Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018.
*
Với người Việt sinh sống ở hải ngoại vài chục năm thì hầu như ai cũng đã từng nghe đồng hương trò chuyện về việc chúng ta nên nói là đi Việt nam hay về Việt nam? Có lần tôi được hỏi nên trả lời thật tình với bạn hữu. Tôi thấy trong giấy tờ tùy thân xưa cũ của cha anh tôi ghi rõ: Nguyên quán: Hà nội. Trú quán: Sài gòn. Nên tôi nghĩ nguyên quán của tôi là Việt nam, trú quán của tôi là Hoa kỳ. Nếu có cơ hội trở về nơi tôi được sinh ra thì tôi nói là về, vì đó là nơi xuất xứ ra tôi. Nghĩ tiếp đến đời con tôi thì lại nói là đi Việt nam khi chúng theo cha mẹ, gia đình về thăm thân nhân vì chúng sinh đẻ ở Mỹ. Chúng có thể đi bất cứ đâu trên địa cầu để sinh sống, làm việc, nhưng khi trở về Mỹ thì chúng nói: tôi trở về, tôi về lại Mỹ là chính xác nhất. Chúng không đi, không đến Mỹ như chúng ta vì chúng sinh ra ở Mỹ.
Ai cũng từ nơi được sinh ra, sau đó mới đi, nên khi trở về nguyên quán thì gọi là về. Còn đi đâu thì cứ đi bởi đâu cũng chỉ là trú quán, có thể sống tạm thời hay dài lâu. Như chúng ta đã sống ở Mỹ nhiều năm hơn cả tuổi đời khi chúng ta đến đây, rồi chúng ta cũng có đến hơn chín mươi phần trăm là sẽ chết già ở đây. Nhưng đây chỉ là nơi chúng ta đã đi và đến, rất có thể chúng ta đi tiếp vì nhiều lý do nên vẫn là đi. Còn nơi xuất xứ ra mỗi chúng ta chỉ có một nên trở về nơi đó thì gọi là về, như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết, “quê hương mỗi người chỉ một/ như là chỉ một mẹ thôi…” Ai cũng nói là về nhà mẹ, về thăm mẹ. Người ta chỉ đi thăm mẹ khi người nằm bệnh viện, đi viếng mẹ khi người đã nằm ngoài nghĩa trang.
Nhắc lại chuyện dài của người Việt hải ngoại đã tranh luận với nhau từ khi tóc xanh bỏ nước ra đi đến nay đã bạc mái đầu còn lấn cấn là đi hay về quê cũ. Chỉ đơn giản là đi thì chúng ta đã đi rồi, không đi sao có mặt ở đây, không đi sao có những đêm dài trăn trở chuyện trở về như một bài viết cũ đã lâu. Tôi đã viết về anh bạn làm chung đến Mỹ từ năm 1975 khi anh còn rất trẻ, chưa lập gia đình. Anh xuôi ngược cũng nhiều với cuộc sống độc thân lại xa nhà. Nhưng sau khi lấy vợ sinh con, rồi vợ chết vì bạo bệnh, con cái lớn khôn đã lập gia đình, sống riêng ra hết. Anh sống với bà bạn cùng hoàn cảnh, sống đúng nghĩa là góp gạo thổi cơm chung được mấy năm thì bà ta có ý định đi tu. Và đi tu thì ở trong chùa, đâu cần nhà nữa. Bà đã quyết định rũ bỏ trần tục thì xá gì tiền của nên để nhà cho anh ở chứ không bán. Nhưng con cái bà không đồng ý vì đó là tài sản của cha họ khi ông còn sống…
Anh bạn tôi không tham của người, chỉ buồn cho tuổi già đi vào ngõ cụt nên anh quyết định về hưu non và về Việt nam sống hết quãng đời còn lại khi bà bạn già là nơi nương tựa cuối cùng của anh quyết định nương nhờ cửa phật thì anh sống với ai?
Tôi có kể cho anh bạn làm chung nghe về một anh bạn khác của tôi cũng trạc tuổi với anh, cũng đi Mỹ từ sớm, khi còn trẻ và chưa lập gia đình. Nhưng hoàn cảnh có khác anh vì anh chàng này không lấy vợ, có đứa con rơi với bạn gái Mỹ nên anh chu cấp cho nó tới trưởng thành. Gia đình anh yêu cầu đi xét nghiệm DNA để xác định đúng là con anh thì mới chu cấp, nhưng anh không làm xét nghiệm với suy nghĩ: Mẹ nó thuộc loại người ăn chơi là chính, nếu anh không chu cấp thì đời nó khổ. Anh coi như giúp đỡ một đứa bé thiếu nền tảng gia đình tới trưởng thành, sau đó nó sống cuộc đời của nó. Nhưng cô bé càng lớn càng hiếu thảo với anh như cha ruột, sống đàng hoàng hơn mẹ cô ta nên anh yêu mấy đứa cháu ngoại như phần thưởng của Ơn trên. Trông nom con gái và cháu ngoại giúp cho con rể chinh chiến miền xa hết Trung đông lại qua Nhật bản, Nam hàn…
Anh về Việt nam ăn tết với gia đình mỗi năm từ khi về được khoảng năm 1990, và quyết định khi về hưu sẽ về sống luôn bên Việt nam với mấy người anh em ruột, đám cháu gọi anh bằng chú. Nhưng anh về chơi ăn tết mỗi năm thì không sao, bởi cái gì cũng chín bỏ làm mười với anh em, con cháu. Nhưng khi anh về sống luôn bên đó thì không được vì anh cũng không ngờ anh đã là một người Mỹ từ suy nghĩ tới thói quen hàng ngày như phòng riêng của anh mà anh em, con cháu muốn vào cứ xông cửa vào, không gõ cửa. Mọi thành viên trong gia đình, trong dòng họ cứ tự tiện dùng những đồ vật cá nhân của anh mà không hỏi trước như đồ cạo râu, cái áo khoác, đôi giày. Đứa cháu thích đôi giày đi bộ thể dục của chú thì chỉ nói; đôi giày đẹp quá, chú cho con nha, nó không đợi trả lời mà sở hữu luôn đôi giày từ đó. Đôi giày không bao nhiêu tiền, nhưng những lần anh về chơi thăm gia đình, về ăn tết với gia đình thì mắt nhắm mắt mở cho vui mấy ngày tết, rồi anh lại đi và quên hết. Nhưng khi về ở luôn thì mỗi ngày lại xảy ra những chuyện vụn vặt không như ý, tích tụ thành bực bội. Anh đâu có lỗi gì mà phải sống những năm cuối đời không vui vẻ nên anh trở về Mỹ. Sống một mình trong căn chung cư với nỗi biệt ly nhớ nhung từ đây, nhớ thương người thân, quê nhà tới hết đời phiêu bạt nhưng không thể sống cùng.
Cũng rất may là anh bạn làm chung với tôi về Việt nam lại sống được. Anh sống với người chị gái, anh rể đã mất. Chị anh có ba người con thì hai người con lớn đã lập gia đình, sống riêng và ổn định. Cháu con gái út còn đang học đại học, chưa lập gia đình nên sống chung nhà với mẹ và cậu từ bên Mỹ về. Mổi tháng, anh đưa cho chị anh sáu trăm đô la tiền ăn ở, quần áo thì đứa cháu giặt dùm cậu, nó không lấy tiền công nên cậu cho riêng để nó may mặc, mua sắm con gái. Mới vài tháng, chị và cháu anh đã thôi nhận tiền tháng của cậu vì cậu có ở nhà đâu, cậu đi chơi suốt.
Vài năm sau, cháu gái học xong, có việc làm và lập gia đình. Nó trở thành trụ cột của gia đình khi mẹ đã già, thường xuyên ra vào bệnh viện. Nó cương quyết không nhận tiền hằng tháng của cậu vì cậu cũng đã già, để tiền cho cậu tiêu xài cho thoải mái. Cậu buồn một thời gian vì hiểu lầm cháu gái muốn tống cậu ra khỏi nhà để nó sống với chồng con của nó. Nhưng cậu đã hiểu lầm đứa cháu gái ngoan, nó thực sự muốn nuôi cậu, muốn cậu vui chơi thoả thích, rủng rỉnh tiền bạc những năm cuối đời chứ nằm bệnh viện nhiều hơn ở nhà như mẹ nó thì phí thời gian còn lại.
Anh bạn tôi trúng số độc đắc lúc tuổi già. Anh được sống như anh từng mong muốn. Cứ sáng sớm ra quán đầu ngõ, làm ly cà phê với tô hủ tiếu hay tô cháo lòng. Sau đó bất cứ ai rủ đi đánh bắt tôm cá ngoài ruộng, ngoài sông anh đều đi theo họ chơi cho vui, anh đi miết tới tối mới về nhà ngủ. Bữa trưa, bữa chiều ngoài đồng hay sông rạch đều ngon miệng vì vui, dù thức ăn không bằng ở nhà nhưng do hoạt động nhiều nên đói, ăn gì cũng ngon hơn ở nhà ngồi không với ngày ba bữa. Có khi anh theo ghe biển đi đánh bắt tới cả tuần, cả tháng mới vô bờ, anh sống thoả thích như ước mơ thuở nhỏ nên trông anh khoẻ ra, da sạm nắng hơn hồi sống bên Mỹ. Nhìn anh rắn rỏi như ông già biển cả, thật mừng cho anh không lãng phí thời gian còn lại.
Mỗi lần nhận được điện thư của anh, vài tấm hình anh ngao du sông nước, tôi mơ thấy mình được như anh, ăn cơm trên ghe bao giờ cũng ngon miệng hơn ăn cơm ở nhà dù thức ăn đạm bạc với chút đỉnh tôm cá đánh bắt được cứ kho quẹt, kho lạt lên, chấm rau đồng rau ruộng hoang dã mà ngon miệng lạ lùng. Niềm vui vô tận như trời giông gió mà nấu chín được nồi cơm với nhánh cây rừng ướt mưa đã là một niềm vui; không buồn tẻ, nhạt nhẽo như nồi cơm điện ở nhà, cứ vo gạo, bấm nút nồi cơm nhưng để đó chứ không màng ăn.
…
Nhưng với chị bạn tôi vừa gặp lại ngoài chợ sáng nay lại là một trường hợp về quê sống hết tuổi già không ổn. Nhìn chị, ai cũng tin chắc là một người phụ nữ nhà quê hiền lành, thật thà, chịu khó. Chị đúng vậy sau nhiều năm làm việc chung với chị nên tôi cũng khá rõ về con người và hoàn cảnh của chị. Hôm trước dịch covid-19, chị thường than đau lưng vì ngồi lâu, ngồi hết nổi rồi. Tôi nói với chị: Con cái chị đã lập gia đình hết rồi, có nhà riêng hết rồi. Nhà, xe của anh chị cũng trả hết từ lâu rồi. Chị tới tuổi hưu rồi thì nghỉ, an dưỡng tuổi già chứ mắc mớ gì đi làm hoài cho cực thân. Tiền bạc chị đâu cần nữa khi con cái đã yên bề gia thất, tiền già với tiền hưu của anh chị dư sống mà…
Nhưng chị cố đi làm vì cha mẹ chị đã qua đời, chị có người em trai còn ở Việt nam nên chị cố đi làm để giúp đỡ em trai. Như chị nói, gia đình người em vẫn sống ở căn nhà của gia đình từ đời ông bà ngoại chị. Từ khi chị bớt lo gia đình chị bên Mỹ khi con cái đã khôn lớn thì chị dành dụm gởi tiền về cho người em trai sửa chữa lại căn nhà của ông bà để lại cho khang trang làm nơi thờ phụng tổ tiên, làm nơi chị về dưỡng già những năm cuối đời. Chị dành dụm từng đồng tiền lương ít ỏi bên Mỹ cho em trai cất hẳn một căn nhà khá to và hiện đại trên cùng mảnh đất vườn của ông ngoại để lại. Gia đình người em sinh sống trong căn nhà mới, chỉ chăm sóc căn nhà cũ cho chị, đợi chị trở về. Nhưng chị còn làm được thì cố làm thêm vài năm để kiếm tiền về giúp mấy đứa cháu ăn học. Bởi em trai chị làm ruộng thì chỉ đủ nuôi con, tiền đâu cho chúng ăn học không tới nơi tới chốn thì cũng không thua ai kém ai.
Rồi đại dịch tới, hãng không đóng cửa đã mừng, nhưng không có việc làm nên những người cao tuổi đều bị hãng cho thôi việc. Chị cũng thuận theo ý trời tới qua dịch là về quê ở luôn. Tạm biệt chị, tôi mong gì gặp lại, nhưng không ngờ sáng nay đi ăn sáng với mấy người bạn, đi chợ sau đó và gặp lại chị. Gặp lại chị như gặp lại những tấm hình trong điện thoại của chị, những lúc rảnh rỗi chị thường mở điện thoại ra xem ngôi nhà ông bà để lại, em chị đã sửa sang khang trang sạch sẽ dù chỉ là ngôi nhà dưới quê đơn sơ, có sân gạch đỏ là ước mơ của chị thuở thiếu thời để phơi lúa cho đỡ cực. Hai cội mai già trước ngõ già hơn chị là hình ảnh chị ngồi nhìn hoài không chán, có lẽ do hồi tưởng tới ông bà, cha mẹ. Chị hay ngồi nhìn hình rồi thở dài, “Năm nay hai cây mai nhà tui không rộ bông bằng năm ngoái, phải không ông? Nè, ông xem đi…”
Tôi đã xem hình hai cây lão mai có chục năm rồi. Tôi hiểu lòng chị ở ngôi nhà xưa dù chị đang sống và làm việc bên Mỹ. Tôi cũng mong cho chị sớm được về nhà vì chị sống được bao năm nữa mà cứ phải buồn một cảnh hai quê. Rồi ngày ấy đã đến, tôi mừng cho chị được trở về nơi sống thực sự của chị. Bởi chị rất nhà quê, tiếng Anh không biết mà sống bên Mỹ thật tréo ngoe. Đến thức ăn chị thường ăn cũng đủ biết chị không thể hội nhập vào đời sống Mỹ sau bao năm dài. Chị thường giỡ đi làm hộp cơm trắng nhỏ xíu, cơm không thôi vì miếng khô sặc gói giấy riêng. Hâm cơm chứ không hâm cá khô vì nặng mùi. Thế là ăn bữa trưa với miếng khô gói gói mở mở vì sợ mùi làm người khác khó chịu.
Nhưng chị về Việt nam sống luôn chỉ được vài tháng đã trở qua Mỹ bởi chị tự cảm nhận mình đã không còn thuộc về quê mình, chị đã thay đổi tới chính chị không biết theo thời gian sống bên Mỹ. Vài chuyện vặt, chị kể cho tôi nghe. Chị đi chợ, đang ngồi ăn sáng với em dâu thì hai đứa bé ăn mày tới. Nhìn chúng rách rưới và ốm yếu tới đau lòng nên chị mua cho hai đứa hai tô. Bảo chúng ngồi xuống ăn, nhưng chúng không dám ăn vì sợ chủ sạp bán bún mắm đã cấm chúng không được lai vãng tới khu vực của bà, làm khách ăn không sợ mà ngại nhìn chúng dơ bẩn sẽ không đến ăn nữa. Chúng chỉ lén xin tiền khách ăn lúc đông khách và mau chóng rời đi, nếu không bà bún mắm sẽ cho ăn đòn. Làm chị tôi ăn tô bún của mình cũng mất ngon. Sau đó nhờ chủ sạp cho hai tôi bún chị mua thêm vào túi ny lon để chị đem về nhà. Chị bảo hai đứa bé ra ngoài kia chờ bà. Chị cho chúng hai tô bún đem về nhà, còn dắt chúng vô hàng quần áo trẻ em để mua cho chúng hai bộ quần áo mới.
Trên đường đi chợ về, em dâu chỉ nói với chị chồng, “ngày mai chị ra chợ lại thấy chúng ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu. Chúng sẽ giải thích với chị là mặc đồ mới bà cho, tụi con không xin được tiền, không ai cho tiền. Trời cũng không biết tiền xin được và quần áo mới của bá tánh cho chúng đi về đâu?”
Chị rất buồn, buồn bất lực và không hiểu ý em dâu là trách hay mắng chị theo ý cơm đâu no chó thóc đâu no gà, cho con cháu mình thôi chứ hơi đâu lo lũ ăn mày. Chị càng buồn hơn khi nhớ tới hai đứa bé ăn xin với cái khoanh tay, cúi đầu, cảm ơn bà của chúng rất thật lòng mà sao không ai tin trong cộc sống giả dối của người lớn mới là thật, nghe sự giả dối của người quyền cao chức trọng phải vỗ tay hoan hô, người giàu có là chân lý, tiền là luật. Tội nghiệp những đứa trẻ thật thà bị nghi hoặc, những người đáng bị truy tố là chính quyền. Tới một tay công an khu vực thôi cũng vòi tiền chị, “sao cô ở chơi lâu quá không về Mỹ? Có cần con giúp gia hạn giấy tờ gì thì cô cứ nói với con nha.” Đúng là tử tế quá sinh nghi!
Đến chuyện thứ hai chị kể: Sau ăn cơm trưa, trời nóng quá nên tôi bắc cái ghế ra hiên nhà ngồi hóng gió, phần bên Mỹ đâu có ngủ trưa nhiều năm đã quen. Tôi thấy đứa nhỏ đi nhặt ve chai gầy ốm quá, không phải con cháu mình nhưng cũng thấy tội, thấy thương. Nó lại nhoẻn miệng cười và chào hỏi tôi: Bà khoẻ không? Ngoài trời nóng quá sao bà không vô nhà ngủ một giấc, nhà bà có máy lạnh, chắc mát lắm ha! Chị hỏi nó: Hôm nay nhặt được nhiều chưa con? Nó trả lời: Ít xịt hà. Bây giờ nhà ai cũng để dành đồ mủ, đồ nhôm để bán ve chai. Không bỏ rác như trước nữa đâu bà ơi! Chị hỏi nó ăn gì chưa? Nó trả lời: Dạ chưa. Chị động lòng trắc ẩn vì đã xế chiều mà nó vẫn chưa ăn gì nên cho đứa bé tiền và bảo nó ra hàng cơm bình dân ngoài đầu ngõ, mua cơm ăn đi.
Đứa bé ngạc nhiên đến không tin. Nó hỏi lại chị mấy lần: Có thật là chị cho tiền nó đi ăn cơm không? Chị xác nhận với nó bằng tờ tiền làm tròn mắt đứa bé. Thằng bé ù chạy đi ăn cơm. Chị dặn nó ăn xong trở lại đây, chị sẽ gom cho nó một mớ ve chai trong bờ rào nhà chị.
Thằng bé ăn xong và trở lại. Nó ưỡn bụng cho chị xem là nó đã no nê, nó ăn cơm với thịt kho trứng, ngon lắm. Nó trả lại tiền ăn cơm còn dư cho chị và cảm ơn bà rối rít. Nó rối hơn khi chị cho nó một bao ve chai khá to mà chị đã nhặt nhạnh trong khuôn viên nhà. Thằng bé vui mừng khôn tả, cảm ơn bà hết lời rồi rời đi. Chị thấy thương nó đem tiền hàng cơm thối lại về trả cho chị chứ không giả quên hay lờ đi. Nên chị tự nghĩ, từ nay thấy ve chai chị sẽ nhặt để dành cho nó. Nhưng nó quay lại không lâu sau đó để cảm ơn bà lần nữa, bà cho nó nhiều ve chai nên hôm nay nó bán được nhiều tiền lắm. Nó mua tặng bà cái bánh bò với cái bánh tiêu, nó nói bà ăn liền đi cho nóng mới ngon…
Sao chị nuốt khó trôi vì cháu chị đã quan sát hết việc từ trong nhà. Cháu chị bước qua nhà từ đường cho cô Hai hay, “Cô Hai đừng mắc lừa thằng qủy nhỏ. Nó giả ngoan để lọt qua cánh cổng nhà mình, nó quan sát hết trước để đột nhập sau. Nó quơ hết cho mà xem.”
Chị ngồi miết ngoài hàng hiên tới trời chạng vạng, không màng ăn cơm chiều khi đã nhìn ra quê cũ sau bao năm xa cách, không còn ai tin ai ngoài chính mình, không còn ai thương ai ngoài chính mình, không còn ai muốn giúp ai ngoài chính mình, không còn ai cho ai cơ hội ngoài chính mình… Chị trở thành người không giống ai trong gia đình, ngoài cánh cổng nhà chị cũng không giống những người quen xưa cũ, những người không quen nhưng đã chọn quê chị để định cư cũng vậy luôn. Họ đều ném cho chị những cái nhìn khó chịu về hành vi của chị vì không giống họ.
Chị chỉ còn biết cảm ơn mọi người đã không nói trắng ra là chị khùng. Họ giữ khoảng cách với chị càng xa chị càng cảm thấy lạc lõng nơi quê nhà. Nhưng khi họ xích lại bất tử thì chị tự trách bản thân đã thiếu niềm tin với mọi người vì sự xích lại không phải là tình xưa nghĩa cũ, chỉ là một giao dịch, một thương lượng đôi bên cùng có lợi như yêu cầu chị cho vay tiền với lãi suất thấp hơn vay trả góp ngoài chợ.
…
Tôi biết nói gì đây khi chị cho hay giờ chị đi đi về về. Mấy chục năm sống bên Mỹ chỉ biết đi làm, về lo cơm nước cho chồng con. Nhưng bây giờ đã khác, chồng chị không lo gì nữa, ông nói: Bà không thích thì về làm gì? Bên đây cháu ruột không ở để phụ con chăm sóc chúng, về bên đó làm chi cho nay phiền mai buồn… Nhưng chị không về thì bàn thờ ông bà, cha mẹ lạnh lẽo hương khói, mà về thì mỗi lần kéo va li ra phi trường về Việt nam đều ngán ngẩm như những ngày mưa gió cũng phải đi làm ở Mỹ. Đã mấy chục năm không nói bên này vì không biết tiếng Anh, nhưng về bên kia cũng ngậm miệng vì không biết nói gì khi nói với ai thì họ cũng nghĩ chị đã lẩm cẩm…
Tôi gặp lại chị như gặp lại chính mình với những lặng thầm trong sâu thẳm cõi lòng, những đêm buốt giá nơi hải ngoại chợt thèm ánh lửa ngô khoai nơi quê nhà, thèm nghe tiếng dế đêm đông, thèm con nước lớn nước ròng, nhớ mùa nước nổi vô bờ bến, mênh mông chỉ thấy nước là nước. Bao nhiêu thèm là bấy nhiêu năm biệt xứ, nỗi nhớ nào cũng đành bái biệt từ đây...
Phan