Hôm nay,  

Câu Cá

01/08/202214:19:00(Xem: 3862)

Hinh tg Duy Nhan 08012022
Hình: Tác Giả gửi

 

Tác giả Duy Nhân tên thật Nguyễn Đức Đạo 75 tuổi hiện ở tại Chicago, tiểu bang Illinois.Đã đóng góp nhiều bài Viêt Về Nước Mỹ và được lãnh giải nhiều lần từ năm 2001. Sau đây là bài mới nhất của tác giả

 

*                                                                       

                                                    

Thượng đế sanh ra loài người đồng thời ban cho luôn bốn cái khoái. Nếu có ai hỏi tôi vậy còn cái thứ năm là gì thì tôi trả lời ngay: đó là câu cá.

 

Sẽ có người không đồng ý. Nhưng tôi biết, có nhiều người mê cá còn hơn mê…vợ. Đang nằm bên vợ nửa đêm nổi hứng, lén lén xách cần cầu, đi ra hướng bờ sông. Sáng ra, vợ nghi ngờ, tra vấn:

 

- Em hỏi anh đêm nay đi đâu?

 

- Anh nói rằng anh đi giăng câu.

 

Đến khi nghe chồng trả lời thì vợ mới an tâm, mà còn chia sẻ niềm đam mê, hạnh phúc với chồng nữa. Mời bạn nghe lại bản nhạc Giăng Câu của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng. Lời lẽ mộc mạc, chân tình, giọng điệu dí dỏm, dễ thương, sôi nổi làm sao!

 

Cá thì đếm được, nhưng số ít hay số nhiều gì, tiếng Mỹ chỉ dùng có một chữ fish thôi, không có thêm ếch (s) nhái gì cả. Fisher là người sống bằng nghề cá. Nhưng danh từ này không thông dụng bằng từ fisherman. Sau nhiều giờ “lên mạng” để đọc hoặc viết, tôi xách cần đi câu để quân bình, thư giãn đầu óc, chân tay.Tôi câu cá chỉ để giải trí như một môn thể thao nên tôi không phải là một fisherman mà là angler. Angler do từ angle mà ra. Cổ ngữ Anh thế kỷ 15 viết là angel, không dính líu gì đến thiên thần cả mà chỉ có nghĩa đơn giản là lưỡi câu. Để chỉ lưỡi câu, ngày nay người Mỹ không dùng từ angle mà lại dùng từ hook. Động từ to angle vẫn được dùng để chỉ việc đi câu với cần câu và lưỡi câu.Động từ to fish có nghĩa là câu mà cũng là chài mồi, là lợi dụng, như “câu khách”. Liên hệ với danh từ fish có tĩnh từ fishy, nghĩa đen là tanh hôi mùi cá, là khó ngửi. Từ đó, đưa tới nghĩa bóng, được dùng nhiều hơn, để chỉ một việc có tính khôi hài (funny), khó tin, đáng ngờ (suspicious), ba xạo (questionable). Việc sử dụng từ trong Anh ngữ đôi khi cũng giống như trong Việt ngữ là rất hình tượng, rất thâm thúy.

 

Nghe bản nhạc Giăng Câu ta biết ngay là chuyện xảy ra ở Việt Nam, vì ở Việt Nam mới có thể đi câu bất cứ giờ nào, lúc nào, ở đâu. Có thể bắt bất cứ loại cá nào, lớn bé gì cũng không ai cấm. Đi câu cũng không cần có phép và trả tiền cho ai. Còn ở Mỹ thì có quy hoạch, có chương trình, có điều lệ   (regulations) từng tiểu bang, từng vùng nước (water area) cho từng lọai cá khác nhau. Mỹ đưa ra điều lệ  là nhằm vào nhiều mục đích rất hay:

 

- Nâng cao kỹ năng câu cá của người đi câu, nhất là trẻ em.

- Quy định số lượng cũng như chiều dài từng lọai cá là nhằm duy trì và phát triển nguồn cá.

- Tháng 7 không được câu cá perch vì tháng đó là tháng cá đẻ.

- Nâng cao ý thức đạo đức bảo vệ môi trường, không làm ô nhiễm nguồn nước.

- Huấn luyện và nâng cao lòng tự trọng (self-esteem) nhất là đối với trẻ em.

- Duy trì và nâng cao phẩm chất các họat động ngoài trời.

- Nâng cao kiến thức và ý thức bảo vệ cây cối, động vật, tài nguyên thiên nhiên.

 

Trong toàn nước Mỹ cứ sáu người thì có một người đi câu. Kết quả điều tra toàn quốc do Harris Poll cho biết câu cá là loại hình hoạt động ngoài trời phổ thông nhất, và là môn yêu thích xếp hàng thứ tư sau đọc sách, xem TV, họp mặt gia đình. Tiểu bang Illinois mỗi năm có khoảng 1.2 triệu người đi câu. Chương trình câu cá Illinois có từ năm 1985. Hiện nay chủ yếu là huấn luyện mùa hè miễn phí cho trẻ em dưới 16 tuổi tại 43 địa điểm. Hàng năm tổ chức trên 200 clinics cho khoản 4,000 trẻ em. Cư dân Illinois muốn câu cá phải mua license, trước đây là 13$ một năm, trên 65 tuổi là 6$.75. Hiện nay giá này đã khác rồi. Người ngoài tiểu bang có giá cao hơn. Trẻ em dưới 16 tuổi, người mù, người tàn tật, cựu chiến binh được miễn phí. Mùa câu cá ở Illinois bắt đầu từ 15 tháng 3 và chấm dứt ngày 30 tháng 9. Mỗi ngày được câu từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Ngoài giờ đó, ai đi câu sẽ nhận citation đi hầu tòa. Qui định này được các bà hoan nghênh hết mình vì các ông hết còn đi léng phéng nơi nào đó rồi về nói dối với vợ là đi câu.

 

Tôi đi câu chủ yếu là ở bờ hồ Michigan, cách nhà khoảng hai mươi phút lái xe hoặc ở sông Illinois, thì xa hơn, phải hơn hai tiếng đồng hồ mới đến nơi. Hồ Michigan lớn thứ ba trong ngũ đại hồ với diện tích mặt hồ 22,309 dặm vuông. Ở đây tôi câu cá yellow perch và cá salmon, tùy tháng. Ở sông Illinois thì câu cá bass. Vậy là tôi chỉ câu một vài trên hai trăm lọai cá khác nhau ở Illinois. Mặc dầu cũng nắm được một cách tương đối về kỹ thuật và nghệ thuật câu cá, tôi vẫn chỉ là một tay câu trung bình yếu so với những người khác.

 

Sau nhiều năm “kinh nghiệm”, tôi khám phá ra một điều rất thú vị là con cá giống y hệch con người. Ý tôi muốn nói giống về mặt tâm lý ở ba phương diện. Về thực phẩm, người thích món này, người thích món kia, cá cũng vậy. Cá perch thì thích mồi có tên soft-shell, kế đến là thịt tôm, rồi mới tới con minnows. Trong số này soft-shell là mắc nhất. Cá bass thích nhất con crank bait, crawfish, là một loại tôm, thỉnh thỏang cũng có người câu bằng trùn (giun) đất. Cá salmon chỉ bị quyến rũ bằng những con cá giả, mồi giả, có nhiều màu sắc óng ánh hoặc loang loáng bạc. Thật ra, cá salmon đớp mồi không phải là thích mà là ghét những con cá giả lảng vảng trước đầu nó, nên tấn công cho bỏ ghét, thế là mắc câu. Bài học: Sự hung hãn bao giờ cũng là tai họa! Nếu con người muốn được an toàn thì cá cũng vậy. Do đó, cá thường tìm nơi an toàn để ẩn náu. Ở đây ta có trò chơi trốn kiếm (hide and seek) kẻ trốn là cá, kẻ kiếm là ta. Cá thường ẩn náu sâu dưới nước nơi có cành cây đổ, mõm đá dưới chân cầu,  nơi có dòng nước xoáy. Tôi thường đến chân cầu ở sông Illinois để câu cá bass. Câu được nhiều cá nhưng bù lại lưỡi câu bị mất vì kẹt dưới mõm đá cũng rất nhiều. Ngoài nhu cầu về an toàn, cá cũng có nhu cầu nghỉ ngơi (resting). Cá thường di chuyển đến nơi ấm cúng, dễ chịu (comfortable). Khi đầu Xuân tiết trời còn lạnh, cá tìm đến nơi ấm, mùa Hè cá di chuyển đến vùng nước mát.

Trong một ngày, căn cứ vào mặt trời, phải phân biệt ba thời điểm: sáng, trưa, chiều. Buổi sáng mặt trời chưa mọc hoặc mới lên, cá thường lên gần mặt nước. Đến khi mặt trời lên cao, ánh nắng gay gắt, cá lặn xuống sâu hơn. Đến chiều thì trở lại tình trạng ban sáng. Từ quy luật đó, người đi câu mới chỉnh lại vị trí lưỡi câu cho thích hợp. Sáng sớm hoặc chiều tối thường câu được nhiều cá hơn buổi trưa. Đọc tôi đến đây thế nào bạn cũng nghĩ người viết bài này cũng là một tay sành điệu về câu cá đây. Sự thật những điều tôi nói chỉ là lý thuyết cộng với một ít kinh nghiệm bản thân. Đem lý thuyết áp dụng vào thực tế đâu phải dễ. Chủ yếu vẫn là kỹ năng từng cá nhân, kèm theo yếu tố may mắn nữa. Cùng một địa điểm và thời gian, người này câu được mà người kia câu không được. Xách cần câu đi, vác cần câu về không có gì trong giỏ là chuyện bình thường. Có một em tên là Tuấn, bạn của con trai tôi, mỗi khi thấy tôi câu không được, em đều trút hết cá perch trong giỏ sang cho tôi. Chừng một hay hai giờ sau trở lại, giỏ của em lại đầy nhóc cá. Thật tài tình.  Em đúng là cao thủ sát cá! Tôi thích dùng chữ the fish-killer, nhưng người Mỹ không nói như vậy, chỉ nói lady-killer thôi.

Về kỹ thuật, dây nhợ, cần câu, chì, v.v. là những yếu tố ảnh hưởng đến việc câu cá. Câu cá perch thì dùng nhợ có khả năng chịu lực cỡ 8 pounds. Nếu dùng nhợ lớn hơn cá sẽ nhìn thấy và sợ, khi cá cắn câu thì mình không có cảm giác. Khi cá cắn câu thì phải giật kịp thời, giật mạnh hay nhẹ là do kinh nghiệm, tùy theo cá lớn, nhỏ. Nếu cá lớn mà giật yếu thì không dính, nếu cá nhỏ mà giật mạnh thì bị sứt mép. Đối với cá salmon thì nhợ câu phải to hơn và chắc. Cần câu phải dài và có độ cong lớn mới đối đầu lại được sức trì kéo rất mạnh của con salmon. Ngoài ra, bạn phải có cánh tay rắn chắc để giữ vững cần câu. Nếu bạn yếu và thế đứng không vững, bạn sẽ bị té ngay. Giây phút chờ đợi và cảm giác sung sướng nhất chính là lúc cá cắn câu. Cảm giác đó khởi đầu rất nhẹ nhàng từ sợi nhợ, chuyền đến cần câu rồi đến các đầu ngón tay. Khi cá đã cắn câu thì cảm giác sung sướng bắt đầu và kéo dài mãi khi con cá vẫy vùng, làm cho ngọn cần câu cong xuống, cong xuống mãi. Con cá càng to thì cảm giác càng mạnh và kéo dài cho đến khi lôi được con cá lên bờ. Cảm giác sung sướng khi “chiến đấu” với cá không thể nào diễn tả ra lời. Với cá salmon, làm sao hướng cần câu xuôi dòng nước để cho nó trì kéo về hướng ngược nước cho đến khi nó đuối sức ta mới từ từ thu giây, khi lôi được cá gần đến mặt nước thì sẽ có một bạn câu khác dùng vợt vớt lên bờ. Nhiều lúc phải mất từ 15 đến 30 phút hoặc lâu hơn mới chế ngự được con salmon, nhất là các loại chinook, silver hoặc king salmon rất to và khỏe. Đối với lọai cá này tôi bị sẩy nhiều hơn là được. Khi kết quả gần kề mà bị sẩy thì tiếc ngẩn ngơ và buồn hiu hắt. Nhiều lúc chiến đấu với con salmon thì tôi tưởng tượng mình là nhân vật Santiago trong quyển The Old man and The sea của Ernest Hemingway. Một mình trong ba ngày đêm vật lộn với con cá kiếm nặng 500 ký trên biển mà ngày thứ 85 ông mới câu được. Khi con cá đã mệt, ông dùng dao đâm chết được nó, buộc nó vào mạn thuyền và lôi về nhưng đàn cá mập đánh hơi thấy, đã lăn xả tới. Ông già đem hết sức tàn chống chọi với những con cá mập. Ông giết được nhiều con và đuổi được chúng nhưng khi nhìn lại con cá kiếm thì nó đã bị rỉa hết thịt, chỉ còn trơ lại bộ xương trắng khổng lồ.

 

Luật Illinois quy định mỗi người đi câu không được quá hai cần và mỗi cần không được quá hai lưỡi. Cá perch không được quá 20 con. Cá large mouth và small mouth bass không quá 3 con, trong số này chỉ có thể có một con dài hơn 15 inches hoặc 2 con dưới 12 inches. Các loại cá bass khác như yellow, striped, hybrid, white thì được câu tới 4 con, cá trout và salmon cũng không quá 5 con và phải dài tối thiểu 10 inches. Luật quy định như vậy nhưng tôi chưa hề thấy có một dân An Nam Mít nào thi hành đúng, kể cả người viết bài này. Phe ta thì câu được càng nhiều càng tốt vì đâu phải chỉ câu cho mình mà còn câu cho bạn bè, cho hàng xóm nữa! Người khác như thế nào tôi không biết chớ đối với tôi thì đi câu cũng giống như đi Casino vậy. Thua thì cố gỡ, câu chưa được thì rán cho được. Ăn được rồi thì muốn ăn nữa, nhiều hơn. Những hôm cá cắn câu nhiều thì rất ham, làm sao dừng lại được ở 20 con như quy định? Như tôi nói, cái cảm giác khi cá cắn câu nó sướng không thể nào tả được. Đi câu chẳng qua là đi tìm cảm giác, mà sự sung sướng, sự khóai lạc đâu có giới hạn, đâu biết thế nào là đủ, phải không bạn? Vấn đề là khi ngồi gần một người bạn Mỹ mình phải dè chừng. Hai mươi con là hai mươi con! Họ không câu hơn. Nếu câu nhiều thì họ chỉ lấy những con cá lớn, ngoài ra thì họ thả xuống nước lại, cũng có khi họ cho người bên cạnh. Họ sẽ nhìn mình bằng ánh mắt khó chịu khi thấy mình câu nhiều hơn số cá quy định. Nhìn ánh mắt của họ mình cũng cảm thấy nhột nhột. Do đó, phe ta thường ngồi gần nhau, vừa để tán gẫu vừa tránh được ánh mắt khó chịu của người láng giềng gương mẫu ! Về phương diện kỷ luật (câu cá) mình phải bái phục người Mỹ vì suốt đời mình không thể nào làm được như họ, tôi nghĩ thế. Tôi thấy nhiều người Mỹ câu được cá rồi trả lại cho sông, cho hồ chớ tôi chưa hề thấy một dân Mít nào làm thế cả!

Đâu có phải những người bình dân, tầm thường như tôi và bạn mới thích câu cá. Con cá nó quyến rũ không chừa một ai: Cựu Tổng Thống thứ 39 Hoa Kỳ từ năm 1977 đến 1981, Jimmy Carter sinh năm1924, giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2002, đã từng nói: “ Những biến động công luận lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông cũng không đáng nhớ hay quan tâm bằng những kỷ niệm đi câu cá với thân phụ ông”. Năm 80 tuổi ông vẫn còn câu cá, bị hiệp hội các nhà bảo vệ động vật Mỹ ra văn bản phản đối, cho rằng “hành động giết hại cá của ông không tương xứng với vị thế của một người từng nhận giải thưởng  Nobel Hòa bình. Hãy để cho loài cá được sống yên ổn trong thế giới nước của chúng. Tài liệu không thấy nói cụ cựu Tổng Thống trả lời công luận như thế nào. Vậy là ông Jimmy Carter mê câu cá là do di truyền, từ trong máu, từ cái zen của ông bố để lại. Vua Lê Đại Hành (940-1005) của chúng ta thì mê câu cá còn hơn việc triều chính, thích câu cá hơn là tiếp sứ Tàu. Sứ Tàu mang chiếu chỉ, sắc phong của vua nhà Tống sang triều kiến, Lê Đại Hành viện cớ đau chân vì bị ngã ngựa, không tiếp. Vậy mà liền sau đó ông cởi bỏ hết cân đai, áo mão, xách cần câu, lội chân đất đi câu cá. Mỗi lần giật được một con cá là ông reo vui ầm ỉ, vừa uống rượu, vừa ca hát líu lo. Theo như lời sứ Tàu báo cáo lại với vua nhà Tống thì “chẳng ai hiểu là ca hát cái gì”. Ông sứ Tàu này rõ thật dzô dzuyên. Người ta hát tiếng Việt chớ có phải tiếng Tiều Châu hay tiếng Quảng Đông đâu mà hiểu! Bây giờ dân câu cá chúng tôi câu được con salmon thì cũng reo vui bằng vua Lê Đại Hành là cùng. Chúng tôi còn thiệt thòi hơn là không được uống rượu nơi công cộng. Làm vua như thế mới “đã”, mới hưởng hết được cái thú của cuộc đời. Tổng Thống thứ 31 của Hoa Kỳ Herbert Hoover (1874- 1964) có nhận định vô cùng chính xác:“Fishing is much more than fish. It is the great occasion when we may return to the fine simplicity of our fore fathers”. Tạm dịch: Câu cá không nhất thiết là vì cá mà còn nhiều hơn thế nữa. Đó là cơ hội tốt nhất để chúng ta có thể trở về với cách sống đơn giản thuần khiết của cha ông.

 

Theo tôi, câu cá nó tạo cho chúng ta môi trường sống, một xã hội nho nhỏ vô cùng lành mạnh, lý thú và hữu ích. Câu cá có khi được cá, có khi không, nhưng cái “câu”được thật sự thì lớn lắm. Từ chỗ không quen biết, hai người câu cá ngồi gần nhau thế nào cũng trờ thành bạn thân. Thời gian câu tương đối dài, cho nên trong lúc ngồi chờ cá cắn câu bao nhiêu chuyện từ bản thân, gia đình, bạn bè, công việc đều kể cho nhau nghe, rồi mời nhau về nhà… Mọi điều tốt đẹp mà một người bạn mang đến cho ta thì không thể nào nói trước và nói hết được. Dân câu cá người bên cạnh, họ sẽ chỉ cho. Từ tay mơ, bạn trở thành chuyên nghiệp hồi nào không hay. Tôi chưa thấy ở một chỗ nào mà lòng quảng đại, sự nhiệt tâm, tình bằng hữu được thể hiện cao cho bằng ở xã hội của những người câu cá. Khi nhợ câu bị rối, người ta xúm lại gỡ rối cho bạn, khi bạn thiếu mồi sẽ có người tiếp tế, kể cả gặp ngày xui, bạn câu không được con nào, sẽ có người san sẻ cho bạn có không bao giờ ích kỷ và giấu nghề vì bản chất của việc câu cá chỉ là vui chơi, giải trí và thể thao, chẳng phải là danh vọng, quyền lợi gì mà tranh giành với ai. Nếu bạn không biết điều gì, cứ hỏi cá mang về nhà, tránh được lời cằn nhằn của bà vợ khó tính: “Tôi đã bảo rồi, không chịu ở nhà cho khỏe, tối ngày cứ vác cần câu ra ngòai nắng gió. Nào tốn tiền mua nhợ, mua lưỡi câu, mua mồi, không kể tiền xăng nhớt, tiền hao mòn xe mà chẳng làm nên cơm cháo gì, chẳng câu được con cá lòng tong nào, khi nhức đầu sổ mũi lại báo hại vợ con thì có khổ không cơ chứ”. Khi bạn câu dính con cá salmon lôi nó được vào bờ thì mọi người xúm lại reo hò, chia vui với bạn. Bạn chỉ việc giữ cho vững cần câu, những người khác mang vợt tới, vớt con cá lên cho bạn, nếu không nó vẫy vùng và rớt xuống nước trở lại. Bạn thấy không? Tính cộng đồng được thể hiện và phát triển hết sức trong sáng và tự nhiên. Vào ngày cuối tuần thì cả nhà đi câu. Đứa con trai lớn cũng một cần câu, ngồi bên cạnh ba. Hai cha con vừa câu cá, vừa tâm sự, chuyện trò vui vẻ như hai anh em mà ngày thường ít có dịp nói chuyện với nhau. Đứa con gái nhỏ thì phụ mẹ tìm nơi bóng mát dưới một tàn cây gần đó, trải tấm nylon, đặt mấy cái ghế, và bếp lò. Trong suốt buổi, mẹ và con gái có nhiệm vụ tiếp tế bánh, nước cho chồng và anh trai. Mỗi lần câu được cá ai nấy đều vui mừng, gọi nhau ơi ới, bu quanh con cá vừa câu được. Con gái nhỏ thì chạy tới chạy lui, lăng xăng lích xích, vỗ tay reo hò. Bà mẹ thì cân cá bằng tay , con này bao nhiêu pound, con kia bao nhiêu pound, vui đáo để. Đến trưa thì hai cha con nghỉ tay. Cả nhà xúm nhau nướng cá, dùng bữa trưa ngay tại chỗ. Ngày vui trôi qua rất nhanh. Mới đó mà đã xế chiều. Cả nhà thu xếp hành trang trở về với hai giỏ cá nặng trĩu và không quên cám ơn thượng đế đã cho họ một ngày hạnh phúc bên nhau, một cơ hội hiếm hoi để “trở về với cách sống đơn giản, thuần khiết của cha ông”. Ở cấp liên bang Hoa Kỳ có chương trình HOFNOD tức là “The hooked on fishing- Not on drugs”. Chương trình này nhằm hỗ trợ về mọi mặt cho các tiểu bang trong việc cổ vũ, huấn luyện và hướng dẫn các em về ích lợi của việc câu cá, đồng thời cái nguy hiểm của việc dùng thuốc. Chương trình này đương nhiên là rất hữu ích. Năm rồi tại Illinois đã có 45,960 em dưới 16 tuổi tham gia. Khi điều tốt được phát huy thì điều xấu sẽ bị đẩy lùi.

 

Câu cá không có lưỡi câu thì có Đại tướng quân Khương Tử Nha, còn có tên là Lã Vọng, cuối đời nhà Thương bên Tàu. Hàng ngày xách cần câu ra bờ sông Vị ngồi câu. Đây là một lối câu công danh hay là câu minh chủ gì đó, chúng ta chỉ nghe kể trong truyện Phong Thần chớ chưa bao giờ nhìn thấy. Còn câu cá mà không có cần câu cũng là chuyện lạ nhưng lại là chuyện có thật và rất phổ thông mà hầu như trong giới cầm cần ai cũng có dịp nhìn thấy. Hai bên bờ sông Illinois có rất nhiều người Mễ, gồm cả trẻ em lẫn người lớn câu cá mà không có cần câu. Họ dùng cái lon sữa bò hoặc một cái chai không, thế cho cần câu. Họ quấn nhợ câu vào đó giống như trẻ em Việt Nam đi thả diều. Động tác quăng dây câu thì giống như mấy chàng cowboy người Mỹ quăng dây bắt bò, tức là họ lấy trớn bằng cách quay vòng tròn , nhiều lần tại đầu dây nhợ có lưỡi câu, sau đó mới quăng ra xa. Khi cá cắn câu thì họ dùng tay giật mạnh một cái, rồi họ quấn cuộn nhợ lại giống như trẻ em thu hồi con diều về. Tôi để ý thấy họ câu lối này chỉ bắt được những con cá trung bình chớ không được cá lớn. Dầu sao thì họ đã không mất tiền mua cần câu từ bạc trăm đến bạc ngàn. Đúng là cái khó “ló” cái khôn.

 

Bộ tài nguyên thiên nhiên Illinois (Department of Natural Resources) hàng năm đề ra rất nhiều loại giải thưởng để khuyến khích những người câu cá có thành tích, gồm có các giải như State Record, Grand Slam, Master Angler, Catch and Release. Một số cá đạt kỷ lục nặng nhất mà cư dân Illinois câu được từ trước đến nay gồm có: Cá catfish blue: 124 pounds, cá salmon: 37 pounds, Grass carp: 69 pounds, striped bass; 31 pounds. Có lần tôi câu được con cá carp khá to, không phải lớn nhất nhưng cũng được thưởng 100 USD.

 

Ai cũng nghĩ câu cá chỉ là một môn thể thao, một trò giải trí để giết thì giờ, chớ có ai ngờ đó là một ngành công nghiệp và mua bán lớn (Big Business). Dân câu cá mua sắm thiết bị hàng năm đã đóng góp một số thuế 9,000,000 USD cho ngân sách tiểu bang và 73,000,000 USD cho liên bang, đồng thời tạo ra việc làm cho 13,000 người, tương đương với 398,000,000 USD lương bổng. Riêng hồ Michigan mỗi năm thu họach trung bình 21 triệu pounds cá các lọai. Doanh số bán lẻ mà dân câu cá mang lại hàng năm đã đạt con số 1,6 tỷ USD, quả là một con số đáng kể.

 

Bản chất dân câu cá là hiền lành và tốt bụng. Họ chỉ biết lấy việc câu cá làm niềm vui, không mích lòng và đụng chạm tới ai. Vậy mà, một hôm bỗng xuất hiện mấy tên da đen say rượu. Chúng gây sự rồi bất ngờ xô một người đang câu cá xuống hồ, nơi có dòng nước đang chảy xiết. Người này lại là một người Việt Nam, không biết lội. Biến cố này làm cho tôi choáng váng và chấn động mạnh, phải bỏ câu một thời gian dài.

 

 


Duy Nhân

Ý kiến bạn đọc
04/08/202219:11:21
Khách
Tôi không có may mắn quen được người bạn nào thường đi câu cá để được đi theo học hỏi kinh nghiệm đặng tự đi bắt cá- hoặc chí ít thì cũng mong thỉnh thoảng được chia xẻ vài con cá. Vì tôi thích ăn cá, và thường hay la cà ở các tiệm thực phẩm chọn mua ăn thử hết cá này đến cá khác.

Vài lần xem trên truyền hình chiếu cảnh những người câu được cá rồi họ gỡ lưỡi câu ra khỏi miệng cá, xong thả lại dưới sông, xem đó là môn giải trí, riêng tôi thì cảm thấy tội nghiệp cho loài cá.

Nếu tự đi câu mà bắt được cá thì tôi sẽ tìm cách làm cho chúng chết khi rời khỏi cần câu, chớ không nỡ thấy chúng quẫy ngáp ngáp chờ chết cho đến lúc bị làm thịt.

Một bài viết đọc lý thú, có nhiều chi tiết về việc đi câu cá.
02/08/202220:39:01
Khách
Su vui mung cua nguoi di cau - cau duoc con ca la noi dau don kinh khung cua con ca bi luoi cau nhon va sac moc co hong no !!! Su dau don cua con ca bi luoi cau moc co hong no cung tuong tu nhu con nguoi bi cai moc ben nhon moc co vay!!! Con ca doi an thi phai di kiem an. Con nguoi khong vi doi an, ma chi de giai tri, du moi cau, ca chet dau don vi bi moc hong boi luoi cau nhon va ben cua con nguoi!!!
01/08/202223:36:09
Khách
Người đọc có hai thú vui không thể nào bỏ được: nghe nhạc cổ điển và đi câu [lúc còn trẻ (1) và không ngại lái xe] hoặc nuôi cá cảnh trong nhà.

Bây giờ chỉ 'Thích Ở Nhà' chăm chút hồ cá dĩa [discus fish (2) tank] và ăn cá hồi hoang dại thuộc tiểu bang Alaska [Alaska wild king salmon] hầu như quanh năm suốt tháng.

Phải chi 'hữu duyên thiên lý năng tương ngộ' với tác giả để được cùng đi câu chung thì người đọc hạnh phúc cách gì.

Chúc tác giả được sức khỏe tốt, luôn vui vẻ và trẻ trung để còn tiếp tục theo đuổi thú vui giải trí lành mạnh này.

(1) Đang bận việc bỗng nhiên cơn hứng đi câu ập tới là lập tức gửi email cho cấp trên biết là phải nghỉ nửa ngày lo chuyện cá nhân.

(2) King of the aquarium fishes
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,978
Nhập ngũ vào Thủ Đức sau biến cố Mậu Thân 1968 khi đang theo học năm thứ hai Cao Học Sử Địa tại Văn Khoa Saigon, anh được chọn vào Không Quân, và có lẽ do bản chất yêu thích văn nghệ với sở trường ca hát và đờn địch, anh vào làm việc trong ban Tâm Lý Chiến của Sư Đoàn 3 Không Quân tại Biên Hòa, đi từ cấp bậc Chuẩn Úy cho đến Đại Úy. Đầu năm 1975, anh lấy vợ, một nữ quân nhân phục vụ trong phòng Xã Hội cũng tại sư đoàn 3 Không Quân. Vợ chồng anh ở trong trại sĩ quan của đơn vị cho đến ngày mất nước. Khi anh vào tù, chị trở về quê sống với cha mẹ chị gần Cần Thơ.
Phải nhìn nhận rằng Lão là con người hiền lành, rất hiền lành! Nói theo kiểu người mình hay nói là hiền như cục đất! Lão hiền từ trong nhà ra tới ngoài đường. Chưa bao giờ lão lớn tiếng, hay nói những lời nóng nảy, cộc cằn với bất cứ ai! Cái tâm lão cũng vô cùng là hiền, hiền cả với cây cỏ, với thú vật! Lân la ngoài vườn nhiều khi thấy ớt con hoặc é quế mọc nhiều quá, mụ vợ nhổ quăng bớt. Nếu thấy được lão nhặt chúng đem đi chỗ khác trồng! Mụ kền rền, lão bảo: “Chúng nó cũng muốn sống mà!” Bất cứ con bọ nào bất chợt lọt vào trong nhà là lão túm lấy mở cửa quăng ra ngoài, vừa quăng lão vừa nói: - Đi về nhà mày đi, ở đây lâu là có cơ hội xuống ống cống đấy! Ý lão ám chỉ mụ! Mụ ghét nhất bất cứ con gì chui vào nhà, trông thấy là mụ quăng ngay vào bồn cầu, giật nước mất tích luôn!
Hôm nay trời trong, nắng vàng rực rỡ nhưng lạnh. Hàn thử biểu cho thấy buổi sáng 47độ và trưa được 54 độ F. Vào buổi chiều 16 giờ khí tượng cho biết sẽ có mưa. Từ hôm qua các con đã khuyến khích tôi đi xem hoa đào vì sợ sau cơn mưa, phần lớn hoa sẽ rơi rụng, tơi tả không còn đẹp nữa. Qua video người bạn gửi cho xem thấy hoa đào ở Tidal Basin thủ đô Hoa Thinh Đốn đã nở rộ.
Với Hai Búng thì có nhiều chuyện để nói. Tên trên giấy tờ là Phạm Bình Nhâm, nhưng từ khi vào quân đội, ban bè cùng khóa đặt cho hắn cái tên mới là Búng - Hai Búng. Sở dĩ hắn mang cái biệt danh (nickname) này vì nhà hắn gần chợ Búng mà khi nhắc đến chợ Búng, hắn say sưa nói miết - quên thôi! Hắn tả cảnh, tả tình về quê hương của hắn với những vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu, An Sơn, Bình Nhâm (nơi sinh quán của hắn) hấp dẫn đến mức mà người nghe thấy mát rượi với những cây chôm chôm, măng cụt, sầu riêng... ngát hương vườn lài, thơm phức mùi sầu riêng và ngọt lịm mùi lò đường, ruộng mía ven sông …Và bao gìờ kết thúc câu chuyện cũng là lời mời rất chân tình: “Khi nào đi qua Chợ Búng, nhớ ghé nhà tao, tao sẽ đưa tụi mày đi ăn bánh bèo bì Mỹ Liên, hay Ngọc Hương, hai tiệm bánh bèo bì nổi tiếng không những ở chợ Búng mà khắp nước đấy. Rồi về nhà tao, mẹ tao sẽ đãi một bữa cháo vịt – thịt vịt bầu mà chấm nuớc mắm gừng do mẹ tao pha chế thì hết sẩy – Tụi mày sẽ nhớ đời …”
Hồi tôi ở trại tỵ nạn, trầy trật bốn năm trời mới vượt qua cuộc thanh lọc đáng ghét, và khi gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn thì bị từ chối, mặc dù tôi có đầy đủ gia đình ở bển. Còn chồng tôi, cả giòng họ rủ nhau đi vượt biên rất sớm, năm 1977 khi cả miền Nam đang vào cơn tàn tạ dưới bàn tay của “bên thắng cuộc”. Trong khi ở trại Mã Lai chờ phái đoàn Mỹ, thì phái đoàn Canada lơn tơn xuất hiện, gia đình chồng tôi nôn nóng thoát khỏi cuộc sống tù túng ở trại nên nhắm mắt đưa chân qua Canada định cư luôn một lèo. Sau đó, chồng tôi đi học, vào cấp ba rồi Đại Học, quyết chí thực hiện giấc mơ Mỹ Quốc năm xưa, bèn nộp vào trường Đại Học tại New York. Khi nộp đơn thì hào hứng, đến khi được nhận thì bị bà má chồng “bàn ra”, vì sợ tốn kém với số “student loan” quá lớn, chồng tôi cũng bị nản chí, không qua đó học nữa.
Thời gian gần đây, tôi đọc được bài ký sự sống động đã cho tôi một bài học trân quý về nền giáo dục của Hoa Kỳ từ tác giả Hạ Vũ, với câu chuyện “Tôi làm Cô giáo nhà trẻ Mỹ” trên mục VVNM trang Việt Báo. Tác giả kể chi tiết từng hoạt động và phương pháp chăm sóc trẻ nhỏ tại lớp học. Từ việc chuẩn bị môi trường sạch sẽ, an toàn và cách cho trẻ ăn uống, vệ sinh đến giấc ngủ trưa yên lành; ngay cả việc vệ sinh cho bé cũng phải hết sức kiên nhẫn và luôn dùng chữ “please” để khởi đầu và cho biết mình sắp làm gì đó cho trẻ, chữ “thank you” để cảm ơn trẻ đã cộng tác, dù việc đó là phục vụ cho chính các em.
Trong 53 năm, chúng tôi kề cận, nhường nhịn, yêu thương và chăm sóc nhau để cùng xây dựng cuộc sống riêng sau khi cả hai chúng tôi học xong đại học. Chúng tôi đã có một gia đình nhỏ an vui với hai con trai. Và từ khi chúng tôi đem hai cô con gái nhà người dưng, mang về làm hai con gái ruột nhà mình thì gia đình chúng tôi có thêm ba đứa cháu. Nay, các con đã thành nhân, các cháu thì đã có đứa chuẩn bị vào đại học. Hai con trai của chúng tôi đã có nghề nghiệp vững vàng, chúng đã có nhà riêng. Chúng tôi già dặn hơn cùng với sự trưởng thành của con cháu. Hai chúng tôi đã về hưu, vẫn cùng có nhau, tiếp tục nhường nhịn, chăm lo cho nhau trong những năm tháng cuối đời...
Dallas mới qua một đợt lạnh khủng hoảng sau lễ tình yêu, nghỉ học nghỉ làm tuyết đá đầy đường. Hy vọng là đợt lạnh cuối mùa vì thời tiết Texas khó đoán bởi đôi khi sang tháng tư còn tuyết. Tội nghiệp những người thích trồng, họ thường gieo hạt giống trong garage từ cuối tháng hai để sang tháng ba là đậu bắp đã cao được gang tay, cà chua non nhìn mắc ham, những cây ớt xanh mát mắt... Đợi tháng ba cho ra vườn là sớm có ăn, nhưng đầu tháng tư trời lại đổ cho trận tuyết làm cây con chết ráo. Những người mê trồng tính khôn ăn sớm nên gieo hạt trong garage từ cuối tháng hai lại hoá ra ăn muộn vì phải gieo hạt lại lần nữa.
Các nhà khoa học có thể đưa ra tuổi thọ trung bình của một người, nhưng chưa có một thống kê nào cho biết mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi nằm xuống đã ở được khoảng bao nhiêu căn nhà! Điều này có thể nói lên mỗi người có những nhu cầu “xê dịch” rất khác nhau. Sau hiệp định Genève 1954, cuộc sống của người Việt Quốc Gia chỉ trong phạm vi từ vĩ tuyến 17 cho đến Mũi Cà Mau. Nhưng kể từ năm 1975 cho đến nay thì “nhà Việt Nam” đã có mặt tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Mỗi một căn nhà của người Việt trên quê người gói ghém tất cả những thăng trầm của một đời lưu lạc nơi đất khách; là những vinh nhục, được mất, hy sinh, đánh đổi để tồn tại. Biết bao người bôn ba ra hải ngoại đang sống trong những căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi; nhưng từ trong sâu thẳm họ vẫn không quên được căn nhà cũ của mình trên quê mẹ!
Chị Bông đọc xong email của người bạn chỉ cách muối cà pháo ăn liền, lại còn minh họa theo một bát cà pháo dầm nước mắm tỏi ớt trông thật ngon lành hấp dẫn. Suốt hai tuần lễ qua chị lấy vacation về phố Bolsa California thăm người nhà, ăn uống thịt thà, tôm cá mỡ màng nên bỗng thèm món ăn nhà quê dân dã này. Chị lái xe ngay ra chợ mua vài pound cà pháo, ăn đổi món và để giảm cân. Sau chuyến đi chơi Cali chị đã tăng 2 pounds.Về nhà chị thực hiện như bạn chỉ, xẻ cà ra, ngâm nước muối cho ra bớt chất độc hại thâm đen. Trong khi chờ đợi cà còn ngâm trong chậu, chị Bông pha sẵn một bát nước mắm tỏi ớt đậm đà. Món này chỉ ăn với cơm trắng cũng đủ ngon nhớ đời.
Nhạc sĩ Cung Tiến