứ hồn nhiên, vui vẻ với người bạn mới quen như các bạn trai khác… làm chàng thất vọng!

Nhưng tiếng lòng đã gọi, chàng quyết tâm theo đuổi.

Qua cô bạn học của nàng, chàng biết: Nàng có nhiều nơi dạm hỏi, toàn là những tay học giỏi, có bằng cấp - là bác sĩ, kỹ sư… con nhà giàu. Cha mẹ nàng lại rất khó, còn theo nếp xưa - môn đăng hộ đối. Biết phận mình, con nhà nghèo ở miền Trung, làm sao tranh nổi với những tay “công tử” ở Sài Gòn, nên chàng không dám “tấn công trực diện”.

Thế là, đêm đêm, chàng gọi điện thoại thăm nàng từ một quận lỵ xa xôi, trên vùng cao nguyên xanh mát Lâm Đồng.

Ban đầu chỉ tả cảnh, chưa dám tỏ tình.

Chàng tả nơi chàng đang làm việc: Núi đồi trùng điệp với những rừng thông bạt ngàn; ở lưng chừng đồi nhìn xuống các thung lũng xa xa, sương mù bao phủ trên các đồi trà, đồn điền cà phê như làn khói mỏng - lúc ẩn, lúc hiện - trông như bức tranh thủy mạc. Vào mùa hoa dã quỳ nở rộ, đi trên con đường uốn lượn lưng đồi, dưới ánh nắng ban mai trong trẻo với khí trời se lạnh, trông hoa vàng rực rỡ, cứ tưởng như mình đang lạc vào chốn thiên thai.

Cái giọng Quảng Nam trầm trầm, thỉnh thoảng chêm vào một câu tán thán ngô nghê: “răng mà đẹp rứa hè!”. Lúc đầu nghe ngồ ngộ, nhưng rồi thấy thinh thích, cuối cùng bà “ghiền!”

Vàì đêm không có tiếng chuông gọi về, bà nhớ, bà mong… khi được nghe lại cái giọng “ngồ ngộ” ấy bà mừng, rồi trách: “sao mấy hôm nay không gọi về?”

Thế là chàng tiến lên bước thứ hai - nói chuyện tâm tình - than thở: lạnh giá, cô đơn…

Không hiểu do những lời tả cảnh, tả tình của chàng hay do cha mẹ bà nói xa, nói gần việc hôn nhân với anh chàng bác sĩ, con của bà bạn thân với mẹ, mà bà muốn rời cái nóng bức, nhộn nhịp ở Sài Gòn, lên vùng cao nguyên mát mẻ với thiên nhiên thơ mộng?

Giữa mùa hè năm ấy, bà xin phép cha mẹ đi nghỉ mát ở Đà Lạt.

Cái se lạnh của Đà Lạt lồng trong không gian trong trẻo rực rỡ ngàn hoa: hoa dại ven đường, hoa trước hiên nhà, hoa trong công viên, hoa leo lơ lửng trên tường, hoa trên đồi thấp…

Đâu đâu cũng thấy hoa, làm cho Đà Lạt thêm thơ mộng.

Một ngày ở Đà Lạt, bà có thể cảm nhận được cái khí hậu bốn mùa: buổi sáng sớm là cái se lạnh mùa xuân, buổi trưa nắng vàng rực rỡ như mùa hạ, buổi chiều ảm đạm sương mù như mùa thu, và đêm về nếm cái lạnh của mùa đông.

Đà Lạt thơ mộng quyến rũ bà như cơ duyên tiền định.

Qua một người bạn giới thiệu, bà được ông Hiệu trưởng một trường Trung học tư thục, mời dạy môn Việt văn. Đây là cơ hội để bà ở lại với Đà Lạt.

 Trở về Sài Gòn, bà xin phép cha mẹ cho lên Đà Lạt dạy học. Có chút lo âu, nhưng cha mẹ bà không ngăn cản vì bà đã trưởng thành.

Mùa tựu trường năm ấy, bà trở lại Đà Lạt, làm giáo sư dạy môn Việt văn.

Từ đây, bà được gặp gỡ thường xuyên anh chàng Phó quận vào những ngày cuối tuần. Bây giờ cả hai, không còn trẻ để mơ mộng chuyện tình lãng mạn của tuổi đôi mươi. Những buổi chiều bên nhau trên bờ hồ Xuân Hương hay trên thảm cỏ ở sân Cù, họ trao đổi quan niệm về tình yêu, hôn nhân, cuộc sống gia đình và xã hội… Cả hai cùng chung quan điểm.

Rồi một bưổi chiều, hai người ngồi sát bên nhau trong vườn hoa Thung Lũng Tình Yêu, chàng Phó quận run run nắm tay nàng, thì thầm: “Anh yêu em ngay lần gặp gỡ đầu tiên ở sân trường Đại học Văn Khoa.” Nàng xúc động, ngả đầu vào vai chàng, khẽ nói: “Tiếng chuông điện thoại đêm đêm gọi về, đã làm em xúc động, em biết lòng em đã bắt gặp tình yêu.”

Họ trao nhau nụ hôn say đắm với lời nguyện ước sẽ gắn bó bên nhau suốt đời.

Bà về thưa với cha mẹ chuyện tình duyên của bà với anh Phó quận và cho cha mẹ biết hoàn cảnh của chàng. Tuy có chút ngỡ ngàng, nhưng khi nghe bà giải bày tâm sự, cha mẹ chiều lòng con, chấp nhận cuộc hôn nhân, không còn nghĩ đến chuyện môn đăng hộ đối.

Một năm sau, đám cưới được tổ chức ở hội trường quận lỵ. Ông Quận trưởng đại diện nhà trai làm chủ hôn (mẹ chàng già yếu, ở ngoài miền Trung xa xôi, không vào tham dự được). Cha mẹ bà, từ Sai Gòn lên chứng giám.

 Sau đám cưới, chàng đưa nàng ra Trung, ra mắt con dâu với mẹ. Bà mẹ vui mừng, xúc động, cầm tay con dâu rưng rưng, nói: “Đám cưới tụi bây, mẹ không vào được, mẹ áy náy vô cùng. Khi thằng Phong viết thư báo tin sẽ làm đám cưới. Nó bảo mẹ đừng lo, nó sẽ tự lo liệu được… Mẹ mừng, nhưng không biết rồi sẽ ra sao? Mẹ già yếu, mắt lại mờ, không thể đi xa, chỉ còn biết cầu xin ơn trên phù hộ cho mọi điều tốt đẹp. Hôm nay các con về đây thăm mẹ và ra mắt tổ tiên, ông bà, mẹ không biết nói sao cho hết nỗi vui mừng.”

Bà mẹ thắp nhang lên bàn thờ, lấy khăn lau tấm di ảnh của chồng, lâm râm khấn vái: “Hôm nay thằng Phong đưa vợ về ra mắt tổ tiên, ông bà, xin ông chứng giám và phù hộ cho các con được may mắn, hạnh phúc và sớm có đứa con trai nối dõi tông đường.”

Bà lấy cái tráp cẩn xa cừ trong ngăn tủ thờ, mở nắp lấy đôi bông tai và chiếc kiềng vàng đeo vào tai, vào cổ con dâu. Ngước nhìn con dâu, bà nói: “Ngày đám cưới của mẹ, bà nội các con đã đeo đôi hoa tai, và chiếc kiền này cho mẹ. Bây giờ mẹ trao lại cho con, coi như bảo vật của gia đình.”

Bà tiếp tục kể: “Ngày mẹ về làm dâu nhà ông huyện, mẹ rất lo lắng, nhưng bà nội của các con là người nhân hậu đã chỉ dạy cho mẹ cách ăn ở, đối xử sao cho phải phép gia phong, dòng họ nhà ông huyện. Ông nội của thằng Phong làm tri huyện, nhưng gia đình vẫn thanh bạch; bà nội của các con và mẹ vẫn tiếp tục công việc đồng áng, nuôi tằm, dệt lụa để nuôi sống gia đình. Ông nội của thằng Phong là ông quan huyện thanh liêm, được dân kính mến, nên năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, họ không công khai kêu án tử hình, mà đưa ông đi “an trí” ở đâu đó, gia đình không biết tin. Sau này mới hay, họ đã thủ tiêu ông trên vùng núi cấm. Dân chúng trong huyện luôn nhắc nhở tên ông với lòng thương tiếc.”

Bà quay sang, nói với thằng Phong: “Phong à, trong chín năm kháng chiến, cha con không chịu đựng được sự gian khổ, mắc bịnh lao, không có thuốc men chữa trị, cha con qua đời lúc con chưa đầy sáu tuổi. Từ đó, một mình mẹ làm lụng cực khổ nuôi con. Đến năm 1954, Quốc gia tiếp thu vùng này, cuộc sống dễ thở hơn, con được đi học. Hết tiểu học, mẹ gởi con ra Đà Nẵng, học Trung học, rồi con vào Sài Gòn học tiếp… Con được thừa hưởng cái thông minh và phúc đức của tổ tiên, bây giờ là ông “Phó Quận”. Con phải noi gương ông nội, làm ông quan thanh liêm để danh thơm cho dòng họ. Con nên nhớ rằng: ‘Quan nhất thời, dân vạn đại.’ Hành xử thế nào để người dân không ta thán khi mình làm quan, và không bị phỉ nhổ khi mình về làm dân.”
Đến đây bà bảo: Ngày mốt chúng ta sẽ làm cỗ cúng tổ tiên, ông bà và mời ít bà con thân thuộc đến chung vui với gia đình mình.

Ở chơi với mẹ gần tuần lễ, vợ chồng Phong trở lại Đà Lạt.

Cuộc sống của họ êm đềm, hạnh phúc và cho ra đời hai đứa con trai kháu khỉnh (sinh đôi).

Rồi cuộc chiến mỗi ngày thêm ác liệt, nhưng họ vẫn còn hưởng được sự bình an, nơi hậu phương tươi đẹp và trù phú ở vùng cao nguyên. Phong không phải trực tiếp trước trước lằn tên, mũi đạn như các chiến sĩ ở chiến trường, nhưng mối hiểm nguy luôn rình rập… Dù vậy, đêm đêm vẫn có tiếng điện thoại gọi về cho bà.

Đến ngày 30-4-1975, đất trời như sập đổ, cuộc đời của họ cuốn theo vận nước tang thương.

Phong bị bắt! Bà không còn được đi dạy học!

Không thể kể hết những nghiệt ngã họ đã trải qua, sau ngày Miền Nam rơi vào tay giặc - chồng bị đọa đày sáu năm trong các trại tù cải tạo; còn bà gian truân nơi chợ trời, bươn chải kiếm sống nuôi con, tiếp tế cho chồng…

Rồi đến một ngày, chính phủ Hoa Kỳ cho những người phục vụ trong chế độ cũ, đã bị tù trên ba năm, được đi định cư  trên vùng đất hứa, họ mới thoát cảnh lầm than.

Những ngày đầu tiên trên đất khách, cũng như bao nhiêu người tỵ nạn khác, lăn vào công việc, bất kể ngày đêm. Nơi nào có việc mà người Mỹ chê, là dân tỵ nạn nhảy vào. Phong xin được một chân hốt rác trong nhà in, còn bà xin làm phụ bếp cho nhà hàng Tàu. Phong làm ban đêm, ban ngày đi học - mấy năm sau lấy được bằng CPA (Certified Public Accountant). Còn bà, ngoài giờ làm phụ bếp ở nhà hàng, bà đi học Anh văn.

Số tiền kiếm được trong mấy năm lao động cực nhọc, ông bà ra thuê căn phố, trương bảng hiệu: “Khai Thuế và Real Estate Broker.” Lúc ấy nhiều người Việt mới sang, chưa rành tiếng Anh, nên thường đến nhờ ông khai thuế và nhờ bà hướng dẫn mua nhà.

Văn phòng lúc nào cũng đông khách. Vận may đến với ông bà như “diều gặp gió”. Thế là giàu và được xem là một gia đình thành công lúc bấy giờ.

Tuy công việc bận rộn, bà vẫn để tâm đến chuyện học hành của hai đứa con trai. Có tiền nên ông bà cho con vào học trường tư. Qua bậc Trung học, bà cho con vào những Đại học danh tiếng, đóng học phí rất cao. Nhưng tiền bạc không mua được chữ nghĩa, và hình như ông trời cho cái này thì mất cái kia - chuyện học hành của hai đứa con không ra gì. Bà buồn lắm! Bà thường xuyên gọi điện thoại khuyến khích chúng nó học hành, nhưng vẫn không đạt được điều mong muốn.

Thời gian qua mau, hai đứa con trai đến tuổi trưởng thành, ông bà lo việc hôn nhân cho chúng nó. Rồi chúng nó ra riêng, ông bà bù đắp mua cho mỗi đứa một căn nhà.

Bây giờ đã đến tuổi về hưu, hai vợ chồng già hủ hỉ bên nhau trong căn nhà cũ. Tiếng điện vẫn reo đều, nhưng không phải là tiếng điện thoại của khách hàng hẹn đi xem nhà, hay hẹn giờ khai thuế, mà là tiếng điện thoại của con dâu, gọi: nhờ mẹ sang trông giúp đứa cháu nội để nó đi mua sắm, hay tiếng điện thoại của thằng con trai nhờ ba đi đón đứa cháu nội ở trường. Những tiếng điện thoại ấy làm ông bà bận rộn, nhưng là niềm vui trong hạnh phúc.

Những lần đi chơi xa, không có bà đi theo, đêm đêm ông gọi về cho vợ, tỉ tê những chuyện vui buồn nơi ông đang ở, làm bà nhớ lại kỷ niệm năm xưa. Hay những lần lạc nhau trong shopping mall rộng lớn, tiếng điện thoại lại reo, để ông đến dẫn bà ra xe, về nhà… làm bà bớt bối rối. Bà thương chồng và cảm ơn chiếc điện thoại.  

Gần mười năm, từ ngày về hưu, tiếng chuông điện vẫn reo đều… Cho đến một ngày, ông ra đi đột ngột vì cơn đau tim. Thế là bà ngậm ngùi, vĩnh biệt một tiếng chuông điện thoại yêu thương.

Sau đó, những tiếng chuông điện thoại thưa dần, vì bây giờ sức bà đã yếu, đâu còn giúp con dâu trông cháu được nữa. Nó gọi để làm gì? Thỉnh thoảng đứa con trai gọi đến hỏi thăm sức khỏe, nhưng giọng không tha thiết như lúc nó còn đi học, gọi về cho mẹ để xin tiền. Đôi lần, vắng tiếng điện của con, bà nhớ, bà lo: không biết có chuyện gì xảy ra… Bà gọi cho con. Khi biết mọi sự bình an, bà mừng. Rồi bà kể lể chuyện: cô đơn, buồn chán, đau nhức, bệnh tật của tuổi già…Đứa con dâu nghe thấy, nó nói một câu phũ phàng: “mẹ nhõng nhẽo, làm nũng đấy…” Thằng con trai thương mẹ cũng an ủi vài câu, rồi tắt máy.      

 Đến một ngày xui rủi, bà trượt chân té ngã, bị bể xương bàn tọa, vào nhà thương chữa trị hơn sáu tháng. Bà không đi đứng được nữa, phải ngổi xe lăn và không tự lo vệ sinh cho mình được. Ở nhà thương có y tá giúp đỡ, chứ về nhà, con trai bà đâu có chăm sóc cho mẹ được, còn con dâu thì khó trông cậy. Biết làm sao bây giờ? Bà đành chấp nhận đề nghị của nhà thương chuyển qua một viện dưỡng lão. 

Từ ngày vô viện dưỡng lão, thỉnh thoảng con trai bà đến thăm vào dịp Tết, Giáng Sinh, ngày Mother’s Day, nhưng rất hiếm khi được nghe tiếng chuông điện thoại.

Các con của bà chọn một viện duỡng lão cao cấp, mỗi tháng trả năm ngàn đô. Chúng nghĩ như vậy là sung sướng cho mẹ - Thực tế không sai, vì ở đây có những điều dưỡng viên kinh nghiệm, tận tụy, phục vụ chu đáo…  Tuổi già mấy ngưởi được như vậy?

Nhưng tiền bạc không thể đáp ứng được mọi vấn đề. Ngày xưa, thương con, bà chọn những trường danh tiếng cho con vào học, đóng học phí rất cao, nhưng tiền bạc không mua được chữ nghĩa. Bây giờ, các con thương mẹ, chọn nhà dưỡng lão cao cấp, với chi phí cũng rất cao, nhưng không mua được ước vọng yêu thương.

Ở đây bà mong đợi tiếng điện thoại reo như một liều thuốc an thần cho bớt cảm thấy cô đơn. Nhưng chồng bà không còn gọi về nữa, các bạn bè của bà cũng lần lượt ra đi, bà chỉ còn mong tiếng chuông điện thoại của các con. Nhưng than ôi! Tiếng chuông điện thưa dần rồi mất hút.
          
Những lúc nhớ đến con cháu, bà gọi về; chúng nó không bắt phone vì lần nào bà cũng kể lể dông dài, chỉ chừng ấy chuyện, không có gì mới mẻ. Chúng nó chán và cũng không gọi lại cho bà. Chúng nó ỷ lại, nếu có điều gì bất trắc, văn phòng viện dưỡng lão sẽ gọi thông báo, chúng nó đến ngay. Chúng đâu có biết - nghe được giọng nói của con, bà cảm thấy khỏe ra như được uống viên thuốc bổ.
         
Ngày lễ Mother’s Day năm nay, hai đứa con dẫn vợ con vào nhà dưỡng lão, thăm mẹ. Món quà tặng mẹ trong ngày Mothe’s Day là cái iPhone 14. Từ trước đến giờ, món quà mà bà thích nhất vẫn là chiếc điện thoại di động (cell phone). Tặng món gì, dù đắt giá hơn, bà cũng không thích bằng cái điện thoại di động. Biết ý vợ,  ông chồng lúc còn sinh tiền, hễ chiếc điện thoại di động nào mới ra đời, nổi tiếng là mua tặng cho vợ, không cần biết giá cả bao nhiêu, cũng không cần đợi ngày sinh nhật hay lễ Tết. Bây giờ các con của bà cũng bắt chước cha mua tặng bà chiếc iPhone 14.
           
Bà cảm động cầm chiếc iPhone 14 săm soi, rồi cúi xuống, hai giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo, bà thở dài khẽ nói: “Mẹ biết gọi ai bây giờ?”
 
Lê Đức Luận

Ý kiến bạn đọc
08/08/202319:31:52
Khách
Về già, nếu không quen biết ai- và tuy có con cái nhưng hiếm khi liên lạc, thì vẫn còn có computer và smartphone là những "bạn" thân thiết . Nên ngoài sức khỏe và tiền bạc ra, hạnh phúc nhất là có tai và mắt vẫn còn tốt để có thể đọc và nghe những gì trên trên màn ảnh computer và smartphone.

https://finance.yahoo.com/news/yikes-raising-kid-us-cost-130035430.html
Chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ ở Mỹ là 20.813 đô la hàng năm.
Nuôi dạy một đứa trẻ tốn hơn 32,000 đô la mỗi năm ở các khu vực California và Massachusetts này. Ở San Francisco, Santa Cruz và San Jose, chi phí hơn 33,000 đô la hàng năm để nuôi dạy một đứa trẻ.
07/08/202316:05:44
Khách
Khi vừa sang Mỹ đi học tiếng Anh. Nếu cởi mỡ chơi với bạn Mỹ, đọc sách báo Mỹ, coi TV Mỹ, ăn thức ăn Mỹ, chịu hoà nhập vào xã hội Mỹ thì đến già không bị gò bó trong phạm vi chỉ nói tiếng Việt, ăn thức ăn Việt, đọc sách báo Việt, coi TV Việt mà thôi.
Mỗi county ở Mỹ đều có community center and senior center. Người già ở Mỹ có thể đi đến community center / senior center để sinh hoạt, tập thể dục thể thao, chơi thể thao như ping pong, taking field trips, eat lunch with other senior citizens, etc.
Những người già bị bịnh tâm thần nhẹ thì có thể đến Adult Day Care mỗi ngày từ sáng đến chiều, họ cũng được hướng dẫn tập thể dục, light therapy trong hình thức chơi nhiều games khác nhau, have lunch together, take field trips, etc. Có nurse và therapist trông coi họ.
04/08/202317:05:38
Khách
Mình cũng ko còn trẻ nữa mà lúc nào cũng có phone bên mình, giống như vật bất ly thân. Đi đâu thiếu nó cũng ko được.
04/08/202310:13:14
Khách
Tuổi già ở Hoa Kỳ chán lắm và cũng chẳng làm gì được vì con phải đi làm [càng ngày càng khó khăn] trả nợ và cháu phải lo đi học [càng ngày càng nhiều] cho có tương lai.

Nếu hiểu/nói được tiếng Anh kha khá thì đọc báo chí, xem TV, tán gẩu với người bản xứ cùng một hoàn cảnh. Còn không thì thui thủi một mình nói chuyện với đầu gối.

Biết vậy, chấp nhận cho đỡ nhọc thân già [về tinh thần] và tránh được phiền hà cho những người thân yêu càng nhiều chừng nào tốt chừng đó.

P.S: Điện thoại thông minh [smart phone] rất quan trọng vì nó là người bạn đồng hành không thể thiếu được với tuổi già. Lâu lâu, người đọc phải ngửa tay xin tiền [chi phí hơn một nghìn mỹ kim] Quốc Hội [độc nhất một thành viên] thay máy mới [phone, laptop, etc.] để bắt kịp và biết cách xử dụng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,605
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021. Sau đây là bài viết mới nhất của Cô, viết về người cha, theo lời kể của một người hàng xóm cũ, hiện đang định cư ở Dallas, Texas.
Là con của một sĩ quan tù cải tạo, tác giả Lê Xuân Mỹ đã góp vào giải VVNM những bài viết xúc động. Ông đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2021. Sau đây là bài viết mới nhất của Ông, viết để tưởng nhớ hai người bạn Phạm Phúc-Hạnh Nguyên vừa qua đời, là nạn nhân của một vụ giết người ngày 1 tháng 6 vừa qua gây thương tâm kinh hoàng cho cộng đồng người Việt Bắc Cali.
Ban Tổ Chức Giải Viết Về Nước Mỹ trân trọng thông báo Lễ Phát Giải và Ra Mắt Sách Viết Về Nước Mỹ 2022-2023 sẽ được tổ chức vào trưa Chủ Nhật ngày 26 tháng 11, 2023 tại Garden Grove, CA.
Niềm vui của mùa hè ở đây là tìm đến các ngã tư đường, nhìn trên trụ đèn , đủ loại giấy màu, đủ kích cỡ, đủ màu mực, chữ to, chữ nhỏ, nào là Garage sale, Yard sale, Moving sale, Estate sale v.v..., đó là những bản quảng cáo đơn giản của một khu chợ trời thu nhỏ trong sân, trong nhà để xe , tầm giấy nào cũng có ghi số nhà, mũi tên chỉ đường, ngày thứ năm họ bắt đầu quảng cáo, thứ Sáu, thứ Bảy, CN, là những ngày hè vui trên quê hương thứ hai này, đi khắp nơi, đường nào cũng qua, góc cùng ngõ cụt nào cũng tới, tha hồ mua, cũ họ mới mình giá cả hết sức khiêm tốn, 25 cents 50 cents, 1 đồng là giá cao.
Dường như con cái lớn lên khó dạy hơn hồi còn nhỏ. Hồi nhỏ nói gì chúng cũng nghe, bây giờ con ít vâng lời hơn khiến tôi có cảm giác con càng lớn càng khó dạy. Khi con còn trẻ nhỏ, chạy nhảy lung tung, la hét, lục lọi phá phách làm cha mẹ vất vả, nhưng cũng không khổ bằng khi con trưởng thành. Ảnh hưởng của nền văn minh dân chủ đã khiến con cái tự quyết định cho chính mình trong nhiều vấn đề khiến cha mẹ chỉ biết cầu trời. Giáo dục con cái ngày nay thật sự là một vấn đề không dễ dàng.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới về chuyến thăm viếng Florida năm nay của tác giả.
Khi còn trẻ, tôi có người bạn đi tu, anh ta học bảy năm trời để thành linh mục. Anh ta nói với tôi, “Với người Công giáo, trong nhà có một người đi tu học làm linh mục là vinh dự, niềm hãnh diện của gia đình. Cha mẹ tôi không ép con cái nhưng thầm mong là điều đương nhiên. Tôi quyết định làm linh mục với hơn nửa phần tự chọn tương lai của mình, non nửa phần vì mong cha mẹ tôi được vui như một sự đền đáp của người con…” Nay ước gì được gặp lại anh ta, gặp linh mục tôi sẽ nói về đời sống Mỹ, “Trong nhà có một người con đi lính, không chỉ tốt cho bản thân người ấy sống có kỷ luật từ đó về sau mà còn tốt cho mọi thành viên trong gia đình về cách sống đơn giản nhưng thực tế của người lính, lối suy nghĩ không ích kỷ vì tinh thần đồng đội của lính rất cao, là nguồn gốc, căn bản hình thành nên nhân cách con người tới suốt đời. Những thành viên trong gia đình không ít thì nhiều đều thay đổi bản thân theo chiều hướng tốt hơn khi suy nghĩ về những thay đổi chín chắn và độ lượng của th
Khi nghe bác sĩ nói thay tế bào gốc chúng tôi cùng thắc mắc có phải là tủy thích hợp từ người khác hiến tặng không? Nhưng bác sĩ giải thích là phương pháp mới bây giờ sẽ dùng ngay chính tủy tốt của bệnh nhân để thay vào. Tra Google thấy nói là THAY TẾ BÀO GỐC TỰ THÂN. Nghe ngộ ghê! Bác sĩ cũng nói thêm bệnh nhân phải chịu nhiều phản ứng phụ rất khó chịu vì phải hóa trị một liều thuốc rất mạnh để làm các tế bào xấu lẫn tốt tiêu hết mới đưa tế bào gốc vào. Trong khi đó xác xuất chỉ 70% thành công và khả năng từ 1 đến 7 phần trăm sau này có thể bị vướng 1 loại ung thư máu không chữa được. Còn nếu không thay tủy thì bệnh ung thư của Hoàng sẽ trở lại sớm hơn. Thôi thì cứ chọn thay tủy vậy, 70% là con số cũng lớn mà. Cứ hy vọng đi!
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất, về câu chuyện "ai đời mẹ ghẻ lại yêu thương con chồng!"
Loài chó là một tạo vật tuyệt vời Thượng Đế đã ban cho con người, nó có một đức tính mà tự cổ chí kim, ai cũng nhận ra là sự trung thành tuyệt đối. Câu chuyện con chó Hachiko ở Nhật Bản đã làm rung động biết bao con tim trên thế giới. Trong 9 năm liền, ngày nào nó cũng đến nhà ga xe lửa nằm chờ chủ nó đi làm về, nhưng ông đã không bao giờ trở về nhà vì cơn đau tim đột ngột, ông chết tại sở làm. Ngày nào cũng vậy, dù mưa rơi, tuyết đổ, hay nắng hè oi bức, Hachiko vẫn kiên nhẫn chờ đợi chủ cho đến khi nó gục chết vì kiệt sức ở sân ga. Người Nhật đã tạc tượng con chó Hachiko như là biểu tượng của sự trung thành.
Nhạc sĩ Cung Tiến