Hôm nay,  

Chiếc Xe Đạp

15/03/202314:14:00(Xem: 3256)

tg võ phú

Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.

*

Lúc mới đến Mỹ, ba tôi đã cho tôi một chiếc xe đạp.  Chiếc xe mà ba đã dùng để đi lại trong những năm đầu đến đất nước này cho tới khi bảo lãnh cả gia đình chúng tôi qua.  Chiếc xe đạp được ba mua năm mươi đô ở một buổi bán đồ tồn dư cuối tuần gần khu nhà mà ba thuê phòng.  Ba tôi ở chung với vài gia đình người Việt khác trong một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Springfield, tiểu bang Virginia.  Chiếc xe đạp rất nhẹ.  Bánh và yên xe có thể dễ dàng tháo gỡ và gắn lại mà không cần dùng cà lê hay mỏ lếch.  Cái yên xe được bọc một lớp lông màu trắng, có thể là lông cừu, rất mềm, êm, và thoái mái dù ngồi trên yên xe mấy giờ đồng hồ liền.  Chiếc xe đạp làm tại Nhật. Nó là một gia tài quý giá của tôi lúc bấy giờ.

Khi còn ở Việt Nam, tôi luôn ao ước có một chiếc xe đạp để đi học hay dạo chơi ở những buổi tối mát trời, hay những ngày lễ lớn như Tết, mồng tám tháng ba, Tết Đoan Ngọ, rằm tháng bảy, lễ Lao Động, ngày Nhà Giáo Việt Nam... Cả nhà tôi khi còn ở Việt Nam chỉ có một chiếc xe đạp duy nhất.  Chiếc xe đạp đó cả nhà tôi rất quý.  Mỗi lần muốn đi đâu, tôi đều phải năn nỉ anh trai cả ngày trời và phải có lý do chính đáng mới được cho mượn.  Lần nào mượn được, tôi cũng đi quá giờ và cũng bị đánh đòn.  Giờ có được một chiếc xe đạp của riêng mình, nên tôi trân quý chiếc xe đạp lắm.

Gia đình tôi gồm bảy người, ba mẹ và năm anh em trai sống trong một căn hộ hai phòng trên lầu ba của khu chung cư.  Những ngày đầu, tôi đều hì hục dắt chiếc xe đạp cất vào phòng vì sợ người ta lấy trộm chiếc xe đạp đi.  Lúc đầu ba mẹ và mấy người anh trai của tôi vẫn để cho tôi rinh lên rinh xuống, nhưng nhà thì chật mà để chiếc xe choáng cả đường đi, nên ba tôi mua cho tôi một ổ khóa để tôi khóa nó lại ở khu để xe công cộng.  Mỗi lần khóa, tôi đều cẩn thận khoá ở bánh sau và tháo bánh trước lẫn cái yên đem vào nhà khỏi sợ người ta lấy trộm chiếc xe ấy.            

Chiếc xe đạp đã cùng tôi đi khắp nẻo đường.  Tôi dùng chiếc xe đạp này đi từ trường trung học này đến trường trung học nọ để học thêm môn Anh Văn vào ban đêm cho đủ điểm tốt nghiệp trung học.  Có nhiều lần tôi đạp xe trong cơn mưa lạnh buốt đến nhà thì người và sách vỡ ướt mèm, rã rời.  Một lần đang đạp xe từ trường về nhà, trời mưa to.  Tôi cắm đầu đạp cho thật nhanh để về nhà, chợt nghe phía sau lưng tiếng còi xe.  Tôi giật mình, tấp vào lề, dừng lại.  Chiếc xe Toyota Camry đằng sau cũng dừng lại theo và đèn khẩn màu đỏ vàng chớp nháy liên hồi.  Trên xe bước xuống là một người phụ nữ có dáng người nhỏ, độ chừng năm mươi.  Cô ta là người Á Đông.  Cô ấy xuống xe và hỏi tôi:

- Chào cháu... Cháu là người Việt hả?

- Dạ, chào cô.  Cháu người Việt.

- Trời mưa lớn thế này mà sao không trú mưa mà đạp xe đạp vậy, nguy hiểm lắm.  Nhà cháu ở đâu?

- Dạ cháu ở Edsall Gardens, trên đường Edsall, gần tiệm Ames...

- Thôi lên xe đi, cô chở về cho chứ đạp xe thế này thì nguy hiểm quá.

- Dạ... Cám ơn cô... Nhưng...


Cô ấy nhìn tôi, rồi nhìn chiếc xe đạp, cô chợt hiểu ý và nói:

- Không sao đâu.  Để cô chở về luôn.


Nói rồi cô mở cốp xe phía sau và giúp tôi bỏ chiếc xe đạp lên xe và chở về nhà giúp tôi.  Ngồi trên xe cô hỏi tôi vì sao mà ba mẹ tôi không chở tôi đi học mà để tôi tự đạp xe đi như vậy.  Tôi nói với cô ấy rằng gia đình tôi chỉ có một chiếc xe duy nhất và chỉ có một mình ba tôi biết lái xe.  Nhưng ba đi làm ca đêm, ban ngày ba ngủ, nên tôi phải tự mình đạp xe đi học.  Cô hỏi:


- Sao cháu không đi xe buýt mà đạp xe đi học:

- Dạ tại vì sau khi học xong ở Annandale, cháu phải đi học đêm bên trường Woodson nên phải đi xe đạp.

- Trời đất! Từ Annandale mà đạp qua tận Woodson luôn hả?

- Dạ.  Tại cháu học chậm nên phải học thêm mới đủ điểm ra trường.  Còn không cháu phải ở lại thêm một năm để học Anh Văn.

- Ờ ... Cực cho cháu quá...


Hai cô cháu nói chuyện một hồi thì cũng đến chung cư nhà tôi.  Cô ấy giúp tôi khiêng chiếc xe đạp xuống và chia tay tôi.  Sau này tôi nghe cô bạn học chung trường kể lại mới biết thì ra cô ấy là bác của bạn tôi.

Chiếc xe đạp còn giúp tôi dạo vòng quanh xóm này đến xóm nọ để tìm việc làm, cắt cỏ thuê.  Ngoài ra, vào những dịp cuối tuần tôi cũng đạp xe đến nhà những người bạn để chơi.  Tôi có một người bạn thân, cả hai cùng thích sưu tập tem, nên cả hai thường đạp xe đến tiệm bán tem cũ trong khu chợ Springfield Plaza hoặc đạp xe ra bưu điện để mua tem.  Mỗi cuối tuần, chúng tôi đều đạp xe lang thang để mua tem từ những tiệm bán tem và tiền cũ ở Springfield đến Alexandria.  Thỉnh thoảng chúng tôi rủ nhau đạo xe dạo công viên này đến công viên nọ... Có một lần, chúng tôi tổ chức một buổi đạp xe dạo công viên cùng với nhóm bạn người Việt chung trường ở một công viên xa nhà.  Chúng tôi hẹn gặp nhau ở công viên Lake Braddock và đạp xe vòng hết bờ hồ công viên.  Khi chúng tôi gặp nhau ở trước cổng công viên, một người bạn nhìn chầm chầm vào tôi và chiếc xe đạp khúc khích cười.  Thấy vậy tôi hỏi người bạn kế bên:

- Ê Trí, mày biết thằng John cười gì vậy không?

- Không biết.  Kệ nó đi.

Tuy nói kệ, nhưng Trí vẫn hỏi:

- Ê John, mày cười gì vậy?

- Tao cười bạn mày.... Đạp xe vòng công viên mà dùng xe đạp đó.  Mà lại xe đạp nữ nữa mới chết...

Thằng Trí nhìn qua tôi, rồi nhìn chiếc xe đạp của tôi, nói:

- Ừa, nó nói tao mới để ý. Sao mày không mua chiếc mountain bike, mà đi mua chiếc xe của con gái?

- Chiếc này không phải hả?


Cả đám tủm tỉm che miệng cười.  Thằng Trí nói tiếp:

- Ừa xe con gái.  Mày không thấy cái sường xe hả.  Của con trai nó nằm ngang, không xuôi như vầy.  Và còn cái yên nữa, lông lá tùm lum.  Chỉ có con gái mới đi loại xe đạp này.

- Nhưng chiếc xe này êm lắm... Xe đạp nào cũng là xe đạp thôi.  Có gì mà phân biệt...

Thằng John nói:

- Chắc nó là bê đê nên mới đi xe của con gái.  Thôi kệ thằng bê.  Mình đi nào...

- Thì kệ tao.  Có xe đạp đi là được.  Con gái con trai gì cũng mặc tao...


Tuy nói ngoài miệng như vậy, nhưng trong đầu tôi lúc đó cứ suy nghĩ miếc về sự khác biệt giữa xe đạp nam và xe đạp nữ.  Hồi tôi còn ở Việt Nam làm gì có phân biệt xe đạp của nam hay của nữ. Ở cái xứ này sanh ra đủ thứ chuyện.  Giống y như câu người xưa thường nói: "Phú quý sinh lễ nghĩa" rồi đẻ ra, phân biệt của nam của nữ cho bán được nhiều xe hơn... Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng từ lúc biết được chiếc xe đạp của phái nữ, tôi cũng ít dùng khi tụ tập bạn bè trong nhóm bạn hơn.  Tôi không muốn bị chúng bạn cười cợt, nhưng tôi vẫn thích chiếc xe đạp này.

Sau hơn một năm sống ở Mỹ, tôi mới biết rằng việc mua xe đạp ở đây rất dễ dàng và hầu hết con nít ở Mỹ đứa nào cũng có một chiếc xe đạp riêng, nên không ai lấy cắp chiếc xe giống "đàn bà" của tôi làm chi.  Tôi không còn tháo bánh xe trước và yên xe đem vào nhà nữa.  Nhưng tôi vẫn khóa chiếc xe lại để mấy đứa con nít trong cùng khu chung cư khỏi phá chiếc xe yêu quý của tôi. 

Ba năm sống ở Mỹ, tôi cũng học lái xe hơi và được nhà trường cấp bằng lái xe tạm trước khi ra tòa án lấy bằng chính thức.  Học sinh trung học được phép lấy bằng lái xe do nhà trường dạy mà không cần phải ra sở lưu thông để thi lấy bằng lái như người lớn. Tuy có bằng lái xe hơi, nhưng tôi vẫn dùng chiếc xe đạp đi đây đi đó mỗi khi có việc cần mà không muốn làm phiền gia đình hay anh trai. Chiếc xe đạp đó đã gắng bó với tôi gần bốn năm trời từ ngày tới Mỹ cho đến lúc tôi đi học xa nhà.

Tôi tốt nghiệp trung học và đi học xa nhà, bỏ lại chiếc xe đạp ở khu chung cư.  Lúc đi, tôi dự tính sẽ đem chiếc xe đạp theo sau khi ổn định nơi ở.  

Mùa lễ Giáng Sinh được nghỉ học, tôi đi ké xe của một người bạn chở về khu chung cư với gia đình.  Vừa về đến nhà, tôi chạy ra nơi để xe, chiếc xe đạp của tôi không còn nữa.  Tôi hỏi ba mẹ và mấy anh chị em, nhưng không ai biết số phận của chiếc xe đạp đó kể từ khi tôi đi đại học. Tôi chạy qua văn phòng cho thuê nhà hỏi họ thì mới biết là họ gởi thông báo dời khu để xe đạp qua một nơi khác để xây thùng thư ngoài trời.  Luật mới của bưu điện lúc bấy giờ là không dùng thùng thư bên trong chung cư nữa mà bắt buộc xây thùng thư bên ngoài.  Nhưng vì thông báo mà không ai đến lấy, nên họ đã cắt ổ khóa và đem tặng chiếc xe cho hội từ thiện.  Nghe cô thu ngân ở văn phòng cho thuê căn chung cư nói vậy, tôi tức tốc mượn xe của ông anh trai chạy đến nơi bán đồ từ thiện để tìm chiếc xe đạp của mình, nhưng không thấy nó đâu.  Có lẽ người ta đã mua chiếc xe đạp đó rồi.  Tôi mong rằng chủ nhân của chiếc xe đạp ấy cũng yêu quý chiếc xe đạp mà tôi từng yêu quý...

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ chiếc xe đạp đó là chiếc xe đạp tốt nhất mà tôi có được từ trước đến nay.

Võ Phú

Ý kiến bạn đọc
16/03/202306:36:15
Khách
Một bài viết hay .
Trước 75, ba tôi dẫn đi xem phim Những Kẻ Trộm Xe Đạp- phim Ý xưa 1948, và thuộc loại trắng đen- ở Viện Văn Hóa Pháp, Sài gòn . Phim rất hay và cảm động .
Nay có thể tìm thấy lại phim này trên YouTube, và ấn chọn cc để xem phụ đề tiếng Anh:
https://www.youtube.com/watch?v=TVw2ctnL22M
Bicycle Thieves
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 630,475
Nghĩ đi nghĩ lại sao mấy năm nay đi lấy máu kiểm tra sức khỏe hàng năm mà chẳng phát hiện ra bệnh ung thư? Nếu không vì cú té làm bị gãy xương không biết Hoàng vẫn khỏe mạnh, ăn ngon miệng, làm vườn, xúc tuyết hùng hục như trâu không? Có lẽ lâu nay tế bào ung thư nằm phục sẵn chờ xương bị tổn thương là nhào vô tấn công mà cũng có thể là đến thời kỳ bịnh ung thư phát tán và cú té chỉ là chuyện xảy ra trùng hợp? Sau này Hoàng vào Mayo Clinic thay tủy sống mới biết đa số bệnh nhân đa u tủy đều bị té gãy xương trước rồi càng ngày càng rạn gãy thêm mới khám phá ra. Nhưng cũng vì cú té đó mà chụp MRI chỉ thấy nứt 2 đốt xương làm cả bác sĩ lẫn bệnh nhân cứ nghĩ là do bị loãng xương mà phí thời gian điều trị, tà tà mấy tháng trời để tụi ung thư hoành hành phá thêm mấy cái xương tội nghiệp!
Mấy năm về trước, dịp nghỉ lễ spring break của hệ thống trường công ở thành phố tôi ở luôn trùng với dịp lễ Phục Sinh. Thời gian đó hãng tôi cũng cho nghỉ ngày thứ Sáu trước và ngày thứ Hai sau ngày Chủ Nhật Phục Sinh nên chúng tôi luôn có một long weekend trùng với ngày nghỉ học của hai con. Cho nên gần như là truyền thống khi hai con còn bé là cả nhà chúng tôi luôn đi chơi xa mà thường là lên khu gần thủ đô Washington DC vào dịp lễ Phục Sinh cũng như spring break của hai con. Sở dĩ chúng tôi chọn khu vực này vì thông thuờng đây cũng chính là dịp mà hoa anh đào nở rộ rực rỡ, hoặc ít ra cũng vẫn chưa tàn tùy theo thời tiết hàng năm.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông về chuyện rent phòng ở Little Sài Gòn.
Vạn sự không thông đều làm người ta khó chịu trong đời sống như kẹt xe làm trễ tàu, trễ chuyến bay… internet không thông làm dở dang công việc trong thời đại online, mất hứng với trận bóng đang hay mà internet ì ạch. Tiếng Việt có từ ghép hay là từ “dòng sống”, diễn tả cuộc sống như một dòng sông chảy mãi, chảy mãi. Dòng sông ngưng chảy biến thành ao hồ, không còn là dòng sông nữa, như cuộc sống không thông, cuộc sống bế tắc vậy.
Bây giờ các con, cháu đã về hết. Căn nhà rộng này dường như lại rộng hơn. Tụi nhỏ lao nhao nửa ngày ở đây, rồi lên xe về nhà để ngày mai còn đi làm, đi học, trả lại sự yên ắng cố hữu cho bà Sang. Bà trở vào nhà nhìn ly cà phê nguội ngắt pha từ sáng tới giờ trên bàn. Suy nghĩ vẫn vơ, con cháu về thăm, vui một chút đó thôi, chứ nỗi buồn của riêng bà làm sao cho vơi bớt được!? Chỉ là vài tháng nay thôi, cuộc sống của bà đã đổi thay rõ rệt. Ngày trước, lúc nào cũng kề cận với chồng, giờ đây ông đã ra đi biền biệt. Nỗi buồn đau này biết có ai chia xẻ cho cùng!!?
Nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận. Tưởng vậy chứ không phải vậy. Đó là quãng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Tinh thần suy sụp, sức khoẻ giảm sút. Chỉ từ một phút giâyrủi ro, mọi thứ đều đảo lộn. Từ một người năng động, một trụ cột của gia đình giờ đây tôi trở thành một phế nhân. Mọi chuyện trong nhà, ngoài ngõ bây giờ đều do một tay vợ quán xuyến. Vợ tôi phải vừa chăm sóc tôi vừa lo cho người mẹ già mất trí nhớ. Buồn rầu, chán nản, chúng tôi chưa điên khùng cũng là may mắn lắm rồi.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018.
Lâu lâu chúng ta nghe các bậc cha mẹ tỏ ra nóng lòng, nhắc nhở con mình sao không lấy vợ, lấy chồng đi để ông bà sớm có cháu mà bồng. Những lúc đó tôi có suy nghĩ, mà không nói ra: bồng cháu thì mỏi tay chớ có sướng ích gì mà mong dữ vậy? Tôi có người chị vợ ở Canada vừa mới có cháu ngoại đã gửi cho vợ tôi cả chục cái email báo tin và nói đủ chuyện. Theo tôi, chỉ cần gửi một hay hai cái báo tin mừng là đủ, hà cớ gì phải gửi nhiều lắm thế, chuyện gì mà nói nhiều thế? Tôi có ông bạn hàng xóm. Khi có cháu ngoại thì email cho tất cả bà con nội ngoại xa gần, kể cả Việt Nam chưa đủ, ông còn email cho bạn bè, dĩ nhiên trong đó có tôi, mặc dầu không quen thân. Ông này không viết nhiều, chỉ viết mỗi một câu ngắn mà lặp lại hai lần “Tôi có cháu ngoại rồi! Tôi có cháu ngoại rồi”. Lúc đó tôi chưa hiểu được nỗi vui mừng của bạn tôi, mà nói, dĩ nhiên là chỉ nói với vợ con tôi thôi: Có cháu ngoại chớ có phải trúng số đâu mà làm ầm ì cả xóm vậy?
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và là một trong những cây bút có sức viết mạnh mẽ nhất trong giải thưởng VVNM. Trong tâm trạng tháng Tư, tác giả gởi bài viết mới về cuộc hành trình rời Việt Nam và duyên định với nước Mỹ qua một cặp vợ chồng truyền giáo người Mỹ từ tâm.
Hàng năm, khi tháng Tư trở lại, người Việt tị nạn lại bâng khuâng nhớ về những khổ hận khi miền Nam sụp đổ. Tuy nhiên, đối với những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, tháng Ba mới là tháng đau thương nhất. Rất nhiều người đã gục ngã trên các tuyến đường rút quân đầy hỗn loạn. Với bài viết này, người viết xin chia sẻ nỗi đau “tháng Ba lại về” với các chiến sĩ VNCH và dâng lời tạ ơn đến các chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ miền Nam trong suốt hai mươi năm.
Nhạc sĩ Cung Tiến