Hôm nay,  

43 Năm, Bây Giờ Mới Kể

10/06/202200:02:00(Xem: 3846)
  
Tác giả Duy Nhân tên thật Nguyễn Đức Đạo 75 tuổi hiện ở tại Chicago, tiểu bang Illinois. Đã đóng góp nhiều bài Viêt Về Nước Mỹ và được lãnh giải nhiều lần từ năm 2001. Sau đây là bài mới nhất của tác giả sau thời gian vắng bóng.
 
*
 
Gia đình ông bà cùng  tám người con ra khơi từ Vũng Tàu vào một ngày Giáng Sinh năm 1978. Sau nhiều tháng lênh đênh trên biển cả, vượt qua muôn trùng sóng gió, kể cả cướp biển, cuối cùng cũng đến được đảo Pulau Bidong, nhập trại tỵ nan ở Mã Lai, số thứ tự 224. Được phái đoàn Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc phỏng vấn và chấp thuận cho định cư ở Mỹ, đến tháng 9 năm 1979 gia đình đã tới thanh phố Chicago, tiểu bang Illinois và đã sống tại đây cho đến hôm nay là bốn mươi ba (43) năm.
 
Bà tiếp tục: Gia đình chúng tôi vượt biên theo diện “bán chánh thức” do nhà nước tổ chức. Mỗi đầu người phải đóng đủ 15 “cây” vàng. Gia đình gồm 10 người đúng ra phải đóng 150 cây nhưng đứa gái út lúc đó mới có 10 tuổi (giờ đây đã là bác sĩ sản khoa nổi tiếng ở thành phố này) nên nhà nước “ nhân đạo” cho đóng nửa suất là 7 cây rưỡi.  Vậy là gia đình đóng tổng cộng 145 cây rưỡi để được ra khơi, còn có thoát được hay không thì không ai chịu trách nhiệm. Con tàu  có sức chứa 180 người nhưng người ta đã thu vàng và cho lên tàu đến 240!

Bước đầu mới đến Mỹ cũng như biết bao thuyền nhân khác, chúng tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn và làm nhiều việc khác nhau để mưu sinh, ổn định đời sống và tiếp tục cho con ăn học thì không phải là dễ dàng gì, nhưng cũng không phải là khó lắm nếu mình có quyết tâm. Ông thì sang một cửa hàng bán sandwich và thức ăn nhanh (fast food ) học chế biến thức ăn và tự điều hành cửa hàng, còn tôi thì đi làm trong hãng đóng gói đồ nữ trang, đến năm 1983 thì làm ở bệnh viện có tên là Lutheran trong suốt 21 năm mới nghỉ hưu ở tuổi 67.”

Điểm danh lại tám người con gồm năm trai, ba gái tôi thấy có sáu kỹ sư, một nha sĩ và một bác sĩ. Giờ thì ai cũng thành công trong sự nghiệp của mình và có gia đình riêng. Điều hết sức đặc biệt là năm nàng dâu và ba chàng rể của ông bà nếu không là kỹ sư, khoa học gia thì cũng là bác sĩ hay dược sĩ. Hiện tại ông đã 90 nên trí nhớ giảm sút nhiều nhưng bà 84, vẫn còn sáng suốt và minh mẫn lắm.  Bà đọc cho tôi ghi chép rất rõ họ tên và nghề nghiệp của năm nàng dâu là một bác sĩ nha khoa, một BS nhãn khoa, hai BS nha khoa và một dược sĩ. Về rể thì có một khoa học gia, một kỹ sư và một bác sĩ, bác sĩ này chính là bác sĩ gia đình của tôi từ nhiều năm nay.

Tôi thấy niềm hạnh phúc lớn nhất của ông bà trong tuổi xế chiều không phải ai mơ cũng được là ông bà có đến hai mươi mốt (21) đứa cháu nội ngoại, bao gồm mười hai cháu gái, chín cháu trai,đứa lớn nhất 32 tuổi, đang hành nghề bác sĩ, đứa nhỏ nhất là gái 11 tuổi. Tôi có ý nghĩ vui mà không nói ra là nếu có dịp hai mươi mốt đứa cháu xúm lại quậy phá thì ông bà chịu sao nổi. Thật ra, đây là một đại gia đình có nền tảng giáo dục và truyền thống văn hóa, đạo đức mẫu mực. Ngày thường thì ai ở nhà nấy, khi họp mặt đại gia đình với đầy đủ 39 thành viên thì sẽ đông vui biết mấy! Tôi thắc mắc không biết đông như thế này mỗi khi họp mặt gia đình thì tụ tập ở đâu. Bà trả lời ngay- thì ở đây chớ đâu, basement nhà tôi rộng lắm.

Mãi theo dõi câu chuyện hấp dẫn của bà, giờ mới nhìn lại tổng quát tổ ấm của đôi vợ chồng già. Nằm trên đường Tripp, thuộc thành phố Skokie, căn biệt lập không lớn lắm nhưng xinh xắn và khang trang. Từ phòng khách nhìn thẳng sát vách tường bên trong là tủ thờ dài từ vách phải sang vách trái, chia làm ba ô. Bên phải thờ Tổ Tiên. Ô giữa thờ Phật Thích ca, ô bên trái thờ Phật Di Đà và đức Quan Thế Âm với trái cây và những giò hoa lan tỏa hương dịu dàng, tinh khiết. Phía đưới bên trái có kê một bàn nhỏ trên đó có bộ chuông, mỏ và một vài cuốn kinh. Bà cho biết ngày nào ông bà cũng tụng hai thời kinh, sáng và tối. Nội thất trong nhà không phải là thứ đồ gỗ đắc tiền và rờm rà như của mấy ông đại gia quê mùa ở Việt Nam mà là sang trọng, thực dụng và hiện đại. Phòng nào cũng thoáng mát, sạch đẹp và trang nhã, tạo nên một không khí vừa thân thiện vừa ấm cúng. Khách khi bước vào nhà tự nhiên thấy mình trang trọng hẳn lên. Tôi thích nhất là cách trang trí trong nhà vì nó đơn giản mà tinh tế, cho biết chủ nhà là người có trình độ thẩm mỹ cao. Là dân nhiếp ảnh nên khi bước vào nhà là tôi để ý ngay những bức ảnh khổ lớn lộng kính treo trên tường bên phải. Nổi bật nhất là ảnh chụp ông bà và tám người con, ảnh thứ hai là đại gia đình.

 Tôi lấy cell phone ra chụp và đếm kỹ lại thì thấy có đầy đủ 39 thành viên trong gia đình. Hai ông bà ngồi giữa, xung quanh là những người con và các cháu, ai cũng trang phục lịch sự và đẹp mắt. Nhìn ảnh này tự nhiên trong tôi dâng lên niềm cảm xúc, vừa thán phục vừa tự hào mặc dầu tôi và gia đình này không liên hệ gì với nhau cả. Tôi hỏi hai ông bà sống trong căn nhà rộng như thế này không cảm thấy trống trải sao. Bà nói ngày nào chúng nó cũng thay phiên nhau đến thăm và theo dỏi sức khỏe của ông nên ông bà rất an tâm. Bà có mời tôi xuống xem cái basement ở tầng hầm cho biết. Tôi nói để lần sau, lần này tôi muốn nghe nhiều hơn về hoạt động của ông trong 43 năm qua, chắc chắn sẽ có nhiều điều thú vị.

Từ đầu Ông vẫn ngồi yên lặng cạnh bà, khi nghe tôi mở lời muốn biết về cái hội của ông thì ông sôi nổi hẳn lên. Ông nói: Trong 43 năm nay cộng đồng cứ ngộ nhận còn tôi thì không có dịp cãi chính. Nhân dịp này nhờ anh nói lại cho cộng đồng mình rõ. Ở Illinois này không có hội nào mang tên tôi cả. Đây là hội Travelers Aid của người Do Thái thành lập từ rất lâu, tôi chỉ là một nhân viên như nhiều người khác.Tôi dựa vào hội để giúp đỡ đồng hương mình ổn định đời sống khi mới đặt chân đến Mỹ. Thấy tôi làm việc có hiệu quả nên người ta đồn với nhau, nếu có khó khăn gì thì lên hội T A gặp tôi nhờ giúp đỡ.
Tiếp lời ông, tôi nói:  Không riêng gì cộng đồng người Việt mình mà chính tôi được nói chuyện với anh lần này mới biết được sự thật. Dầu sao đây cũng là điều lý thú, một sự ngô nhận đáng yêu. Phải không anh ? Anh có thể nói rõ hơn về những việc làm của mình không?  

Hướng đôi mắt nhân từ vào khoảng không xa xăm trước mặt như để gợi nhớ những hình ảnh đã qua, ông chậm rãi nói:  Sự thật cũng đâu có gì lớn.Tôi là người may mắn được qua đây tương đối sớm. Sau khi ổn định được cuộc sống gia đình, vào năm 1983 tôi lao vào việc giúp đỡ đồng hương với quan niệm người đến trước giúp người đến sau. Qua hội, tôi biết được lịch trình cụ thể của đồng hương mình sẽ đến Chicago, tôi lái xe ra phi trường đón họ. Trừ những gia đình có người bảo trợ (sponsor) hoặc có thân nhân, những người khác tôi đưa về building của tôi cho ở tạm thời gian đầu, giúp tìm việc cho họ, hướng dẫn họ đến các tổ chức, hội đoàn xin các chế độ dành cho người tỵ nạn. Bà nhà tôi cũng giúp cung cấp một phần thức ăn cho nhiều gia đình trong building. Tôi miệt mài với công việc giúp đỡ đồng hương khoản 10 năm thì bị bệnh, công việc của hội cũng ít lại nên tôi tự nguyện xin nghỉ việc để tham gia nhiều hơn vào sinh hoạt hội đoàn.

Về bịnh tình của ông , bà giải thích : Lúc đó ông bị bệnh gan còn hiện nay thì ông bị trầm cảm và suy giảm trí nhớ nặng là do ảnh hưởng từ bệnh cũ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Nghe tới đây tôi bỗng thấy tim mình đau nhói vì niềm đau dĩ vãng vô tình được khơi lại. Tôi chồm lên, cao giọng, nôn nóng cắt ngang lời bà : Sao lại là ngày lịch sử đó ? Bà vẫn điềm tỉnh: Anh làm sao vậy? Hãy kiên nhẫn nghe tôi nói rồi anh sẽ hiểu. Ông nhà tôi đang làm ở bộ Tư Pháp dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa được 21 năm thì chánh quyền Cộng sản vào tiếp thu. Không biết họ có nghiên cứu lý lịch của ông không mà họ đuổi ông khỏi cơ quan không cấp cho một tờ giấy lộn, trong lúc đó ở những cơ quan khác nhân viên cũ vẫn tiếp tục được sử dụng ít nhất là thời gian đầu. Ba ông tinh thông Hán học lẫn Tây học, thông thạo tiếng Hoa và tiếng Pháp. Ông vừa làm đại diện thương mại cho các công ty xuất nhập khẩu của người Hoa ở Chợ lớn, vừa làm thông dịch viên tòa án, bị Việt Minh nghi ngờ là làm gián điệp cho Pháp nên đã thủ tiêu khi ông về thăm quê vợ ở Tân Uyên, Biên Hòa. Lúc đó ông mới có 10 tuổi. Anh ruột ông làm thiếu tá VNCH tử trận năm 1967. Tôi có tiệm cầm đồ và tiệm vàng  tên là An Hòa ở Biên Hòa. Việc mua bán nữ trang cho khách hàng ngày là nhỏ. không đáng kể, chủ yếu là tôi mua bán vàng lá với nơi kinh doanh và sản xuất vàng là công ty Kim Thành. Ông thì theo dỏi giá vàng trên thị trường thế giới hàng ngày. Khi nào giá vàng xuống thì tôi thu vô, khi giá lên thì tôi bán ra. Nghe lời mẹ tôi dặn, tôi làm ăn lúc nào cũng giữ uy tín nên được khách hàng tin tưởng. Khi mua vào, tôi không cần phải trả tiền và lấy vàng ngay. Khi giá vàng lên tôi bán ra và chỉ đến nhận phần chênh lệch giá. Việc làm ăn của tôi trên đà thuận lợi và phát triển mạnh thì đùng một cái, Cộng Sản vào tịch thu hết tài sản mà gia đình tôi tạo dựng được tự bấy lâu nay. Từ hồi nào tới giờ người ta cân vàng bằng cân tiểu ly còn Cộng Sản thì cân vàng của tôi bằng cái cân của họ, đơn vị tính là ký, giống như cân khoai, cân thịt ngoài chợ. Khi cân vàng xong thì họ cho vào một cái thùng, chở tôi đến một tòa nhà gần ngã sáu Sàigòn rồi bảo tôi tự tay lấy vàng của mình bỏ vào tủ sắt. Họ làm như chuyện này là do tôi tự nguyện, tự tay tôi làm chớ không ai bắt buộc. Xong xuôi, họ cấp cho tôi một biên nhận và nói khi nào nhà nước quy đổi, định giá xong sẽ trả cho tôi bằng tiền chớ người dân thì không được giữ quí kim. Họ tịch thu của tôi từ 3 đến 4 ký vàng tôi không nhớ chính xác. Bao nhiêu tiền và vàng gia đình tôi tiết kiệm và gửi ở các ngân hàng đều bị họ giữ lại. Mỗi sổ tiết kiệm chỉ được rút hai trăm ngàn rồi thôi.Khi Cộng sản chiếm miền Nam lần đầu tôi mới nghe thấy những từ “đánh tư sản” rồi thắc mắc tư sản cũng là người dân, có tội gì mà đánh? Mấy đứa con lớn của tôi đều học ở những trường  công lập danh tiếng như Petrus Ký, Lê Quí Đôn, Gia Long  cũng không được đến trường. Tất cả những mất mác trên dồn lại đã làm cho ông suy sụp, ông bị trầm cảm, mất ngủ ,và có ý định tự tử, phải đưa vào bệnh viện Sùng Chính chữa trị cũng không hết. Cuối cùng tôi rước ông về, đưa vào trại cưa để chăm sóc. Lúc đó tôi còn một trại cưa rất lớn, trại cưa Thanh Tâm ở Gò Vấp ai cũng biết. Trại cưa hoạt động được một thời gian thì cán bộ Cộng Sản vào nói chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa không chủ trương người bóc lột người, dựa vào quyền tư hữu. Quyền tư hữu không có trong chế độ mới mà chỉ có quyền công hữu và quyền làm chủ tập thể XHCN thôi, tức là chỉ có xí nghiệp quốc doanh và tổ hợp, hợp tác xã mới được công nhận, mọi hoạt động kinh tế tư nhân, cá thể là bất hợp pháp. Nghe họ nói, tôi biết họ muốn gì nên miễn cưỡng ký cái mẫu giấy in sẵn tự nguyện vào tổ hợp. Công nhân của tôi trở thành tổ viên, còn tôi được bầu làm tổ trưởng, tiếp tục điều hành xưởng cưa, dưới tên gọi mới là Tổ Hợp Thanh Tâm. Tưởng như thế là yên thân. Một ngày nọ cán bộ từ trên quận xuống, tập họp tổ viên lại, họ nói muốn biết tình hình hoạt động kể từ ngày thành lập tổ đến giờ ra sao. Mọi người nói vẫn tiến triển tốt. Chị Ba - công nhân vẫn thường thân mật gọi tôi như vậy- vừa lo sản xuất vừa chăm sóc đời sống và giúp đỡ chúng tôi trong những lúc khó khăn. Nghe xong thì họ bỏ về. Vài ngày sau họ xuống gặp riêng tôi và vào đề ngay. Họ nói dưới chế độ mới thì tổ trưởng hay tổ viên đều bình đẳng như nhau, thu nhập chia đều như nhau. Tiền đâu chị có để giúp đỡ tổ viên ? Chị vào tổ hợp để núp bóng, chị là tư sản trá hình, là CIA. Chị có nghe chuyện “ đập đầu tư sản” chưa? Họ nói thật sao chị ? Tôi ngạc nhiên hỏi. Rồi chị phản ứng ra sao? Chị nói : Tôi dùng lời lẽ nhẹ nhàng nhưng quyết liệt : Hưởng ứng chủ trương của đảng và nhà nước, tôi đã giao nhà xưởng, xe cộ, máy cưa, gỗ và tất cả tư liệu sản xuất cho mấy ông thành lập tổ, bây giờ mấy ông đòi đập đầu tôi là nghĩa lý gì? Tôi khẳng định tôi không phải là tư sản trá hình, cũng không phải CIA. Chừng nào mấy ông có bằng chứng tôi là CIA thì cứ việc xử tôi chớ đừng vu khống và hâm dọa tôi. Mặc dầu nói thế nhưng trong đầu tôi lúc đó nảy sinh một ý nghĩ: Giọt nước cuối cùng đã làm tràn ly. Chúng tôi không thể nào sống dưới chế độ Cộng sản được và phải ra đi thôi. Nghĩ tới bịnh tình của ông chồng và tương lai của tám đứa con, tôi càng quyết tâm phải ra đi, mặc dầu chưa biết là sẽ đi đâu. Quyết định của tôi được má tôi ủng hộ, giúp gia đình tôi vượt biên đến được nước Mỹ và nhờ nước Mỹ mà gia đình chúng tôi mới có được ngày hôm nay.

Bao nhiêu nỗi uất ức trong lòng tự bấy lâu nay có dịp nói ra, tôi thấy gương mặt bà rất thư giãn, tâm hồn bà chắc cũng nhẹ nhàng. Tôi chuyển sang đề tài khác:

Nhà cầm quyền Cộng sản cư xử với gia đình chị như thế nhưng tôi được biết rất nhiều lần chị về Việt Nam, như vậy có mâu thuẫn hay không ? Động lực nào khiến chị làm như vậy? Vì tôi biết có nhiều người không riêng gì ở Mỹ mà ở khắp nơi trên thế giới thề là sẽ không bao giờ về Việt Nam nếu chế độ Cộng Sản còn tồn tại. Bà mỉm cười và nói : Cám ơn câu hỏi rất hay của anh để tôi có dịp giải thích rõ công việc mình làm. Mặc dầu không ưa gì chế độ nhưng tôi vẫn yêu quê hương nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi thương đồng bào tôi đang lầm than, nghèo khó nơi quê nhà.Tôi về Việt Nam là để làm từ thiện và cách làm của tôi thì khác người ta.Tôi không cần phô trương để đánh bóng tên tuổi mình. Tôi không tổ chức gây quỹ và không kêu gọi mạnh thường quân đóng góp mà tôi tự bỏ tiền của cá nhân và mấy đứa con tôi góp lại để làm. Do đó tôi không phải “sao kê” hay giải trình với ai cả. Tôi làm ở Việt Nam không qua một tổ chức hay trung gian nào mà chỉ dựa vào bà con thân tín giới thiệu tôi với chánh quyền địa phương, phối hợp với người dân để cùng làm. Tôi làm từ thiện từ năm1991đến năm 2016 là 25 năm, lúc tôi 78 tuổi thì tạm ngưng. Tôi về Việt Nam tổng cộng 8 lần, mỗi lần một vài tháng và đi hầu như khắp mọi miền đất nước từ miền Đông xuống miền Tây, ra các tỉnh miền Trung, kể cả Hà Nội.Tôi thăm viếng, ủy lạo, phát quà trong nhà thương điên, viện dưỡng lão, cô nhi viện, xây nhà tình thương, làm giếng nước, ủng hộ các chùa chiềng, bảo trợ học sinh nghèo hiếu học, tổ chức đội ngũ y tá, bác sĩ từ Mỹ về, khám bệnh, phát thuốc cho người dân.Con trai tôi, một nha sĩ về Việt Nam với tôi nhiều lần, được báo chí Việt Nam hết lời khen ngợi.Có một lần ông chồng tôi cũng về tham gia công tác với tôi.Mặc dầu không còn về Việt Nam, tháng nào tôi cũng gửi tiền về giúp những trường hợp khó khăn ở quê nhà.Còn động lực thúc đẩy tôi làm từ thiện chính là má của tôi, má tôi rất nhiệt tình trong việc làm từ thiện và khuyến khích tôi từ nhỏ. Nay bà đã mất và tôi tiếp tục việc làm của má tôi thôi.

Thấy phần nói về công tác từ thiện của bà khá đầy đủ, tôi quay sang ông hỏi về sinh hoạt cộng đồng sau khi ông rời khỏi hội Do Thái. Vì là gốc người Huế nên ông là thành viên của Hội đồng Hương Huế- Quảng Trị, đồng thời ông cũng sinh hoạt bên Hội Cao Niên cũng như các hội đoàn khác. Hội đoàn nào ông cũng ủng hộ tài chánh nếu có yêu cầu. Bà bổ sung thêm: Ông tích cực trong sinh hoạt cộng đồng nhưng không bao giờ tranh cử hay tranh chấp địa vị, chức vụ hay quyền lợi gì với ai cho nên trong cộng đồng ai cũng kính trọng và quí mến. Đang ngồi nói chuyện bất ngờ ông tháo sợi dây chuyền vàng đang đeo trên cổ ra khoe với tôi. Tôi thật sự bất ngờ, bàng hoàng và xúc động khi đọc được trên mặt tấm lắc hình tròn khắc tên ông với những dòng chữ : Người này bị bệnh Alzheimer’s ( Mất trí nhớ)   Ai trông thấy làm ơn gọi số.....

Thật ra, tôi đã biết trí nhớ của ông suy giảm rất nhiều. Có lần tôi hỏi ông bao nhiêu tuổi, ông trả lời là 98, hỏi ông có mấy người con ông cũng không biết và ông chỉ nói được tên hai đứa con trai đầu rồi thôi. Mặc dầu về già ai cũng mắc bệnh, không bệnh này thì bệnh kia.Nhưng tôi thấy buồn quá khi nghĩ tới rồi đến một ngày ông sẽ không còn biết mình là ai, không biết mọi người là ai. Chắc chắn vợ con và những đứa cháu của ông lúc nào cũng bên cạnh ông, nhưng người đời sẽ có mấy ai còn nhớ đến ông, kể cả những người được ông giúp đỡ?

Lời kết: Tiếp xúc với ông bà, chủ yếu là nói chuyện với bà trong ba tiếng đồng hồ, tôi xin phép ra về mà lòng thì nặng trĩu với những ý tưởng lan man. Ước nguyện cuối cùng của bà là mai đây khi ông bà mãn phần thì tro cốt sẽ được con cháu đem đến tu viện Lộc Uyển gửi trên một ngọn núi ở San Diego California rồi sau một thời gian sẽ rải xuống biển Thái Bình Dương. Biết đâu sẽ trôi về tới Việt Nam- tôi nghĩ thế. Có phải ý bà muốn nói không sống được ở Việt Nam thì chết sẽ quay về?

Nhớ lại việc bà âm thầm và kiên trì về Việt Nam làm từ thiện rồi nghĩ đến các nghệ sĩ và cá nhân ở Việt Nam kêu gọi người dân gửi tiền vào tài khoản của mình số tiến lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nói là để làm từ thiện. Nhưng có bị ăn chận hay không? Chỉ có ông trời mới biết.

Trong khi tôi đang viết bài này cơn đại dịch Covid 19 từ ba năm nay vẫn còn đang tiếp tục hoành hành ở Việt Nam với nhiều biến chủng nguy hiểm, làm khốn đốn người dân thì các quan chức, ban ngành trung ương cấu kết với các tham quan ở các tỉnh nâng giá các bộ xét nghiệm Việt Đức kit SARS- Cov2 kém chất lượng lên hàng chục, hàng trăm lần giá thực tế bắt người dân mua để thu lợi bất chánh nhiều ngàn tỷ đồng. Việc ăn hối lộ và tham nhũng ở bô ngoại giao trong các chuyến bay giải cứu công dânViệt Nam mắc kẹt ở nước ngoài trong suốt hai năm vì đại dịch là cực kỳ tàn nhẫn và vô nhân đạo đối với đồng loại của mình. Câu thành ngữ “ Sống chết mặc bây, tiền thày bỏ túi” mô tả tình hình ở Việt Nam bây giờ là vô cùng chính xác. Trong suốt buổi nói chuyện, hai ông bà không có một lời oán trách chế độ. Trong bài viết này không một cái tên nào trong gia đình được nhắc đến. Đó là theo yêu cầu của ông bà. Chính điều này làm tôi vô vùng khâm phục.

Một lần nữa ngày 30 tháng 4 lại về. Bên này gọi là ngày quốc hận, bên kia gọi là ngày đại thắng. Danh từ, tên gọi không quan trọng. Quan trọng là bản chất của vấn đề, của sự kiện. Đó là ngày lịch sử, ngày định mệnh, ngày quyết định số phận của cả dân tộc, của cả miền Nam chớ không riêng gì gia đình  nào hay cá nhân nào. Riêng gia đình ông bà mà tôi đang nói chuyện ở đây có cái may là đã đến được nước Mỹ, được người Mỹ dang rộng vòng tay đón chào. Từ nước Mỹ, những người con của ông bà đã được học hành, thành đạt, đã trở thành những công dân ưu tú, phụng sự đất nước, phát triển cộng đồng. Từ đó, ông bà có điều kiện về Việt Nam giúp đỡ đồng bào nghèo khó ở quê nhà. Một lần nữa, xin cám ơn nước Mỹ, cám ơn gia đình mà tôi vô cùng ngưỡng mộ
 
Chicago, những ngày cuối tháng 4 năm 2022
 

Ý kiến bạn đọc
10/06/202220:06:33
Khách
Toà soạn có mục tìm người không?
Tôi cư ngụ tại Montreal Canada muốn tìm gặp 4 anh em đã vượt biên từ Đà Nẵng đến Hồng Kông bằng ghe thúng những năm 80. Mong các đọc giã VB giúp tìm lại.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,978
Buổi sáng vào sở hắn được người Giám đốc cho biết hôm nay hắn sẽ đem giao xe ở Uvalde City Dealership, lấy một chiếc khác ở đó mang đi giao ở San Antonio, xong sẽ có một chiếc cho hắn mang về. Nhưng khi đến Uvalde thì được chủ gọi về ngay. Hắn bồn chồn hỏi lý do nhưng người chủ hãng chỉ nói, “Mầy lấy chiếc xe dự định đem đi San Antonio mang về đây để ngày mai sẽ giao. Mầy lái xe về cẩn thận, dù không có gì nghiêm trọng lắm nhưng mầy cần phải về ngay.”Trên đường về, đầu óc hắn suy nghĩ lung tung. Không biết chuyện gì xảy ra mà bị gọi về ngay như vậy! Hai chú em có vấn đề gì không. Trong đầu hắn tư tưởng lộn xộn
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. Bài viết này của ông không phải chuyện buồn, mà là... buồn cười. Viết Về Nước Mỹ mời đọc bài viết mới có duyên, hóm hỉnh của tác giả Phước An Thy.
Jen đưa tay lên vuốt nhẹ chiếc áo dài trước khi trao nó lại cho Annie, đứa con gái riêng của nàng. Chiếc áo màu đỏ được dệt bằng vải gấm được điểm tô vài cánh lá trúc màu vàng kim lấp lánh. Chiếc áo mà nàng nhờ người bạn mua giùm khi nàng còn ở trường đại học. Nàng dự định mặc chiếc áo này trong ngày cưới với Don. Nàng quen Don khi cả hai còn học chung trường Virginia Commonwealth University. Don học về kỹ sư điện tử, còn nàng học về hóa sinh. Don đang hoàn tất chương trình kỹ sư và đang thực tập ở một công ty gần nhà. Còn nàng chỉ mới vào năm thứ hai. Don là người gốc Mỹ gốc Việt. Tên tiếng Việt của anh là Trần Nguyên Đức.
Trong cuộc đời, tôi có hai lần lo âu quá sức. Lần thứ nhất là gặp cơn giông tố sau khi bị cướp biển rồi phá hư máy khi vượt biên 42 năm trước và lần này qua cơn bão IAN. Thử tưởng tượng ban đêm trong nhà tối om, ngoài trời mưa gió vần vũ, những cơn gió hú vang bên ngoài cộng với sấm chớp đì đùng, mà mình bị cắt mọi thông tin với bên ngoài thì không lo âu sao được.
Vào những năm cuối của thập niên 1990 đầu những năm 2000, tôi thường có dịp đi công tác qua Nhật hay Hong Kong để đặt hàng và duyệt hàng trước khi nhập về hãng. Trong số hơn 300 hành khách cùng có mặt với tôi trên những chiếc Boeing 747, chiếc máy bay thông dụng cho các chuyến bay đường dài thời đó, tôi luôn gặp các đồng hương Việt Nam. Họ đều đáp cùng chuyến bay với tôi từ Mỹ về đến Tokyo hay Hong Kong để từ đó bay về Việt Nam. Nói chung tôi biết họ là người Việt do các câu chuyện họ đối thoại rôm rả cùng nhau trong lúc chờ đợi. Ngược lại có lẽ ít ai trong số họ có thể biết được tôi là người Việt Nam vì tôi thường đi cùng với các đồng nghiệp Mỹ hay Nhật
Ngọc Hạnh - Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây là bài bà mới viết về chuyến đi chơi Virginia Beach.
Hồi mới đến Mỹ, nghe nhiều người Việt đi làm nghề may, tôi tưởng bở nghĩ mình từng tốt nghiệp từ nhà may nổi tiếng Thiết Lập Sàigon, từng mở lớp dạy cắt may Âu Việt Phục Nam Nữ, mỗi khoá cũng trên vài chục học viên; từng sử dụng các loại máy may, máy vắt sổ thêu ren các thứ, chắc sẽ kiếm được khá tiền, nên xăng xái đến shop may xin việc. Bà chủ shop người Tàu Việt thấy dân mới qua ngơ ngáo nên ăn hiếp, bắt tôi mượn tiền mua chở tới hai cái máy may công nghiệp xịn hiệu JUKI của Nhật, một cái để may, cái kia 5 kim để vắt sổ và các loại zíc zắc
Hắn yên lặng bước đi cùng ông ta, tự hỏi “Phòng dưới cầu tầu…chẳng lẽ ông ta là homeless?” Quả nhiên, khi xuống, ông ta chỉ một cái vòm lõm vào chân cầu “Vâng đây là phòng của tôi từ cả năm nay rồi, mời ông.” Cái vòm cao, rộng, đủ cho một người nằm; chắc chắn không sợ nắng mưa. Ông ta chỉ bậc đá nói :”Mời ông ngồi, tôi pha tách cà phê sáng, rồi xin phép ông cho tôi nói chuyện.”
Đã bao người làm công việc đưa học trò qua đường giờ tan học ở ngã tư trường học này? Chắc chắn có những người đã ra thiên cổ, những người đang sống những ngày cuối đời trong các viện dưỡng lão, những người bị covid-19 cướp đi sinh mạng khi còn muốn làm công việc của người lớn tuổi để trả ơn những người lớn tuổi khi họ còn là một cậu nhóc, cô bé với ngôi trường tiểu học của họ ở đâu đó trên nước Mỹ bao la. Nên không có gì để bi lụy vì người ta thì già đi và qua đời là lẽ tự nhiên, cái còn lại đáng qúy là văn hoá Mỹ, cái văn hoá sau khi về hưu thì đi làm công việc đưa trẻ nhỏ qua đường sau mỗi buổi học theo định nghĩa về văn hoá đơn giản nhất: “Cái gì lập đi lập lại thành thói quen, thói quen lập đi lập lại thành phong tục, phong tục lập đi lập lại thành văn hoá”.
Mặc dầu không phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tôi cũng thực hiện được nhiều bức ảnh đẹp. Nước Mỹ rộng bao la nên không thiếu những cảnh đẹp, do bàn tay con người dựng lên cũng có, do tạo hóa sáng tạo cũng có: Mùa Xuân với hoa anh đào trên dòng sông Potomac ở Washington DC, mùa Hè ở Grand Canyon, Arizona, mùa Thu ở San Juans, mùa Đông thì có rừng thông, núi tuyết ở Yellow Stone, tiểu bang Wyoming … Tôi lại nghĩ, sẽ đẹp biết bao nếu những bức ảnh của tôi có mang ý nghĩa nhân bản một cách tự nhiên, không dàn dựng, không hư cấu, không cần photoshop can thiệp.Tôi cho đó là những bức ảnh có hồn, khác với những bức ảnh đẹp về nghệ thuật mà vô tri, vô giác! Trong suốt thời gian sống ở Mỹ, tôi vẫn để tâm theo đuổi mục tiêu đó.
Nhạc sĩ Cung Tiến