Hôm nay,  

Giọt Lệ Biết Làm Sao Ngưng?

06/06/202314:15:00(Xem: 18749)

 

Tưởng nhớ hai bạn Phạm Phúc-Hạnh Nguyên
 
Là con của một sĩ quan tù cải tạo, tác giả Lê Xuân Mỹ đã góp vào giải VVNM những bài viết xúc động. Ông đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2021. Sau đây là bài viết mới nhất của Ông, viết để tưởng nhớ hai người bạn Phạm Phúc-Hạnh Nguyên vừa qua đời, là nạn nhân của một vụ giết người ngày 1 tháng 6 vừa qua gây thương tâm kinh hoàng cho cộng đồng người Việt Bắc Cali.

 

***

 

06062023 Phạm Phúc Hạnh Nguyên
Phạm Phúc & Hạnh Nguyên. Ảnh tác giả gởi.

 

Đã hai ngày trôi qua, chúng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết thật thương tâm của hai người bạn thân thiết: Phạm Phúc và Hạnh Nguyên. Đã hai đêm thức trắng khi nhớ đến hình dáng thật hiền lành dễ thương của hai người. Cứ mãi thao thức khi nghĩ đến nỗi mong manh vô thường của kiếp người và sự ra đi vô cùng đột ngột, oan ức của hai người công dân rất bình thường, lương thiện tại một trong những thành phố luôn được xem là biểu tượng của ngành công nghệ cao cấp,  giàu có và đáng sống của một nước Mỹ hùng mạnh. Một sự ra đi mà có lẽ chính hai bạn dù bây giờ đang cùng nắm tay nhau trên Thiên Đàng, cũng chưa bao giờ nghĩ đến và cũng sẽ không bao giờ biết được lý do.

 

Camera thu được hình ảnh của chiếc xe tải màu đen cho thấy tên sát nhân lái xe gây án một cách lạnh lùng, hung hãn. Một hành động của một kẻ cuồng điên, ngáo đá hay kỳ thị thì phải đợi sự điều tra của giới chức có thẩm quyền, nhưng rõ ràng cho đến khi lìa đời hai bạn đã không bao giờ biết được mặt mũi và động cơ của kẻ giết người. Thật đau xót khi hai bạn không phải là những nạn nhân duy nhất của ngày hôm đó.

 

Bắt đầu từ phía nam thành phố San Jose, nghi phạm đâm trọng thương hai công dân vô tội, cướp xe một người khác rồi bỏ chạy vào trung tâm thành phố, ẩn nấp trong bãi giữ xe của tiệm Walgreen nằm đối diện căn nhà của Phúc Nguyên.

 

Thảm kịch xảy ra khi thủ phạm lái xe rời nơi trú ẩn. Hắn nhìn thấy Phúc Nguyên đang đứng bên hông nhà. Kẻ cuồng điên lái xe leo qua lề đường tông thẳng vào hai vợ chồng. Vợ chết liền tại chỗ, chồng chết trên đường đi cấp cứu vì những vết thương quá nặng. Kẻ sát nhân sau đó tông một người nữa trên đường số Mười rồi đi về phía bắc, tiến vào thành phố Milpitas. Tại đây kẻ sát nhân giết chết thêm một người trước khi bị cảnh sát bắt giữ. Cuộc thảm sát kéo dài, như một cuốn phim quay chậm, suốt một giờ đồng hồ của một tên giết người tâm thần từng có tiền án hình sự. Hình như không có một cuộc truy đuổi nên kẻ sát nhân cứ thoải mái vừa chạy vừa gây án trong suốt một chặng đường dài từ phía nam lên phía bắc của thành phố San Jose. Giá như nhân viên công lực hành động kịp thời, truy đuổi gắt gao ngay từ đầu thì đã không có ba nạn  nhân chết oan uổng như thế.

 

Đã qua cái tuổi bảy mươi “thất thập cổ lai hy”, chúng tôi đã chứng kiến nhiều cuộc chia ly, biết đến bao cảnh đời vô thường của một kiếp người. Già cả có, trẻ trung có. Vì tai nạn cũng có, vì bệnh tật cũng nhiều. Đã từng cảm nhận bao nỗi đau mất mát những người thân yêu, bạn bè. Nước mắt đã bao lần rơi xuống nhưng có lẽ chưa lần nào trái tim tôi tan nát như lần này. Sinh ly tử biệt vốn là chuyện thường tình của tạo hoá. Có sinh thì có tử. Có chào đời thì không sớm thì muộn cũng có lúc chia xa. Nhưng trước khi rời bỏ thế gian ít nhất ta cũng cần biết được lý do. Cũng ít nhất để lại cho bạn bè, người thân những bài học, những lời cảnh báo. Nhưng với hai bạn tôi thì không. Hai bạn vẫn còn ngơ ngác, vẫn còn bàng hoàng, vẫn còn không tin vào sự thật. Hai  bạn vẫn chưa đành lòng ra đi vì còn biết bao nhiêu việc đang còn làm dang dở.

 

Phúc-Nguyên là một đôi uyên ương trời sinh một cặp. Yêu và một đời nguyện sống chết bên nhau, nhưng chắc chắn không bao giờ hai bạn muốn từ giã cõi đời một cách tức tưởi và vô lý như thế. Còn bao nhiêu điều hai bạn muốn cùng nhau thực hiện. Biết bao việc cần làm cho gia đình, cho bạn bè, cho cộng đồng. Hai vợ chồng vẫn còn muốn nhìn thấy đứa cháu nội duy nhất của mình tốt nghiệp đại học và yên bề gia thất. Còn muốn có những buổi sáng cùng bạn bè bên ly cafe sau vườn. Anh vẫn còn muốn cùng chị mỗi chiều đi bộ quanh xóm, vẫn muốn cùng nhau về thăm lại quê hương. Anh vẫn còn muốn tự tay sắp xếp những chiếc áo, tấm khăn cho chị mỗi khi cùng nhau đi chơi xa. Anh vẫn còn muốn cùng bạn bè tổ chức những đêm ca nhạc… Căn nhà nhỏ của hai vợ chồng vẫn còn đang sửa chữa ngổn ngang. Tháng bảy hẹn với bạn bè về nam Cali tham dự đại hội trường Phan Chu Trinh toàn thế giới. Họp mặt với bạn bè Vạn Hạnh cuối năm… Anh chị không học cùng trường với chúng tôi nhưng mọi sinh hoạt của niên khoá chúng tôi hay của trường chúng tôi anh chị đều tham dự. Các buổi sinh hoạt của các hội đoàn Quảng Nam-Đà Nẵng, anh chị chưa bao giờ vắng mặt. Lúc nào cũng vậy anh chị luôn bên nhau. Anh với giọng nói ngọt ngào, chị với khuôn mặt hiền lành. Anh không hát nhưng chị thích hát. Chị hát, anh ngồi chăm chú nghe. Và cứ thế như đôi chim ríu rít bên nhau không bao giờ rời xa trên năm mươi năm nay.

 

Học sinh trung học ở Đà Nẵng thời chúng tôi, không ai không biết đến cuộc tình của Phúc- Nguyên. Thành phố nhỏ xíu như lỗ mũi, các trường học nằm kế cận nhau, chuyện gì xảy ra hầu như ai cũng biết. Đã có biết bao cuộc tình của tuổi học trò mới lớn, nhưng có lẽ cuộc tình của Phúc Nguyên là được biết đến nhiều nhất vì sự bền bỉ thuỷ chung và những chông gai của thuở ban đầu. Anh chị gặp nhau và yêu nhau từ những năm học đệ tứ, đệ tam. Một mối tình thật đẹp, lãng mạn nhưng không kém phần mãnh liệt. Chúng tôi thường ví cuộc tình của hai bạn mình giống như hai nhân vật chính trong phim Romeo và Juliet vì sự giống nhau ở những bước đầu khó khăn và những trở ngại dường như khó thể vượt qua. Chị là con đầu của một gia đình nứt tiếng giàu có, anh thì đẹp trai hiền lành, đàng hoàng tử tế, nhưng gia đình không ngang tầng ngang lớp bằng gia đình chị.

 

Vào cái thời mà môn đăng hộ đối vẫn còn trong tâm tưởng của phần đông các gia đình Việt Nam, vào cái thời mà rể kỹ sư, bác sĩ luôn là niềm mong ước của các bậc làm cha làm mẹ, lại thêm hai người yêu nhau ở cái tuổi cơm còn chưa lo, mặc còn chưa tới thì chuyện cấm cản là điều đương nhiên từ cả hai phía. Hết khuyên răn đến la mắng, doạ nạt, gia đình dùng mọi cách chia cách cuộc tình. Nhưng càng cấm cản, càng trở ngại, hai bạn càng cương quyết đến gần nhau hơn. Có những lần chị bỏ nhà ra đi, bị tìm gặp đem về rồi lại ra đi. Cuối cùng, thương con gia đình đành chấp thuận cho hai bạn ở cùng nhau. Thế là khác với cái kết bi thảm trong phim, chuyện tình hai bạn tôi kết thúc có hậu, một “happy ending”. Và giống như lời chúc phúc của tất cả bạn bè chúng tôi, Phúc-Nguyên đã sống suốt một đời bên nhau thật êm ấm, hạnh phúc.

 

Một cuộc tình thật đẹp và bền bỉ nhất tôi từng gặp. Anh dịu dàng hiền lành chu đáo, chị một đời chỉ biết thuận theo ý chồng. Chưa bao giờ hai bạn gây gổ và to tiếng với nhau, và chưa bao giờ xa nhau ngoại trừ một thời gian sau ngày mất nuớc. Nguyên cùng con trai theo gia đình ba má qua Paris theo diện công dân Pháp, rồi vài năm sau đó Phúc mới qua đoàn tụ với vợ con. Ở Pháp hai bạn có nhà hàng, có cuộc sống ổn định nhưng sinh hoạt trầm lắng ít người Việt Nam. Thèm không khí quê nhà, nhớ bạn bè, năm 1996, Phúc-Nguyên cùng gia đình qua Mỹ định cư. Hai bạn về sinh sống tại San Jose, mở nhà hàng mang tên Quảng Đà ở trung tâm thành phố. Nhà hàng Quảng Đà nổi tiếng với món mì quảng và những món ăn hương vị miền Trung quê nhà và cũng là nơi gặp gỡ của các văn nghệ sĩ, báo chí. Anh không hát không đàn, nhưng cái tính mê văn nghệ nằm sâu trong máu. Anh quen biết và giao thiệp rộng rãi với giới làm văn nghệ báo chí. Các show văn nghệ tại San Jose đều được phổ biến và bán vé tại nhà hàng. Muốn biết hằng tuần đi xem ca nhạc ở đâu chỉ cần đến nhà hàng Quảng Đà. Các bích chương quảng cáo được dán kín đến nỗi nhiều khi có những tuần phải sắp hàng đợi đến khi có chỗ trống. Cùng với mẹ, chị phụ trách nấu nướng, anh quản lý, giao tiếp rồi trở thành bầu sô lúc nào không hay. Một bầu sô thật hiền lành, dịu dàng tình cảm, đàng hoàng và làm việc hết lòng nên rất được các ca nhạc sĩ yêu mến. Cùng với nhạc sĩ Lê Huy, ban nhạc Phượng Hoàng, anh đã tổ chức không biết bao nhiêu là chương trình văn nghê tại hai miền Nam, Bắc Cali và cả Việt Nam.

 

Nhà hàng Quảng Đà còn là nơi tổ chức các chương trìng thính phòng bỏ túi. Nói đến các sinh hoạt văn nghệ tại Bắc Cali, không ai không biết đến Phúc Quảng Đà. Và nói đến Phúc-Nguyên, bạn bè thân thiết chúng tôi, không ai không biết đến căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng trên đường số 16. Sau khi sang lại nhà hàng Quảng Đà, chúng tôi thường gặp nhau tại đó. Có lần tôi hỏi sao lại sang tiệm khi vẫn còn đang đắt khách, anh bảo: Mình và Nguyên cũng lớn tuổi rồi, tiền thì cũng ham lắm, nhưng thôi mình thấy đủ là đủ. Nếu cứ bám vào chuyện tiền bạc, nhà hàng thì biết bao giờ buông ra được. “Để Nguyên có thời gian cho bạn bè, cho gia đình”. Phúc là thế, làm chuyện gì cũng nhắc đến Nguyên. Và Nguyên cũng vậy mỗi lần nhắc đến chồng, nhờ chồng chuyện gì cũng Phúc. Phúc ơi… Không honey, hon niếc gì cả mà giọng nghe sao ngọt như mía lùi. Căn nhà nhỏ trở thành nơi họp mặt của bạn bè mỗi cuối tuần. Mỗi sáng anh cùng những người hàng xóm thân thiết ngồi uống cafe nói chuyện đời, chuyện văn nghệ và chuyện thời sự.

 

Từ khi nghỉ hưu hai bạn đã sống một cuộc đời an nhàn như thế. Không bon chen, không vội vã. Cuộc sống êm ả như bản tính vốn ngọt ngào và hiền lành của hai người. Tôi học cùng khoá với Phúc-Nguyên nhưng ở hai trường khác nhau. Hai bạn học Phan Thanh Giản, tôi học Phan Châu Trinh. Hai trường nằm kế cận nhau trên cùng một con đường. Chúng tôi biết nhau nhưng không thân, chỉ đến lúc qua San Jose, chúng tôi gặp lại và thân thiết hơn vì cùng một niềm đam mê ca hát. Có quá nhiều kỷ niệm cùng nhau. Không một lần họp mặt nào của nhóm chúng tôi lại thiếu vắng hai người. Hội ngộ trường lớp, hội đoàn, liên trường QNDN, Phúc-Nguyên luôn có mặt. Nhóm nhỏ hay lớn đều xuất hiện bên nhau như đôi chim. Mỗi lần gặp gỡ nhóm, anh với hai chai rượu đỏ, chị với khay hến xúc trộn bánh tráng đã trở nên quá quen thuộc với chúng tôi. Anh dịu dàng ân cần, quán xuyến hết mọi chuyện từ trong nhà ra ngõ, chị hiền lành ít nói chỉ biết làm theo anh. Nhiều khi chúng tôi hay nói lén với nhau, Phúc mà đi trước không biết Nguyên làm sao sống. Ngược lại Nguyên chết trước chắc Phúc cũng không sống nổi đâu.

 

Đâu có ai ngờ lời nói chơi trong bạn bè lại như một định mệnh quyện vào cuộc đời Phúc-Nguyên như thế. Hôm nghe tin hai bạn qua đời, dù rất bàng hoàng đau đớn, chúng tôi tự an ủi nhau là anh chị cuối cùng đã được sống và cùng chết như ý nguyện của mình. Sinh không cùng năm thì chết được cùng ngày cùng tháng, cũng là hạnh phúc. Nhưng dù nghĩ như thế, chúng tôi thật sự không thể đành lòng với một kết thúc bất ngờ, bi thảm và vô lý như thế của hai người bạn thân thiết của mình. Đã mấy đêm không ngủ được, ngồi một mình trong góc sân sau nhà vắng lặng tôi cứ suy nghĩ mãi về hai bạn mình. Những kỷ niệm cũ cứ lần lượt hiện về. Anh vẫn còn nợ tôi một đêm nhạc cuối năm, một chương trình ra mắt sách “Tôi, đứa con người tù cải tạo”... Còn nhiều, nhiều lắm. Vậy mà chỉ trong một khoảnh khắc, vì một thằng khùng thằng điên không quen không biết, mọi mộng ước đều vỡ tan.

 

Tôi cứ mãi băn khoăn: ai là người chịu trách nhiệm cho những cái chết của những người dân bình thường, lương thiện không một tấc sắt để tự vệ như hai người bạn Phúc-Nguyên của tôi. Cứ mãi suy nghĩ, và nếu như kẻ sát nhân điên cuồng vừa qua, thay vì dùng dao mà trang bị súng ống thì trong một giờ nghênh ngang gây án sẽ có bao nhiêu thương vong? Chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số ba chết và ba trọng thương. Các vị dân cử có chương trình, hành động gì để ngăn chặn những tội ác tương tự xảy ra trong tương lai hay cũng chỉ là những lời nói suông “sorry and so sad” chia buồn vô nghĩa.

 

Chưa bao giờ tôi thấy một nước Mỹ, một Cali nhiều bất an như thế và cũng chưa bao giờ tôi cảm thấy sự mong manh, vô thường của cuộc đời đến gần với chúng tôi như thế.

 

Lê Xuân Mỹ

(San Jose, tháng 6 năm 2023)

 

Ý kiến bạn đọc
21/07/202311:45:23
Khách
Bai viet cảm động . Luôn nhớ hai bạn Phúc Nguyên that hien lành và dể thương
Cám on tác giả
19/06/202310:26:20
Khách
Cũng cần phải lưu ý là bất cứ công trình nghiên cứu nào liên quan tới phương diện sức khỏe [của người và thú vật] đều phải trải qua rất nhiều giai đoạn [khó khăn] trước khi được Cơ Quan Thực Phẩm và Thuốc Men [Foods & Drugs Administration (FDA)] chấp thuận cho phổ biến trên thị trường tiêu thụ vì một lý do rất giản dị: ảnh hưởng [lớn] tới mạng sống.

Ngoại trừ trong những trường hợp nguy ngập làm thiệt mạng nhân số lớn trên toàn thế giới như COVID-19. Loại thuốc chủng cho siêu vi khuẩn này được FDA chấp thuận đã đạt kỷ lục trong khoảng thời gian chưa từng thấy trong quá trình Nghiên Cứu và Phát Triển [Research & Development] các loại thuốc chủng.

Sự thành công của hai hãng thuốc tây Hoa Kỳ [Moderna, Pfizer] cho loại thuốc chủng trên phần lớn là nhờ Trí Tuệ Nhân Tạo [Artificial Intelligence (AI)]. Công cụ này đã hỗ trợ đắc lực cho các dược sĩ/bác sĩ/nghiên cứu gia rút ngắn thời gian từ khoảng hơn một thập niên xuống chỉ còn vài tháng.

Đừng kỳ vọng 'phép lạ' trên được coi như là tiền lệ để FDA đưa ra thị trường những sản phẩm y tế [thuốc men, công cụ] mới cho giới tiêu thụ trong thời gian kỷ lục như đã làm.
19/06/202310:21:45
Khách
Cũng cần phải lưu ý là bất cứ công trình nghiên cứu nào liên quan tới phương diện sức khỏe [của người và thú vật] đều phải trải qua rất nhiều giai đoạn [khó khăn] trước khi được Cơ Quan Thực Phẩm và Thuốc Men [Foods & Drugs Administration(FDA)] chấp thuận cho phổ biến trên thị trường tiêu thụ vì một lý do rất giản dị: ảnh hưởng [lớn] tới mạng sống.

Ngoại trừ trong những trường hợp nguy ngập làm thiệt mạng nhân số lớn trên toàn thế giới như COVID-19. Loại thuốc chủng cho siêu vi khuẩn này được FDA chấp thuận đã đạt kỷ lục trong khoảng thời gian chưa từng thấy trong quá trình Nghiên Cứu và Phát Triển [Research & Development] các loại thuốc chủng.

Sự thành công của hai hãng thuốc tây Hoa Kỳ [Moderna, Pfizer] cho loại thuốc chủng trên phần lớn là nhờ Trí Tuệ Nhân Tạo [Artificial Intelligence (AI)]. Công cụ này đã hỗ trợ đắc lực cho các dược sĩ/bác sĩ/nghiên cứu gia rút ngắn thời gian từ khoảng hơn một thập niên xuống chỉ còn vài tháng.

Đừng kỳ vọng 'phép lạ' trên được coi như là tiền lệ để FDA đưa ra thị trường những sản phẩm y tế [thuốc men, công cụ] mới cho giới tiêu thụ trong thời gian kỷ lục như đã làm.
17/06/202321:58:56
Khách
Cám ơn bạn Hưng Tran đã cho biết tin. Mỗi ngày đều có những tin buồn. Cuộc sống qua mong manh bởi những tai họa từ trên trời rơi xuống. Chúng ta phải làm gì, chính phủ có những biện pháp gì để ngăn chặn va bảo vệ những người dân vô tội? Hinh như vẫn chưa có câu trả lời?
17/06/202314:17:11
Khách
17/6/23- Seatle: Hai vợ chồng người Đại Hàn chủ tiệm ăn Aburiva Benton House đang trên đường đi làm thì bỗng bị tên Cordell Goosby, 30, chặn xe lại bắn chết.

Bà Eina Kwon, 34, đang mang thai 8 tháng, và chồng Sung Kwon, 37, chẳng hề gây hấn hoặc có liên hệ gì với tên sát nhân.

Tên sát nhân có lịch sử bệnh tâm thần. Cảnh sát cho biết khẩu súng, trước đó, đã có người báo cáo là bị đánh cắp. Nó đã tự thú nhân là thủ phạm vụ nổ súng này.

Tiệm ăn Aburiva Benton House rất được các du khách và những người làm việc dưới phố yêu thích.
13/06/202301:51:45
Khách
Cám ơn bạn Nate đã chia sẻ những thông tin bổ ích
12/06/202323:39:52
Khách
Muốn biết bằng cách nào trí tuệ nhân tạo [AI] có khả năng tiên đoán chính xác hơn người, xin vào "https://www.youtube.com/@mitocw/videos"* của Đại Học MIT [Massachusetts Institute of Technology] do chính các giáo sư hàng đầu [số một] của thế giới giảng dạy hoàn toàn miễn phí.

* MIT OpenCourseWare
12/06/202321:09:31
Khách
Nếu muốn tìm hiểu thêm, xin vào Google và đánh chữ "nih psychiatry artificial intelligence" để biết thêm chi tiết.
12/06/202320:06:39
Khách
Như người đọc đã trình bầy với tác giả [Lê Xuân Mỹ] và quý độc giả trong bài này là viện y tế quốc gia đang thực hiện những chương trình nghiên cứu với sự cộng tác của các hãng trí tuệ nhân tạo để biết trước [một trong những ưu điểm xuất xắc của AI] và ngăn ngừa [càng nhiều càng tốt] những trường hợp tương tự xẩy ra trong tương lai.

Trong khi chờ đợi kết quả của công trình trên, chúng ta đọc/tụng kinh, cầu nguyện phù hợp với tôn giáo của mình.

Nếu cầu nguyện vẫn chưa đủ và vẫn cảm thấy mệt mỏi/trầm cảm/chán nản/bất an/hồi hộp, nên lấy hẹn gặp bác sĩ tâm thần [psychiatrist] nơi mình cư trú để được cố vấn và giúp đỡ càng sớm càng tốt.
12/06/202316:32:17
Khách
https://wirepoints.org/chicago-new-orleans-were-the-nations-murder-capitals-in-2022-a-wirepoints-survey-of-americas-75-largest-cities/

12 thành phố có nhiều người bị giết nhất trong năm 2022:

1-Chicago, IL 699
2-Philadelphia, PA 516
3-New York, NY 438
4-Houston, TX 435
5-Los Angeles, CA 382
6-Baltimore, MD 335
7-Detroit, MI 309
8-Memphis, TN 288
9-New Orleans, LA 289
10-San Antonio, TX 231
11-Phoenix, AZ 223
12-Dallas, TX 214
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,083
Con Kelly khá nhỏ nhắn xinh xắn, da trắng, nét mặt người Âu. Nó rất khác với những đồng hương của nó, bọn họ thì to bè bự xương, da ngăm đen, nét mặt thô. Có lẽ tổ tiên nhà con Kelly lai hoặc là di cư từ Tây Ban Nha. Những lúc ăn trưa hay những lúc tụ tập đùa giỡn, con Kelly kể chuyện nó vượt biên từ Honduras qua Mexico và rồi theo đường dây nhập cư lậu để vào Cali và sau đó thì sang thành Ất Lăng này. Nó vào hãng này cũng được năm năm rồi, công việc ở xưởng Debug không nặng, chuyên gắn các bộ phận máy điện toán như Hard drive, Memory, Motherboard… Tuy nhiên hai ngón tay cái và cổ tay thì đau nhiều vì phải nhấn và sử dụng nhiều, với lại thời gian kéo dài mười tiếng một ngày. Hôm nó xỉu vì mệt và có thể nó bỏ bữa ăn sáng.
Đôi lúc mẹ có cảm tưởng con gái bây giờ là mẹ của mẹ. Con học cao hiểu rộng luôn chỉ huy mẹ chuyện này điều kia, những chuyện mẹ kể ngày xưa con bác ra không cần nghe. Giọng nói con từ từ oai phong và mang âm điệu ra lệnh, mẹ chỉ biết tuân hành và không cần thắc mắc.
Hễ má gọi Tí là “mày” là Tí biết má đang hổng dzui nên Tí không dám hé miệng thắc mắc nữa. Mà thực ra, trong lớp học, trong xóm khu apartments này đâu phải đứa nào cũng có ba, như chị em con Cẩm thằng Tú con của cô Xuyến bạn của má, họ cũng chỉ có ba mẹ con sống với nhau đấy thôi. Một buổi tối, Tí đang chơi các đồ chơi một mình, rồi như nhớ ra điều gì
Chuyện xảy ra cách đây 8 năm, khi đó tiệm Nails của tôi vẫn còn hoạt động, và tôi còn sống ở Augusta. Thành phố Augusta không lớn lắm, nhưng được nhiều người biết đến, vì nơi đó có Master week. Hằng năm, vào đầu tháng tư, từ khắp nơi trên thế giới, các danh thủ golf sẽ đến đây tranh tài để giành danh hiệu Master. Và đây cũng là dịp để mọi người từ các nước đến tham dự. Không phải nói, ai cũng biết Augusta rất tấp nập vào dịp này. Bình thường, tiệm tôi đã đông vào những ngày cuối tuần. Nhưng thứ bảy của tuần lễ Master, thì đông đến… mệt không nghỉ. Cuối ngày, khi tôi vừa với tay định tắt bảng “open”, thì ba người khách bước vào.
Bố mẹ tôi là một đôi đũa lệch, không phải ở bề ngoài. Bởi vì bố mẹ tôi rất đẹp người, bố cao ráo đẹp trai, mẹ xinh như người mẫu. Nhưng anh em tôi, sau lưng vẫn gọi bố mẹ tôi là đôi đũa lệch. Khi có quá nhiều xung đột, người ta thường chia tay nhau mỗi người một ngả, tan đàn xẻ nghé, mặc cho con cái lêu bêu. Nhưng bố mẹ tôi thì không bao giờ nói đến chuyện ly dị, hai ông bà vẫn ở với nhau gần 60 năm, dù có nhiều lệch lạc.
Sui gia là mối quan hệ đặc biệt từ chỗ không quen biết nhau rồi thì kết thông gia, đi đến chỗ tương kính và thân thiết như người trong một gia đình. Đây là nét đẹp văn hóa và phong tục của người Việt mà người Mỹ không có. Riêng tôi, có lẽ vì không có duyên nên anh sui thì có mà cũng như không. Ngược lại, tôi lại có duyên với chị sui. Phải nói ngay để tránh hiểu lầm : Duyên ở đây không phải là duyên nợ theo quan niệm thông thường mà là duyên nợ văn chương.
Năm mươi năm là quãng thời gian không đáng kể trong vũ trụ tính tỷ tỷ năm, nhưng là nửa đời người, là ba thế hệ: Thế hệ tham chiến, thế hệ chạy giặc, thế hệ bỏ nước ra đi để làm giàu. Có lẽ nhìn lại từng góc quán một lần để tưởng niệm những bậc cha chú, đàn anh đã ngồi và trò chuyện với đời sau để chúng tôi hiểu biết hơn về chiến tranh ở quê nhà.
Tác giả tên thật Trần Hương Thủy hiện sống tại South Carolina. Lần đầu tham dự chương trình VVNM với bài viết “Ngày qua giông bão". Bà đã từng cộng tác với nhiều tờ báo tại hải ngoại. Sau đây là câu chuyện tác giả gởi cho VVNM ngày 30 tháng 4 với ghi chú: “Câu chuyện bắt đầu từ những ngày của tháng 4/1975 , nhưng nỗi đau vẫn còn lại mãi..."
Tháng Tư đây là Tháng Tư Đen 1975 khi Miền Nam Việt Nam bị “trời sập”! Lúc ấy, tôi mới 9 tuổi nhưng những ký ức vẫn còn đậm trong trí óc dù gần 50 năm đã trôi qua. Trong khi gia đình bác ruột và chú ruột tôi chạy ra Bến Bạch Đằng xuống tàu Trường Xuân thì gia đình tôi lại chạy loạn trong thành phố. Vì nhà tôi gần cửa ngõ sân bay, xung quanh là các căn cứ quân sự, công xưởng của VNCH và kế bên vùng “xôi đậu” An Phú Đông, nên phải kéo nhau vào Ngã Bảy, chung cư Ngô Gia Tự, tá túc nhà người quen. Tưởng đâu sẽ an toàn hơn, nhưng ban đêm khi lũ trẻ chúng tôi nằm chồng chất bên chiếc giường trong nhà thì người lớn ngồi ngoài hiên, đếm từng đóm hoả châu rơi, vọng tiếng đại bác hoặc hoặc tiếng súng lẻ loi, chả biết của “bên nào”.
Nghĩ đi nghĩ lại sao mấy năm nay đi lấy máu kiểm tra sức khỏe hàng năm mà chẳng phát hiện ra bệnh ung thư? Nếu không vì cú té làm bị gãy xương không biết Hoàng vẫn khỏe mạnh, ăn ngon miệng, làm vườn, xúc tuyết hùng hục như trâu không? Có lẽ lâu nay tế bào ung thư nằm phục sẵn chờ xương bị tổn thương là nhào vô tấn công mà cũng có thể là đến thời kỳ bịnh ung thư phát tán và cú té chỉ là chuyện xảy ra trùng hợp? Sau này Hoàng vào Mayo Clinic thay tủy sống mới biết đa số bệnh nhân đa u tủy đều bị té gãy xương trước rồi càng ngày càng rạn gãy thêm mới khám phá ra. Nhưng cũng vì cú té đó mà chụp MRI chỉ thấy nứt 2 đốt xương làm cả bác sĩ lẫn bệnh nhân cứ nghĩ là do bị loãng xương mà phí thời gian điều trị, tà tà mấy tháng trời để tụi ung thư hoành hành phá thêm mấy cái xương tội nghiệp!
Nhạc sĩ Cung Tiến