Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống.
*
Tôi xin kể cho các bạn chuyện hai người bạn của tôi, họ có tính cách và tư duy trái ngược nhau. Tuy cả hai đều học cùng lớp với tôi, nhưng họ lại không chơi thân với nhau.
Vừa qua Mỹ, tôi vào trường học tiếng Anh và học nghề điện tử. Ở trường tôi quen nhiều bạn bè, trong đó có hai bạn A và B. (Tôi xin giấu tên).
Bạn A qua Mỹ theo diện HO, cùng chuyến bay với tôi.
Có nhiều bạn học cho là A hay phô trương, nhưng với tôi, A không có vẻ gì như thế. A học giỏi so với bạn cùng lớp vì A đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam và có bằng TOEFL điểm cao nên nói tiếng Anh lưu loát. Thỉnh thoảng bạn ấy được thầy nhờ thông dịch cho các học sinh Việt Nam mới qua, không theo kịp bài giảng tiếng Anh của thầy. Trong lớp, A hay giơ tay hỏi và phát biểu ý kiến của mình khiến vài bạn khó chịu. Họ nói với nhau là A khoe mẽ giỏi tiếng Anh. Giờ nghỉ, A chủ động đi bắt chuyện làm quen với học sinh các lớp khác và những học sinh người nước ngoài.
Có lần sau giờ học, bọn con trai chúng tôi rủ nhau mua đồ ăn, ra biển chơi. Ăn xong, A nói:
- Tụi mình xuống tắm biển đi.
Chúng tôi, ai cũng lắc đầu quầy quậy vì nước biển ở đây rất lạnh, không như biển nơi khác hay ở Việt Nam. A nói tiếp:
- Mình phải tắm một lần cho biết cảm giác tắm biển lạnh như thế nào chứ.
A cởi áo quần, nhảy ào xuống biển. Vừa bơi lội A vừa ngoắt tay, kêu gọi chúng tôi xuống tắm. Chúng tôi chỉ dám thử cảm giác mạnh nửa vời là xắn quần lội xuống nước ngang đầu gối thôi. Vậy mà chúng tôi vẫn bị sóng biển làm cho ướt lạnh. Lên bờ, áo quần đứa nào cũng bị ướt, chỉ có A là khô ráo vì A đã cởi áo quần bỏ trên bờ trước khi xuống nước.
Một hôm A nói với tôi:
- Tao thích kinh doanh nên tao sẽ đi tìm cơ hội.
Bạn ấy chào tạm biệt tôi và bỏ học từ đó.
A và bạn gái mở dịch vụ gửi tiền và hàng hoá về Việt Nam. Khi ấy chưa có nhiều cơ sở tư nhân kinh doanh gửi tiền hàng như bây giờ. Khởi đầu, A và bạn gái không có tiền mướn nhân viên nên nhờ anh em, người nhà ra phụ giúp. Họ mau chóng thành công và mở thêm nhiều chi nhánh ở những nơi có nhiều người Việt sinh sống, nên A phải mướn thêm nhân viên. A có mời tôi ra làm việc cho A, nhưng tôi từ chối vì tôi thích công việc kỹ thuật điện tử hơn.
Chỉ một thời gian ngắn, A và bạn gái trở nên giàu có, tuy vậy họ vẫn không quên bạn bè. Ngày tổ chức đám cưới, A mời tất cả bạn bè xưa cùng đến tham dự. Dự đám cưới tôi mới biết, bạn bè mới của A toàn những đại gia, qua Mỹ đã lâu. A đã bước chân vào môi trường của giới nhà giàu tại Mỹ. A dám nghĩ và đã nỗ lực thực hiện được câu bạn ấy nói với tôi, “Có ngày, tao sẽ làm chủ và giàu có”.
Bạn B qua Mỹ trước tôi vài tháng và đã sắm xe hơi rồi. Bạn ấy lúc nào cũng ăn mặc lịch sự, chỉnh tề, xách cặp táp sang trọng như giám đốc vậy. B nói:
- Ở Việt Nam tao làm việc thành công thì tao cũng sẽ thành công ở đây.
Tôi biết tính B hơi “nổ” một chút, nhưng tốt bụng. Khi tôi chưa có xe, B thường cho tôi quá giang đến trường và thỉnh thoảng chở tôi đi chơi.
Xe của B bị hư bộ phận làm tan sương mù, nên sáng sớm chạy đến trường, cứ năm ba phút tôi lại phải lấy khăn lau hơi nước bên trong kính xe. Trong xe của B, chỗ ngồi phía trước cũng như phía sau chất đầy sách vở tiếng Anh, sau cốp xe lúc nào cũng có mấy thùng mì gói và nước uống.
Một hôm trên đường đến trường, tôi tò mò lật xem các quyển sách để dưới sàn xe mà tôi đang đặt chân lên chúng. Lật đến cuốn dưới đáy sàn, tôi giật mình kinh hoảng khi thấy mặt đường bên dưới lướt qua rào rào. Tôi vội lấy sách che đậy lỗ thủng lớn hơn bàn tay ở sàn xe lại như trước, vì sợ chân mình lọt xuống đường.
Một lần B chở tôi đi chơi các thành phố lân cận. Đi chơi mấy tiếng đồng hồ, khi về thì bị lạc đường. B tấp xe vào lề, lấy tấm bản đồ quận hạt, to gần bằng nửa cái bàn ra xem, rồi chạy tiếp (Khi ấy chưa có Hệ thống Định vị hay Google maps). Chạy hết đường cao tốc này qua cao tốc khác mà vẫn chưa thấy đường về nhà. B lại mở bản đồ ra xem, rồi lái xe như phát rồ. Tôi nói:
- Sao mày không vào cây xăng hay gặp người dân hỏi đường.
B lắc đầu:
- Không cần, tao rành mà.
B lái xe chạy mải miết đến gần hết xăng, phải vào cây xăng đổ thêm. Tôi giục:
- Mày vào hỏi đường xem sao.
Thấy B và anh nhân viên cây xăng người Mỹ vừa nói vừa quơ tay lia lịa có vẻ như không hiểu nhau, nên tôi cầm tấm bản đồ đi vào. Tôi trải tấm bản đồ ra, chỉ vào thành phố nơi chúng tôi sống và hỏi anh nhân viên bán xăng:
- Tụi tao muốn đi đến nơi đây, hiện tụi tao đang ở đâu trên bản đồ này?
Anh nhân viên nhìn bản đồ một hồi, rồi chỉ ngón tay ra khỏi ngoài tấm bản đồ và nói:
- Tụi mày đang ở ngoài tấm bản đồ này rồi.
Sau đó, anh nhân viên cây xăng chỉ đường cho chúng tôi về. Trên đường về, tôi nói huyên thuyên đủ thứ chuyện để B bớt “quê độ”. B nói:
- Ơ! Mày đang đánh trống lảng à.
B hay nói với vẻ tự đại, “Tao sẽ nổi tiếng khi các đại gia công nghệ Mỹ mời tao vào làm việc cho họ”. Tuy B học lấy được nhiều bằng cấp, nhưng đến bây giờ, hơn hai mươi năm nộp đơn xin việc và chờ đợi mà vẫn chưa có một đại công ty công nghệ nào mướn bạn ấy. B cho là thời cơ chưa tới, nên làm tạm những công việc không phụ hợp với bằng cấp và B vẫn hy vọng có ngày, các đại gia công nghệ sẽ thấy được tài năng “xuất chúng” của mình.
Còn phần tôi, khi ở Việt Nam, tôi luôn muốn vượt trội hơn các bạn cùng trang lứa và thích được nổi tiếng khắp xóm làng. Hàng ngày, sau những giờ làm ruộng rẫy, tôi chịu khó đọc sách. Tôi đọc nhiều sách chỉ để hiểu biết hơn so với chúng bạn và muốn chứng tỏ cho mọi người thấy tôi là xuất chúng, là nhà “bác vật” tinh thông mọi thứ trên trời dưới đất.
Như “ngựa non háu đá”, tôi đã thử tài với các bộ môn nghệ thuật như vẽ, làm thơ, viết văn, viết nhạc, đánh đàn. Tôi học làm mọi thứ không vì nghệ thuật mà chỉ mong được cái danh họa sĩ, thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, “đàn sĩ”.
Tôi xin vào đội văn nghệ xã, đánh đàn guitar được mấy lần trong các buổi biểu diễn của đội. Anh đội trưởng nói với tôi:
- Em qua diễn kịch đi.
Có thể, anh thấy tôi đàn không hòa chung với ban nhạc, nhưng không nói thẳng. Tôi hỏi:
- Anh thấy bản nhạc em sáng tác được không?
Anh ấy đáp:
- Có nửa bài coi được.
Từ “đàn sĩ, nhạc sĩ” tôi thành “kịch sĩ”. Qua nhận vai kịch, tôi chỉ toàn đóng vai phụ. Chờ hoài mà không được lên vai chính, tôi từ giã đội văn nghệ vì đội không biết trọng “nhân tài” gì hết.
Có lần tôi mua được một bức tranh chân dung vẽ bằng màu nước, không có tên tác giả. Tôi sắm các dụng cụ cọ, bút, giấy, màu, sơn để tập vẽ bằng cách họa lại bức tranh đó. Khuôn mặt của người đàn ông trên bức tranh tôi mua, đăm chiêu, toát lên vẻ uyên bác, còn khuôn mặt tôi vẽ thì nhăn nhó như đang đau bao tử. Tôi vẽ chồng lớp này lên lớp khác, cọ sát đến sờn nát mặt giấy mà vẫn không giống được.
Tôi chuyển qua vẽ trên vải. Tôi vẽ đi vẽ lại, vật lộn với bức tranh, màu nước dính loang lổ đầy người. Vậy mà bức tranh nào tôi vẽ ra cũng đau khổ, không vì bệnh này thì bị bệnh khác. Chán nản, tôi vất bỏ các bức tranh vào thùng rác.
Có đứa bạn đến nhà tôi chơi. Thấy bức tranh tôi mua và các vật dụng hội họa, nó tưởng lầm tôi vẽ nên nói:
- Mày vẽ đẹp quá mà giấu nghề nghe.
Tôi chưa kịp nói gì thì nó lại khen lấy khen để làm tôi không có cơ hội đính chính. Rồi không hiểu sao, chắc có lẽ để loè thằng bạn, tôi mỉm cười và chẳng nói gì như kiểu họa sĩ khiêm nhường.
Thế rồi tin đồn tôi là họa sĩ vang ra khắp xóm làng. Nhiều người mang hình ảnh đến nhờ họa lại, tôi từ chối bằng nhiều lý do. Từ chối không được, tôi trốn tránh như con nợ. Tôi lâm vào tình cảnh họa sĩ khiêm nhường khổ sở. Đúng là mình làm cho mình khốn đốn mà.
Thấy mình không có năng khiếu vẽ, tôi chuyển qua làm thơ, viết văn. Tôi mày mò viết được mấy đoản văn và làm được vài bài thơ tình cảm sướt mướt. Tôi đọc cho bạn bè nghe, chúng khen quá trời trời. Những lời khen làm tôi híp mắt, sướng ngây ngất đến mấy ngày. Tôi lập đi lập lại từng lời khen của các bạn trong đầu đến thuộc lòng.
Trong các buổi tụ tập đông người, tôi gợi ý với bạn:
- Trong những bài thơ của tao, mày thấy câu nào hay nhất?
Nếu nó khen thì tốt, tôi có cớ để lôi các bài thơ ra đọc. Nếu nó không nói gì, tôi cũng lấy các bài thơ ra đọc để mọi người biết được tài làm thơ của tôi hay ho như thế nào.
Có vài bạn xin chép lại các đoạn văn, bài thơ, tôi không cho vì sợ chúng ăn cắp bản quyền. Tôi gửi mấy bài thơ lên toà báo và chờ đợi ngày cả nước được đọc những áng thơ bất hủ của mình. Ngày vinh quang của tôi đến rồi.
Tôi chờ hoài, mua bao đợt báo mà không thấy các bài thơ của tôi đâu. Những bài thơ của tôi trốn trong tủ đến lên mốc lên meo. Cuối cùng tôi chấp nhận, mình cũng không có khiếu về thơ văn. Niềm hứng thú văn chương và thi ca của tôi vụt “tắt lịm như ngọn đèn trước cơn bão tố”.
Dù làm nhiều việc kết quả không được như mong muốn, nhưng nếu buông xuôi, không làm gì thì tôi sống không vui. Tôi dặn lòng, đừng để niềm tin đạt được danh hiệu cỡ “trạng nguyên” của mình bị sứt mẻ.
Qua đến Mỹ, tôi chợt nhận ra, chỉ cần được sống bình thường thôi là đã hạnh phúc lắm rồi. Hơi đâu mà phiền muộn vì hư danh không đạt được trong cuộc sống. Các danh xưng chỉ nhất thời, trong khi đời còn những điều khác có giá trị hơn chúng nhiều.
Từ đó tôi biết, thói hám danh chỉ như đuổi hình bắt bóng nên đã làm nhiều cách để thuần bỏ nó. Nói thì dễ, nhưng bệnh hám danh khó chữa trị lắm các bạn ạ, loại bỏ nó không phải một sớm một chiều mà được. Thói háo danh luôn chờ đợi cơ hội để quấy rối cuộc đời mình, dù trẻ hay già. Cũng may, não của tôi chưa xác lập háo danh thành một thói quen xấu. Nếu bạn nào lỡ mắc phải thói háo danh hão như tôi thì xin chúc thành công trong việc từ bỏ nó nhé.
Bây giờ, tôi sống thực tế hơn nhiều, không quá tự tin hay quá tự phụ. Tôi hài lòng làm một nhân viên kỹ thuật trong một công ty tư nhân và hạnh phúc với những gì mình đang có. Mỗi người có một mục đích riêng trong cuộc sống. So sánh với hai bạn tôi, tôi không đạt kết quả to lớn thấy rõ như bạn A và cũng không lâm vào cảnh dở khóc dở cười như bạn B. Bản tính có thể thay đổi, nhưng một số người không thay đổi hoàn toàn, vì vậy cuộc đời chúng tôi không giống nhau.
Có phải là số phận hay vì bản tính, tư duy và cách sống mà từ đó cuộc đời mỗi người đi đến thất bại hoặc thành công khác nhau.
Phước An Thy
Khả năng chuyên môn có cao và giỏi nhưng nếu không hội đủ những yếu tố ắt có và đủ trên thì sẽ bị thiệt thòi nhiều và nặng cho cuộc sống kinh tế cá nhân/gia đình nếu có.
Vậy sống ở Mỹ, đàn ông [hoặc đàn bà] đều phải tranh đấu cật lực [tự quảng cáo bằng cách khoe khoang và chứng tỏ hết tài năng có được] để tiến [cao] lên và để giữ vững Hoa Kỳ luôn ở địa vị đệ nhất siêu cường.